Hóc Môn 18 Thôn Vườn Trầu


Mười Tám Thôn Vườn Trầu xưa được sách Gia Định thành thông chí gọi theo cách chữ Hán là Phù Lưu Viên (vườn trầu) để chỉ miệt vườn Bà Điểm – Hóc Môn. Dưới thời Minh Mạng (1820 – 1840) đấy là các thôn thuộc tổng Dương Hòa Thượng, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Nay Vườn Trần thuộc huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay.
Vị trí: Mười tám Thôn vườn trầu thuộc xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, ngoại vi Tp. Hồ Chí Minh, cách trung tâm thành phố chưa đầy 10km.
Ðặc điểm: Bà con sinh sống lâu đời ở đây coi trồng trầu là một nghề ăn nên làm ra. Do vậy mà, vườn nhà nọ nối với vườn nhà kia bằng một màu xanh bất tận của cây trầu.
Phù Lưu Viên, theo sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức nguyên là một vùng hiểm yếu, có nhiều rừng rậm, mãnh hổ thường bắt người, nên tục ngữ có câu “dữ như cọp Vườn Trầu”. Tuy thế, ở chỗ thị tứ thì dân cư đông đúc, có nhiều vườn trầu. Mỗi lúc đi bán trầu, các nhà vườn thường rủ nhau cùng nhập toán lên đến ba, bốn mươi người gồng gánh đem trầu về bán tận Sài Gòn, Bến Nghé.
Mười Tám Thôn Vườn Trầu còn nổi tiếng với nghề nuôi ngựa đua:
Trải xem Thập Bát Phù Viên,
Một nơi Bà Điểm khuôn viên mỹ miều.
Ngựa hay mua sắm quá nhiều,
Mỗi kỳ đua ngựa thảy đều có ăn.
Hai mươi hai hạt xa gần,
Tiếng ngựa Bà Điểm ai bằng đặng đâu
Và nghề nuôi gà đá:
Tiếng đồn gà đá chưn trơn
Thời gà Bà Điểm lắm cơm ăn tiền.
Mười Tám Thôn Vườn Trầu là quê hương và đồng thời là một trong các địa bàn hoạt động của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh, người đã lập nên tờ báo “La Cloche fêlée”, “La Lutte” công kích giới quan lại thối nát và lên án thực dân Pháp.
Điểm nổi bật nhất của Mười Tám Thôn Vườn Trầu là tinh thần đoàn kết chiến đấu, là tính cách mạng rất sớm ngay từ khi đất nước mới sa vào vòng lệ thuộc. Phản ứng của nhân dân Mười Tám Thôn Vườn Trầu trước cảnh áp bức là:
Mười tám thôn ruột đau như chỉ thắt
Dân Hóc Môn tợ muối xát lòng
Mùa xuân năm 1885, nông dân Hóc Môn và Đức Hòa, dưới sự chỉ huy của hai ông Phan Công Hớn (người Bà Điểm) và ông Nguyễn Văn Quá (người Đức Hòa) đã đứng lên khởi nghĩa. Trấn quận Hóc Môn lúc bấy giờ là đốc phủ Trần Tử Ca, nổi tiếng là tên tay sát khát máu và đắc lực của thực dân Pháp:
Xe song mã sướng đà quá sướng
Dân bần tiện lòng kia chẳng tưởng
Eép lấy dầu, nạp thiểu thâu đa
(vè Quản Hớn)
Đêm 30 rạng mồng một Tết Ất Dậu (1885), nhân dân Hóc Môn nổi lên chiếm Hóc Môn:
Gậy tầm vông, võ ống vai mang,
Qua giờ dậu đoạt nơi yểm lộ.
Dân Hóc Môn bắn chết Đốc phủ Ca, bêu đầu lên cột đèn trước chợ rồi kéo rốc về Sài Gòn, nhưng chỉ đến Bình Hòa thì đụng phải quân Pháp. Cuộc khởi nghĩa bị đàn áp đẫm máu. Nghĩa quân thua trận.
Tinh thần của Mười Tám Thôn Vườn Trầu không ngừng lại ở đấy mà tiếp tục vào các giai đoạn sau.
Mười Tám Thôn Vườn Trầu với những gia đình cơ sở cách mạng trung kiên chí cốt đã là địa bàn hoạt động của Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam ngay từ thập kỷ đầu của Đảng. Tại đây đã có mặt các nhà lãnh đạo cách mạng như Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần… cũng tại đây đã diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng và quyết định của Trung Ương Đảng. Hai hội nghị Trung Ương lần thứ tư vào năm 1937, lần thứ năm vào năm 1938 đều họp tại ấp Tiền Lân. Đặc biệt hội nghị Trung Ương Đảng lần thứ sáu vào năm 1939 họp tại ấp Tây Bắc Lân, các nhà cách mạng Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần tham dự. Hội nghị đã giải quyết những vấn đề chiến lược nhằm đánh đổ chính quyền đế quốc và tay sai bằng cách vận dụng thời cơ từ cuộc chiến tranh thế giới để giành chính quyền.
Cuộc Khởi Nghĩa Nam Kỳ bùng nổ đầu tiên tại Hóc Môn vào rạng sáng 23 tháng 11 năm 1940. Người dân Mười Tám Thôn Vườn Trầu tự vũ trang bằng gậy gộc, giáo mác đánh vào các cơ quan hành chính của Pháp. Cuộc khởi nghĩa bị đàn áp đẫm máu. Các nhà lãnh đạo chủ chốt Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần bị bắt và bị xử bắn ngay tại trên mảnh đất Hóc Môn. Dù bị đàn áp, người dân Mười Tám Thôn Vườn Trầu vẫn kiên cường tiếp tục chiến đấu, góp công to lớn cho sự nghiệp giải phóng và thống nhất của đất nước.
Ngày nay Mười Tám Thôn Vườn Trầu đang nỗ lực xây dựng kinh tế, trở thành vùng trọng điểm chuyên canh rau của Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt trong thời gian gần đây Hóc Môn phát triển nhanh đàn bò sữa và cũng đang trở thành vùng trọng điểm vành đai bò sữa của thành phố. Một loại hình hợp tác mới nhằm giúp nhau làm ăn, đóng góp cho sự phát triển của địa phương cũng đang hình thành tại đây. Đó là sự ra đời của các nhóm làm kinh tế gia đình – khuyến nông có mục đích hỗ tương giúp đỡ để áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào nông nghiệp, chăn nuôi, sưu tập vườn cây…
Danh xưng Mười Tám Thôn Vườn Trầu mãi mãi là ấn tượng về một địa danh giàu tính truyền thống và cách mạng.
Mười tám Thôn vườn trầu thuộc địa phận huyện Hóc Môn, ngoại vi Sài gòn , cách trung tâm thành phố chưa đầy 10 km. Từ xa xưa, dân vùng này đã nổi tiếng là khẳng khái, trọng nghĩa khinh tài, giàu lòng tương thân tương ái. Vua tôi nhà Nguyễn cũng phải mặc nhiên chấp nhận lẽ thời của những người dân “cứng đầu cứng cổ” ở nơi đây.
Thời ấy Mười tám Thôn vườn trầu lắm thứ dữ, cảnh trí hoang sơn, cỏ cây rậm rạp. Nhắc tới địa danh này, nhiều cụ cao niên cho biết ngày xưa ở đây nhiều hổ lắm, “ông ba mươi” đi trên đường làng giữa ban ngày, còn ban đêm thì thả sức tung hoành quấy phá, bởi vậy mới có câu truyền miệng “dữ như hổ Mười tám Thôn vườn trầu”. Bà con sinh sống lâu đời ở đây coi trồng trầu là một nghề ăn nên làm ra. Do vậy mà, vườn nhà nọ nối với vườn nhà kia bằng một màu xanh bất tận của cây trầu. Nghề nuôi ngựa, nuôi gà chọi cũng là một trong những nghề nổi tiếng ở đây. Buổi đầu Pháp xâm chiếm Nam Bộ, giữa tết năm ất Dậu (1885), nhân dân Mười tám Thôn vườn trầu đã nổi dậy, khởi nghĩa giết đốc phủ Ca, một tên tay sai gian ác, rồi kéo quân vào Sài Gòn…..
Năm 1930 khi Ðảng Cộng Sản Ðông Dương ra đời thì Mười tám Thôn vườn trầu được chọn làm hậu cứ, nơi nuôi dưỡng các cán bộ lãnh đạo của Ðảng, nơi cất dấu tài liệu bí mật của Ðảng. Trong khoảng thời gian năm 1930 đến 1940, bà con Mười tám Thôn vườn trầu đã bảo vệ, che dấu, nuôi nấng nhiều chiến sĩ cộng sản, nhiều người con ưu tú của giai cấp công nhân, của dân tộc Việt Nam: Nguyễn Văn Cừ, Phan Ðăng Lưu, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Quốc Việt, Lê Duẩn……Tin vào dân, dựa vào dân, Trung ương Ðảng đã tổ chức ở đây ba cuộc họp quan trọng. Tháng 3 năm 1937 Trung ương Ðảng họp hội nghị mở rộng kiểm điểm tình hình, bàn chủ trương biện pháp cụ thể, nhất là công tác mặt trận và công tác đấu tranh hợp pháp để đẩy mạnh phong trào cách mạng tại ấp Tiến Lâm. Cũng tại ấp này, tháng 3 năm 1938, Trung ương Ðảng họp hội nghị toàn thể kiểm điểm ưu khuyết điểm về các mặt công tác: xây dựng Ðảng, tổ chức quần chúng, xây dựng mặt trận. Và đề ra những chủ trương cụ thể nhằm phát huy thắng lợi đã giành được, đưa phong trào đấu tranh dân chủ lên một bước nữa. Từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 11 năm 1939, hội nghị Trung ương Ðảng lần thứ 6 khai mạc tại ấp Tây Bắc Lân – Mười tám Thôn vườn trầu với sự tham gia của các đồng chí Nguyễn Văn Cừ (Tổng bí thư), Lê Duẩn, Phan Ðăng Lưu, Võ Văn Tần….. Hội nghị đã bàn toàn diện các chủ trương của Ðảng trong tình hình mới. Ðêm 23 tháng 11 năm 1940, khởi nghĩa Nam kỳ bùng nổ. Cả một vùng rộng lớn nông thôn Nam Bộ rung chuyển trước sức nổi dậy, tiến công của quần chúng cách mạng. Ngày đó, bà con Mười tám Thôn vườn trầu tự vũ trang bằng gậy gộc, giáo mác đánh vào các cơ quan hành chính của thực dân Pháp. Do điều kiện chưa chín muồi, cuộc khởi nghĩa này đã thất bại. Thực dân Pháp dựng trường bắn ngay tại thị trấn Hóc Môn – chỗ ngã ba Giồng. Tại đây, những người con ưu tú của dân tộc, những cán bộ xuất sắc của Ðảng: Nguyễn văn Cừ, Võ Văn Tần,. Phan Ðăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai…….. đã ngã xuống.
Ngày nay Hóc Môn vẫn còn những di tích lịch sử ghi dấu những giai đoạn lịch sử anh hùng của nhân dân Hóc Môn cùng nhân dân Nam Bộ đấu tranh anh dũng kiên cường với thực dân Pháp, đế quốc Mỹ dành độc lập. Nhưng “Bia căm thù” ở Cầu Xáng, khu di tích Nam Kỳ Khởi Nghĩa ở Ngã ba Giồng, bia kỷ niệm liệt sĩ Nguyễn Thị Minh Khai… Cùng với địa danh 18 Thôn vườn trầu Bà Ðiểm, Hóc Môn mãi mãi vẫn còn lưu danh khi nói đến Hóc Môn. Cùng với những thành tích vẻ vang trong 2 cuộc kháng chiến, huyện Hóc Môn xứng đáng được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng, trong đó có 3 xã là 3 đơn vị anh hùng là xã Xuân Thới Thượng, Tân Xuân và Bà điểm.

Nhận xét