Thư pháp và hội hoạ Trung Quốc



Mục lục


Nguồn gốc và tiến trình của hội hoạ Trung Quốc

Tranh Thẩm Chu (đời Minh)

Hội họa và viết chữ (thư pháp) có nguồn gốc gần gũi nhau đến nỗi khó mà tách chúng ra được. Trong số những mảnh xương trinh bốc 貞卜 (cũng gọi là giáp cốt 甲骨) thuộc đời Thương (khoảng 1766-1122 tcn) có một mai rùa mà trên đó ghi chép chu kỳ ngày tháng bói toán và vẽ hình một con voi lớn với một con voi nhỏ hơn nằm trong bụng voi lớn, tượng trưng cho sự cưu mang. Điều này cho thấy hội họa và viết chữ đã xuất hiện từ thời cổ xưa. Đồng thời nó cũng chứng minh mối quan hệ mật thiết từ thuở đầu của hội họa và viết chữ. Do đó rất nhiều người đã đề ra thuyết «Thư hoạ đồng nguyên» 書畫同源 (thư pháp và hội hoạ có chung một nguồn) trong lịch sử mỹ thuật Trung Quốc.
Tranh chân dung đời Tống
Tư liệu cổ nhất ghi chép về hội họa có lẽ là Thư Kinh 書經, trong đó phần Thương Thư (sách chép về đời Thương) có đề cập việc vua Vũ Đinh (tức Cao Tông, 1324-1266 tcn) nằm mộng thấy Thượng Đế ban cho một vị tài đức giúp nước. Sau đó vua hạ lệnh cho thợ họa lại chân dung người mà ngài mộng thấy, rồi dùng bức chân dung đó mà tìm kiếm vị hiền tài ấy. Cuối cùng vua tìm được ông Phó Duyệt, cùng đàm đạo tương đắc, vua bèn phong cho ông Duyệt làm tể tướng. Thiên Duyệt Mệnh thượng của Thương Thư chép: «Mộng Đế lại dư lương bật, kỳ đại dư ngôn. Nãi thẩm quyết tượng, tỉ dĩ hình bàng cầu vu thiên hạ. Duyệt trúc Phó Nham chi dã, duy tiếu, Viên lập tác tướng.» 夢帝賚予良弼其代予言乃審厥象俾以形旁求于天下說築傅岩之野惟肖爰立作相("Ta chiêm bao thấy Thượng Đế cho ta một bậc hiền lương giúp đỡ, người ấy thay ta mà phát ngôn!"  Vua bèn sai vẽ đúng hình người trong mộng để tìm khắp thiên hạ. Ông Duyệt ở cánh đồng Phó Nham là người duy nhất giống hệt [tranh vẽ]. Vua bèn cất ông Duyệt làm Tể tướng.) Giai đoạn này xảy ra cách nay ít nhất 3000 năm, có thể gọi là cái mốc cho hội họa Trung Quốc.
Vào đời Chu (1122-211), nơi Minh Đường – nơi cử hành đại lễ của đế vương và chư hầu thời cổ đại – có treo tranh chân dung của Nghiêu, Thuấn, Kiệt, Trụ. Mỗi vua với vẻ mặt thánh thiện hoặc hung ác, tượng trưng đầy cảnh giác về sự hưng vong của triều đại. Rõ ràng qua những bức chân dung này người xem có thể rút ra bài học về nhân nghĩa và phép trị nước.
Một bức tranh lụa được các nhà khảo cổ khai quật tại Trường Sa thuộc tỉnh Hồ Nam mà họ xác định vào thời Chiến Quốc (481-221), miêu tả một nữ nhân được rồng phượng vây quanh. Bởi bức tranh được tìm thấy trong ngôi mộ nên người ta cho rằng nó phục vụ cho mục đích tôn giáo.
Tranh của Đường Dần (đời Minh)
Ngoài ra còn có những bức chân dung các vị chính khách tại Kỳ Lân Các (nơi trưng bày tranh vẽ các bậc công thần nhà Hán, 206 tcn-220 cn) và 28 bức chân dung công thần tại Vân Đài (đài cao vút tận mây) thời Hán Minh Đế (58-76) để truy niệm 28 tiên hiền. Tiếc thay các bức tranh này cũng như công trình kiến trúc đã bị hủy hoại theo thời gian. Một số tranh chân dung đời Hán hiện trưng bày ở Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật Boston.
Hẳn chúng ta còn nhớ giai thoại về Hán Nguyên Đế (48-33) và nàng Vương Chiêu Quân. Tương truyền vua có lắm cung phi đến nỗi không biết hết mặt họ. Vua bèn giao Mao Diên Thọ họa lại chân dung các nàng. Các cung phi mỹ nữ đưa nhau hối lộ Mao để được họa thật đẹp. Chỉ có một người thì không, đó là nàng cung nữ đẹp nhất bọn tên Vương Chiêu Quân. Chỉ vì căn cứ theo tấm họa xấu xí về nàng mà sau này vua ra lệnh đem nàng ban cho một thủ lĩnh rợ Hồ. Ngay lúc nàng Vương rời khỏi cung điện để tiến cống rợ Hồ, vua trông thấy mặt nàng thì bàng hoàng hoảng hốt và tự trách mình quá sơ suất. Nhưng lệnh thi hành rồi rút lại không kịp nữa. Mao Diên Thọ bị trừng phạt đến chết – có lẽ vì dám để sổng mất «quốc bảo» của vua hơn là vì tội nhận hối lộ. Còn nàng Vương một ít lâu sau cũng qua đời nơi thảo nguyên vì quá xót thân tủi phận. Câu chuyện lâm li này ít ra cũng cho thấy trình độ họa chân dung thời đó cũng là khá cao. Hiện nay tại British Museum có bức «Huấn luyện tài nhân» (dạy các cô gái biết ca múa để đưa vào cung) của Cố Khải Chi, đời Tấn. Đây là bức tranh về nhân vật tiêu biểu. Một số người cho rằng đây không phải là chân bút họ Cố, nếu sao chép được như vậy cũng là quá trung thực rồi. Bức tranh này cho thấy sự thành tựu của loại tranh nhân vật vào thế kỷ IV cn.
Một ngôi thạch mộ đang trưng bày tại Nelson Gallery, Kansas city, được xác định vào thời Lục Triều (525 cn) có chạm nổi các gương hiếu tử như Thái Thuận, Đồng Vinh, bên hông mộ có hình núi non cây cối dùng trang trí. Đây cũng có lẽ là đầu mối của lối vẽ phong cảnh về sau.
Tranh đời Tùy (581-618)  đa số mang chủ đề Phật giáo phản ảnh tinh thần sùng thượng tôn giáo. Vào đời Đường (618-907) nổi tiếng nhất là Ngô Đạo Tử và các môn đệ của ông. Mặc dù ngày nay người ta không còn tác phẩm nào của Ngô Đạo Tử, nhưng các bức tranh khai quật ở lăng mộ Vinh Thái Công Chủ cũng biểu lộ sự thành tựu tốt đẹp về tranh nhân vật đời Đường. Tương truyền vào đầu nhà Đường, Ngô Đạo Tử và Lý Tư Huấn mỗi người một bức sơn thủy trên vách Đại Đồng Điện. Tuy bút pháp hai nhà khác nhau nhưng cả hai tác phẩm đều được tán dương là thần bút. Điều này cho thấy sự tiến triển về tranh phong cảnh từ đời Lục Triều cho tới đời Đường.
Theo lời nhà phê bình nghệ thuật Trương Ngạn Viễn (đời Đường) thì trước đời Đường tranh nhân vật rất quan trọng vì mục đích thực tiễn đến chính trị và tôn giáo của nó. Tranh họa nhằm giáo hóa và đề cao nhân luân nữa. Tiếc thay phần lớn tranh này không còn nữa. Những tranh mà các nhà khảo cổ khai quật được dù sao cũng cho ta nét đại cương về hội họa thuở ấy.
Tranh hoa điểu nổi bật sau tranh phong cảnh. Bắt đầu là Biên Loan (đời Đường) tiếp theo là Từ Hi và Hoàng Thuyên (Thời Ngũ Đại). Tranh hoa điểu thịnh đạt nhất vào thế kỷ X và XI. Nói đến sự thịnh đạt của tranh hoa điểu và sơn thủy không thể không đề cập tới hội họa thời Ngũ Đại (907-960) và đời Bắc Tống Nam Tống (960-1279). Thời này phổ biến loại tranh cuộn (tức thủ quyển 手卷 : handscrolls và hanging scrolls) hơn là bích họa 壁畫 (wall paintings) vì dễ bảo quản hơn. Thời Ngũ Đại và đời Bắc Tống là thời vàng son của tranh sơn thủy Trung Quốc. Các tay cự phách Thời Ngũ Đại có Kinh Hạo, Quan Đồng, Đổng Nguyên, Cự  Nhiên và đời Bắc Tống có Lý Công Lân, Quách Hi, Phạm Khoan, và Mễ Phế. Đời Bắc Tống chuyên về sơn thủy là Yến Văn Quý, Hứa Đạo Ninh, còn chuyên về hoa điểu có Hoàng Cư Thái, Thôi Bạch, nhất là vua Tống Huy Tông tức Triệu Cát (1101-1125).
Từ đời Bắc Tống đến Nam Tống tranh hoa điểu và nhân vật đã xuống dốc nhưng tranh sơn thủy thì cực thịnh. Nối liền hai giai đoạn này là Lý Đường, một thủ lĩnh họa phái Nam Tống. Môn đệ của họ Lý nổi tiếng nhất là «Tứ đại họa gia» gồm có Lưu Tùng Niên, Lý Tung, Mã Viễn, Hạ Khuê. Nổi tiếng về mặc trúc có Văn Đồng, Tô Thức, về mặc mai có Thôi Bạch, về mặc lan có Trịnh Tư Hữu, Triệu Mạnh Kiên, về mặc cúc có Triệu Xương, Khâu Khánh Dư, Hoàng Cư Bảo. Đời Nam Tống, Mã Lân nổi tiếng về hoa điểu không kém gì bố là Mã Viễn. Đặc biệt thời này có Lương Khải và Mục Khê nổi tiếng về tranh Thiền. Họa pháp của hai ông ảnh hưởng rất nhiều đến hội họa Nhật Bản. Chính vào đời Nam Tống (thế kỷ XII) Thiền từ Trung Quốc du nhập vào Nhật và tư tưởng Thiền cũng từ đó mà bàng bạc khắp nền hội họa Nhật.

           
Tranh Ngô Xương Thạc (cận đại)

Từ Nam Tống đến đời Nguyên (1279-1368) có các đại họa gia như Triệu Mạnh Phủ, Cao Khắc Cung. Tranh họ Cao phảng phất bút pháp hai bố con Mễ Phế và Mễ Hữu Nhân.
Đời Nguyên các tranh sơn thủy thường là mặc họa 墨畫 (tranh vẽ toàn bằng mực đen). «Tứ đại họa gia đời Nguyên» có  Hoàng Công Vọng (thủ lĩnh), Ngô Trần, Nghê Tán và Vương Mông. Ngoài ra còn có các cao thủ khác như Cao Phòng Sơn, Lý Tức Trai, Kha Cửu Tư, Nghê Vân Lâm, Ngô Trọng Khuê, Cố Định Chi, Quản Trọng Cơ, Phương Nhai. Đặc biệt, Lý Tức Trai nổi tiếng về mặc trúc và bí kíp «Trúc Phổ Tường Lục» nghiên cứu đời sống sinh thái cây trúc và họa pháp cây trúc, vẫn còn truyền tụng đến nay. Kha Cửu Tư cũng biên soạn quyển «Họa Trúc Phổ» nghiên cứu họa pháp cây trúc đời Tống. Như vậy kể từ đời Tống, Nguyên tới Minh các danh thủ về Trúc có Văn Đồng, Tô Thức, Lý Tức Trai, Phương Nhai, Kha Cửu Tư, Vương Phất, và Hạ Xưởng. Vương Phất là khuôn mặt buổi giao thời Nguyên Minh. Trường hợp ông giống với Lý Đường (giữa Bắc Tống - Nam Tống) và Triệu Mạnh Phủ (giữa Nam Tống - Nguyên). Địa vị Vương Phất rất quan trọng. Môn đệ của ông nhờ đó mà đạt mức tinh thâm như Thẩm Chu và Văn Trưng Minh nổi tiếng về sơn thủy, Hạ Xưởng nổi tiếng về mặt trúc. Hạ Xưởng danh tiếng lẫy lừng: «Hạ hương nhất cá trúc, Tây Lương thập đình kim» (Một cành trúc quê ông Hạ trị giá mười nén vàng ở Tây Lương.) Ngoài ra còn có Vương Miện và Trần Hiến Chương nổi tiếng về mặc mai. Do đó mà người ta truyền nhau câu: «Vương mai, Hạ trúc.» (mai của Vương Miện vẽ, trúc của Hạ Xưởng vẽ).
Tranh gà của Từ Bi Hồng (1895-1953)
Đời Minh có «Tứ đại họa gia» là Thẩm Chu, Văn Trưng Minh, Cừu Anh và Đường Dần. Thẩm Chu là thủ lĩnh họa phái Ngô Phái, địa vị rất quan trọng. Văn Trưng Minh và những người trong phái chịu ảnh hưởng họ Thẩm rất nhiều. Cừu Anh và Đường Dần nổi tiếng về tranh nhân vật và sơn thủy. Ngoài Ngô Phái ra còn có Tống Khắc, Lỗ Đắc Chi, Đái Tiến. Đái Tiến là thủ lĩnh họa phái Chiết Phái (cùng quê ở Chiết Giang). Họ Đái chịu ảnh hưởng Mã Viễn và Hạ Khuê. Trong Chiết Phái còn có Mã Thức cũng là tay cự phách. Vào đời Minh, Biên Cảnh Chiêu trên nổi tiếng về hoa điểu, ông chịu ảnh hưởng họa pháp đời Tống. Giữa đời Minh họa pháp hoa điểu tách riêng hai hướng: một lối vẽ đa sắc tỉ mỉ tinh tế và một lối vẽ đơn sắc mạnh bạo. Tiêu biểu cho hai lối vẽ này là Lâm Lương và Lã Ký. Nổi tiếng về tranh nhân vật có Ngô Vĩ và Quách Hủ. Cuối đời Minh có Trần Hồng Thụ chủ trương tránh sự dung tục trong tranh mà phải quay về với sự đơn sơ thuở xưa. Cho nên tranh ông tao nhã khác thường. Ngoài ra còn có Đổng Kỳ Xương chủ trương thi họa tương hợp, rất được nhiều người tán thưởng. Cũng vào cuối đời Minh, Từ Vị rất nổi tiếng với bút pháp độc đáo dị kỳ, ảnh hưởng rất nhiều đến hai danh thủ sau này là Thạch Đào và Bát Đại Sơn Nhân.
Khuynh hướng chung hội họa đời Thanh (1644-1912) là khôi phục những họa pháp các đời trước. Nổi tiếng có Ngô Lịch, Uấn Thọ Bình và nhóm «Tứ Vương» gồm Vương Thời Mẫn, Vương Giám, Vương Nguyên Kỳ, Vương Huy. Vương Huy nổi tiếng nhất nhóm. Ngô Lịch chịu ảnh hưởng họa pháp đời Tống-Nguyên, Uấn Thọ Bình nổi tiếng ngang với Vương Huy về tranh sơn thủy. Bát Đại Sơn Nhân là khuôn mặt độc đáo về nhân cách cũng như họa pháp. Ông và Thạch Đào có thể đứng riêng thành một tân họa phái. Đời Thanh còn có Trịnh Tiếp (lan trúc), và Lý Phương Ưng, Kim Nông, Uông Sĩ Thận (mặc mai).
Họa gia cận đại có Triệu Huy Thúc, Ngô Xương Thạc, Tề Bạch Thạch, Từ Bi Hồng, Trần Sư Tăng, Lâm Cầm Nam, Mai Lan Phương...
Trên đây là đôi nét về nguồn gốc và tiến trình của hội họa Trung Quốc. Hiện nay trên thế giới có rất nhiều cộng đồng người Hoa ngoài Hoa lục, Đài Loan, và Hương Cảng. Con đường nghệ thuật truyền thống này đã đến chỗ phân kỳ mà mỗi ngã rẽ đều rất đa dạng phong phú, do bối cảnh xã hội chính trị văn hóa khác nhau và nhất là do đời sống vật chất càng ngày càng văn minh hơn. Vì thế có thể quan niệm thưởng ngoạn cũng có ít nhiều dị biệt. Các họa gia hoặc là duy trì phong cách cổ điển, hoặc là cách tân nó do ảnh hưởng lối họa Tây phương. Cho nên hiện tại và tương lai của môn quốc họa này hết sức thú vị và hứa hẹn nhiều bất ngờ mà ta khó có thể luận bàn được. 

Ý nghĩa biểu tượng trong hội hoạ Trung Quốc

Mỗi khi thưởng ngoạn một bức tranh Trung Quốc, ấn tượng ban đầu của đa số chúng ta hầu như ở phương diện hình thức, tức là đánh giá xem tranh vẽ có đẹp hay không. Nhưng nếu tự hỏi tại sao tranh có chủ đề như thế, hay tác giả muốn gởi gấm điều gì qua bức tranh ấy, có lẽ không ít người lúng túng tìm câu giải đáp.
Ở đây chúng ta sẽ không xét tới những hoạ phẩm của những tác giả hiện đại chịu ảnh hưởng những trường phái hội hoạ Tây phương (như phái ấn tượng, phái siêu thực, v.v...) mà chính tác giả mới hiểu hoặc không ai hiểu gì cả (kể cả tác giả). Chúng ta cũng không xét tới các hoạ phẩm mang tính chất tôn giáo bởi vì mục đích của tranh đã thấy rõ. Chúng ta sẽ xét những bức tranh mang đậm nét truyền thống, thậm chí dân gian, để thấy ý nghĩa biểu tượng được gởi gấm trong đó. Thí dụ như tranh có các chủ đề như: hoa điểu, rồng, ngựa, vượn, cá, tùng hạc, sơn thuỷ, v.v...
Đối với loại tranh này, cái chủ đề với ý nghĩa biểu tượng thì quan trọng hơn phong cách hay kỹ thuật thể hiện (thuật ngữ chuyên môn gọi là kỹ pháp 技法). Tác giả có thể dùng công bút 工笔 (tức là lối vẽ tỉ mỉ, bất cứ vật gì cũng có đường viền thậm chí cọng cỏ hay chiếc lá, rồi tô màu lên); hoặc dùng ý bút 意笔 (tức là lối vẽ phóng khoáng, loại bỏ hoặc rất hạn chế đường viền, thậm chí một nét bút cũng thành lá lan hay cọng cỏ). Tác giả cũng có thể dùng màu sắc rực rỡ tươi thắm, hoặc màu sắc nhàn nhạt lạnh lẽo, thậm chí vẽ toàn mực đen (thuật ngữ gọi là mặc hoạ 墨畫). Dù sao mặc lòng, tất cả điều ấy cũng chỉ là những hình thức thể hiện đa dạng, mà mục đích chủ yếu là nhằm chuyển tải một ý nghĩa biểu tượng nào đó.
Có hai điểm nổi bật của loại tranh này. Thứ nhất, trong cuộc sống người ta thường gán cho một sự vật nào đó một ý nghĩa biểu tượng. Thí dụ: trúc là quân tử, mai là giai nhân, cây tùng và chim hạc ngụ ý trường thọ (tùng hạc diên niên 松鶴延年), v.v... Hoạ sĩ chỉ việc thể hiện nó bằng kỹ pháp riêng của mình. Đặc điểm thứ hai là thông qua ngôn ngữ (nhất là từ ngữ đồng âm hay cận âm) người ta sẽ liên tưởng hình vẽ này đến một sự vật nào đó với ý nghĩa biểu tượng nhất định trong tâm thức chung của mọi người. Thí dụ bức tranh vẽ con cá. Chữ Hán ngư  (cá) đồng âm [yú] (âm Bắc Kinh) với chữdư  (dư thừa, dư dật). Qua ý nghĩa biểu tượng này là niềm ao ước một cuộc sống dư dật, khá giả. Nếu vẽ 9 con cá, thì ước nguyện này càng mạnh mẽ. Chữ Hán cửu  (số 9) đồng âm [jiǔ] với chữ cửu(lâu dài, trường cửu). Cửu ngư 九魚 (9 con cá) phát âm [jiǔ yú] giống như cửu dư 久餘 (dư dật lâu dài), ngụ ý một ước mong được sống khá giả mãi. Điều này cũng giống như người Việt Nam sắp đặt dĩa trái cây chưng tết gồm mãng cầu, dừa xiêm, đu đủ, xoài với ước nguyện khiêm tốn «cầu vừa đủ xài» trong tiết xuân sang; bởi vì người Việt ở Nam Bộ phát âm «dừa» giống như «vừa», «xoài» giống như «xài». (Thật ra mong ước đó không khiêm tốn đâu, bởi vì ở đời biết thế nào mới là đủ). Tất nhiên sự so sánh này chỉ nhắm vào khía cạnh ngôn ngữ, không xét tới hình thức thể hiện.
Tranh của Đường Dần (đời Minh)
Sau đây chúng ta thử tìm ra một số hình ảnh biểu tượng trong hội hoạ Trung Quốc. Trước tiên, khi nói đến tranh thuỷ mặc 水墨 (thường bị đọc nhầm là thuỷ mạc) thì chúng ta thường liên tưởng ngay đến tranh sơn thủy. Đây là một mảng đề tài đặc sắc trong hội hoạ Trung Quốc. Hai chữ sơn thuỷ có ý nghĩa triết lý thâm trầm của chúng, không chỉ đơn thuầnsơn  là núi non, thuỷ  là sông nước.  
Khổng Tử từng nói rằng: «Kẻ trí vui chơi nơi sông nước, kẻ nhân vui chơi nơi núi non. Kẻ trí hiếu động, kẻ nhân trầm tĩnh. Kẻ trí vui vẻ, kẻ nhân trường thọ.» ()者樂水仁者樂山()者動仁者靜()者樂仁者壽 (Trí giả nhạo thuỷ, nhân giả nhạo sơn, trí giả động, nhân giả tĩnh, trí giả lạc, nhân giả thọ.– Luận Ngữ - Ung Dã).
Sông nước trôi chảy, linh động biến dịch không ngừng, tìm về trùng dương mênh mông. Sự trôi chảy không ngừng này tượng trưng bản thể của Đạo. Khổng Tử có lần đứng trên bờ sông, nhìn nước chảy, giác ngộ lý lẽ ấy, nên ngài tán thán: «Ôi, trôi chảy thế này, ngày đêm nó không hề ngừng nghỉ !» 逝者如斯夫不舍晝夜 (Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ ! – Luận Ngữ - Tử Hãn).
Do đó, kẻ trí tuệ thấu đạt lý lẽ của sự vật, linh hoạt tiến triển mãi không ngưng trệ, cũng linh động như bản tính của nước. Kẻ nhân ái yên ổn với nghĩa lý mà dày dặn kiên cố vững bền, cũng tĩnh như bản tính của núi. Động và tĩnh nói về bản thể, mà vui vẻ trường thọ là nói về hiệu quả đạt được.
Người nhân ái và trí tuệ xưa nay hiếm. Trong cõi trần ai, ngay bản thân kẻ nhân và trí cũng không biết tìm đâu ra bạn tri âm tri kỷ. Không biết tìm đâu, nên mượn tranh sơn thuỷ để ký thác tâm tình, gởi gấm nỗi niềm. Nhưng triết lý của sơn thuỷ có lẽ là do giới thưởng ngoạn đời sau gán cho. Thuở xa xưa, chắc gì các hoạ gia đã nghĩ như thế.
 Chủ đề nổi bật thứ hai là hoa điểu 花鳥 (hoa và chim chóc). Về hoa, các văn nhân Trung Quốc thường gán cho từng loại hoa một đức tính, một ý nghĩa tượng trưng văn học nào đó, và các họa sĩ đã tiếp thu toàn bộ những quan niệm này. Chẳng hạn Chu Đôn Di 周惇頤 đời Tống từng nói: «Trong các loài hoa, cúc là kẻ ẩn dật, mẫu đơn là kẻ phú quý và sen là bậc quân tử vậy.» 菊花之隱逸者也牡丹花之富貴者也蓮花之君子者也 (Cúc, hoa chi ẩn dật giả dã; mẫu đơn, hoa chi phú quý giả dã; liên, hoa chi quân tử giả dã).
Quan niệm cúc là kẻ ẩn dật có lẽ phát xuất từ Đào Tiềm 陶潛 tức Đào Uyên Minh陶淵明 đời Tấn, một thi sĩ vĩ đại, chán cảnh làm quan luồn cúi, treo áo từ quan, hưởng thú điền viên, vui cảnh nghèo, thích uống rượu chơi cúc và nhàn du. Người đời khen ông là bậc ẩn dật cao khiết. Trong bài Ẩm Tửu 飲酒 của ông có nhắc đến hoa cúc: «Hái cúc dưới giậu đông, thơ thới nhìn núi Nam.» 採菊東籬下悠然見南山 (Thái cúc đông ly hạ, du nhiên kiến Nam Sơn). Người ẩn sĩ này uống rượu ngắm cúc để quên cảnh náo nhiệt, trầm luân trong đời, cho nên hoa cúc cũng là biểu tượng của bậc quân tử ẩn dật lánh đời vậy. Đào Tiềm từng thốt rằng: «Hoa cúc mùa thu có sắc đẹp, phơi lộ nét anh tú, khiến ta quên tình buồn, lánh xa tình đời.» 秋菊有佳色裛露掇其英泛此忘憂物遠我遺世情(Thu cúc hữu giai sắc, ấp lộ xuyết kỳ anh, phiếm thử vong ưu vật, viễn ngã di thế tình).
Người giàu có ưa chuộng màu sắc lộng lẫy rực rỡ của mẫu đơn. Mẫu đơn là loài hoa quý hiếm, chỉ có bậc quyền quý đài các mới chơi hoa này. Cho nên mẫu đơn là biểu tượng của sự giàu sang phú quý.
Hoa sen là cốt cách của bậc quân tử. Đẹp và ngát hương, gần bùn mà chẳng tanh bùn. Dù cuộc đời ô trọc, nhân tình ấm lạnh, bậc quân tử vẫn giữ được tiết tháo của mình, thơm tho và tinh khiết như đóa sen kia.
Tranh của Từ Vị (đời Minh)
Cổ nhân gọi tùng, trúc, mai là ba người bạn mùa lạnh (tuế hàn tam hữu 歲寒三友), bởi vì ba loại cây này dù mùa sương tuyết vẫn tươi tốt trong khi những loại cây khác hầu như cằn cỗi héo hon. Tính chịu lạnh của tùng, trúc, mai tượng trưng đức tính nhẫn nại của người quân tử, tự cường mãi không thôi, luôn trau giồi tài đức trước nghịch cảnh cuộc đời.
Mai, lan, cúc, trúc thường được gộp chung thành một cụm, xem như biểu tượng của bậc quân tử, nên cũng được gọi là «tứ quân tử» 四君子(bốn người quân tử). Mai nở vào mùa đông và xuân, chịu đựng lạnh lẽo. Lan kiều diễm mảnh mai, hương thơm thâm trầm. Trúc ngay thẳng, vô tâm, đầy tiết tháo. Cúc trải sương giá mà chẳng héo hon, có ý chí thách đố thiên nhiên. Hơn hai ngàn năm trước, thi nhân Khuất Nguyên thậm chí còn so sánh hoa lan với mỹ nhân rằng: «Thu lan ơi mườn mượt, cọng tía cùng lá xanh. Đầy nhà toàn người đẹp, riêng với ta đưa tình.» 秋蘭兮清清綠葉兮紫莖滿堂兮美人忽獨與余兮且成 (Thu lan hề thanh thanh, lục diệp hề tử hanh. Mãn đường hề mỹ nhân, hốt độc dữ dư hề thả thành). Hoa cúc trác việt siêu phàm, là biểu tượng của bậc quân tử ở ẩn mà trên đây đã đề cập. ĐờiTống có ẩn sĩ Lâm Bô 林逋 yêu hoa mai đến độ không cần có vợ con, chỉ chuyên tâm trồng hoa mai và nuôi hạc. Người đời tặng cho ông câu mai thê hạc tử 梅妻鶴子 (hoa mai là vợ, chim hạc là con). Yêu trúc có thể kể đến Tô Thức. Ông nói: «Thà ăn không có thịt chứ không thể ở thiếu trúc.» 寧可食無肉不可居無竹 (Ninh khả thực vô nhục, bất khả cư vô trúc).
Không chỉ hoa, mà quả cũng mang ý nghĩa biểu tượng nữa. Chẳng hạn quả đào tượng trưng sự trường thọ; thí dụ tranh «Đào hiến thiên xuân» 桃獻千春 (đào dâng nghìn tuổi xuân) vẽ ông lão cầm quả đào. Quả lựu tượng trưng cho sự đông con cái; thí dụ tranh «Lựu khai bách tử» 榴開百子(quả lựu mở sinh trăm con) vẽ ông lão cầm quả lựu bóc dở, cho trông thấy hạt. Quả phật thủ tượng trưng cho phúc; thí dụ tranh vẽ quả phật thủ (phúc) với quả đào (thọ) và quả lựu (đông con) là ngụ ý: đa phúc, đa thọ, đa nam tử. Quả quít tượng trưng sự tốt lành (cát). Ngay trong đời sống hằng ngày người ta cũng thích biếu xén nhau quít.
Hoa thường được vẽ chung với điểu. Chim hạc tượng trưng cho sự trường thọ. Người Trung Quốc tin rằng hạc sống đến ngàn năm (hạc thọ thiên tuế 鶴壽千歲). Hạc thường được vẽ chung với cây tùng (cũng ngụ ý trường thọ), nên tranh «Tùng hạc diên niên» 松鶴延年 (tùng và hạc sống lâu) được dùng để chúc thọ.
Thi nhân cho rằng chim én là loài chim nhỏ có cảm tình, mùa thu và mùa đông bay đi tìm cái ấm áp của miền nhiệt đới và mùa xuân quay về tổ cũ. «Xuân phong yến hỉ» 春風燕喜 (chim yến vui trong gió xuân) mô tả một đôi én về tổ trong cành liễu xanh phất phơ hay cành đào hồng thắm. Một bức tranh với đôi én hoặc một bức tranh với cặp hồng nhạn (vịt trời) hay đôi uyên ương bơi lội trong ao sen chính là biểu tượng tình nghĩa vợ chồng, gia đình khang lạc.
SONG THỌ - tranh Tề Bạch Thạch
Tranh «Thập toàn báo hỉ» 十全報喜 vẽ mười con chim khách đậu trên phiến đá và trên cây tùng hót líu lo báo tin mừng (chim khách được tin tưởng là báo điềm lành nên tục gọi nó là «hỉ thước» 喜鵲), tranh để chúc sự nghiệp thành công.
Dưới cội mai vàng (biểu tượng của phúc) là đôi chim cun cút hoặc một đàn gà con cùng gà trống gà mái cũng là biểu tượng của ân nghĩa tào khang, quan hệ nhân luân. Tranh phụ đề «ân nghĩa tại sinh tiền» 恩義在生前 (ân nghĩa đối với nhau lúc còn sống) thật là cảm động và thâm trầm biết bao! Con gà mái với bầy con tượng trưng cho gia đình đông đúc, đầm ấm.
Con công tượng trưng cho sự bình an thịnh vượng. Chim phượng (thường gọi gộp là phượng hoàng, thực ra phượng là con trống, hoàng  là con mái) là linh điểu, tương truyền chim phượng xuất hiện là thánh nhân ra đời. Nhưng chim loan và chim phượng thì tượng trưng duyên nợ vợ chồng. Tranh «loan phượng hoà minh» 鸞鳳和鳴 (chim loan và chim phượng hoà chung tiếng hót) ngụ ý sự hoà thuận êm ấm của vợ chồng.
Một số động vật cũng có ý nghĩa biểu tượng. Rồng (long  ), một con vật huyền thoại, là biểu tượng của vương quyền. Kỳ lân (kỳ  là con đực, lân  là con cái) tượng trưng nhân ái và thái bình. Con rùa (quy ) cũng là thần vật, tương truyền nó sống tới ngàn năm, nên tượng trưng sự trường thọ.
Ngựa là một chủ đề quen thuộc. Dân gian cho rằng ngựa có đức tính trinh tiết, ý thức rõ quan hệ truyền chủng, không vi phạm cái mà luân lý loài người gọi là loạn luân. Như Dịch Kinh từ đời Chu đã ca ngợi là «Tẫn mã chi trinh» 牝馬之貞(đức trinh tiết của ngựa cái). Ngựa còn có đức tính trung thành, một đức tính mà Nho gia rất coi trọng trong các mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên, trong thực tế, ngựa từ thời xa xưa có giá trị rất cao. Trong chiến tranh ở Trung Quốc cổ đại, ngựa giữ vai trò rất quan trọng có thể gọi là nền tảng của sức mạnh quân sự. Các kỵ binh du mục trên lưng các chiến mã thần tốc và dũng mãnh luôn là mối kinh hoàng cho binh quân của Trung Quốc. Trong giao thông vận tải thì ngựa là phương tiện nhanh chóng và hữu hiệu. Từ đời Thương người ta đã biết đánh xe ngựa tới nơi xa xôi để buôn bán. Ngoài giá trị quan trọng của ngựa trong vận tải và quân sự, người ta còn tìm thấy giá trị y học của ngựa, được mô tả trong Bản Thảo Cương Mục(xuất bản 1596) nữa. Cứ xem đời nay mà xét, ngày nay người ta xem những xe hơi hiện đại sang trọng là biểu tượng của giàu có thì ngày xưa ngựa chính là biểu tượng đó. Nói chung, ngựa xuất hiện trong tranh Trung Quốc như là biểu tượng của sự mau chóng và thành đạt. Thí dụ bức tranh có chủ đề phổ biến nhất là «mã đáo thành công» 馬到成功 thể hiện qua một bầy ngựa phi nước đại gió bụi mịt mù. Nguyên ý câu này là «Kỳ khai đắc thắng, mã đáo thành công» 旗開得勝馬到成功(Cờ phất [làm hiệu thì] chiến thắng, ngựa quay về [báo tin] thành công). Ngày xưa khi xuất binh phải phất cờ hiệu, mà cờ đã phất rồi thì phải chiến thắng; tướng soái khi lấy đầu tướng giặc, chiến mã quay về tất báo tin thành công. Ý nghĩa câu «mã đáo thành công» ngày nay chỉ còn tượng trưng là tốc chiến tốc thắng. Và một bức tranh «mã đáo thành công» làm quà khai trương cho một cửa hiệu chỉ đơn giản tương tự như là «khai trương hồng phát» (mở cửa tiệm thì phát đạt lớn).
Có những vật tưởng như bình thường nhưng cũng có ý nghĩa đặc biệt, thí dụ con cóc tía (thiềm thừ 蟾蜍) tượng trưng cho sự giàu có, can đảm, và cái gì quý báu, khó kiếm ra được. Con bướm (hồ điệp 蝴蝶) tượng trưng sự trùng điệp. Con mèo tượng trưng sống lâu. Con cá chép (lý ngư 鯉魚, cá hoá long, cá vượt vũ môn) tượng trưng thi đỗ, v.v...
Rồi sự kết hợp nhiều thứ khác nhau cũng có ngụ ý tổng hợp. Thí dụ hoa kết hợp với điểu, thảo trùng, cá, đá (tượng trưng sự vững chắc) và các khí vật khác (thí dụ cái bình hoa, ngụ ý an bình) làm tăng thêm thi ý cho tranh, thường đó là lời chúc nguyện cát tường.
Mẫu đơn phối hợp với cá lội là biểu tượng «Phú quý hữu dư» 富貴有餘 (phú quý dư dật) là lời chúc nguyện tốt đẹp vào ngày đầu năm. Mẫu đơn vẽ chung với khổng tước (chim công) mang tên «Khổng tước khai bình» 孔雀開屏 là tranh chúc mừng khai trương cửa tiệm. Hoa xuân điểm thêm vài cánh bướm, tạo sinh động cho tranh. Bướm ngụ ý là trùng điệp. Tranh mẫu đơn điểm thêm cánh bướm ngụ ý phú quý trùng điệp 富貴重疊. Hoặc trên cánh hoa vẽ con dế, cho ta hình dung tiếng thu đang về rồi với tiếng nhạc để râm ran đâu đây.
Như trên đã nói, thông qua ngôn ngữ (nhất là từ ngữ đồng âm hay cận âm) người ta sẽ liên tưởng hình vẽ này đến một sự vật nào đó với ý nghĩa biểu tượng nhất định trong tâm thức chung của mọi người.
- Bông hoa, chữ Hán là hoa  phát âm [huā] gần giống chữ hoa  (vinh hoa) [huá].
- Hoa sen, chữ Hán là liên  phát âm [lián] giống như chữ liên  (liên tục) [lián]; hoặc chữ Hán là hà  phát âm [hé] giống như chữ hoà  (hoà hợp) [hé].
- Quả thị hay cành thị, chữ Hán là thị  phát âm [shì] giống như chữ sự  (sự việc) [shì].
- Quả lựu, chữ Hán là lựu  phát âm [liú] giống như chữ lưu  (trôi chảy, lưu truyền) [liú].
- Cây phong, chữ Hán là phong  phát âm [fēng] giống như chữ phong  (ban phong) [fēng].
- Cây ngô đồng, chữ Hán là đồng  phát âm [tóng] giống như chữ đồng  (cùng với) [tóng].
- Cành mai, chữ Hán là mai  phát âm [méi] gần giống chữ mỗi  (mỗi thứ, mỗi người) [měi].
- Cành trúc, chữ Hán là trúc  phát âm [zhú] gần giống chữ chúc  (chúc tụng) [zhù].
- Con gà, chữ Hán là kê  phát âm [ji] gần như chữ cát  (tốt lành) [jí].
- Con cá, chữ Hán là ngư  phát âm [yú] giống như chữ dư  (dư thừa, dư dật) [yú].
- Con dơi, chữ Hán là bức  phát âm [fú] giống như chữ phúc  (hạnh phúc) [fú]. Vẽ 5 con dơi tức là ngũ bức 五蝠 , phát âm [wǔ fú] giống nhưngũ phúc 五福 . Con dơi vẽ lộn ngược tức là đảo bức   , phát âm [dào fú] giống như đáo phúc 到福 (phúc đến).
- Con mèo, chữ Hán là miêu  phát âm [máo] gần giống chữ mạo  (già 80 tuổi) [mào].
- Con bướm, chữ Hán là điệp  phát âm [dié] giống như chữ điệt  (già 70 tuổi) [dié] và chữ điệp (trùng điệp) [dié].
- Con hươu, con nai, chữ Hán là lộc 鹿 phát âm [lù] giống như chữ lộc  (bổng lộc) [lù].
- Con vượn, con khỉ, chữ Hán là hầu  phát âm [hóu] giống như chữ hầu  (tước hầu) [hóu].
- Cái quạt, chữ Hán là phiến  phát âm [shàn] giống như chữ thiện  (tốt lành) [shàn].
- Ống sáo, chữ Hán là sinh  phát âm [shēng] giống như chữ sinh  (sinh nở) [shēng] và chữthăng  (bay lên) [sheng].
- Cái lục bình, chữ Hán là bình  phát âm [píng] giống như chữ bình  (bình an) [píng].
- Cái mũ, cái mão, chữ Hán là quan  phát âm [guān] giống như chữ quan  (ông quan) [guan].
- Ngọc như ý đúng ý nghĩa là như ý 如意 [rú yì].
- Số 9, chữ Hán là cửu  phát âm [jiǔ] giống như chữ cửu  (lâu dài) [jiǔ].
- v.v...
Phối hợp nhiều thứ với nhau, tranh vẽ mang ý nghĩa biểu tượng tổng hợp. Thí dụ như:
1. Tranh vẽ quả đào với 5 con dơi ngụ ý Ngũ Phúc Lâm Môn 五福臨門. Ngũ Phúc là: phú (giàu), thọ  (sống lâu), khang ninh 康寧 (khỏe mạnh), du hiếu đức 攸好德 (yêu nhân đức), khảo chung mệnh 考終命 (chết êm ái).
2. Tranh vẽ quả phật thủ với con bướm ngụ ý sống lâu đến 70-80 tuổi, vì quả phật thủ tượng trưng cho thọ hay phúc, con bướm (điệp) ngụ ý già 70 tuổi (điệt  ) hay trùng điệp (điệp ), tức là phúc thọ trùng điệp 福壽重疊.
3. Tranh vẽ quả phật thủ (phúc) với quả đào (thọ) và quả lựu (đông con) ngụ ý tam đa 三多: đa phúc 多福 (nhiều phúc), đa thọ 多壽 (rất thọ), đa nam tử 多男子(nhiều con trai).
4. Tranh vẽ quả phật thủ, quả đào, quả lựu với 9 miếng ngọc như ý ngụ ý «tam đa cửu như» 三多九如 nghĩa là chúc cho phúc thọ, con cháu đầy đàn, bền vững.
5. Tranh vẽ quả lựu đã bóc vỏ một phần để lộ hạt ra ngụ ý «lựu khai bách tử» 榴開百子 (lựu mở ra sinh trăm con).
6. Tranh vẽ quả lựu với 5 cậu bé con ngụ ý mong cho con cái sau này đều hiển đạt như 5 con của ông Đậu Yên Sơn đời Tống.
7. Tranh vẽ quả lựu  (ngụ ý lưu truyền với cái mũ  (ngụ ý tước quan ), cái đai lưng (đái ), cái thuyền (thuyền  đọc giống truyền  ) ngụ ý mong cho «Quan đái truyền lưu»官帶傳流 (đai lưng của quan được lưu truyền, tức là được phong quan tước nhiều thế hệ trong gia tộc).
8. Tranh vẽ hai quả thị (ngụ ý sự việc) với ngọc như ý là mong «Sự sự như ý» 事事如意 (vạn sự như ý).
9. Tranh vẽ cây ngô đồng  (đồng âm với đồng  : cùng với) với con hươu (lộc 鹿 , đồng âm với lộc : bổng lộc) và chim hạc  (trường thọ) là ngụ ý «Lộc thọ đồng lộc hạc» 禄壽同鹿鶴 (được bổng lộc và sống lâu như hươu, hạc).
10. Tranh vẽ chim hỉ thước 喜鵲 (vui vẻ) đậu cây ngô đồng  (đồng âm với đồng  : cùng với) là ngụ ý «đồng hỉ» 同喜 (mọi người cùng vui vẻ).
11. Tranh vẽ đứa trẻ cỡi trên lưng con kỳ lân tay cầm bông sen (liên  ) và ống sáo (sinh ) là ngụ ý «Liên sinh quý tử» 連生貴子 (liên tiếp sinh quý tử).
12. Tranh vẽ 4 đứa trẻ: đứa cầm cành táo (tảo  đồng âm với tảo : sớm), đứa cầm ống sáo (sinh  ), đứa cầm cái ấn quan văn, đứa cầm cái kích quan võ là ngụ ý mong: sớm sinh con cái sau này thành quan văn hay quan võ.
13. Tranh vẽ đứa trẻ ăn mặc sang trọng (phú ), cổ đeo cái khánh  (đồng âm với khánh , hiểu là may mắn hạnh phúc) đang ngắm bầy cá vàng (ngư , hiểu là dư thừa) là ngụ ý mong: giàu có, đông con, hạnh phúc có thừa.
14. Tranh vẽ chim hỉ thước 喜鵲 đậu cành mai  (đồng âm với mỗi  : mọi người) cành trúc  (đồng âm với chúc : chúc mừng) là ngụ ý mong cho mọi người đều vui vẻ.
15. Tranh vẽ trúc mai 竹梅 ngụ ý mọi người may mắn.
16. Tranh vẽ mai, trúc với con mèo và con bướm là ngụ ý mong mọi người sống lâu đến 70-80 tuổi.
17. Tranh vẽ mẫu đơn 牡丹 (phú quý) với con gà (kê  đồng âm với cát : tốt lành) ngụ ý «phú quý cát tường» 富貴吉祥.
18. Tranh vẽ con khỉ (hầu trèo cây phong (phong có cái ấn  cột vào cành cây ngụ ý «ấn phong hầu» 印封侯, tức là được thăng quan tiến chức nói chung.
v.v...
Trên đây là một số minh hoạ tiêu biểu. Tóm lại, ý nghĩa biểu tượng của loại tranh này cho thấy ba chủ ý của tác giả: 1- gởi gấm ý chí; 2- ước nguyện mọi tốt lành cho bản thân; 3- và cầu chúc hạnh phúc cho người khác. Với chủ ý thứ ba, các bức tranh này thường được người ta làm quà tặng nhau vào những dịp mừng thọ hay những dịp đặc biệt như ngày đầu năm, mà những lời chúc nguyện rồi sẽ như chồi non lộc mới nảy nở thành những đoá hoa rực rỡ tươi thắm trong tiết xuân sang.●


Đặc điểm của hội hoạ Trung Quốc


HỘI HỌA CUNG ĐÌNH
Chỉ có triều đình là có toàn quyền và nguồn tài lực để bảo trợ nghệ thuật cao với qui mô đáng kể. Vua chúa đã quy tụ những thư hoạ gia tài giỏi nhất nước về phục vụ cho họ, không chỉ vì họ yêu nghệ thuật mà còn là vì họ muốn tuyên truyền về cái thiên mệnh của họ để đối phó với các thế lực chính trị khác và công chúng.
Cuối đời Đường và suốt giai đoạn Ngũ Đại và Thập Quốc phân rã ly loạn trên 50 năm, những truyền thống hội họa cung đình (tạo thành Viện pháiđãđược bảo tồn tốt nhất tại Nam Kinh và Tứ Xuyên với các hoạ gia chuyên về hoa điểu và sơn thủy. Sự đỉnh thịnh của tranh hoa điểu trong thời này đã được ghi nhận trong hai tác phẩm đời Tống là Mộng Khê Bút Đàm của Thẩm Quát (1086-1093) và Đồ Hoạ Kiến Văn Chí của Quách Nhược Hư (sống cuối thế kỷ XI).
Tác phẩm Đường Triều Danh Hoạ Lục cho biết đời Đường có trên 20 hoạ gia chuyên về hoa điểu, mà người nổi bật nhất là Biên Loan. Cuối đời Đường có hai hoạ gia về hoa điểu trứ danh là Điêu Quang Dẫn và Đằng Xương Hựu. Điêu Quang Dẫn là thầy của Hoàng Thuyên. Trong cục diện thập quốc phân loạn, Hoàng Thuyên (903-968) và Từ Hi (mất khoảng 975) trở thành hai cao thủ về tranh hoa điểu với hai trường phái trái ngược mà người đời gọi là «Từ Hoàng nhị thể» (hai phong cách của Từ Hi và Hoàng Thuyên). Hoàng Thuyên là hoạ gia cung đình (tức viện phái) còn Từ Hi là hoạ gia thôn dã bố y ở Giang Nam. Quách Nhược Hư nói: «Hoàng gia phú quý, Từ Hi dã dật.» Ý nói tranh hoa điểu của Hoàng Thuyên toát vẻ sang trọng, tranh Từ Hi chuộng vẻ mộc mạc bình dị. Về kỹ pháp, Hoàng Thuyên chuyên về tả chân (tả sinh) hay công bút còn Từ Hi chuyên về tả ý hay ý bút.


Tranh của Văn Trưng Minh đời Minh
 
Với công bút, tranh phải giống y như thực. Tác giả trước tiên phải dựng hình bằng những đường nét tinh tế (gọi là câu lặc) làm đường viền của đối tượng (hoa, lá, cành, chim, đá, v.v...) sau đó mới tô màu lên. Trái lại, ý bút là kỹ pháp phóng khoáng, đối tượng được thể hiện một cách tượng trưng, thí dụ một nhánh cây hay một chiếc lá lan lá trúc chỉ vẽ bằng một nét bút lướt đi.
Tranh của Thẩm Chu (1427-1509)
Suốt nửa đầu thế kỷ X, tranh sơn thủy có chuyển biến sâu sắc. Nổi bật về sơn thủy có hoạ gia Quách Hi (1000-1090). Vua Tống Huy Tông (cai trị 1101-1125) là một nhà bảo trợ lớn cho các hoạ gia. Bản thân nhà vua cũng là một thư hoạ gia nổi tiếng. Tranh hoa điểu đời này cũng noi theo phong cách của Hoàng Thuyên và Từ Hi đời trước. Hoàng Cư Thái (con của Hoàng Thuyên) rất được vua sủng ái và được mời vào Hàn Lâm Hoạ Viện và do đó phong cách tả thực (công bút) chiếm ảnh hưởng độc tôn trong viện phái (hoạ phái của cung đình).
Tuy nhiên trong các đời vua Tống sau đó, con cháu của Từ Hi (như Sùng Tự, Sùng Huân, Sùng Củ) cũng được vua sủng ái. Vì thế phong cách của viện phái là sự dung hợp của tả thực và tả ý. Các hoạ gia tiêu biểu là Thôi Bạch, Thôi Cốc, Ngô Nguyên Dũ, Triệu Xương, Dịch Nguyên Cát. Đời Nam Tống, Hàn Lâm Hoạ Viện có các hoạ gia danh tiếng như Lý An Trung, Lý Địch, Lâm Thung.
Hội hoạ đời Nguyên không có gì đặc sắc, chẳng qua là mô phỏng đời Tống. Trong đời Minh, triều đình cũng bảo trợ các hoạ gia. Thời này nổi bật ba hoạ phái: Viện phái (của triều đình), Chiết phái, và Ngô phái. Đại biểu của Viện phái là Đường Dần, Cừu Anh, Chu Thần. Chiết phái gồm các hoạ gia quê Chiết Giang như Ngô Vĩ, Trương Lộ, Tưởng Tam Tùng, Tạ Thời Thần, v.v... Ngô phái tiêu biểu là Thẩm Chu, Văn Trưng Minh, Đổng Kỳ Xương, Vương Phất, v.v... Khi đời Thanh đạt đỉnh thịnh dưới triều vua Càn Long, phong cách Viện phái càng trau chuốt tỉ mỉ do ảnh hưởng thị hiếu của nhà vua và ảnh hưởng phong cách của các giáo sĩ Tây phương kiêm hoạ sĩ, thí dụ như Giuseppe Castiglione (1688-1768).

NGHỆ THUẬT CỦA GIỚI N NHÂN
Cuối đời Nam Tống, các văn quan như Tô Thức, Mễ Phất (Mễ Phế), và Lý Công Lân đã khởi sinh một phong cách hội họa gọi là «văn nhân hoạ» – cũng gọi «sĩ đại phu hoạ» (hội họa của các văn nhân, sĩ đại phu) – tương phản với phong cách chính thống của viện phái. Khi người Mông Cổ chiếm Trung Quốc, giới nho sĩ Hán tộc bị nhấn chìm dưới đáy xã hội. Các nho sĩ văn nhân thường thành lập những hội tương tế. Trong hoàn cảnh đó, các tác phẩm hội họa được xem là phương thức để đền ơn đáp nghĩa.
Tranh của Triệu Mạnh Phủ đời  Nguyên
Trong hệ thống giáo dục Lục Nghệ của Nho giáo, các nho sĩ cũng thường phải giỏi về thư pháp. Do đó văn nhân hoạ đã phản ánh kỹ pháp của thư pháp. Theo Triệu Mạnh Phủ – một đại thư hoạ gia đời Nguyên thuộc văn nhân hoạ phái – những nét cứng cỏi của chữ triện hoá thân thành những cành cây, thân cây; còn tám nét cơ bản của thư pháp (tức vĩnh tự bát pháp: tám nét của chữ vĩnh) thì hoá thân thành các lá cây như lá lan lá trúc. Những nét bút khô mực tạo thành dáng thô nhám sần sùi, thích hợp vẽ đá. Người thưởng ngoạn sành điệu có thể nhận ra kỹ pháp của thư gia trong cách vận bút của hoạ gia.
Các hoạ gia thuộc văn nhân hoạ phái chuộng tranh đơn sắc, thường là màu mực đen với những mức độ đậm nhạt của mực. Những tranh vẽ tứ quân tử (mai, lan, cúc, trúc) chỉ bằng mực đen do đó được gọi tương ứng là «mặc mai, mặc lan, mặc cúc, mặc trúc». Tứ đại hoạ gia cuối đời Nguyên (gọi là Nguyên tứ gia: Hoàng Công Vọng, Nghê Tán, Vương Mông, và Ngô Trấn) đã phát triển cao độ nghệ thuật tranh sơn thủy theo phong cách văn nhân hoạ. Nghê Tán (1301-1374) là một trường hợp đặc biệt. Ông quê ở Vô Tích, gần Đại Vận Hà và Thái Hồ. Ông làu thông kinh điển nho gia và khổ công nghiên tập hội hoạ từ tranh của các hoạ gia tiền bối trong các bộ sưu tập của bạn bè khá giả của ông. Mùa xuân 1352, trong bầu không khí chính trị, kinh tế, và xã hội bất ổn của triều đại Nguyên đang sụp đổ, ông buộc phải rời quê hương, rồi sống trên một chiếc ghe lênh đênh 20 năm trên Thái Hồ. Cuộc sống phiêu bạt ẩn dật như một đạo sĩ đó là cách mà ông chọn để bảo vệ tiết tháo và tránh sự bức hại của quan quân triều Nguyên. Các hoạ gia đời Minh và Thanh hâm mộ và khen ngợi ông là «Nghê cao sĩ». Ông dụng bút công phu tinh tế mà tranh toát vẻ giản phác tiêu sơ, chủ yếu là tả cảnh Thái Hồ. Hoạ pháp sơn thủy của Nguyên tứ gia ảnh hưởng rất lớn đến các họa gia thuộc văn nhân phái đời Minh (như Thẩm Chu, Văn Trưng Minh, Đổng Kỳ Xương) và đời Thanh (như Tứ Vương: Vương Thời Mẫn, Vương Giám, Vương Huy, và Vương Nguyên Kỳ).

TỨ QUÂN TỬ TRONG HỘI HỌA TRUNG QUỐC
Trúc mai : «Trúc là quân tử, mai là giai nhân.» – tranh của Thạch Đào đời Thanh
Mai, lan, trúc, cúc là đề tài quen thuộc trong hội họa Trung Quốc. Bốn chủng loại này đều có tính cách cao nhã. Mai nở vào mùa đông và xuân, chịu đựng lạnh lẽo. Lan kiều diễm mảnh mai, hương thơm thâm trầm. Trúc ngay thẳng, vô tâm, đầy tiết tháo. Cúc trải sương giá mà chẳng héo hon, có ý chí thách đố thiên nhiên. Thế nên các văn nhân Trung Quốc ái mộ mà đặt tên cho bốn loại này là Tứ quân tử.
Hơn hai ngàn năm trước, thi nhân Khuất Nguyên đã so sánh hoa lan với mỹ nhân rằng: «Thu lan hề thanh thanh, lục diệp hề tử hanh. Mãn đường hề mỹ nhân, hốt độc dữ dư hề thả thành.» (Thu lan ơi mườn mượt, cọng tía cùng lá xanh. Đầy nhà toàn người đẹp, riêng với ta đưa tình.)
Hoa cúc trác việt siêu phàm. Đào Tiềm, thi nhân đời Tấn, từng thốt rằng: «Thu cúc hữu giai sắc, ấp lộ chuyết kỳ anh, phiếm thử vong ưu vật, viễn ngã di thế tình.» (Hoa cúc mùa thu có sắc đẹp, phơi lộ nét anh tú, khiến ta quên tình buồn, lánh xa tình đời.)
Đời Tống có ẩn sĩ Lâm Bô yêu hoa mai đến độ không cần có vợ con, chỉ chuyên tâm trồng hoa mai và nuôi hạc. Người đời tặng cho ông câu «mai thê hạc tử» (hoa mai là vợ, chim hạc là con).
Trúc - tranh của Từ Vị đời Minh
Yêu trúc có thể kể đến Tô Thức. Ông nói: «Ninh khả thực vô nhục, bất khả cư vô trúc.» (Thà ăn không có thịt chứ không thể ở thiếu trúc). Như vậy đủ biết địa vị của trúc được đề cao như thế nào và các tao nhân mặc khách đều xem trúc là người bạn đường không thể thiếu được.
Các họa gia cũng có cảm tình sâu đậm với tứ quân tử. Mai, lan, trúc, cúc và hội họa Trung Quốc quả có cái duyên không lìa. Trải bao tháng năm lịch sử, nhiều họa gia hậu bối đã cải tiến họa pháp, thể hiện nhiều nét tân kỳ bất tận.
Chủ đề tứ quân tử có tự bao giờ vẫn là vấn đề còn tranh cãi. Theo quyển Thập Quốc Xuân Thu Ký một vị tướng quân của triều Nam Đường tên là Quách Sùng Thao khi chinh phạt nước Thục đã bắt nhiều người. Trong số ấy có Lý phu nhân bị ông ép làm vợ. Lý phu nhân thường u sầu ủ rũ, thích ngồi một mình dưới trăng, ngắm cành trúc la đà. Do xúc cảm, bà dùng bút và mực đen vẽ nên tranh. Người ta cho rằng mặc trúc (trúc vẽ bằng mực đen) bắt đầu từ dạo ấy. Nhưng vị tất mặc trúc bắt đầu từ Lý phu nhân. Người ta biết chắc chắn tranh hoa điểu bắt nguồn từ đời Đường vậy thì bảo mặc trúc có từ Hậu Đường cũng có thể tin được.
Mai, lan, trúc, cúc bước vào hội họa chẳng qua vì chúng hàm hữu ý vị tượng trưng văn học, tiêu biểu đức hạnh của người quân tử. Đời Tống có Văn Đồng, Tô Thức nổi tiếng về mặc trúc, Thôi Bạch với mặc mai, Trịnh Tư Hữu, Triệu Mạnh Kiên với mặc lan, cho đến Triệu Xương, Hoàng Cư Bảo với mặc cúc. Tất cả nhưng danh họa gia này đã vun xới một mảnh đất, khai phóng một con đường giúp cho hội họa các triều đại kế tiếp được phát triển dễ dàng.
Vào đời Nguyên mặc trúc đã thịnh hành với các danh gia như Cao Phòng Sơn, Lý Tức Trai, Kha Cửu Tư, Nghê Vân Lâm, Ngô Trọng Khuê, Cố Định Chi, Triệu Mạnh Phủ, Quản Trọng Cơ, v.v... Đặc biệt, Lý Tức Trai đã thâm nhập một ngôi làng trúc, nghiên cứu mọi tư thế của cây trúc, viết thành một quyển sách để đời gọi là Trúc Phổ. Kha Cửu Tư biên soạn quyển Họa Trúc Phổ nghiên cứu họa pháp về trúc đời Tống, có thể xem là sách gối đầu giường cho người sơ học.
Đến đời Minh, tranh mai, lan, trúc, cúc cực thịnh, danh họa gia cũng nhiều như Tống Khắc, Vương Phất, Hạ Xưởng, Lỗ Đắc Chi, v.v... Nổi tiếng nhất là Hạ Xưởng. Ông tự Trọng Chiêu, bắt đầu học vẽ trúc và đá nơi Vương Phất. Về sau ông tự cải tiến lối vẽ trúc: thân trúc thẳng tắp ngạo nghễ, có sắc khói sương, chỗ đậm chỗ nhạt chỗ xơ xác cực kỳ ảo diệu. Thuở ấy có câu ca: «Hạ hương nhất cá trúc, Tây lương thập đĩnh kim.» (Một cành trúc nơi quê ông Hạ Xưởng trị giá mười nén vàng ở Tây Lương).
Trúc – tranh của Ngô Trấn đời Nguyên
Danh gia tiêu biểu về mặc mai có Vương Miện và Trần Hiến Chương.Vương Miện tự là Nguyên Chương vẽ mai thướt tha tiêu sái nổi tiếng đương thời. Vương Miện và Hạ Xưởng là cặp danh gia lừng lẫy; một người về mai, một người về trúc.
Các họa gia đời Thanh vẫn tuân thủ họa pháp đời Minh. Nổi tiếng là Thạch Đào và Bát Đại Sơn Nhân, hai di thần triều Minh. Khi Mãn Thanh lật đổ nhà Minh, Bát Đại Sơn Nhân giả điên giả câm chạy trốn vào núi lánh nạn, một thời làm hòa thượng, một thời làm đạo sĩ. Bát Đại Sơn Nhân thuộc giòng dõi hoàng tộc, tên là Chu Đáp. Bút hiệu của ông ngụ ý sâu sắc: Sơn Nhân có nghĩa là người ẩn dật nơi sơn dã, còn Bát Đại 八大 khi viết thảo theo hàng dọc, chữ bát 八 thành hai chấm đè lên chữ đại , chúng gần giống chữ tiếu 笑 (cười) hay chữ khốc 哭 (khóc), bày tỏ tâm trạng dở khóc dở cười. Ông dùng hội họa để tiêu sầu, họa pháp chủ về tả ý, đơn sơ mạnh bạo nhưng sống động, chất chứa nỗi lòng u ẩn. Họa pháp của Thạch Đào và Bát Đại sơn nhân phóng túng tiêu sái không tuân theo những qui tắc sẵn có, nên có thể đứng riêng thành một tân họa phái. Ngoài ra có thể kể thêm một số danh họa gia đời Thanh như Trịnh Tiếp nổi tiếng về lan trúc, Lý Phương Ưng, Kim Nông, Uông Sĩ Thận nổi tiếng về mặc mai. Các họa gia cận đại như Triệu Huy Thúc, Ngô Xương Thạc, Tề Bạch Thạch sáng tạo nhiều nét tân kỳ có thể gọi là cao thủ về mai, lan, trúc, cúc.
Tứ quân tử chiếm một vị trí đặc biệt trong hội họa Trung Quốc. Qua từng thời đại các danh họa gia đã góp phần sáng tạo và thể hiện tứ quân tử thêm tân kỳ. Ngày nay các họa gia Trung Quốc đã mạnh dạn thâu hóa họa pháp Tây phương. Môn họa truyền thống này sẽ phát triển như thế nào vẫn còn là vấn đề thú vị mà người ta chưa tiên đoán được.

Hoa điểu

Tranh của Triệu Cát (tức vua Tống Huy Tông)
Tranh hoa điểu ngư trùng (hoa cỏ, chim chóc, cá, côn trùng) của Trung Quốc có nguồn gốc lâu đời. Kể từ đời Đường và đời Tống trở về sau, loại tranh này kết hợp giữa hội họa và văn học. Ở Âu Châu, từ thời Phục Hưng cho tới nay loại tranh đề tài bướm, thảo trùng, hoa cỏ không phải là hiếm. Nhưng những đề tài này trong lối họa sơn dầu Tây phương không hàm ý nghĩa tượng trưng văn học. Đó là nét đặc trưng của hội họa truyền thống Trung Quốc, khác biệt với lối họa sơn dầu Tây phương. Đã bao triều đại qua, các họa gia cũng rất thường là thi nhân, văn sĩ, dùng hội họa để tải đi những thi tứ của mình. Khuynh hướng này đặc biệt hiện rõ trong loại tranh hoa điểu.
Văn nhân Trung Quốc thường gán cho từng loại hoa một đức tính, một ý nghĩa tượng trưng văn học nào đó, và các họa gia đã tiếp thu toàn bộ những quan niệm này. Chẳng hạn Chu Đôn Di 周惇頤, một đại nho đời Tống, từng nói: «Trong các loài hoa, cúc là kẻ ẩn dật, mẫu đơn là kẻ phú quý và sen là bậc quân tử vậy.» (Cúc, hoa chi ẩn dật giả dã; mẫu đơn, hoa chi phú quý giả dã; liên, hoa chi quân tử giả dã. 菊花之隱逸者也牡丹花之富貴者也蓮花之君子者也).
Tranh Tề Bạch Thạch (1863-1957)
Quan niệm cúc là kẻ ẩn dật có lẽ phát xuất từ Đào Tiềm 陶潛 tức Đào Uyên Minh 陶淵明 đời Tấn, một thi sĩ vĩ đại, chán cảnh làm quan luồn cúi, treo áo từ quan, hưởng thú điền viên, vui cảnh nghèo, thích uống rượu chơi cúc và nhàn du. Người đời khen ông là bậc ẩn dật cao khiết. Trong bài Ẩm Tửu 飲酒 của ông có nhắc đến hoa cúc: «Hái cúc dưới giậu đông, thơ thới nhìn núi Nam.» (Thái cúc đông ly hạ, du nhiên kiến Nam Sơn. 採菊東籬下悠然見南山.) Người ẩn sĩ này uống rượu ngắm cúc để quên cảnh náo nhiệt, trầm luân trong đời, cho nên hoa cúc cũng là biểu tượng của kẻ ẩn dật lánh đời vậy.
Người giàu có ưa chuộng màu sắc lộng lẫy rực rỡ của mẫu đơn. Mẫu đơn là loài hoa quý hiếm, chỉ có bậc quyền quý đài các mới chơi hoa này. Cho nên mẫu đơn là biểu tượng của sự giàu sang phú quý. Hoa sen là cốt cách của bậc quân tử. Đẹp và ngát hương, gần bùn mà chẳng tanh bùn. Dù cuộc đời ô trọc, nhân tình ấm lạnh, bậc quân tử vẫn giữ được tiết tháo của mình, thơm tho và tinh khiết như đóa sen kia.
Hoa kết hợp với điểu, thảo trùng, cá, đá và các khí vật khác cũng tăng thêm thi ý cho tranh, tạo cho tranh có chủ đề mới. Thường đó là lời chúc nguyện cát tường. Chẳng hạn: «Tùng hạc diên niên» 松鶴延年 (tùng và hạc sống lâu) là chủ đề tranh dùng chúc thọ, bởi vì theo truyền thuyết, người Trung Quốc tin rằng hạc sống đến ngàn năm (Hạc thọ thiên tuế 鶴壽千歲). Người Trung Quốc có thói quen tặng tranh tùng hạc mừng lễ thượng thọ của các bậc trưởng thượng.
Thi nhân cho rằng chim én là loài chim nhỏ có cảm tình, mùa thu và mùa đông bay đi tìm cái ấm áp của miền nhiệt đới và mùa xuân quay về tổ cũ. «Xuân phong yến hỉ» 春風燕喜 (chim yến vui trong gió xuân) mô tả một đôi én về tổ trong cành liễu xanh phất phơ hay cành đào hồng thắm. Một bức tranh với đôi én hoặc một bức tranh với cặp hồng nhạn 鴻雁 hay đôi uyên ương bơi lội trong ao sen chính là biểu tượng tình nghĩa vợ chồng, gia đình khang lạc. Dưới cội mai vàng (biểu tượng của Phúc) là đôi chim cun cút hoặc một đàn gà con cùng gà trống gà mái cũng là biểu tượng của ân nghĩa tao khang, quan hệ nhân luân. Tranh phụ đề «ân nghĩa tại sinh tiền» 恩義在生前 (ân nghĩa đối với nhau lúc còn sống) thật là cảm động và thâm trầm biết bao!
Tranh «Thập toàn báo hỉ» 十全報喜 vẽ mười con chim khách đậu trên phiến đá và trên cây tùng hót líu lo báo tin mừng (chim khách được tin tưởng là báo điềm lành nên tục gọi nó là «hỉ thước» 喜鵲), tranh để chúc sự nghiệp thành công.
Mẫu đơn phối hợp với cá lội là biểu tượng: «Phú quý hữu dư» 富貴有餘 (phú quý dư dật) là lời chúc nguyện tốt đẹp vào ngày đầu năm. Mẫu đơn vẽ chung với khổng tước (chim se sẻ) mang tên «Khổng tước khai bình» 孔雀開屏 là tranh chúc mừng khai trương cửa tiệm. Hoa xuân điểm thêm vài cánh bướm, tạo sinh động cho tranh. Bướm là điệp 蝴 (hay hồ điệp 蝴蝶) đồng âm /dié/ với điệp  (trùng điệp 重疊). Tranh mẫu đơn điểm thêm cánh bướm ngụ ý phú quý trùng điệp 富貴重疊. Hoặc trên cánh hoa vẽ con dế, cho ta hình dung tiếng thu đang về rồi với tiếng nhạc để râm ran đâu đây.
Từ đời Đường (618-907) trở về trước, hoa điểu được vẽ chỉ để trang sức cho khí cụ đồ vật, hoặc để điểm xuyết thêm cho nhân vật. Bắt đầu từ đời Đường là thời kỳ phồn thịnh phú cường trong lịch sử Trung Quốc. Giao thông phát triển, giao lưu văn hóa với các dân tộc, kinh tế xã hội phồn vinh, văn học nghệ thuật được đề cao. Đến nỗi mãi đến những thế kỷ gần đây mà người Trung Quốc vẫn quen xưng là «Đường nhân» 唐人 một cách tự hào. Cho nên trong bối cảnh học thuật văn nghệ rực rỡ như vậy, không riêng gì tranh hoa điểu mà tranh nhân vật, tranh sơn thủy cũng phát dương, tài bồi có qui củ và hệ thống hơn.
Quyển Đường Triều Danh Họa Lục 唐朝名畫錄 có kể ra trên hai mươi họa gia chuyên về hoa điểu. Trong đó nổi bật nhất là Biên Loan 邊鸞, Điêu Quang Dẫn 刁光引, và Đằng Xương Hựu 滕昌祐. Điêu Quang Dẫn là thầy của Hoàng Thuyên 黃筌 và Từ Hi 徐熙. Điêu Quang Dẫn được mệnh danh là tổ sư về tranh hoa điểu cho đời sau. Thời Ngũ Đại (907-960) trong cục diện thập quốc phân loạn, tranh hoa điểu vẫn phồn thịnh; đương thời có «Từ Hoàng nhị thể» 徐黃二体 nghĩa là hai lối vẽ, một của Từ Hi và một của Hoàng Thuyên. Họa pháp Từ và Hoàng bất đồng. Hoàng là họa gia chốn cung đình, chủ trương tả chân. Từ là dân áo vải đất Giang Nam, bút pháp khoáng đạt nghiêng về tả ý. Hoàng thiện nghệ về chim tước, Từ sở trường về ve sầu, bướm và thảo trùng khác. Quách Nhược Hư 郭若虛 trong quyển Đồ Họa Kiến Văn Chí 圖畫見聞志 đã nói: «Hoàng gia phú quý, Từ Hi dã dật.» 黃家富貴徐熙野逸 (Họ Hoàng mô tả cảnh phú quý, Từ Hi mô tả cảnh điền dã an nhàn.) Điều đó thật dễ hiểu. Hoàng là họa sĩ nơi đế đô chuyên vẽ những trân cầm thụy điểu trong cung đình, còn Từ là Giang Nam xử sĩ quen vẽ dã trúc uyên ngư chốn giang hồ. Như vậy thời Ngũ Đại họa pháp hoa điểu đã thể hiện rõ hai phái: tả thực 寫實 (realistic style) và tả ý 寫意 (impressionistic style). Hai phong cách này càng được phát dương vào đời Tống (960-1276).
Tranh hoa điểu đời Tống phát triển trên cơ sở «Từ Hoàng nhị thể» của thời Ngũ Đại. Con trai của Hoàng Thuyên là Hoàng Cư Thái 居寀 rất nổi tiếng, được vời vào Hoàng Gia Hàn Lâm Họa Viện, rất được sủng ái chốn hoàng cung. Thanh thế gia đình họ Hoàng càng lớn mạnh, người ái mộ Hoàng thế cũng lắm mà kẻ a dua thì cũng nhiều. Ảnh hưởng họa pháp của hai họ Hoàng và Từ không những trong cung đình mà còn lan khắp ra ngoài nữa. Từ các đời vua Tống về sau, phong cách dã dật của họ Từ cũng được hâm mộ. Con cháu của Từ Hi là Sùng Tự 嗣, Sùng Huân 崇勳 và Sùng Củ 崇矩 nổi tiếng từ đó. Phong cách thịnh hành bấy giờ là phối hợp Từ Hoàng nhị thể với nhau. Tiêu biểu phong cách phối hợp này là anh em Thôi Bạch 崔白 và Thôi Khác 崔愨 cùng với Ngô Nguyên Du 吳元渝. Người đời khen phong cách của anh em Thôi và họ Ngô là thanh đạm nhã dật. Bên cạnh họ, Triệu Xương 趙昌 và Dịch Nguyên Cát 易元吉 cũng rất nổi tiếng. Các danh thủ về hoa điểu có thể kể thêm như Ngải Tuyên 艾宣, Vương Hiểu 王曉, Triệu Cát 趙佶, Mã Bôn 馬賁, Đái Uyển 戴, Hàn Nhược Chuyết 若拙, v.v... Triệu Cát tức là vua Huy Tông 徽宗 cuối đời Bắc Tống. Ông vua nghệ sĩ này rất tài hoa về thư pháp, sơn thủy, và nhân vật, đặc biệt là hoa điểu. Hiện nay tranh hoa điểu của ông vua này là cao giá nhất trong các tranh điểu đời Tống. Tống Huy Tông được khen ngợi về nghệ thuật bao nhiêu thì càng bị chê về chính trị bấy nhiêu. Thời ông, triều đình mục nát, xã hội nhiễu nhương, triều đình chỉ trông cậy đám phường thị thái giám, để giặc Kim tràn lấn cõi bờ.
Chim ưng và tùngtranh Từ Bi Hồng (1895-1953)
Đời Tống phát triển một họa pháp gọi là Văn nhân họa pháp 文人畫法 (literati style) do Tô Thức 蘇軾 (Tô Đông Pha 蘇東坡) và Mễ Phế (Mễ Phất) 米芾 khai sinh ra. Lúc bấy giờ các văn nhân rất sính hội họa và thư pháp. Quan niệm Tô Thức và Mễ Phế cũng như các họa gia tài tử khác cho rằng hội họa bất tất phải sao chép thiên nhiên, mục đích của hội họa là gia tăng thi hứng, không cần phải mô tả sự vật. Bút và mực du hí trên trang giấy, những nét bút tiêu sái của nghệ sĩ cốt là bày tỏ được ý tình mà thôi. Tô Thức nói: «Luận họa dĩ hình tự, kiến dữ nhi đồng lân.» 論畫以硎似見與兒同鄰 (Luận về tranh mà căn cứ trên hình thể giống như thật thì đó là tiêu chuẩn của trẻ con). Còn Mễ Phế thì bảo: «Hào phóng bất câu thằng kiểm.» 毫放不拘繩檢 (Nét bút phóng khoáng không câu chấp vào khuôn mẫu có sẵn.) Đối chiếu với hội họa Âu Châu, mãi đến thế kỷ XIX vẫn còn thiên về tả thực, thì quan niệm nghệ thuật của Tô Thức và  Mễ Phế (thế kỷ XII) nói trên quả là phóng khoáng, đi trước Tây phương tới sáu bảy trăm năm vậy. Nhưng cuối đời Tống, quan niệm về văn nhân họa pháp chỉ mới ở giai đoạn phôi thai, mãi đến đời Nguyên-Minh và Thanh quan niệm này mới phát triển sâu rộng.
Đời Nguyên (1234-1368) dân Mông Cổ thống trị Trung Quốc, tôn trọng võ công, khinh miệt văn học nghệ thuật. Nguyên Thái Tông (1229-1245) chia dân làm 10 giai cấp: quan (người Mông Cổ), lại, sư sãi, đạo sĩ, thầy thuốc, dân công nghệ, thợ thuyền, đào kép hát, nho sĩ, và ăn mày. Kẻ sĩ bị khinh bỉ, chỉ hơn lũ ăn mày; khoa cử bị bãi bỏ trong một thời gian lâu. Trong bối cảnh đó, dĩ nhiên hội họa cũng không thể nào phát triển được. Các họa gia về hoa điểu phân làm hai phái: phái phục cổ và phái tự do. Phái phục cổ gồm có Tiền Tuyển 錢選, Vương Uyên 王淵, Trần Trọng Nhân 陳仲仁, v.v... Họ chủ trương mô phỏng họa pháp họa gia đời trước như Hoàng Thuyên, Triệu Xương, tức là lối công bút mỹ lệ. Phái tự do thì tuân thủ quan niệm văn họa pháp của Tô Thức và Mễ Phế đời Tống, nhưng không có ai nổi bật.
Đời Minh (1368-1644), kể từ Chu Nguyên Chương (một anh hùng áo vải phất cờ khởi nghĩa lật đổ nhà Nguyên) lên ngôi, nền học vấn nghệ thuật được phục hưng, khoa cử được coi trọng. Tuy nhiên dẫu Hàn Lâm Họa Viện đã khôi phục lại, người tài được chiêu vời đến, nhưng các vua đời Minh chuyên chế, quen nghiêm hình tuấn phạt, cho nên các họa gia không dám thoát ra khuôn phép cũ: sáng tác phải phụng thừa thánh chỉ, phần lớn mô phỏng ý tứ của cổ nhân, nhất nhất đều chỉ nhằm tránh được lỗi lầm. Hiện tượng sao chép cổ nhân không chỉ trong họa giới mà còn trong văn giới nữa. Tiêu biểu cho phái phục cổ tranh hoa điểu là Biên Văn Tiến 邊文進 và Lã Kỷ 呂紀. Về sau có cha con Lâm Lương 林良 mới nổi tiếng về thủy mặc hoa điểu theo lối tả ý. Giữa đời Minh về sau, lối tả ý mới thịnh hành. Các cao thủ về hoa điểu tả ý có Trần Thuần 陳淳 và Từ Vị 徐渭. Chu Chi Miện 周之冕 nổi tiếng về sáng kiến vẽ hoa rất tỉ mỉ còn vẽ lá thì theo lối tả ý, tức là kết hợp công bút với ý bút. Trong khi đó Trần Hồng Thụ 陳洪綬 nổi bật với tranh hoa điểu theo lối công bút cố hữu của ông.

 


Lan – tranh Kim Nông (1687-1764)

Đến đời Mãn Thanh (1644-1911) dân tộc Mãn thống nhất Trung Quốc. Nhiều phong trào phản Thanh phục Minh nổi dậy. Tướng Trịnh Thành Công khởi nghĩa vùng Giang Nam, Chiết Giang, sau lập căn cứ ở đảo Đài Loan, mộng không thành, ôm hận mà chết. Còn Mạc Cửu thì sang Hà Tiên (Việt Nam) lập nghiệp, không chịu khuất thân với Thanh triều. Nhà Thanh một mặt thẳng tay đàn áp người khởi nghĩa phục Minh, một mặt biết chiêu dụ nhân tài, thu dùng kẻ sĩ. Các vua Khang Hi và Càn Long vừa giỏi võ nghệ vừa trọng văn hóa, cho nên văn học nghệ thuật cũng rất thịnh. Về phương diện hội họa, các họa gia vẫn tuân thủ quy phạm điển chương họa pháp đời Minh, nghĩa là vẫn mô phỏng cổ nhân, không có gì đặc sắc về mặt sáng tác. Tuy nhiên riêng về hoa điểu có nhiều phát triển. Uấn Nam Điền 惲南田 nổi tiếng về lối vẽ không viền nét (một cốt họa pháp) được coi là phương cách thể hiện màu hoa tươi tắn và mềm mại. Ngoài ra còn có Hoa Nham 華嵒, Lý Thiện 李鱓, Kim Nông 金農 đều sở trường về hoa điểu, bút pháp giản dị độc đáo. Bút pháp tân kỳ nhất là của hai di thần nhà Minh: Thạch Đào Hòa Thượng 石濤和尚 và Bát Đại Sơn Nhân 八大山人 mang tâm trạng bi thống của kẻ vong quốc, khí bút hào phóng dị kỳ.
Hoa sen  tranh của Bát Đại Sơn Nhân
Cuối đời Thanh, giao thông giữa Đông và Tây thường xuyên hơn. Tất nhiên lối họa truyền thống Trung Quốc và lối họa Tây phương cũng có ảnh hưởng hỗ tương nhất định. Tuy vậy đa số họa gia Trung Quốc vẫn duy trì phong cách hội họa truyền thống của họ. Về hoa điểu, công bút có Nhiệm Bá Niên 任伯年, ý bút có Tề Bạch Thạch 齊白石, Ngô Xương Thạc 吳昌碩, Cao Kỳ Phong 高奇峰, Cao Kiếm Phụ 高劍父, Trần Thụ Nhân 陳樹人, Vu Phi Ám 于非闇, Từ Bi Hồng 徐悲鴻...
Cao Kỳ Phong, Cao Kiếm Phụ, Trần Thụ Nhân, Triệu Thiếu Ngang 趙少昂, Lê Cát Dân 黎葛民 được coi là những người khai sáng họa phái Lĩnh Nam 嶺南, một họa phái kết hợp sáng tạo lối vẽ cổ truyền Trung Quốc và lối vẽ Tây phương cận đại. Chi phái Lĩnh Nam tại Việt Nam do ông Lương Thiếu Hàng 梁少航 sáng lập (môn đệ của Triệu Thiếu Ngang). Ông Lương tạ thế, môn đệ là Lý Tùng Niên 李松年 kế tục, lập nên nhóm Nam Tú Nghệ Uyển 南秀藝苑 tại Chợ Lớn ngày nay.


Ngựa trong tranh Trung Quốc


Cảnh chăn ngựa trong thực tế
Ngựa là chủ đề quen thuộc trong tranh Trung Quốc. Ðể hiểu lý do tại sao tranh Trung Quốc thường có một chủ đề như vậy, chúng ta cần xét hai điểm: một là ý nghĩa và giá trị đích thực của ngựa trong lịch sử Trung Quốc và hai là ý nghĩa biểu tượng của ngựa trong quan niệm dân gian.
Ngựa (equus caballus) đóng vai trò rất quan trọng trong lịch sử Trung Quốc. Nguồn gốc ngựa của Trung Quốc là từ Trung Á nhưng các chủng loại ngựa phổ biến hiện nay có gốc Mông Cổ. Ngựa đã xuất hiện ở Trung Quốc tự bao giờ? Giống động vật lớn này được thuần dưỡng tại Trung Quốc có lẽ khoảng 2500 năm tcn, nghĩa là cách nay khoảng trên 4000 năm. Ðó là loài gia súc quý báu, sang trọng, cần chăm sóc đặc biệt. Những mảnh giáp cốt khai quật cho thấy ngựa đã được sử dụng vào đời Thương . Cuối đời Thương, việc nuôi ngựa và sử dụng xe ngựa càng thấy rõ. Sử Ký Tư Mã Thiên từng ghi chép rằng dân đời Thương rất giỏi buôn bán, họ đã đánh xe đến những nơi xa xôi buôn bán rồi quay về. Từ ngữ Thương nhân 商人 ban đầu ám chỉ cụ thể là «dân đời Thương» về sau được dùng để chỉ tất cả những người hoạt động kinh doanh (cũng giỏi giang như dân đời Thương); và đây chính là từ nguyên của từ tố «thương» trong các từ ngữ thương nghiệp 商業, thương mại 商賣, thương nhân 商人, v.v...
Nhiều người chưa quen với ý nghĩ cho rằng việc cưỡi ngựa cũng là một phát minh quan trọng như bao phát minh khác. Song song với việc nuôi ngựa là sự xuất hiện của các chiến xa hai bánh do ngựa kéo. Tuy nhiên, theo Wolfram Eberhard, xe ngựa không phải là phát minh của Trung Quốc, mà nó được du nhập từ Thổ Nhĩ Kỳ. Các chiến xa hai bánh phổ biến cuối đời Thương chở ba người: người đánh xe, chiến sĩ (giới quý tộc), và người phục dịch (thí dụ đưa mũi tên hoặc trao vũ khí cho chiến sĩ sử dụng). Chiến xa là tài sản quý giá phải do thợ chuyên nghiệp chế tạo. Lúc đầu xe có hai càng, về sau cải tiến một càng cho hai ngựa kéo. Ngựa thì luôn đắt và hiếm tại Trung Quốc, và trong nhiều thời kỳ lịch sử của Trung Quốc, ngựa được mua trực tiếp từ các bộ tộc du mục ở các phương Bắc và Tây. Ðồng thời, Trung Quốc đã tiếp thu thuật sử dụng ngựa như chiến mã, thuật nuôi dưỡng, thắng yên cương, v.v... tức là tiếp thu nền văn minh thảo nguyên của các bộ tộc du mục như Ðột Quyết, Hung Nô, Si Vưu, Mông Cổ.
Trong chiến tranh ở Trung Quốc cổ đại, ngựa giữ vai trò rất quan trọng có thể gọi là nền tảng của sức mạnh quân sự. Các kỵ binh du mục trên lưng các chiến mã thần tốc và dũng mãnh luôn là mối kinh hoàng cho binh quân của Trung Quốc. Do đó Trung Quốc rất quan tâm tới vấn đề cung cấp và huấn luyện ngựa cho quân đội. Binh bộ vì thế cũng gọi là Tư Mã 司馬. Vì ngựa rất cần cho quân đội, nên nghề buôn ngựa có quan hệ đến giới lãnh đạo quân đội và chính trị của triều đình (như trương hợp của Lã Bất Vi, tương truyền ông là một người buôn ngựa). Một trong những danh tướng đời Hán là Mã Viện (14 tcn-49 cn) (tức Phục Ba tướng quân) nổi tiếng là sành ngựa. Tổ tiên của Mã Viện vốn là quan tướng của nước Triệu, một nước chuyên xuất khẩu ngựa và có lực lượng kỵ binh hùng mạnh. Tổ tiên của Mã Viện có danh hiệu là Mã Phục Quân (người giỏi thuần dưỡng ngựa) và vì thế con cháu về sau đều lấy họ Mã. Chính Mã Viện ban đầu là nhà chăn nuôi giàu có ở biên giới phía bắc, chuyên nuôi trâu, bò, cừu, ngựa. Ông có công chiến đấu giúp thành lập nhà Hậu Hán, nên trở thành danh tướng, và đã gả con gái cho một hoàng tử. Mã Viện thích cưỡi ngựa bắn cung. Mã Viện từng lấy một trống đồng (chiến lợi phẩm) nấu ra và đúc thành hình con ngựa, trên đó ghi dấu những vị trí mà người giám định ngựa cần biết, ngoài ra ông còn khắc nguồn gốc hiểu biết và kinh nghiệm về ngựa của ông tức là ông khắc tên thầy dạy ngựa cho ông và tên thầy của vị thầy đó, cứ thế lần lên đến 4 đời thầy dạy ngựa. Ông còn khắc trên tượng ngựa đồng rằng: «Ngựa là cơ sở của sức mạnh quân sự, là tài nguyên lớn của quốc gia.» Theo từ điển Từ Hải ghi chép, quan điểm của Mã Viện về chí khí nam nhi phải là xông pha trận mạc, da ngựa bọc thây, chứ không phải nằm chết trên giường trong vòng tay của thê tử.

Tranh Hàn Cán (đời Đường)

Ngoài giá trị quan trọng của ngựa trong vận tải và quân sự, người ta còn tìm thấy giá trị y học của ngựa, được mô tả trong Bản Thảo Cương Mục (xuất bản 1596). Theo sách này, chữ mã (ngựa) trong Hán văn là chữ tượng hình (xem hình bên cạnh), phác họa hình dáng của ngựa. Rồi sách liệt kê tên các chủng loại ngựa và loại nào có tác dụng về mặt y học kèm theo sự mô tả giản lược, chẳng hạn giống ngựa thuần bạch là có tác dụng y học rất tốt. Loài ngựa phương nam và phương đông thì nhỏ thó và yếu đuối. Muốn biết tuổi ngựa thì xem răng của nó. Cho ngựa ăn lúa thì chân nó sẽ nặng nề. Cho nó ăn phân chuột thì bụng nó sẽ dài ra, v.v... (đại khái là cách nuôi dưỡng ngựa). Một tác phẩm khác xuất hiện vào thế kỷ XVII cn là Mã Kinh (sách kinh điển giảng về ngựa), trong đó ghi chép cách xem tướng ngựa, v.v...

Tranh Hàn Cán (đời Đường)

Vì những giá trị thực tế và quan trọng (thậm chí rất quý giá) của ngựa trong lịch sử Trung Quốc như vậy, nên không có gì ngạc nhiên khi ngựa trở thành một đề tài quen thuộc trong hội họa Trung Quốc. Tuy nhiên, còn một lý do khác nữa để giải thích điều này, xuất phát từ quan niệm dân gian.
Dân gian cho rằng ngựa có đức tính trinh tiết, ý thức rõ quan hệ truyền chủng, không vi phạm cái mà luân lý loài người gọi là loạn luân. Như Dịch Kinh từ đời Chu đã ca ngợi là «Tẫn mã chi trinh» 牝馬之貞(đức trinh tiết của ngựa cái). Ngựa còn có đức tính trung thành, một đức tính mà Nho gia rất coi trọng trong các mối quan hệ xã hội. Câu chuyện ngựa xích thố của Quan Vân Trường (tức Quan Công) thời Tam Quốc là một giai thoại tiêu biểu.

Người cưỡi ngựa (Nhân kỵ đồ 人騎圖) - tranh Triệu Mạnh Phủ (đời Nguyên)

Ngựa xích thố mỗi ngày đi nghìn dặm (nên gọi là thiên lý câu). Lúc đầu xích thố thuộc Ðổng Trác. Lý Túc và Lý Nho lập mưu bảo Trác đem vàng bạc châu báu và ngựa xích thố tặng cho Lã Bố để mua chuộc Bố bỏ cha nuôi là Ðinh Nguyên mà đầu quân bên Trác. Khi Bố thua chạy về thành Hạ Bì, bị quân Tào Tháo vây khổn. Thuộc hạ của Bố là Hầu Thành ban đêm trộm ngựa rồi dâng Tào Tháo. Hôm sau hai thuộc hạ khác là Tống Hiến và Ngụy Tục lừa dịp Bố ngủ bèn trộm cây phương thiên họa kích và trói gô Lã Bố đem nạp cho Tháo. Sau khi Tháo xử trảm Lã Bố, ngựa xích thố thuộc về Tháo. Khi Quan Vũ tá túc bên Tào Tháo, được Tháo hết lòng trọng đãi, và ngựa xích thố là món quà của Tháo nhằm mua lòng Quan Vũ. Về sau khi Quan Vũ bị Tôn Quyền chém chết, ngựa xích thố nhịn ăn mà chết. Người đời lập miếu thờ ngài cũng đắp tượng thờ ngựa xích thố, và tục này cũng lan sang Việt Nam. Sự trung thành đối với chủ của ngựa (mã) cũng như chó (khuyển) luôn được người đời coi trọng. Những kẻ bội tín thường bị mạ lị khinh rẻ là thua cả loài chó ngựa.
Tranh của Từ Bi Hồng (1895-1953)
Ngựa – loài vật quý giá với đức tính trinh tiết và trung thành, đứng hàng thứ 7 trong 12 địa chi – xuất hiện trong tranh Trung Quốc như là biểu tượng của sự mau chóng và thành đạt. Thí dụ bức tranh có chủ đề phổ biến nhất là «mã đáo thành công» thể hiện qua một bầy ngựa phi nước đại gió bụi mịt mù. Nguyên ý câu này là «Kỳ khai đắc thắng, mã đáo thành công» 旗開得勝馬到成功 (Cờ phất [làm hiệu thì] chiến thắng, ngựa quay về [báo tin] thành công). Ngày xưa khi xuất binh phải phất cờ hiệu, mà cờ đã phất rồi thì phải chiến thắng; tướng soái khi lấy đầu tướng giặc, chiến mã quay về tất báo tin thành công. Ý nghĩa câu «mã đáo thành công» 馬到成功 ngày nay chỉ còn tượng trưng là tốc chiến tốc thắng. Và một bức tranh «mã đáo thành công» làm quà khai trương cho một cửa hiệu chỉ đơn giản tương tự như là «khai trương hồng phát» 開張鴻發 (mở cửa tiệm thì phát đạt lớn) chứ không có ý là mau chóng thành công nhờ ... cứa cổ khách hàng. Tranh vẽ một chú khỉ (hầu ) cưỡi trên lưng ngựa (mã thượng 馬上) lại là một lời cầu chúc tốt đẹp. Hầu 猴 (khỉ) đồng âm hầu 侯 (chức tước hầu); mã thượng 馬上 còn có nghĩa là ngay tức khắc. Do đó tranh chúc này có nghĩa rộng là «Chúc cho mau chóng thăng quan tiến chức».
Bát Tuấn (tám con ngựa hay) của Chu Mục Vương (1001-746) đời Chu cũng là một chủ đề nổi tiếng trong tranh cổ. Mục Vương có 8 tuấn mã, đặt tên khác nhau (Xích Ký, Ðạo Ly, Bạch Nghĩa, Du Luân, Sơn Tử, Cừ Hoàng, Hoa Lưu, Duyên Nhĩ), và có một xa phu tên Tạo Phụ, đánh xe đưa vua ngao du khắp nơi. Trong những miếu thờ dọc đường, người ta thấy tranh vẽ Mã Vương vốn là thần nhân xấu xí có 3 mắt, 4 tay, mang vũ khí. Ðó là thần mà dân nuôi ngựa phải thờ cúng. Tương tự như thế, dân nuôi trâu bò thờ Ngưu Vương, cũng có tranh thờ trong miếu. Mã Vương được vẽ cùng với một con ngựa, Ngưu Vương được vẽ cùng với con trâu. Theo tin tưởng của dân chăn nuôi trâu và ngựạ, hai vị thần này có thể bảo vệ ngựa và trâu bò khoẻ mạnh, không bị tà ma quấy nhiễu.

Tắm ngựa (Dục mã đồ  浴馬圖)- Triệu Mạnh Phủ đời Nguyên

Họa gia vẽ ngựa nổi tiếng đời Ðường thì có Hàn Cán 韓幹 và Tào Bá 曹霸; đời Nguyên thì có Triệu Mạnh Phủ 趙孟頫. Hàn Cán (không rõ năm sinh và năm mất) người Kinh Triệu 兆 (nay thuộc Thiểm Tây), có thuyết nói ông người Ðại Lương 大梁 (nay thuộc Hà Nam). Ông làm chức Thái Phủ Tự Thừa 太府寺丞 (vào đời Ðường, Thái Phủ Tự là cơ quan phụ trách ngân khố của hoàng cung), nhưng ông lại nổi tiếng về vẽ ngựa và vẽ nhân vật cũng như thầy ông là Tào Bá 曹霸. Tào Bá (không rõ năm sinh và năm mất) người quận Tiêu  (nay là huyện Bạc  của tỉnh An Huy) là họa gia của triều đình, chuyên vẽ ngựa và chân dung các công thần. Ông cũng giữ chức quan Tả Vũ Vệ tướng quân 左武衛將軍. Nhà thơ Ðỗ Phủ xem tranh của Tào Bá vô cùng thích thú và không tiếc lời tán tụng. Ðến đời Nguyên, thư pháp gia kiêm họa gia Triệu Mạnh Phủ (tức Triệu Tùng Tuyết) ghi nhận xét trong Tùng Tuyết Trai Văn Tập rằng: «Ðời Ðường có nhiều họa gia giỏi về vẽ ngựa, nhưng nổi bật nhất là Hàn (Cán) và Tào (Bá).» (Đường nhân thiện hoạ mã giả thậm chúng, nhi Hàn, Tào vi chi tối 唐人善畫馬者甚眾而韓曹為之最).
Mùa thu cho ngựa uống nước ở ngoại thành
(Thu giao ẩm mã đồ 
秋郊飲馬圖)- Triệu Mạnh Phủ
Triệu Mạnh Phủ 趙孟頫 (1254-1322) tự là Tử Ngang 子昂, hiệu là Tùng Tuyết đạo nhân 松雪道人, Thủy Tinh Cung đạo nhân 水晶宮道人. Ông là đạo sĩ tại gia, nguyên quán Hồ Châu 湖州 thuộc Chiết Giang 浙江, và dòng dõi tôn thất nhà Tống. Cuối đời Nam Tống ông giữ chức Tư Hộ Tham Quân 司戶參軍 ở Chân Châu 真州. Qua đời Nguyên ông giữ nhiều chức quan như Binh Bộ Lang Trung 兵部郎中, Tập Hiền Trực Học Sĩ 集賢直學士Tập Hiền Thị Giảng Học Sĩ 集賢侍講學士, Hàn Lâm Học Sĩ 翰林學士, và được phong là Ngụy Quốc Công魏國公. Người đời khen tặng ông là «Vinh tế ngũ triều, danh mãn tứ hải» 榮際五朝名滿四海 (Vinh hiển trải năm đời vua, danh tiếng đầy bốn biển). Khi mất, ông được tên thụy là Văn Mẫn 文敏. Về thư pháp ông giỏi đủ loại thư thể. Thể chữ Khải của ông (gọi là Triệu thể) thật yểu điệu kiều lệ, đứng ngang hàng với ba đại thư pháp gia đời Ðường là Liễu Công Quyền, Nhan Chân Khanh, Âu Dương Tuân. Từ đời Nguyên đến nay người luyện chữ Khải phải nghiên tập không ngoài bốn kiểu chữ Khải của tứ đại thư pháp gia này. Không chỉ thế, Triệu Mạnh Phủ còn giỏi vẽ ngựa, nhân vật, trúc thạch, sơn thủy. Về vẽ nhân vật, ông chịu ảnh hưởng phong cách đời Tấn, đời Ðường. Ông học vẽ ngựa nơi họa gia Lý Công Lân李公麟, học vẽ sơn thủy nơi các họa gia Ðổng Nguyên 董源 và Lý Thành 李成. Giới thưởng ngoạn xem ông là «Nguyên họa chi quán» 元畫之冠 (người đứng đầu hội họa đời Nguyên).

Tranh của Từ Bi Hồng (1895-1953)

Ðến thời hiện đại, nổi tiếng vẽ ngựa có Từ Bi Hồng 徐悲鴻 (1895-1953). Ông quê ở Nghi Hưng 宜興, tỉnh Giang Tô 江蘇. Bi Hồng từng du học hội họa ở Pháp. Khi về nước ông vừa dạy hội họa vừa sáng tác. Ông chủ trương dung hợp cách vẽ truyền thống của Trung Quốc (gọi là Quốc họa) với lối vẽ theo định luật phối cảnh và một số kỹ pháp khác của hội họa Tây phương. Nhưng Từ Bi Hồng không phải là người duy nhất theo chủ trương này. Chủ trương dung hợp hội họa Ðông Tây như vậy là một phong trào bấy giờ mà họa phái Lĩnh Nam do Cao Kiếm Phụ sáng lập là một thí dụ tiêu biểu (phái Lĩnh Nam về sau được Lương Thiếu Hàng truyền vào Chợ Lớn, Việt Nam, và hiện nay kế tục là nhóm Nam Tú Nghệ Uyển). Trong tranh của Trung Quốc người ta thấy rõ hai loại bút pháp: Công bút và ý bút. Tranh cổ đại đa số là công bút, vẽ vật thể gì thì cũng phải có đường viền, rồi tỉ mỉ tô màu lên, lá lan lá tre thì cũng thế, nên những đường viền này làm nét vẽ cứng và thiếu sinh động. Ý bút thì ngược lại, nét bút phóng khoáng sinh động vì loại bỏ các đường viền. Một lá lan lá tre chỉ do một nét bút nhưng chính độ đậm nhạt của màu đã tạo ra sáng tối và sự sinh động. (Trước lúc vẽ, búp lông của cây bút được tẩm màu tươi sáng, rồi ngọn bút được chấm vào màu tối; do đó chỉ một nét vẽ mà hiệu quả sáng tối đậm nhạt đều có đủ). Tranh theo chủ trương dung hợp Ðông Tây có xu hướng dùng ý bút. Ý bút thể hiện rất rõ trong các tranh vẽ ngựa của Từ Bi Hồng. Những mảng sáng tối, những chỗ chừa trắng, những nét bút phóng khoáng ở bờm và đuôi ngựa, và bố cục theo luật phối cảnh Tây Phương, tất cả những điều ấy đã giúp tranh có sinh khí và thần thái. Ngoài Từ Bi Hồng, còn có Diệp Túy Bạch cũng là họa gia hiện đại cũng rất nổi tiếng về vẽ ngựa.


Vào cõi tranh Thiền


Vô Lượng Thọ Phật
(tranh Tề Bạch Thạch)
Trong môn họa truyền thống của Trung Quốc (thường được gọi là Quốc Họa) ta thường bắt gặp những chủ đề ước lệ quen thuộc được thể hiện với màu sắc đậm nhạt thích mắt, thậm chí những màu tươi vui sặc sỡ. Các chủ đề này lặp đi lặp lại đây đó đến mức sáo mòn, đại loại như hoa (đào, mai, lan, cúc, sen, thủy tiên, mẫu đơn, tử đằng, quỳnh), điểu cầm(phụng, ưng, hạc két, quạ, chim cút, vịt trời, gà vịt, ngan ngỗng), muông thú (hổ, ngựa, lừa, trâu bò, dê, nai), con vật truyền thuyết (long, lân), tôm cá cua, côn trùng (bướm, chuồn chuồn, dế, bọ ngựa, sâu, kiến), cây cối (tùng bách, tre trúc, ngô đồng, dương liễu, phong), phong cảnh (mây nước sông biển, núi non, thác ghềnh, khe suối), trái cây, nhân vật (thật và truyền thuyết)... Những chủ đề này được các họa sĩ khai thác triệt để suốt bao thế kỷ qua. Có người chuyên vẽ đá, hoặc mai, hoặc lau, hoặc trúc... Chính vì thế nên hội họa Trung Quốc lâm vào biển chết, người họa sĩ cảm thấy lúng túng trong mê lộ: bất kỳ ý tưởng nào cũng là cũ kỹ mà các tiền bối đã khai thác hết rồi. Loại tranh này chẳng còn gì tân kỳ nữa, rốt cuộc chỉ là những màu sắc trang trí trong phòng thất mà thôi.
Kể từ vị tổ thiền 28 Ấn Độ là Bồ Đề Đạt Ma (?-528) sang Đông Độ thành sơ tổ thiền Trung Quốc (năm 520, đời vua Lương Võ Đế), thiền đã mọc rễ và lớn mạnh với thông điệp thù thắng: «Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật.» Cho đến đời Nam Tống (thế kỷ XII) thiền du nhập vào Nhật Bản. Thiền đã ảnh hưởng tâm hồn hai dân tộc Trung Quốc - Nhật Bản suốt bao thế kỷ trong sinh hoạt hằng ngày cũng như trong học thuật.

Vòng tròn viên mãn (tranh Torei Enji, 1721-1801)

Thế là thiền đã thổi vào nền hội họa truyền thống một luồng sinh khí mới, cứu lấy môn họa này thoát khỏi biển chết. Cách thể nghiệm thiền «minh tâm kiến tánh» là nguồn cảm hứng bất tận cho người nghệ sĩ. Hội họa là một ngôn ngữ phi ngôn ngữ, mà ngôn ngữ hội họa há không thể trực chỉ nhân tâm sao? Rõ ràng có thể xem hội họa là phương tiện thể nghiệm thiền để có thể kiến tánh. Nhưng tôn chỉ của thiền là phi phương tiện (bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền) cho nên phải thể hiện thế nào sao cho hội họa trở thành một thứ phương tiện để có thể tải được tư tưởng ảo diệu thâm mật của Phật giáo? Những đặc điểm nổi bật của thiền họa là sự đơn giản tối đa tưởng chừng phi nghệ thuật, sự hướng nội, sự trống trải đầy gợi ý, sự viên mãn trong bất toàn (như lời Lão Tử: «Đại thành nhược khuyết»), và được thể hiện theo phong các đặc biệt: tiết giảm nét bút và chừa nhiều khoảng trống trên giấy (gọi là bút pháp một góc: one-corner style).

 
Trúc trong gió (tranh Sengai Gibon, 1750-1837)

Trong môn họa Trung Quốc có hai loại bút pháp trái ngược nhau: «công bút» và «ý bút», có thể độc dụng hay kiêm dụng trong tranh. «Công bút» là lối vẽ tỉ mỉ công phu trau chuốt từng chi tiết nhỏ. «Ý bút» là bút pháp tả ý chấp nhận màu sắc, nhưng trong thiền họa bút pháp này ly khai màu sắc, chỉ có mực đen giấy trắng mà thôi. Người Nhật gọi là sumiye (mặc hội: vẽ bằng mực đen), Trung Quốc gọi là mặc họa.

Tranh của thiền sư Mục Khê (1180-1250), đời Tống

«Mặc» tức là mực đen, làm bằng bồ hóng và keo. Bút làm bằng lông các thú như dê, thỏ, chồn, sói và ngậm được nhiều mực. Giấy vẽ là loại giấy cực mỏng, đặc biệt là giấy Tuyên mà ta quen gọi là «xuyến chỉ». Từ đời Tống trở về trước, tranh Trung Quốc chủ yếu dùng lụa. Từ đời Tống về sau, do kỹ thuật làm giấy tinh xảo hơn, bắt đầu xuất hiện giấy Tuyên. Nói chung, vẽ sơn thủy và tả ý chủ yếu dùng giấy; vẽ nhân vật, điểu, hoa chủ yếu dùng lụa để dễ đạt sự tinh vi tỉ mỉ. Nhưng dù lụa hay giấy, cả hai đều là chất liệu lý tưởng vì hút mực dễ dàng. Điểm này khác hẳn lối họa sơn dầu Tây phương.

Chăn trâu (tranh Tsuboshima Dohei)

Một chất liệu mong manh dễ rách như giấy được chọn làm công cụ thể hiện cảm hứng nghệ thuật bởi những cảm hứng này phải được tải đi thật nhanh, nếu ngọn bút dừng lại lâu, giấy sẽ bở rách vì quá ẩm ướt. Đường nét phải vẽ nhanh, tiết giảm tối đa và chỉ thể hiện những gì thật cần thiết mà thôi. Một nét bút phóng ra phải là duy nhất, dù nó thế nào ta cũng không được dậm vá, tô điểm hay sửa chữa. Nó phải tự do, không gò ép, không tẩy xóa hay đồ lại. Người nghệ sĩ cứ để mình trôi đi theo dòng cảm xúc một cách tự nhiên tự phát tuyệt đối. Cánh tay, bàn tay, ngọn bút chính là một tổng thể và dường như có bàn tay vô hình nào đó dẫn dắt đi. Thiền họa dường như thực hiện bởi khả năng phi kiểm soát của người nghệ sĩ, một sự phi kiểm soát đầy khổ luyện. Nếu giữa bút và giấy có xen vào sự suy tư lý luận nào đó, điều này sẽ phá hỏng tác phẩm. Ta sẽ lầm nếu cho rằng bức tranh chỉ là những nét nguệch ngoạc cẩu thả vô lối. Đường nét của thiền họa là cái gì bất toàn, nó bất chấp luật phối cảnh (perspective) và luật vẽ bóng (chiaroscuro) vốn là định luật cơ bản của lối họa Tây phương để dựng hình ba chiều. Điều cốt yếu là cái thần của sự vật phải thể hiện được trên giấy, do đó nét bút phải sống động như là nhịp đập của một sinh thể.
Quán Tự Tại
Lối họa của tranh thiền khác hẳn lối họa sơn dầu Tây phương. Lối họa sơn dầu đòi hỏi một bố cục nghiêm chỉnh có qui tắc và hệ thống. Vải bố, sơn dầu là những chất liệu mạnh mẽ cho phép họa sĩ tẩy xóa, dặm vá, cạo sửa dễ dàng. Lối họa Tây phương ví như tấm vải triết lý hoàn bị mà các sợi chỉ logic của nó đan kết chặt chẽ với nhau. Nó ví như một giáo đường tôn nghiêm mà tường, cột, nền toàn bằng đá tảng rắn chắc. Ngược lại, thiền họa sao mà nghèo nàn, hình thức sao mà sơ sài thô thiển, đường nét sao mà giản ước, chất liệu sao mà mong manh đến vậy. Thế nhưng, người Đông phương chúng ta lại nhìn thấy trong đó một nhịp sống kỳ diệu ẩn tàng sau từng nét, từng chấm, từng mảng đậm nhạt. Đen và trắng tượng trưng cho cặp mâu thuẫn đối đãi gay gắt trong cõi nhị nguyên này – cõi mà tư tưởng chúng ta chấp trước vào nó: đen/trắng, đúng/sai, thiện/ác, cao/thấp, ngắn/dài, sướng/khổ, đẹp/xấu, có/không, v.v...
Thiền là bất nhị pháp môn (non-dualism) đột phá cái thế nhị nguyên đối lập để giải thoát nhân sinh. Tư tưởng nhất nguyên (monism) phá chấp ấy chính là căn bản đạo pháp thiền. Những sắc độ đậm nhạt tượng trưng cho từng mức độ hóa giải, và tất cả những đen trắng đậm nhạt ấy trong từng nét bút đã thể hiện một sự vật nào đó tưởng chừng vô nghĩa như gốc cây, cục đá, cành hoa, con chim trên cành, ngọn lau trĩu tuyết... nhưng lại chuyển tải được sự sống mà không cần giảng giải. Một đoá huệ nở cô đơn hay một cánh sen lay trong gió là hình ảnh sống động của một tâm hồn thuần phác nguyên sơ trong cơn giông tố cuộc đời. Một lá thuyền câu bé nhỏ trên mặt nước mênh mông cho ta ấn tượng sâu sắc hình ảnh biển cả bao la và sự hiện hữu một tâm hồn sâu kín hòa nhập với cuộc sống vĩnh hằng vô ngại giữa nhịp sóng đời dâu biển. Tất cả những kỳ diệu sâu kín này lại tựu thành trong sự dung dị và phi nỗ lực.

Thiền sư nhập định (tranh Thạch Khác, thế kỷ X)

Thiền họa không phải là chụp hình, mô phỏng hay sao chép một thực thể. Một nét chấm hay một đường cong không tượng trưng cho con chim hay ngọn núi, mà nét chấm đó chính là con chim, đường cong đó chính là ngọn núi, bởi vì thiền họa phải là sáng tạo. Một sự vật trong tranh thiền phải giống thực mà không giống thực, phải viên mãn mà dường như khiếm khuyết. Người nghệ sĩ buông xả mọi nỗ lực chụp hình nguyên dạng sự vật, mà sáng tạo một sinh thể ngoài sự tưởng tượng của chúng ta. Thái độ của nghệ sĩ thiền họa đối với nghệ thuật cũng là thái độ của thiền đối với cuộc sống. Đó là lý do tại sao hầu hết các tác giả của tranh thiền đều là thiền sư hay thiền sinh.
Nét bút của họa sĩ phải dứt khoát như tia chớp, không tô sửa. Bởi vì một sự vật chỉ đẹp khi nó không bị ràng buộc hay câu thúc. Cái đẹp đó nằm trong sự buông xả. Cơ nhục được vận dụng vẽ một đường hay một chấm nhưng đằng sau đó là sự vô tâm. Với sự vô tâm vô niệm của nghệ sĩ thiền, tác phẩm nghệ thuật được hình thành. Thiền họa chụp bắt cái thần của sự vật đương lúc nó vận hành. Điều này có vẻ khó bởi vì vạn vật luôn vận động không bao giờ tĩnh tại. Nhưng người nghệ sĩ thiền họa có thể làm được điều này nếu biết nắm bắt sự sống từ trong tâm nội hơn là tâm ngoại. Khi tác phẩm hình thành, những nét bút phóng phát trực tiếp từ nội tâm không bị tạp niệm ngăn trở đó chính là một sinh thể.
Lục tổ Huệ Năng đốn trúc
(tranh Lương Khải đời Tống)
Cho nên, thiền họa khước từ màu sắc, bởi vì màu sắc gợi nên một thực thể trong thiên nhiên mà thiền họa thì không chấp nhận một sự tái hiện nào dù hoàn toàn hay bất toàn. Nếu chủ trương hội họa là sao chép mô phỏng tái hiện giống hệt một sự vật thì không gian hai chiều của trang giấy sẽ không thể hiện được trung thực điều gì, và màu sắc khó mà đạt được nguyên dạng sự vật đó. Và nếu người họa sĩ lại cố vẽ cho thật giống thực thể đó thì cũng chỉ là sự mô phỏng tái hiện rất tội nghiệp mà thôi.
Mặt khác, thiền họa không cho phép sự trì hoãn. Sự diên trì của ngọn bút sẽ phá hỏng tờ giấy vốn dĩ mong manh yếu ớt. Trì hoãn có nghĩa là thay đổi, là vỡ mộng, là toan tính, là lý sự, là câu thúc mà đó không phải là tinh thần của thiền họa. Luôn luôn có một nét nào đó xuất hiện bất ngờ đột ngột trong thiền họa. Nơi mà ta tưởng sẽ có một đường hay một chấm thì lại chẳng có gì cả. Nhưng sự thiếu vắng đó không hề gây thất vọng mà nó gợi ý cho ta mạnh mẽ hơn nữa. Cho nên «bút pháp một góc» khiến cho tranh có nhiều khoảng trống, thoáng và đầy gợi ý. Một trang giấy nhỏ có thể hàm ẩn cả vũ trụ. Một nét ngang ngụ ý cho sự mênh mông của không gian, một vòng tròn gợi ý sự vĩnh hằng của thời gian, chúng còn gợi nên sự vô biên và sự sống nữa.
Điều cần lưu tâm là tranh tôn giáo không phải là tranh thiền. Cho nên tranh họa chân dung chư Phật thậm chí chân dung các tổ thiền hay thiền sư không nên miễn cưỡng xếp vào loại thiền họa. Một số tranh tuy thực hiện với lối công bút nhưng giàu hương vị thiền thì cũng có thể gọi là thiền họa được.
Bước vào cõi tranh thiền là bước vào thế giới u mặc đầy gợi ý. Người nghệ sĩ thiền họa – nguyên là thiền sư hoặc thiền sinh – chẳng những muốn ký thác vào tranh tâm nguyện theo dấu bước của chư tổ bằng cách minh họa chân dung, hành trạng các ngài, mà còn muốn gởi cho tha nhân một thông điệp ẩn tàng qua những hình ảnh đơn sơ đời thường tưởng chừng vô nghĩa với nét bút tiêu sái ngõ hầu tha nhân có thể giải thoát tâm linh. Trong chừng mực nào đó thiền họa có thể xem là một phương tiện chứng ngộ. Chức năng của thiền họa gắn với chức năng của công án thiền.
Kể từ Thiền du nhập lưỡng thổ Trung-Nhật, nền hội họa mỗi nước đã khởi sắc và mang một hương vị thâm trầm. Hương vị thiền giúp thiền họa trở thành một mảng tranh độc đáo tân kỳ và biệt lập trong kho tàng hội họa Đông phương. Người thưởng ngoạn tranh thiền trong phút giây tĩnh lặng trầm ngâm bên tách trà ngát hương, dù đã muôn lần hân thưởng một bức tranh nào đó, nhưng rồi sẽ có một lần chợt thấy mình chới với. Bức tranh mới quá, lạ quá, cơ hồ mới thấy lần đầu. Một chân lý vi diệu vừa được khám phá. Đó là khoảnh khắc của sự bừng tỉnh, như căn phòng kín tối tăm đã lâu nay được mở toang mọi cửa nẻo đón ánh quang huy của một ngày mới, như ngọn đèn vừa thắp lên sau biết bao tháng năm bỏ quên lăn lóc trong bóng tối âm thầm. 

10 tranh chăn trâu / thập mục ngưu đồ
1. Tìm trâu2. Thấy dấu
3. Thấy trâu4. Được trâu
5. Chăn trâu6. Cưỡi trâu về nhà
7. Quên trâu, còn người8. Trâu và người đều quên
9. Phản bản hoàn nguyên10. Thõng tay vào chợ

SÁCH THAM KHẢO
1. D.T. Suzuki, Zen Buddhism, Doubleday Anchor Books, NY, 1956, p.279-284.
2. D.T. Suzuki, Manual of Zen Buddhism, Grove Press Inc, NY, 1960, p.128-144.
3. Jean A. Keim, L'Art Chinois, Fernand Hazan, Paris, 1961.


Tề Bạch Thạch 齊 白 石 (1863-1957)

Tề Bạch Thạch (1863-1957)
Ngày 23 tháng 11 năm 1863 (tức năm Đồng Trị thứ hai, đời Thanh) tại ngôi làng Tinh Đẩu, huyện Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam Trung Quốc, một bé trai đã chào đời trong một gia đình nông dân nghèo. Gia đình này bấy giờ đã có bốn người, gia chủ là ông Tề Quán Chánh (25 tuổi) và bà Chu (19 tuổi) cùng với song thân của gia chủ (56 tuổi và 51 tuổi.)
Người thành viên thứ 5 bé nhỏ trong gia đình này là niềm hạnh phúc biết bao cho gia đình gồm bố mẹ và ông bà nội. Tiếc thay, cậu bé thật yếu ớt, bệnh hoạn, thiếu ăn, tưởng chừng không sống quá 4 tuổi. Nhưng rồi cậu cũng giành được sinh mệnh của mình trên tay tử thần. Đó là cuộc tranh đấu thứ nhất trong đời, mở đầu cho biết bao cuộc tranh đấu khác sau này, cuộc đấu tranh cho đời sống tinh thần đầy ý nghĩa mãi đến phút lìa trần, 16-9-1957.
Tề Bạch Thạch 齊白石 tên thực là Tề Thuần Chi, tự là Vị Thanh, biệt hiệu Lan Đình. Năm 27 tuổi học vẽ, được thầy là Hồ Thâm Viên đặt tên cho là Hoàng (nghĩa là ngọc hình bán nguyệt), tự là Tần Sinh, hiệu là Bạch Thạch.
Ông còn vô số tên hiệu khác, chẳng kém gì hai đại danh họa Nghê Vân Lâm (đời Nguyên) và Thạch Đào Hòa Thượng (đầu đời Thanh.) Đại khái có thể kể như: Tề Đại, A Chi, A Trường, Mộc Nhân, Lão Mộc, Lão Mộc Nhất, Mộc Cư Sĩ, Ký Viên, Ký Bình, Lão Bình, Bình Ông, Ký Bình Đường Lão Nhân, Bạch Thạch Sơn Ông, Bạch Thạch Lão Nhân, Tá Sơn Ngâm Quán Chủ Giả, Tinh Đường Lão Ốc Hậu Nhân, Hạnh Tử Ô Lão Dân, Tam Bách Thạch Ấn Phú Ông...
Tề Bạch Thạch đã trải một tuổi thơ gian khổ như biết bao cậu bé khác chốn quê nghèo. Năm lên 8, cậu theo học ông ngoại, một ông đồ nghèo với dăm quyển Tam tự kinh, Bách gia tính, Thiên gia thi và Luận ngữ. Cậu nổi tiếng ngay, nhưng chẳng phải vì tài văn chương thi phú, mà vì tài năng hội họa. Năng khiếu hội họa của cậu đã bộc phát. Những hình ảnh, những đường nét ngẫu hứng vẽ ngư ông, điểu thú, thảo trùng... tuy còn non nớt nhưng cho thấy nhiều triển vọng sau này.
Nhưng cái thời gian hồn nhiên với sách vở và vẽ vời như thế chẳng được lâu là bao. Mùa thu 1870, cảnh nhà sa sút, cậu bèn bỏ học, ở nhà phụ cha mẹ những việc như gánh nước, trồng rau, bổ củi, chăn trâu... Một năm học nơi ông ngoại, tuy ngắn ngủi, nhưng chính là những ngày tháng hạnh phúc nhất trong tuổi thơ của cậu. Cậu bé vừa lên 9 thuở ấy đã sớm hiểu thế nào là kiếp nghèo, là số phận con nhà nghèo. Niềm ao ước đơn sơ của cậu là mỗi ngày được xong việc sớm để xem lại những trang sách cũ, để hồi tưởng lại những lúc vui đùa cùng với chúng bạn và để rồi mơ ước, ước mơ...
Theo cổ tục tảo hôn, cậu bé 12 tuổi này phải sánh duyên cùng cô bé Trần Xuân Quân, lớn hơn cậu một tuổi. Năm ấy cũng là năm ông nội cậu tạ thế. Gia cảnh càng ngày càng suy sụp, năm 13 tuổi cậu bắt đầu chân lấm tay bùn với việc đồng áng. Nhưng rồi vì thể lực yếu ớt, sau hai năm, cậu xoay qua học nghề thợ mộc nơi ông Tề Tiên Hựu, em ruột của ông nội cậu. Rồi công việc vất vả lao nhọc của nghề mộc cậu cũng không kham nổi, nên đeo đuổi được một năm cậu xoay qua học nghề chạm trổ gỗ nơi ông Chu Tử Mỹ. Sau 3 năm, thành nghề, cậu đủ khả năng gánh vác kinh tế gia đình. Năm ấy cậu 19 tuổi và bắt đầu làm lễ động phòng với vợ, cô Trần Xuân Quân, lễ này gọi là «Lễ Viên Phòng».
Chàng thợ chạm gỗ họ Tề dần dần được làng trên xóm dưới biết danh, họ gọi chàng là «Chi mộc tượng» (Thợ mộc tên Chi). Tề Bạch Thạch thể chất nhu nhược, nhưng thông minh đĩnh ngộ. Ông không mô phỏng những mẫu mã có sẵn. Những hình chạm gỗ kỳ lân, long, phụng, trạng nguyên vinh qui, hoa lá... đã được ông thông minh khéo léo cải biên, thay đổi, thêm đẹp mắt, khiến khách hàng phải trầm trồ khen ngợi.
 
Một hôm, tại nhà một thân chủ nọ, ông tình cờ thấy quyển Giới Tử Viên Họa Phổ – một bí kíp của người học vẽ. Ông bàng hoàng sửng sốt rụng rời, và cuốn sách danh tiếng này đã thay đổi cuộc đời của chàng thanh niên họ Tề từ đó. Ông mượn về và say sưa nghiền ngẫm. Phần họa luận và họa pháp cùng với những hình ảnh trong họa phổ đã khai tâm cho ông những qui tắc hội họa. Từ đó, ông áp dụng chúng vào nghề chạm gỗ, thế là tài nghệ đã tinh xảo lại càng tinh xảo hơn. Năm đó ông 20 tuổi. Cuộc sống gia đình bắt đầu khá giả hơn, gia đình đông vui hơn. Bấy giờ toàn gia đình có 14 người, riêng anh em ông có cả thảy 9 người: 6 trai, 3 gái. Danh tiếng của «Thợ mộc Chi» đã lẫy lừng, vượt qua mấy nương dâu, ruộng lúa, vươn qua mấy lũy tre xanh lan đến những thôn làng xa xôi. Có người tin cậy đến nỗi đặt ông vẽ tranh. Ông không dám nhận lời, nhưng điều này gợi ý cho ông bước vào lĩnh vực hội họa.
Ông bắt đầu học vẽ tranh chân dung và bồi tranh nơi ông Tiêu Hương Cai. Năm ông 27 tuổi, một người đồng hương của ông tên là Hồ Thâm Viên – một họa sĩ chuyên về công bút vẽ hoa điểu thảo trùng – đã nhận ông làm đệ tử, đồng thời khuyên ông nên vẽ và bán tranh mưu sinh. Ông Hồ Thâm Viên mời thêm danh sĩ Trần Thiếu Phồn về dạy cho Tề văn chương thi phú. Ông Hồ Thâm Viên đặt tên cho Tề là Hoàng, tự là Tần Sinh. Vì gia đình ông ở gần phố Bạch Thạch nên ông lấy tên là Tề Bạch Thạch và Bạch Thạch Sơn Nhân... Dưới sự dạy dỗ tận tụy của hai lương sư Hồ và Trần – một hội họa, một thi phú – Tề Bạch Thạch tiến bộ rất nhanh. Rồi ông thầy họ Hồ lại nhiệt thành giới thiệu đệ tử ruột của mình theo học vẽ sơn thủy nơi một người bạn của thầy nữa. Thế là sau một thời gian khổ luyện, Tề Bạch Thạch bắt đầu sống bằng nghề vẽ và bán tranh, năm đó ông 30 tuổi. Ngoài các tranh thờ, ông còn vẽ phong cảnh (tranh sơn thủy), hoa điểu, nhân vật... ông vẽ thiếu nữ rất đẹp cho nên thiếu nữ trong tranh được người đời mệnh danh là «Tề Mỹ Nhân» (Người đẹp họ Tề.) Ngoài việc vẽ tranh, ông còn ngâm thơ vịnh phú với mặc khách tao nhân. Ông cùng 6 người bạn thành lập Long Sơn Thi Xã, và xưng nhóm là «Long Sơn Thất Tử» (Bảy Thi Nhân của Long Sơn Thi Xã). Năm 33 tuổi ông lập thêm nhóm La Sơn Thi Xã, tạo thêm dịp ngâm vịnh với bạn bè. Đến năm 34 tuổi, ông bắt đầu học thư pháp (viết chữ đẹp), đặc biệt chuyên tập luyện kiểu chữ Lệ và chữ Triện, đồng thời quyết tâm học nghề khắc ấn triện.
Tên tuổi Tề Bạch Thạch đã vượt qua các thôn làng và lan đến huyện Tương Đàm. Một người trên huyện mời ông đến nhà để vẽ tranh. Thế là năm 35 tuổi, ông mới có dịp đi xa, từ Tương Đàm, rồi tiếp đó là Trường Sa, Nam Nhạc... Nhờ du lịch nhiều, ông kết giao được nhiều danh sĩ, nhiều bậc quyền thế như Vương Tương Y, Đàm Diên Hạp, anh em Trạch Khải và Vương Tương Y. Họ cực kỳ ái mộ Tề, hết lòng ca ngợi Tề bất cứ đâu có dịp, thành thử danh tiếng ông càng lan xa và địa vị xã hội càng được nâng cao thêm.
Năm 43 tuổi, ông nhận ra rằng không thể nào cứ sao chép cổ nhân mãi, từ đường nét đến ý tứ. Thế là ông bỏ lối công bút (tức là lối vẽ công phu tỉ mỉ) mà theo lối ý bút (lối vẽ phóng khoáng, tả ý) đồng thời quyết định phải du lãm thật nhiều để tìm ý tứ mà sáng tác cũng như để làm giàu kinh nghiệm sống. Đúng lúc đó, một vị quan họ là Hạ mời ông đến Tây An làm gia sư. Thế là ông rời Hồ Nam đi Thiểm Tây. Tại Tây An, ông kết giao với đại thi nhân Phàn Phàn Sơn được chừng 3 tháng, vì quan họ Hạ phải thuyên chuyển về Bắc Kinh, Tề Bạch Thạch cũng đi theo, tiếp tục làm gia sư cho họ Hạ.
Trên đường về Kinh đô, phong cảnh núi non sông nước hùng vĩ và hữu tình đã khơi nguồn sáng tạo đầy hứng khởi say mê cho ông. Tại Bắc Kinh, vị quan họ Hạ và đại nho Phàn Phàn Sơn hết lòng tiến cử ông vào làm họa sư của triều đình. Nhưng ông từ chối, cam chịu đạm bạc, không thích quan tước, bèn quay về cố hương là Hồ Nam.
Bước phiêu lãng của Tề Bạch Thạch từng qua Hoa Sơn, Tây Nhạc, Trung Sơn, Tung Sơn, Lư Sơn, Nam Xương, Quảng Đông, Quảng Tây, Quảng Châu, Quế Lâm, Nam Kinh, Tô Châu, Giang Tây, Thiểm Tây, Giang Tô, Chiết Giang, Thượng Hải, Hương Cảng... Năm 1907, ông sang Việt Nam, và ghi lại sông núi hoa gấm của nước Nam qua tác phẩm Lục Thiên Quá Khách. Năm 45-46 tuổi ông sống tại Quảng Châu, mưu sinh bằng nghề khắc triện. Tại đây ông hân hạnh kết giao với các danh họa gia Bát Đại Sơn Nhân, Từ Thanh Đằng, Kim Đông Tâm ... Sau 5 năm giang hồ phiêu lãng, từ năm 43 đến 48 tuổi, ông về quê cũ, chuyên rèn luyện cổ văn, thi từ, đồng thời son lại những bút ký và họa cảo qua các cuộc viễn du, viết thành tác phẩm Tá Sơn Đồ Quyển gồm 52 bức họa và 24 bức chuyên vẽ đá.
Sau cuộc cách mạng Tân Hợi (1911) ông cư gia bất xuất, tự tay trồng cây, hoa kiểng, và nuôi cá quanh nhà. Tháng 5 năm 1914, ông mang một cái tang đau đớn nhất: vị ân sư của ông là họa gia Hồ Thâm Viên lìa trần. Tình nghĩa sư đệ sâu dày như non cao bể thẳm, Tề Bạch Thạch nuốt lệ ngậm ngùi. Trong giây phút sinh ly tử biệt não nề, ông chọn 20 họa phẩm đắc ý của ông – cũng là những tác phẩm mà thầy từng khen ngợi – đem đốt trước linh sàng, mượn làn hương bay khói tỏa minh chứng lòng tri ân thành kính bậc tôn sư đã nhiệt tâm giáo huấn tài bồi.
Năm 1917, tức năm Dân Quốc thứ 6, giặc giã loạn lạc nổi lên. Ông đơn thân đi Bắc Kinh. Nhân dịp này ông kết giao với những danh họa gia như Trần Sư Tăng, Trần Bán Đinh, Vương Mộng Bạch, Dao Mang Phu. Lúc trở về quê, đau lòng trước cảnh quê hương điêu linh, cửa nhà bị thổ phỉ cướp sạch, ông di tản gia đình về chân núi Từ Kinh Sơn. Bấy giờ cha ông 81 tuổi, mẹ ông 75 tuổi. Nhưng ông chẳng ở chung với gia đình lâu, được vài tháng lại lên đường về Bắc Kinh. Năm sau vợ ông cũng theo về Bắc Kinh và chủ trương lấy vợ lẽ cho ông. Cô vợ lẽ mới 18 tuổi, tên Hồ Bảo Châu, người huyện Phong Đô tỉnh Tứ Xuyên, lúc đó Tề Bạch Thạch đã 57 tuổi.
Năm 58 tuổi, ông kết giao với Từ Bi Hồng, Lâm Cầm Nam, Mai Lan Phương... Nhân dịp này, vâng lời khuyên của Trần Sư Tăng, ông cải biến họa pháp và tự sáng chế lối vẽ «Hồng Hoa Mặc Diệp» (Hoa đỏ, lá đen) rất độc đáo.
Hai năm sau, 1922, ông lại vâng lời Trần Sư Tăng, cùng với họ Trần đi Paris tham gia cuộc triển lãm tranh. Trở về cố quốc, ông viết hồi ký «Tam Bách Thạch Ấn Tề Ký Sự» (Ký sự của gã họ Tề, biệt hiệu Tam Bách Thạch Ấn.) Cũng chính năm đó người bạn tri kỷ của ông là Trần Sư Tăng qua đời. Quả là một tổn thất lớn lao. Trong đời ông, chỉ có Từ Bi Hồng và Trần Sư Tăng là kẻ tri kỷ, thân thiết tâm giao. Đó là hai cố vấn tối cao trong đời ông, nay mất một làm sao không đớn đau đứt ruột.
Hai năm sau, 1924, ông bị bệnh thập tử nhất sinh, mê man 7 ngày 7 đêm. Nhưng một lần nữa, ông lại giành được sinh mệnh của mình trên tay tử thần. Rồi năm sau, ông trở về quê cũ viếng thăm cha mẹ để rồi chẳng bao lâu chứng kiến đấng sinh thành ra đi trong cùng một năm (1926): mẹ chết hồi tháng 3, thọ 82 tuổi, đến tháng 7 thì cha cũng ra đi, thọ 88 tuổi.
Đến năm 1927 thì danh tiếng Tề Bạch Thạch lẫy lừng chốn đế đô. Ông được mời giảng dạy tại Quốc Lập Bắc Kinh Nghệ Thuật Chuyên Môn Học Hiệu (năm 1928, trường đổi tên là Mỹ Thuật Học Viện.) Nhân dịp này ông xuất bản «Tá Sơn Ngâm Quán Thi Cảo Ấn Phổ». Tề Bạch Thạch nổi tiếng không kém đại danh họa tiền bối là Ngô Xương Thạc, bấy giờ người đời xưng tụng câu «Nam Ngô Bắc Tề» (phương Nam có Ngô Xương Thạc, phương Bắc có Tề Bạch Thạch) đủ thấy thanh thế của ông uy chấn giang hồ thế nào. Nhưng họ Ngô tạ thế trong năm 1927 này, thọ 84 tuổi. Thành thử chỉ còn «Bắc Tề», bấy giờ 65 tuổi, lừng lẫy một phương.
Nhưng đó chỉ là cái thế giới hội họa, nhìn ra xã hội, Trung Quốc đang phân loạn điêu linh do ảnh hưởng của Đại Chiến Thế Giới thứ nhất (1914-1918), thực dân Tây phương nhiễu nhương xâm lấn, chiến tranh Quốc-Cộng, Nhật Bản xâm lược... Nhân dân lầm than trước cảnh thù trong giặc ngoài, bọn Hán gian đầy rẫy, chánh ngụy bất phân. Thành thử quá ngao ngán chán chường, ông đóng cửa tạ khách, lúc đó 70 tuổi (1932).
Năm 1933, Hoa Bắc rơi vào tay bọn quân phiệt Nhật, nhân dân đã lầm than lại thêm lầm than, đã thống khổ lại càng thống khổ. Tề Bạch Thạch bỏ dạy học hẳn, bế môn bất xuất, chỉ ngâm thơ vẽ tranh, khắc ấn triện, cự tuyệt bán tranh. Để tránh sự dòm ngó theo dõi của giặc Nhật Bản và bọn Hán gian, ông treo trước cửa nhà mấy chữ «Bạch Thạch Lão Nhân tâm bệnh phục phát, đình chỉ kiến khách» (Tâm bệnh của Tề Bạch Thạch tái phát, miễn tiếp khách) và bốn chữ «Đình chỉ mại họa» (Ngưng bán tranh). Trong lúc đất nước điêu linh, nhân tâm điên đảo, và tự lượng sức già nhu nhược, ông đành chọn thái độ bất hợp tác, vừa giữ được tiết tháo kẻ sĩ phu vừa ngầm tỏ tinh thần phản kháng. Nhưng bọn sĩ quan Nhật và bọn tay sai biết danh tiếng ông, vẫn ghé luôn, vừa mua tranh vừa mua chuộc. Ông thẳng thắn từ khước. Năm ấy ông 75 tuổi (1937). Ở đây tưởng cũng nên nhắc một chi tiết mà các nhà nghiên cứu mỹ thuật Trung Quốc thường sơ ý, chẳng hạn báo ảnh Liên Xô số 9 năm 1984, bài của tác giả L. Smôticôva viết rằng: Tề Bạch Thạch (1860-1957). Thật sự, ông sinh năm 1863, đến năm 1937 (Dân Quốc thứ 26) do tin tưởng số mệnh, ông tăng hai tuổi, tức là 77 tuổi. Tính đến năm ông mất 1957, hưởng thọ 97 tuổi (thực tế là 95 tuổi). Vì không rõ chi tiết này nên tác giả L. Smôticôva đã tính ngược lên và viết năm sinh của ông là 1860.
Ngày 14-8 năm Ất Dậu (1945) quân Nhật đại bại, Tề Bạch Thạch sung sướng đến nỗi không ngủ được, ông liền mở cửa bán tranh và khắc ấn triện trở lại. Năm ông 86 tuổi (1946), ông đi Nam Kinh tổ chức triển lãm. Đợt triển lãm này do Trung Hoa Toàn Quốc Mỹ Thuật Hội đỡ đầu. Toàn bộ tranh của ông đem triển lãm được chiếu cố nhiệt liệt và bán sạch. Tiền bạc và danh vọng ở cái tuổi gần đất xa trời này có làm ông vui chăng? Chúng ta không rõ. Có điều, cậu bé èo uột thuở nào chung cuộc lại trường thọ và biết bao lần bi thương tống biệt những người thân thiết nhất của mình, ông bà, bố mẹ, con cái, thê thiếp và cả bằng hữu văn thơ, những trần ai tri kỷ nữa.
Năm lên 12, ông nội mất. Năm ông 39 tuổi, bà nội qua đời. Năm ông 51 tuổi, cậu con trai thứ mới 20 tuổi đã yểu mệnh. Tiếp ngay năm sau, thêm cái tang ân sư Hồ Thâm Viên. Năm ông 54 tuổi, lại vĩnh biệt bạn tri kỷ Vương Tương Y. Rồi năm ông 61 tuổi, thêm một bạn trần ai tri kỷ nữa ra đi: Họa gia Trần Sư Tăng, người mà Tề Bạch Thạch hết lòng yêu mến thâm giao cũng như Từ Bi Hồng. Nỗi đau chưa nguôi thì 3 năm sau ông chịu luôn hai cái tang của mẹ rồi đến cha. Hai năm sau, người em trai thứ năm cũng theo bước phụ mẫu mà đi. Hai năm nữa, người em trai thứ hai lại ra đi nốt, lúc bấy giờ ông 68 tuổi. Và đúng một năm sau, thi hữu rất mực thân thiết là Phàn Phàn Sơn qua đời. Năm ông 77 tuổi, gánh luôn cái tang của thi nhân Trần Tam Vị, cha của người bạn thân là Trần Sư Tăng, rồi năm sau ông lại đau đớn tiễn biệt đứa con trai thứ sáu đoản mệnh mới có 5 tuổi. Năm ông 80 tuổi, con mất được hai năm, nỗi bi thống chưa tan thì phải khóc vợ là Xuân Quân qua đời. Rồi đúng 3 năm sau, kế thất là Hồ Bảo Châu cũng lìa trần. Năm ông 86 tuổi, cô con gái mới 19 tuổi đã vội theo mẹ về nơi miên viễn.
Bi thống chập chùng bi thống, thương đau nối tiếp thương đau, và ngày 16-9-1957, Tề Bạch Thạch đã ra đi mãi mãi, để lại nỗi thương tiếc ngậm ngùi trong lòng thân bằng quyến thuộc cũng như người ái mộ bốn phương.
Tề Bạch Thạch là một tấm gương vươn lên từ nghịch cảnh. Ông có một tuổi thơ vất vả gian lao chốn điền dã nghèo nàn. Thời gian học tập của cậu bé họ Tề quá ngắn ngủi, độ một năm. Dù là học nơi ông ngoại, cậu cũng không có cơ hội đeo đuổi sách đèn, bởi lẽ cảnh nhà suy sụp đã đẩy cậu đến chỗ lam lũ ruộng đồng, gánh nước, bổ củi, chăn trâu... Nhưng tâm hồn Tề Bạch Thạch đã phong phú thêm, ông đã biết thưởng thức cái đẹp lúc bình minh hay bóng xế chiều hôm, cảnh vật thiên nhiên bốn mùa thay đổi, cảnh nước chảy hoa trôi, cây cỏ thảo trùng. Chính sự tiếp cận với thiên nhiên trong cảnh hòa âm điền dã đã giúp ông sớm có nhận thức khách quan về cuộc sống và thẩm mỹ trước khi bắt đầu vào ngành hội họa. Và chính cái cảnh ngộ nghèo khó đã giúp ông thông cảm sâu sắc với đại chúng bình dân. Thành thử đề tài trong tranh ông bao giờ cũng gắn liền với thiên nhiên, với cuộc sống của dân quê, và toát ra vẻ dung dị mộc mạc rất gần gũi đời thường.
Tề Bạch Thạch là tấm gương hiếu học. Ông luôn học hỏi ở bạn bè, ở thầy, và ở quần chúng xung quanh. Ông đã từng phiêu lãng giang hồ để mở mang nhãn kiến, từng sao chép tranh của các danh gia kim cổ như Thạch Đào, Bát Đại Sơn Nhân, Từ Vị, Kim Đông Tâm, Ngô Xương Thạc, Trần Sư Tăng, Từ Bi Hồng... để phân tích lối vẽ của các nhà danh họa trên đồng thời biết thoát ra khỏi khuôn mẫu có sẵn để độc sáng một họa pháp riêng. Ông đã từng trồng hoa cá kiểng, từng nuôi tôm cua, v.v... để nghiên cứu mà tải được tinh thần của thảo trùng hoa điểu vào trong tranh. Tranh ông đơn sơ mộc mạc mà linh động đầy sức sống, đặc biệt loại tranh về cua, tôm, cá, v.v... Nhờ ông chuyên tâm rèn luyện nơi các đại nho, danh sĩ, cho nên những tư tưởng và đạo đức truyền thống Trung Quốc đã góp phần hình thành nhân cách ông, giúp ông đủ trí tuệ để biện minh phân biệt, đủ lòng nhân ái bao dung với quần chúng nhân dân, đủ ý chí quật cường không khuất phục quyền uy vũ bạo cường. Khi đất nước điêu linh ly loạn, đủ tự trọng để giữ tiết tháo kẻ sĩ trong cảnh nguy vong, đủ khiêm nhường lấy hư tâm mà thỉnh giáo mọi người, đủ tự tin để vượt qua nghịch cảnh và đủ tự do để thoát khỏi những mô thức, những định kiến cũ kỹ mà khai phóng một con đường nghệ thuật riêng, không ảnh hưởng bất cứ ai.
Nhờ vậy, ông đã cứu lấy môn hội họa truyền thống ra khỏi biển chết. Bởi lẽ mấy ngàn năm trôi qua, người sau cứ bắt chước cổ nhân, từ bút pháp đến ý tưởng, thành thử mọi đề tài đều đã quá cũ, mọi ước lệ đều quá sáo mòn. Người họa sĩ luôn lúng túng tìm một hướng sáng tác riêng, bởi tất tất mọi thứ thì cổ nhân đã sáng tác quá nhiều rồi, không còn gì mới lạ nữa. Tề Bạch Thạch đã nhận ra điều này, và ông đã từ bỏ lối công bút nô lệ cổ nhân đi để chuyên lối ý bút đầy sáng tạo. Cái họa pháp tả ý của Tề Bạch Thạch phần nào gần gũi với lối vẽ của tranh Thiền mà D.T Suzuki gọi là «bút pháp một góc» (one-corner style), bút pháp này chừa một khoảng trống thoáng cho tranh và rất là gợi ý. Tranh ông vẽ như đùa, nguệch ngoạc dăm ba nét, phóng bút mấy dòng thơ, nhưng xem chữ viết của ông đề «Bạch Thạch Lão Nhân, 80-90 tuổi», mới biết nét bút nguệch ngoạc ấy là cả một quá trình điêu luyện mấy mươi năm trời. Dường như ở cái tuổi gần đất xa trời hơn thì con người chất phác hơn, đã bỏ đi thói hoa mỹ giả dối chăng? Những giác ngộ nào về cuộc sống, về kiếp người, đã khiến ông từ bỏ những đường nét cầu kỳ lòe loẹt hoặc khuôn sáo giả dối, để mà trực nhập vào chân lý vi diệu, đối diện cuộc đời?

Chính họa pháp độc đáo của Tề Bạch Thạch làm giới phê bình mỹ thuật ở Tây phương phải kinh ngạc. L. Smôticôva, nhà phê bình mỹ thuật của Liên Xô, nơi Báo Ảnh Liên Xô (số 9-1984) nhận định về Tề Bạch Thạch như sau: «Sống giữa hai thế kỷ, khi nhiều họa sĩ Trung Quốc quay sang nghệ thuật Châu Âu, Tề Bạch Thạch đã chọn những người thợ dân gian lão luyện làm thầy. Và kết quả thật ngược đời: Không liên quan tới một khuynh hướng hội họa mới mẻ nào, thế nhưng ông đã trở thành họa sĩ hiện đại một cách lạ kỳ, tên tuổi của ông đã trở thành vốn quý của nền văn hóa thế giới.» Một nhà phê bình khác thì bảo: «Khi người ta còn yêu hòa bình, mặt trời, và vẻ đẹp của thiên nhiên thì nghệ thuật của Tề Bạch Thạch còn cần cho con người.» Xin mượn lời trên để kết thúc bài viết này. 

Tản mạn về thư pháp

Cuồng thảo của
Trương Húc đời Đường
Thư pháp   là nghệ thuật viết chữ của người Trung Quốc với các công cụ gọi là văn phòng tứ bảo    (bút, nghiên, giấy, mực). Người Trung Quốc thường nói: «Học tập thư pháp khả dĩ tu thân, dưỡng tính, đào dã tâm tình.» 學習書法可以修身養性陶冶心情 (học tập thư pháp có thể tu thân dưỡng tính, uốn nắn tình cảm)Với quan niệm này, thư pháp cũng là Đạo (Thư pháp giả, Đạo dã)  法者道也Người Nhật từ thuở tiếp thu văn hóa Hán đã nhận ra giá trị cao nhã của thư pháp nên gọi tên là thư đạo 書道 (shōdō). Không những thế, sự nghiên tập thư pháp từ đời Hán đến nay đã trở thành môn học hẳn hoi với đầy đủ cơ sở lý luận gọi là thư học 書學.
Nói đến thư pháp là nói đến khổ luyện. Người Trung Quốc thường bảo: «Học thư vô nhật bất lâm trì.» 學書無日不臨池(Học thư pháp chẳng ngày nào mà không «vào ao»). Thuật ngữ lâm trì ý nói công phu khổ luyện thư pháp. Thư gia Trương Chi 張芝 đời Đông Hán mỗi ngày luyện viết xong thì rửa bút ở ao, lâu ngày nước đen như mực (Lâm trì học thư, trì thủy tận mặc臨池學書池水盡墨. Thuật ngữ lâm trì bắt nguồn từ đó. Thời của Trương Chi, giấy chưa phổ biến, luyện chữ chỉ có thể viết trên tơ lụa. Ông tận dụng tất cả vải lụa trong nhà, khi không thể viết thêm được nữa thì đem nhuộm và may y phục. Giới nghiên cứu Trung Quốc tổng kết rằng các đại thư gia thường phải mất vài chục năm lâm trì mới thành danh. Vì bái phục công phu lâm trì của Trương Chi (đời Hán) nên Vương Hi Chi 王羲之(đời Tấn) đã bỏ ra 15 năm luyện chữ, bắt đầu từ chữ vĩnh (mãi mãi). Chữ vĩnh bao quát tám nét cơ bản của chữ Hán (gọi là vĩnh tự bát pháp 永字八法 ) và là bài tập nền tảng cho người mới học thư pháp. Nhưng vĩnh tự bát pháp chính thức được nghiên cứu có qui củ kể từ nhà sư Thích Trí Vĩnh 釋智永(tục gọi Vĩnh thiền sư) đời Tuỳ. Vị cháu bảy đời này của Vương Hi Chi cũng là một tấm gương khổ luyện thư pháp. Ông tu ở chùa Vĩnh Hân 永欣, huyện Ngô Hưng 吳興. Ông lên lầu chùa rồi không xuống, ở đó 40 năm khổ luyện thư pháp (Đăng lâu bất hạ tứ thập niên 登樓不下四十年). Bút cùn (thoái bút 退筆) vất thành gò. Khi ông thành danh, người người đến xin chữ khiến ngạch cửa bị dẫm nát, phải lấy sắt lá bao lại (gọi là thiết môn hạn 鐵門限). Nhà sư Hoài Tố 懷素 đời Đường thuở hoa niên nhà nghèo không tiền mua giấy, chỉ khổ luyện trên lá chuối mà thành danh thảo thánh 草聖. Vương Hiến Chi 王獻之 thuở nhỏ luyện chữ đã gánh nước đổ đầy 18 chum để làm nước mài mực. Nhờ thế mà thành danh. Hai cha con Vương Hi Chi và Vương Hiến Chi được đời xưng tụng là Thảo thánh nhị Vương 草聖二王. Chữ thảo của họ trở thành khuôn mẫu cho thế nhân nghiên tập từ đời Tấn đến nay.

Thư thể Sấu Kim đặc trưng của Triệu Cát (tức vua Tống Huy Tông)

Chữ thảo của Vương Hi Chi
Chữ khải của Liễu Công Quyền
Chữ khải của Nhan Chân Khanh
Những người say đắm thư pháp nhiều vô kể. Mỗi một đời đều có một số đại thư gia, từ vua chúa đến sĩ dân. Đường Thái Tông 唐太宗(Lý Thế Dân 李世民) lúc rỗi lấy ngón tay viết chữ trong không khí (trừu không luyện tự 抽空練字); nửa đêm tốc dậy thắp đuốc luyện Lan Đình 蘭亭 (mặc tích của Vương Hi Chi).
Lương Vũ Đế 梁武帝 cực kỳ hâm mộ mặc tích của họ Vương, cho người đi sưu tầm tất cả tác phẩm của Vương Hi Chi, truyền lệnh cho mọi người trong cung phủ phải lấy các thư thể của họ Vương làm chuẩn, rồi sai Chu Hưng Tự 周興嗣 soạn Thiên Tự Văn 千字文 và cho người mô phỏng bốn thư thể chân, thảo, lệ, triện của họ Vương mà chép Thiên Tự Văn để dạy chữ Hán và thư pháp cho các con em trong cung phủ. Chu Hưng Tự là văn quan kỳ tài, chỉ dùng 1000 chữ Hán cơ bản viết thành từng câu bốn chữ (không chữ nào lập lại) mà giảng giải được mọi lý lẽ trên đời. Tác phẩm nổi tiếng này không chỉ là sách giáo khoa khải mông (dạy trẻ) từ đời Lương đến đời Thanh mà còn là bí kíp rèn luyện thư pháp cực kỳ quan trọng cho đến ngày nay. Trí Vĩnh thiền sư sao chép 800 bản Thiên Tự Văn theo chữ hành và chữ thảo phổ biến cho các tự viện. Các thư gia đều có bản Thiên Tự Văn với thư thể của riêng mình, như Âu Dương Tuân歐陽詢 đời Đường, Triệu Mạnh Phủ 趙孟頫 đời Nguyên, v.v... cho đến các thư pháp gia Trung Quốc hiện đại.
Lịch sử phát triển của thư pháp xuôi theo lịch sử phát triển của chữ Hán. Các thư gia Trung Quốc nhiều vô kể, mỗi người chuyên trị một thư thể, có người vừa là thư gia vừa là họa gia; nếu liệt kê đầy đủ phải là một danh sách dài dằng dặc. Ta chỉ có thể kể những đại thư gia tiêu biểu nhất của từng đời.
Bắt đầu từ đời Tần Thủy Hoàng Đế 秦始皇帝 có thừa tướng Lý Tư 李斯 (người thống nhất văn tự Trung Quốc, được thư pháp sử 書法史 kể là đệ nhất thư pháp gia), Triệu Cao 趙高 , Hồ Mẫu Kính 胡母敬 ,...  
Đời Hán có các thư gia Sử Du 史游 , Tào Hỉ 曹喜, Thôi Viện 崔瑗 , Trương Chi 張芝, Sái Ung 蔡邕, Lương Hộc 梁鵠, Lưu Đức Thăng 劉德升,...
Đời Tam Quốc và Tây Tấn có Hàm Đan Thuần 邯鄲淳, Vỹ Đản 偉誕, Chung Diêu 鐘繇, Hoàng Tượng 皇象, Vệ Ký 衛覬, Vệ Cẩn 衛瑾 (con Vệ Ký), anh em Vệ Hằng 衛恆- Vệ Tuyên 衛宣 - Vệ Đình 衛庭 (các con của Vệ Cẩn), Tố Tĩnh 素靖 (cháu gọi Trương Chi là cậu), Lục Cơ 陸機,...
Đời Đông Tấn có gia đình Vương Hi Chi 王羲之 với các con Vương Hiến Chi 王獻之, Vương Tuần 王珣 , Vương Dân 王民.
Đời Nam Bắc Triều có Bạc Thiệu Chi 薄紹之, Vương Tăng Kiền 王僧虔, Đào Hoằng Cảnh 陶弘景 (cũng là Đạo gia), Trịnh Đạo Chiêu 鄭道昭, Triệu Văn Thâm 趙文深, Vương Bao 王褒 , ...
Đời Tùy và Đường là thời kỳ đỉnh thịnh của thư pháp với các thư gia Trí Vĩnh 智永 (thiền sư Thích Trí Vĩnh), Thích Trí Quả 釋智果, Đinh Đạo Hộ 丁道護, Âu Dương Tuân 歐陽詢, Ngu Thế Nam 虞世南, Chử Toại Lương 褚遂良, Lục Giản Chi 陸柬之, Lý Thế Dân 李世民 (Đường Thái Tông 唐太宗), Vũ Tắc Thiên 武則天 (vốn là tài nhân của Thái Tông, về sau bà lên ngôi xưng là Đại Thánh Hoàng Đế 大聖皇帝, thư pháp chuyên về hành thư), Tiết Tắc 薛稷, Tôn Kiền Lễ 孫虔禮, Kính Khách 敬客, Hạ Tri Chương 賀知章, Lý Ung 李邕, Trương Húc 張旭, Hàn Trạch Mộc 韓擇木, Trương Hoài Cẩn 張懷瑾, Nhan Chân Khanh 顏真卿, Hoài Tố 懷素, Từ Hạo 徐浩, Lý Dương Băng 李陽冰, Liễu Công Quyền柳公權, Đỗ Mục 杜牧, Cao Nhàn 高閑, ...


Cuồng thảo của Hoài Tố 懷素

Đời Ngũ Đại có Dương Ngưng Thức 楊凝式, Từ Huyễn 徐鉉, ...  
Đời Tống có Lý Kiến Trung 李建中, Vương An Thạch 王安石, tứ gia Tô-Hoàng-Mễ-Sái (tức là Tô Thức 蘇軾, Hoàng Đình Kiên 黃庭堅, Mễ Phế [Phất] 米芾, Sái Tương 蔡襄), Tiết Thiệu Chương 薛紹彰, Triệu Cát 趙佶 (tức là vua Tống Huy Tông 宋徽宗, với thư thể đặc thù làsấu kim thể 瘦金體), Nhạc Phi 岳飛, Lục Du 陸游, Khương Quỳ 姜夔, Trương Tức Chi 張即之, Vương Đình Quân 王庭筠, ...
Thư pháp hành khải của Mễ Phế (Mễ Phất)   đời Tống
Đời Nguyên có Triệu Mạnh Phủ 趙孟頫(Tùng Tuyết Đạo Nhân 松雪道人), Tiên Vu Khu 鮮于樞, Khang Lý Quỳ Quỳ 康里夔夔(gốc Mông Cổ), Thái Bất Hoa 泰不華, Nghê Tán 倪瓚, ...
Đời Minh có Tống Liêm 宋濂, Tống Toại宋璲 (con Tống Liêm), Tống Khắc 宋克, Tống Quảng 宋廣, Du Hòa俞和, Giải Tấn 解縉, Thẩm Độ 沈度, Trình Nam Vân 程南雲, Trần Hiến Chương 陳獻章, Thẩm Chu 沈周, Chúc Duẫn Minh 祝允明, Văn Trưng Minh 文徵明, Văn Bành 文彭(con Văn Trưng Minh), Lý Đông Dương李東陽, Vương Sủng 王寵, Trần Thuần 陳淳, Vương Trĩ Đăng 王稚登, Từ Vị 徐渭, Đổng Kỳ Xương 董其昌, Hình Đồng 邢侗, Trương Thụy Đồ 張瑞圖, Hoàng Đạo Chu 黃道周, Nghê Nguyên Lộ 倪元璐, ...
Đời Thanh có Phó Sơn 傅山, Vương Đạc 王鐸, Kim Nông 金農, Trương Chiếu 張照, Trịnh Tiếp 鄭燮, Lưu Dung 劉墉, Vương Văn Trị 王文治, Vương Thời Mẫn 王時敏, Chu Đáp 朱耷 (Bát Đại Sơn Nhân 八大山人), Trịnh Phủ 鄭簠, Đát Trọng Quang 笪重光, Trần Diệc Hi 陳亦禧, Ông Phương Cương 翁方綱, Thiết Bảo 鐵保, Quế Phức 桂馥, Tiền Điếm 錢坫, Tiền Phong 錢灃, Đặng Thạch Như 鄧石如, Y Bỉnh Thụ 伊秉綬, Bao Thế Thần 包世臣, Hà Thiệu Cơ 何紹基, Triệu Chi Khiêm 趙之謙, Ngô Xương Thạc 吳昌碩, Lý Thụy Thanh 李瑞清, Ông Đồng Hòa 翁同龢, Trương Dụ Chiêu 張裕釗, Khang Hữu Vi 康有為, Tề Bạch Thạch 齊白石, Trịnh Bản Kiều 鄭板橋,...
Xích Bích Phú (của Tô Đông Pha)
với thư pháp Triệu Mạnh Phủ đời Nguyên
Các thư gia hiện đại có Trịnh Văn Trác 鄭文焯, Tăng Hi 曾熙, Hoàng Tân Hồng 黃賓虹, Vu Hữu Nhiệm 于右任, Mã Nhất Phù 馬一浮, Hoằng Nhất Pháp Sư 弘一法師, Hồ Tiểu Thạch 胡小石, Lỗ Tấn 魯迅, Đặng Tán Mộc 鄧散木, Quách Mạt Nhược 郭末若, v.v. (Trong khuôn khổ bài viết này chỉ có thể kể tên các thư gia hết sức sơ lược như trên).
Trong cộng đồng người Hoa tại Chợ Lớn hiện nay họa gia thì nhiều nhưng thư gia thì hiếm. Tiêu biểu là nhóm Nam Tú Nghệ Uyển 南秀藝苑 do lão sư Lý Tùng Niên 李松年 và thân hữu sáng lập mùa xuân năm 1989. Thư họa gia họ Lý năm nay (1999) được 67 tuổi, sinh tại huyện Hạc Sơn 鶴山, tỉnh Quảng Đông. Thuở nhỏ theo họa pháp Tây phương, lúc trưởng thành học hàm thụ thủy mặc tại Đại Hán Nghệ Thuật Học Viện 大漢藝術學院 ở Hương Cảng. Năm 1961, ông thụ giáo danh họa gia Lương Thiếu Hàng 梁少航 thuộc họa phái Lĩnh Nam 嶺南. Hoạ phái này do Cao Kiếm Phụ 高劍父 sáng lập sau khi ông du học tại Nhật Bản. Hoạ phái này chủ trương phối hợp họa pháp Tây phương với Trung Quốc hoạ, với các danh gia Cao Kiếm Phụ, Cao Kỳ Phong 高奇峰, Trần Thụ Nhân 陳樹人, Triệu Thiếu Ngang 趙少昂 v.v... Về thư pháp, lão sư Lý Tùng Niên sở trường thảo thư và hành thư. Thảo thư của Lý lão sư chịu ảnh hưởng thảo thư của đại thư gia Vu Hữu Nhiệm 于右任 (1879-1961). Hiện nay Vu Hữu Nhiệm được Trung Quốc coi là thảo thánh;năm 1932 ông đề xướng tiêu chuẩn hoá thảo thư, cống hiến rất lớn cho lịch sử thư pháp Trung Quốc. Trong nhóm Nam Tú còn có thư họa gia Quan Cường 關強 (tức Quan Tồn Chí 關存志). Quan lão sư sinh năm 1932 tại huyện Nam Hải 南海 tỉnh Quảng Đông. Về hội họa ông thành thạo thủy mặc, sơn dầu Tây phương, thiết kế, trang trí sân khấu, đã từng dạy hội họa tại trường Huỳnh Kiến Hoa 黃建華 năm 1976. Về thư pháp Quan lão sư sở trường khải thư, lệ thưvà hành thư, nét bút hồn hậu chân chất. Chữ lệ của ông chịu ảnh hưởng Triệu Chi Khiêm 趙之謙 đời Thanh, chữ khải chịu ảnh hưởng Nhan Chân Khanh và Liễu Công Quyền đời Đường, còn chữ hành là do ông tự tạo phong cách riêng. Trong nhóm Nam Tú thuở ban đầu còn có thư họa gia Vương Trung Phu 王中孚 nay định cư ở nước ngoài. Vương lão sư bút pháp rắn rỏi sắc sảo chịu ảnh hưởng Nhan Chân Khanh sâu đậm, ngoài ra ông và Lý lão sư cũng sở trường về khắc ấn triện. Họa gia Trương Lộ 張露 (sinh năm 1952 tại Saigon) của nhóm Nam Tú còn đặc trịtriện thư  ngụy bi. Họa gia Hoàng Hiến Bình 黃獻平 cũng thạo hành thư và thảo thư. Các thư họa gia Lý Tùng Niên, Quan Cường, Vương Trung Phu đã tổ chức nhiều lớp thư pháp và hội họa, tận tâm truyền dạy thư họa cho cả người Hoa và người Việt. Hiện nay nhóm Nam Tú Nghệ Uyển hoạt động không sôi nổi như xưa. Đáng tiếc trong một cộng đồng người Hoa lớn như vậy số người học thư pháp không nhiều, có lẽ vì bộ môn này đòi hỏi nhiều khổ luyện hay chăng? Tuy vậy thư họa gia Quan Cường vẫn còn nhiệt tâm truyền dạy thư pháp và hội họa cho một nhóm môn đệ tại tư gia của ông.

Thọ Xuân Đường Ký (thư pháp Triệu Mạnh Phủ)Chữ TINH 精 (thư pháp Nhạc Phi)

Việc học thư pháp xưa nay khởi đầu bằng khải thư, khi thuần thục mới chuyển sang hành thư và thảo thư hoặc triện thư. Thời kỳ đỉnh thịnh của khải thư là đời Đường, nổi bật nhất là các đại thư gia Nhan Chân Khanh 顏真卿, Âu Dương Tuân 歐陽詢 và Liễu Công Quyền 柳公權. Đến đời Nguyên thì có thêm Triệu Mạnh Phủ 趙孟頫. Họ tạo thành bốn phong cách khải thư mô phạm từ đời Đường cho đến nay, gọi là Nhan thể 顏體, Âu thể 歐體 , Liễu thể 柳體 , Triệu thể 趙體. Nhan thể mộc mạc mạnh mẽ, Âu thể thanh tú trang nghiêm, Liễu thể cứng cỏi quật cường, Triệu thể yểu điệu kiều lệ. Người học thư pháp tùy theo sở thích và cá tính của mình mà bắt đầu từ một trong bốn phong cách này. Người học thư pháp luôn cần có thầy, không thể nào tự học được, phải chứng kiến kỹ pháp của thầy mới lĩnh hội được bút ý, có những kỹ pháp cần giảng giải trực quan không thể nào đọc sách mà hiểu. Vai trò của thầy rất quan trọng: phá mê 破迷 và giải hoặc 解惑 . Người mới học thường có ảo tưởng về nét bút của mình, người thầy phải chỉ ra những nét sai (gọi là tự bệnh 字病) của họ, đó là phá mê. Giảng cho họ những điều chưa thông suốt hay hoài nghi, đó là giải hoặc. Nhiều học viên quá nôn nóng, muốn đốt giai đoạn nên bắt đầu tự học hành thư và thảo thư. Hậu quả tai hại là nét bút không có gân cốt, muốn quay về luyện khải thư thì cũng khó: nét bút đã thành bệnh tật.
Thế hệ nhà Nho tiền bối của Việt Nam có rất nhiều vị thư pháp rất đẹp như Phan Thanh Giản, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Long Cát, v.v... Nhưng giới nghiên cứu Hán Nôm chưa có ai quan tâm nghiên cứu về mảng thư pháp trong di sản Hán Nôm của tổ tiên để lại, thật là đáng tiếc. Hiện nay ở Việt Nam, cụ Lê Xuân Hòa là thư gia rất nổi tiếng khắp trong và ngoài nước.
Thư pháp là một đề tài rất rộng không thể nào gói ghém trong một hai trang giấy, thành thử bài viết này chỉ là tản mạn đôi nét khái quát về một môn nghệ thuật tao nhã của Trung Quốc mà thôi.

Hệ văn tự xưa nhất của Trung Quốc:
giáp cốt văn 
甲骨文 , khắc trên mai rùa và xương thú

Thưởng thức thư pháp Trung Quốc

Thư pháp hay nghệ thuật viết chữ Hán được xem là một loại hình nghệ thuật rất cao. Khi văn tự Trung Quốc đầu tiên xuất hiện, nó đã mang màu sắc thần bí. Hệ văn tự sớm nhất được phát hiện cho đến nay là chữ giáp cốt (giáp cốt văn 甲骨文mà niên đại được xác định khoảng 1200 tcn. Giáp cốt 甲骨 là nói gọn của quy giáp 龜甲 (mai rùa và yếm rùa) và thú cốt 獸骨 (xương thú). Ngoài ra còn có kim văn 金文, tức là kiểu chữ được khắc trên đỉnh vạc và các tế khí 祭器 (dụng cụ cúng tế) bằng đồng. Giáp cốt văn dùng ghi chép trong việc bói toán như một công cụ giao tiếp với thế giới thần linh và các tổ tiên quá vãng. Tương truyền người tạo chữ Hán là Thương Hiệt 倉頡. Theo truyền thuyết này Thương Hiệt đã quan sát các hiện tượng thiên nhiên và bắt chước các dấu vết của động vật, cây cỏ, chim chóc, tinh tú mà tạo ra chữ Hán. Văn tự Trung Quốc là một thành tựu văn hoá quan trọng đến nỗi tương truyền rằng khi hệ văn tự này hoàn thành thì ban đêm thần sầu quỉ khóc, sấm chớp nổi dậy, và ngũ cốc trên trời đổ xuống như mưa.
Hán tự khởi nguyên là chữ tượng hình 象形, nghĩa là mô phỏng hình dáng của vật thể trong thiên nhiên. Mặc dù về sau Hán tự đã tiến hoá đến chỗ tinh tế và có quy củ hơn nhưng dấu vết mối quan hệ giữa mặt chữ và hình dáng tượng trưng của vật thể vẫn còn sâu đậm. Dù chữ Hán được tạo theo quy tắc khác (như chỉ sự 指事, hội ý 會意, hình thanh 形聲, giả tá 假借, chuyển chú 轉注) thì ít nhất cũng có một yếu tố nào đó trong một chữ cũng gốc là tượng hình.

Các thư thể của chữ MINH : đại triện, tiểu triện, lệ, khải, hành, thảo
(thư pháp Triệu Mạnh Phủ đời Nguyên)

Hán tự có 5 kiểu chữ (gọi là thư thể 書体) chính yếu: Triện thư 篆書 (gồm đại triện 篆 và tiểu triện 小篆), lệ thư 隸書, khải thư 楷書, hành thư 行書, và thảo thư 草書. Khi Tần Thuỷ Hoàng Đế thống nhất Trung Quốc, một trong những sự kiện quan trọng nhất là vua sai thừa tướng Lý Tư 李斯 thống nhất văn tự, tức là thống nhất các chữ viết giữa các nước trước đó (đại triện) thành chữ tiểu triện 小篆). Chữ lệ (lệ thư) là thư thể thông dụng trong công văn, và nó rất phổ biến giữa thế kỷ III và II tcn. Chữ khải (khải thư 楷書 hay chính thư 正書) là cải biên từ chữ lệ. Chữ khải cũng đã thành thục vào thế kỷ III cn. Đây là thư thể chính thức, chuẩn mực, dễ nhận biết, dễ đọc nhất, và vẫn là phổ thông nhất trong các thư thể hiện nay. Chữ hành (hành thư) là dạng viết nhanh của chữ khải, dùng trong các giấy tờ thân mật (như thư từ) và đề tranh. Nó thuần thục vào thế kỷ II cn. Mỗi chữ Hán có kết cấu riêng và số nét bút nhất định. Khi được viết nhanh chữ khải có thể giản lược đi một hai nét để tạo thành một thư thể gọi là hành-khải 行楷. Cũng tương tự như vậy, chữ hành sẽ biến thành hành-thảo 行草. Tác phẩm thư pháp rất nổi tiếng Lan Đình Tập Tự 蘭亭集序 của Vương Hi Chi 王羲之 đời Tấn là viết với chữ hành. Chữ thảo (thảo thư) là thư thể được viết nhanh nhất, bút pháp phóng khoáng. Có chữ Hán bình thường với khải thư thì phải viết rất nhiều nét nhưng với thảo thư thì có thể viết bằng một nét. Nhiều chữ có thể viết liên miên nối tiếp nhau chỉ bằng một nét, thí dụ như cuồng thảo 狂草 (chữ thảo viết điên cuồng) của Hoài Tố 懷素 (khoảng 730-780).  
Chữ thảo của Vương Hi Chi
Khoảng thế kỷ II và IV cn, nghệ thuật viết chữ được mệnh danh là thư pháp 書法 hay thư đạo 書道. Từ đó nó trở thành một bộ môn nghệ thuật tao nhã cao siêu của tao nhân mặc khách và một cao thủ về thư pháp thường được đánh giá là người trí thức có học vấn cao. Trong thời này có Vương Hi Chi (303-361) một đại quan cũng là một đại thư gia mà người đời tôn là «Thảo thánh» 草聖.
Một tác phẩm thư pháp là sự thể hiện giữa thư thể và cá tính cũng như năng lực sáng tạo của thư gia. Tôn Quá Đình 孫過庭 (648-703) – một thư gia cũng là nhà lý luận về thư pháp đời Đường – đã viết trong tác phẩm Thư phổ 書譜 của mình rằng khi Vương Hi Chi viết Lan Đình Tập Tự (lời tựa nhân dịp các văn hữu tụ tập ở Lan Đình) tâm trạng hân hoan và tư tưởng cao nhã của ông đã dâng trào và điều đó đã thể hiện qua mặc tích lâm li thông sướng của ông.
Thư pháp là một bộ môn nghệ thuật có qui tắc nghiêm nhặt mà một thư gia sau một thời gian dài khổ luyện mới có thể làm chủ được ngọn bút của mình. Nội dung và hình thức bức thư pháp (thí dụ: vuông, chữ nhật, tròn, mặt quạt, hoành phi, câu đối) cũng phải hoà hợp nhau để xác định bố cục và thư thể trong tác phẩm (gọi là chương pháp 章法 ). Thư pháp tuân theo cách viết chữ Hán truyền thống (gọi là «thụ tả» 豎寫 ): chữ viết thành cột từ trên xuống và từ phải sang trái. Đặc biệt là không được đánh dấu chấm phết để ngắt câu. Cách viết không chấm câu này y như trong sách cổ và được gọi là bạch văn白文.
Sách 策 ngày xưa, gồm các thẻ tre (hay gỗ) kết lại. Điều này giải thích cách viết chữ Hán truyền thống (từ trên xuống dưới, từ phải sang trái)
Cách viết chữ theo cột (thụ tả 豎寫 ) bắt nguồn từ việc viết chữ trên thẻ tre (trúc giản 竹簡 ) hay thẻ gỗ (mộc giản 木簡 ). Những thẻ này được kết thành tấm (gần giống như các tấm mành trúc hiện nay) và được cuộn tròn thành bó. Khi viết, người ta cầm bó thẻ ở tay trái, còn tay phải thì viết trên thẻ từ trên xuống, xong một thẻ rồi thì kéo thẻ đó sang bên phải để viết tiếp trên thẻ kế cận. Viết lần lượt như thế cho đến hết bó thẻ. Cho nên chữ sách  (quyển sách, sách lược) viết với bộ trúc 竹, bên dưới là chữ thúc (bó lại, cột lại thành bó) viết lược một nét; ngụ ý nói sách vốn là những thẻ tre bó lại. Còn chữ sách 冊 (cùng ý nghĩa với sách 策 ) gợi hình rất rõ bốn thẻ (tre hay gỗ) cột ngang ở giữa. Khi nghề dệt vải lụa phát triển, người ta còn viết chữ trên lụa (gọi là bạch thư帛書). Lụa được cuộn trên một trục; cách viết cũng giống như trên trúc giản và mộc giản. Cách viết như thế đã thành truyền thống và bất biến ngay cả khi người ta đã phát minh ra giấy. Khi văn hoá Hán và Hán tự 漢字 truyền sang Nhật Bản (gọi là Kanji), Hàn Quốc (gọi là Hanja), và Việt Nam, cách viết truyền thống theo cột đó ảnh hưởng đến cả hệ thống chữ Kana của Nhật, Hangǔl của Hàn Quốc, và chữ Nôm 喃 của Việt Nam; và cách viết theo cột vẫn giữ nguyên mãi đến khi các nước này giao lưu văn hoá với các nước phương Tây thì họ mới bắt chước cách viết theo hàng ngang (từ trái sang phải, từ trên xuống dưới, gọi là «hoành tả» 橫寫 ) của phương Tây.

Tiền xuất sư biểu (của Gia Cát Lượng) qua thư pháp hành thảo của Nhạc Phi đời Tống

Theo Thư phổ của Tôn Quá Đình, bút pháp của một thư gia lão luyện có thể gợi ra khí lực trong thiên nhiên, chẳng hạn bút khí 筆氣 của thư gia như thể «phi điểu xuất lâm, kinh xà nhập thảo» 飛鳥出林驚蛇入草 (chim bay khỏi rừng, rắn sợ hãi chui vào cỏ) hay «phi hồng hí hải, vũ hạc du thiên» 飛鴻戲海舞鶴遊天 (hồng nhạn bay giỡn trên biển, chim hạc bay múa trên trời), v.v... Nét bút có khi nhẹ nhàng như «thiền dực» 蟬翼 (cánh ve sầu), có khi rắn chắc như «trụy thạch» 墜石 (đá rơi), v.v... Ngọn bút lướt đi nhẹ như gió xuân thổi trên ngọn cỏ, mà dừng lại thì nặng như thái sơn. Do đó một tác phẩm thư pháp chính là sự kết tinh của cá tính, sự tu dưỡng thi văn, tư tưởng, kỹ pháp, và khí lực của một thư gia.

Thư pháp của Mễ Phế (Mễ Phất) đời Tống

Thư pháp là một trong những nghệ thuật xưa nhất của Trung Quốc. Khi hân thưởng một tác phẩm thư pháp, người sành điệu thưởng thức bút pháp và sự sáng tạo của tác giả thể hiện qua từng nét bút với tiết tấu nhanh chậm, với nét mực ướt đẫm lâm li hay xác xơ tiêu sái (phi bạch 飛白), và với độ đậm nhạt của mặc tích cũng như sự tương phản giữa giấy trắng mực đen. Với sự am tường về chữ Hán, về tính cách ước lệ của thứ tự nét bút và số nét bút của từng chữ, người thưởng ngoạn sành điệu sẽ cảm thấy thân thiết với tác phẩm và tác giả, đó là một thứ cảm xúc mà những bộ môn nghệ thuật khác ít khi tạo được. Một đại thư gia đời Bắc Tống là Mễ Phất 米芾 (cũng đọc Mễ Phế, 1052-1107) đã mô tả sự ngây ngất đắm đuối của ông khi chiêm ngưỡng mặc tích của cổ nhân rằng: «Mỗi khi tôi trải một tác phẩm thư họa của cổ nhân ra mà ngắm, tôi ngây ngất đến độ sấm động bên tai cũng không hay, thức ăn thơm ngon ngào ngạt bên cạnh cũng không màng... Tôi ngờ rằng sau này khi tôi lìa đời hồn tôi sẽ biến thành con cá bạc nhập vào những bức thư họa mà tung tăng bơi lội trong đó.»


Thư pháp của Tô Thức (Tô Đông Pha) đời Tống

Kể từ thế kỷ III cn, những bộ sưu tập thư pháp thường dựa theo thư thể nhiều hơn là nội dung văn chương của tác phẩm. Cách phân loại tác phẩm thư pháp truyền thống này và sự nghiên tập từng trang mặc tích của cổ nhân đã dẫn đến sự biệt lập giữa nội dung và hình thức. Chính cái nét bút, kết cấu của chữ, và kỹ pháp của tác giả mới là đối tượng của sự thưởng ngoạn chứ không phải là nội dung của tác phẩm. Sự tái sắp đặt này bảo lưu được tính nghệ thuật, nhưng phần nội dung không mạch lạc ắt sẽ gây khó chịu cho các độc giả có khả năng đọc hiểu được văn bản chữ Hán.
Hình thức phổ biến nhất của thư pháp là đôi câu đối (đối liên 對聯) mà người Trung Quốc thường treo ở cổng nhà, bàn thờ gia tiên, phòng khách, cột nhà của họ. Câu đối có nhiều loại: câu đối ngày xuân gọi là xuân liên 春聯; loại dán ở cửa gọi là môn liên 門聯; loại dán ở cột gọi là doanh liên 楹聯 (doanh là cột nhà lớn ở tiền sảnh). Vào dịp tết, những câu đối là những lời cầu chúc cát tường thể hiện khát vọng hạnh phúc của họ trong mùa xuân mới. Khát vọng đó sẽ tựu thành và phát triển giống như chồi non lộc mới trong tiết xuân sang.

Bút lông - nét văn hoá Trung Quốc

Trong buổi bình minh của nền văn minh Trung Quốc, chưa có phát minh văn tự, người ta thắt nút dây (kết thằng 結繩 ) để ghi nhớ sự việc rồi sau mới đổi thành nét khắc vạch (thư khế 書契 ) trên thẻ tre (trúc giản 竹簡 ), xương thú (thú cốt 獸骨 ), mai rùa (quy giáp 龜甲), tiếp theo là thời kỳ dùng hình vẽ, ký hiệu. Sau cùng là chữ viết. Từ thời kỳ thư khế về sau, có lẽ đã bắt đầu xuất hiện một thứ văn cụ là tiền thân của cây bút lông ngày nay. Theo thuyết của Léon Wieger thì vào đời Tần, Trình Mạc 程邈 chế bút bằng que gỗ dập tưa ở đầu. Người ta chấm bút vào sơn đen rồi viết trên vải lụa. Về sau bút gỗ được cải tiến thành bút lông (mao bút).
Sự phát minh bút lông cũng như các văn cụ khác như mực (mặc 墨 ), giấy (chỉ 紙 ), nghiên mực (nghiễn 硯) mà người Trung Quốc quen gọi là văn phòng tứ bảo 文房四寶 giữ vai trò quan trọng trong việc truyền bá văn hóa, truyền thụ tri thức, sáng tạo nghệ thuật. Cây bút lông hoàn toàn khác hẳn dụng cụ viết ở các nước khác, bởi vì ở các nước khác có sự phân biệt rõ dụng cụ viết (bút) và dụng cụ vẽ (cọ) còn ở Trung Quốc thì không. Bút lông kiêm luôn hai chức năng viết và vẽ. Môn thư pháp (calligraphy) từ lâu vốn được xem là loại hình nghệ thuật đặc biệt. Thư pháp gia, tức nhà viết chữ đẹp, vẫn được coi trọng như họa gia.
Bút lông kiêm hai chức năng viết và vẽ. Một hoạ gia đang vẽ trúc.
Nói chung, người ta cho rằng Mông Điềm 蒙恬 (một đại tướng nhà Tần) chế tạo bút lông, Thái Luân 蔡倫 (đời Tiền Hán) chế tạo giấy và Hình Di 邢夷 (đời Hán) chế tạo mực. Trong quyển Thiên Tự Văn của Chu Hưng Tự có câu: «Điềm bút Luân chỉ.» 恬筆倫紙 (Mông Điềm tạo bút, Thái Luân tạo giấy). Thực ra, không phải Mông Điềm phát minh bút lông, bởi lẽ các cổ vật khai quật được – mà các nhà khảo cổ cho rằng có trước thời đại Mông Điềm trên ngàn năm – chứng tỏ cổ nhân đã biết dùng bút. Trên những mảnh xương trinh bốc (oracle boneskhai quật được tại An Dương (Hà Nam) có ghi những nét chữ do nét bút lông chứ không phải nét khắc vạch. Hơn nữa, trong Sử Ký của Tư Mã Thiên nơi tiểu truyện của Mông Điềm không có đề cập việc phát minh bút lông.
Trước đời Tần, cây bút lông gọi là duật 聿; sau đời Tần, chữ duật được thêm bộ trúc 竹 và gọi là bút 筆. Sự thay đổi này có ghi trong quyểnCổ Kim Chú 古今注: Thời xưa cây bút làm bằng gỗ, về sau cán bút bằng gỗ nhưng đầu có gắn búp lông. Lõi bút lông bằng lông nai và bọc bên ngoài bằng lông dê. Đến thời Mông Điềm, cán gỗ được thay bằng cán trúc và búp lông được làm bằng lông thỏ. Quyển Thuyết Văn Giải Tự có ghi: «Người nước Sở gọi nó là duật, người nước Ngô gọi là bất luật, người nước Yên gọi là phất, người nước Tần gọi là bút.» 楚謂之聿吳謂之不律燕謂之弗秦謂之筆 (Sở vị duật, Ngô nhân vị chi bất luật, Yên vị chi phất, Tần vị chi bút.)
Quyển Bút Kinh 筆經 của Vương Hi Chi 王羲之 (303-370) có nói đến việc các quan chức nhà Hán cống nạp triều đình lông thỏ để làm bút. Tác giả ngợi khen lông thỏ của nước Triệu là loại cực phẩm. Điều này cho thấy việc sử dụng bút lông thỏ rất được ưa chuộng và phổ biến vào đời Hán. Tuy tác giả không nói cán bút bằng vật liệu gì nhưng căn cứ trên mặt chữ, chữ duật được thay bằng chữ bút chứng tỏ việc lấy trúc làm cán bút quả là rất phổ biến vậy.
Hộp dụng cụ: Bút lông, thỏi mực, nghiên, cái gác bút, chén nhỏ đựng nước, ấn triện, chén sứ đựng son đóng dấu (ấn nê).
Vào khoảng năm 1970, các cây bút được khai quật tại Cam Túc được giám định có vào đời Hán, và hình dáng giống cây bút lông ngày nay. Trong Bảo Tàng Viện Hoàng Cung Quốc Gia (National Palace Museum) tại Đài Loan hiện đang bảo tồn một bộ sưu tập bút lông đời Thanh, trong đó có một số bút dùng trong triều Càn Long (1736-1795), lẽ đương nhiên đó là những cây bút thượng hảo hạng.
Hồ Châu là địa phương nổi tiếng về chế tạo bút. Khi chế tạo bút, người ta thường dùng lông thỏ, lông dê, lông chó sói hoặc kết hợp các thứ lông này theo một tỉ lệ tương xứng để bút có được những hiệu quả khác nhau. Cho đến nay, lông thỏ tốt nhất không đâu bằng Trung Sơn. Do độ cứng mềm của từng loại lông và do phạm vi sử dụng của bút, người ta phân biệt hai loại chánh: nhóm bút lông mềm (nhuyễn hào bút) và nhóm bút lông cứng (ngạnh hào bút). Mỗi nhóm gồm nhiều loại khác nhau và có đủ cỡ đại / trung / tiểu.
1. Nhóm bút lông mềm (nhuyễn bút 軟筆) chủ yếu làm bằng lông dê gồm có:
Đề bút 提筆 (cũng gọi là đẩu bút 斗筆): loại bút cực lớn, các thư pháp gia thường dùng viết đại tự, các họa gia ít dùng.
Bạch vân bút 白雲筆: bút làm bằng lông dê và một ít lông cứng. Sự tiện dụng của bút là tính cương nhu, có thể vẽ trên thục chỉ (giấy đã phèn rồi) hoặc trên lụa. Rất thích hợp vẽ những hoa mềm mại. Bút có ba cỡ.
Nhiễm bút 染筆, Đài bút 苔筆, Trước sắc bút 著色筆: ba loại này làm bằng lông dê, dùng tô màu hay chấm những điểm rêu. Bút có ba cỡ.
Bạch khuê bút 白圭筆: dùng vẽ đường nét trên lụa hoặc thục chỉ. Bút có ba cỡ.
Bài bút 排筆: nhiều cây bút ghép lại như chiếc bè, dùng để quét những mảng màu lớn.
2. Nhóm bút lông cứng (ngạnh bút 硬筆) gồm có:
Đề bút 提筆: bút cực lớn bằng lông cứng, người ta ít dùng.
Lan trúc bút 蘭竹筆: bút bằng lông sói hoặc lông chồn (lông sói cứng hơn lông chồn một chút), dùng vẽ lan, trúc hoặc những nét thô lớn, cũng có thể dùng để vẽ nếp nhăn y phục. Bút có ba cỡ.
Thư hoạ bút 書畫筆: bút được dùng nhiều nhất vì thích hợp viết chữ cũng như vẽ đủ loại: nhân vật, sơn thủy, hoa điểu. Bút có ba cỡ.
Linh mao hoạ bút 翎毛畫筆: dùng vẽ lông chim. Bút có ba cỡ.
Điểm mai bút 點梅筆, Diệp cân bút 葉筋筆, Lang khuê bút 狼圭筆, v.v...: nói chung đây là những bút nhỏ lông cứng bằng lông sói, dùng vẽ những đường nét nhỏ như điểm hoa mai, vẽ gân lá...
Phạm vi sử dụng bút cũng khác nhau: khi thấm màu hay tô màu dùng bút mềm lông dê, khi vẽ đường nét dùng bút cứng lông sói. Đối với giấy hay lụa tùy theo thô hay mịn mà dùng bút lông cứng hay mềm. Giấy vẽ có phèn rồi gọi là thục chỉ (giấy chín), giấy vẽ chưa phèn gọi là sinh chỉ (giấy sống.) Khi vẽ sinh chỉ dùng bút lông cứng khi vẽ thục chỉ dùng bút lông mềm. Đối với lụa, vì trước khi vẽ cần phải phèn qua nên theo nguyên tắc phải dùng bút lông mềm hoặc bút làm bằng cả hai thứ lông cứng và mềm gọi là kiêm hào bút.
Bút dùng lâu ngày trở nên tưa cùn gọi là thoái bút 退筆 mà ta không nên vất bỏ vì nó rất tuyệt diệu khi viết chữ thảo. Giới hội họa có câu: «Họa gia vô khí bút.» 畫家無棄筆(Người họa sĩ không bao giờ ném bỏ bút cũ). Một họa gia đời Thanh là Trách Lãng 迮朗 trong quyển Họa Sự Vi Ngôn 畫事微言 có nói: «Bút lông cứng để vẽ đường nét, bút lông mềm để tô màu, bút mới để vẽ những nét công phu tỉ mỉ (công bút), bút cũ để mô tả tượng trưng theo lối tả ý (ý bút), bút lông cứng để vẽ chi tiết, bút lông mềm để quét màu, bút lông cứng đầu nhọn để vẽ gân lá, bút cũ lông cứng để chấm những điểm rêu, bút lớn lông mềm để quét mực loãng, bút cũ lông mềm để quét những mảng màu nhạt mỏng.» 鉤勒用硬筆著色用軟筆工細用新筆寫意用退筆界畫用硬筆畫染用軟筆鉤筋用硬尖筆點苔用硬退筆潑墨用大軟筆淡色用軟退筆 (Câu lặc dụng ngạnh bút, trứ sắc dụng nhuyễn bút, công tế dụng tân bút, tả ý dụng thoái bút, giới họa dụng ngạnh bút, họa nhiễm dụng nhuyễn bút, câu cân dụng ngạnh tiêm bút, điểm đài dụng ngạnh thoái bút, bát mặc dụng đại nhuyễn bút, đạm sắc dụng nhuyễn thoái bút).
Kỹ thuật cầm bút cũng thay đổi khác nhau:
* Nếu chỉ viết chữ hoặc tỉa những đường nét nhỏ, mảnh, tỉ mỉ, cầm bút như sau: quản bút được giữ ở hai vị trí: a/ giữa đốt thứ nhất ngón trỏ và đầu ngón cái, b/ giữa hai đốt đầu của ngón giữa và áp út. (Xem hình 1)
* Nếu vị trí a cố định, thì vị trí b có thể di động tới lui với sự điều khiển của ngón giữa và ngón áp út. (Xem hình 2 và 3)
* Nếu vị trí di động theo sự điều khiển của cánh tay, thì vị trí b có hai chuyển động: một là của riêng b, một là theo di động của a.
Như vậy ngọn bút di chuyển trên mặt giấy lụa vô cùng linh hoạt. Nếu đầu ngọn bút di động trên một diện tích tương đối nhỏ, ta vận động cổ tay. Nếu trên diện tích lớn, ta vận động cả cánh tay. Nếu chỉ để vẽ, cầm bút như sau: bút được giữ giữa đầu ngón cái và các đầu ngón còn lại. Lối cầm bút này rất tiện lợi vì đầu bút có thể di động theo mọi chiều hướng theo sự điều khiển của ngón tay, cổ tay và cánh tay, sự ảo diệu của lối cầm bút này là nó có thể biến thể như hình sau: Lối cầm bút như vậy gần giống lối cầm thứ nhất nhưng hiệu quả cao hơn vì bút có thể đứng, nghiêng, nằm. Đặc biệt ở thế nằm, búp lông có hai chuyển động: hoặc theo chiều dọc thân bút (a) hoặc tạt hai bên (b). (Hình 4) Nếu lông bút hơi khô mực hay khô màu, nó thể hiện được những vết rạn nứt như sớ gỗ, sớ đá, rất thích hợp để vẽ thân cây, núi và đá.
Ngoài ra, vị trí bàn tay trên cán bút cũng tạo hiệu quả khác nhau vì bàn tay gần búp lông và bàn tay ở cuối cán bút tạo những lực mạnh yếu khác nhau.



Trong cách vận dụng bút, người ta thường dùng những thuật ngữ như: Ức 抑 (nhấn xuống), dương 揚 (nâng lên), đốn 頓 (dè dặt), tỏa 挫 (hạ xuống), t 遲 (chậm trễ), tốc 速 (nhanh),hoãn 緩 (thong thả), khẩn 緊 (gấp gáp), khinh 輕 (nhẹ tay), trọng 重 (nặng, mạnh tay), lập 立 (bút đứng thẳng), ngọa 臥 (bút nằm), sát 擦 (chà quét), điểm 點 (chấm bút), nhiễm 染 (tô màu)... Những hiệu quả tạo ra như: Thoán 皴 (tạo vết răn nứt), can 干 (khô), thấp 濕 (ướt át), nồng 濃 (đậm đà), đạm 淡 (nhạt), nhung 茸 (mơn mởn như chồi non), trám (chấm giọt), thực實 (thực), hư 虛 (hư ảo), tiêm (nhọn), thốc 禿 (trơ trụi), tàng 藏 (ẩn kín), l 露 (phơi bày), t 粗 (thô), tế 細 (nhỏ, mảnh mai), nhuyễn 軟 (mềm), ngạnh 硬 (cứng), âm 陰 (tối), dương 陽 (sáng), hướng 向 (tới), bối 背 (sau lưng), hậu 厚 (dày), bạc 薄 (mỏng)...
Một khái niệm khác khi chấp bút đó là khí bút. Tô Đông Pha, một nhà thi họa và chính khách đời Tống, có lần tán thưởng thư pháp của Nhược Quỳ: «Chữ viết tiêu sơ như mưa bay, phát tán một cách tự nhiên mà không chút nào cẩu thả.» Rõ ràng chỉ khi nào người nghệ sĩ hoàn toàn đắm mình trong sự sáng tạo nghệ thuật thì mới đạt được hiệu quả này. Có thể gọi đây là hiện tượng cảm ứng. Người viết cảm được sự biến động của tự dạng trong tâm. Khi sự cảm nhận này hội đủ rồi thì người nghệ sĩ cầm bút viết ngay một cách đúng mực và thông suốt không đứt đoạn. Thần khí của chữ phóng phát từ tâm tư ứng hiện lên mặt giấy. Nét bút trở nên sống động, linh hoạt và có thần khí. Ta có thể lấy ẩn dụ ngón tay chỉ trăng: Người sơ cơ phải lệ thuộc vào văn cụ, dẫu có công phu, nét bút có thể đẹp nhưng không có thần vì thần khí chỉ trụ ở ngón tay. Còn đối với người lão luyện, ngọn bút như một bộ phận thân thể nối liền với bàn tay. Trong con mắt người nghệ sĩ bậc thầy, không có «ngón tay», chỉ có «mặt trăng» mà thôi. Nghĩa là không ngọn bút, chỉ có cái thần khí của chữ hiển hiện trên giấy, lụa.
Đại sư D.T. Suzuki có đề cập vấn đề này ở bài luận về Zen và hội họa, trong quyển Zen Buddhism: «Một nét khu biệt khác của mặc họa (Sumiye) chính là sự nỗ lực chụp bắt cái Thần đang lúc nó vận động. Vạn vật luôn vận hành, không có gì tĩnh lặng trong bản chất của nó. Khi bạn nghĩ rằng bạn đang giữ yên được nó thì nó trượt khỏi tay bạn rồi. Bởi vì trong cái khoảnh khắc mà bạn giữ nó, nó không còn sự sống nữa. Nó đã chết. Nhưng mặc họa cố gắng bắt giữ sự vật cùng với sức sống của nó, một điều cơ hồ không thể đạt được. Vâng, sự nỗ lực của người nghệ sĩ muốn thể hiện một vật thể sống động trên trang giấy dường như bất khả thi, nhưng người nghệ sĩ có thể đạt được ý muốn này ở một giới hạn nào đó nếu mỗi nét bút đều phóng phát trực tiếp từ cái thần khí nội tại, không bị ngoại giới và tạp niệm ngăn trở. Trong trường hợp này ngọn bút chính là cánh tay vươn dài ra. Hơn thế nữa, nó chính là Thần khí của nghệ, sĩ, thần khí này ứng hiện trong từng nét bút trên mặt giấy. Khi hoàn tất, bức mặc họa chính là một thực thể sống, hoàn bị và không hề là bản sao của bất kỳ sự vật nào.»
Cây bút lông, một nét văn hóa truyền thống tiêu biểu của người Trung Quốc, suốt mấy ngàn năm phát triển từ một que gỗ thô sơ thành một cây bút lông xinh xắn ảo dụng, đã chứng tỏ óc thông minh sáng tạo của dân tộc này. Các nước đồng văn hóa với Trung Quốc như Việt Nam, Nhật, Triều Tiên cũng từng sử dụng bút lông. Nhưng trong thời đại tân tiến hiện nay, có nhiều loại bút khác tiện lợi hơn đã thay thế bút lông. Cây bút lông chỉ còn đắc dụng trong lĩnh vực nghệ thuật như thư pháp và hội họa mà thôi. 

Ấn chương


Ấn chương 印章 (con dấu, con triện) là một nét văn hóa rất độc đáo của Trung Quốc. Khắc ấn là một nghệ thuật, nghiên cứu và giám định ấn là một môn học hẳn hoi. Ấn có thể bằng vàng, đá quý, ngà, xương. Ấn dùng trong công văn giấy tờ đã đành, nhưng ấn có thể kết hợp với thư 書 (thư pháp) và họa 畫 (tranh thủy mặc), chúng bổ túc nhau màtương hỗ tương thành 相互相成. Một bức họa có thư pháp và một hoặc nhiều ấn chương trở thành một chỉnh thể gọi là «kim thạch thư họa cộng nhất thể» 石書畫共一體 (ấn triện bằng đá hay vàng, thư pháp, hội họa hợp nhất thành một thể).
Ấn vàng của Hán Văn Đế. Ấn văn là:
Văn Đế hành tỷ 文帝行
Ấn ngọc đời Tây Hán. Ấn văn là:
Hoàng hậu chi tỷ 
皇后之
Trong sinh hoạt hàng ngày, người Trung Quốc phân biệt hai loại ấn chương: công và tư. Ngoài ra tư ấn còn có danh chương 名章 (khắc tên, biệt hiệu tác giả) và nhàn chương 閑章 (có nội dung đa dạng). Chúng có hình vuông, tròn, chữ nhật, bầu dục, đa giác.
Ấn chương là một yếu tố quan trọng của một bức thư pháp hay một bức họa. Đặt đúng vị trí, ấn chương tôn thêm giá trị của tác phẩm; ngược lại, sẽ làm hỏng nó. Nghiên cứu kỹ ấn chương, người ta có thể giám định một bức thư họa là chính bản hay ngụy tạo.
    
âm văn 陰文 (bạch văn 白文):
chữ trắng trên nền đỏ.
Nguyên tắc khắc ấn triện là khắc chìm hoặc khắc nổi. Khắc chìm, ấn chương khi in ra có nét chữ trắng (gọi là âm văn 陰文, bạch văn 白文) trên nền đỏ. Khắc nổi, ấn chương khi in ra có nét chữ đỏ (gọi là dương văn 陽文, chu văn 朱文) trên nền trắng. Nói chung, thời Tiên Tần ấn triện chủ yếu là âm văn (tức là khắc chìm). Vật liệu làm ấn triện thay đổi khác nhau. Từ thời Tần-Hán, vật liệu làm ấn thay đổi nhiều về ngoại hình ấn triện lẫn chữ khắc bên trong. Thời Nam Tống-Bắc Tống, khắc ấn thêm phát triển vì nhiều thư pháp gia và họa gia kiêm luôn nghề kim hoàn (để đúc ấn bằng kim loại quí) hoặc nghề làm đá (để làm ấn bằng đá quí). Do đó mà có kim ấn, thạch ấn, ngọc ấn.
 
dương văn 陽文 (chu văn 朱文):
chữ đỏ trên nền trắng.
Các cách đúc ấn vàng thời Tống-Nguyên đã lạc hậu. Thời Minh-Thanh ngọc ấn rất đa dạng. Những ấn bằng đá quí như kê huyết, điền hoàng hoặc các loại đá phổ thông như thọ sơn thạch (của huyện Thọ Sơn tỉnh Phúc Kiến), thanh điền thạch (của huyện Thanh Điền tỉnh Chiết Giang) v.v. đều là văn phòng chi bảo. Vật liệu khắc ấn cũng có thể là thủy tinh thạch, ngọc thạch, ngà voi, xương thú, sừng trâu, hồng mộc. Ngày nay cũng có người dùng êbônic hoặc gốm sứ làm ấn. Do bảo vệ môi sinh, người ta có lẽ sẽ dùng một chất nhân tạo tổng hợp nào đó để làm ấn.
Mỗi thư họa gia có không ít ấn chương, như Tề Bạch Thạch cả chục biệt hiệu nên số ấn chương cũng nhiều chẳng kém. Bản thân ông cũng làm nghề khắc ấn mưu sinh, nên có nhiều ấn cũng không lạ. Bát Đại Sơn Nhân có khoảng 30 ấn, phân làm danh chương và nhàn chương (như đã nói trên). Nhàn chương phản ảnh tư tưởng và tâm trạng tác giả trong một giai đoạn đặc biệt nào đó trong đời ông ta. ấn văn (nội dung của ấn) có thể là một danh ngôn, hoặc do tác giả đặt ra để bày tỏ nỗi lòng hay ý chí. Chuyên gia về ấn có thể xác định ấn được khắc vào khoảng thời gian nào trong cuộc đời tác giả. Chuyên gia Chu Sĩ Tâm (HongKong) đã bỏ công nghiên cứu khoảng 30 ấn chương của Bát Đại Sơn Nhân và phân tích tỉ mỉ ấn văn của từng con ấn, thật là kỳ công. Thí dụ, có một ấn của Bát Đại Sơn Nhân mà ấn văn chỉ có một chữ  驢 (con lừa). Bấy nhiêu đó cũng đủ hiểu tâm trạng của đại thư họa gia này. Bát Đại Sơn Nhân mang tâm trạng u uất của một di thần nhà Minh khi Nhà Thanh thành lập. Ông trở nên điên loạn, khi làm tăng khi làm đạo sĩ, nét bút cuồng phóng, cho nên lấy chữ lư là mượn ý của Trần Đinh Sơn Nhân: «Ta nay là thày chùa rồi, sợ gì mà không lấy biệt hiệu là Sơn Lư 山驢 (lừa núi).» Do đó bức tranh hay thư pháp nào của Bát Đại Sơn Nhân có ấn văn lư 驢 thì nó đã được sáng tác từ lúc ông đi tu vậy.
Các ấn chương chằng chịt trên một bức tranh cổ chứng tỏ tác phẩm đã qua tay rất nhiều đời chủ.
Trên đây là một thí dụ nhỏ. Kỳ thực, mỗi thư họa gia cố tự tạo ấn triện của mình có bản sắc riêng, khi đóng lên tác phẩm, coi như là «chứng thực chính bản» của tác giả. Việc giảo nghiệm một tác phẩm thư họa Trung Quốc trở nên khó khăn là thế. Ngoài việc xem xét chất liệu vải, lụa, hay giấy, người ta còn xem bút pháp, chữ ký cùng với tính cách của ấn chương nữa. Sự khó khăn càng tăng vì số ấn chương của một tác giả có thể rất nhiều và người ta không rõ hết nội dung của chúng (ấn văn). Ngoài ra người chủ mua bức thư họa về có quyền đóng lên đó ấn chương của riêng mình. Qua một đời chủ là tác phẩm mang thêm một hai ấn chương. Đó là lý do ta thấy tác phẩm thư họa cổ thường có nhiều ấn chương chằng chịt.
Trên đây là những điều hết sức cơ bản về ấn chương. Ta cần nhớ mấy điểm chính về các loại ấn chương như sau:
1/ Nhàn chương 閑章: cũng gọi dẫn thủ chương 引首章 (vì đóng ở đầu tác phẩm) hoặc tùy hình chương 隨形章 (vì tùy theo hình dạng có sẵn của cục đá mà khắc ấn). Gọi là nhàn thực tế chẳng nhàn chút nào. Thí dụ, đi mừng một đám cưới, ta tặng một tấm hoành phúc (tức hoành phi) với đại tự «Mỹ ý diên niên» 美意延年 nhưng nội dung nhàn chương là «khổ trung lạc» 苦中樂 (sướng trong cảnh khổ) thì khác nào tát nước vào cô dâu chú rể. Nội dung nhàn chương phải phù hợp nội dung tác phẩm. Nói chung, khi đem tác phẩm mừng tặng ai, nhàn chương với nội dung «như ý cát tường» 如意吉祥 là an toàn và bảo đảm nhất. Trong số nhàn chương cũng phân ra mấy loại:
a- Niên hiệu chương 年號章: Ghi giáp tý 甲子, ất sửu 乙丑, bính dần 丙寅, nhất cửu cửu bát niên 一九九八年, v.v.
b- Nguyệt hiệu chương 月號章: Ghi tên tháng như hoà nguyệt 和月, cốc vũ 谷雨, thịnh hạ 盛夏, v.v.
c- Trai hiệu chương 齋號章: Ghi tên hiệu của thư trai 書齋 (phòng đọc sách) của ta như Mặc Nhân Cư 默人居, Thụy Đức Thảo Đường 瑞德草堂, Tích Tự Các 積字閣, v.v.
d- Nhã thú chương 雅趣章: Nội dung loại này rất đa dạng, ghi nỗi lòng, hoài bão, ý chí, danh ngôn, phương châm v.v. Thí dụ: Lạc nhi khang 樂而康 (vui vẻ mạnh khoẻ), khổ trung lạc 苦中樂 (sướng trong cảnh khổ), thiên địa tâm 天地心 (lòng trời đất), mặc thú 墨趣 hay mặc lạc 墨樂 (thú vui thư pháp), thần công 神功, cần phấn 勤奮 (siêng năng cố gắng), khổ công 苦功 (công phu khổ luyện), trị học 治學 (chuyên học), tửu trung tiên 酒中仙 (tiên trong rượu), thanh thú 清趣 (thú vui thanh nhã), sư cổ bất nệ 師古不泥 (noi theo xưa mà không câu nệ), thư đức 書德 (đức viết chữ), tinh cần 靜勤 (tinh chuyên và cần mẫn), phúc thọ 福壽 , mặc hương 墨香 (hương thơm của mực), quan viễn 觀遠 (nhìn xa), v.v.
2/ Yêu chương 腰章: Đối với một bức trung đường (trực phúc, tức là tấm hình chữ nhật đứng, kiểu portrait) mà quá dài, dù có đóng dẫn thủ chương rồi thì vẫn cảm thấy trống trải. Ở ngang thắt lưng tác phẩm ta đóng thêm một ấn. Ấn chương đóng ở ngang lưng bức thư pháp gọi là yêu chương [yêu 腰: eo thắt ngang lưng]. Yêu chương phải nhỏ hơn nhàn chương và danh chương, có thể hình chữ nhật, vuông, hoặc tròn.
3/ Danh chương 名章: Ấn chương khắc tên hoặc tự hiệu của tác giả, đóng dưới hạ khoản. Có thể đóng hai ấn chương nội dung khác nhau, nhưng tốt nhất là một ấn bạch văn và một ấn chu văn. Thí dụ, ấn văn có thể là: Lê ấn 黎印, Anh Minh ấn 英明印, Anh Minh chi ấn 英明之印, Lê Anh Minh ấn 黎英明印. Các chữ này khi đã in trên giấy phải theo thứ tự ngược chiều kim đồng hồ thì mới đúng qui cách.


Chương pháp

Chương pháp 章法 là bố cục bức thư pháp. Trước tiên, chúng ta cần quan sát hình thức một bức thư hoạ (từ ngữ chỉ chung thư pháp và tranh thuỷ mặcTrung Quốc.
Hình thức
Một bức thư họa thường có các dạng như:
1.  Hình chữ nhật đứng (kiểu portrait, chiều dài ít nhất gấp đôi chiều rộng), gọi là thụ phúc 豎幅, điều phúc 條幅, trực phúc 直幅, trung đường 中堂, lập phúc 立幅. Hai tấm chữ nhật đứng song song có viết câu đối thì gọi là đối liên 對聯. Đôi khi một bức thư họa ở dạng trực phúc được đặt giữa một đôi đối liên, treo trên tường.
       
2.  Hình chữ nhật ngang (chiều dài ít nhất gấp đôi chiều rộng), gọi là hoành phúc 橫幅, hoành phi 橫披.
3.  Hình vuông, gọi là đẩu phương 斗方.
4.  Hình mặt quạt, gọi là phiến diện 扇面. Phiến diện có thể nằm lọt trong các hình chữ nhật hoặc vuông. Phiến (quạt) có ý nghĩa biểu tượng. Chữ phiến 扇 âm Bắc Kinh là /shàn/, đồng âm với chữ thiện 善 (tốt lành). Do đó treo bức thư họa hình quạt hoặc treo hẳn một cây quạt to tướng (có hình vẽ tứ quân tử, các loài hoa phú quý, tranh tùng hạc, hay thư pháp) trên vách tường là thể hiện khát vọng được mãi mãi tốt lành, điều thiện luôn đến với gia đình.
Khi bồi tranh hoặc bồi một bức thư pháp, ta phải chừa biên. Nếu là đẩu phương thì bốn biên đều nhau. Nếu là trực phúc hay hoành phúc thì biên theo cạnh dài phải hẹp, biên theo cạnh rộng thật rộng. Kích thước mỗi cạnh (từ một mét trở lên) tuỳ thuộc vào nội dung, số chữ nhiều ít. Nếu là tranh có đề chữ, kích thước này tuỳ ý họa gia ấn định.
Đó là các tấm thư hoạ lộng vào khung kính. Khi không lộng vào khung kính, tấm thư họa được bồi (thuật ngữ gọi là trang biểu 裝裱) bằng lụa và giấy theo một cách thức đặc biệt để có thể cuộn lại quanh một trục (gọi là trục can 軸杆) mang đi hoặc trải ra và treo lên tường. Kiểu thức này gọi là thủ quyển 手卷 (scroll). Những bài kinh ngắn ở dạng thủ quyển được gọi là trục kinh 軸經.
Thủ quyển gồm nhiều bộ phận với các thuật ngữ nhà nghề như sau: (1 & 2) sợi dây treo, từ gút dây toả ra hai râu gọi là (1) ti đái 絲帶, phần dây treo gọi là (2) điếu thằng 吊繩; (3) thượng can上杆 (trục nhỏ trên, không nhô đầu trục ra); (4) kinh yến 驚燕 (hai dải lụa, phất phơ trước gió, vừa phủi bụi vừa làm sinh động, nên gọi là «chim én run sợ»: kinh yến); (5) thiên đầu 天頭 (đầu hướng lên trời); (6) địa đầu 地頭 (đầu hướng xuống đất); (7) thượng cách thủy 上隔水 và (11) hạ cách thủy 下隔水 là hai mảng trống ngăn cách; (8) thi đường 詩堂 (phần đề thơ); (9) biên 邊; (10) họa tâm 畫心 (phần trung tâm của bức thư hoạ); (12) trục can 軸杆 (trục chính, to hơn thượng trục) nhô ra hai đầu gọi là (13) trục đầu 軸頭. Mầu sắc các phần phải khác biệt và đối ứng nhau, như biên và thiên đầu, địa đầu phải cùng màu; thượng cách thuỷ và hạ cách thuỷ phải cùng màu, khác với màu biên. Màu sắc các phần phải hài hoà, không chỏi nhau.

Chương pháp
Bố trí chữ Hán trên mặt giấy, ta phải theo qui tắc do giới thư pháp gia Trung Quốc ấn định:
* Không thụt vô đầu hàng (indent) như viết chữ Latin, dù là hàng ngang hay hàng dọc. Cách viết theo hàng dọc (hay theo cột) là cách viết truyền thống, gọi là thụ tả豎寫; cách viết theo hàng ngang (như tiếng Việt, tiếng Anh) gọi là hoành tả 橫寫. Khi viết thư pháp trên phiến diện thì phải dùng thụ tả, và viết chữ vào khoảng giữa các nan quạt.
* Các hàng đều và dài bằng nhau (như canh hàng justify trên máy computer).
* Một chữ lẻ loi không đứng thành một hàng (nhất là ở hàng cuối). Do đó ta phải đếm số chữ toàn bài rồi phân chia số hàng, số chữ trong mỗi hàng cho thích hợp.
* Khoảng trống ở hàng cuối không nên để dài hơn phân nửa chiều dài của hàng, vì tạo cảm giác trống trải cho người xem. Nếu lỡ bị như vậy thì ta nên ghi lạc khoản vào đó để bổ cứu.
* Không được dùng dấu chấm câu (punctuation). Các chữ nối tiếp nhau suốt bài y như trong sách cổ (gọi là bạch văn 白文).
* Thư thể không pha trộn phồn thể và giản thể với nhau. Thư thể ở chính văn và ở lạc khoản phải phân biệt tuyển dụng cho hài hòa:

Chính vănLạc khoản
1. Khải thư1. Khải thư hoặc hành thư
2. Lệ thư2. Khải thư
3. Hành thư3. Hành thư
4. Cuồng thảo4. Cuồng thảo hoặc hành thư
5. Triện thư5. Triện thư hoặc lệ thư

Lc khoản
Lạc khoản 落款 cũng gọi là khoản thức 款識, phân thành đơn khoản 單款 và song khoản 雙款. Song khoản phân thành thượng khoản 上款 và hạ khoản 下款. Đơn khoản tức là hạ khoản. Lạc khoản ghi vào hàng cuối của bài.
I. Thượng khoản: Ghi tên cá nhân hay tổ chức nhờ cậy ta thư pháp. Đây là phần trên cùng của hàng chót, là vị trí quan trọng dành ghi những tên tuổi ấy để tỏ lòng tôn trọng. Nếu tự mình thư pháp không theo yêu cầu của ai, thì không ghi gì vào thượng khoản. Thượng khoản gồm: «Tính danh 姓名 + xưng hô 稱呼 + khiêm từ 謙詞» (Trong các thí dụ sau đây, tên người tức tính danh được đánh dấu làxx).
1.  Đối với người trưởng thượng, ta ghi: xx đồng chí 同志, xx tiên sinh 先生, xx phương gia 方家, xx nữ sĩ 女士, xx lão sư 老師. Nếu người đó trên 70 tuổi thì ghi  xx lão 老; trên 80 tuổi thì ghi xx ông翁. Nếu người đó là nam, hoạt động trong ngành ngoại giao thì ghi là các hạ 閣下. Còn về phần người làm thư pháp, không nhất thiết xưng hô danh tính, chỉ cần khiêm từ như: chỉ chính 指正, pháp chính 法正, giáo chính 教正, chính tự 正字, chính uyển 正腕, chính chi 正之, thanh thưởng 清賞, nhã thuộc 雅屬, nhã chính 雅正, phủ chính 斧正, chính bút 正筆, chính thư 正書. Đại khái nói khiêm tốn rằng: Xin nhờ ngài xem và sửa giúp cho tôi những chỗ còn vụng. Nếu tặng cho người ấy thì ghi là nhã tồn 雅存, huệ tồn 惠存, hay huệ niệm 惠念. Thí dụ: Nguyễn Hiền tiên sinh thanh thưởng 阮賢先生清賞; Quốc Tuấn phương gia chính bút 國俊方家正筆; Văn Tần các hạ huệ niệm 文秦閣下惠念.
2.  Đối với người ngang hàng, ta ghi: xx đồng chí 同志, xx nhân huynh 仁兄, xx nhân đệ 仁弟, xx thư hữu 書友, xx chí hữu 摯友, xx đồng song 同窗, xx đại huynh 大兄, xx hiền đệ 賢弟, xx tiểu đệ小弟, xx tiểu muội 小妹, xx học hữu 學友, xx bào huynh 胞兄, xx bào đệ 胞弟. Khiêm từ có thể là: tồn niệm 存念, huệ tồn 惠存, lưu niệm 留念, lưu tồn 留存, thanh thưởng 清賞, mệnh thư 命書, nhã thuộc雅屬. Thí dụ: Minh Hoa thư hữu huệ tồn 明華書友惠存; Vĩnh Lạc hiền đệ nhã thuộc 永樂賢弟雅屬.
3.  Đối với người nhỏ tuổi hơn mình hoặc thuộc cấp, ta ghi: xx học sinh 學生, xx hiền khế 賢契, xx hiền điệt 賢侄, xx ái tôn 愛孫, xx ái nữ 愛女, v.v... tùy vai vế. Khiêm từ ghi: minh ký 銘記,chúc thư 囑書. Thí dụ: Hiểu Phàm ái nữ minh ký 曉凡愛女銘記; Văn Hoa hiền khế chúc thư 文華賢契囑書.
Phần kế tiếp của thượng khoản là ghi xuất xứ của chính văn. Có thể đó là thi từ, văn cú, cách ngôn, câu răn lòng. Rồi ghi tên tác giả và nhan đề. Thí dụ: Vương Bột Đằng Vương Các tự cú 王勃滕王閣序句; Đỗ Phủ thi khách chí 杜甫詩客至. Nếu nội dung chính văn quá nổi tiếng, ta không cần ghi xuất xứ. Thí dụ: «Độc thư phá vạn quyển, hạ bút như hữu thần.» 讀書破萬卷下筆如有神.
II. Hạ khoản: Nếu không có phần thượng khoản thì phần hạ khoản phải gọi là đơn khoản. Nội dung của hạ khoản gồm: «Thời gian 時間 + địa điểm 地點  + tính danh 姓名 (biệt hiệu 別號) + khiêm từ 謙詞».
1. Thời gian: Ghi từ đơn vị lớn (năm) xuống dần đến đơn vị nhỏ (ngày).
a.  Năm có thể ghi dương lịch hoặc âm lịch. Thí dụ: Nhất cửu cửu bát niên lục nguyệt 一九九八年六月, Mậu dần niên lựu nguyệt 戊寅榴月 hoặc Mậu dần chi hạ 戊寅之夏.
b.  Tháng ghi theo âm lịch có nhiều tên như:

Giêng
Chính nguyệt 正月, mạnh xuân 孟春, sơ xuân 初春, khai tuế 開歲, phương tuế 芳歲, đoan nguyệt 端月, chinh nguyệt 征月.
Hai
Trọng xuân 仲春, hạnh nguyệt 杏月, lệ nguyệt 麗月, hoa triêu 花朝, trung xuân 中春, hoa nguyệt 花月, lịnh nguyệt 令月.
Ba
Quý xuân 季春, mộ xuân 暮春, đào nguyệt 桃月, tàm nguyệt 蠶月, đào lãng 桃浪, mạt xuân 末春, vãn xuân 晚春.
Mạnh hạ 孟夏, hoè nguyệt 槐月, mạch nguyệt 麥月, mạch thu 麥﹑秋, thanh hoà nguyệt 清和約, mai nguyệt 梅月, chu minh 朱明
Năm
Trọng hạ 仲夏, lựu nguyệt 榴月, bồ nguyệt 蒲月, trung hạ 中夏, thiên trung 天中.
Sáu
Quý hạ 季夏, mộ hạ 暮夏, hà nguyệt 荷月, thử nguyệt 署月, nhục thử 溽署, ưu nguyệt 優月.
Bảy
Mạnh thu 孟秋, qua nguyệt 瓜月, lương nguyệt 涼月, lan nguyệt 蘭月, lan thu 蘭秋, thủ thu 首秋, xảo nguyệt 巧月.
Tám
Trọng thu 仲秋, trung thu 中秋, quế nguyệt 桂月, sảng nguyệt 爽月, quế thu 桂秋.
Chín
Quý thu 季秋, mộ thu 暮秋, cúc nguyệt 菊月, vịnh nguyệt 詠月, cúc thu 菊秋, huyền nguyệt 玄月, thanh nữ nguyệt 青女月.
Mười
Mạnh đông 孟冬, sơ đông 初冬, lương nguyệt 良月, khai đông 開冬, cát nguyệt 吉月, thượng đông 上冬.
M. Một
Trọng đông 仲冬, sướng nguyệt 暢月, trung đông 中冬, tuyết nguyệt 雪月, hàn nguyệt 寒月, long tiềm nguyệt 龍潛月.
M. Hai
Quý đông 季冬, tàn đông 殘冬, lạp nguyệt 腊月, băng nguyệt 冰月, mộ đông 暮冬.

c. Bốn mùa:
  • Xuân chia làm: sơ xuân 初春, tảo xuân 早春, dương xuân 陽春, phương xuân 芳春, mộ xuân 暮春.
  • Hạ chia làm: sơ hạ 初夏, trung hạ 中夏, hạ mộ 夏暮, cửu hạ 九夏, thịnh hạ 盛夏.
  • Thu chia làm: sơ thu 初秋, kim thu 金秋, tam thu 三秋, mộ thu 暮秋, trung thu 中秋.
  • Đông chia làm: sơ đông 初冬, hàn đông 寒冬, cửu đông 九冬, mộ đông 暮冬, trung đông 中冬.
d. Mỗi tháng thượng tuần 上旬 (mồng 1 đến 10) gọi là thượng hoán 上浣; trung tuần 中旬 (11 đến 20) gọi là trung hoán 中浣; hạ tuần 下旬 (21 đến 30) gọi là hạ hoán 下浣. Thí dụ: Mậu dần niên quế nguyệt thượng hoán 戊寅年桂月上浣 (thượng tuần tháng 8 âm lịch năm Mậu dần).
e. Một số ngày đặc biệt:
  • Mồng một tháng giêng: Nguyên nhật 元日, đoan nhật 端日.
  • Mồng bảy tháng giêng: Nhân nhật 人日.
  • Rằm tháng giêng: Thượng nguyên 上元, nguyên tiêu nhật 元霄日.
  • Rằm tháng bảy: Trung nguyên 中元.
  • Rằm tháng mười: Hạ nguyên 下元.
  • Mồng ba tháng ba: Trùng tam 重三.
  • Mồng tám tháng tư: Dục phí 浴沸.
  • Mồng năm tháng năm: Đoan ngọ 端午, trùng dương 重陽, đoan dương 端陽.
  • Mồng bảy tháng bảy: Thất tịch 七夕.
  • Rằm tháng tám: Trung thu 中秋.
  • Mồng chín tháng chín: Trùng cửu 重九, trùng dương 重陽.
  • Mồng tám tháng chạp: Lạp bát 腊八.
  • 30 tháng chạp: Trừ tịch 除夕.
  • Mồng một: Sóc nhật 朔日.
  • Rằm: Vọng nhật 望日.
  • 30 mỗi tháng: Hối nhật 晦日.
2. Địa điểm: Không ghi lời thô. Thí dụ, ghi «thư ư Đề Ngạn Sinh Ký thực nhục điếm» 書於提岸生記食肉店 (viết tại quán nhậu Sinh Ký tại Chợ Lớn) là không chấp nhận được. Ghi «thư ư Đề Ngạn Mỹ Hồng lâu» 書於提岸美紅樓 (viết tại quán Mỹ Hồng Chợ Lớn) là chấp nhận được. Hoặc ghi thời gian và địa điểm đơn giản như: Mậu dần chi thu ư Bình Thạnh thư 戊寅之秋於平盛書 (viết tại Bình Thạnh mùa thu năm Mậu dần).
3. Tác giả: Ta ghi tên hoặc họ hoặc cả hai, rồi thêm chữ thư 書. Thí dụ: Lê Anh Minh 黎英明, hoặc Anh Minh thư 英明書, hoặc Lê Anh Minh thư 黎英明書.
4. Khiêm từ: Nếu ta thư pháp để đưa cho bậc trưởng thượng hoặc một chuyên gia về thư pháp thì sau tên của ta, ta ghi thêm khiêm từ: thư phụng 書奉, phụng thư 奉書, kính thư 敬書, cung lục 恭錄, kính lục 敬錄.
Thí dụ một hạ khoản đầy đủ: Mậu dần niên hạnh nguyệt hạ hoán ư Cổ Phong Đường Lê Anh Minh kính thư 戊寅年杏月下浣於古風堂黎英明敬書.
Tóm tắt: Dưới đây là đầy đủ các phần của lạc khoản, viết theo cột từ trên xuống:
1
(1, 2, 3THƯỢNG KHOẢN = (1) Tính danh, (2) Xưng hô, (3) Khiêm từ.

(4XUẤT XỨ = ghi xuất xứ phần chính văn (nội dung chính của bức thư pháp), tức là ghi rõ ở đây trích thơ văn hay câu cú của ai. Nếu chính văn là do người viết thư pháp tự sáng tác thì phần này không cần.

(5, 6, 7, 8HẠ KHOẢN = (5) Thời gian, (6) Địa điểm, (7) Tính danh hay biệt hiệu của người viết thư pháp, (8) Khiêm từ.

(9ẤN CHƯƠNG = Một hoặc hai ấn chương của người viết thư pháp.
2
3
4
5
6
7
8
9

Ấn chương
Ấn chương đã được giải thích thành một bài riêng. Ở đây ta nhận xét cách đặt ấn chương trên một bức thư họa:
Trong hình bên cạnh, ấn thứ nhất (dẫn thủ chương) ở vị trí 1. Ấn thứ hai (yêu chương) ở vị trí 2 (ngang eo bên phải của bức thư họa; yêu = thắt lưng). Khi nào bức thư hoạ quá dài thì mới đóng thêm yêu chương cho đỡ trống trải. Sát bên trái là lạc khoản (phần ghi dấu - - - ), kết thúc bằng ấn thứ ba. Ở vị trí 3, tác giả có thể đóng hai ấn.
Đó là ba ấn chương của tác giả (thư pháp gia hay hoạ gia). Đối với bức thư họa kích thước hơi nhỏ, một ấn chương ở vị trí 3 cũng đủ. Những tác phẩm thư hoạ cổ xưa, qua tay nhiều chủ nhân, mỗi người chủ có quyền đóng thêm một vài ấn chương riêng của mình vào những chỗ trống trải còn lại. Bài Ấn chương đã nói các loại ấn chương và công dụng của chúng.
Trên đây là những điều rất cơ bản về chương pháp. Như đã nói trong bài Ấn chương, một tác phẩm thư hoạ từ hình thức đến nội dung và các chất liệu cấu tạo phải là một chỉnh thể hài hoà. Một bức thư họa do đó được gọi là «kim thạch thư họa cộng nhất thể» 石書畫共一體 (ấn triện bằng đá hay vàng, thư pháp, hội họa hợp nhất thành một thể). Tuy nhiên, ấn chương kim loại, nét sắc lẽm trên bức thư hoạ chưa phải là đẹp. Ấn bằng đá hay ngọc, lâu ngày bị sứt mẻ do va chạm hay rơi rớt. Khi đóng lên bức thư hoạ, nó chẳng những tạo nét cổ kính riêng, lại còn gợi ra sự bất toàn trong một chỉnh thể, như Lão Tử nói: «Đại thành nhược khuyết.» (viên mãn mà như còn thiếu). Đó mới chính là nét đẹp thâm trầm đầy triết lý Đông phương.


















Nhận xét