Cố kinh Tràng An trong tâm thức người Việt


 
 
Có những địa danh trùng phùng bừng sáng mãi với dòng chảy thời gian dẫu cho không gian cách trở nhau từ hơn trăm dặm cho đến vượt trên ngàn dặm trường, băng qua biên giới thân thiện với lân bang.
Cố kinh Tràng An (Ninh Bình, ảnh sưu tầm)
TRÀNG AN [ ] trong trí tưởng và tâm thức của người Việt hôm nay là một điển hình tiêu biểu về hoàn cảnh địa lý lẫn sắc màu văn hóa, văn học lung linh hàm ẩn tính cách văn hóa tâm linh.
Nhà thơ tài hoa, uyên thâm Nho học, sành Pháp ngữ bắt kịp nhịp thở của đương đại - cụ Vân Bình Tôn Thất Lương (1887-1951), nguyên Giáo sư trường Hậu bổ rồi Giáo sư Việt Văn, Hán học trường Nữ Trung học Đồng Khánh, nhà ở xưa cũ tọa lạc ở gần góc đường Võ Thị Sáu tiếp cận đường Chợ Cống nay có tên Nguyễn Công Trứ, Huế đã từng như cho người đời sau biết rõ địa chỉ ngôi vườn nhà thân thương của mình qua bài HƯƠNG GIANG HÀNH sáng tác vào năm 1941:
“Nhà ta ở bên bờ Hương Giang
Hương Giang ở giữa cảnh TRÀNG AN
Thành trì xưa cũ, phố chợ mới;
Sáu nhịp Trường Tiền cầu bắc ngang”
Như giữa hai nhân vật lịch sử: Cụ Thượng Trứ và cụ Vân Bình đã thầm ước có một mối duyên nợ văn chương gắn kết qua ngõ về Chợ Cống xưa, đầu cầu Vỹ Dạ nay. Nguyễn Công Trứ đã từng sống và làm quan tại triều rồi cuối đời giữ chức Phủ Doãn phủ Thừa Thiên cũng đã để lại cho đời sau bài Hát nói nổi tiếng có tựa đề “TRÀNG AN HOÀI CỔ” mà tiếc thay người đời sau, không sành địa danh từng vùng miền của đất nước gấm hoa, cứ thẳng mực Tàu phiên ngang thành “TRƯỜNG AN HOÀI CỔ”, thành ra “cổ” đâu nào thấy mà lại gặp “kim” vì địa danh Bình An, Trường Cưởi hôm nay đã sống lại với hai danh xưng mới phường Trường An mà trụ sở được xây dựng khang trang cách Tổ đình Từ Đàm, ngôi chùa lịch sử ở đất Tràng An cách văn phòng phường bằng con đường ngắn và mới mang tên Sư Liễu Quán.
Nguyễn Công Trứ là người văn võ song toàn, lúc giữ chức Tổng đốc, lúc cầm cờ Đại tướng, lúc bị giáng tuột làm lính thú ở Quảng Ngãi trở lại kinh sư giữ chức Phủ Doãn rồi cuối đời về hưu trí lãnh hàm Thượng thư. Lúc nhàn tản cụ Thượng Trứ vẫn ngất ngưỡng trên xe bò cái vàng kéo đi khắp phố phường thăm bạn, viếng chùa… Lẽ nào ông nhầm lãn về một địa danh TRÀNG AN ở đất cố kinh Hoa Lư thuộc tỉnh Ninh Bình ngày nay. Lỗi không phải tại nhà thơ tài hoa, đa tình, phóng khoáng mà “tội” tại người phiên âm từ tiếng Nôm ra tiếng Việt ngày nay theo lối “tam sao thất bổn”. Thưa cụ Thượng, xin cụ hoan hỷ, đại xá cho hậu duệ.
Ninh Bình ở gần thành Thăng Long hơn Phú Xuân, vượt qua núi Tam Điệp là thẳng tới thành Đại La, tiền thân của cố đô Thăng Long cũ đời nhà Lý. Nhà Nguyễn sau này đã thay chữ “LONG” [] có nghĩa là “con rồng” bằng chữ thứ hai của niên hiệu Gia Long, vì vậy mà người đương thời đầu thế kỷ 19 gọi Thăng Long có từ đầu đời Nguyễn là Thăng Long mới. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831) đem huyện Từ Liêm thuộc tỉnh Sơn Tây đổi thuộc vào phủ Hoài Đức, rồi lấy thêm 3 phủ Ứng Hòe, Lý Nhân và Thường Tín thuộc tỉnh Sơn Nam, tất cả hợp lại thành tỉnh Hà Nội:
“Tràng An xưa, nay là Hà Nội,
Bốn ngàn năm tụ hội non sông
Mây núi Tản, sóng sông Hồng
Non nước ấy, giống Tiên Rồng, dân tộc Việt”
(Thăng Long hoài cảm - Hoàng Đăng Bân)
Vì vậy mà trong tâm thức người Việt, chớ không riêng gì của người Thừa Thiên Huế ngày nay đã gọi các cố kinh Hoa Lư, Thăng Long, Đông Kinh, Đông Quan, Đông Đô, Phú Xuân, Huế,… bằng một nghĩa biểu trưng chung cùng quen thuộc, thân thương là TRÀNG AN, như lời mở đầu bằng hai câu mướn của bài hát nói “TRƯỜNG AN HOÀI CỔ” của quan Phủ Doãn Nguyễn Công Trứ:
“Chẳng thơm cũng thể hoa lài,
Dẫu không lịch sự cũng người TRÀNG AN”
Cùng một lúc, vị thế của nhà thơ Uy Viễn tướng công, gốc quê Hà Tĩnh làm quan tại triều đình Huế: vừa chủ vừa khách. Có thể mạnh dạn nói rằng cụ Thượng Trứ là con người rất chung thủy với cố đô Huế, quý mến tính cách thanh lịch của người xứ Thuận Hóa, của kinh thành Phú Xuân, được giảm trừ thu tóm lại trong ý nghĩa của danh xưng Xuân kinh.
Chính vì nương tựa theo mỹ ý của tiền nhân thấm đượm ân sủng mưa móc chốn cửa khuyết, bốn phương chầu về cho nên các tao nhân mặc khách luôn luôn dành cho Xuân kinh nhiều ưu ái, tôn sùng. Một khi Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế chịu cảnh chao đảo, tang thương sẽ gây nhiều xúc cảm đồng lân với cả nước. Nhắc đến cảnh cố đô Huế thất thủ ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu, 1885 không ai không chạnh lòng đau:
“Một bữa Tràng An bị vết nhơ
Cỏ cây sông núi cũng đen mờ”
(Phạm Đình Bách)
Chính vì vậy mà một chi tiết hiếm thấy ở miền đất khác là khi người chủ hoặc người thân của một gia đình người Huế “cất bước ra đi, không bao giờ trở lại” thì người nhà đã lấy vải trắng “để tang” cho cây cối trong vườn nhà.
Lịch sử dân tộc có lúc thịnh, lúc suy; nhưng với tinh thần bất khuất, ý chí tự chủ, trí sáng tạo, lòng dân đoàn kết nhất tâm thì trước sau kẻ thù nào, khó khăn nào cũng nhanh chóng vượt qua. Bài “Nam quốc Sơn Hà” ra đời thời Lý Thường Kiệt là một minh chứng hùng hồn: người Việt nhất thiết không bị lệ thuộc vào ngoại bang bất cứ dưới hình thức nào. Tại các đại lễ tế thần ở chốn triều miếu, đình trung có tấu nhạc và múa tứ linh. Trước khi khởi lễ đã có lời ngâm truyền cảm một cách hào sảng 4 câu tứ tuyệt nửa Hán - nửa Nôm:
“Thông thông nhai khí nhiễu Trường Yên
Ái đại cung đình thấu cửa Thiên
Kính giả tất thành cầu tất ứng
Mừng dân ta phú quý thọ thiên niên”
Địa danh Tràng An được phiên âm thành “Trường Yên” để ăn vần với các chữ cuối của câu thứ hai và thứ tư.
Tràng An xưa thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Năm Mậu Thìn, 968 Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, mở ra một kỷ nguyên mới thái bình. Tràng An lúc bấy giờ một đơn vị hành chính cấp “đạo” [] nhỏ hơn tỉnh thuộc trấn Sơn Nam. Tại nơi đây có làng Tràng An thượng còn miếu thờ Đinh Tiên Hoàng, làng Trường An hạ có miếu thờ vua Lê Đại Hành. Lăng vua Đinh ở núi Mã Yên được tôn tạo và dựng bia vào năm Minh Mạng thứ 21 (1840), còn lăng của vua Lê Đại hành nằm ở chân núi Quai Điếu thuộc địa phận phía tây huyện Gia Viễn được tôn tạo và dựng bia vào năm trước, 1839.
Ở đây còn có miếu thờ các vua Trần Thái Tông ở tại hai xã An Mô và Tràng Khê, thuộc tổng Khánh Vũ; miếu thờ hai vua Giản Định và Trùng Quang nhà Trần tại thôn La Phù, làng Bồ Xuyên, huyện An Mô.
Đinh Tiên Hoàng, người động Hoa Lư, châu Đại Hoàng (tên cũ của huyện Gia Viễn). Thời niên thiếu, Đinh Bộ Lĩnh ở trongđộng (thôn xóm có nhiều động thạch nhũ ở miền núi), sau khi lên ngôi vua, đóng đô ở các làng Tràng An thượng và Tràng An hạ gọi là thành Hoa Lư. Động Hoa Lư ở cách huyện lỵ Gia Viễn chừng 33 dặm về phía Tây Bắc, ở địa phận các làng Uy Viễn, Uy Tế và Đại Hữu, bốn mặt có núi đá la liệt vây quanh, ở giữa có một thung lũng rộng hơn hai mẫu. Có nhiều khe nhỏ từ trong động chảy qua địa phận của các thôn Tri Hối và Sào Lộng (Sào Lọng). Nước từ trên núi cao đổ xuống sông Hoàng Giang. Trước động có khắc 3 chữ Hán cỡ lớn HOA LƯ ĐỘNG, không rõ 3 chữ ấy được chạm khắc vào thời nào.
Ngày nay, sòng phẳng mà tính ra đất cựu vật này có đến 975 di tích lịch sử, trong đó có 80 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, khiến cho tỉnh Ninh Bình trở thành một quần thể có điểm sáng về các loại hình du lịch văn hóa lịch sử, du lịch tâm linh và du lịch sinh thái với tổng diện tích quy hoạch lên tới 1.961 ha.
Tràng An có cố kinh; núi cao; sông rộng; sĩ phu chuộng khí tiết, nhân dân siêng làm mà lại cần kiệm, không đua đòi. Đó là một nếp sống đẹp, quý như chất ngọc.
Nếu người Việt tự hào với Tràng An; thì người Trung Hoa cũng hãnh diện có kinh đô Tràng An vào thời Hán, thời Đường nằm bên dòng sông Vị, cách Cảo kinh của nhà Chu một bến nước, một chuyến đò ngang bờ nối bờ.
“Tổ quốc anh linh đa tuấn kiệt
Giang sơn cẩm tú dục sinh tài”
(Thăng Long Hoài cổ - Hoàng Đăng Bân)
Trong thành Tràng An cũ của nhà Hán, đất đỏ như lửa, rắn chắc như đá; các phụ lão truyền lại rằng: Đó là vì ngày xưa, người ta đào hết đất núi Long Thủ để xây thành.
Sách “KHAI THIÊN DI SỰ” cho biết đời Đường (618-906) tại kinh đô Tràng An có xóm Bình Khang là chỗ nghệ nhân ca hát ở, thanh thiếu niên chốn đô hội thường tìm đến thưởng lãm nghệ thuật trình diễn. Những ai muốn nghe hát đều thi nhau đưa thiếp đỏ ghi tên rõ tên họ mình thì mới được lần lượt được mời vào. Danh thiếp (thiếp danh) ra đời từ đó.
Cũng tại đất kinh thành, từ lâu đã trở thành thông lệ, sau khi xướng danh (truyền lô), các vị Tiến sĩ Tân khoa đến xóm Bình Khang làm lễ Thích Cát [ ] cởi áo vải học trò ra để mặc áo lam vào. Vì thế, người ta gọi xóm Bình Khang là “PHONG LƯU TẨU TRẠCH”. Chỉ vì lẽ, nơi đây có rừng cây cối xanh tươi, có kỳ hoa dị thảo, lại có nhiều đầm nước trong veo có thuyền lam để chèo đi lại ngắm cảnh sắc thiên nhiên.
Tại đất TRÀNG AN xưa - Cách đây vừa tròn 1040 năm, cách thị xã Ninh Bình gần 20km về phía Bắc, chùa Bái Đính vươn lên ở độ cao 200 mét, giữa một vùng bán sơn địa rộng tới 150.000m2. Đây là ngôi chùa lớn, mặt trước nhìn ra sông Hoàng Giang, mặt sau tựa vào núi Bái Lĩnh, điện thờ Tam Thế gồm 3 tòa, cao tới 28 mét, mặt bằng chính diện thờ lên tới 2000m2. Cả bốn pho tượng Phật bằng đồng, những tượng Phật được coi như là lớn nhất vùng trời ĐÔNG NAM Á. Ba pho tượng Tam Thế bằng đồng được tôn trí thờ tại chung một tòa, mỗi pho nặng tới 50 tấn; riêng tượng Phật thứ tư, tay cầm búp sen được đúc từ 100 tấn đồng nguyên chất, được sự chú nguyện của mọi người được đặt tại một tòa riêng biệt, trông rất uy nghi, tĩnh tại.
Dưới chân các tượng Phật là nơi tôn trí đến 500 tượng A-La-Hán bằng chất liệu đá đen lấy từ núi Nhồi ở tỉnh Thanh Hóa, mà xưa kia một thời đạo Ninh Bình có tên là Thanh Hoa ngoại trấn trực thuộc tỉnh Thanh Hóa. Các tượng đá được chạm khắc tinh tế qua bàn tay vàng của những nghệ nhân ở Ninh Vân - Hoa Lư như đã thổi hồn non nước linh thiêng của giang sơn cẩm tú vào từng mỗi tác phẩm điêu khắc trên đá cứng đạt trình độ cao.
Cũng ở độ cao hơn 200 mét thuộc quần thể du lịch tâm linh này, một quả chuông đồng nặng tới 27 tấn được thiết trí ở địa điểm trang trọng và uy nghi. Trên chuông có ghi dòng chữ:
“NGUYỆN XIN CHUÔNG ĐẠI HÙNG VANG VỌNG BIỂN PHÁP ÂM, CHO CHÚNG SANH BỪNG CƠN MỘNG, NGHE ÂM THANH GIÁC NGỘ ĐẾN BỒ ĐỀ”
Trở lại với cố đô Huế - còn được mệnh danh xứ TRÀNG AN, ở vào thời điểm tháng ngày này, những người giữ trọng trách tổ chức lễ hội lớn của đất nước, của thành phố Festival đang nỗ lực ra sức làm việc tới tấp, tất bật với việc điều binh khiển tướng không quản giờ giấc chạy đuổi sau lưng để cốt làm sao mọi việc được sẽ diễn ra hoàn mãn như ý nguyện ban đầu. Có như thế, cố đô Huế, miền sông Hương núi Ngự mới bừng sáng lên hơi xuân đầm ấm:
“Trường An xe ngựa rân rân
Đâu đâu mừng thấy tiết xuân đã về”
(Tứ thời khúc vịnh - Hoàng Sĩ Khải)
Mọi người đều đặt kỳ vọng cố kinh Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế ngày một rạng rỡ, cởi thoáng hơn thì mới đạt được:
Cõi đời mở mặt, giang sơn Thái Hòa.
(Cổ thi)

Nhận xét