Nhà cổ họ Trần

căn nhà cổ ở đất Thủ xưa, cùng năm 1890 với nhà cổ Cai Cường 

Nhà cổ họ Trần

Giữa thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương hiện có hai ngôi nhà cổ của dòng họ Trần với độ tuổi hơn 100 năm nhưng vẫn còn nguyên vẹn các giá trị về mặt văn hóa và nghệ thuật kiến trúc. Hai ngôi nhà ấy nay trở thành điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách khi đến thăm Bình Dương. 

Đó là ngôi nhà cổ của ông Trần Công Vàng và ông Trần Văn Hổ ở phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một. Cả hai ngôi nhà đã được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia. Cả hai ngôi nhà đều được xây dựng và chạm khắc rất tinh vi, thể hiện trình độ kĩ thuật và mĩ thuật của người xưa rất tinh tế.

Ngôi nhà cổ của ông Trần Công Vàng có kiến trúc theo kiểu nhà rường Huế, được xây cất từ năm 1889. Nhìn bề ngoài ngôi nhà có vẻ thấp, nhưng khi bước vào bên trong, hệ thống cột kèo, trần nhà cao làm cho không gian trở nên rộng rãi và thoáng mát. Từ chân cột đến mái nhà, bàn ghế, tủ, trang thờ, các khuôn cửa, hoành phi, liễn, câu đối, tranh tứ bình, thủ quyển… tất cả đều được chạm trổ, sơn thếp, cẩn xà cừ vô cùng công phu, khéo léo làm cho ngôi nhà mang vẻ đẹp vừa tráng lệ, vừa trang nghiêm. Ngôi nhà có một hành lang nội chạy vòng sau phần thờ tự. Hành lang này giúp việc liên thông giữa nhà khách và các buồng ngủ mà không phải đi ngang qua gian thờ nên đảm bảo được tính nghiêm trang cho gian thờ cúng của gia chủ.


Sân vườn ngôi nhà cổ của ông Trần Văn Hổ được bài trí theo phong cách truyền thống với cây cảnh và hòn non bộ.


Nội thất ngôi nhà cổ của ông Trần Văn Hổ được bài trí theo lối cổ với hoành phi, câu đối, thủ quyển.


Tượng phật bằng gỗ trong nhà cổ của ông Trần Công Vàng.


Trang thờ trong nhà cổ của ông Trần Công Vàng.


Trang thờ trong nhà cổ của ông Trần Công Vàng.


Tiền sảnh ngôi nhà cổ của ông Trần Công Vàng.


Nhà cổ của ông Trần Công Vàng được xây cất theo lối kiến trúc nhà rường Huế


Các consol của ngôi nhà được chạm trổ tinh xảo.


Dãy hành lang nội chạy vòng sau gian thờ tạo được sự riêng tư và trang nghiêm cho nơi thờ tự.


Căn nhà cổ của ông Trần Văn Hổ được xây dựng vào năm 1890 (hiện do Ban Quản lí di tích và danh thắng tỉnh Bình Dương trực tiếp quản lí) lại có lối kiến trúc theo dạng chữ “Đinh”. Trước sân nhà được bài trí vườn hoa, cây cảnh, hòn non bộ. Mái nhà lợp ngói âm dương hơi thấp và thoai thoải, mang đậm nét nhà truyền thống của người Việt. Nét độc đáo nổi bật của ngôi nhà có lẽ phải kể đến kĩ thuật chạm khắc rất tinh xảo trên bề mặt của các khuôn cửa. Bằng kĩ thuật chạm lộng điêu luyện, các nghệ nhân xưa đã tạo nên nhiều hình chạm cực kì sinh động quanh khuôn cửa với nhiều chủ đề khác nhau như: cuốn thư, lân, phượng, hoa lá, dây leo… Bên cạnh đó, lối bài trí nội thất ngôi nhà bằng hệ thống hoành phi, câu đối, tràng kỉ, tủ thờ được làm theo lối cổ càng làm tôn thêm vẻ đẹp quý phái và cổ kính vốn có của ngôi nhà.

Vật liệu chính để làm nên hai ngôi nhà này phần lớn là các loại gỗ quý như cẩm lai, giáng hương, gõ, sến, mật… Những loại gỗ này lâu ngày lên nước đen bóng kết hợp với sắc đỏ vàng của hoành phi, câu đối và màu ánh bạc của các chi tiết khảm trai làm cho không gian ngôi nhà càng thêm nổi bật, thể hiện rõ chất phong lưu, quý phái của các bậc gia chủ xưa. Ngoài ra, xét về vị trí, hai ngôi nhà cổ của dòng họ Trần đều nằm gần sông Sài Gòn, nên rất thuận tiện cho việc chuyên chở cây gỗ từ rừng về để xây cất. Tuy vậy, điều quan trọng để làm nên vẻ đẹp của nhà cổ họ Trần là người chủ đã biết tuân theo đặc điểm truyền thống trong phong cách kiến trúc cổ của người Việt Nam. Đó là lối kiến trúc hài hòa với địa hình, phong cảnh và thiên nhiên vùng nhiệt đới. Cả hai ngôi nhà đều quay mặt về hướng Nam, xung quanh có khung cảnh sông núi, thiên nhiên hữu tình.

Có thể nói, ngoài giá trị thẩm mĩ và kiến trúc, nhà cổ họ Trần còn phản ánh khá sâu sắc những yếu tố văn hóa, kinh tế, xã hội của tầng lớp thượng lưu vùng đất Thủ Dầu Một hồi thế kỉ XIX. Vì vậy, nó chính là một loại hình di sản độc đáo của vùng đất này.

Nhận xét