Tìm về lời chúc phúc: Thiên hạ thái bình


 
 
Chữ Hán, chữ Nôm thể hiện thần thái thánh hiền qua nét viết. Một khi lên bút mà sảng khoái tinh thần thì viết chữ có thần lực. Đồ chữ lại cho đậm nét khiến cho chữ viết mất thần, còn gì là nghệ thuật nữa. Cứ xem nét chữ thì biết được tính khí, nhân cách, thậm chí vận mệnh của người viết biểu cảm bằng ý nghĩa và nội dung của bài viết.

Tiêu biểu chọn thành ngữ gồm 4 chữ đúc: THIÊN HẠ THÁI BÌNH, viết là 天 下 太 平. Viết sao cho cân phân, cho đẹp còn là nghệ thuật làm cho chữ nghĩa thăng hoa.
I. Tìm về căn nguyên
Còn gì hạnh phúc bằng được sống trong cảnh tượng thái bình. Không phải chỉ ở chốn cung đình, chốn tao đàn người xưa mới nói đến ý nghĩa cao đẹp của thành ngữ “THIÊN HẠ THÁI BÌNH” mà ở chốn hương trung cư dân vẫn dùng thành ngữ ấy trong tế tự, lời chúc phúc đầu năm mới hoặc lễ hội.
Năm Trùng Hưng thứ 4 (1288) đời vua Trần Nhân Tông, quân dân nước Đại Việt chiến thắng giặc Nguyên, nhà vua ban chiếu đại xá thiên hạ, mở tiệc ăn mừng 3 ngày, gọi là “THÁI BÌNH DIÊN YẾN”. Ở kinh đô Thăng Long và các phố thị đều treo cờ kết hoa, bày các trò múa hát, đua thuyền và đốt pháo bông cho thần dân vui vẻ hưởng cảnh đất nước thanh bình.
Tháng 9 năm 1924, lễ tứ tuần đại khánh vua Khải Định khắp hai bên đường ở kinh thành Huế, thiết dựng những khải hoàn môn, kết lá xanh tươi, dán chữ Thọ và chữ Phúc bằng hoa rực rỡ. Ở trên kỳ đài và những cột cờ bên vệ đường đều treo cờ Rồng Vàng lẫn với cờ ngũ hành, cờ đuôi nheo, cờ long phượng nhật nguyệt.
Quốc sử đã từng ghi chép việc tổ chức yến tiệc lớn bằng thuật ngữ diên yến. Ở phương Đông, thời cổ đại đã định rõ 8 thứ đồ ăn quí ở cung vua gồm: 1- Gan rồng, 2- Tỹ phượng, 3- Thai báo, 4- Đuôi cá gáy, 5- Chả thịt cú, 6- Môi đười ươi, 7- Bàn tay gấu, 8- Nhương heo non (tức lợn con quay).
Về sau thường đổi ra 8 thứ: 1- Yến sào, 2- Hải sâm, 3- Bào ngư, 4- Hầu xỉ, 5- Lộc cân, 6- Cưu không, 7- Tề bì, 8- Hùng chưởng.
Còn việc treo cờ trên kỳ đài và những cột cờ bên đường phố được quy định thành điển lệ khác nào pháp lệnh đã trở thành truyền thống của kỷ cương phép nước. Ngày nay thường lạm dụng việc treo cờ truyền thống dân tộc ở những nơi không đúng cách, xét thấy cần chấn chỉnh để tránh được lời nói ra, kẻ nói vào.
II. Thiên hạ thái bình
Dựa theo cấu tạo từ mà phân tích từng con chữ một của thành ngữ chữ Hán lung linh ấy, đó là một cái thú vị khi nhìn các loại thần kỳ tung bay trước gió. Thật khó tìm cho được 4 từ thuần Việt mạch dịch ra Việt ngữ thành ngữ ấy đã sống mãi và sống mạnh với thời gian xưa nay. Tiện nhất là đọc hoặc viết y nguyên mà người nào cũng hiểu, cũng cảm được. Bất câu là việc gì, nghề gì; giữ chức phận nào trong gia đình và ngoài xã hội nếu thiên hạ nghiêm cẩn mà tưởng nghĩ đến 4 chữ đúc cao sang và thiêng liêng ấy.
Kinh doanh để sinh lợi, hái ra tiền; quảng cáo để bán chạy hàng; dạy học để đào tạo nhân tài chắc rằng không nên để cái lợi đè cái nghĩa. Nghĩa với đồng bào Tiên Rồng là nghĩa đẹp nhất, cao cả nhất, linh diệu nhất.
1. Chữ “THIÊN” (): trời, bầu trời, ông trời, ngày, thời tiết, cái không thể thiếu được, cái lớn nhất: Nhất đại chi vị thiên (cái lớn nhất trong thiên hạ là trời).
2. Chữ “HẠ” (): dưới, bề dưới (trái nghĩa với bề trên); xuống, từ trên xuống dưới; cuốn lại (hạ kỳ hoặc há kỳ), hạ duy (cuốn màn lại).
Từ ghép “thiên hạ” có nghĩa là “thế giới”, có khi hiểu là “bốn biển”, chẳng hạn nói “Tứ hải giai huynh đệ”. Người Trung Quốc cổ đại gọi “thiên hạ” có nghĩa là “chung cả đất nước”. Ngày nay người Việt Nam dùng hai tiếng “thiên hạ” để chỉ người khác. Tùy theo văn cảnh mà hiểu ý người nói: Thiên hạ quên hết rồi. Và khi đang nói chuyện với người thân mà dùng từ ghép “thiên hạ” để trách móc hoặc nói khoáy.
3. Chữ “THÁI” (): có khi viết như chữ “Đại” (), không có dấu chấm (.) hoặc viết thành nhiều nét như chữ “thái” () có nghĩa là “thịnh”, “thịnh vượng”, “thịnh trị”. Đền Xã Tắc thờ thần “Thái xã” và thần “Tái tắc”.
4. Chữ “BÌNH” (): yên lặng, vô sự; còn có nghĩa “bình an”, “thái bình”, “Hòa Bình”. Nhà Phật gọi là “an lạc”. Ở kinh thành Huế có lầu Tứ Phương Vô Sự gần cửa Hòa Bình.
Gom ý lại “THÁI BÌNH” có nghĩa là “rất bình yên” hoặc “đời thịnh trị”. Đời thái bình cửa thường bỏ ngõ; chợ không bán hai giá, không hề có cảnh “treo đầu heo mà bán thịt chó” bao giờ.
III. Thiên hạ thái bình là hạnh phúc lớn nhất cho quốc dân
Gom ý lại cho dễ hiểu, “thái bình” có nghĩa là “rất yên bình”. Người Pháp bám sát kinh điển phương Đông dịch là “paixprofonde”. Họ thêm chữ “profonde” có nghĩa là “có chiều sâu”, “lâu dài”, “thâm hậu”. Phải có sáng tạo trong dịch thuật mới dịch chuẩn mực như thế. Đồng nghĩa với “thái bình” có từ ghép “thăng bình”. Người Việt dùng các thuật ngữ như “THÁI BÌNH”, “HÒA BÌNH”, “THĂNG BÌNH” để trên đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện mà thanh thoát nâng cao lũy tiến để nói được cảnh đất nước thái bình thịnh trị như ý nghĩa của câu đối cổ:
HOA ĐỘNG NHẤT THÀNH XUÂN NIỂU NA
CA HÀM VẠN HỘ QUỐC THĂNG BÌNH
Dịch là:
Hoa nở khắp nơi xuân lả lướt
Hát mừng vạn hộ nước thái bình
“Niểu” có nghĩa mềm mại, dịu dàng như sợi tơ, như thiếu nữ đẹp đẽ, nết na và thùy mỵ. Một lối so sánh, ví von thật đồng tình, đồng điệu, giàu sinh khí.
Biểu thái ngữ nghĩa có từ “thái bình” theo tiến trình tăng tốc lũy tiến: Hòa bình à Thái bình à Thanh bình à Thăng bình. Ngôn từ Việt - Hán thật phong phú, đa thể, đa dạng. Người nước ngoài học tiếng Việt ngán nhất là phát âm một cách tự nhiên theo đúng 5 dấu giọng; cái thứ hai là diễn nghĩa, dịch nghĩa tương đồng giữa hai ngôn ngữ khách - chủ bằng cách “dựa vào tích để dịch ra tuồng”.
Tết Nguyên tiêu năm Tân Mão, 2011 có một số nhà tân học đồng tình cho rằng năm Tân Mão là năm con Mèo và trong ngôn ngữ cổ điển của Việt Nam không có từ ghép “HẠNH PHÚC”. Hạnh phúc là từ mới chỉ xuất hiện đầu thế kỷ 20 nhờ các nhà dịch thuật tiền bối dịch từ chữ “Bonneur” của tiếng Pháp ra tiếng Việt.
Nghe ra không phải vậy. Có “cái hạnh”, “điều hạnh”; có “cái phúc” cho mỗi cá thể thì cũng phải có “cái hạnh”, có “cái phúc” cho nam thanh nữ tú nguyện sống chung, kết tóc xe tơ. Hôn nhân mở đầu cho việc xây dựng gia đình. Theo các sách Chu lễ và Lễ ký đã từng ghi chép câu: “Phối thất chi tế, vạn phúc chi nguyên”. Dịch là: “Việc hôn nhân là gốc của muôn hạnh phúc” và sách lại ghi rõ: “Lục lễ bất bị, trinh nữ bất xuất”. Vậy thì hạnh phúc trong cưới hỏi, lập gia đình đâu chỉ là chuyện của đôi nam nữ, cô dâu và chú rễ. Cheo làng cưới họ còn đó. Truy cứu hai từ hôn nhân mới thấy rõ điều này: “NHÂN” là nhà chú rễ, “HÔN” là nhà của người vợ. Học giả Đào Duy Anh đã giải thích rằng: Hôn nhân là: hai nhà kết hôn. Tình thông gia (mariage, alliance).
Gia đình có hạnh phúc thì giòng tộc hưởng được phúc ấm, xã hội bình an, đất nước tự chủ và thịnh trị theo quy trình liên hoàn mà cũng là phương châm: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Trong hạnh phúc gia đình như đã tiềm ẩn, chớm nở hạnh phúc giòng tộc, hạnh phúc cho làng xã và cho đất nước. Nghĩa hai từ vạn phúc thoáng rộng hơn từ ghép hạnh phúc, có hạnh phúc riêng tiềm tàng và được bao bọc, che chở của hạnh phúc chung để được mỗi người, mỗi gia đình được an hưởng cảnh thái bình.
Trong “hạnh” đã có mầm sống của “phúc” và trong “phúc” đã tiềm tàng, chở che “cái hạnh”. Minh triết dân gian dạy rằng:
Ta trồng cây hạnh mà chơi
Người trồng cây phúc để đời cho con
Từ trong cảo thơm, chúng tôi nhặt ra được các từ ghép: ngũ phúc, thiên phúc, vạn phúc. Làng Vạn Phúc ở tỉnh Hà Đông nổi tiếng với nghề dệt lụa để may áo cho thiếu nữ. Sản phẩm được tiến vào tận cung vua để may áo cho hoàng hậu, cung phi và công chúa. Ở thủ đô Hà Nội có chùa cổ Vạn Phúc.
Nhà thơ Nguyên Sa Trần Bích Lan (1932-1998) đã viết trong bài “Áo lụa Hà Đông”:
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng
“Áo lụa Hà Đông” là một trong 100 bài thơ tình hay do Hội Nhà văn bình chọn năm 2007 tại Hà Nội.
Chúng tôi đã cất công đi tìm những câu đối cổ viết bằng chữ Hán mà các tác giả đã tận dụng và vận dụng vào thủ pháp chỉnh đối của thể tài văn học về đối liễn. Xin nêu vài, trên vài dẫn chứng tiêu biểu để minh họa làm sáng tỏ, nhằm phản biện lại luận cứ “trong văn chương cổ điển của nước nhà không tìm thấy hai từ “hạnh phúc”.
- Câu đối thứ nhất:
Thiên thu đại nghiệp tòng kim nhật tố khởi
Vạn đại hạnh phúc song phủ đoạt lai
Trong tác phẩm công trình biên khảo “CÂU ĐỐI HOÀNH PHI CHỮ HÁN TINH TUYỂN” xuất bản năm 2006, tác gia Công Sĩ đã dày công sưu tầm và dịch thuật như sau:
Đại nghiệp thiên thu từ hôm nay gây dựng
Hạnh phúc muôn đời bằng đôi tay đoạt về
- Câu đối thứ hai:
Hạnh phúc hoa khai nghênh bách phúc
Cát tường điểu xướng báo thiên tường
Dịch là:
Hạnh phúc hoa nở đón trăm phúc
Vận may chim hót báo ngàn may
- Câu đối thứ ba:
Thụy tiết phô hình phú dụ lộ
Xuân phong xuy khai hạnh phúc môn
Dịch là:
Tuyết tốt trải bằng đường giàu có
Gió xuân thổi mở cửa hạnh phúc
- Câu đối thứ tư:
Đồng tẩu hạnh phúc lộ
Cộng hưởng thái bình niên
Dịch là:
Cùng đi đường hạnh phúc
Chung hưởng năm thái bình
Mừng xuân mới năm Nhâm Thìn, 2012, kính chúc mọi người, mọi giới hưởng trọn niềm hạnh phúc chung của dân tộc Việt cùng với các dân tộc anh em vượt qua cảnh ngộ, hoàn cảnh để tận hưởng hạnh phúc chung:
LONG NIÊN TRÌNH LONG THỤY
XUÂN TIẾT DẬT XUÂN QUANG
Tạm dịch:
Năm Rồng hiện điềm Rồng
Trời Xuân ngập ánh Xuân.

Nhận xét