Nhà rường Huế

“Rường” là một cách nói ngắn của rường cột. Nhà rường là loại nhà có hệ thống kết cấu cột kèo bằng gỗ, được liên kết hoàn toàn bằng chốt, mộng gỗ để có thể tháo lắp dễ dàng. Các hàng cột phân định số gian trong nhà. Hai chái ở đầu nhà là được phân cách với các gian giữa bằng vách ngăn. 


Một đạo dụ ban ra năm Minh Mạng thứ 3 (1822), ấn định rằng tất cả các nhà xây bên ngoài Đại Nội, đều không được vượt quá 3 gian 2 chái. Nhà rường 5 gian 2 chái ở Huế hiện nay đều là nhà mới xây. Trong nhà rường, gia chủ chỉ ở hai gian và hai chái, gian giữa thường được dùng để thờ gia tiên.

Vì tránh mưa bão nên nhà ở Huế thường xây không cao, cũng là để không vượt quá chiều cao của Hiểu Lâm Các, cấu trúc cao nhất trong Đại Nội. Do mái nhà có độ dốc lớn để nước mưa thoát được nhanh, nên nhà rường Huế đa phần có diện tích nhỏ. Nếu nhà đông người, gia chủ phải xây thêm các nhà phụ, nhà ngang. Để bù đắp cho sự khiêm tốn về kích thước nhà, người Huế cho chạm, khảm các kèo, xà và vách ngăn. Mỗi đòn, kèo của nhà rường Huế là một bức hoạ nổi, với đủ loại đề tài, hoa văn, tuỳ theo khiếu thẩm mỹ và chí hướng của chủ nhân.

Từ triều Minh Mạng đã có chỉ dụ cấm thường dân sử dụng gỗ lim, nên nhà rường Huế được làm chủ yếu từ các loại gỗ bản địa phổ thông như kiền, gõ, và nhất là mít rừng từ Quảng Trị.

Một căn nhà rường ba gian hai chái ở Huế trung bình có 56 cột. Cột đều được kê trên đá tảng để tránh ẩm mốc. Với số cột lớn như vậy nên số lượng kèo, xà và đòn tay cần phải chạm khảm hết sức rất nhiều. Ngoài ra còn có hệ thống cửa lớn bao che 3 mặt tiền ngôi nhà cũng được chạm khảm. Một toán 4 thợ mộc và 4 thợ chạm gỗ phải tốn hơn hai năm để hoàn thành một ngôi nhà loại ba gian.

Mái nhà rường được lợp bằng ngói liệt, với hai lớp dày chồng lên nhau. Do vậy, mùa Hè rất mát, mùa Đông thì ấm áp.

Hướng mặt tiền của căn nhà không nhất thiết phải là hướng Nam, mà nhiều khi được ấn định bằng việc xem tuổi của gia chủ.

Cũng như người trong các nước Á Đông xưa, người Huế dùng thước Lỗ Ban để đo đạc trong quá trình dựng nhà rường. Vua Gia long đã ra lệnh sửa đổi các thước Lỗ Ban cổ, bằng cách thêm 4 phân (khoảng 2cm) vào thước, để cung điện, nhà cửa được triều Nguyễn xây sau này sẽ khác với các triều đại trước, cũng như khác với ngoại bang.

Có hai loại thước Lỗ Ban được dùng trong việc xây nhà ở Huế xưa. Một loại để đo cột, kèo và mọi chiều dài rộng trong nhà, loại kia để đo chiều rộng cửa, ngõ. Mỗi thước Lỗ Ban được chia làm 8 cung, trong đó có 4 cung cát (tốt lành) và 4 cung hung (xấu). Việc xác định kích thước các kết cấu xây dựng nhà rường, đặc biệt là cửa ra vào, rất phức tạp, liên quan đến tuổi, mong muốn tài, lộc…của gia chủ. Để tăng thêm phần hiệu lực của thước Lỗ Ban, người ta còn làm cả bùa, chú gắn vào kết cấu nhà.

Vườn xung quanh nhà rường cũng được thiết kế rất công phu, phức tạp. Ví dụ như tại đây không trồng cây tùng, bách là cây Tiên Lão trường sinh, chỉ trồng ở các lăng tẩm; Đông trồng đào, Tây trồng liễu; Cau trước, chuối sau…

Trên đường vào trước nhà có một bức trấn phong để ngăn chặn tà ma xâm nhập, có hòn giả sơn để phụ cho trấn phong.


Bên ngoài nhà với bức bình phong và giả sơn


Hệ thống cột và cửa lớn phía trước nhà


Gian chính giữa là gian thờ


Bên trong nhà rường
Biết bao công sức, bao tâm nguyện của người xưa mới tạo nên được một ngôi nhà rường. Các quy cách, tục lệ, nghi lễ… trong việc xây nhà rường Huế góp phần hình thành nên bản sắc kiến trúc và văn hóa của Huế nói riêng và của Việt Nam nói chung.

khu nhà rường - vườn Lạc Tịnh số 65 Phan Đình Phùng, TP Huế - là khu nhà rường - vườn tiêu biểu, còn  nguyên vẹn trong hệ thống nhà rường - vườn truyền thống nổi tiếng của Huế.


Nhận xét

  1. Nhà rường Huế mang vẻ đẹp gần gũi và giản dị
    -----------------------------------MayCuaGoCongNghiep------------------------------------
    nhà cung cấp máy cưa bàn trượt 2 lưỡi và máy dán cạnh tự động tốt nhất tại tphcm

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét