Độc đáo nhà sàn dân tộc Chăm Hroi



Nhà sàn của người Chăm HRoi thường có kích thước nhỏ nhắn, và ấm cúng. 


Về cấu trúc nhà sàn thường có hình dáng vuông, cân đối và ổn định. Hai mái có độ dốc lớn để chống mưa gió. Nhà được trổ cửa sổ ở hai phía đầu hồi. Bước lên cầu thang là một khoảng sân hẹp lộ thiên trông như một hành lang. Khoảng sân này ngoài dùng để phơi phóng còn có tác dụng làm cho ngôi nhà thêm xinh xắn, rộng rãi.
Khi làm nhà, người Chăm rất chú trọng đến độ bền của vật liệu, thông thường họ chọn các loại gỗ tốt như Xay, Kiền Kiền, Trắc, Muồng. Trong kết cấu nhà, họ chú trọng đến mái và nóc nhà; hai mái nhà được liên kết với nhau thông qua đòn nóc đẽo gọt công phu. Người Chăm cho rằng, nóc là biểu tượng của ngôi nhà. Sự tồn tại của nóc nhà là biểu hiện sự bền vững của cả ngôi nhà.

Từ sau ngày đất nước thống nhất, thực hiện chính sách định canh định cư, phân bố lại lực lượng lao động, cải tạo cung cách làm ăn. Kinh tê-xã hội các huyện miền núi ở Bình Định đã có sự thay da đổi thịt... Trong kết cấu từng ngôi nhà người dân tộc thiểu số Chăm Hroi cũng đã chuyển biến. Các nhà sàn của người Chăm thu nhỏ lại cho phù hợp với điều kiện kinh tê-xã hội hiện tại. Mái nhà cũng được thay bằng nguyên liệu mới, kết cấu khung nhà cũng đổi thay đáng kể.

Ngoài nhà ở thường ngày, làng dân tộc Chăm đều có một ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng, ta thường gọi chung là nhà Rông. Trong ba dân tộc ít người ở Bình Định là Chăm Hroi, Băhnar, Hrê, chỉ có dân tộc Băhnar là có nhà Rông, một số làng người Chăm ở Vân Canh cũng có nhà Rông nhưng theo giới nghiên cứu, thì nhà Rông người Chăm là kết quả tiếp thu, ảnh hưởng qua lại giữa văn hóa Băhnar và Chăm.

Theo kết quả nghiên cứu về người Chăm ở Phú Yên sống gần với người Êđê nhưng không có nhà Rông.

Ngoài nhà ở người Chăm Hroi còn có dạng nhà Chòi. Đó là loại nhà kiến trúc chủ yếu phục vụ cho sản xuất. Kho thóc và nhà Chòi đều thuộc nhà sàn 4 cột nhỏ, kết cấu đơn giản. Kho là nơi chuyên cất giữ lương thực (chủ yếu là thóc) thường kho thóc được cất xa nơi cư trú để đề phòng hỏa hoạn xảy ra. Nhà Chòi còn là nơi để trông coi nương rẫy, là chỗ nghỉ ngơi cho các thành viên trong thời gian làm rẫy (ăn cơm, tránh nắng, mưa...) vào mùa thu hoạch, nhất là những ngày bận rộn có thể nghỉ đêm tại chòi.

Ngoài ra, chòi còn là nơi cất giữ lương thực tạm thời khi mới thu hoạch. Trước đây, cũng như hiện nay chức năng của nhà kho và nhà Chòi không thay đổi. Còn nhà Rông vẫn là nơi sinh hoạt cộng đồng, nay lại thêm một chức năng mới đó là nhà văn hóa hay còn gọi là nhà Rông văn hóa...

Nhận xét