Tài hoa bàn tay “thợ kép”

Chỉ bằng một chiếc bay nhỏ xíu, với bàn tay tài hoa lành nghề họ đã gắn lên trên các công trình xây dựng truyền thống những mô típ rồng bay, phượng múa...

Người Huế gọi đó là nghề thợ kép, nghề chuyên tô vẽ, nhào nặn bê tông thành rồng, phượng, hoa văn…trang trí cho các đình làng, nhà thờ họ tộc, đền miếu và cả những công trình trùng tu, phục hồi di sản kiến trúc văn hóa truyền thống.

Anh Trần Đình Luyến, một thợ kép ở Vinh Hưng, tại một công trình xây lăng mộ - Ảnh: B.N.L
Mua cả trăm triệu đồng chén, bát về để… đập vỡ
Sau khi có phong trào xây dựng lăng mộ ở các làng biển của Thừa Thiên- Huế, nghề thợ kép đã trở nên đắt giá. Anh Phạm Bính, một thợ kép ở Vinh Hưng, gắn bó với nghề hơn 25 năm nay, đang phụ trách một nhóm kép hơn 20 người ở Vinh Hưng, nói vui: “Không có cái nghề nào trên thế gian này lại giống với nghề của chúng tôi, bỏ ra cả trăm triệu đồng mua chén bát về ngồi đập vỡ vụn ra thành mảnh để chơi”. Cái chơi của những người thợ kép này là cách nói. Từ một chiếc bay nhỏ xíu trên tay, anh Bính vừa trổ tài tô vẽ những con rồng uốn lượn trên thân các trụ lăng vừa nói: “Có hai cách để tạo nên màu sắc cho công trình, cách rẻ tiền là tô màu lên các hoa văn, tranh vẽ, cách này thì công trình mau cũ, xuống màu. Cách thứ hai là mua chén bát về đập ra khảm lên, màu sắc sẽ vĩnh cửu. Anh thấy đó, để có một ngôi lăng mộ rồng phụng lộng lẫy như vậy, kiếm đâu ra mảnh sành để làm đủ. Phải mua mới về mà đập vỡ ra thôi”- anh Bính nói.
Nếu ai đã từng đến các làng An Bằng (xã Vinh An), Thuận An (thị trấn Thuận An) Phú Thuận (xã Phú Thuận, H.Phú Vang), Phong Hải (xã Phóng Hải, H.Phong Điền) có lẽ sẽ hiểu được vì sao những người nông dân các xã biển bỏ ruộng bỏ trưa để đi theo cái nghề mưa nắng này. Đây là những làng quê có nhiều người thân ra định cư ở nước ngoài, nên vẫn được người dân địa phương gọi là làng Việt kiều…Với nguồn ngoại tệ từ con em ở nước ngoài gửi về, hàng chục năm nay, phong trào xây lăng, đắp mộ, xây nhà thờ… bạc tỷ ở các làng này diễn ra rầm rộ. Trong đó, làng An Bằng được ví như một thành phố ma, thành phố lăng mộ, làng sống cho…người chết. Toàn bộ lăng mộ ở đây đều đồ sộ, nguy nga tốn kém đến bạc tỷ. “Xây rồi, nhưng thấy nhà khác xây to hơn, đẹp hơn, đập ra xây lại là chuyện thường ở đây. Nhiều người còn xây trước cho vừa ý mình. Nhiều ngôi mộ ở An Bằng lên đến 2 tỷ. Chúng tôi phải làm trại trong nghĩa địa hơn một năm mới xây xong”, anh Bính (ở xã Vinh Hưng) kể. Cuộc cạnh tranh không ngơi nghỉ giữa các chủ lăng mộ đã “giúp” người thợ kép có việc quanh năm suốt tháng.
Nhất thợ rèn, nhì thợ kép
Thợ kép là nghề truyền thống lâu đời của người dân đất Thuận Hóa - Phú Xuân. Thông thường, người mới vào học phải tập từ cách đập bình để tạo thành các mảnh vỡ tương đối có góc cạnh, tập tạo phôi (đắp các hình rồng, phượng...), sau đó mới học đến cách tạo hình dạng long, lân, phụng. Và cuối cùng là công việc gắn các mảnh sành vỡ theo các phôi đã được tạc dựng lên lăng. Thông thường người học phải học liên tục trong vòng 3 năm mới có thể lành nghề.
“Không chỉ khéo tay, mà phải có con mắt nhìn và đặc biệt là lòng kiên nhẫn. Thông thường, một thợ kép sẽ có một sở trường. Người này giỏi làm cây kiểng, người khác giỏi làm long, lân, quy phụng…Nhiều người có khiếu thì học nhanh, nhưng cũng có người học đến 4, 5 năm”, anh Hữu, một thợ kép trẻ nói. “Chỉ cần gắn mảnh sành sai một vài vị trí là có thể làm sản phẩm bị biến dạng, không dùng được, điều này cần phải có kinh nghiệm, sự nhạy bén và cả năng khiếu. Chỉ tỉa tót theo những kiểu dáng rồng, phụng, cây kiểng…cũ thì chưa đủ. Hiện nay, đòi hỏi của khách rất cao. Chúng tôi phải làm sao đáp ứng yêu cầu của khách mới cạnh tranh được các tốp kép khác”, anh Bảo, một thợ kép ở Vinh Xuân cho biết.
“Xã Vinh Thanh có nhiều tốp thợ gồm mấy chục người, đặc biệt là tốp ông Mãi. Trước đây, đàn ông trong xã chủ yếu theo nghề nông, một số theo nghề mọc, nghề biển, còn nghề kép cũng có nhưng không đáng kể. Nhưng chục năm trở lại đây, nghề kép lại chiếm tỉ lệ cao. Toàn xã có trên 30 tốp, mỗi tốp ít nhất là 10 người”, ông Nguyễn Trường Chính, Phó chủ tịch UBND xã Vinh Thanh nói.
Ngước nhìn những hoa văn họa tiết sinh động cùng những đường nét uốn lượn mềm mại với những phong cách khác nhau, tôi mới vỡ lẽ người thợ kép không chỉ có bàn tay khéo léo mà còn có cái đầu sáng tạo cùng với sự tinh tế, kiên nhẫn trong từng công trình.

Nhận xét