"Tuyệt phẩm" nhà đá ở miền biên viễn

Người dân ở thôn Khuổi Kỵ, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng có những bí quyết xếp hàng vạn viên đá thành những ngôi nhà kiên cố. Những ngôi nhà đá có thể chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, tránh được thú dữ và chống trộm cướp. Tuổi thọ của chúng có thể kéo dài hàng ngàn năm.

Ba năm dựng một ngôi nhà
Đường từ thác Bản Giốc vào lãnh địa của những ngôi nhà sàn đá chỉ kéo dài khoảng 2km. Thôn Khuổi Kỵ như lạc giữa một chiến lũy được bày binh bố trận bởi những bức tường đá bao bọc các ngôi nhà. Khói bếp bảng lảng bên sườn núi, khiến bản làng trở nên cổ kính, nhuốm màu huyền thoại miền biên viễn.
Chúng tôi bước trên những con đường dải đá lởm chởm, đi ngang qua những bức tường bao kiên cố để vào bản. Ông Nông Văn Phú, Trưởng thôn Khuổi Kỵ dẫn phóng viên đi tham quan những ngôi nhà đá. Ông Phú cho biết, để làm được những ngôi nhà này, người thợ phải rất kỳ công và thực hiện trong một thời gian lâu dài bền bỉ. 
Ngôi nhà được xếp từ hàng vạn viên đá lớn nhỏ khác nhau
Theo ông Phú, dựng nhà là công việc hệ trọng của cả đời người. Công đoạn đầu tiên là chọn đất, người dân nơi đây cẩn thận từ việc chọn mảnh đất lành. Do khí hậu nhiệt đới, độ ẩm cao, nhiều thú dữ, thổ phỉ cướp bóc nên họ thường sống ở những mô đất cao ráo, thoáng đãng, có tầm nhìn bao quát xung quanh.
Khi đã có ý định dựng nhà, người dân đã chuẩn bị nguyên liệu trước đó vài năm. Những cây gỗ tròn, đẹp được bảo quản dưới bùn ao, đầm ruộng để phòng mối mọt. Nguyên liệu quan trọng nhất để dựng nhà đá chính là những viên đá cứng, đẹp. Trước đây, người dân còn dùng mìn để phá đá. Từ khi Nhà nước cấm dùng mìn, người dânå phải dùng tay phá đá để lấy nguyên liệu dựng nhà. Chỉ khi nào xem được ngày dựng nhà, gia chủ mới chính thức nhập ngói âm dương - một loại ngói để dựng những ngôi nhà cổ.
Khuôn hình của ngôi nhà nơi đây được định tính sao cho cân bằng giữa số lượng thành viên trong gia đình. Gia đình nhiều người thì dựng nhà to cao, ít người thì dựng nhà nhỏ. Dù nhà to hay nhỏ thì nền móng vẫn là điểm được coi trọng đầu tiên. Móng càng đào sâu thì ngôi nhà càng vững chắc. Song song với việc xếp nền móng, người ta chôn sâu những chiếc cột được làm bằng gỗ đã qua đẽo gọt. Cùng với sự khai thác gỗ rừng, những cây gỗ to cũng trở nên khan hiếm, thay vào đó, người ta dựng bằng những chiếc cột đá. Khoảng cách đặt mỗi chân cột cách nhau chừng 3m.
Khi đã định vị được ngôi nhà, người thợ sẽ đo, đếm vị trí xếp từng viên đá. Những bức tường kiên cố được xếp từ hàng vạn viên đá lớn nhỏ khác nhau bằng một thứ keo kết dính trộn từ đá vôi và cát. Để đặt được viên gạch vuông vức khi xây không đơn giản chút nào, nhưng việc xếp hàng trăm viên đá với đủ các hình khối, trọng lượng khác còn khó gấp bội. Khó khăn nhất trong việc xếp đá là làm sao để độ dày hai bên của một bức tường phải thật cân đối, vuông vức. Chỉ cần lệch một chút sẽ phải gỡ đi xếp lại từ đầu. Dựng được một bức tường gạch chỉ mất vài ba ngày nhưng để xếp được một bức tường bằng đá thì người thợ phải mất vài tháng.
Theo trưởng thôn Nông Văn Phú, để xếp được những bức tường đã rất khó, nhưng để lên tầng cho ngôi nhà càng khó hơn. Khi xếp đá đến độ cao khoảng 2,5m, người thợ sẽ tính đến chuyện đặt những cây cột dài, thẳng làm kèo. Sau đó người ta xếp những tấm ván hoặc tre để rải làm nền, đồng thời chia cách tầng 1 và tầng 2. Việc lên tầng cho ngôi nhà đá khó khăn ở chỗ, càng lên cao thì việc điều chỉnh độ chính xác càng phải tỷ mẩn hơn. Nếu không đáp ứng được những yêu cầu kỹ thuật thì sẽ khiến nhà đá bị siêu vẹo, dễ đổ. Giai đoạn cuối cùng trong việc dựng một ngôi nhà đá chính là lợp ngói. Những ngôi nhà bằng đá chỉ nên lợp ngói âm dương. Loại ngói này sẽ giữ cho ngôi nhà đá mang tính cổ kính. Nếu tính từ thời gian chuẩn bị nguyên liệu đến khi hoàn thành ngôi nhà phải mất từ 2 - 3 năm.
Nét văn hóa đặc trưng
Nhà đá thường có độ cao khoảng 7 - 8m, chia làm 3 gian để tiện sinh hoạt. Ngày xưa, người dân địa phương thường dùng tầng hầm để nuôi lợn gà... "Bây giờ cuộc sống văn minh, đồng bào đã ý thức được việc này sẽ gây mất vệ sinh, nhiều gia đình đã chọn nơi nhốt gia súc ở một ô đất khác. Tầng 1 bên cạnh chỗ để xe, cất giữ các tư liệu sản xuất như chiếc máy cày, máy bơm, quang gánh, nhà đá là nơi ở vững chắc, không khí thoáng mát, tầng 2 nếu chứa thóc lúa sẽ giữ được vài ba năm mà không lo bị mốc. Mỗi khi cơn bão kéo về, những hộ nào có nhà tranh tre vách nứa, nhà trình tường thì lo bị sụp đổ, còn những người sống trong nhà đá vẫn kê gối ngủ ngon. Ngoài ngôi nhaầ được làm bằng đá thì những tường rào, con đường vòng qua ngõ cũng được xếp bằng đá. Ngoài tính thẩm mỹ thì những con đường đó có tác dụng làm sạch đường làng, ngõ xóm", ông Nông Văn Phú cho biết.
Đa số những người con của quê hương Khuổi Kỵ là dân tộc Tày. Chính vì vậy, những ngôi nhà nơi đây cũng ảnh hưởng văn hóa của dân tộc thiểu số này. Dân tộc Tày thường có tín ngưỡng thờ đá. Họ coi đá là khởi nguồn của sự sống và là trung tâm của vũ trụ. Họ quan niệm rằng, con người sinh ra từ đá và khi chết sẽ hóa thành đá. Việc dựng nhà đá cũng xuất phát từ những quan niệm thiêng liêng. Họ hy vọng các thành viên sống trong nhà đá sẽ có linh tính về mọi việc, tránh được rủi ro.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Văn La, Trưởng phòng văn hóa huyện Trùng Khánh cho hay: "Những ngôi nhà sàn bằng đá ở Khuổi Kỵ là một nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Tày ở Cao Bằng. Nhà sàn đá mang kiến trúc đặc trưng, độc đáo mà không một dân tộc nào khác có được. Khu di tích này đã được tu bổ, sửa chữa từng ngôi nhà, đường đi, tường bao. Nhà văn hóa hai tầng theo kiểu kiến trúc cũng được xây dựng theo đúng kiến trúc đó. Xóm Khuổi Kyạ̊ (xã Đàm Thủy) đã được bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là làng văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người".

Nhận xét