NGÔI NHÀ THỜ TỔ DÁT VÀNG Ở CHÍ LINH-HẢI DƯƠNG

    Bất cứ ai đến đây cũng thực sự choáng ngợp với thứ ánh sáng lấp lánh của vàng ròng hắt ra từ các hoành phi câu đối, cột kèo.
          Về vùng đất cổ Chí Linh (Hải Dương), hỏi ngôi nhà thờ dát vàng, ai cũng biết và kể vanh vách về người dựng ngôi nhà độc đáo có một không hai. Đó là anh Nguyễn Đức Lượng.
           Con đường làng đổ bê tông đẹp đẽ, chạy uốn lượn dưới chân đồi, xuyên qua cánh đồng lúa bát ngát. Ngôi nhà thờ nằm ở cuối xã Tân Dân, dưới chân dãy núi Chí Linh.
           Hàng cau vua cao lừng lững, to cả người ôm, rợp bóng hai bên đường dẫn vào ngôi nhà thờ tổ mà cả huyện biết tiếng.
                        alt
alt                               alt           Phía trong chiếc cổng hoành tráng, to như cổng thành vào cung vua, phủ chúa, có một cái bốt, là nơi bảo vệ ngồi gác, như ở trụ sở doanh nghiệp, cơ quan lớn. Tuy nhiên, chả thấy ai ngồi gác trong cái bốt đó cả. Thế nên, tôi cứ tự nhiên đẩy cửa đi vào. Để đẩy được cánh cửa lim khổng lồ, dày đến 15cm, tôi phải ráng sức bình sinh.
           Bước qua chiếc cổng lớn với bức tường cao chất ngất, cả một không gian như trong cổ tích hiện ra trước mắt. Phải nói rằng, cảm giác như lạc vào cõi tiên, như thể cung vua, phủ chúa, chỉ có trong những bộ phim dã sử hoành tráng của Trung Quốc. Tôi trộm nghĩ, các nhà làm phim Việt Nam mà mượn quần thể kiến trúc này làm bối cảnh dựng phim lịch sử thì không kém phần tráng lệ.                                                     alt
           Ngay trước tòa nhà chính, với mái ngói đỏ chót, là cái hồ bán nguyệt rất rộng, nước xanh ngằn ngặt. Xung quanh hồ bán nguyệt là một vườn cây cảnh. Những gốc sanh, si, đa, đề cằn cỗi, vằn vện bám trên đá minh chứng cho tuổi đời cả trăm năm có lẻ.
           Tôi chơi với giới đại gia chơi cây cảnh ở Việt Nam khá nhiều, cũng được chiêm ngưỡng vô số cây cảnh bạc tỷ, nên tôi có thể khẳng định rằng, dù có tìm đỏ mắt, cũng khó có thể thấy cây nào dưới bạc tỷ trong cái vườn thượng uyển bao quanh cái hồ bán nguyệt này.                                              alt
          Tôi lang thang trong vườn, thì thấy một người đàn bà lớn tuổi đi ra. Bà Nguyễn Thị Sáu, người trông nom, hương khói cho ngôi nhà thờ và cũng là mẹ đẻ của chủ nhân ngôi nhà thờ đặc biệt này.
          Tính bà Sáu thật thà, chất phác. Tôi khen vườn cây toàn cây cảnh đẹp, bà Sáu mắng té tát: “Cha bố nhà nó! Không hiểu nó bỏ cả đống tiền ra để tha cây cối về làm gì. Cháu tính xem, mấy cái cây sanh si gì đó kia, toàn 3-4 tỷ một cây thôi. Chả ra sao cả. Sao dở hơi thế không biết!”                                                         alt
              Nói rồi, bà Sáu dẫn tôi đến phía sườn phải của ngôi nhà thờ và chỉ vào cây tùng cổ thụ trồng trong chậu. Theo bà Sáu, cây tùng này được con trai bà mua về với giá 4,6 tỷ đồng. Hiện con trai bà đang sai người săn tìm thêm cây tùng nữa, bao nhiêu tiền cũng mua, để đặt sườn trái nhà thờ cho cân xứng.
alt
alt                           alt                                alt
             Tâm điểm của toàn bộ không gian rộng lớn là ngôi nhà thờ bằng gỗ, mái ngói đỏ chót. Trên nóc nhà chạm trổ rồng phượng chầu vào 3 chữ lớn “Phúc Trường Minh”, có nghĩa là hạnh phúc tỏa sáng mãi mãi.                                           alt
            Ngôi nhà khổng lồ này có tổng cộng 49 cột gỗ lim già, cột nào cột nấy to đến nỗi 1-2 người ôm mới xuể. Để chứng minh điều này, bà Sáu mở cửa để tôi xuống tầng hầm. Tôi đếm dưới tầng hầm thấy đủ 49 bệ đá. Cứ mỗi bệ đá kê một cột lim vọt từ tầng hầm lên tận mái nhà.
           Giữa mùa hè nóng rát, nhưng tầng hầm ngôi nhà thờ mát rượi như có điều hòa. Những vật dụng cổ kính, đắt tiền, khiến tầng hầm như một căn biệt thự sang trọng dưới lòng đất.
                         alt
         Không chỉ có 49 cột bằng gỗ lim, mà toàn bộ ngôi nhà, từ vì kèo, cửa vách, hoành phi, câu đối, những tiểu tiết nhỏ nhất cũng bằng gỗ lim. Không có bất cứ một thứ gỗ gì khác lạc vào ngôi nhà này và cũng không có sự hiện diện của vôi vữa, xi măng, những vật liệu của thời hiện đại.
         Tôi bước chân vào ngôi nhà gỗ rộng thênh thang, được xây dựng theo lối cổ này. Bà Sáu bật điện lên. Tôi thực sự choáng ngợp với thứ ánh sáng lấp lánh của vàng ròng hắt ra từ các hoành phi câu đối, cột kèo.                                            alt

           Khắp nơi là những liễn đối dát vàng lấp lánh, bằng chữ nho, với nội dung ca ngợi một con người có công với nước, dù đã về bên kia thế giới, song vẫn để lại tiếng thơm lâu bền.
           Những chiếc đỉnh, những hình rồng phượng, hoa lá chim muông trên khắp ngôi nhà, rồi những chiếc đao xếp thành hàng, võng lọng nằm im lìm đều toát ra màu vàng chóe, lấp lánh, cực kỳ thâm nghiêm, trang trọng. Riêng ban thờ tổ rất lớn, vàng dát kín mít, xuống đến tận chân đế.                                           alt
           Giữa gian ngoài cùng, có một lối đi vào hậu cung. Giữa gian hậu cung cực lớn, là một bàn thờ uy nghi vàng rực. Mọi chi tiết trong hậu cung này đều được dát vàng nguyên chất. Chỉ riêng bức tượng đặt trên bàn thờ, là liệt sĩ Nguyễn Minh Độ, chồng của bà Sáu, cha của anh Nguyễn Đức Lượng là được đúc bằng đồng.
alt                          alt                                  alt                                       
           Tôi tham quan, ngắm nghía từng chi tiết dát vàng trong ngôi nhà thờ mất cả tiếng mà không hết. Tôi hỏi bà Sáu rằng, không biết anh Lượng phải tốn bao nhiêu lượng vàng để dát khắp ngôi nhà khổng lồ này, bà Sáu chỉ cười tủm tỉm mà rằng: “Tiền mua vàng thì có đáng bao nhiêu đâu, tiền công dát vàng mới tốn. Mấy chục nghệ nhân dát vàng giỏi nhất phải làm mấy năm trời mới xong mỗi việc dát vàng thôi đấy!”                                             alt                                   Ảnh : Hai mẹ con chủ ngôi nhà thờ to tướng

Nhận xét

  1. Ngày nay với sự phát triển làm ăn trong kinh tế, sự tín ngưỡng và thờ phụng các phật đã được mọi người dân luôn chăm lo và nghĩ tới, nhiều nơi hẻo lánh, nơi thường xảy ra tan nạn, ... được người dân dựng lên những am thờ, miếu với mục đích cầu mong sự bình an che chở của các thần linh am thờ

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét