Vì sao đa đảng,đa nguyên không phù hợp với Việt Nam ( bài đọc tham khảo )



Gần đây, trong những bài viết góp ý cho báo cáo chính trị của Đại hội Đảng lần thứ X đăng trên các trang web trong và ngoài nước, một số người cho rằng Việt Nam nên thực hiện Đổi mới II theo hướng chấp nhận hệ thống đa nguyên về mặt chính trị (bài viết của ông Nguyễn Trung trên VietNamNet, bài viết của TS. Nguyễn Quang A trên talawas). Theo tôi, chọn con đường đa nguyên cho Việt Nam tại thời điểm này là một việc làm phiêu lưu, bởi vì nó tiềm tàng nguy cơ làm cho Việt Nam mất sự ổn định về mặt chính trị - xã hội và bỏ lỡ thời cơ phát triển kinh tế và thực hiện các cải cách dân sinh khác. Vì sao như vậy?


1.

Trước hết tôi cho rằng chúng ta không thể lấy lý thuyết và thực tiễn chính trị của các nước châu Âu (Anh, Pháp, Ý, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy…) hay Mỹ để áp dụng cho Việt Nam, bởi vì các nước đó có hoàn cảnh lịch sử-xã hội khác xa với Việt Nam. Xét về đặc điểm xã hội, đa số các nước châu Âu đều không phải là các nước đa dân tộc, đa văn hoá, đa tôn giáo, vì vậy các mâu thuẫn xã hội ít phức tạp; xét về mặt lịch sử, hệ thống chính trị đa nguyên ở các nước đó đã xuất hiện cách đây hàng trăm năm và đã trải qua những thời kỳ sóng gió để đạt được trình độ như ngày nay. Với Mỹ, mặc dù là một nước đa dân tộc đa văn hoá nhưng trong đó người da trắng gốc Âu vẫn chiếm đa số (khoảng 75%), Thiên Chúa giáo vẫn là tôn giáo chính (85%), và nước Mỹ cũng đã trải qua hàng trăm năm để phát triển và hoàn thiện hệ thống chính trị lưỡng đảng của mình.

Chúng ta cũng không thể bắt chước máy móc con đường của các nước Đông Âu (Ba Lan, Hungari, Tiệp, Nga…) để áp dụng cho Việt Nam, bởi vì mặc dù các nước trên đã một thời là xã hội chủ nghĩa như Việt Nam, nhưng đặc điểm xã hội, lịch sử và trình độ phát triển của các nước đó cũng khác xa với Việt Nam. Về mặt xã hội, các nước này cũng không phải là các nước đa dân tộc, đa tôn giáo, và không có các mâu thuẫn gay gắt do lịch sử để lại như Việt Nam (tại thời điểm những năm 90, phần lớn công dân của các nước này là các thế hệ sinh sau chiến tranh), trình độ kinh tế, trình độ dân trí của các nước đó tại thời điểm những năm 90 của thế kỷ XX cũng phát triển cao hơn Việt Nam hiện nay. Hơn nữa, thay vì thay đổi hoàn toàn, nếu các nước trên duy trì được hệ thống cũ (với những cải biến nhất định) để đảm bảo sự ổn định về mặt chính trị đồng thời với việc mở cửa về mặt kinh tế-xã hội thì rất có thể các thành tựu mà họ đạt được còn lớn hơn nhiều và tránh được những cái giá mà nhiều nước đã gánh chịu trong 15 năm qua (chia rẽ, nội chiến, gia tăng sự bất bình đẳng).

Chúng ta cũng không thể lấy kinh nghiệm của Cămpuchia vì sản phẩm đa nguyên của Cămpuchia ra đời do những nguyên nhân lịch sử nhất định: tại thời điểm 1990, ở Cămpuchia có 2 lực lượng chính trị đối kháng kịch liệt (Đảng Nhân dân Cách mạng Cămpuchia có Việt Nam trợ lực, Liên minh Khmer đỏ + Sihanouk + Son Sann do Mỹ & Trung Quốc trợ giúp) và sự ra đời chế độ đa nguyên hiện nay là một thoả hiệp chính trị có lý do lịch sử. Hơn nữa, mặc dù là đa nguyên chính trị nhưng tình hình chính trị, kinh tế, xã hội hiện tại của Cămpuchia không hơn gì Việt Nam, thậm chí thua kém về nhiều mặt (kém ổn định hơn về chính trị, tăng trưởng kinh tế thấp (trong 2 năm 2004-05, chỉ tăng trưởng 3,5-4%), tệ nạn tham nhũng cũng khủng khiếp…). Hơn nữa, dù sao Cămpuchia cũng là một nước nhỏ (10 triệu dân), không phức tạp về mặt dân tộc (gần 100% là người Khmer), tôn giáo (gần 100% là đạo Phật) và xã hội (tất cả đều thừa nhận quyền lực của nhà vua).

Chúng ta có thể lấy kinh nghiệm của Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia… nhưng nên lưu ý là các nước đó có đặc điểm dân tộc, xã hội, lịch sử khác Việt Nam khá nhiều: ngoại trừ Malaysia, các nước còn lại đều có một dân tộc đa số và một tôn giáo gần như tuyệt đối. Hơn nữa, thời kỳ phát triển nhất của của các nước đó trong thế kỷ XX lại gắn liền với giai đoạn gần như độc quyền về mặt chính trị của một nhà độc tài hoặc một đảng độc quyền, chứ không phải là đa nguyên về mặt chính trị. Vấn đề này đã được nhiều nhà nghiên cứu đề cập, nên tôi xin phép không đi sâu.


2.

Chúng ta hãy lấy thực tiễn và kinh nghiệm đa nguyên của các nước có hoàn cảnh xã hội, lịch sử… tương tự như Việt Nam để phân tích, so sánh và rút ra kết luận cần thiết là có nên lựa chọn con đường đa nguyên chính trị Việt Nam ở thời điểm hiện nay hay không? Đó là những nước nào? Theo tôi, đó là Philippin, Indonesia, Myanmar, Thái Lan (ở Đông Nam Á), Pakistan, Bangladesh, Sri Lanca (ở Nam Á), Peru, Bolivia (Nam Mỹ). Xét về mặt xã hội, lịch sử, địa lý các nước này có những đặc điểm tương tự với Việt Nam như sau:

* Về mặt xã hội, đây đều là những nước khá đông dân (hầu hết trên 50 triệu người), đa dân tộc, đa tôn giáo và có các mâu thuẫn xã hội (dân tộc, tôn giáo, giai cấp) rất phức tạp do lịch sử để lại… mặc dù biểu hiện ở mỗi nước có những sự khác biệt nhất định.
* Về mặt lịch sử đây đều là những nước thuộc địa cũ của phương Tây, mới giành được độc lập từ năm 1945 trở lại đây, và xuất phát điểm khi giành được độc lập đều là những nước rất nghèo.
* Về mặt địa lý: đây đều là các nước có diện tích nhỏ nhưng địa hình phức tạp, không thuận tiện về mặt giao thông và dễ dàng bị chia cắt (Philippin và Indonesia có nhiều đảo, Pakistan nhiều đồi núi, địa hình hiểm trở; Việt Nam dài nhưng hẹp, có nhiều đồi núi; Bangladesh thì quá trũng, thường xuyên bị úng lụt).

Tuy nhiên, khác với Việt Nam, sau khi giành được độc lập, các nước trên không trải qua các cuộc chiến tranh khốc liệt, kéo dài, và đặc biệt là không đi theo con đường xã hội chủ nghĩa mà đều xây dựng nhà nước theo chế độ cộng hoà với hiến pháp dân chủ (tam quyền phân lập) và đa nguyên về mặt chính trị (đa đảng), không có nước nào xây dựng hiến pháp theo chế độ cộng sản, độc tài hay quân chủ. Sự xuất hiện các nhà độc tài hay các chính quyền quân sự lâm thời ở các nước này trong một giai đoạn lịch sử nào đó thực ra chỉ là hệ quả của sự tranh giành quyền lực giữa các lực lượng đối lập trong hệ thống đa nguyên ở những thời điểm khủng khoảng về chính trị và bất ổn về xã hội (sẽ phân tích ở sau). Vậy chúng ta xem các nước đó đã phát triển như thế nào?

Ở Đông Nam Á, Philippin và Indonesia giành được độc lập gần như đồng thời với Việt Nam (Indonesia 1945, Philipin 1946), và từ đó đến nay gần như không có chiến tranh với nước ngoài. Như vậy họ đã giành đuợc độc lập 60 năm nay, cũng đi theo quỹ đạo của Mỹ và phương Tây từ đó, và cũng xây dựng hệ thống chính trị theo mô hình đa nguyên từ đó (mặc dù có những giai đoạn do hệ quả của hệ thống đa nguyên chính trị đã xuất hiện các nhà độc tài và chính quyền quân sự), nhưng cho đến nay về kinh tế xã hội họ không hơn Việt Nam là bao nhiêu thậm chí nhiều mặt còn sút kém. Về kinh tế, theo thống kê hiện nay (CIA World FactBook 2005), GDP/người theo sức mua của Indonesia (3700 USD) chỉ hơn Việt Nam (3000 USD) 1,2 lần, còn Philippin (5100 USD) hơn Việt Nam 1,7 lần, trong khi đó thì vào năm 1990 thì tỷ lệ này là 2 lần (với Indonesia) và ba lần (với Philippin). Còn nếu tính theo HDI - chỉ số phát triển con người nói chung (cả về kinh tế, văn hoá, sức khỏe…) thì năm 2005 Việt nam (với 0.704 ở vị trí 108/177 nước), mặc dù còn dưới Philippin (0.697, 87/177) nhưng trên Indonesia (0.758, 110/177). Điều đáng chú ý là mức độ tăng trưởng về GPP và chỉ số HDI của Indonesia và Philippin chậm lại kể từ khi các nước này dấn sâu hơn vào con đường đa nguyên về mặt chính trị. Theo tốc độ tăng trưởng hiện nay chỉ 2 năm nữa, Việt Nam sẽ qua mặt Indonesia và trong 5-7 năm tới sẽ vượt qua Philippin, các nước đi trước và là thành viên WTO trước Việt Nam nhiều thập kỷ. Điều đáng lưu ý là do chọn con đường đa nguyên về mặt chính trị mà trong quá khứ cũng như hiện tại Philippin và Indonesia thường xuyên phải đối mặt với các vụ khủng khoảng chính trị và rối loạn xã hội do đảo chính, bạo lực (khủng bố) và chia rẽ (Indonesia đa mất Đông Timor, vùng Acer cũng đang đòi tách…), và đó là lý do chính làm cho các nước này chậm phát triển về mặt kinh tế và xã hội. Và mặc dù đa nguyên về chính trị, Philippin và Indonesia cũng được liệt vào các nước tham nhũng nhất trên thế giới (Philippin hơn Việt Nam một bậc, còn Indonesia còn tệ hơn Việt Nam – PERC 2006). Còn với Thái Lan, mặc dù hiện nay có GDP cao hơn Việt Nam khoảng 3 lần, nhưng nếu tính cả chặng đường phát triển hàng thế kỷ không bị chiến tranh (thậm chí được hưởng lợi từ chiến tranh) thì đó cũng chưa phải là một thành tựu. Hơn nữa hệ thống chính trị của Thái Lan hiện nay cũng đang đối mặt với hàng loạt các vấn đề tương tự như Philippin và Indonesia (các vụ gây rối, khủng bố ở các tỉnh phía Nam Thái Lan hiện nay là một ví dụ).

Ở Nam Á, các nước như Pakistan, Bangladesh, Sri Lanca cũng giành được độc lập hơn trên dưới 50 năm nay và cũng lựa chọn con đường đa nguyên (mặc dù đôi khi do sự rối loạn của hệ thống chính trị đa nguyên mà các chính quyền quân sự độc tài xuất hiện) nhưng lại là những nước chậm phát triển nhất và thường xuyên bất ổn về mặt chính trị vì biểu tình, bạo lực, khủng bố, thậm chí nội chiến (như ở Sri Lanca). Năm 1990, Pakistan có GDP/người là 409 USD (tính theo giá trị hối đoái) gần gấp đôi Việt Nam (215), Bangladesh thì xấp xỉ Việt Nam (khoảng 200 USD) nhưng đến năm 2005, GDP/người của Pakistan tụt xuống chỉ còn 2400 USD (tính theo sức mua), bằng 0,8 của Việt Nam (3000 USD), còn Bangladesh thì chỉ mới đạt 2100 USD (bằng 0,7 của Việt Nam), mặc dù hai nước này được Mỹ và phương Tây thường xuyên khen là dân chủ và cũng thường nhận được những khoản viện trợ lớn, có nhiều ưu đãi trong thương mại (đều là thành viên WTO). Xét theo chỉ số HDI, tức là sự phát triển về con người, các nước này đều thấp hơn Việt Nam rất nhiều: Pakistan xếp thứ 135/177 nước (chỉ số 0.527), Bangladesh xếp thứ 139/177 nước (0.520) so với Việt Nam là 108/177 (0.704). Xin nhắc lại chỉ số này bao gồm không chỉ về kinh tế mà cả sức khỏe (tuổi thọ), giáo dục (tỷ lệ biết chữ), y tế (số giường bệnh và bác sỹ), và các dịch vụ xã hội khác (xem Report của UNDP năm 2005 và các năm trước). Như vậy, mặc dù là các nước lựa chọn con đường đa nguyên trước Việt Nam hàng mấy chục năm, không hề bị chiến tranh, lại được sự trợ lực của Mỹ và nhiều nước phương Tây nhưng Pakistan và Bangladesh… vẫn không phải là các nước phát triển. Tình hình cũng như vậy với Sri Lanca và gần đây là Iraq.

Ở Nam Mỹ, các nước như Bolivia, Peru… mặc dù diện tích và dân số nhỏ hơn Việt Nam nhiều, vốn là sân sau của Mỹ, cũng lựa chọn con đường đa nguyên mấy chục năm nay nhưng các cải cách xã hội thường diễn ra chậm chạp vì thường xuyên bất ổn vì hệ thống chính trị.


3.

Những ví dụ trên đây cho thấy, các nước có hoàn cảnh tương tự như Việt Nam (dân số đông, đa dân tộc, đa tôn giáo, cơ cấu xã hội phức tạp, các mâu thuẫn do lịch sử để lại còn căng thẳng) lựa chọn con đường đa nguyên về chính trị chỉ làm cho tình hình chính trị xã hội thêm phức tạp và vì vậy không có điều kiện để tập trung sức lực và trí tuệ phát triển kinh tế và thực hiện các cải cách dân sinh khác. Có thể phản bác lại ý kiến này rằng thực ra các nước như Philippin, Indonesia, Thái Lan, Pakistan… trước đây chưa phải là các nước đa nguyên về mặt chính trị, chưa phải là các nước dân chủ. Bằng chứng là ở các nước đó đã tồn tại các chế độ độc tài (như Marcos của Philippin, Suharto của Indonesia) hoặc các chính quyền quân sự (như các chính quyền quân sự ở Nam Việt Nam, Thái Lan, Pakistan trước đây hay ở Myanmar hiện nay)? Tuy nhiên, cần phải phân biệt bản chất hệ thống chính trị của một nước (thể hiện qua hiến pháp và các luật cơ bản) với thực tiễn sân khấu chính trị của nước ấy. Ở các nước trên, hiến pháp và hệ thống chính trị được xây dựng theo các nguyên tắc dân chủ (đa nguyên, tam quyền phân lập) ngay từ khi giành đựoc độc lập, nhưng trong thực tế do các mâu thuẫn xã hội phức tạp và sự can thiệp của nhiều thế lực khác (cả bên trong và bên ngoài), nên các cuộc tranh giành quyền lực giữa các đảng phái chính trị rất căng thẳng và trong cuộc tranh giành quyền lực đó các nguyên tắc dân chủ thường bị vi phạm (như gian lận bầu cử họăc tố cáo nhau gian lận bầu cử, không chấp nhận thất bại, dùng các biện pháp cực đoan để gây sức ép về chính trị, tiến hành đảo chính)… Và một khi sự tranh giành quyền lực giữa các đảng phái dẫn đến sự hỗn loạn về mặt chính trị-xã hội thì dễ dàng tạo cơ hội cho sự xuất hiện các nhà độc tài hay các chính quyền quân sự. Như vậy thực ra, các nhà độc tài và chính quyền quân sự cũng là sản phẩm bất đắc dĩ nhưng tất yếu của chế độ chính trị đa nguyên, khi nó gặp những điều kiện xã hội, dân tộc, tôn giáo phức tạp. Đó là thực tế sân khấu chính trị của các nước như Philippin, Indonesia, Thái Lan, Pakistan, Myanmar… (và cả ở các nước khác ngoài châu Á, như Chi Lê, Venezuela, Peru, Bolivia v.v…) mấy chục năm vừa qua và đến nay khả năng khủng khoảng như vậy vẫn tiềm ẩn ở các nước trên (vụ đảo chính vừa xảy ra ở Philippin là một ví dụ). Và cái chu trình dân chủ > (hỗn loạn) > độc tài (quân sự) > dân chủ >… cứ lặp đi lặp lại… và để đạt đến một trình độ dân chủ kiểu như hiện nay, các nước đó đã mất vài chục năm. Như vậy, nếu Việt Nam lựa chọn con đường đa nguyên ở thời điểm hiện nay thì lấy gì để đảm bảo Việt Nam không lặp lại con đường “dân chủ” mà các nước đó đã đi qua và phải mất mấy chục năm nữa Việt Nam mới có được một chế độ dân chủ kiểu như Thái Lan và để có nó Việt Nam phải trả giá bằng sự bất ổn về mặt xã hội và chậm phát triển về mặt kinh tế - xã hội do không ổn định về mặt chính trị như thế nào?

Trong khi đó, trong 20 năm qua Việt Nam và Trung Quốc mặc dù chỉ có một đảng lãnh đạo nhưng đã tạo ra những thay đổi vượt bậc về kinh tế và xã hội, điều mà không một nước nào có hoàn cảnh lịch sử- xã hội tương tự nhưng có hệ thống chính trị đa nguyên làm được trong cùng giai đoạn vừa qua (từ năm 1986 đến nay Việt Nam tăng trưởng ở mức trên 7%, Trung Quốc trên 9%; Việt Nam có chỉ số HDI duới 120 những năm đầu 90 lên vị trí 108 hiện nay, Trung Quốc từ vị trí dưới 100 lên vị trí 85). Vậy thì tại sao chúng ta lại tự nhiên từ bỏ con đường đang thuận lợi đó để lựa chọn một con đường khác mà thực tế nhiều nước có hoàn cảnh tương tự đã cho thấy không phải là sáng sủa. Tất nhiên với những bất cập của hệ thống chính trị một đảng (bất cứ hệ thống nào cũng có những bất cập của nó) vẫn còn nhiều việc phải làm để cho hệ thống vận hành tốt nhưng không phải là thêm một lần thử nghiệm nữa.


4.

Cuối cùng tôi đề nghị các vị chủ trương đa nguyên thử hình dung về viễn cảnh của một Việt Nam đa nguyên sẽ như thế nào? Theo sự hình dung của tôi thì, một khi hệ thống chính trị đa nguyên đa đảng được áp dụng, ít nhất có các đảng phái và các tổ chức chính trị sau đây sẽ ra đời ở Việt Nam:

* Đảng Cộng sản: chủ trương con đường xây dựng xã hội như hiện nay.
* Các đảng phái theo hướng dân chủ xã hội: áp dụng các mô hình Tây Âu và Bắc Âu.
* Các đảng phái theo khuynh hướng dân tộc như Quốc Dân đảng: có thể áp dụng các mô hình cổ điển của Đài Loan, Hàn Quốc (độc tài trong đa nguyên).
* Các đảng phái có khuynh hướng “quốc gia”, chủ trương khôi phục chế độ Việt Nam Cộng Hòa, nhưng với nhiều quan điểm khác nhau (đảng thì ủng hộ chế độ Ngô Đình Diệm, đảng thì ủng hộ chế độ Nguyễn Văn Thiệu), thậm chí chủ trương xây dựng một quốc gia không cộng sản.
* Các đảng phái có khuynh hướng tôn giáo (Thiên Chúa giáo, Phật giáo, Hòa Hảo) chủ trương tôn giáo tự trị, thậm chí là các vùng tự trị tôn giáo.
* Các đảng phái của các tộc người thiểu số chủ trương tự trị hoặc độc lập hoàn toàn cho các vùng Tây Nguyên, Tây Bắc, Việt Bắc (thậm chí có khi còn chủ trương sát nhập một phần Việt Nam vào nước ngoài).
* Các đảng phái có khuynh hướng địa phương chủ nghĩa, chủ trương phân chia Bắc, Trung, Nam… thậm chí tách các vùng này thành các quốc gia độc lập, v.v…

Trong các đảng phái, các tổ chức chính trị trên đây, chắc chắn sẽ có các đảng phái, các tổ chức chính trị có chủ trương, đường lối trái với lợi ích quốc gia, chính quyền dân chủ sẽ xử lý như thế nào? Nhà nước có thể cấm họ tổ chức, tuyên truyền và hoạt động, nhưng như vậy sẽ vi phạm các quy tắc của trò chơi dân chủ (quyền lập hội, quyền tự do ngôn luận, quyền không bị phân biệt đối xử vì chính kiến), và sẽ đẩy họ vào con đường đấu tranh phi pháp. Vậy thì chấp nhận luật chơi dân chủ, cứ để họ tổ chức đảng phái, tuyên truyền và tham gia bầu cử để cạnh tranh, nếu thu trên 5% sẽ được vào Quốc hội còn dưới 5% thì ở ngoài để tiếp tục tranh đấu một cách hòa bình? Xin thưa lý thuyết là như vậy, nhưng thực tế thì lại khác. Lịch sử quá khứ và tình hình hiện tại ở Philippin, Indonesia, Sri Lanca, Iraq, Pakistan, Thái Lan, Peru, Bolivia, Nam Tư và hàng loạt các nước khác cho thấy khi mà dân trí thấp, khi mà các mâu thuẫn về lịch sử, xã hội, tôn giáo và dân tộc phức tạp, khi mà các nhóm thiểu số đặt lợi ích cục bộ lên trên lợi ích quốc gia, khi mà các thế lực bên ngoài tìm mọi cách can thiệp chia rẽ để trục lợi, có không ít đảng phái lựa chọn các hình thức khác nhau (hợp pháp và phi pháp, bất bạo động và bạo động) để tạo ra sự hỗn lọan, gây sức ép nhằm thực hiện mục tiêu chính trị của mình. Và lấy cái gì để đảm bảo điều đó không lặp lại ở Việt Nam? Và một khi hàng loạt các cuộc biểu tình, bạo động, khủng bố đòi tự trị, đòi độc lập, đòi ly khai nổ ra khắp nơi, chính quyền phải xắn tay áo lên để đối phó, thậm chí phải dùng bạo lực để dẹp loạn…, và các thế lực bên ngoài được dịp nhảy vào dưới cái mác dân chủ và nhân quyền để can thiệp và hưởng lợi. Lúc đó, chắc chắn xã hội Việt Nam sẽ bị chìm ngập vào các cuộc tranh cãi triền miên về chính trị, các hoạt động tranh giành quyền lực bằng bạo lực và phi bạo lực, thậm chí là nội chiến, ly khai; và thế là các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rút chạy, khách du lịch sẽ không dám đặt chân đến, và tất nhiên các cải cách kinh tế, xã hội và dân sinh sẽ bị đình đốn. Điều đó cũng có nghĩa là sự nghiệp đổi mới mà chúng ta đang tiến hành sẽ thất bại và giấc mơ hiện đại hoá đất nước sẽ tan thành mây khói.


(Trường Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc)

Nhận xét