Kiến trúc làng Việt Nam


Nền văn hoá Việt Nam được tạo dựng trên cơ sở của nền văn minh nông nghiệp. Cuộc sống của người Việt Nam gắn bó với làng quán quê hương. Hình ảnh làng quê Việt Nam có luỹ tre xanh, có mái nhà tranh, có người cày cấy đã trở nên rất thân thuộc trong tâm hồn người Việt Nam.

Từ rất xa xưa, người nông dân Việt Nam xem làm nhà là một trong 3 việc lớn của cuộc đời: Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà và có an cư mới lạc nghiệp, điều đó có nghĩa là chỗ ở có ổn định mới lo được sự nghiệp. Quan niệm ấy đến nay vẫn tồn tại, vì vậy, khi trưởng thành ai ai cũng lo cho mình một chỗ ở, một cơ ngơi riêng. Ðã bao đời nay kiến trúc ở nông thôn Việt Nam luôn đồng nghĩa với nét văn hoá làng, xã.
Lật lại những trang sử của ngành kiến trúc Việt Nam, người ta thấy rằng kiến trúc Việt Nam ra đời rất sớm, có thể đã xuất hiện từ thời vua Hùng dựng nước, cách nay khoảng 4000 năm. Làng xóm cũng xuất hiện vào thời kỳ này. Người Việt cổ lúc bấy giờ đã biết bắc gỗ làm nhà để tránh hổ sói. Trên các trống đồng có thể thấy 2 loại hình nhà sàn chủ yếu là nhà sàn hình thuyền và hình mai rùa.
Theo các nhà kiến trúc cho rằng làng xã Việt Nam có tính quần thể cao, có kiểu kiến trúc đơn giản nhẹ nhàng phù hợp với khí hậu và tập quán của người Việt Nam. Làng luôn được bao quanh bằng những luỹ tre xanh, sau luỹ tre xanh đó là những mái nhà tranh ấm cúng, cưu mang che chở cho con người. Hầu hết các nhà nông thôn điển hình đều xây dựng theo kiểu có dãy nhà trên và dãy nhà ngang thường là ba gian hai chái. Có sân trước, vườn sau dàn hoa cây cảnh. Bao quanh nhà là hàng rào cúc tần, hay hàng hoa dâm bụt. Có gia đình mà chủ nhà là người nho nhã thích cuộc sống thanh tao thì họ chau chuốt hàng rào cây xanh rất cẩn thận. Ngày ngày cắt tỉa, chăm sóc như một thú vui nhằm trang trí thêm cho phần ngoài ngôi nhà ấm cúng, lịch lãm. Trước đây, khi cuộc sống của người nông dân còn khó khăn, gia đình nào xây sân, bó hè bằng gạch Bát Tràng, trồng bên nhà một gốc mít chĩu quả – được coi là một gia đình nông thôn giàu có. Ngôi nhà của gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh đang được bảo tồn gìn giữ tại làng Kim Liên, huyện Nam Ðàn, tỉnh Nghệ An, vẫn giữ nguyên nét kiến trúc điển hình của một ngôi nhà nông thôn Việt Nam như thế. Xưa hầu hết các nhà đều được làm bằng tranh tre nứa lá, gỗ. Nay, trong thời đại có tốc độ đô thị hoá nhanh, thì nhiều làng quê Việt Nam đã biến đổi có những dãy phố trong làng; phong cách xây dựng cũng theo kiến trúc đô thị mới.
Nhà ở của người nông dân Việt Nam ở các vùng khác nhau cũng có những nét đặc trưng khác nhau. Nếu ai có dịp đi dọc chiều dài đất nước, hẳn sẽ rất thú vị khi thấy rằng nhà cửa làng mạc ở Việt Nam tuy bình dị, dân dã nhưng không vùng nào giống vùng nào. Ðiều đó xuất phát từ điều kiện và hoàn cảnh sống của từng vùng, phản ánh cả tâm tính của con người của vùng đó.
Nam Bộ ít có bão tố, lại nhiều kênh rạch, con người phải dồn sức vào chăm chút ghe xuồng và vườn tược, nhà cửa rất đơn sơ. Mấy cây que làm cột, làm kèo, một ít lá dừa nước vừa lợp mái vừa thưng vách.
Lên Tây Nguyên, nắng lửa, mưa ngàn, mái nhà được làm theo kiểu nhọn vút, kèo cột vững chãi, hoa văn và tượng gỗ trang trí cho nhà của người sống và nhà mồ của người chết.
Vùng miền Trung Việt Nam cát trắng, đất sỏi, gió Lào, mưa nhiều, bão lắm nên mái nhà thấp. Mái lợp dày, cột lớn. Chân cột kê đá tảng, mộng mạng chắc chắn như đúc, nhà có thể khiêng đi nơi khác mà không hư hỏng.
Ðồng bằng Bắc Bộ là vùng đất cổ, làng cổ. Nhà cửa ý thức được truyền thống cha truyền con nối rất rõ. Nhà ngói, sân gạch, cây mít, tường vôi là một công thức để con người đủ yên tâm cho đời mình và cho con cháu đời sau.
Lên Tây Bắc, Việt Bắc xa biển gần rừng, sẵn mưa nhưng ít bão nên nhà sàn cao, mái doãng, lợp ngói máng (thứ ngói xếp tiếp vào nhau không cần ràng buộc). Hoặc lợp bằng những mảng gỗ pơ mu, gỗ hoàng la chẻ mỏng. Hầu như nhà nào cũng có một hàng rào nứa vót nhọn cao vây quanh để chống thú dữ.
Ở Huế, ngoài thành quách, thì nhà cửa có một nét rất đặc trưng mang tính cách Huế – đó là nhà vườn. Kiến trúc nhà vườn Huế độc đáo đã làm phong phú thêm cho bức tranh kiến trúc Việt Nam.

Nhận xét