ĐẶNG NGỌC KHOA
Cách nay 2 năm, cụ bà Y Góa tròn 100 tuổi, làng Vichring thuộc xã Hiếu huyện Kon Plong tỉnh Kon Tum, mở tiệc mừng đại thọ. Rượu ghè uống hoài mấy ngày đêm không hết. Nam nữ Mơ Nâm hát đối, hát lý giao duyên trong tiếng khèn, tiếng chiêng. Khuôn mặt già làng A Vang đỏ bừng, liên tục hô hú: "Violak! Violak! Chưa say chưa về!".
Cụ bà Y Góa rắn như cây gỗ lim, vận tấm choàng mới nhất, quanh cổ lấp lánh những hạt cườm mã não, hiền hậu cười. Mái tóc bà lốm đốm tàn tro của ngọn lửa dẫn truyền từ thuở tổ tông. Đã trăm năm lửa Mơ Nâm cười reo tở mở, sẻ chia ấm áp cho đồng bào trong những ngôi nhà sàn tít tận đỉnh Trường Sơn Đông, cao 1.360m. Lửa đỏ từ khi Y Góa còn bé xíu, năm nay cụ bà bước sang tuổi 103, lửa vẫn đỏ không thôi.
Chị Y On, sinh năm 1975, cháu ruột của bà, hiện là phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hiếu, cho biết: Bà Y Góa sinh năm 1907, tuổi tính theo mùa rẫy, mỗi năm chỉ một mùa, không sai. Bà bị điếc bẩm sinh, không ai cưới, ở vậy đến giờ. Mỗi tháng bà hưởng chế độ người già neo đơn, 120.000đ. Bà có 1 anh trai và 1 em gái. Anh trai Y Gỉu, đi bộ đội, hy sinh trong chống Mỹ. "Lâu quá rồi, mình không nhớ năm sinh, năm chết. Chia của cải, chôn xong là hết",Y On nói. Cô em gái Y Dinh, sinh năm 1923, là mẹ của Y On. Chồng Y Dinh là già làng A Vang, đã 78 tuổi. Y Dinh thương chị, cho bà đứa con trai. Hiện bà sống với người con này, anh đã gần 70 tuổi, có bếp riêng trong nhà sàn. Bà Y Góa có 6 cháu, 8 chắt nội ngoại.
Bí quyết sống lâu của bà Y Góa? Theo Y On, ở đây, chỉ khi đau nặng bà con mới đi trạm xá, còn lại toàn dùng cây thuốc trong rừng. Ăn uống thế nào? "Mỗi ngày người Mơ Nâm chỉ ăn hai bữa bằng gạo bọc thép, trồng trong 4 tháng. Gạo màu đỏ, dẽo thơm, nấu trong nồi cao, sôi cả tiếng. Thức ăn chủ yếu là mắm dố, làm bằng thịt trâu, thịt heo, cá tươi ướp muối, vị chua chua... Có nhà bỏ thêm một số loại rau là cây thuốc. Đồng bào luôn uống nước tự chảy, nước suối... nay có thêm nguồn nước giếng. Mùa khô, nước cạn, mình xuống làng Đak Liêu chở nước khe về dùng, mát lạnh. ..." Có đường 24 rồi, xe hàng lên hàng ngày, bà con có mua thêm thực phẩm? Y On cười:"Bà con không có tiền, nhà nào có tiền mới mua nước mắm, muối, bột ngọt. Mình chỉ ăn cá tươi bắt dưới khe, dưới suối, ăn rau chỗ nước chảy như rau cúc áo, rau dớn, dáp cá, rau cần ruộng, cần suối... ".
Hơn một lần tôi theo A Lanh, trưởng công an xã, đến thăm bà. Cuối cuộc chuyện trò, mới nghe bà thốt lên "mơ nế!", tức cảm ơn. Theo A Lanh, người Mơ Nâm ít nói bằng lời mà bằng mắt. Người Kinh nói nhiều, bà con... sợ. Riêng bà Y Góa chẳng giận hờn ai, suốt ngày ngồi giữ lửa cho con cháu đi làm. "Bà khỏe lắm, mấy hôm nắng, ấm, bà một mình xuống suối Đak K'nach bắt cá mại, cá nang nóc về nấu canh. Bàn tay bà có con mắt, mình bắt theo không kịp đâu!" A Lanh nói. Bà không chỉ khỏe mà nhanh như sóc. Khi tôi bước qua ngách cửa nhà sàn, chầm chậm tụt xuống đất, chưa kịp chào, thoắt cái, bà Y Góa nhảy xuống đứng cạnh bên, cầm tay tôi lắc lắc "mơ nế" rồi tặng tôi cái giỏ bắt cá tí hon, đen bóng.
Bà Y Góa đã sống qua hai thế kỷ với biết bao ký ức về dân tộc mình. Chiến tranh, dịch bệnh, đổi dời nhưng bà luôn tươi mới, hồng hào như ngọn lửa Mơ Nâm. Những biến thiên không dập được mầm ngọn lửa trong ngôi nhà sàn cũ kỹ. Lửa vùi trong tro, chỉ chút hơi người là bén ngọn. Chính đôi tay Y Góa đã giữ ngọn lửa ấy suốt 100 năm. Y On kể: "Hồi từ làng Đak Xô dời đến làng Vichring, trong chiếc gùi của bà có chiếc nồi đồng 5 quai ủ than còn nóng. Ngôi nhà sàn bà và con trai đang ở, làm đi làm lại mấy lần nhưng vẫn giữ nguyên bếp lửa".
Lửa là bà. Y Góa là hiện thân của lửa. Giờ đây, dù đã xa mấy trăm cây số, trong tôi vẫn hiển hiện dáng bà bình yên thổi lửa tại điểm cao 1.360m. Lửa cười, bà cười mặc ngoài trời giá rét căm căm...
Nhận xét
Đăng nhận xét