CÔNG LỢI (HỌC THUYẾT) UTILITARIANISM

CÔNG LỢI (HỌC THUYẾT)
UTILITARIANISM
Claude JESSUA
Giáo sư danh dự Đại học Panthéon-Assas (Paris 2)

Thuật ngữ này chỉ một trào lưu tư tưởng ra đời ở Anh vào thế kỉ XVIII, theo sáng kiến của Jeremy Bentham; trào lưu này đã thống trị tư tưởng kinh tế, triết học đạo đức, chính trị và luật pháp cũng như xã hội học ở Anh trong thế kỉ XIX và có những bước tiếp nối quan trọng đến tận thế kỉ XX. Ba nhân vật đã đặc biệt để lại ấn tượng trong lịch sử của trào lưu này: Jeremy Bentham (1748-1832), James Mill (1773-1836) và John Stuart Mill (1806-1873).
Jamery Bentham phát triển trong nhiều tác phẩm một học thuyết mà tinh tuý kết tinh trong những mệnh đề sau: a) Một hành động là đạo đức nếu đề nghị lấy phúc lợi cá thể làm cứu cánh. b) Không có cá nhân nào là quan trọng hơn một cá nhân khác; do đó mỗi cá nhân chỉ được tính như một đơn vị. c) Mục đích của hành động tập thể là làm cực đại lợi ích của cộng đồng hay, theo cách nói của ông, “tìm kiếm hạnh phúc lớn nhất cho số đông”. Một học thuyết như thế do đó có những hệ quả không chỉ kinh tế: tầm với của nó lan tới lĩnh vực đạo đức học, pháp lí và triết học chính trị. Điều này giải thích là trào lưu tư tưởng này trong thế kỉ XIX ở Anh có tên gọi đầy tham vọng là triệt để luận triết học. Phần trình bày dưới đây chỉ đề cập đến trường ứng dụng kinh tế của học thuyết này.
Những hệ quả đối với kinh tế học quả thực là quan trọng. Những hệ quả này bao gồm một suy tưởng về hành vi của các tác nhân và mặt khác kéo theo những hệ quả trên những tiêu chí lựa chọn và mục đích của những biện pháp hành động về chính sách kinh tế. 
Thật thế, một giả thiết được suy ra từ những tiên đề của học thuyết. Đó là con người chủ yếu là những sinh vật quan tâm đến việc tìm kiếm những niềm vui (hạnh phúc) và né tránh những nỗi nhọc nhằn. Đó chính là felicific calculus, tức phép tính những niềm vui và những nỗi nhọc nhằn cho phép con người ứng xử một cách duy lí, có tính đến những cứu cánh mà họ theo đuổi. Niềm vui, hay lợi ích, như thế được xem là lượng hoá được, và có khả năng được biểu hiện bằng một bản số. Những lợi ích cá thể được xem là có tính cộng, điều này cho phép gán một nội dung thực chứng cho những thành ngữ như “hạnh phúc lớn nhất cho số đông”.
Những hệ quả trên những quan niệm mà ta có thể có về những chính sách kinh tế xuất phát từ những quan điểm trên. Nếu ta có thể cộng những lợi ích cá thể với nhau thì lợi chung không gì khác hơn là tổng của những lợi ích riêng lẻ. Trong những điều kiện này cách khôn khéo nhất là để cho mỗi người đeo đuổi những mục đích cá nhân và giảm đến mức tối thiểu sự can thiệp của Nhà nước. Những lợi ích cá thể một cách tự phát trở nên hài hoà.
Học thuyết công lợi ảnh hưởng đến kinh tế học trên nhiều lĩnh vực: ảnh hưởng này lan toả trong một thời kì dài, nhất là ở Anh, đến độ là người ta có thể xem Bentham như là nhà cố vấn giấu mặt của các nhà kinh tế Anh thời cổ điển. Thứ nhất, ảnh hưởng này đã dẫn đến quan niệm về homo economicus, một chủ thể duy lí có khả năng đo những niềm vui và nỗi nhọc nhằn, nghĩa là những chi phí và lợi thế. Qua sự kiện này, học thuyết công lợi nằm ở cội nguồn của điều được gọi là phương pháp luận cá thể, một quan điểm có tính nguyên tắc chỉ xem là có thể hiểu được những hành vi nào của con người có thể gắn với những động cơ cá nhân. Thứ hai, học thuyết công lợi đã gợi nhiều cảm hứng cho những công trình lí thuyết của nửa sau thế kỉ XIX làm đảo lộn lí thuyết giá trị bằng cách đặt lí thuyết này trên cơ sở của lợi ích cận biên. Cuối cùng, một nhánh mới của lí thuyết kinh tế, kinh tế học phúc lợi, trong phần tư cuối của thế kỉ XIX, trực tiếp bắt nguồn từ những mối quan tâm được các nhà công lợi nêu lên: từ nay vấn đề là phải phát triển một phương pháp lựa chọn mới cho phép gán một ý nghĩa khách quan và chính xác cho những khái niệm mơ hồ như lợi ích chung và cách mà biện pháp kinh tế này hay biện pháp kinh tế khác có khả năng tác động, theo chiều tốt hay xấu, đến mức thoả mãn của cộng đồng.
Tất nhiên, ảnh hưởng trực tiếp của học thuyết công lợi trên các nhà cận biên là khá khiêm tốn. Nếu tất cả những nhà cận biên đều cố gắng xác định một mô hình hành vi duy lí có xu hướng được các cá thể chấp nhận trong vùng hành động của bản thân đụng đến những vấn đề kinh tế, và nếu quả thật là những tính toán của những cá thể này dựa trên việc đối chiếu những niềm vui và nỗi nhọc nhằn thì cũng phải thừa nhận là chính từ những công trình của Pareto việc viện đến khái niệm lợi ích thường khiến cho các nhà kinh tế cảnh giác cao độ. Khó khăn chính được “kinh tế học phúc lợi mới” (nghĩa là kinh tế học paretian) nhấn mạnh là tính không chính đáng của việc so sánh liên cá thể của những sở thích. Chính kể từ Pareto và từ những lập luận của ông bằng những khái niệm đường bàng quan mà các lí thuyết gia ngày càng có xu hướng chấp nhận một quan điểm thứ tự về lợi ích. Slutski (1915) rồi Hicks và Allen (1947) đã hình thức hoá hướng nghiên cứu này. Paul Samuelson (1947) đã trang bị cho quan niệm này một hình thức hầu như dứt khoát với lí thuyết những “sở thích bộc lộ” của ông. Nếu những nhà kinh tế đương đại ngày nay không còn tự nhận mình theo học thuyết công lợi thì dẫu sao những mối quan tâm từng được học thuyết này nêu lên vẫn còn hiện diện rộng rãi trong tâm thức của họ. Những phương pháp phân tích được tinh vi hoá và thuật ngữ đã biến đổi, nhưng những phân tích kinh tế vi mô, đặc biệt là những phân tích “chi phí-lợi thế” được xem là giúp soi sáng những quyết định công cộng trong lĩnh vực phân tích các dự án, tiếp tục thừa hưởng cảm hứng từ trào lưu tư tưởng mạnh mẽ này.

▶ HALÉVY É., La formation du radicalisme philosophique, Paris, Alcan, 3 vol., 1901-1904 (nouvelle édition avec nouveau appareil critique, Paris, PUF, 1995). – HICKS J. R. & ALLEN R. G. D., “A Reconsideration of the Theory of Value”, Economica, Feb. and May 1934. –SAMUELSON P. A., Foundations of Economic Analysis, Cambridge (Mass.), Harvard University Press, 1947 – SLUTSKY E., “Sulla teoria del bilancio del consumatore”, Giornale degli Economisti, Juill. 1915 (bản dịch tiếng Anh trong BOULDING K. E. & STIGLER G. J., chủ biên, Readings in Price Theory, London, George Allen & Unwin, 1953). – STEPHEN Sir L., The English Utilitarians, London, Duckworth, 3 vol. 1900.

Nhận xét