Thuyết cấu trúc (Anh: Structuralism)

Trong lý luận phê phán, thuyết cấu trúc là một hệ hình lý thuyết khẳng định rằng các yếu tố của nền văn hóa phải được hiểu trong mối quan hệ của chúng với một hệ thống hay cấu trúc bao quát, rộng hơn. Nó được dùng để làm bộc lộ ra các cấu trúc làm cơ sở cho tất cả những gì con người làm, suy nghĩ, tri giác, cảm nhận. Nói khác, như triết gia Simon Blackburn đã tóm tắt, thuyết cấu trúc là “niềm tin cho rằng các hiện tượng của đời sống con người là không thể hiểu được nếu ta không căn cứ vào các mối quan hệ của họ. Các mối quan hệ này cấu thành một cấu trúc, và đằng sau những biến đổi bộ phận trên bề mặt các hiện tượng có những quy luật bất biến của nền văn hóa trừu tượng[1].
Thuyết cấu trúc nảy sinh vào đầu những năm 1900, trong ngôn ngữ học cấu trúc của Ferdinand de Saussure và sau đó là các trường phái ngôn ngữ học Prague[2], Moscow[3] và Copenhagen. Vào cuối những năm 1950 và đầu những năm 1960, khi ngôn ngữ học cấu trúc đối diện với những thách thức nghiêm trọng từ ngôn ngữ học của Noam Chomsky, và vì thế dần mất đi tầm quan trọng, một loạt các học giả trong lĩnh vực các khoa học nhân văn đã vay mượn các khái niệm của Saussure để sử dụng trong các lĩnh vực nghiên cứu của họ. Nhà nhân học Pháp Claude Lévi-Strauss có thể được coi là người đầu tiên, làm cho mối quan tâm đến thuyết cấu trúc lan tỏa rộng khắp.[4]
Phương cách lập luận của thuyết cấu trúc đã được áp dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau, gồm nhân học, xã hội học, tâm lý học, phê bình văn học, kinh tế học và kiến trúc học. Các nhà tư tưởng kiệt xuất nhất được gắn với thuyết cấu trúc gồm Lévi-Strauss, nhà ngôn ngữ học Roman Jakobson, và nhà phân tâm học Jacques Lacan. Như là một phong trào trí tuệ, thuyết cấu trúc thoạt đầu được giả định là kẻ kế vị đương nhiên của chủ nghĩa hiện sinh. Tuy nhiên, vào cuối những năm 1960, nhiều học thuyết cơ bản của thuyết cấu trúc bị công kích bởi một làn sóng mới của phần lớn các nhà trí thức Pháp như triết gia và sử gia Michel Foucault, triết gia và nhà bình luận xã hội Jacques Derrida, triết gia Marxist Louis Althusser, và nhà phê bình văn học Roland Barthes.[5] Cho dù các yếu tố của công trình của họ có liên quan một cách tất yếu tới thuyết cấu trúc và thấm nhuần thuyết cấu trúc, thì nhìn chung các nhà lý thuyết này lại được biết đến với tư cách là các nhà hậu-cấu trúc.
Vào những năm 1970, thuyết cấu trúc bị chỉ trích vì tính khắc khe và cái nhìn phi-lịch sử (ahistoricism) của nó. Bất chấp điều này, nhiều người chủ trương thuyết cấu trúc như Jacques Lacan, vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng đến triết học Âu lục (continental philosophy) và nhiều giả định nền tảng của một số nhà phê phán hậu-cấu trúc của thuyết cấu trúc là sự tiếp nối của thuyết cấu trúc.[6]

[1] Blackburn, Simon (2008). Oxford Dictionary of Philosophy, second edition revised. Oxford: Oxford University Press
[2] Deleuze, Gilles. 2002. "How Do We Recognise Structuralism?" In Desert Islands and Other Texts 1953-1974. Trans. David Lapoujade. Ed. Michael Taormina. Semiotext(e) Foreign Agents ser. Los Angeles and New York: Semiotext(e), 2004. 170–192
[3] John Sturrock (1979), Structuralism and since: from Lévi Strauss to Derrida, Introduction.
[4] F. de Saussure, Cours de linguistique generale, published by C. Bally and A. Sechehaye (Paris: Payot, 1916); English translation by Wade Baskin, Course in General Linguistics (New York: Philosophical Library, 1959), p. 120.
[5] Searle, John R. (1983). "Word Turned Upside Down". New York Review of Books, Volume 30, Number 16.
[6] Jean Piaget, Le structuralisme, ed. PUF, 1968.

Nhận xét