ĐẠO GIÁO


I. SỰ HÌNH THÀNH ĐẠO GIÁO
Đạo giáo hình thành vào thế kỷ II sau Công nguyên, cơ sở lý luận của nó là Đạo gia – triết thuyết do Lão Tử đề xướng và Trang Tử hoàn thiện
Đạo của Lão Tử là một khái niệm trừu tượng chỉ cái tự nhiên, cái có sẵn một cách tự nhiên: “Người ta bắt chước Đất, Đất bắt chước Trời, Trời bắt chước Đạo, Đạo bắt chước Tự Nhiên”. Nó là nguồn gốc của vạn vật. Đức là biểu hiện cụ thể của Đạo trong từng sự vật. Đạo sinh ra vạn vật, nhưng làm cho vật nào hình thành ra vật ấy và tồn tại được trong vũ trụ là do Đức. Nếu Đạo là cái Tĩnh vô hình thì Đức là cái Động hữu hình của Đạo. Nếu Đạo là bản chất của vũ trụ thì Đức là sự cấu tạo và tồn tại của vũ trụ
Sự sinh hóa từ Đạo ra Đức, từ Đức trở về ở Lão Tử thấm nhuần sâu sắc tinh thần biện chứng âm dương của triết lý nông nghiệp. Được chi phối bởi luật quân bình âm dương, vạn vật tồn tại theo lẽ tự nhiên một cách rất hợp lý, công bằng, chu đáo, và do vậy mà mầu nhiệm. Hợp lý, vì theo Lão Tử, lẽ tự nhiên giống như việc giương cung, cao thì ghìm xuống, thấp thì nâng lên. Công bằng, vì nó luôn bớt chỗ thừa mà bù vào chỗ thiếu. Chu đáo, vì nó như cái lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt. Bởi vậy mà nó mầu nhiệm tới mức không cần tranh mà chiến thẳng, không cần nói mà ứng nghiệm. Mọi sự bất cập hay thái quá (mất quân bình) đều trái với lẽ tự nhiên, và do vậy sẽ tự điều chỉnh theo luật âm dương chuyển hóa: “vật hễ bớt thì nó thêm, thêm thì nó bớt”.
Từ đây, Lão Tử suy ra triết lý sống tối ưu là muốn làm việc gì, phải đi từ điểm đối lập, phải vô vi (không làm). Vô vi không có nghĩa là hoàn toàn không làm gì, mà là hòa nhập với tự nhiên, đừng làm gì thái quá. Vì làm thái quá thì theo luật âm dương “vật cực tắc phản”, kết quả thu được còn tệ hại hơn là hoàn toàn không làm gì. Triết lý vô vi áp dụng vào đời sống cá nhân là “chỉ vì không tranh nên thiên hạ không ai tranh nổi với mình”. Áp dụng vào đời sống xã hội, Lão Tử không tán thành lối cai trị cưỡng chế, áp đặt đương thời, ông nói muốn dân yên ổn thì cai trị một nước phải “giống như kho một nồi cá nhỏ”: cá nhỏ nên để yên, không cạo vẩy, không cắt bỏ ruột, khi kho không quấy đảo – cạo, cắt, khuấy đảo chỉ tổ làm cho cá nát.
Công lao của Lão tử chính là đã học thuyết hóa những tư tưởng triết lý của truyền thống văn hóa nông nghiệp phương Nam: Đạo chẳng phải cái gì khác ngoài sự phạm trù hóa triết lý tôn trọng tự nhiên; còn Đức chính là sự phạm trù hóa luật âm dương biến đổi. Khổng Tử và Lão Tử đều tiếp nhận sức sống của văn minh nông nghiệp, nhưng trong khi Khổng Tử tìm cách kết hợp nó với văn minh gốc du mục thì Lão Tử dựa hoàn toàn vào nó. Khổng thì “nhập thế”, “hữu vi”, còn Lão thì “xuất thế”, “vô vi”. Không phải không có lý do khi có người coi Lão Tử là “ông tổ triết học của dòng họ Bách Việt”. Cũng chính vì học thuyết của Lão tử xây dựng trên cơ sở triết lý âm dương của văn hóa nông nghiệp là cái mà truyền thống văn hóa gốc du mục chưa hề đến, cho nên Hegel từng nhận xét rằng tư tưởng của đạo Khổng Tử thì nghèo nàn, còn Lão Tử mới xứng đáng là người đại diện cho tinh thần phương Đông cổ đại.
Trong khi Khổng Tử dù đã kết hợp tinh hoa của văn hóa nông nghiệp với truyền thống của văn hóa du mục mà Nho giáo của ông vẫn không được dùng thì dễ hiểu là triết lý hoàn toàn dựa trên truyền thống nông nghiệp phương Nam của Lão Tử càng không thể được sử dụng. Lão Tử phàn nàn: “Lời nói của ta rất dễ hiểu, rất dễ làm, thế mà thiên hạ không ai hiểu, không ai làm”.
Mãi đến Trang Tử (khoảng 369 – 286 tr.CN), học thuyết của Lão Tử mới lại được người đời chú ý.
Trong lĩnh vực nhận thức, phát triển tư tưởng biện chứng của Lão Tử, Trang Tử đã tuyệt đối hóa sự vận động, xóa nhòa mọi ranh giới giữa con người với thiên nhiên, giữa phải và trái, giữa tồn tại và hư vô, đẩy phép biện chứng tới mức cực đoan thành một thứ tương đối luận.
Trong lĩnh vực xã hội, nếu như Lão tử chỉ dừng ở mức không tán thành cách cai trị hữu vi, thì Trang Tử căm ghét kẻ thống trị đến cực độ; ông không chỉ bất hợp tác với họ mà còn nguyền rủa, châm biếm họ là bọn đại đạo (kẻ trộm lớn
Nhưng Trang Tử đẩy phép vô vi với chủ trương sống hòa mình với tự nhiên của Lão Tử tới mức cực đoan thành chủ yếm thoát thế tục, trở về xã hội nguyên thủy: “Núi không đường đi, đầm không cầu thuyền, muôn vật sống chung, làng xóm liên tiếp cùng ở với cầm thú”
Trong cảnh loạn li cuối thời Đông Hán (thế kỷ II), tư tưởng của Lão Tử cộng với chất duy tâm mà Trang Tử đưa vào đã trở thành cơ sở cho việc thần bí hóa đạo gia thành Đạo giáo. Chủ trương vô vi cùng với thái độ phản ứng của Lão – Trang đối với chính sách áp bức bóc lột của tầng lớp thống trị khiến cho Đạo giáo rất thích hợp để dùng vũ khí tinh thần tập hợp nông dân khởi nghĩa.
Đạo giáo thờ “Đạo” và tôn Lão Tử làm giáo chủ, gọi là “Thái Thượng Lão Quân”, coi ông là hóa thân của “Đạo” giáng sinh xuống cõi trần. Nếu mục đích của việc tu theo Phật giáo là thoát khổ thì mục đích của việc tu theo Đạo giáo là sống lâu. Đạo giáo có hai phái: Đạo giáo phù thủy dùng các pháp thuật trừ tà trị bệnh, chủ yếu giúp cho dân thường khỏe mạnh; Đạo giáo thần tiên dạy tu luyện, luyện đan, dành cho các quý tộc cầu trường sinh bất tử. Kinh điển của Đạo giáo gọi là Đạo tạng; ngoài sách về nghi lễ, giáo lý, Đạo tạng còn bao gồm cả các sách thuốc, dưỡng sinh bói toán, tướng số, coi đất, thơ văn, bút ký… tổng cộng lên đến trên năm trăm nghìn quyển.
Đạo giáo thần tiên hướng tới việc tu luyện thành thần tiên trường sinh bất tử. Tu tiên có hai cách: nội tu và ngoại dưỡng. Ngoại dưỡng là dùng thuốc trường sinh, gọi là kim đan (hay linh đan, thu được trong lò bằng cách luyện từ một số khoáng chất như thần sa, hùng hoàng, từ thạch, vàng). Nội tu là rèn luyện thân thể, dùng các phép tịch cốc (nhịn ăn), dưỡng sinh, khí công… lấy thân mình làm lò luyện, luyện tinh thành khí, luyện khí thành thần, luyện thần trở về hư vô (Đạo). Con người cũng như vạn vật là từ “Đạo” mà sinh ra; cho nên tu luyện là trở về với “Đạo”.
II. SỰ THÂM NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN CỦA ĐẠO GIÁO Ở VIỆT NAM
Đạo giáo thâm nhập vào Việt Nam từ cuối thế kỷ II. Sách Đạo Tạng kinh ghi: “Sau khi vua Hán Linh đế băng hà, xã hội (Trung Hoa) rối loạn, chỉ có đất Giao Châu là yên ổn. Người phương Bắc chạy sang lánh nạn rất đông, phần nhiều là các đạo sỹ luyện phép trường sinh theo cách nhịn ăn”. Nhiều quan lại Trung Quốc sang ta cai trị đều sính phương thuật (như Cao Biền đời Đường từng lùng tìm yểm huyệt, hy vọng cắt đứt các long mạch để triệt nguồn nhân tài Việt Nam)
Trong khi Nho giáo chưa tìm được chỗ đứng ở Việt Nam thì Đạo giáo đã tìm thấy ngay những tín ngưỡng tương đồng có sẵn từ lâu. Từ xa xưa người Việt Nam từ miền núi đến miền xuôi đã rất sùng bái ma thuật, phù phép; họ tin rằng các lá bùa, những câu thần chú… có thể chữa bệnh, trị tà ma, có thể làm tăng sức mạnh, gươm chém không đứt… Tương truyền Hùng Vương là người giỏi pháp thuật nên có uy tín thu phục 15 bộ, lập nên nước Văn Lang. Ngay các nhà sư cũng phải học các phép trị bệnh, trừ tà ma thì mới đưa Phật giáo thâm nhập vào dân chúng vốn có tín ngưỡng ma thuật được. Vì vậy, dễ hiểu là tại sao Đạo giáo, trước hết là Đạo giáo phù thủy, đã thâm nhập nhanh chóng và hòa quyện dễ dàng với tín ngưỡng ma thuật cổ truyền tới mức không còn ranh giới. Do vậy mà tình hình Đạo giáo ở Việt Nam rất phức tạp, khiến cho không ít nhà nghiên cứu đã quy hết mọi tín ngưỡng cổ truyền Việt Nam cho Đạo giáo, và ngược lại, người Việt Nam sính đồng bóng, bùa chú thì lại chẳng hề biết Đạo giáo là gì.
Một sự khác biệt nữa không kém phần quan trọng giữa Nho giáo và Đạo giáo là: Trong khi Nho giáo vốn mang bản chất của một công cụ tổ chức xã hội, và với Hán Nho, nó đã thực sự trở thành một vũ khí của kẻ thống trị, thì Đạo giáo, trên cơ sở thuyết vô vi, lại mang sẵn trong mình tư tưởng phản kháng giai cấp thống trị. Vì vậy, cũng giống như ở Trung Hoa, vào Việt Nam, Đạo giáo (phù thủy) đã được người dân sử dụng làm vũ khí chống lại kẻ thống trị. Ngay khi thâm nhập nó đã là vũ khí chống lại phong kiến phương Bắc rồi. Phong trào nông dân khởi nghĩa ở các tỉnh Nam Trung Hoa vào thế kỷ II đều có liên hệ với các cuộc khởi nghĩa nông dân hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân. Vào thời kỳ phong kiến dân tộc ở Việt Nam, Đạo giáo thường được dùng để thu hút nông dân tham gia vào các cuộc bạo động chống lại cường hào ác bá địa phương và quan lại trung ương.
Thời chống Pháp, để đối phó với kẻ địch có ưu thế về súng đạn, nhiều cuộc khởi nghĩa đã tích cực sử dụng ma thuật làm vũ khí tinh thần: Mạc Đĩnh Phúc (cháu 18 đời của nhà Mạc) khởi nghĩa năm 1895 ở các tỉnh miền biển Bắc Bộ, tuyên truyền là mình có phép làm cho Pháp quay trở lại bắn Pháp. Võ Trứ (quê ở Bình Định) và Trần Cao (quê ở Quảng Nam) lãnh đạo nghĩa quân người Kinh và người Thượng đeo bùa mang cung tên, dao rựa đánh giặc. Nguyễn Hữu Trí đóng trụ sở ở núi Tà Lơn (Nam Bộ), tôn Phan Xích Long làm Hoàng đế, đồn rằng ông là con vua Hàm Nghi và có nhiều phép màu, nhất là phép làm cho súng địch không nổ….
Bên cạnh việc thờ Ngọc Hoàng Thượng đế, Thái Thượng Lão quân, thần Trần Vũ (Huyền Vũ), quan Thánh Đế (Quan Công), thần điện của Đạo giáo phù thủy Việt Nam còn thờ nhiều vị thánh khác do Việt Nam xây dựng. Trần Hưng Đạo được coi là có tài trừ tà ma cứu nạn cho dân nên được tôn là Đức Thánh Trần; Liễu Hạnh được coi là nàng tiên có nhiều phép thần thông luôn phù hộ cho dân nên được tôn là Bà Chúa Liễu. Trong tâm thứ dân gian, Thánh và Chúa luôn sóng đôi bên nhau (Tháng 8 giỗ cha, tháng 3 giỗ mẹ) – đó chính là sản phẩm cặp đôi theo triết lý âm dương.
Ngoài ra, các pháp sư còn hay thờ các thần: Tam Bành, Độc Cước, Huyền Đàn, ông Năm Đinh, Quan Lớn Tuần Tranh.
Các đạo sỹ từng được Nhà nước phong kiến hết sức coi trọng, chẳng kém gì tăng sư. Các vị vua thời Đinh, Lê, Lý, Trần đều chọn cả tăng sư lẫn đạo sỹ vào triều làm cố vấn; bên cạnh tăng quan còn có cả chức đạo quan.
Trong Đạo giáo thần tiên thì phái luyện thuốc trường sinh (ngoại dưỡng) chủ yếu phổ biến ở Nam Trung Hoa, nhưng phần lớn thần sa mà các đạo sỹ Trung Hoa sử dụng để luyện đan đều được các lái buôn mua từ Giao Chỉ (thường là phải đổi bằng vàng). Đạo giáo thần tiên ở Việt Nam chỉ xuất hiện lẻ tẻ, cá biệt, như trường hợp Đạo sỹ Huyền Vân tu ở núi Phụng Hoàng (Hải Dương) đời Trần Dụ Tông, được vời vào triều để dâng vua thuốc trường sinh.
Mang tính phổ biến trong Đạo giáo thần tiên ở Việt Nam là phái nội tu. Người Việt thờ Chử Đồng Tử làm ông tổ của Đạo giáo Việt Nam, gọi là Chử Đạo Tổ.
Giới sỹ phu Việt Nam xưa thường cùng nhau tổ chức phụ tiên (hay cầu tiên, cầu cơ) để cầu hỏi cơ trời, hỏi chuyện thời thế, đại sự cát hung… Nhiều đàn phụ tiên từng nổi danh một thời như đền Ngọc Sơn (Hà Nội), đền Tản Viên (Sơn Tây), đền Đào Xá (Hưng Yên)… Nhiều nhà Nho nhà cửa khang trang đã lập đàn phụ tiên tại tư gia. Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền (1868 – 1925) khi làm đốc học Ninh Bình thậm chí đã lập đàn phụ tiên ngay tại công đường. Đầu thế kỷ XX, các đàn cầu tiên (gọi là thiện đàn) mọc lên khắp nơi đã đóng vai trò quan trọng trong việc cổ vũ tinh thần dân tộc và yêu nước, chống Pháp. Nhiều đàn cầu cơ ở miền Nam đã là một trong những tiền đề dẫn đến sự hình thành của đạo Cao Đài
Gắn với Đạo giáo thần tiên là khuynh hướng ưa thanh tinh nhàn lạc. Hầu hết các nhà Nho Việt Nam đều mang tư tưởng này. Sinh không gặp thời, gặp chuyện bất bình trong chốn quan trường hay khi về già, các cụ thường lui về ẩn dật, tìm thú vui nơi thiên nhiên, bên chén rượu, khi cuộc cờ, hay làm thơ xướng họa – sống một cách điều độ với tinh thần thanh thản trong khung cảnh thiên nhiên anh lành chính là một cách dưỡng sinh.
Ở Việt Nam hiện nay, Đạo giáo như một tôn giáo đã tàn lụi từ lâu. Dấu vết hoạt động cuối cùng của nó là sự kiện một nhóm tín đồ ở Sài Gòn cho xuất bản một bộ sách mang tên “Đạo giáo” năm 1933, viết theo tinh thần tôn giáo gồm 3 tập. Đến nay, những hiện tượng như đồng bóng, đội bát nhang, bùa chú… tuy vẫn lưu truyền nhưng chúng chỉ còn là những di sản của tín ngưỡng dân gian truyền thống mà thôi.
Cuộc Sống Việt _ Theo Cơ sở Văn hóa Việt Nam (PGS. Trần Ngọc Thêm, 1999)

Nhận xét