Vài nét về các nhà nhiếp ảnh từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam và Saigon - Chợ Lớn


Bài biên khảo này tìm hiểu lịch sử nhiếp ảnh tại Việt Nam từ khi kỹ thuật nhiếp ảnh ra đời và phổ thông vào giữa thế kỷ 19 ở Âu châu... cho đến các thập niên đầu thế kỷ 20 khi các nhiếp ảnh gia người Việt bắt đầu xuất hiện.

Từ khi bức ảnh đầu tiên được chụp ở Pháp vào năm 1826 bởi nhà phát minh Joseph Nicéphore Niépce, thì cho đến nay kỹ thuật nhiếp ảnh đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển lý thú. Và qua những cố gắng và sự đam mê của nhiều nhà nhiếp ảnh từ giai đoạn đầu cho đến ngày nay, chúng ta đã được để lại nhiều di sản không những có giá trị về lịch sử kỹ thuật mà còn có giá trị to lớn về văn hóa và xã hội.

Mục đích của bài biên khảo này là tìm hiểu về lịch sử nhiếp ảnh tại Việt Nam bắt đầu từ khi kỹ thuật nhiếp ảnh ra đời và phổ thông vào giữa thế kỷ 19 ở Âu châu (đặc biệt là Pháp), sau đó lan đến Đông Dương do những nhà nhiếp ảnh tiên phong người Pháp đến Nam Kỳ (Cochinchine), Trung Kỳ (Annam) và Bắc Kỳ (Tonkin) làm việc hay lập nghiệp, cho đến các thập niên đầu thế kỷ 20 khi các nhiếp ảnh gia người Việt bắt đầu xuất hiện.

Họ là những nhà nhiếp ảnh Pháp, Thụy Sĩ, Bỉ - Hòa Lan, Hoa, Việt, Algérie mà đa số là chuyên nghiệp, hoàn toàn sống vào nghề mới mẻ này và đa số cũng có văn phòng chụp ảnh và rửa ảnh ở Saigon. Có thể kể đến ông Émile Gsell với các bức ảnh nổi tiếng ở Cam Bốt, Nam Kỳ, Bắc Kỳ vào các năm trong thập niên 1860, 1870 trong chuyến thám hiểm Angkor, sông MeKong, và những ngày đầu của Pháp khi họ đến ở Nam Kỳ, Bắc Kỳ. Ông Pun Lun (繽 綸, Tân Luân) người Hoa từ Hồng Kông có văn phòng nhiếp ảnh ở Saigon với các bức ảnh Saigon cực kỳ hiếm có trong thập niên 1860, 1870 và 1880; ông Aurélien Pestel với các hình ở Saigon vào cuối thế kỷ 19, và ông Khánh Ký (Nguyễn Đình Khánh) với các ảnh chụp trong các thập niên 1920, 1930 của các nhà cách mạng Việt Nam như Phan Châu Trinh, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Ái Quốc, hoặc cho tổng thống Pháp Raymond Poincaré (1913), toàn quyền Pierre Pasquier và các phóng sự ảnh đăng trên báo L'Illustration (1933).

Ta cũng không quên nhắc đến nhà nhiếp ảnh Thụy Sĩ nổi tiếng Martin Hürlimann đã có ghé Việt Nam năm 1926 và đã chụp tại đây các bức ảnh đầy nghệ thuật về đền tháp, tượng, cảnh trí Champa ở miền Trung, và Hà Nội ở miền Bắc Việt Nam.

Những hình ảnh họ chụp từ giữa thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20 là những tư liệu vô cùng quý giá cho nhiều đề tài nghiên cứu lịch sử và xã hội học ở Việt Nam. Hiện nay chúng ta chưa khai thác hết được các hình ảnh đã có hay vẫn còn nằm ở các kho chứa dữ liệu hay trong những bộ sưu tập tư nhân.

Như một ngạn ngữ người Anh thường nói: một tấm hình có giá trị bằng cả ngàn chữ (A picture is worth a thousand words), các hình ảnh sinh hoạt đời sống xã hội thường ngày và những cảnh quan, nhà cửa, kiến trúc... trong thời quá khứ do đó là cơ sở mà tự nó có thể chứa rất nhiều thông tin cho các công trình nghiên cứu khoa học xã hội.

Đi đôi với lịch sử nhiếp ảnh là lịch sử phim ảnh. Cuốn phim được quay đầu tiên ở Việt Nam có tên là “Le Village de Namo – Panorama pris d’une chaise à porteurs” do hai anh em Lumière (Auguste và Louis) thực hiện vào năm 1896 ở một làng gọi là Namo (Nam Ô) gần Đà Nẳng (*), ngay sau khi hai anh em người Pháp này sáng chế ra máy quay phim vào năm 1895. Hai anh em trước đó đã phụ giúp cha mình trong nghề nhiếp ảnh, và từ đó tìm ra được cách dùng cuộn phim chạy liên tục trong camera. Sau sự kiện lịch sử sáng chế máy quay phim (1895) của mình, Ausguste và Louis Lumière đã cho người đi đến nhiều nơi trên thế giới để quay các phim ảnh, mang lại những kỳ thú quan xa lạ ở những xứ sở ngoại quốc (kể cả các xứ thuộc địa) đến các diễn giả ở Pháp. Bài biên khảo này không có mục đích đi sâu vào lịch sử phim ảnh mà mục tiêu chủ yếu là nhiếp ảnh và vì thế sẽ đề cập đến lịch sử phim ảnh ở Việt Nam trong một bài nghiên cứu sau.

Vài nét về lịch sử kỹ thuật nhiếp ảnh và nhiếp ảnh ở Việt Nam

Kỹ thuật nhiếp ảnh từ thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ 20 có thể được tóm tắt như sau:

Kỹ thuật Daguerreotype:

Năm 1837, Louis Daguerre tìm ra phương pháp nhận hình ảnh trên bảng đồng đã được phủ trước đó trên mặt một lớp “phim” với hóa chất silver iodine (AgI2, bạc iodine) hay silver chloride (AgCl2, bạc choride). Ảnh “chụp” sau đó được tráng bằng hơi thủy ngân (Hg) trên mặt phim, qua đó hơi thủy ngân tụ lại trên hình, ở nơi có phô ra ánh sáng và phản ứng với hợp chất đẩy bạc ra bám vào nền đồng. Cường độ phản ứng tùy thuộc vào độ ánh sáng đã đến trên mặt phim. Phần còn lại hóa chất được rửa đi bằng hóa chất sodium thiosulphate.

Năm 1839, chính phủ Pháp công bố phương pháp chụp ảnh Daguerre như một món quà cho nhân loại. Các hình trên bảng đồng được bảo vệ bằng một tấm kiếng phủ trên mặt hình đặt trong khung gỗ hay kim loại chung quanh. Vì có chất bạc trên mặt hình nên mặt ảnh giống như gương phản chiếu khi nhìn xoay nghiêng theo nhiều góc độ. Các ảnh dùng phương pháp daguerreotype rất bền, nếu khung kính bảo vệ trên mặt bảng đồng không bị hư hại qua thời gian.

Trong giai đoạn sau đó, máy ảnh không những đã ghi lại những hình ảnh quen thuộc, các sự kiện xảy ra ở Pháp, mà máy ảnh còn làm ngạc nhiên nhiều người ở Paris, gây nhiều ấn tượng và khơi dậy sự tò mò của quần chúng, khi các hình ảnh được mang về từ những miền đất xa xôi, những đất nước với phong tục văn hóa kỳ lạ đối với họ, do những nhiếp ảnh gia dùng máy ảnh kỹ thuật daguerreotype đã dày công sức mang theo trên đường du hành.

 

Hình 1: Trang quảng cáo máy Dubroni, khoảng năm 1866 (trích từ Le Monde Illustré N° 462 - 17/02/1866), cho thấy lúc này nhiều người du hành đã đi đến nhiều nơi trên thế giới như Trung Đông để chụp ảnh.

Ký giả Hippolyte Gaucheraud đã viết một đoạn như sau trên một tờ báo, một ngày trước khi ông Daguerre trình bày khám phá của mình trước Hàn Lâm Viện Khoa Học của Pháp ngày 7 tháng 1 1839 về tương lai của nhiếp ảnh daguerreotype (11): "Những người du hành, không lâu nữa các bạn sẽ có được, với một giá tiền chỉ vài trăm francs, một máy ảnh do ông Daguerre sáng chế, và với máy này các hình ảnh sẽ được mang trở lại Pháp, về các công trình, các tượng, các kỳ quan tuyệt đẹp, hay những cảnh đẹp nhất thế giới. Các bạn sẽ nhận thấy các viết chì và các cọ của các bạn không thể tạo ra hình nào bằng được các hình ảnh do máy dùng kỹ thuật daguerreotype mang lại.”

Tiên đoán của ông Gaucheraud quả thật đúng. Chưa đầy một năm sau thì những người du hành đã đi đến các tinh thành trong nước Pháp và đến những xứ sở nước ngoài xa xôi, mang theo các máy do Daguerre sáng chế. Mặc dầu có khó khăn về sự cồng kềnh và trong vấn đề tiếp liệu các mảnh đồng để chụp ảnh, cũng như sự hiểu biết và sự thích hợp của kỹ thuật Daguerre ở những nơi đầy ánh sáng như vùng Địa Trung Hải, khí hậu rất nóng trong sa mạc ở Ai Cập hay thiếu thốn hoá chất ở những cảng xa như tại Viễn Đông; nhưng những hình ảnh trên mảnh đồng mà họ mang được về Pháp là những hình ảnh quí hiếm cho phép ta thấy được một khoảnh khắc đời sống, hay sự kiện xảy ra ở nhiều vùng trên thế giới vào giữa thế kỷ 19.

Hình ảnh đầu tiên rất hiếm chụp ở Việt Nam và Đông Dương là thuộc phương pháp Daguerre (gọi là daguerreotype). Nhiếp ảnh gia Pháp Alphonse Jules Itier đi theo phái đoàn Théodore de Lagrenée trên đường qua Trung Quốc để chụp hình ghi lại sự kiện ký hiệp ước giữa Pháp và Trung quốc vào năm 1844, đã có ghé Đà Nẵng, để lại một bức ảnh chụp đồn lính Việt Nam.

Kỹ thuật Ambrotype

Đây là phương pháp dùng hóa chất “collodion” phủ trên trên nền kính thủy tinh. Phương pháp này được sáng chế ở Anh, nó lần lần thay thế phương pháp daguerreotype vì giản tiện hơn, độ nhạy và thời gian ghi ảnh (exposure) cũng nhanh hơn. Ở Pháp phương pháp này gọi là “Collodion Positif”. Phương pháp ambrotype phát triển mạnh trong thời gian 1855 đến 1865. Phương pháp Daguerreotype không còn thông dụng vào khoảng thập niên 1860s.


Hình 2: Máy ảnh Ambrotype hiệu Darlot, khoảng 1885, modèle: Chambre de voyage (8)

Ở nhiều nơi như Pháp, phương pháp “ambrotype” vẫn còn được dùng cho đến thập niên 1880, gần cuối thế kỷ 19 trước khi được hoàn toàn thay thế bởi kỹ thuật “tintype” trên sắt và kỹ thuật mới trên phim và giấy.

Năm 1851, Frederick Scott Archer tìm ra phương pháp làm ảnh qua quá trình “bảng ướt” (wet plate process), đôi khi gọi là quá trình “collodion” (collodion process) dựa theo tên hóa chất được dùng trên nền (bảng) kính. Hóa chất là bromide, iodine hay chloride (halogen gas) được hòa tan vào collodion (dung dịch pyroxylin trong cồn hay ester). Dung dịch này sau đó được chế lên mặt kính, sau khi dung dịch đông lại nhưng vẫn còn ướt thì người ta nhúng kính vào một dung dịch khác gọi là silver nitrate. Iodine và vì thế bromide trên mặt kính sẽ phản ứng với silver nitrate. Kết quả là hợp chất chất silver iodide (iốt bạc) hay silver bromide (bromit bạc) sẽ được hình thành trên kính.

Khi phản ứng hoàn tất, kính được lấy ra khỏi dung dịch silver nitrate và được đặt vào camera để chụp trong khi vẫn còn ướt. Khi tia ánh sáng chiếu lên mặt kính chứa silver iodide thì kim loại bạc (silver) sẽ trầm tích làm tối lại và tùy theo cường độ ánh sáng, độ tối (lượng bạc) sẽ khác nhau. Vì mặt kính sẽ mất đi độ nhạy nếu chất đông chứa silver iodide khô đi nên cần phải dùng ngay càng sớm càng tốt. Sau khi chụp ảnh xong trên mặt kính, mặt kính còn ướt chứa ảnh được rửa bằng dung dịch có chứa sắt sulphate (FeSO4), acetic acid và cồn. Vì thế người chụp ảnh phải mang theo hóa chất dung dịch để sửa soạn trước khi và sau khi chụp.

Kỹ thuật Calotype (hay Talbotype)

Khoảng cùng thời gian với kỹ thuật daguerreotype và ambrotype là kỹ thuật chụp và rửa ảnh trên giấy gọi là “calotype” do ông William Fox Talbot sáng chế. Quá trình calotype, mặc dầu hình ảnh không rõ qua độ phân giải thấp so với daguerreotype nhưng nó có một lợi điểm đặc biệt quan trọng: từ một ảnh âm giấy duy nhất, hàng chục hay trăm ảnh giống nhau được rửa ra. Vì trên giấy nên dễ đuợc các nghệ sĩ liên kết chung vào với nghệ thuật họa hình, dễ gắn vào các album, đóng khung như tranh hay mang vào trong sách in. Vì thế vào đầu thập niên 1850, kỹ thuật chụp ảnh calotype trên giấy bắt đầu thay thế kỹ thuật daguerreotype. Mặc dầu ở Mỹ daguerreotype còn hiện diện lâu hơn nhưng ở Pháp nó hầu như biến mất vào đầu năm 1860. Kỹ thuật calotype dùng ảnh âm giấy (paper-negative) rất phổ biến và được dùng nhiều nhất là cho những người đi du hành hay du lịch.

Phương pháp ambrotype dùng kính cho hình ảnh rõ hơn phương pháp calotype trên giấy. Cả hai đều dùng ảnh âm (negative) rồi từ ảnh âm mới rửa ra hay nhân ra thành nhiều ảnh. Có thể xem ambrotype là kết hợp đặc tính tốt nhất của daguerreotype là rõ, có độ phân giải cao và của calotype là dễ nhân bản ra nhiều ảnh từ ảnh âm, và phóng đại được hình.

Trong thập niên 1850, có hai trường phái, một ủng hộ ambrotype và một ủng hộ calotype và cả hai đều phổ thông trong thời gian này trong khi daguerreotype biến mất dần vào khoảng thập niên 1860. Ambrotype dùng kính rất phổ thông trong các hình chụp chân dung vì ảnh rất rõ, đủ nhanh trong khi calotype dùng giấy âm được dùng nhiều bởi các nghệ sĩ hay những người đi du hành hay du lịch vì sự tiện lợi của nó. Nói chung ambrotype được dùng trội hơn so với calotype trong thập niên 1860.

Sự phổ thông của nhiếp ảnh đã được hỗ trợ và thúc đẩy thêm bởi sự thành lập của hội nhiếp ảnh đầu tiên trên thế giới vào năm 1851 ở Paris. Đó là hội “Société Héliographique” (sau này gọi là “Société Francaise de Photographie”, SFP, và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay). Hội này tổ chức các buổi triển lãm ảnh, kỹ thuật nhiếp ảnh, hội thảo, các sách và tạp chí về nhiếp ảnh được xuất bản (như tạp chí Lumière). Hội viên không những từ khắp nước Pháp mà còn có từ các nước châu Âu khác.

Một vài thí du các ảnh chụp theo kỹ thuật ambrotype và calotype

Sau các ảnh chụp ban đầu rất hiếm, dùng kỹ thuật daguerreotype, những bức ảnh chụp ở Việt Nam dùng phương pháp ambrotype (trên kính) và calotype (trên giấy). Bức ảnh chân dung đầu tiên của người Việt Nam là ảnh của ông Phan Thanh Giản chụp ở Paris, dùng phương pháp ambrotype (collodion) trên kính, khi ông dẫn đầu sứ bộ sang Pháp năm 1863 để hy vọng chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam bộ.

Trong bản tường trình của chuyến đi này, “Tây Hành Nhật Ký”, Phó sứ Phạm Phú Thứ đã viết như sau về kinh nghiệm của phái đoàn tiếp xúc lần đầu với máy ánh:

“...Còn phương pháp chụp ảnh thì trước hết lấy nước thuốc xoa vào miếng kính rồi đặt vào ống; người đứng phía trước nhìn thằng vào miệng ống; hình người sẽ do ánh sáng mặt trời in vào miếng kính, tơ tóc không sai mảy may. Người Tây rất thích chụp hình. Phàm mới quen biết nhau, họ đều muốn được bức ảnh của nhau để tỏ ý nhớ nhau mãi mãi. Người sang kẻ hèn cũng đều một một ý thức như nhau. Vì thế, rồi từ hôm ấy trở đi, các quan chức luôn luôn đem thợ đến quán, yêu cầu Thần đẳng để cho họ chụp mấy tấm để tặng thần đẳng và bạn hữu… “


Hình 3: Ảnh Phan Thanh Giản chụp ở Paris dùng kỹ thuật ambrotype

Ta cũng có thể thấy các hình ảnh của nhà nhiếp ảnh Gsell chụp năm 1866 ở Saigon, miền Nam và Cam Bốt là thuộc kỹ thuật ambrotype hoặc calotype.


Hình 4: Tu viện Sainte Enfance của các soeurs dòng thánh Phao Lô (St Paul de Chartres) là tu viện nữ tu đầu tiên ở Việt Nam Hai nữ tu đầu tiên đến Saigon năm 1860, và tòa nhà được xây dựng xong vào năm 1864 theo thiết kế của Nguyễn Trường Tộ. Hình trên của Émile Gsell chụp năm 1866 tức hai năm sau khi xây xong. Tòa nhà này sau đó vào cuối thế kỷ 19 được thay thế xây lại như còn lại hiện nay (tháp chuông không còn) – (Collection Gsell, 1866, ancien fonds du musée des colonies).

Sau đây là một vài hình ảnh do thống đốc Charles le Myre de Viliers, vị thống đốc dân sự đầu tiên ở Nam Kỳ đã chỉ thị là các công trình xây dựng trong nhiệm kỳ của ông phải được chụp ảnh để làm tài liệu. Các ảnh này được tồn trữ ở kho tư liệu Bộ Ngoại giao Pháp, Quai d’Orsay, hơn 120 năm không ai để ý cho đến năm 2002 thì Tòa lãnh sự Pháp ở Saigon mới mang ra triển lãm. Hình ảnh rất chi tiết, máy ảnh thuộc loại lớn, ảnh có màu đỏ có thể là do chất hóa học phai màu hay cũng có thể là do nền bằng kính (ambrotype) có nền đỏ sau lưng.


Hình 5: Kênh Charner chụp năm 1882, sau này (1887) được lấp thành đường Kinh lấp mà ngày nay gọi là đường Nguyễn Huệ. Bức hình này rất có thể do nhiếp ảnh gia Émile Gsell chụp.


Hình 6: Bức hình này thực sự là do Émile Gsell chụp (thông tin theo một hình albumen rửa từ bảng âm như hình này được bán đấu giá năm 2007). Như vậy là ảnh phải được chụp trước năm 1879 (năm ông mất) chứ không phải là năm 1882 như được ghi trong triển lãm của Tổng Lãnh Sự Pháp ở Saigon.


Hình 7: Nhà thờ Đức Bà, Notre Dame, năm 1882 (chưa có tháp chuông, tháp chuông chỉ được xây hai bên vào năm 1895). Hình này gần giống như bức hinh của nhà nhiếp ảnh Aurélien Pestel chụp.


Hình 8: Trại lính bộ binh thuộc hải quân thuộc địa, năm 1882. Con đường phia trước hinh và tòa nhà ở giữa nay là đường Đinh Tiên Hoàng. Một phần của tòa nhà bên trái (nay là thuộc trường Đại học Dược khoa) và bên phải vẫn còn. Độ phân giải của ảnh rất cao, nếu “zoom” lớn sẽ thấy một người lính quân phục trắng ở giữa tầng trệt đang nhin về phia người chụp ảnh và dưới gốc cây bên trái là một người làm vườn đang tưới cây.

Sáng chế rửa ảnh trên giấy tráng albumen

Ở cuộc triển lãm kỹ nghệ các quốc gia (Great Exhibition of the Works of Industry of All Nations) được tổ chức ở London, Hyde Park năm 1851 trong lâu đài kính ("Crystal Palace"), có hai sự kiện đáng chú ý là sự ra đời của phương pháp ambrotype của Frederick Archer và sáng chế mới của Désiré Blanquart-Evrard rửa in ảnh nhanh chóng qua ánh sáng mặt trời trên giấy tráng albumen. Qua sáng chế giấy albumen thay kính với giá thành các ảnh rất rẻ, Blanquart-Evrard đã mở hãng in ảnh “Imprimerie Photographique” đầu tiên ở Pháp (Lille) năm 1851 và in nhiều album ảnh.

Ảnh rửa trên giấy albumen nhanh chóng trở thành phổ thông được ưa chuộng. Từ một ảnh âm, nhiều ảnh được rửa và in ra trên giấy. Các ảnh trên giấy này cũng được dùng dễ dàng như minh họa trong các sách in vì chúng không cồng kềnh và không phản chiếu ánh sáng làm chóa như ảnh trên kính.

Cho đến thập niên 1850, những nhà chụp ảnh chuyên nghiệp dùng kỹ thuật daguerreotype hay ambrotype với độ phân giải cao trong khi những người nghiệp dư dùng calotype với độ phân giải thấp. Sự ra đời của giấy in ảnh albumen đều được đón nhận hồ hởi bởi cả hai giới và đã thành công vượt bực. Khoảng cách kỹ thuật và giới hạn giữa các nhà chụp ảnh nghiệp dư và chuyên nghiệp đã được thâu ngắn lại.

Ảnh âm dùng để rửa ra ảnh trên giấy albumen thường là thuộc loại calotypes (talbotype) trên giấy hay thuộc loại "colladion âm" (colladion-negative tức ambrotype) trên kính. "Bảng âm ướt colladion" (colladion wet-plate negative) dùng ngay sau khi người chụp ảnh vừa tráng xong chất hóa học lên mặt kính và gắn kính vào trong camera để sửa soạn chụp. Vì bảng "colladion âm" có độ phân giải cao nên chúng thay thế dần ảnh âm trên giấy.

Ảnh trên giấy albumen được rửa từ bảng "colladion âm" đặt trên khung gỗ, bằng phản ứng hóa học khi đưa thẳng ra ánh sáng mặt trời. Nếu trong ngày có mây và ít ánh nắng, thì phải mất khoảng 1 đến 5 phút để bức ảnh được hoàn thành. Sau đó giấy albumen có ảnh vừa tạo, được tân trang thêm trong phòng sáng; thường thì các ảnh được viền khung chung quanh trước khi đưa cho khách hàng.

Ta có thể nhận thấy các ảnh in dùng albumen lâu ngày thường bị ngả màu vàng nâu như đa số các “carte postales” chụp và rửa trên giấy albumen vào đầu thế kỷ 20.

Kỹ thuật Tintype (hay ferrotype)

Kỹ thuật “tintype” được sáng chế vào năm 1856 ở Mỹ bởi giáo sư hóa học Hamilton Smith. Phương pháp này không mới, chỉ là cải tiến trên phương pháp ambrotype: thay vì hình trên mặt kính thì đổi qua trên mặt kim loại sắt hay thiếc. Phương pháp này rất phổ thông ở Mỹ bắt đầu từ thời nội chiến Nam - Bắc cho đến cuối thế kỷ 19.

Mặt trên tấm kim loại làm bằng sắt (Fe) được phủ bởi một chất hóa học màu đen (chúng thường được dùng trong sơn mài), chất hóa học này có xuất xứ từ Nhật nên được gọi là japan. Chất này làm mặt tấm sắt không bị rỉ sét và làm mặt kim loại trở thành nhẵn, dựa trên đó hình ảnh sẽ được in rửa ra

Carte de Visite (CDV)

Cuối thập niên 1850, Andre Disdéri đưa ra các ảnh dạng Carte de Visite (CDV) (3). Đây là một loại ảnh trên giấy có tính chất thương mại phổ thông. CDV dễ sản xuất hàng loạt và rẻ so với tintype và dùng albumen (chất trong lòng trắng của trứng gà) tráng trên giấy sau đó là lớp silver chroride. Mặc dầu không bền như ambrotype hay tintype nhưng độ phân giải cũng cao và giá lại rẻ cho người tiêu dùng và quan trọng là không cồng kềnh, dễ dùng vì vậy nên phổ thông trong mọi tầng lớp.

CDV sản xuất dễ và rẻ so với tintype và phẩm chất cũng tốt nên vì thế đến với quần chúng tiêu thụ rộng rãi hơn, mặc dầu không bền như tintype vì hình trên giấy (thay vì trên sắt) và khi để lâu albumen ngả màu vàng nâu.

Kỹ thuật nhiếp ảnh trên phim nhựa

Năm 1884, ông George Eastman ở Mỹ sáng chế ra phương pháp chụp ảnh trên giấy và phim nhựa dùng chất hóa học nhờn khô. Năm 1888, máy chụp ảnh Kodak ra đời dùng cuộn phim, người chụp ảnh không cần phải mang theo các bảng (plate) và chất hóa học. Chỉ cần bấm để chụp ảnh, còn việc tráng, rửa là do công ty "Eastman Dry Plate Company" đảm nhiệm. Đến cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 thì nhiếp ảnh tân thời như ta biết hiện nay thực sự ra đời và đi đến quần chúng rộng rãi (trước khi có nhiếp ảnh số, digital photography, vào đầu thế kỷ 21).


Hình 9: Máy ảnh hiệu Demaria-Lapierre, model: caleb. Ra đời khoảng năm 1914


Chú thích:

(*) Phim này của anh em Lumière là do Gabriel Veyre quay ở một làng gần Đà Nẵng và sau đó được chiếu vào năm 1900 ở nhiều nơi trên nước Pháp và Âu châu trong những năm đầu tiên của lịch sử điện ảnh. Phim này có thể xem ở http://www.youtube.com/watch?v=s82ZVa5VJds  Phim thứ nhì của anh em Lumière ở Việt Nam là “Indochine: Enfants annamites ramassant des sépèques devant la Pagode des dames (1903)” (có thể xem ở http://www.youtube.com/watch?v=WH5NZo8Mm0M). Và thứ ba là “Déchargement du Four à Briques”. Bình luận và nghiên cứu chi tiết về các phim này, có thể xem bài viết của hai giáo sư Barbara Creed và Jeanette Hoorn (University of Melbourne)


Bài biên khảo này tìm hiểu lịch sử nhiếp ảnh tại Việt Nam từ khi kỹ thuật nhiếp ảnh ra đời và phổ thông vào giữa thế kỷ 19 ở Âu châu... cho đến các thập niên đầu thế kỷ 20 khi các nhiếp ảnh gia người Việt bắt đầu xuất hiện.

Phần này phác họa về tiểu sử và tác phẩm nhiếp ảnh của một vài nhà nhiếp ảnh tiên phong ở Việt Nam và thành phố Saigon-Chợ Lớn vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 và qua đó ta sẽ thấy rõ lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam trong giai đoạn đầu.

Émile Gsell (1838-1879)

Émile Gsell là nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp và thương mại đầu tiên ở Saigon. Ông được gởi đến Nam kỳ vì nghĩa vụ quân sự, nhưng sau đó ông được giải ngũ khi được thuyền trưởng (capitaine de frégate) Ernest Doudart de Lagrée (2) tuyển dụng vào đoàn thám hiểm sông Mekong (Commission d’exploration du Mékong) cùng với trung úy (lieutenant de vaisseau) Francis Garnier, năm 1866-1868. Ông là người đầu tiên chụp ảnh đền Angkor với các đoàn thám hiểm. Sau chuyến đi này, ông mở văn phòng nhiếp ảnh ở Saigon, Gsell Photographie, bán các hình ảnh đền Angkor rất thành công. Ông còn chụp rất nhiều hình ảnh về cảnh quan, đời sống ở Saigon và các nơi khác ở Nam Kỳ...

Năm 1873 ông trở lại Angkor cùng với trung úy Louis Delaporte (người cùng đi với ông trong chuyến thám hiểm trước của Doudart de Lagrée). Ông cũng chụp hình cảnh quân Pháp (Francis Garnier) đánh thành Hà Nội vào năm 1873. Trong thời gian 11/1876-1/1877, ông theo chân trung úy hải quân Kergadarec trở lại sông Hồng. Trong hai dịp này cùng đi với ông là nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp Jean Baptiste Pellissier. Ông là người đầu tiên chụp chân dung của một phụ nữ Việt Nam ở Bắc kỳ (Tonkin). 


Hình 10: Hình vẽ lại các chân dung theo các ảnh chụp của Gsell, đăng trong “La conquête du delta du Tong-kin” của Romanet de Caillaud. Trong hình là Jean Dupuis, quan nhà Thanh và lính Vân Nam đi theo Jean Dupuis, người Việt thượng lưu và người dân thường ở Bắc kỳ (Tonkin).

Ông có triển lãm hình ở hội chợ thế giới Vienne (Áo) và được huy chương triển lãm. Ông tìm hiểu, tập trung để ý đến chụp hình về đời sống, tập tục của người dân bản xứ. Phòng studio chụp hình của ông ở Saigon gần nhà những người Việt giàu có và họ thường đến để được ông chụp chân dung cho họ. 


Hình 11: Émile Gsell, Ảnh chân dung một phụ nữ Bắc Kỳ (Tonkin). Để ý nón quai thao rộng thời bấy giờ ở các miền từ Bắc đến Nam như nhau, bình và đôi hài trước phông hình.

Gsell mất khi vẫn còn trẻ, lúc 41 tuổi, ở Saigon vào ngày 16 tháng 10 năm 1879. Lúc gần cuối đời ông có chụp ảnh các công trình kiến trúc và công chánh ở Saigon. cho thống đốc dân sự Le Myre De Viliers.

Sau khi ông mất, các tư liệu ảnh ông để lại được ông O.Wegener dùng, và sau đó là ông Vidal kế thừa. Ông Vidal dùng tư liệu này trong mục đích thương mại cho đến khi ông mất vào năm 1883. Những hình ảnh của Gsell cũng được đăng trong một bài viết của Francis Garnier về Angkor (Le Tour du Monde, 1870-1871), của ông Romanet de Caillaud trong “ La conquête du delta du Tong-kin” (Le Tour du Monde, 1877/2), và trong bài của Brossard de Corbigny về “Tám ngày trong đoàn ngoại giao ở Huế” (“Huit jours d’ambassade à Hué”) đăng trong Le Tour du Monde,1878/1, trong bài có ghi chú là Gsell được hoàng đế An Nam cho phép chụp ảnh.

Cách đây không lâu trong tháng 12 năm 2007, bộ album ảnh gồm khoảng 350 tấm của Gsell được đưa ra bán đấu giá bởi Galerie Bassenge ở Berlin trong đó có vài ảnh có chữ ký của Gsell ghi trong bảng âm, vài ảnh có ghi chú bằng bút chì ở dưới ảnh và tất cả các ảnh chụp ở Angkor đều có tựa hàng chử in bên dưới trên khung ảnh.

Trang đầu của bộ album ảnh là hình do Gsell chụp toàn bộ, khoảng 120 tấm ảnh carte-de-visite (CDV), ở giữa ảnh có tên studio phòng ảnh của ông ở Saigon, Gsell Photographie. Đây là nguồn thông tin để có thể nhận ra được tác giả một số ảnh ở Đông Dương mà trước đây không ai biết người chụp. Trong bộ ảnh này có các hình chụp ở cảng Saigon, tàu buồm đậu ở bến, dinh thống đốc ở Saigon, các ảnh tòa nhà, dinh thự ở Đông Dương khi Pháp mới đến và bắt đầu xây dưng thành phố Saigon. Nhiều ảnh các quan chức cao cấp, giám mục, diễn viên kịch, hát bội, lính cũng như các chùa đền, tượng, các khu định cư và các làng mạc của người bản xứ. 


Hình 12: Cảng Saigon và nhà của ông Vương Thái, cột cờ Thủ Ngữ,và rạch Bến Nghé ở bên trái (hình do Gsell chụp năm 1866) 


Hình 13: Mộ người An Nam ở Saigon (1866) 


Hình 14: Cảng Saigon, bức hình này sau đó được khắc vẽ lại trong sách “La France illustrée” (1884) của V. A. Malte-Brun (1) và bài của bác sĩ Albert Morice trong Tour du Monde, 1875. 


Hình 15: Emile Gsell 1866, chụp ở Angkor trong chuyến đi thám hiểm sông Mekong của Pháp do thuyền trưởng Doudart de Lagrée làm trưởng đoàn. 


Hình 16: Emile Gsell, 1870. “Natives indochinois”. Hình trên giấy albumen. Một trong những bức hình cổ xưa nhất về người dân tộc. Đây có lẽ là hình người Stieng hay Mạ sống chung quanh Saigon hay ở Lâm Đồng (Tây Nguyên). 


Hình 17: Hình trên giấy albumen, ảnh chup bởi Émile Gsell. Từ trái sang phải: Trung úy Francis Garnier (1839 - 1873) (phó đoàn thám hiểm); trung úy Louis Delaporte (1842 - 1925) (họa sĩ)); Bác sĩ. Clovis Thorel (1833 - 1911) và bác sĩ Lucien Joubert (1832 - 1893) (cả hai là bác sĩ hải quân, coi về địa chất, nhân chủng học và thực vật học, ngồi hai bên của trưởng đoàn thám hiểm; đại úy thuyền trưởng Doudart de Lagrée (1823 - 1868) (trong bộ quần trắng); Louis de Carné (1844 - 1870) (tùy viên, thuộc Bộ ngoại giao Pháp).

Chú thích

(1) V. A Malte-Brun là người đầu tiên gọi Việt Nam - Lào -Cam Bốt là Indochine (Đông Dương).

(2) Sau hơn 2000km thám hiểm sông MeKong, Doudart de Lagrée đã chết vì kiệt sức và bệnh gan ở Vân Nam, ông Carné sau chuyến thám hiểm cũng chết vì kiệt sức. Trên đường bộ đi đến Côn Minh, đoàn thám hiểm gần như tình cờ khám phá ra nguồn của sông Hồng chảy ra vịnh Bắc Việt. Thay vì theo ngã sông Mekong từ cảng Saigon (lúc đó thuộc Pháp) đến Vân Nam, thì đường từ cảng Hải Phòng lên Vân Nam theo sông Hồng ngắn và dễ dàng hơn hết. Đây chính là cơ sở để Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ. Lịch sử sẽ khác đi nếu không có sự tình cờ này. Từ Côn Minh, đoàn đi lên phía bắc ở tỉnh Tứ Xuyên, thượng nguồn của sông Dương Tử. Và từ đây đoàn xuôi dòng ra bờ biển gần Thượng Hải, rồi từ đó trở về Saigon theo đường biển. Sau chuyến đi thám hiểm nổi tiếng này, Garnier được Hội địa lý Hoàng gia Anh tặng thưởng và so sánh cuộc thám hiểm của ông như cuộc thám hiểm đầy gian truân của Bác sĩ Livingstone trên sông Congo ở Phi Châu.

Bài biên khảo này tìm hiểu lịch sử nhiếp ảnh tại Việt Nam từ khi kỹ thuật nhiếp ảnh ra đời và phổ thông vào giữa thế kỷ 19 ở Âu châu... cho đến các thập niên đầu thế kỷ 20 khi các nhiếp ảnh gia người Việt bắt đầu xuất hiện.

Pun Lun (繽 綸)

Pun Lun (Tân Luân) là nhiếp ảnh gia người Hồng Kông nổi tiếng thuở ban đầu ở Hồng Kông trong thập niên 1860. Văn phòng và cơ sở thương mại của ông ở trung tâm thành phố Hồng Kông, số 56 Queens Street, đối diện với Oriental Bank. Ngoài nhiếp ảnh ông có nghề thương mại vẽ và trạm hình trên ngà voi.

Ông có chi nhánh văn phòng nhiếp ảnh ở Saigon, Phúc Châu, Singapore. Ông hoạt động từ thập niên 1860 đến 1880, cùng thời với cơ sở của nhà nhiếp ảnh A Fong (華芳, Hoa Phương) ở Hong Kong (1859 đến 1941). Ông được coi là nhà nhiếp ảnh tiên phong trong lịch sử nhiếp ảnh Trung Quốc hiện nay.

Một số ảnh văn phòng nhiếp ảnh của ông chụp ở Saigon là những ảnh xưa nhất ở Saigon, xưa hơn cả các ảnh của Gsell. 


Hình 18: Pun-Lun (Tân Luân) – Một người Hoa ở Saigon, chụp khoảng năm 1870 – Ảnh CDV


Hình 19: Pun Lun (Tân Luân) - 1880 Chân dung người Saigon (một phụ nữ buôn bán người Việt đội hàng trên đầu và có lẽ một thương nhân người Hoa đang cầm dù) – Ảnh loại CDV

Tân Luân có nhiều ảnh chụp ở Saigon, trong đó có ảnh đẹp, chụp rất nghệ thuật một viên chức ở Nam Kỳ “Un notable Indochinois” (chụp khoảng năm 1880. Hình trên giấy albuminé, kích thước 16 x 20 cm) như hình dưới đây. 


Hình 20: Pun Lun (Tân Luân) – Một viên chức ở Nam Kỳ (khoảng năm 1880).

Bức ảnh chân dung tuyệt diệu “Một viên chức ở Nam Kỳ” chụp cách đây hơn 130 năm là tuyệt tác của Tân Luân, có thể so sánh bức ảnh này với bức ảnh nghệ thuật không kém, chụp chân dung người phụ nữ Bắc Kỳ do Émile Gsell chụp khoảng năm 1876.

Một số ảnh khác ở Saigon, có đề tên Pun Ky (Tân Kỳ) đằng sau ảnh có thể là người đại diện cho ông Tân Luân (Pun Lun) ở Saigon và chắc cũng có liên hệ gia đình với ông Tân Luân ở Hồng Kông. 


Hình 21: Pun Ky (Tân Kỳ) - Thượng tọa với hai đệ tử 

 

Hình 22: Pun Ky (Tân Kỳ) – Một vị lãnh đạo người Cam Bốt – khoảng năm 1880 – hình CDV trên giấy albuminé

 

Hình 23: Pun Ky (Tân Kỳ) – Tu viện St Enfance khoảng năm 1860. Để ý so sánh bức hình này với hình của Émile Gsell chụp vào năm 1866 thì có thể thấy bức ảnh này xưa hơn vì tu viện vẫn chưa có tường bao quanh tu viện như lúc Gsell chụp.

Aurélien Pestel (1855-1897)

Có thể nói ông Pestel là nhà nhiếp ảnh tiên phong tài ba nhất vào cuối thế kỷ 19 ở Saigon. Lúc ban đầu công việc của ông Pestel không có liên hệ trực tiếp đến nhiếp ảnh, nhưng sau đó ông trở thành nhiếp ảnh chuyên nghiệp lúc ông ở Cam Bốt, sau đó là Saigon, nơi ông mất năm 1897 ở số 10 Đại lộ Charner.

Chất lượng những hình ảnh ông chụp đã làm ông trở thành như một sứ giả đại diện cho Đông Dương trong Triển lãm Thế giới năm 1894 ở Lyon (1). Ông đã trưng bày một bộ album đầy ấn tượng hiếm quí về Nam Kỳ và Cam Bốt. Bộ album này chính nó cũng là một tác phẩm nghệ thuật, về phương diện dán những hình ảnh lại dùng kỹ thuật sơn mài truyền thống Việt Nam. Một số tác phẩm của Pestel có thể được xem tại kho chứa dữ liệu bộ ngoại giao Pháp (13).

Các hình của Pestel đã được Pierre Barrelon dùng minh họa trong bài viết "Saigon" của Barrelon đăng trong "Le Tour du Monde", năm 1893 và bởi E. Aymonier trong bài về Cam Bốt trong số năm 1900. Những hình của ông về kỹ nghệ thuốc phiện trong bộ ảnh năm 1894 đã được tạp chí nổi tiếng "L' Illustration" công bố vào năm 1896.

Những ảnh của ông Pestel được đăng trong các thông báo liên quan đến Đông Dương nhân dịp Hội chợ thế giới năm 1900, cùng với các hình ảnh của bác sĩ Victor Le Lan, và của ông Fernand Blanchet. Bộ sưu tập series ảnh CDV "Les éditions La Pagode", ở Saigon có dùng một số ảnh của Pestel, nhất là bộ ảnh "Main de lettré annamite". Ông có chụp các ảnh bên trong nhà của ông tổng đốc Phương ở Chợ Lớn (nhà này ở đường Châu Văn Liêm và hiện nay không còn nữa). Người kế nhiệm Pestel, ông Planté cũng in lại trên các "carte postales" (édition La Sarcelle) những ảnh đẹp nhất của Pestel.

Văn phòng studio, số 10 Đại lộ Charner, của ông sau khi ông mất được Négadelle xử dụng, sau đó là Paullussen, và cuối cùng là ông Planté. Tất cả đều là nhiếp ảnh gia có tiếng ở Saigon sau này. 


Hình 24: Các đứa bé dùng giỏ để mang hàng ở chợ – carte postale in lại từ ảnh của Aurélien Pestel. 


Hình 25: Những bà bán trái cây ở gần chợ Cũ Saigon – carte postale in lại từ ảnh của Aurélien Pestel.

George Victor Planté (1847-1921)

Planté sinh ngày 2 tháng 3 1847 ở Pháp và mất ở Saigon năm 1921. Lúc đầu khi đến Nam Kỳ, năm 1867, ông làm ở Sở quan thuế và kiểm hoạt (Service des Douanes et Régies de l’Indochine, sở này có xưởng làm thuốc phiện ở đường Paul Blanchy, Hai Bà Trưng ngày nay, sau Nhà hát thành phố). Sau đó vào năm 1893, ông trở thành nhà nhiếp ảnh và biên tập in các ảnh cartes postales (1).

Sau năm 1905, ông dời đến số 10 đại lộ Charner, cùng địa chỉ với các ông Aurélien Pestel, Négadelle và Paullussen trước đó: trong niên giám Đông Dương "Annuaire de l’Indochine de 1907" (trang 188) có hình chân dung ông và ghi các hoạt động của ông là "Portraits en tous genre. Agrandissements au gélatino-bromure. Vues de Cochinchine et des ruines d’Angkor (sur papier gélatino-bromure). Grande collection de cartes postales illustrées" ("Chụp chân dụng đủ loại. Phóng lớn trên giấy gélatino-bromure. Cảnh Nam Kỳ và di tích Angkor (trên giấy gélatino-bromure). Bộ sưu tập lớn các ảnh cartes postales")

Ông làm việc theo cách riêng biệt tùy theo mỗi khách hàng, và bán các cartes postales từ năm 1905. Trong số các cartes postales này có hình chân dung của vua Thành Thái, và các hình chụp của ông Pestel. Người thay thế Planté sau này là ông Crespin. Trong niên giám Đông Dương năm 1922 có ghi một người tên Jules Louis Planté, sinh năm 1891, làm việc ở sở Quan thuế và kiểm hoạt Đông Dương (Douanes et régies de l'Indochine), có thể đó là con ông. 


Hình 26: George Planté – Cảnh bên trong Bưu điện Saigon. Ngày nay bản đia đồ trên tường vẫn còn nhưng tượng nữ thần đã biến mất. 

 

Hình 27: George Planté – Công nhân trong nhà máy xay lúa, Chợ Lớn


Bài biên khảo này tìm hiểu lịch sử nhiếp ảnh tại Việt Nam từ khi kỹ thuật nhiếp ảnh ra đời và phổ thông vào giữa thế kỷ 19 ở Âu châu... cho đến các thập niên đầu thế kỷ 20 khi các nhiếp ảnh gia người Việt bắt đầu xuất hiện.

Nguyễn Đình Khánh (tự Khánh Ký) (1884-1946)

Ông Nguyễn Đình Khánh, tên thật là Nguyễn Văn Xuân tự Khánh Ký, sinh năm 1884 ở làng Lai Xá, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Sau tiệm ảnh đầu tiên của người Việt Nam “Cảm Hiếu Đường” ở phố Thanh Hà, Hà Nội năm 1869, do ông Đặng Huy Trứ làm chủ thì tiệm ảnh Khánh Ký khai trương năm 1892 ở Phố Hàng Da, Hà Nội là tiệm ảnh thứ hai. Nhưng khác với tiệm ảnh trước, ông Khánh Ký ngoài chuyên về chụp hình chân dung, ông còn mướn và huấn luyện cho nhiều người mà đa số là từ làng Lai Xá nghề chụp ảnh và mở nhiều tiệm nhiếp ảnh ở Nam Định (1905), Saigon (1907) sau này ở Toulouse (1910 khi ông mới sang Pháp) và ở Paris. Khi trở về Việt Nam năm 1924 ông mở tiệm ảnh ở Hà Nội, Quảng Châu, Hải Phòng, Nam Định, Saigon. Làng Lai Xá ngày nay có truyền thống nghề nhiếp ảnh là nhờ ông Khánh Ký.

Ông hoạt động nhiếp ảnh ở Saigon nhiều nhất trong các năm 1924 đến năm 1933. Văn phòng Saigon của ông ở số 54 Boulevard Bonard (Lê Lợi). Cơ sở của ông Khánh Ký ở Saigon năm 1934 mướn 27 nhân viên kể cả những người trong phòng chụp ảnh, phòng rửa hình, chỉnh hình và bán hàng. Từ năm 1917, ông là người chụp ảnh chân dung cho tất cả các viên toàn quyền Pháp ở Đông Dương, cũng như hoàng đế Việt Nam, vua Cam Bốt và Lào.

Các hình của cơ sở ảnh của ông có mang dấu ấn “Khanh Ky photo, Hanoi”, “Photo Khanh Ky Saigon”. Ông cũng chụp ảnh cho Hội nghiên cứu Đông Dương (Société des études indochinoises). Một số ảnh của ông cũng có đăng trên báo “Monde colonial illustré (1931)” trong số đặc biệt nhân dịp Hội chợ triển lãm thuộc địa (Exposition coloniale, 1931) và số năm 1932 sau khi Bộ trưởng thuộc địa, Paul Reynaud, đến viếng Đông Dương. 


Hình 28: Khánh Ký (Saigon) – Chân dung một người Pháp, Portrait d'homme – vers 1920 – Épreuve gélatino-argentique d'époque montée sur support cartonné. Nom du photographe imprimé sur le montage. Ảnh bán đấu giá năm 2009.

Ông cũng chụp một bức ảnh chân dung toàn quyền Đông Dương, Pierre Pasquier, người bảo trợ hoàng đế Bảo Đại và nhà cách mạng Nguyễn An Ninh. Trên báo “L'Illustration” số 4740, năm 1933 “Le voyage de l'empereur d'annam du Tonkin”, ông có các ảnh phóng sự của ông về chuyến viếng thăm của hoàng đế Bảo Đại ở Bắc Kỳ. 


Hình 29: Khánh Ký (trước cổng ở giữa mặc tây phục áo đen) và các thợ ảnh làng Lai Xá


Hình 30: Khánh Ký – Đám tang Phan Châu Trinh, Saigon 1926.

Ông có trong Ủy ban tổ chức lể an táng Phan Châu Trinh (*) ở Saigon năm 1926. Bộ ảnh tang lễ cùng quang cảnh Saigon lúc đám tang là do Khánh Ký thực hiện. Năm 1932, ông sang Nhật có tiếp xúc với những người trong phong trào Đông Du lúc trước, khi về nước ông cổ xúy cho phong trào và bị Pháp bắt với tội liên hệ với Cường Để và các thế lực thân và phục vụ Nhật. 


Hình 31: Quảng cáo cơ sở nhiếp ảnh của ông Khánh Ký ở Saigon vào thập niên 1930


Hình 32: Những người múa, danseuses – Góc ảnh có ghi hàng chữ nổi “Khanh Ky et Cie, 54 Bd Bonnard Telephone No. 410”.

Cơ sở thương mại của ông sau đó bị phá sản. Ông Khánh Ký trở lại Pháp vào năm 1934, tiếp tục kinh doanh trong nghề ảnh và mất ở Pháp năm 1946. Ông Hồ Chí Minh khi qua Pháp dự hội nghị Fontainebleau vào năm 1946 đã có đến viếng thăm mộ Khánh Ký, người đã giúp đỡ Hồ Chí Minh trong những ngày khó khăn tìm việc ở Paris khi mới đến Pháp.

Gabriel Auguste Paullussen

Bộ hình dưới đây (trong đó có chụp hình Thống tướng Joffre đi đến Chợ Lớn trước trạm điện tín nối Đông Dương với Marseille) là do nhà nhiếp ảnh Auguste Gabriel Paullussen chụp năm 1921. Trong hình là văn phòng studio "Saigon-photo" của ông ở số 10 Boulevard Charner (nay là đường Nguyễn Huệ). Ông Paullussen mướn 1 người Hoa và 5 người Việt làm việc cho studio của ông

Ông nối nghiệp nhà nhiếp ảnh George Victor Planté mà văn phòng ở cùng địa chỉ như trên. Ông Planté đã có nhiều bộ ảnh "carte postale" Saigon nổi tiếng trước đó. Sau khi ông Planté mất vào năm 1921, ông Paullussen nối nghiệp.

Năm sinh và ngày mất của Paullusen cũng như cuộc đời và sự nghiệp của Pallussen không được biết rõ so với các nhà nhiếp ảnh khác. Trong bộ sưu tập nhiếp ảnh và lịch sử ảnh của nhà nhiếp ảnh và nhà sáng chế nghệ thật ảnh Gabriel Cromer, hội viên của hội đồng quản trị “Société Française de la Photographie” có còn giữ bức thư của Paullussen gởi Cromer khen một sáng chế của Cromer (bộ sưu tập này hiện nay thuộc bảo tàng nhiếp ảnh của công ty Kodak, George Eastman House). 


Hình 33: Gabriel Paullussen – “Saigon-photo", số 10 Boulevard Charner 

 

Hình 34: Gabriel Paullussen – Thống tướng Joffre; Chợ Lớn, trước trạm điện tín nối Đông Dương qua Marseille tới Tour Eiffel.

Martin Hürlimann (1897-1984)

Hürlimann là nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Thụy Sĩ. Ông đi nhiều vùng trên thế giới trong những thập niên 1920, 1930, 1940 và chụp những bức ảnh đền đài, cung điện, cảnh vật, tác phẩm văn hóa tại nhiều thành phố, di tích ở Âu châu, hay ở Tích Lan, Miến Điện, Siam (Thái Lan), Cam Bốt, Trung Kỳ, Bắc Kỳ… Ông dùng máy ảnh hiệu Sinclair và phim của hãng Kodak. Những bức ảnh của ông sau đó thường được chuyển sang bảng đồng theo phương pháp “photogravure” dùng để in ra thành các bộ sách nhiếp ảnh rõ, đẹp và nghệ thuật. Ngày nay những bức ảnh của ông chụp vào đầu thế kỷ 20 rất có giá trị nghệ thuật được ưa chuộng ở nhiều nước Âu châu.

Cũng như các bộ ảnh về các nước Âu châu, bộ ảnh album của ông về Á châu và Đông Dương có tựa đề “Ceylan et l’Indochine: Architecture, paysages, scenes populaires” (Paris, 1930). Các ảnh chụp đa số về các tháp, tượng, cảnh ở Angkor, Chieng Mai, Lamphun, Bangkok, Phnom Penh, Champa (Trung kỳ) và Bắc Kỳ. Nhiều nhất ở Việt Nam, là ảnh các tháp, tượng cảnh trí của vương quốc xưa Champa. 


Hình 35: Martin Hürlimann – 1926, Annam Tháp đồng (tức tháp Cánh Tiên) ở giữa di tích thành Trà Bàn (Đồ Bàn) – Photogravure,ảnh từ bảng khắc đồng được chế từ ảnh âm hay dương của phim chụp. 

 

Hình 36: Martin Hürlimann, 1926, Annam Champa Cha Ban – Tượng voi đá ở di tích thành Trà Bàn


Bài biên khảo này tìm hiểu lịch sử nhiếp ảnh tại Việt Nam từ khi kỹ thuật nhiếp ảnh ra đời và phổ thông vào giữa thế kỷ 19 ở Âu châu... cho đến các thập niên đầu thế kỷ 20 khi các nhiếp ảnh gia người Việt bắt đầu xuất hiện.

Alexandre Francis Decoly

Ông Decoly có xuất bản các hình ảnh ở Saigon từ năm 1905 đến 1924. Ông biên tập các ảnh cartes postales, và trú ngụ ở số 10 đại lộ Charner cùng chỗ với nhà nhiếp ảnh Planté. Decoly và Planté là hai người cùng thời nhưng ông Decoly không phải là nhà nhiếp ảnh mà chỉ là một nhà thương mại. Một vài ảnh cartes postales có ký hiệu tháp ngôi chùa (pagode) ở góc ảnh là của công ty ông Decoly, sau đó ngôi chùa trở thành thương hiệu "Edition La Pagode Saigon". Theo niên giám Đông Dương 1910 thì Decoly cư trú tại số 36 đường Legrand de la Liraye, “Decoly, employé de commerce” (nay là đường Điện Biên Phủ)

Ông biên tập và in ảnh đen trắng và màu. Ông có in ảnh về nước Lào, đặc biệt là các ảnh của ông Raquez, cũng như ảnh về Cam Bốt và tất cả các nơi khác ở Đông Dương. Trong những năm đầu, có thể là các ảnh cartes postales có ký hiệu A.F.D. là những ảnh của Decoly. Ở những ảnh xuất bản tương đối mới hơn, đằng sau có ghi: B.Frey et Cie., Saigon et Phnom-Penh (1920-1924).

Ảnh của Decoly vẫn còn được bán cho đến các năm đầu của thập niên 1930, nhưng địa chỉ số 10 đại lộ Charner sau năm 1922 không còn là phòng ảnh nữa mà là trụ sở của công ty "Compagnie commerciale et industrielle de l'Indochine", nên ta có thể cho rằng những ảnh cartes postales này là những ảnh cuối cùng của Decoly. 

 

Hình 37: Alexandre Decoly - Bồn nước Saigon, nay là Hồ con rùa


Hình 38: Palais du Gouvernement de la Cochinchine - Dinh thống đốc Nam Kỳ (trước đó là Palais de Lieutenant-Gouverneur - Dinh phó sứ). Ngày nay là Viện Mỹ Thuật thành phố. Cổng gác ở cửa ra vào và hai tượng hai bên cửa vào dinh không còn. (“Edition La pagoda Saigon” của Alexandre Francis Decoly) 


Hình 39: Những người "mọi" ở cao nguyên Lang Bian - Di Linh (“Edition La pagode Saigon” của Alexandre Francis Decoly). Những người trong hình có lẽ là người Mnong, thuộc hệ ngôn ngữ Mon-Khmer. Họ hiện diện nhiều ở Lâm Đồng, Dak Lak


Hình 40: Chùa người Hoa ở Chợ Lớn. Có thể đây là chùa Bà Thiên Hậu và Hội quán Tuệ Thành của bang Quảng Đông (“Edition La pagode Saigon” của Alexandre Francis Decoly)

Poujade de Ladevèze

Ông Poujade de Ladevèze được biết đến qua các hình ảnh Saigon từ 1908-1922 với bộ sưu tập "Collection Poujade de Ladevèze". Poujade de Ladevèze có tên trong niên giám các địa chỉ thương mại ở Saigon năm 1922, kế tục thương gia C. David, sản xuất ảnh cartes postales rất sớm và đặc biệt bằng màu.

Ông Poujade de Ladevèze chắc chắn cũng không phải là nhà nhiếp ảnh; ông thâu thập nhiều ảnh mà ông in ra nhưng không bao giờ ghi tên tác giả thực sự của các ảnh này (1). Niên giám Đông Dương năm 1909 (25) ghi như sau: Poujade de Ladevèze, 7 rue Vannier, commerçant (số 7 đường Vannier tức Ngô Đức Kế ngày nay và làm nghề buôn bán) và niên giám năm 1910 ghi địa chỉ là 173bis rue Catinat, marchand (cũng là nghề buôn). 


Hình 41: Câu lạc bộ sĩ quan – nay là trụ sở của Ủy ban nhân dân quận 1 (Collection Poujade de Ladevèze) 

 

Hình 42: Hình trạm hai rồng (song long) với ngọc ở trong sân trước cửa đền chùa Bà Thiên Hậu trong Chợ Lớn (Collection Poujade de Ladevèze)

Ludovic Crespin (1873-?)

Ludovic Crespin là nhà nhiếp ảnh có cơ sở, gọi là “Photo studio”, tại số 136-138 rue Catinat (đường Đồng Khởi ngày nay) vào năm 1910. Trước đó, số 136 rue Catinat là của bà Verray, một nhà nhiếp ảnh nghệ thuật, mà trong niên giám Đông Dương 1908 và 1909 có ghi như sau: “136 rue Catinat, Mme Verray, photographe artistique”. Như vậy có lẽ bà Verray đã sang lại cơ sở nhiếp ảnh này cho ông Crespin.

Sau thế chiến thứ nhất, ông sở hữu thêm một phòng phim ở số 10 Boulevard Charner. Điều này có nghĩa là có thể ông đã mua lại cơ sở của nhà nhiếp ảnh Pestel (trước đó) và Planté (sau này). Vì vậy có thể ông sở hữu các di sản của nhiều nhà nhiếp ảnh, kể cả các ảnh của ông Pestel. Điều này giải thích nhiều sản phẩm rất phong phú và đa dạng mà ông phát hành sau này. Ông tự biên tập nhiều ảnh cartes postales nhưng ông cũng mướn nhiều người, trong đó có Joseph Brignon, người biên tập trong những năm 1925-1930 một bộ cartes postales.

Ông Crespin cũng xuất bản các sách in lại các ảnh đã có, như bộ ảnh về thành phố Chợ Lớn năm 1909. Năm 1921, Crespin chụp buổi lễ hạ thủy tàu hơi nước “Albert Sarraut” do toàn quyền Maurice Long chủ tọa. Ông xuất bản bộ ảnh tên là “Souvenir de Cochinchine et du Cambodge”, do Phòng Thương mại Saigon biên tập, trong đó có các ảnh của thống tướng (marechal) Joffre khi ông này viếng Đông Dương chính thức vào năm 1923. Sau đây là vài hình trong bộ ảnh “Souvenir de Cochinchine et du Cambodge” 


Hình 43: Ludovic Crespin - Saigon đầu thập niên 1920: Place de l'hôtel de ville, boulevard Bonnard, boulevard Charner. Quảng trường tòa đô chính, góc đại lộ Bonnard (Lê Lợi) và Charner (Nguyễn Huệ). Chính giữa đường Lê Lợi là công viên, và có tượng của Francis Garnier nhìn về phía nhà hát thành phố. Bên phải hình là tiệm “Auto-Hall” bán các loại xe hơi. Bên trái hình là nhà hàng Pancrazi mở đến tối khuya. Những người kéo xe, phía phải hình, đang nhìn về phía người chụp ảnh (Crespin). 


Hình 44: Ludovic Crespin - Saigon đầu thập niên 1920: Rond point entre le boulevard Charner et le boulevard Bonnard. Vòng xoay giữa đại lộ Nguyễn Huệ (Charner) và đại lộ Lê Lợi (Bonnard). Giữa vòng xoay là vòng bệ nơi chiều thứ bảy, có đoàn nhạc chơi nhạc giao hưởng hay quân nhạc chơi kèn giải trí cho dân chúng. Người Việt gọi ngã tư này là ngã tư “Bồn Kèn”. Để ý xe buýt chở khách giữa hình và trên đầu xe có biển quảng cáo coiffre-art “Le Gaulois”. Bên phải hình là “auto-hall” nơi bán các loại xe hơi (kể cả xe hãng Citroen) và garage xe. Đối diện với “auto-hall”, bên kia đường là nhà hàng Pancrazi (*). Đằng xa phía trái hình là tòa thị sảnh.

Crespin và vợ cũng là chủ đồn điền cao su ở Tam May (Biên Hòa). Do ông Crespin là giám đốc xưởng nhiếp ảnh và có nhiều kinh nghiệm hoạt động từ nhiều năm, nên nghị viên đại diện Nam Kỳ ở Quốc hội Pháp, ông Ernest Outrey năm 1921 có đề nghị ông Crespin là người có trách nhiệm trưng bày và truyền bá những hình ảnh ở Nam Kỳ trong Hội chợ các xứ thuộc địa ở Marseilles năm 1922.

Mặc dù được sự ủng hộ của Phòng thương mại Saigon, Hội đồng quản hạt, Hội đồng thành phố Saigon và mặc dù tất cả chi phí ông Crespin sẽ bỏ ra cho các hình ảnh phóng lớn, các bộ ảnh, cũng như sẽ phân phát miễn phí 1 triệu ảnh cartes postales ở hội chợ; nhưng có sự ngần ngại và chống đối trong chính quyền và Bộ thuộc địa ở Pháp về tư cách ông Crespin đại diện chính thức thay thế cơ quan Sở nhiếp ảnh và phim ở Đông Dương (Service photo-cinématographique de l’Indochine).

Tuy không được đại diện tổ chức trưng bày hình ảnh, nhưng năm 1922, ông cũng có mặt với tư cách cá nhân ở Hội chợ triển lãm Marseilles và có bộ 16 hình ảnh tổng quan về lục tỉnh đặt trong trong nhà triển lãm Nam Kỳ. Theo ông thị trưởng thành phố Saigon thì Crespin là nhà nhiếp ảnh duy nhất có một bộ sưu tập đầy đủ tất cả những tòa nhà, tượng và những địa điểm đầu tiên xưa nhất của thành phố.

Chú thích:

(*) Theo ông Vương Hồng Sển thì nhà hàng Pancrazi này là một trong bốn nhà hàng ở gần ngã tư đường Nguyễn Huệ và Lê Lợi, và ông đã tả như sau: “Góc Bồn Kèn tứ diện có bốn nhà hàng rượu tây, ăn khách từ sáu giờ chiều đến hai giờ khuya, sau dẹp dần chỉ còn lại quán Pancrazi là giỏi chịu đựng nhứt. Quán Café de la musique ở góc đường Tự Do và Lê Lợi ngang Nhà Hát Tây, năm 1905 sang cho lão quán Pancrazi, kế biến thành nhà thuốc tây Solirène, rốt lại là nhà bán kem Givral”. Ông và bà Pancrazi còn là chủ khách sạn Grand-Hôtel des Nations ở 104-106 Boulevard Charner trên lầu ở ngay tại nhà hàng này.     


Bài biên khảo này tìm hiểu lịch sử nhiếp ảnh tại Việt Nam từ khi kỹ thuật nhiếp ảnh ra đời và phổ thông vào giữa thế kỷ 19 ở Âu châu... cho đến các thập niên đầu thế kỷ 20 khi các nhiếp ảnh gia người Việt bắt đầu xuất hiện.

Fernand Nadal

Ông Nadal là người Ả Rập, sinh ở Algérie (Hussein-Dey năm 1898 ? hay El Affroun năm 1902?). Ông Nadal đến Đông Dương trong năm đầu của thập niên 1920. Năm 1921, thì ông trú ngụ ở số 150 đường Catinat, Saigon. Có thể ông là người Algérie đầu tiên đến và lập nghiệp ở Saigon.

Một vài ảnh của ông được đăng trong báo "Le Monde colonial illustré" giữa các năm 1929 và 1931, và chính phủ toàn quyền ở Đông Dương cũng dùng ảnh của ông. Ông thực hiện nhiều phóng sự ảnh chính thức cho chính quyền Pháp ở Nam Kỳ như ảnh của trung đoàn 11 bộ binh thuộc địa, các tòa nhà công sở, tượng đài ở Saigon.

Trong các địa chỉ thương mại ở Saigon năm 1922, cơ sở của ông là nơi chụp hình, bán các dụng cụ và phụ tùng nhiếp ảnh. Ông Nadal mướn một người Âu và 6 người Việt cho công ty ông. Ông làm việc nhiếp ảnh có lúc cho chính quyền, còn lúc khác thì chụp hình cho các chủ những biệt thự, cho các khách sạn ở các nơi du lịch như Angkor, chụp những loạt hình quảng cáo cho các thương gia ở Saigon. Ngoài ra ông còn in các album ảnh, các cartes postales, và là chủ một cơ sở nhiếp ảnh ở Phnom Penh tương tự như ở Saigon. 


Hình 45: Fernand Nadal, trong “album Nadal” năm 1926 – Rue de Canton. Đường Canton (nay là Triệu Quang Phục), hình này cũng có in lại trên carte postale. Có lẽ đây là ngày lễ quốc khánh của Cộng hòa Trung quốc (10 tháng 10). Ở đầu đường và cuối đường có cổng chào mừng, trên cổng có đề hàng chữ “cung chúc dân quốc vạn tuế” (*). Bên phía trái cổng, có treo cờ “tam tài” của Pháp.

Ông có chụp ảnh những cơ sở kỹ nghệ thương mại lớn ở Saigon và vùng phụ cận, và trong năm 1923-1924 các ảnh "La Bien-Hoa Industrielle" của công ty gỗ “La Société forestiere”, lúc đó có độc quyền xuất khẩu gỗ ở Đông Dương. Năm 1930, ông làm phóng sự ảnh cuộc viếng thăm chính thức của thống đốc Philippines (lúc này vẫn còn là thuộc địa của Mỹ), ông Dwight Davis, ở Hà Nội.

Năm 1935, các ảnh cartes postales của ông đề địa chỉ là số 120 đường Catinat. Trong những năm của thập niên 1950, ông vẫn còn sản xuất in các cartes postales.

Võ An Ninh (1907-2009)

Võ An Ninh, tên thật là Vũ An Tuyết, sinh ngày 16 tháng 6 năm 1907 tại phố Hàng Gai, Hà Nội. Ngay từ hồi còn trẻ, Võ An Ninh đã mê chụp ảnh. Đạp xe đạp khắp Hà Nội chụp ảnh. Dưới thời Pháp thuộc, ông làm phóng viên nhiếp ảnh của Sở Kiểm Lâm. Năm 1935, bức ảnh “Buổi sáng trên đê sông Hồng” đoạt Giải ngoại hạng trong cuộc thi do Hội khuyến khích Mỹ thuật và Kỹ nghệ Việt Nam SADAEI (Société Annamite d’encouregement à l’Art et l‘Industrie) tổ chức. Năm 1938, ảnh “Đẩy thuyền ra khơi” được giải thưởng ngoại hạng triển lãm ảnh Paris – Pháp.

Võ An Ninh đi khắp mọi miền đất nước Bắc-Trung-Nam để chụp ảnh với cái camera của Đức hiệu Zeiss Ikon (1928) và ngay mãi tới gần cuối đời (2000) ông vẫn dùng độc chiếc máy này trong tay với phim đen trắng.

Ở Hà Nội, ông có nhiều ảnh nổi tiếng về Hồ Gươm như Hồ Gươm buổi sương mai (1935), Hồ Gươm trong bốn ảnh "Hà Nội bốn mùa". Ngoài ra ông có những bức ảnh gợi nhớ về Hà Nội của những ngày thanh lịch xa xưa: Trong vườn si đền Voi Phục (1942), Gió nồm (Đê sông Hồng, 1948), Nhớ xưa (1944), Cúc Nghi Tàm (1956), Thiếu nữ Hà Nội (1960), Bậc đá đền Voi Phục (1956), Chùa Láng (1941), Cụ đồ viết câu đối Tết (1940), Tranh Tết làng Hồ (1941), Phố Hàng Buồm (1940), Mái nhà cổ phố Hàng bạc (1956), Cửa Ô Quang Chưởng (1940), Gò Đống Đa (1942), Lầu Khuê Văn và bia Tiến sĩ ở Văn Miếu (1945), Bình Minh trên bãi Phúc Xá (1944), Xe tay ngoại thành (1935), Thu hoạch vụ chiêm (1935), Đông về (Từ Liêm, 1935), Bến thuyền cầu đất (1935), Chợ bán nồi đất (Bưởi, 1935), Chợ Đồng Xuân (1956), Sen Tây Hồ (1941),


Hình 46: Võ An Ninh - Chiều hè ở Hồ Tây, Hà Nội (1954). Lúc này khu vực Hồ Tây vẫn còn hoang vắng. Các thiếu nữ mặc áo dài đi hóng mát vào buổi chiều hè. Một nét thanh lịch của Hà Nội đầu thập niên 1950.

Một số những bức ảnh nghệ thuật ở Saigon có giá trị về nghệ thuật và tư liệu xã hội như "Chợ bến thành và bến xe thổ mộ" (1949), "Cụ đồ viết câu đối Tết" (Saigon, 1950), "Lăng ông ngày tết" (1952), "Nhà thờ Hồi giáo" (1950), "Khói hương chùa Bà, Chợ Lớn" (1953), “Thiếu nữ Saigon” (1951), “Qua Cầu” (Thủ Đức, 1953), "Lẻ loi" (1941), "Sóng đôi" (1942), "Vườn Tầm Vông ngoại thành" (1950), "Ngày xá lợi" (1951), "Đêm phục sinh" (1950), "Bình minh trên sông" (1952).

Một bộ tư liệu quí giá khác trong bộ sưu tập ảnh của cụ là những cảnh trong nạn đói năm Ất Dậu 1945 mà cụ ghi lại như một chứng nhân những gì mà thực dân Nhật-Pháp đã gây nên ở miền bắc nước ta. Cảnh người chết đói ở đường phố Hà Nội, trên đường từ các tỉnh (mà nặng nhất là Thái Bình) vào thủ đô, xác người đầy hốt trên xe đẩy. Đây là bộ sưu tập duy nhất và đầy đủ ở Việt Nam về nạn đói năm 1945.

Pierre Verger (1902-1996)

Người gốc Bỉ-Hòa Lan, Pierre Verger, sinh năm 1902 ở Paris, và mất năm 1996 ở Salvador (Ba Tây), nơi ông định cư và được ông xem như là quê hương thứ hai của mình. Ông là nhà nhiếp ảnh và dân tộc học nổi tiếng và là một trong những người sáng lập ra “Alliance Photo” năm 1935 ở Pháp, một tổ chức của các nhà nhiếp ảnh tự do, trong đó có những nhà nhiếp ảnh huyền thoại sau này như Henri Cartier-Bresson, Pierre Boucher và Robert Capa.

Bị đuổi học lúc 17 tuổi vì thiếu kỷ luật, ông làm việc trong cơ sở thương mại in ấn của gia đình, nhưng lúc nào ông cũng cảm thấy nhàm chán. Sau khi ông được Pierre Boucher giới thiệu về nghệ thuật nhiếp ảnh vào năm 1932, ở tuổi 30, ông cho rằng mình chỉ sống đến tuổi 40 nên ông quyết định sống một cuộc đời đầy hứng khởi, tận hưởng mỗi phút giây trong cuộc sống. Cũng năm này, mẹ ông mất, ông và nhà nhiếp ảnh Pierre Boucher đã đi bộ toàn bộ chu vi đảo Corse dài 1500 km để chụp ảnh và suy nghĩ về cuộc sống.

Sau đó, ông rời Pháp đi khắp thế giới chụp ảnh với chỉ rất ít đồ trong va ly và máy ảnh Rolleiflex. Ở Nhật (1934) và kế đó Trung Hoa, ông chụp nhiều hình ảnh ở Kyoto, Nara, Tokyo, Bắc Kinh, Thượng Hải, Sán Đầu, Hồng Kông, Nam Kinh,... Ông đạp xe đạp khắp các nước Pháp, Tây Ban Nha, Ý và vượt sa mạc Sahara bằng lạc đà đến vùng mà ngày nay là các nước Mali, Burkana Faso, Niger, Benin. Ở đây ông chụp ảnh và có liên hệ sâu đậm với sắc dân Yoruba, đây là khởi đầu của sự đam mê của ông về văn hóa Phi châu da đen.

Ông viếng Mỹ, Mexico và các đảo ở Trung Mỹ. Và trong dịp thứ hai băng qua Liên Xô đến Trung Hoa, ông đã chứng kiến và chụp hình ảnh cuộc chiến tranh Trung-Nhật (1937). Sau đó ông đến Đại Hàn, Phi Luật Tân và đến Đông Dương (1938). Ông chụp nhiều hình về con người cảnh sinh hoạt ở Saigon, Hà Nôi, Ban Mê Thuột, Hội An, Huế, Đà Nẵng, Kontum, Pleiku, Mỹ Sơn, Nha Trang, Qui Nhơn, Lai Châu, Mộc Châu, Hòa Bình... nhiều hình ảnh ở Cam Bốt như Angkor, Phnom Penh, Battambang, ở Thái Lan, và ở Lào (Vietiane, Luang Prabang, Savanakhet).

Trong lúc ở Đông Dương năm 1938, vẫn còn lo nghĩ là mình chỉ sống đến 40 tuổi và tính lại là chỉ còn 1500 ngày nữa để sống. Ông vội đi mua ngay một dây thước dài đúng 1.5 mét. Quyết định là mỗi ngày ông sẽ cắt đi 1 mm để nhắc nhở là khi dây thước hết cũng là lúc mình không còn trên cõi đời này nữa. Và khi dây thước càng gần hết thì phải quyết sống cho mỗi ngày thật trọn, kích thích mình phải làm gì hay nhất, đam mê, sáng tạo và hữu ích nhất trong mỗi giây phút còn lại (23). Ông là người tự học, đọc nhiều và ham muốn học hỏi chìm sâu vào nhiều vấn đề và trở thành chuyên gia về phim, ảnh, âm nhạc, lịch sử, nghệ thuật, dân tộc học... Sau này các nhà nghiên cứu xem ông là ‘”l’homme de Renaissance” (người của thời Phục Sinh, biết và tìm hiểu mọi vấn đề tri thức).

Các hình ảnh của ông không những có giá trị nghệ thuật mà còn mang nhiều thông tin về con người, phong tục ở các xứ sở ông đến. Ông có những triển lãm và hợp tác nhiều lần với Viện bảo tàng Con người (Musée de l’Homme) ở Paris từ những năm của thập niên 1930 đến thập niên 1980.


Hình 47: Saigon (1938) – Nguồn Pierre Verger Foundation 


Hình 48: Saigon (1938) – Nguồn Pierre Verger Foundation


Hình 49: Ban Mê Thuột (1938) – Người Rhadé – Nguồn Pierre Verger Foundation

Sau Đông Dương, năm 1939 ông đến Trung Mỹ (Mexico, Guatemala) và khi chiến tranh thế giới thứ hai xảy ra, ông trở lại Dakar (Phi châu) qua các nước Nam Mỹ (Peru, Brazil, Argentina, Bolivia) nhập ngũ vào quân đội trong đội nhiếp ảnh. Tại đây ông gặp Théodore Monod, giám đốc Viện nghiên cứu Phi Châu da đen của Pháp (Institute Francais de l’Afrique Noir, IFAN) và từ đó say mê nghiên cứu một tôn giáo Phi châu - Ba Tây đặc biệt của người da đen thuộc sắc dân Yoruba ở Tây Phi và Ba Tây (Bahia, Salvador, Sao Paulo) gọi là Condomblé khi họ di dân qua Nam Mỹ.

Giải ngũ, ông trở lại Nam Mỹ và làm nhiếp ảnh (1942-1946) cho Viện bảo tàng quốc gia ở Lima (Peru). Ở Peru, cũng chính là lúc đoạn milimét cuối cùng của thuớc dây “đời sống” của ông hết, lúc ấy ông đọc quyển “The Importance of Living” (Sự quan trọng của cuộc sống) của nhà văn và triết gia Lâm Ngữ Đường (Lin Yu Tang). Lâm Ngữ Đường đã thay đổi tư duy của ông về tiếp tục cuộc sống. Ông trở thành chuyên viên về văn hóa Phi Châu - Ba Tây và định cư ở Salvador. Ông dạy ở các đại học Ba Tây và năm 1971 là Giám đốc nghiên cứu Phi châu ở Trung tâm nghiên cứu quốc gia Pháp (CNRS) (24). Mặc dầu không được biết tiếng nhiều ở Pháp, nhưng ông là người trở thành huyền thoại trong giới nghiên cứu và người dân ở Salvador, Bahia và Tây Phi, nhất là từ khi ông mất. Vào đạo của người Yoruba, ông có tên là “Fatumbi”, và trong đạo Ifa, ông có chức vụ cao “Babalawo” (“cha của bí mật”) mang trọng trách không bao giờ tiết lộ bí mật của đạo cho người ngoại đạo.

Pierre Fatumbi Verger cũng là một nhà nhiếp ảnh huyền thoại với hơn 65,000 tấm ảnh quí giá chụp ở khắp nơi trên thế giới vào thế kỷ 20.

Tổng Luận

Bài này chỉ nêu lên sơ lược về lịch sử nhiếp ảnh và sự cống hiến về tư liệu của các nhà nhiếp ảnh ở Việt Nam vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Họ là các nhà nhiếp ảnh Pháp, Hoa, Việt và các nước khác; chỉ với mục đích ban đầu là say mê nhiếp ảnh và sống với nghề chụp ảnh nhưng những gì họ để lại là những tư liệu không những có giá trị nghệ thuật, như đa số họ ước muốn, mà còn có giá trị lịch sử, văn hóa và xã hội mà hiện nay chúng ta chưa khai thác hết.

Tác giả bài biên khảo này cho rằng còn có rất nhiều tư liệu ảnh rải rác ở các sưu tập tư nhân nhiều nơi trên thế giới cũng như các kho ảnh như kho ảnh của Pháp ở “Archives nationales d’outre mer” (ANOM) hay ở Việt Nam hiện nay chưa được để ý đến đúng mức. Một viện bảo tàng nhiếp ảnh nếu được thành lập ở Việt Nam sẽ là nơi hội tụ các tư liệu ảnh mà các nhà sưu tập tư nhân có thể đóng góp sẽ rất bổ ích cho các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước về những vấn đề và đề tài lịch sử, văn hóa và xã hội ở Việt Nam vào thế kỷ 19 và 20.

Chú thích:

(*) Lúc này trong Chợ Lớn người Hoa (trừ người Minh Hương) được coi là ngoại kiều và có các chi nhánh của Quốc Dân đảng hoạt động công khai. Thời này, đường Triệu Quang Phục là một trong những trung tâm thương mại ở Chợ Lớn, người Hoa ở đây đa số là gốc Quảng Đông. Góc đường Triệu Quang Phục và Nguyễn Trãi (rue de Cay-mai) có chùa Bà Thiên Hậu, một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Chợ Lớn, và cũng là Hội quán của bang Quảng Đông (Tuệ Thành Hội quán).
















































Nhận xét