CÁC NGUYÊN-NHÂN KHIẾN PHÁP CAN THIỆP VÀO VIỆT-NAM

 

Cho đến giữa thế-kỷ XIX, các vị vua nhà Nguyễn đã cố gắng giảm-thiểu đến mức tối-đa các sự tiếp xúc giữa nước Việt-Nam và Tây-phương; chính-phủ cố ý hạn chế các hoạt-động của các nhà truyền-giáo và các thương-gia Tây- phương trên lãnh thổ Việt-Nam. Vì thế, mức độ của các sự bang-giao với các quốc-gia Tây-phương trong tiền-bán thế-kỷ XIX trở nên thấp kém rõ rệt, so với hai thế-kỷ XVII và XVIII, khi mà các thương điếm của các Đông-Ấn công-ty Hòa-Lan, Anh hay Pháp được tự do hoạt động tại vài đô thị Việt-Nam, và các giáo-sĩ Dòng Tên được tiếp đón cả ở Kinh-kỳ Thăng-Long hay Huế.

Tuy nhiên, trong giai đoạn này, các chính-phủ của các quốc-gia Tây-phương nhiều lần đã ngỏ ý muốn thiết lập bang-giao với Việt-Nam, nhất là chính-phủ Pháp. Sau khi tình hình chính-trị ổn định tại Âu-châu, chính-phủ Pháp đã cố gắng trong khoảng thời gian từ năm 1817 đến 1831 liên lạc với vua nhà Nguyễn, với mục đích khuyến khích triều-đình Huế giao-thiệp với người Pháp. Vào lúc Tây-phương muốn kiểm tra thị trường Viễn-Đông, chính-phủ Pháp mong được triều-đình Huế hiến cho người Pháp đặc quyền buôn bán tại Việt-Nam. Song triều-đình Huế đều bác bỏ các đề nghị thông thương của Pháp:

  • Năm 1817, vua Louis XVIII phái thuyền-trưởng A. de Kergariou điều khiển tàu Cybèle mang quốc-thư tới Việt-Nam, nhưng A. de Kergariou không được vua Gia-Long tiếp.
  • Năm 1822, một vị đặc-sứ khác của chính-phủ Pháp lại được phái tới Việt-Nam, Courson de la Ville-Hélio. Lần này, vua Minh-Mạng cũng không cho viên đặc-sứ ấy vào triều yết.
  • Năm 1831, vua Pháp Louis-Philippe cử thuyền-trưởng Laplace tới Đà-Nẵng với một sứ-mạng tương tự với sứ-mạng của các vị đặc-sứ mà Pháp đã phái đến Việt-Nam trước kia; cũng như các vị đặc-sứ trước, Laplace không thành công trong việc thiết lập sự thông thương vì triều-đình Huế bác bỏ mọi cuộc điều đình. Cả đến lãnh-sự-quán mà Pháp được phép đặt ở Huế từ năm 1821 do Jean-Baptiste Chaigneau, rồi Eugène Chaigneau điều khiển, cũng phải đóng cửa vào năm 1829. Sau sự thất bại của Laplace vào năm 1931, chính-phủ Pháp phải từ bỏ mọi ý định lập mối bang-giao chính thức với Việt-Nam.

Sau năm 1831, chính-phủ Pháp ít để ý đến Việt-Nam mặc dầu còn hiện diện tại đây một số cố-đạo thuộc Hội Ngoại-quốc truyền-giáo. Các nhà truyền-đạo này phải lẩn tránh vì triều-đình Huế bắt đầu có một thái độ nghiêm khắc hơn đối với sự truyền-bá đạo Thiên Chúa. Năm 1833, vua Minh-Mạng cho ban hành một đạo dụ cấm Thiên-chúa giáo, và vào tháng 7 năm đó, cố-đạo Gagelin bị xử tử vì đã không tuân theo lệnh nhà vua. Chính-sách đàn áp tín đồ Thiên-chúa giáo trở nên khắc nghiệt hơn sau vụ nổi loạn của Lê Văn Khôi ở Gia-Ðịnh, vì số giáo-dân hưởng ứng cuộc nổi loạn này rất đông đảo, và một cố-đạo người Pháp, Marchand, bị nghi ngờ là đã nhúng tay không ít vào âm mưu làm loạn của Lê Văn Khôi. Một dụ cấm đạo mới được ban hành ngày 6-1-1836; năm 1837 và 1838, có hai chiến-thuyền Pháp ghé bến Đà-Nẵng, nhưng triều-đình không cho phép các thuyền-trưởng tiếp xúc với các nhà truyền-đạo cũng như với giáo-dân.

Trước thái độ cứng rắn của triều-đình Huế, trong giới sĩ-quan hải-quân Pháp am hiểu tình hình Viễn-Đông đã có người phát biểu ý kiến can thiệp bằng vũ-khí ở Việt-Nam: ngay trong năm 1838, một sĩ-quan hải-quân Pháp là Fourichon đã đề nghị đem một hạm-đội nhỏ tới chiếm hải-cảng Đà-nẵng. Nhưng những đề nghị này không phù hợp với chính-sách đối ngoại của nước Pháp khi bấy giờ. Ngoại-trưởng Pháp, Guizot, cho đến năm 1848 theo đuổi mục đích khôi phục lại cho nước Pháp địa vị một cường quốc tại Âu-châu; muốn đạt được mục đích ấy Guizot cho rằng cần phải liên minh với Anh quốc. Vì thế, nước Pháp không thể làm mất lòng Anh-quốc bằng cách bành trướng thế lực tại Á-Ðông được.

Tuy nhiên, Chiến-tranh Nha-phiến mở rộng thị-trường Trung-Hoa cho nền thương-mãi Tây-phương, và người Pháp cũng được quyền buôn bán tại các thương-khẩu Trung-Hoa kể từ 1844 trở đi. Chính phủ Pháp mới thấy cần có một căn cứ trong miền Nam-Hải để làm điểm dựa cho thuyền bè Pháp trên các đường biển miền Thái-bình-dương. Năm 1844, Guizot phái thượng-tướng Cécille và đặc-sứ Lagrenée sang Trung-Quốc; các phái viên này còn được giao phó sứ-mệnh tối mật là tìm cho Pháp một căn cứ ở Á-Ðông sẽ hiến cho nước Pháp những lợi ích chiến-thuật và thương-mãi y như căn-cứ Tân-Gia-Ba của Anh hay Macao của Bồ-Ðào-Nha. Nhưng, vì không muốn gây rắc rối với Anh-Quốc, Guizot chỉ thị cho Cécille là không được động tới Việt-Nam. Do đó, lực-lượng hải-quân điều khiển bởi Cécille đã chiếm đảo Basilan, một đảo nhỏ nằm giữa Bornéo và Phi-Luật-Tân. Song Tây-Ban-Nha phản kháng, nêu cớ Basilan thuộc Phi-Luật-Tân, và đòi Pháp phải rút quân ra khỏi đảo này. Được các nhà truyền-đạo cho biết rằng Pháp sẽ có một căn cứ hải-quân và sự truyền-giáo sẽ được tự do tại Việt-Nam, nếu chính-phủ Pháp chịu giúp vào việc khôi phục lại nhà Lê, Cécille đề nghị can thiệp tại Việt-Nam. Nhưng đề nghị này không được Guizot nghe theo, vì Ngoại-trưởng Pháp không muốn làm mất lòng Anh-Quốc vì bất cứ một cớ nào.

Chính-sách ngoại-giao của Guizot làm các sĩ-quan Pháp phục vụ tại Viễn-Ðông và các nhà truyền-đạo bất mãn nhiều, vì họ cho rằng chính-phủ Pháp không để ý đến họ và không điếm xỉa đến quyền lợi của Pháp-kiều tại Viễn-Ðông. Giáo-sĩ Douai đã so sánh hành động của nước Pháp với “một con chó chỉ đứng xa mà sủa chứ không dám cắn”. Dư luận quần chúng Pháp, sôi động vì sự ngược đãi giáo-dân bởi vua Minh-Mạng, ủng hộ ngày một nhiều các đòi hỏi của các nhà truyền-đạo. Kể từ khoảng 1840 trở đi, có một sự tuyên truyền ra mặt đòi hỏi chính-phủ Pháp phải can thiệp về mặt quân-sự tại Việt-Nam để giúp cho sự truyền bá đạo Thiên-Chúa; Hội Ngoại-quốc truyền-giáo góp phần vào công cuộc tuyên truyền này bằng cách cho phổ biến các tin tức do các cố đạo từ Việt-Nam gửi về Pháp ([2]).

Nhưng vua Thiệu-Trị mới nối ngôi vua Minh-Mạng có một thái độ ôn hòa hơn đối với các nhà truyền đạo Tây-phương. Nhà vua cho thả vài vị cố-đạo bị bắt, như giám-mục Lefèbvre, được thượng-tướng Cécille phái tàu tới Đà-Nẵng xin tha (tháng 6-1845). Nhà vua lại còn tỏ ý định sẽ cho thương-thuyền qua Âu-châu buôn bán, làm các nhà truyền-đạo tưởng rằng chỉ trong một thời gian ngắn nữa nhà vua sẽ bãi bỏ lệnh cấm đạo. Vì thế, giám-mục Lefèbvre lén lút trở lại Việt-Nam, coi thường luật lệ hiện hành; bị bắt lần thứ hai, Lefèbvre bị lên án tử hình. Thừa cơ hội này, thượng-tướng Cécille phái hai chiến-thuyền tới Đà-Nẵng không những để đòi chính-phủ Việt-Nam trả tự do cho giám-mục Lefèbrve, mà còn buộc chính-phủ Việt-Nam phải hiến cho các giáo sĩ quyền truyền-giáo rộng rãi. Những yêu sách quá đáng này làm vua Thiệu-Trị tức giận; nhà vua ra lệnh cho bao vây hai chiến thuyền Pháp. Nhưng, sau một giờ giao chiến, các chiến-thuyền Việt-Nam bị bắn chìm. Thái độ khiêu khích của các giáo-sĩ và các sĩ-quan hải quân Pháp đã làm mất tất cả mọi cơ hội hòa giải giữa Việt-Nam và Pháp: vua Thiệu-Trị ra lệnh xử tử ngay tại chỗ những người Âu bắt được trên lãnh-thổ Việt-Nam ([3]).

Sự thị uy của chiến-thuyền Pháp tại Đà-Nẵng cho thấy rõ nguy cơ đương đe dọa nước Việt-Nam. Các quan trong triều vua Tự-Đức mới kế vị vua Thiệu-Trị không phải là không ý thức được mối đe dọa ấy; trong các bản sớ tấu dâng lên nhà vua, nhiều người đã đề cập đến sự bành trướng thế lực của người Âu tại Viễn-Đông ([4]). Nhưng triều-đình đã không có một biện-pháp đối phó nào ngoài sự cấm đoán đạo Thiên-chúa ngặt nghèo hơn trước. Nhân vụ An-phong-công Hồng-Bảo mưu nghịch, tìm sự ủng hộ của các giáo-sĩ Âu-châu để đọat ngôi báu, vua Tự-Ðức nghi ngờ các nhà truyền-giáo nhúng tay vào đời sống chính-trị Việt-Nam  và cho công bố hai đạo dụ cấm đạo mới năm 1848 và 1851. Từ năm 1848 đến năm 1860, tại Bắc Việt-Nam, có đến 10 giáo-sĩ người Âu và khoảng 100 giáo-sĩ người Việt bị xử tử; tại Nam Việt-Nam, vào khoảng 15 giáo-sĩ ngoại-quốc và 20 giáo-sĩ người Việt bị giết. Hàng vạn giáo-dân bị tàn sát hay bị lưu đày.

Trong khi đó, sự thay đổi chính-thể tại Pháp đã đưa tới sự thiết lập nền Đệ-nhị Đế-chính (Second Empire) của Napoléon III, với sự ủng hộ của các đảng phái bảo thủ, nhất là phái công-giáo. Ảnh hưởng mạnh mẽ của phái công giáo đòi hỏi Napoléon III phải tự coi là người đứng ra bảo vệ quyền lợi của đạo Thiên-chúa ở Trung-Hoa cũng như ở Việt-Nam. Dần dần, chính-sách Á-Ðông của Napoléon III mang thêm nhiều sắc thái khác, cho thấy sự phù hợp giữa các lợi ích của Giáo-hội Việt-Nam và các tham vọng thực dân của nền Đệ-nhị Đế-chính: Napoléon III cũng muốn tìm tiêu trường cho các sản phẩm của nền kỹ-nghệ Pháp đương phát triển, và tìm những chiến thắng để thỏa mãn lòng tự ái của dân Pháp; can thiệp bằng vũ-lực tại Việt-Nam sẽ cho phép chính-quyền lấy được lòng quân đội. Hành động thiếu khôn khéo của vua Tự-Đức khi ra lệnh chém vị đại-lý của Giáo-hoàng ở miền Đông Bắc-kỳ, giáo sĩ Diaz, người Tây-Ban-Nha, vào đúng lúc Pháp, Anh và Tây-Ban-Nha đều có hạm-đội ở Viễn-Ðông để chuẩn bị tấn công Trung-Hoa, sẽ hiến cơ hội thuận tiện cho Napoléon III.

Tại Pháp, có nhiều nhân vật ủng hộ việc xâm chiếm Việt-Nam:

  • Các sĩ-quan hải-quân thuộc lực lượng Pháp trong miền biển Trung-Hoa, muốn có một căn cứ dùng làm trạm nghỉ cho tàu bè trên đường tới Trung-Quốc: thượng-tướng Cécille, Fourichon.
  • Các nhà ngoại-giao, đại-lý sư-vụ Pháp ở Trung-Hoa, như de Courcy và Bourboulon. De Courcy đã thảo một bản báo cáo, đề nghị với chính-phủ Pháp phái quân đội chinh phạt Cao-Ly và Việt-Nam. Còn Bourboulon thì đã đề nghị ngay từ năm 1852 chính-phủ Pháp can thiệp tại Việt-Nam; năm 1857, Bourboulon lại tuyên bố là Pháp phải cùng Tây-Ban-Nha phái một đội quân viễn chinh tới Việt-Nam và, để bảo đảm cho tương lai, phải chiếm cứ vĩnh viễn một lãnh-thổ làm căn cứ.
  • Các nhà truyền-giáo có rất nhiều ảnh hưởng đối với hoàng-hậu Eugénie, như giáo-sĩ Huc, giám-mục Retord, đại-lý Giáo-hoàng tại miền Tây Bắc-kỳ, và giám- mục Pellerin, giám-mục địa-phận Huế. Trước năm 1848, giám-mục Retord chỉ muốn chính-phủ Pháp can thiệp trên phương diện ngoại giao mà thôi; bây giờ đi xa hơn, muốn có một sự can thiệp bằng võ lực để làm áp lực đối với triều-đình Huế; ông ta chỉ thỏa mãn nếu Pháp chiếm một căn cứ trên lãnh-thổ Việt-Nam.

Năm 1855, vì muốn tham dự cuộc phân chia thị trường Á-Ðông, chính-phủ Pháp đặc phái sứ-giả de Montigny đến các quốc-gia Á-Châu để thương lượng hiệp ước thông thương. De Montigny được ân cần tiếp đãi tại Xiêm-La và, sau đó, lên đường tới Đà-Nẵng để khởi đầu các cuộc điều đình với triều-đình Huế. Ba chiến-thuyền được phái đi cùng với sứ-bộ để ủng hộ cho sứ-bộ. Nhưng các chiến-thuyền này đã đến trước sứ-bộ, còn bận thương lượng sự ký kết một hòa ước với hoàng-gia Cao-Mên. Tàu Catinat cặp bến Đà-Nẵng ngày 17-9-1856: viên thuyền trưởng, trung tá Le Lieur, vì gặp khó khăn với các quan địa-phương, đã cho nổ súng bắn phá các pháo-đài trấn phòng cửa biển Đà-Nẵng. Khi de Montigny đến Đà-Nẵng vào tháng giêng năm 1857, sự việc đáng tiếc đã xảy ra, và các đề nghị hòa hảo thông thương của vị đặc-sứ Pháp không thể nào được chấp thuận bởi triều-đình Việt-Nam. ([5])

Đồng thời với sự thất bại của sứ-bộ de Montigny, giám-mục Pellerin đã lên đường về Pháp để vận động cho việc Pháp can thiệp vào Việt-Nam. Hoạt động của giới truyền-đạo được hoàng-hậu Eugénie ủng hộ triệt để và đã là một trong những nguyên nhân trực tiếp khiến Napoléon III cho thành lập một ủy hội nghiên cứu vấn đề Việt-Nam (Commission de la Cochinchine) gồm nhiều nhân vật thông thạo về các vấn đề Viễn-Ðông. Ủy-hội nhóm họp từ tháng 4 năm 1857 và bày tỏ ý kiến là chính-phủ Pháp phải chiếm cứ ba thương-cảng chính của Việt-Nam, nơi đó người Pháp thường hay tới buôn bán: Đà-Nẵng, Saigon và Kẻ Chợ; việc chiếm cứ này sẽ có lợi cho Pháp trên cả ba phương diện tinh-thần, chính-trị và thương-mãi. Nó phải được thực hiện bởi một hạm-đội hoàn toàn không phụ thuộc với hạm-đội Pháp khi bấy giờ đương hiện diện trong miền biển Trung-Hoa.

Napoléon III chấp thuận các kết luận của Ủy-ban, nhưng lại ra lệnh cho vị đô-đốc chỉ huy hạm-đội Pháp ở Viễn-Ðông phải phái chiến-thuyền tới chiếm Đà-Nẵng ngay, mà không được mất thời giờ thương nghị với triều-đình Huế nữa (25-11-1857). Song mệnh lệnh của Hoàng- đế Pháp không được thi hành ngay, vì liên-quân Anh Pháp đương bận tay vì chiến-tranh Trung-Hoa. Phải đợi sau khi hòa ước Thiên-Tân được ký kết (tháng 6-1858), vào tháng 8 năm 1858, đô-đốc Rigault de Genouilly mới có thể đưa một hạm-đội gồm 14 chiến-thuyền đến đánh Đà-Nẵng. Cùng đi với hạm-đội này có giám-mục Pellerin, với tư cách cố-vấn chính-trị và quân-sự cho vị tướng chỉ huy. Ngày 1-9-1858, quân Pháp tấn công Đà-Nẵng, với sự trợ lực của một đơn-vị bộ-binh do đại-tá Tây-Ban-Nha Lanzarote chỉ-huy.

Nhận xét