Dinh Thống đốc Nam Kỳ



















T
ừ khi người Pháp chưa đặt chân lên đất (theo nghĩa đen) Nam Kỳ, quyền lực của họ thể hiện qua soái hạm Impératrice Eugénie - nơi mà phó đô đốc Charner ở và làm việc, được xem là "tổng hành dinh" đầu tiên của chính quyền Pháp tại Nam Kỳ.

Sau khi hạ đồn Chí Hòa vào ngày 25-2-1861, phó đô đốc Charner rời soái hạm để đặt hành dinh tại trại binh Đồn Đất (nay là Bệnh viện Nhi Đồng 2). Sau đó là một dinh gỗ được lập nên tại cuối đường Catinat vào tháng 12-1861, quy mô rộng lớn, có phòng lễ hội sức chứa 600 người và cả trang trại nhỏ đủ nuôi gà và lợn.

Sau khi người Pháp chiếm xong 6 tỉnh Nam Kỳ, chính quyền Pháp tại Nam Kỳ bắt đầu tập trung vào việc nghiên cứu để "xây dựng dinh làm chỗ ở vĩnh viễn cho các thống đốc", điều này thể hiện mong muốn "có một tòa nhà xứng tầm với người đứng đầu Nam Kỳ, là biểu tượng về sự có mặt vĩnh cửu của Pháp tại Nam Kỳ".

Vào ngày 5-2-1865, trên tờ Le Courrier de Saigon đã đăng thông báo chính quyền thuộc địa tổ chức cuộc thi thiết kế đồ án Dinh Thống đốc, với khoản tiền thưởng trị giá 4000 franc dành cho đồ án được chọn.

Tuy nhiên, cuộc thi này không mang lại kết quả, đồ án thiết kế Dinh Thống đốc Nam Kỳ sau đó do kiến trúc sư người Pháp Hermitte thiết kế và đệ trình, với quan niệm "Dinh Thống đốc phải huy hoàng, tráng lệ, xứng đáng là một dinh thự mà những đô thị kiêu hãnh nhất trên thế giới đều có lý do để vinh dự".

Ngày 23-2-1868, lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Dinh Thống đốc Nam kỳ diễn ra dưới sự chủ trì của thống đốc La Grandière lúc bấy giờ. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, thống đốc La Grandière đã trở về Pháp, và vị thống đốc làm lễ khánh thành tòa nhà Dinh Thống đốc lại là thống đốc Alphose Jean Claude René Théodore vào năm 1870.

Nhưng ông thống đốc đứng ra làm lễ khánh thành tòa nhà cũng không ở ngày nào tại đây, vì công trình chưa hoàn thiện. Vị thống đốc Nam kỳ kế tiếp là Marie Jules Dupré đã đốc thúc phần việc hoàn thiện Dinh, đến cuối năm 1872 các hạng mục chính của Dinh đã hoàn thiện. Năm 1873, Dupré là Thống đốc Nam kỳ đầu tiên sống và làm việc tại dinh thự này.

Việc ra đời tên gọi Dinh Norodom - một đề tài lịch sử liên quan đến Dinh Độc Lập đến nay vẫn còn ít nhiều bàn cãi: "Dinh Thống đốc Nam kỳ ngự trên khuôn viên đối diện với Đại lộ Norodom, vì thế dinh này cũng được gọi luôn là Dinh Norodom. Từ đây, tên gọi Dinh Norodom ra đời".

Tên gọi Dinh Norodom còn tồn tại mãi về sau, đến ngày 8-9-1954, Thủ tướng Ngô Đình Diệm của Quốc gia Việt Nam ra thông báo đổi tên Dinh Norodom thành Dinh Độc Lập.

Trong quá trình tồn tại, dù bất kỳ hoàn cảnh lịch sử nào, Dinh Norodom với vị thế nơi làm việc của cơ quan quyền lực cao nhất hiện diện trên đất Nam kỳ, đã chứng kiến nhiều biến động của lịch sử.

Trải qua nhiều chế độ, đây chính là nơi ra đời nhiều quyết sách có ảnh hưởng lớn đến đời sống cư dân, can thiệp vào dòng chảy lịch sử của không chỉ xã hội Nam kỳ mà còn cả tiến trình lịch sử cận đại Việt Nam.

Ngay cả tòa dinh thự này, tên gọi cũng từng được đổi thay qua nhiều thời kỳ:

- Phủ Thống đốc Nam kỳ (1873 đến1887)

- Phủ Toàn quyền Đông Dương (1887 đến 3-1945)

- Trụ sở quân đội Nhật tại Đông Dương (3-1945 đến 9-1945)

- Phủ Cao ủy Pháp tại Đông Dương (9-1945 đến 1953)

- Phủ Tổng ủy Pháp tại Đông Dương (1953 đến 1954)

- Từ Phủ Thủ tướng đến Phủ Tổng thống Đệ nhất Cộng hòa (1954 đến 1962)

- Trụ sở Ủy ban Lãnh đạo quốc gia và Ủy ban hành pháp Trung ương (1966 đến 1967)

- Phủ Tổng thống Đệ nhị Cộng hòa (1967 đến 1975)

- Trụ sở Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định (1975 đến 1976)

- Hội trường Thống Nhất (1976 đến nay).

Điều thú vị là lần giở lại quá trình tồn tại của Dinh, người đọc hôm nay sẽ thấy những chuyển động của lịch sử:

- Dữ kiện về Nhật dảo chính Pháp và chiếm dinh Norodom, rồi quân Anh vào Sài Gòn và giành quyền kiểm soát dinh Norodom từ tay Nhật; rồi Pháp tái chiếm Đông Dương và đặt Cao ủy tại đây.

- Quá trình Ngô Đình Diệm tiếp quản Dinh Norodom từ người Pháp cũng được thuật tả chi tiết, mà nếu không có những trang sách này, người đọc bình thường sẽ khó hình dung việc giới trí thức và lãnh đạo chính quyền Sài Gòn bấy giờ đã có những bước đi như thế nào để bảo vệ các tài liệu lưu trữ tại đây.

- Sự cố dinh Độc Lập bị ném bom vào năm 1962, diện mạo Dinh Norodom tồn tại đến thời điểm ấy là kết thúc. Quá trình xây dựng lại Dinh Độc Lập gắn liền với tên tuổi kiến trúc sư Ngô Viết Thụ và đội ngũ cộng sự. Dinh Độc Lập với diện mạo còn thấy hiện nay được khánh thành vào ngày 31-10-1966.

Như một chứng nhân lịch sử, Dinh Độc Lập chính là nơi đánh dấu điểm cuối cùng, kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh vào trưa ngày 30-4-1975, và cũng là nơi diễn ra Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất đất nước (11-1975).

*Sau khi đồ án thiết kế của kiến trúc sư Achille Antoine Hermitte được thông qua, Ngày 23.2.1868, lễ khởi công xây dựng dinh Thống đốc diễn ra dưới sự chứng kiến của nhiều sĩ quan và viên chức cao cấp người Pháp, Thống đốc La Grandière long trọng tuyên bố “Không thể nào phủ nhận rằng vùng đất thuộc địa này đang bước vào kỷ nguyên mới thịnh vượng”. Công trình do Sở Công chánh Sài Gòn xây dựng, sử dụng ngân sách Thuộc Địa với dự toán công trình là 4.714.662fr bằng ¼ ngân sách thuộc địa.

Dinh Thống đốc khánh thành vào ngày 25.9.1869 nhưng mãi cho tới năm 1875 mới hoàn tất việc trang trí bởi vì ảnh hưởng của những biến cố chính trị ở nước Pháp, quân đội Pháp thất bại cuộc chiến Pháp Phổ và Napoléon Đệ tam bị bắt. Sau khi xây dựng, dinh thự này có tên là dinh Norodom, bởi mặt tiền nằm ngang đại lộ Norodom (nay là đường Lê Duẩn). Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer trong một chuyến công tác ghé qua dinh đã viết trong hồi ký Xứ Dông Dương, rằng: "Cảm thấy dường như nó đã bị bỏ hoang từ mười năm trước"
Gia đình trị và những tranh giành quyền lực của Diệm - Nhu
Theo tài liệu của Hội trường Thống Nhất: “Tháng 6.1954, Bảo Đại chỉ định Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng Quốc gia VN. Ngày 7.9.1954, Ngô Đình Diệm tiếp nhận dinh Norodom từ Đại tướng Paul Ely và ngay hôm sau đổi tên thành dinh Độc Lập. Từ tháng 6.1954 cho tới cuối năm 1956, đây là giai đoạn khó khăn nhất của chính quyền Ngô Đình Diệm. Vừa phải lo ổn định chính quyền vừa lo củng cố thế lực, ông ta đã dùng nhiều thủ đoạn khác nhau từ việc trì hoãn rồi tới chia để trị và cuối cùng là sẵn sàng đối đầu. Trưng bày giới thiệu hình ảnh về các biện pháp nhằm trì hoãn, đối phó, thanh trừng của Ngô Đình Diệm với các lực lượng đối lập như: lực lượng Bình Xuyên nòng cốt là giới xã hội đen ven lực lượng quân đội của giáo phái Hòa Hảo, Cao Đài”.
Đối với các giáo phái, Ngô Đình Diệm sử dụng thủ đoạn “chia để trị”. Bằng tiền viện trợ của Mỹ, Ngô Đình Nhu tìm cách mua chuộc thủ lĩnh của các giáo phái như:Trung tướng Trần Văn Soái, lãnh tụ Hòa Hảo, còn Thiếu tướng Trịnh Minh Thế, Thiếu tướng Nguyễn Thành Phương của Cao Đài được Ngô Đình Diệm tiếp đón chu đáo khi hai tướng này đem quân về hợp tác với chính phủ quốc gia… giải tỏa nhiều tò mò cho người xem.
 Sau vụ ném bom đảo chính vào ngày 27.2.1962, dinh Độc Lập bị hư hỏng nặng không thể khôi phục lại, tổng thống Ngô Đình Diệm đã cho xây dựng lại dinh thự mới theo đề án thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Điêu khắc gia Nguyễn Văn Thế phụ trách ban kiến trúc cùng các đồng sự. Việc xây dựng dinh do Cục Công binh của quân đội Sài Gòn đảm nhiệm dưới sự quản đốc của trung tá kỹ sư Phan Văn Điển - Cục phó Cục Công binh. Ngoài ra còn có sự tham gia của các kiến trúc sư, kỹ thuật gia, trang trí gia và đội ngũ thợ lành nghề ở Sài Gòn và các tỉnh phía Nam. Quá tình xây dinh được kể bằng hình ảnh gốc khá chi tiết
Công trình dinh Độc Lập mới được khởi công xây dựng ngày 1.7.1962 trên nền đất cũ, diện tích 4.500 m², cao 26m, diện tích sử dụng 20.000m² với hơn 100 phòng, mỗi phòng có cách trang trí khác nhau tùy theo mục đích sử dụng nhưng vẫn phù hợp với tổng thể kiến trúc của toàn dinh thự. Nguyên vật liệu xây dựng công trình chủ yếu lấy từ trong nước trừ một số vật dụng nội thất được nhập từ nước ngoài. Dinh được xây dựng trên diện tích 4.500m² , gồm 3 tầng chính, hai gác lửng, một sân thượng, một tầng nền và tầng hầm, điểm nổi bật của công trình chính là bức rèm hoa đá bao quanh tầng 2 với sự hiến kế của điêu khắc gia Nguyễn Văn Thế. Bức thư của ông gởi cho người thân nói rất rõ điều đó.
Sau khi hoàn thành, dinh Độc Lập được coi là bước đột phá mang tính tiên phong và trở thành một công trình kiến trúc tiêu biểu lúc bấy giờ bởi lối thiết kế có sự kết hợp hài hòa giữa phương Đông và phương Tây, giữa truyền thống và hiện đại.
Sự ra đời của dinh Độc Lập mới cũng đã khép lại câu chuyện lịch sử cùng những câu chuyện về các nhân vật và các sự kiện liên quan đến họ trong suốt gần 100 năm, giai đoạn lịch sử ít được biết đến sẽ được “giải mã” sau khi xem xong trưng bày Từ dinh Norodom đến dinh Độc Lập (1868 – 1966).

Nhận xét