Tranh Đông Hồ, hay tên đầy đủ là
tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, là một dòng
tranh dân gian Việt Nam với xuất xứ từ
làng Đông Hồ (xã
Song Hồ, huyện
Thuận Thành, tỉnh
Bắc Ninh). Trước kia
tranh được bán ra chủ yếu phục vụ cho dịp
Tết Nguyên Đán, người dân
nông thôn mua tranh về dán trên tường, hết
năm lại lột bỏ, dùng tranh mới. Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ là Di vản văn hóa phi vật thể Quốc gia
[1]. Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL đã phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh và các cơ quan chuyên môn tiến hành nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học cho Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ để đệ trình Unesco đề nghị công nhận Di sản văn hóa phi vật thể
[2]. Thơ
Tú Xương về tranh Đông Hồ ngày Tết có câu:
- Đì đoẹt ngoài sân tràng pháo chuột
- Loẹt lòe trên vách bức tranh gà
Ngoài các đặc điểm về đường nét và bố cục, nét dân gian của tranh Đông Hồ còn nằm ở màu sắc và chất liệu giấy in. Giấy in tranh Đông Hồ được gọi là giấy điệp: người ta nghiền nát vỏ con điệp, một loại sò vỏ mỏng ở biển, trộn với hồ (hồ được nấu từ bột gạo tẻ, hoặc gạo nếp, có khi nấu bằng bột sắn - hồ dùng để quét nền tranh thường được nấu loãng từ bột gạo tẻ hoặc bột sắn, hồ nấu từ bột nếp thường dùng để dán) rồi dùng chổi lá thông quét lên mặt giấy dó. Chổi lá thông tạo nên những ganh chạy theo đường quét và vỏ điệp tự nhiên cho màu trắng với ánh lấp lánh những mảnh điệp nhỏ dưới ánh sáng, có thể pha thêm màu khác vào hồ trong quá trình làm giấy điệp. Màu sắc sử dụng trong tranh là màu tự nhiên từ cây cỏ như đen (than xoan hay than lá tre), xanh(gỉ đồng, lá chàm), vàng (hoa hòe), đỏ (sỏi son, gỗ vang), v.v. Đây là những màu khá cơ bản, không pha trộn và vì số lượng màu tương ứng với số bản khắc gỗ, nên thường thường tranh Đông Hồ chỉ dùng tới 4 màu mà thôi.
Tranh Đông Hồ khá gần gũi với đại đa số dân chúng Việt Nam, nhắc tới hầu như ai cũng đều biết cả. Tranh gần gũi còn vì hình ảnh của nó đã đi vào
thơ,
văntrong chương trình học. Ngày nay lệ mua tranh Đông Hồ treo ngày Tết đã mai một, làng tranh cũng thay đổi nhiều: làng Đông Hồ ngày nay có thêm nghề làm
vàng mã. Nghề giấy dó ở
làng Yên Thái (
Bưởi,
Tây Hồ) cũng đã không còn. Tuy thế tranh Đông Hồ đóng vai trò như một di sản văn hóa, một dòng tranh dân gian không thể thiếu.
Theo đánh giá của một số
họa sĩ, tranh Đông Hồ in ở thời điểm hiện tại thường không có màu sắc thắm như tranh cổ, nguyên nhân là người ta trộn màu trắng vào điệp quét giấy để bớt lượng điệp khiến giấy mất độ óng ánh và trở nên "thường", màu sắc sử dụng cũng chuyển sang loại
màu công nghiệp, các
bản khắc mới có bản không được tinh tế như bản cổ. Một điểm đáng lưu ý khác nữa là một số bản khắc đã đục bỏ phần
chữ Hán (hoặc
chữ Nôm) bên cạnh phần hình của tranh khiến tranh ít nhiều bị què cụt về mặt ý nghĩa. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này ước đoán là:
- Thời sau năm 1945, chữ Hán (và chữ Nôm) bị chính quyền coi là phong kiến lạc hậu, liệt vào danh mục bài xíchnên thợ in đục bỏ cho đỡ rách việc.
- Thế hệ sau này không phải ai cũng đọc và hiểu được các ký tự ấy nên tự ý bỏ đi.
- Cũng do không đọc hiểu được nên các ván khắc truyền lại "tam sao thất bản", đến mức còn lại các ký tự nhưng không đọc được ra chữ gì.
Về nội dung tranh, lưu ý rằng có sự gần gũi nhất định giữa nội dung
tranh khắc gỗ màu của Việt Nam với của
Trung Quốc, có những tranh mà cả hai nước đều có, song tranh Đông Hồ phát triển thành một hướng riêng tồn tại nhiều thế kỷ và được thừa nhận như dòng tranh dân gian được biết đến nhiều nhất ở Việt Nam.
Làng tranh Đông Hồ xưa là làng nghề nổi tiếng về tranh dân gian, thuộc xã Song Hồ, huyện
Thuận Thành, tỉnh
Bắc Ninh cách
Hà Nội chừng trên 35 km. Làng Đông Hồ (đôi khi dân địa phương chỉ gọi là làng Hồ) nằm trên bờ nam
sông Đuống, cạnh bến đò Hồ, nay là cầu Hồ.
Quanh năm rất nhiều khách du lịch trong ngoài nước đến làng tranh Đông Hồ thăm và mua tranh Đông Hồ làm kỷ niệm. Một số khách sạn, nhà hàng từ Hà Nội,
Thành phố Hồ Chí Minh cũng về đây đặt những bức tranh khổ lớn để trang trí cho cách phòng khách, hoặc phòng ăn lớn. Từ Hà Nội muốn đi Đông Hồ đường gần nhất du khách thường đi là xuôi theo đường
Quốc lộ số 5 (đường đi
Hải Phòng) đến ga Phú Thụy, cách Hà Nội chừng 15 km thì rẽ trái, đi chừng 18 km nữa, qua các địa danh khá nổi tiếng của huyện
Gia Lâm (Hà Nội) như phố Sủi, chợ Keo, chợ Dâu (Thuận Thành-Bắc Ninh) là đến phố Hồ-huyện lỵ Thuận Thành. Rẽ trái thêm 2 km là đến làng Hồ. Cũng có thể đi hết phố Hồ, lên đê rẽ trái, gặp điếm canh đê thứ hai sẽ có biển chỉ đường xuống làng Đông Hồ.
Làng Đông Hồ xưa còn gọi là làng Mái. Các cụ làng Đông Hồ vẫn truyền lại mấy câu ca rằng:
- Hỡi cô thắt lưng bao xanh
- Có về làng Mái với anh thì về
- Làng Mái có lịch có lề
- Có sông tắm mát có nghề làm tranh.
Làng Đông Hồ nằm ngay sát bờ sông Đuống, ngày xưa chỉ cách sông một con đê, đó là ý trong câu "Có sông tắm mát có nghề làm tranh". Ngày nay, do sự bồi lấp của dòng sông nên từ đê ra đến mép nước giờ khá xa.
Còn "làng Mái có lịch có lề" thì nghĩa là gì? Tục ngữ Việt Nam có câu: giấy rách phải giữ lấy lề. Chữ lề ở đây tượng trưng cho những quy tắc đạo đức của người xưa, rất trọng danh dự, khí tiết. Còn dân làng Mái, dân nghệ thuật rất trọng lời ăn tiếng nói. Không như nhiều làng quê khác, người dân làng Hồ, nhất là phụ nữ, ăn nói rất lịch lãm, trên dưới thưa gửi rất rõ ràng. Người làng kể rằng kể cả từ xưa, rất hiếm khi trong làng có tiếng người mắng chửi nhau.
Do công nghệ phát triển, tranh dân gian làng Hồ bây giờ không tiêu thụ nhiều như trước. Qua nhiều thế kỷ, 17 dòng họ đã quy tụ về làng, vốn xưa tất cả đều làm tranh. Nhưng đến nay, dân làng Hồ hiện chủ yếu sống bằng nghề làm
vàng mã. Hiện nay chỉ còn hai gia đình nghệ nhân
Nguyễn Đăng Chế và
Nguyễn Hữu Sam cùng con cháu là theo nghề tranh, gìn giữ di sản tranh Đông Hồ.
Hàng năm làng Hồ có hội làng vào rằm tháng 3 âm lịch. Trong hội làng có những nghi thức truyền thống như tế thần, thi mã, thi tranh rất vui vẻ. Làng còn có các làn điệu dân ca như:
-
- Hỡi anh đi đường cái quan
- Dừng chân ngắm cảnh mà tan nỗi sầu
- Mua tờ tranh điệp tươi màu
- Mua đàn gà lợn thi nhau đẻ nhiều.
Ván khắc tranh Chăn trâu thổi sáo ở nhà nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam làng tranh Đông Hồ
Hồn Tết xưa trong tranh Đông Hồ
- Bên cạnh câu đối đỏ Tết xưa thường có thêm những bức tranh Đông Hồ màu sắc tươi vui như những lời cầu chúc gia đình thêm sung túc, êm ấm.
|
Tết xưa có cái gì đó đạm bạc nhưng rất vui. Bên cạnh câu đối đỏ thường có thêm những bức tranh Đông Hồ màu sắc tươi vui. Trong ảnh là bức tranh Đàn lợn âm dương với ngụ ý cầu chúc cho sự sung túc và an nhàn. |
|
Tranh "Đàn gà" cầu chúc cho sự sung túc, đông con và an nhàn |
|
Trannh "Vinh hoa" với ý nghĩa tượng trưng cho ước muốn hiển đạt với đủ đức hạnh quân tử như nhân, nghĩa, tín, dũng và văn võ song toàn |
|
Tranh "Phú quí" với hình ảnh em bé gái ôm vịt tượng trưng cho ước muốn duyên dáng, dịu hiền, sinh nhiều. Bông hoa sen phía sau tượng trưng cho sự trinh trắng |
|
Tranh "Nhân nghĩa" với hình ảnh‘Em bé trai ôm con cóc’ cầu chúc em bé sẽ học hành hiển đạt. |
|
Tranh Lễ trí: là hình ảnh em bé ôm con rùa. Ý nghĩa của tranh được thể hiện ở chữ “Lễ trí” – cầu mong em bé có được cái “lễ” để ứng xử phải phép với mọi người và cái “trí” giỏi giang sau này. |
|
Nội dung trực tiếp của bức tranh là hai chữ “Đại cát”, nhưng nội dung sâu xa của bức tranh lại là con gà trống ở phía dưới. Đây là nội dung của một quẻ bói tốt nhất cho công việc hoặc tương lai của con người được sử dụng trong tranh thay cho lời chúc lành mà người ta gửi đến nhau trong ngày xuân. |
|
Tranh "Chọi cá" với hình ảnh các em nhỏ chơi đá cá lia thia trong dịp Xuân |
|
Tranh "Chọi chim" với hình ảnh các em nhỏ cho chim đánh nhau trong dịp Xuân. |
|
Tranh "Mục đồng thổi sáo" cho thấy sự thanh bình an lạc trong cuộc sống cơ hàn của trẻ chăn trâu. |
|
Tranh "Múa rồng" với hình ảnh cho thấy quang cảnh một đám múa rồng trong ngày Hội Xuân. |
|
Tranh "Mục đồng thả diều" cho thấy sự thanh bình an lạc trong cuộc sống cơ hàn của trẻ chăn trâu. |
|
Tranh "Đấu vật" với hình ảnh các đô vật tham gia trong ngày Hội Xuân |
|
Tranh Tiền tài |
|
Tranh Tiền Lộc |
|
Tranh "Lý Ngư vọng tuyệt" (tức cá chép trong trăng) ý nói người học trò mong mỏi học tập rồi thi đỗ ví như "cá vượt vũ môn" hóa thành rồng |
|
Tranh Công múa với ý nghĩa Công là một thú vật tượng trưng cho vẻ đẹp và phẩm cách. Ngoài ra, nhiều người tin rằng nó còn có khả năng xua đuổi ma quỷ. |
|
Tranh Gà trống với ý nghĩa cầu chúc cho em bé trở thành một đấng nam nhi với các đức hạnh và tài năng. |
|
Tranh "Mục đồng đọc sách" với ý nghĩa mong con trẻ chăm chỉ học hành siêng năng |
|
Tranh "Múa lân" vào hội Xuân |
|
Đám cưới chuột
cá chép
Chọi Trâu
Múa Rồng
Bà Triệu
Trương Phi
Hứng dừa
"Sống lại" tranh dân gian Đông Hồ
Sự kiện tranh Đông Hồ mới đây được bộ Văn hóa Thể thao và Du Lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam làm dấy lên trong lòng mỗi người dân niềm vui mừng phấn khởi, nhưng kèm theo đó cũng là một nỗi buồn không nhỏ.Vì sao vậy? Vì lẽ đã có rất nhiều, rất nhiều bài báo đưa ra những nhận định buồn : “tranh Đông Hồ mai một”, “tranh Đông Hồ sắp hụt hơi”, “cả làng tranh chuyển sang làm vàng mã”… Đúng vậy, tranh Đông Hồ đang dần dần biến mất trong đời sống người dân Việt Nam, điều đó rất đáng buồn. Nhưng thay vì buồn và nêu mãi về một thực trạng khó lòng tránh khỏi, nên chăng chúng ta hãy cùng suy nghĩ xem vì sao tranh Đông Hồ mất đi vị trí “độc tôn” trong thị trường tranh hiện đại và cùng đưa ra những phương cách để làm “sống lại” dòng tranh dân gian độc đáo này.
Có thể nói trước những năm 1940 của thế kỷ trước là thời kỳ hoàng kim của tranh dân gian Đông Hồ. Phiên chợ tranh Đông Hồ vào dịp tháng Chạp hàng năm đông đúc ngược xuôi tới nỗi ai ai cũng nhớ câu ca dao:
“Dù ai buôn bán trăm nghề
Nhớ đến tháng Chạp thì về buôn tranh”
Nhưng tới năm 1945, cùng với nạn đói kinh hoàng cũng là lúc phiên chợ tranh Đông Hồ cuối cùng kết thúc. Cả làng bỏ nghề, các bản khắc tranh quý giá bị mang đi đốt bỏ hoặc chẻ làm củi. Nhưng nhờ có những người tâm huyết với tranh Đông Hồ như ông Nguyễn Hữu Sam mà vào năm 1967, HTX tranh Đông Hồ ra đời mang lại niềm vui và sự no ấm cho rất nhiều người dân làng Hồ. Tranh Đông Hồ không chỉ được ưa chuộng trong nước mà còn được xuất sang 12 nước XHCN lúc bấy giờ. Tuy nhiên lại một lần nữa tranh Đông Hồ rơi vào quên lãng khi những năm 90 cơ chế nhà nước thay đổi, tư duy người dân cũng thay đổi. Rất nhiều dòng tranh hiện đại, tranh nhập ngoại bắt mắt của nước ngoài xâm lấn thị trường, tranh Đông Hồ mất đi chỗ đứng. Cho tới nay thì chỉ còn lại vài ba nghệ nhân bám trụ với nghề như ông Nguyễn Đăng Chế, ông Nguyễn Hữu Sam, sản xuất cũng chỉ còn mang tính chất hộ gia đình mà thôi.
Lý giải nguyên nhân vì sao tranh Đông Hồ mất đi chỗ đứng có khá nhiều nguyên nhân. Nhưng chính yếu là tranh Đông Hồ đã không theo kịp xu thế phát triển của xã hội, không bắt kịp nhu cầu thưởng thức hiện đại của người dân. Từ những năm 90 trở về trước, kinh tế chưa mở cửa, người dân vẫn giữ lối tư duy xưa, họ yêu tranh Đông Hồ như một truyền thống lâu đời, họ lựa chọn tranh Đông Hồ nhiều phần vì lẽ đó và một phần vì ít có sự chọn lựa nào khác. Nhưng khi kinh tế mở của thì khác, luồng tư duy mới làm thay thế cho những tư duy cũ, kèm theo đó là luồng gió văn hóa mới, sự tràn ngập các sản phẩm tranh đa dạng từ nhiều nước khác nhau vào Việt Nam. Việc tranh Đông Hồ bị “cạnh tranh” là điều dễ hiều. Vậy thì để tồn tại, bắt buộc tranh Đông Hồ phải cải tiến mẫu mã, hình thức, cải tiến phương thức sản xuất của mình. Nhưng không, tranh Đông Hồ vẫn giữ nguyên lối cũ, không hề biến chuyển để phù hợp với thời cuộc. Cho nên tranh Đông Hồ “thất thế” là điều tất yếu.
Trong khi nhà nước bào tồn gìn giữ, người dân Việt Nam yêu tranh Đông Hồ vì tính truyền thống đậm nét của dòng tranh này mà chúng ta lại nhắc tới cụm từ “cải tiến hình thức, nội dung, mẫu mã”. Liệu có đúng? Nhưng xin thưa, tranh Đông Hồ của chúng ta vô cùng độc đáo và thú vị, truyền thống nhưng cũng rất bám sát, hòa nhập với thời cuộc. Cùng ngược trở lại những trước những năm 1954, khi đất nước ta còn trong thời kỳ Pháp thuộc , có rất nhiều tranh Đông Hồ “mới” ra đời để đả kích, châm biếm cuộc sống “Âu hóa” không phải lối lúc bấy giờ. Điển hình có cặp tranh “Phong tục cải lương” – “ Văn minh tiến bộ” vẽ cảnh ông Tây bà Đầm đi Picnic với câu chú thích giễu cợt : “Phong tục thay đổi mày liệu hồn” – “Văn minh tiến bộ tao đếch cần”. Hay bức tranh “Nhảy đầm” mô tả quầy bar, bồi bàn, cặp trai gái nhảy valse. Được nhớ tới hơn cả là cặp tranh độc đáo “Trai tứ khoái” – “Gái bẩy nghề” phê phán sự ăn chơi sa đọa của thanh niên thời bấy giờ.
Cặp tranh “Phong tục cải lương” – “ Văn minh tiến bộ”
Tranh "Nhảy đầm"
Tranh "Gái 7 nghề"
Không chỉ dừng lại ở đó, khi cách mạng thành công, đất nước ta trải qua hai cuộc chiến chống Pháp và Mỹ từng bước xây dựng lại, những nghệ nhân làng Hồ cũng hòa mình vào giúp sức trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Có bức tranh vẽ về bình dân học vụ xóa mù chữ diệt giặc dốt, có bức tranh vẽ buổi biểu diễn văn nghệ với hai cô văn công đang múa phía trên có cờ Tổ Quốc và cờ Đảng búa liềm với câu ca dao :
“Cùng nhau múa hát mấy bài
Khải hoàn ngợi khúc xây đài vinh quang”
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cho biết trong thời kỳ này ông đã sáng tác hơn chục bức tranh có đề tài mới như “ Đổi công hợp tác”, “Cải tiến nông cụ”, “Bác Hồ với thiếu nhi”, “Phụ nữ ba đảm đang”…Đặc biệt có bức “Không cho chúng nó thoát” vẽ cảnh tượng quân dân ta bắt giặc lái Mỹ trong trận 12 ngày đêm Mỹ ném bom Hà Nội năm 1972, bức tranh này sau này rất nhiều khách nước ngoài hỏi mua. Nghệ nhân Nguyễn Đăng Khiêm cũng sáng tác rất nhiều tranh vào thời kỳ này như “Tuổi cao trí càng cao” hay bức “Huế, Hà Nội, Sài Gòn đánh Mỹ”…
Tranh "Không cho chúng nó thoát"
Như vậy chúng ta có thể thấy tranh Đông Hồ là một dòng tranh rất sáng tạo bởi tính truyền thống nhưng luôn luôn bám sát, đi theo thời cuộc. Chỉ từ đời sống hàng ngày, không hề có ai định hướng nhưng tranh Đông Hồ có rất nhiều thể loại từ tranh giáo khoa, phong cảnh, sinh hoạt tín ngưỡng, tranh truyện (dựa theo cổ tích), tranh lịch sử, tranh châm biếm và cả tranh “cổ động cách mạng” phục vụ chiến đấu. Đó là hướng đi giúp tranh Đông Hồ từng tồn tại và phát triển sâu hơn vào đời sống người dân Việt Nam trước những năm 1990.
Nhìn nhận những phân tích trên chúng ta hoàn toàn có thể đưa ra nhiều phương cách giúp tranh Đông Hồ “sống lại” và sống mạnh mẽ với xu thế hiện đại ngày nay. Có lẽ khái niệm giữ gìn “nét truyền thống” trong tranh dân gian Đông Hồ cần được hiểu và thực hiện một cách linh hoạt hơn như các thế hệ nghệ nhân Đông Hồ đã từng làm thời Pháp thuộc và chống Pháp, chống Mỹ sau này. Cuộc sống hiện đại ngày nay có rất nhiều vấn đề nóng hổi, thời sự cần được đưa vào tranh Đông Hồ với nét tạo hình, màu sắc đặc trưng của dòng tranh này. Hàng loạt các vấn nạn như giao thông đô thị hỗn loạn; nạn chạy trường, chạy bằng, chạy công chức; nạn đút lót, tham ô; sự tha hóa dạo đức, ăn chơi sa đọa của một bộ phận thanh niên đương thời…. Các hình ảnh đưa vào tranh hoàn toàn có thể mang tính chất đương đại như : siêu xe, quầy bar, nhà hàng, khách sạn, trang phục và lối phục sức hiện đại của người Việt thế kỷ 21... Có rất nhiều ý tưởng mới về tranh Đông Hồ như thế đã ra đời nhưng hoàn toàn chỉ là những bức tranh “nhái” theo phong cách tranh Đông Hồ nhờ các phần mềm đồ họa chứ không phải là những bức tranh Đông Hồ chính gốc 100%. Đã đến lúc chúng ta nghĩ tới sẽ có một ngày những bức tranh Đông Hồ thật mới, thật gần gũi, bám sát với cuộc sống đương đại ra đời và được mọi tầng lớp trong xã hội đón nhận, yêu thích.
Tranh Đông Hồ "nhái" mang tính đả kích vẽ bằng phần mềm đồ họa
Tranh Đông Hồ "nhái" mang tính đả kích vẽ bằng phần mềm đồ họa
Tranh Đông Hồ cần thay đổi về mặt nội dung thì cũng cần có sự thay đổi về mặt mẫu mã, cách thức thể hiện. Nếu như không gian treo tranh Đông Hồ khi xưa là những ngôi nhà tranh vách đất, những ngôi nhà cổ nhỏ bé thì ngày nay không gian sống của người Việt đã hoàn toàn thay đổi. Cuộc sống hiện đại hơn, không gian sống rộng rãi, cao đẹp thậm chí là hoành tráng với những căn biệt thự đắt tiền… Vậy thì bức tranh Đông Hồ nhỏ bé với khung mây tre hay khung gỗ kém bắt mắt đi kèm liệu có còn thích hợp? Liệu treo những bức tranh Đông Hồ như thế vào không gian nội thất hiện đại có thể tạo được tiếng nói chung? Chúng ta có ngay câu trả lời là rất khó có sự hòa hợp. Đó cũng chính là yếu điểm khiến tranh Đông Hồ khó tồn tại.
Không gian sống ngày nay rộng rãi, cao đẹp hơn đòi hỏi bức tranh treo có kích thước lớn nhưng tranh Đông Hồ vẫn giữ khổ giấy nhỏ theo lối cổ xưa, nên chăng kích thước bức tranh cần linh hoạt thay đổi để phù hợp ? Không chỉ thế trong những không gian sang trọng như biệt thự hay nhà hàng, khách sạn cần có những khung tranh thiết kế bằng những họa tiết lấy từ vốn cổ như hoa sen, hoa cúc, chim hạc…được thiết kế và tạo màu hiện đại để thay thế cho những khung tranh tre nứa, gỗ nâu mộc mạc mà tranh Đông Hồ hiện nay vẫn đang sử dụng. Các thiết kế khung tranh này có thể được lấy cảm hứng theo các mẫu phù điêu có họa tiết hoa văn Việt Nam. Chỉ thay đổi một chút về hình thức thôi cũng làm tôn lên vẻ sang trọng mà vẫn cổ điển, truyền thống của tranh dân gian Đông Hồ.
Một mẫu phù điêu có họa tiết hoa sen Việt Nam
Chung tay góp sức bảo tồn, giữ gìn sức sống lâu bền cho dòng tranh này không chỉ dựa vào cố gắng của những nghệ nhân làng tranh Đông Hồ mà còn là của rất nhiều con người, rất nhiều lĩnh vực. Tranh Đông Hồ hoàn toàn có thể ứng dụng để làm ra những sản phẩm khác nhau và được nhiều người ưa chuộng. Có thể nói những năm gần đây người dân ở các thành phố lớn rất ưa chuộng tranh thêu và tranh đá quý. Vậy tại sao chúng ta không cho ra đời những bức tranh Đông Hồ thêu tay tinh xảo, những bức tranh Đông Hồ làm từ đá quý lộng lẫy, rực rỡ với kích thước thật lớn? Đã có những bức tranh Đông Hồ được làm từ nhiều chất liệu khác nhau như làm từ gốm ( làng gốm Phù Lãng), làm từ gạo rang, làm từ giấy cuộn hay thậm chí là tranh Đông Hồ gò đồng… Tuy nhiên những bức tranh này chỉ làm ở mức độ nhỏ lẻ, sơ sài mà chưa được quan tâm đầu tư kỹ lưỡng để cho ra những sản phẩm đẹp mắt, gây ấn tượng đặc biệt.
Tranh Đông Hồ trên gốm Phù Lãng
Tranh Đông Hồ làm từ gạo rang
Tranh Đông Hồ làm từ giấy cuộn
Tranh Đông Hồ gò đồng
Không chỉ thế tranh Đông Hồ có thê giữ nguyên bản hoặc cải tiến về mặt nội dung theo kịp cuộc sống, theo kịp xu hướng thẩm mỹ hiện đại của giới trẻ. Và những bức tranh Đông Hồ “mới” hay “cũ” đều có thể sử dụng để in lên áo phông, lên túi xách, lên lịch, lên tặng phẩm dành cho các du khách nước ngoài…Có rất nhiều sản phẩm hiện đại có thể ứng dụng in tranh Đông Hồ như đồ gốm sứ, vỏ đồ uống, bao bì sữa trẻ em, bao bì thực phẩm.v.v. Có thể thấy đây cũng là ý thức và niềm tự hào của người Việt Nam khi lựa chọn sản phẩm tiêu dùng cho chính bản thân và gia đình. Đã có thời kỳ người Trung Quốc ưa chuộng vỏ lon Cocacola in hình phượng hoàng lửa, người Việt Nam chúng ta cũng đã có vỏ lon Coca in hình cánh chim én, và sao không thể nghĩ tới lon Coca in hình tranh dân gian Đông Hồ như bức “Rước rồng” “Đám cưới chuột” ? Hay cao cấp hơn chúng ta thấy hiện nay có những công ty Việt Nam đã cho ra đời rất nhiều sản phẩm đẳng cấp Thế giới với giá trị bán ra tới vài trăm triệu đồng một sản phẩm. Có thể nhắc tới các sản phẩm bình gốm của Công ty gốm sứ Minh Long. Những bình gốm sứ này được in các họa tiết phương Đông rất đẹp mắt như chim công, cây tùng…Thiết nghĩ nếu như những vật phẩm này được in lên bằng màu sắc dân tộc tươi vui, bừng sáng, những nét tạo hình đậm chất Việt tròn trịa phồn thực của tranh Đông Hồ thì hẳn giá trị bán ra sẽ còn cao hơn. Đi kèm với đó là sự say mê của bạn bè Thế Giới với sản phẩm đậm nét văn hóa của người Việt cũng như mang văn hóa Việt Nam đi xa hơn, rộng hơn.
Một ví dụ rất điển hình đó là dịp đầu năm 2013, họa sỹ Bàng Nhất Linh đã cho ra mắt tác phẩm tranh Đông Hồ trên chiếc xe Vespa LX của Piaggio. Hình ảnh “Vinh Hoa” – “Phú Quý” cùng “Đám cưới Chuột” được anh thể hiện rất đẹp trên chiếc Vespa màu đỏ khiến giám đốc chiến lược marketing của Piaggio khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, ông Giuseppe Messina yêu thích say sưa. Ông lập tức mời người bạn của mình là một cô gái Hà Thành cùng lên xe dạo một vòng đến chợ hoa Nghi Tàm để thưởng thức không khí mùa Xuân. Có thể một ngày nào đó chúng ta sẽ ngồi trên một chiếc xe Vespa có hình họa tiết dân tộc của tranh dân gian Đông Hồ chứ không phải là hình quả táo cắn dở như bây giờ.
Ông Giuseppe Messina và người bạn cùng xe "Vespa tranh Đông Hồ"
“Sống lại” tranh dân gian Đông Hồ là vấn đề của rất nhiều con người trăn trở. Chúng ta thay vì ngồi nghĩ về vấn đề “mai một” của tranh Đông Hồ thì hãy cùng nhau bàn luận và đưa ra thật nhiều phương án hữu ích để bào tồn dòng tranh quý giá này của dân tộc. Hãy cùng chung tay góp sức để tranh Đông Hồ mãi “tươi trong”, mãi “sáng bừng” trong từng ngôi nhà của người Việt.
Tranh_Tố_Nữ
Công tào Thiên phủ, Địa phủ, tranh thờ dân tộc Dao
Nhận xét
Đăng nhận xét