TRƯỜNG ĐẠI HỌC KIẾN TRÚC TP. HỒ CHÍ MINH



35 NĂM THÀNH LẬP VÀ TIẾP NỐI 85 NĂM ĐÀO TẠO KIẾN TRÚC
http://www.uah.edu.vn/router/bai-gioi-thieu-cua-hieu-truong-227.html 
Mùa thu 2011- Trường Đại học Kiến Trúc TP. Hồ Chí Minh kỷ niệm 35 năm thành lập (1976-2011). Nếu coi sự kiện trường Mỹ thuật Đông Dương (1924) thành lập ban kiến trúc năm 1926 là bắt đầu của công cuộc đào tạo kiến trúc sư ở Việt Nam thì mùa thu này cũng là sự tiếp nối 85 năm đào tạo ngành kiến trúc (1926-2011). Một sự kiện đặc biệt quan trọng và vô cùng ý nghĩa đối với thầy và trò nhà trường. Nhân dịp này đội ngũ CBVC, sinh viên, các thế hệ Kiến Trúc Sư, Kỹ sư, Cử nhân Mỹ thuật đã từng gắn bó với địa chỉ số 196 Đường Pasteur, Quận 3,với biết bao kỷ niệm buồn vui trong cuộc đời dạy, học kiến trúc và làm nghề kiến trúc, đều mong muốn được trở về mái trường xưa, tìm hiểu về cội nguồn, về sự hình thành và phát triển của ngôi trường Kiến Trúc Sài Gòn ngày xưa và sự phát triển không ngừng của trường Đại học Kiến Trúc TP. HCM ngày hôm nay
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn cán bộ cấp cao của Chính phủ và Thành phố Hồ Chí Minh đến thăm và làm việc với trường đại học Kiến Trúc TP. HCM (30/04/2009)
1.    Ban Kiến trúc Trường Mỹ thuật Đông Dương là tiền thân của các cơ sở đào tạo kiến trúc Việt Nam (!)
Trường Mỹ thuật Đông Dương được thành lập năm 1924 tại Hà Nội, bởi một Nghị định do toàn quyền Đông Dương Merlin ký ngày 22/10/1924, họa sỹ Victor Tardieu là người sáng lập, ông tạ thế năm 1937 tại Hà Nội. Ngày 01/10/1926, Trường Mỹ thuật Đông Dương thành lập Ban Kiến trúc (có tài liệu gọi là khoa Kiến Trúc). Sau 5 năm đào tạo, đến năm 1931, khoá đầu tiên tốt nghiệp. Như vậy, Ban Kiến trúc trường Mỹ thuật Đông Dương là cơ sở đào tạo kiến trúc sư đầu tiên của Việt Nam.
Trường Mỹ thuật Đông Dương trước năm 1945 (nhìn ra đường Lê Duẩn, Hà Nội ngày nay)  

2.      Con đường đến thương hiệu Đại học Kiến Trúc Sài Gòn
Năm 1942, do chủ trương đào tạo kiến trúc sư thực hành và hoạ sĩ sản xuất mỹ nghệ nên trường Mỹ thuật Đông Dương được phân làm hai trường riêng biệt là Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và Trường Mỹ thuật Thực hành Hà Nội (Nghị định 22/10/1924 của Toàn quyền Đông Dương). Ban Kiến trúc cùng với các Ban Hội họa, Điêu khắc và Sơn mài thuộc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Năm 1944, Ban Kiến trúc được nâng thành Trường Kiến trúc thuộc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (Nghị định 22/02/1944 của Toàn quyền Đông Dương). Trong thời gian này, vào ngày 13/6/1944, có một Quyết định Liên Bộ đã công nhận giá trị văn bằng tốt nghiệp của Trường được hành nghề kiến trúc sư. Quyết định này đánh dấu việc Trường Kiến trúc được sát nhập vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Quốc gia Paris, văn bằng tốt nghiệp kiến trúc sư được trao bởi Chính phủ Pháp, có giá trị hành nghề tại Pháp và Đông Dương (Nghị định 06/02/1945). Nhật đảo chính Pháp, để tránh hiểm họa chiến tranh, Toàn quyền Đông Dương ra quyết định chuyển trường Kiến trúc vào Đà Lạt và sau đó mấy tháng, do tình hình chính trị không ổn định, nhà trường phải ngưng hoạt động. Trường tiếp tục hoạt động trở lại vào ngày 01/02/1947 và lấy tên là Trường Kiến trúc Đà Lạt. Ngày 8/3/1948, Trường được Liên Bộ công nhận là một trong những trường kiến trúc địa phương, là phân hiệu của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Quốc gia Paris. Cuối năm 1948, Trường Kiến trúc Đà Lạt nhập về Viện Đại học Đông Dương và được nâng cấp thành Trường Cao đẳng Kiến trúc. Kể từ đó, Trường Cao đẳng Kiến trúc Đà Lạt không còn là phân viện của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Quốc gia Paris nữa (Nghị định 06/9/1948). Năm 1950, theo hiệp ước văn hóa ngày 30/12/1949 và 30/5/1950, giữa Việt Nam và Pháp, Viện Đại học Đông Dương đổi tên  là Viện Đại học Hà Nội. Trường Cao đẳng Kiến trúc Đà Lạt trực thuộc Viện Đại học Hà Nội. Cuối năm 1950, Trường Cao đẳng Kiến trúc Đà Lạt được chuyển về Sài Gòn, tọa lạc tại số 196 Pasteur, Quận 3, Sài Gòn và đổi tên là trường Cao đẳng Kiến Trúc Sài Gòn.
GS.KTS. Nguyễn Quang Nhạc, GS.KTS. Phạm Văn Thâng và sinh viên kiến trúc (ảnh chụp năm 1976)
Sau Hiệp định Genève, Viện Đại học Hà Nội chuyển thành Viện Đại học Quốc gia Việt Nam, còn ở miền Nam Việt Nam có Viện Đại học Sài Gòn. Trường Cao đẳng Kiến trúc trực thuộc Viện Đại học Sài Gòn. Năm 1967, Trường Cao đẳng Kiến trúc Sài Gòn được đổi tên thành Đại học Kiến trúc Sài Gòn, vẫn trực thuộc Viện Đại học Sài Gòn (Sắc lệnh số 159/SL/QĐ ngày 30/10/1967). Tháng 5/1975, Ban Quân quản tiếp thu Trường Đại học Kiến trúc Sài Gòn. Tháng 11/1975, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp cử Ban phụ trách do ông Trương Tùng – Phó Giáo sư, Phó Tiến sỹ, KTS làm Trưởng ban. Ban có trách nhiệm tiếp tục tổ chức các hoạt động đào tạo đối với các sinh viên cũ đang học dở dang tại Trường và triển khai công tác tuyển sinh, đào tạo hệ đại học kiến trúc và cao đẳng kiến trúc.  

3.      Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh
Trường Đại học Kiến Trúc TP. Hồ Chí Minh tại địa chỉ 196 Pasteur, phường 6, quận 3.
Ngày 27/10/1976, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Trường Đại học Kiến trúc Sài Gòn đổi tên là Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh. Từ năm 1976 – 1995, Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh trực thuộc Bộ Xây dựng. Từ năm 1996 – 2000, Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh là thành viên của Đại học Quốc gia TP. HCM. Ngày 10/10/2000, trường Đại học Kiến Trúc TP. Hồ Chí Minh là trường độc lập trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Từ năm 2002 đến nay, Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh trực thuộc Bộ Xây dựng.
Với sự kế thừa và phát huy những giá trị được hình thành từ nhiều giai đoạn phát triển, của nhiều thế hệ, trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh hôm nay có bức chân dung riêng biệt, in đậm trên địa chỉ số 196 Pasteur, quận 3 hơn 60 năm qua.
Đặc biệt, cái “tình” giữa thầy và trò với ngôi trường Kiến trúc Sài Gòn xưa được nuôi dưỡng truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác mà giới KTS thường gọi là tinh thần “patron-negre” hay “tinh thần huynh đệ” hoặc theo kiểu “tình thương mến thương” gọi chung là “tinh thần Kiến trúc”.
Cảnh trường xưa dù có thay đổi nhiều, song tòa nhà trung tâm được xây dựng từ năm 1972-1973, một đồ án tốt nghiệp của sinh viên Trương Văn Long do cố GS.KTS. Phạm Văn Thâng hướng dẫn, vẫn còn giữ nguyên vẹn chất đá rửa bàng bạc với thời gian, dấu ấn về một xu hướng tiên phong ở đô thị Sài Gòn ngày xưa, được coi là “di sản” lưu giữ kỷ niệm của nhiều thế hệ KTS trước và sau ngày giải phóng.
Tác giả (SV Phạm Tứ) và SV Trịnh Phương Thảo, SV Trần An Toàn bảo vệ đồ án tốt nghiệp đề tài: Trung tâm Du lịch Non Nước.
Hội đồng gồm: KTS. Huỳnh Kim Mãng (Chủ tịch Hội đồng), KTS. Lê Văn Vương (Thư ký Hội đồng), KTS. Võ Đình Diệp, PTS.KTS. Nguyễn Kim Sến
Thực hiện Nghị quyết 14/2005/NQ-CP của Chính phủ về việc đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục Đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thực hiện nhiệm vụ chính trị Chính phủ giao: đào tạo nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực xây dựng cho 2 vùng kinh tế trọng điểm phía Nam Tây Nam Bộ- Tây Nguyên và Vương quốc Campuchia theo Nghị định thư giữa hai nước. Từ năm học 2006-2007, trường Đại học Kiến Trúc TP. Hồ Chí Minh đã từng bước hướng đến những giá trị mới của triết lý về đào tạo:
1. Chất lượng đào tạo là đạo lý
2. Mục tiêu đào tạo mang tính thời đại
3. Phương pháp đào tạo mang hơi thở cuộc sống
4. Công tác quản lý đào tạo là then chốt
5. Đội ngũ giảng viên là tất cả và quyết định         
Từ đó nhà trường từng bước xây dựng những giải pháp thích hợp cho bối cảnh của nhà trường hiện nay. Cụ thể:
1. Nhanh chóng ra khỏi tháp ngà: xóa bỏ bức tường ngăn cách giữa nhà trường và xã hội, để môi trường đào tạo “hàn lâm” quay về những giá trị đích thực của cuộc sống con người, gắn học thuật với thực tiễn cuộc sống.
2. Tăng cường kỹ năng thực hành: thực hành là một động lực của đào tạo thực hành trên các bình diện khác nhau, thực hành trở thành năng lực không thể thiếu của sinh viên tốt nghiệp ra trường. “Học để thực hành-học từ thực hành-học trong thực hành” (Boyer và Mitgang-1996)
3. Xem trọng bối cảnh: trong xu hướng toàn cầu hóa và mặt trái của quốc tế hóa, thì vấn đề kiến tạo nơi chốn về tinh thần và vật chất là một trong những yêu cầu quan trọng không thể thiếu để giữ gìn văn hóa trong đào tạo.
4. Chuyên gia hóa đội ngũ giảng viên: hướng đến các lợi ích hiểu biết thực tiễn cho sinh viên và tạo ra cơ hội hoạt động nghề nghiệp cho đội ngũ giảng viên.
5. “Dũng cảm” vượt qua rào cản của cơ chế: hoạt động đào tạo còn nhiều bất cập giữa chế độ chính sách với thực tiễn của các cơ sở đào tạo, đòi hỏi sự “tháo gỡ” kịp thời, có thể có “sai nhưng không phạm”. Song “khi ta không hành động thì các thiên thần cũng bỏ ta đi” (Voltaire)
Bức chân dung mới của trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh hiện nay:
-   Đa dạng hóa các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực xây dựng và các lĩnh vực gần
-   Quy mô đào tạo giữ mức trung bình như hiện nay để tập trung nâng cao chất lượng
-  Chương trình đào tạo theo hướng vừa nghiên cứu phát triển, vừa ứng dụng thực nghiệm đảm bảo đạt chuẩn quốc gia, từng bước quốc tế hoá chương trình.
-   Phát triển đội ngũ giảng viên “hai trong một” là yếu tố sư phạm và tố chất chuyên gia nghề, hội tụ ở thầy cô giáo, tiến tới quốc tế hóa đội ngũ giảng viên
-   Cơ sở đào tạo:
+ Cơ sở đào tạo chính tại địa chỉ 196 Pasteur, quận 3-một địa chỉ không thay đổi hơn 60 năm qua
+ Tại TP. Cần Thơ: cơ sở đào tạo cho 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ở địa chỉ Khu 201, đường Lê Hồng Phong, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực xây dựng cho 13 tỉnh miền Tây Nam Bộ
+ Tại TP. Đà Lạt: cơ sở đào tạo cho 5 tỉnh vùng Tây Nguyên ở địa chỉ số 20 đường Hùng Vương, phường 10, TP. Đà Lạt, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực xây dựng cho 05 tỉnh Tây Nguyên
+ Tại TP. Phnôm Pênh- Vương quốc Campuchia (đang triển khai)
Lễ ký kết hợp tác đào tạo giữa trường Đại học Kiến Trúc TP. HCM và trường đại học công nghệ Swinburne-Úc
 4.      Một chút tản mạn và mong ước trở thành truyền thống
Nghĩ về các bậc tiền nhân: theo ghi chép của Cố KTS Võ Đình Diệp – Giảng viên trường Đại học Kiến Trúc TP. Hồ Chí Minh và tham khảo tài liệu “Đào tạo Kiến trúc sư ở Việt Nam 50 năm giữa thế kỷ XX” của KTS. Đoàn Đức Thành đăng trên tạp chí Kiến Trúc số 45, 5-2007. Các thông tin đáng tin cậy về các bậc tiền bối của Kiến trúc sư Việt Nam trong giai đoạn tiền cách mạng (1925-1945) xin lược ghi lại như sau:
Hầu hết các bậc tiền bối của Kiến trúc sư Việt Nam đều xuất thân từ những khóa đầu tiên của Ban Kiến trúc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Trong 20 năm - từ 1925 đến 1945 - Trường Mỹ thuật Đông Dương đã đào tạo tốt nghiệp được 11 khoá, với trên 50 kiến trúc sư. Thống kê thời gian đào tạo và một số kiến trúc sư tiêu biểu của các khoá: Khoá 1925-1930: Nguyễn Xuân Phương, Lê Quang Tỉnh; 1926-1931: Nguyễn Văn Ninh, Nguyễn Tường Tam (tức nhà văn Nhất Linh); 1927-1932: Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp; 1928-1933: Trần Hữu Tiềm, Nguyễn Gia Đức; 1929-1934: Đoàn Ngọ, Bạch Văn Chụ, Phan Văn Hoá; 1930- 1935: Đoàn Văn Minh, Võ Đức Diên; 1931-1936: Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Ngọc Điệp; 1932-1937: Đỗ Hữu Dư (tức Hoàng Linh), Phạm Khắc Hệ (tức Phạm Hoàng); 1934-1939: Nguyễn Ngọc Chân, Nguyễn Nghi, Tạ Mỹ Duật, Nguyễn Ngọc Ngoạn, Nguyễn Ngọc Diệm; 1938- 1943: Ngô Huy Quỳnh, Khổng Toán, Lương Tấn Khoa, Phạm Khắc Nhu; 1940-1945: Huỳnh Soàn, Trần Văn Đường, Đỗ Bá Vinh, khoá này năm cuối làm đồ án tốt nghiệp và nhận bằng kiến trúc sư tại Đà Lạt.
Nhiều quý vị kiến trúc sư đã từng tham gia công tác đào tạo và giữ các chức vụ cao trong chính quyền, đoàn thể, được ghi nhận như sau: KTS. Nguyễn Cao Luyện, Nguyễn Nghi sáng lập khóa đào tạo kiến trúc sư đầu tiên thuộc khoa Xây dựng trường Đại học Báck khoa Hà Nội (1956-1961). KTS. Nguyễn Gia Đức thành lập nhóm kiến trúc sư nghiên cứu và quảng bá các kiểu nhà “ánh sáng” dành cho người nghèo đô thị. KTS. Huỳnh Tấn Phát, nguyên Phó Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam và Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Những kiến trúc sư tiêu biểu khác đã làm khởi sắc cho phong trào kiến trúc Đông Dương và góp phần khai phá nền kiến trúc Việt Nam cũng như có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp đào tạo kiến trúc sư các thế hệ sau này.
Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh mãi mãi trân trọng và ghi nhớ công lao các thế hệ kiến trúc sư “tiền bối” của các thời kỳ đào tạo phát triển ngành kiến trúc Việt Nam.
Thời điểm “chuyển giao” giữa hai chế độ: Nhiều thế hệ cán bộ nhà trường sau này, nhất là các em sinh viên hôm nay có thể chưa được biết những gì đã diễn ra tại trường ĐH Kiến Trúc Sài Gòn vào ngày 01/5/1975, ngày đầu tiên sau giải phóng.
Theo KTS. Cổ Văn Hậu, sáng ngày 01/5/1975, gần như toàn bộ nhân viên nhà trường, kể cả ban giám đốc, các giáo sư, giáo viên đều có mặt “trình diện” tại trường, cụ thể: khoa trưởng GS.KTS. Nguyễn Quang Nhạc, GS.KTS. Tô Công Văn, KTS. Phạm Văn Thâng, KTS. Trần Phi Hùng, KTS. Đỗ Bá Vinh, KTS. Võ Đình Diệp, KTS. Cổ Văn Hậu, KTS. Trần Phong Lưu, KTS. Nguyễn Trọng Kha, KTS. Hồ Thiệu Trị, KTS. Nguyễn Tấn Cang, KTS. Đinh Hữu Tường, GS.KS. Phạm Minh Cảnh, GS.KS. Phạm Minh Trí, … Một không khí chung của cả trường lúc bấy giờ là phân vân và lo lắng cho cuộc sống đầy biến động và hoàn toàn khác biệt so với trước đây.
Theo KS. Huỳnh Kim Trương, nguyên là Viện trưởng Viện Quy hoạch thiết kế tổng hợp-Bộ Xây dựng, ông cho biết vào sáng ngày 01/5/1975, đoàn quân của ban Xây dựng Trung ương Cục Miền Nam, do ông phụ trách, có phiên hiệu là K7 gồm hơn 300 cán bộ và công nhân đã được quân sự hóa tiến thẳng vào trường Đại học Kiến Trúc Sài Gòn. Trường Đại học Kiến Trúc được tạm thời trưng dụng làm trụ sở của Đoàn K7. Tại đây, K7 đã tập hợp sinh viên kiến trúc thành một tổ chức lấy tên là: “Ủy ban Cách mạng Sinh viên Kiến Trúc” gồm hơn 500 thành viên, các thành viên tự nguyện ăn cơm nhà, làm việc cách mạng, mỗi ngày họ mang mô tô, xe máy để đưa đội quân của K7 tham gia các hoạt động theo chỉ đạo của Ban Quân quản thành phố.
Như vậy, có thể nói sau giải phóng, trường Đại học Kiến Trúc là một số ít trường đại học ở Sài Gòn lúc bấy giờ không “tùy nghi di tản” mà cả thầy lẫn trò đã bắt nhịp cuộc sống mới, tham gia những hoạt động phong trào cách mạng và sớm ổn định tổ chức hoạt động đào tạo.
Một chút suy nghĩ riêng tư về dạy nghề kiến trúc: kiến trúc là một ngành học đào tạo chuyên nghiệp, lấy lý thuyết làm nền tảng và dựa vào thực tiễn, trên cơ sở tư duy sáng tạo.
Đào tạo chuyên nghiệp: Sự chuyên nghiệp của hoạt động giảng dạy kiến trúc tạo yếu tố cơ bản và hấp dẫn của quá trình dạy và học, quá trình trao đổi, phát triển tư duy từ người thầy sang sinh viên. Dạy nghề kiến trúc đòi hỏi chuyên nghiệp, thể hiện ở kỹ năng thực hành thông thạo (tinh thông về kiến thức, thành thạo về hành động). KTS. Susan Savage- Giảng viên trường Đại học Công nghệ Queensland, cho rằng “các kiến trúc sư chuyên nghiệp có thể tháo gỡ các vướng mắc ngay trong phòng làm việc cùng các sơ đồ bảng vẽ, đó chính là những gì sinh viên cần vươn tới”. Như vậy bên cạnh việc thực hành vật chất như ta thường thấy, với tính chuyên nghiệp, kiến trúc sư còn thực hành trên cơ sở trí tưởng tượng của mình để dự đoán các tình huống có thể xảy ra. Kiến trúc sư Beckett miêu tả vấn đề chuyên nghiệp trong thực hành giảng dạy kiến trúc hết sức ngắn gọn: “hoàn cảnh cụ thể-hiểu biết sâu rộng-hành động lập tức”. Thực hành được coi là bản chất chuyên nghiệp của hoạt động giảng dạy kiến trúc.
Lý thuyết làm nền tảng: tại Hội nghị kiến trúc sư thế giới tổ chức năm 2001 bàn về vấn đề đào tạo kiến trúc sư cho thế kỷ 21 đã cảnh báo để bảo tồn những giá trị kiến trúc, chúng ta phải tìm được lý thuyết cốt lõi của ngành học trên cơ sở tổng hợp kiến thức từ ngành khác như khoa học xã hội nhân văn, lịch sử, triết học, mỹ học, tâm lý học, xã hội học và kể cả phong thủy học. Với bối cảnh thế giới hiện nay, các yếu tố kinh tế xã hội thay đổi nhanh chóng, có sức tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực kiến trúc, thậm chí có thể làm chao đảo kiến trúc. Do đó, đòi hỏi kiến trúc sư vừa có kiến thức chuyên môn chuyên sâu, vừa có kiến thức nền sâu sắc về khoa học nhân văn và chủ nghĩa nhân văn.
Dạy từ thực tiễn cuộc sống: có một số ít kiến thức hàn lâm trong hoạt động đào tạo ngày càng xa lạ đối với sinh viên kiến trúc, đối với người hành nghề kiến trúc vì môi trường hoạt động của kiến trúc sư và sinh viên luôn sôi động và biến động. Nói một cách khác, chỉ được trang bị phần lý thuyết sách vở, kiến trúc sư chưa đủ hành trang vào đời. Kinh nghiệm cho thấy bên cạnh nền tảng lý thuyết, phải dựa vào thực tiễn cuộc sống để phát triển kiến trúc. Với triết lý “học để thực hành-học từ thực hành-học trong thực hành” (Boyer Mitgang, 1996) cho thấy trong lĩnh vực dạy kiến trúc, yếu tố thực tiễn vô cùng quan trọng, chi phối cả phần lý thuyết. Kiến trúc là ngành học của cả lý thuyết và thực tiễn, thực tiễn là điểm đến của lý thuyết, do đó dạy từ thực tiễn là phương châm không thể thiếu ở trường đại học Kiến Trúc TP. Hồ Chí Minh.
Tư duy sáng tạo: Không có môn học trực tiếp về tư duy sáng tạo hay sáng tạo kiến trúc, song gần như các học phần môn học của trường Đại học Kiến Trúc TP. Hồ Chí Minh đều được xoay quanh trục sáng tạo “vô hình”. Sáng tạo được hình thành thông qua quá trình tổng hợp và chắt lọc các tri thức và phương pháp luận cộng với các thủ pháp rất riêng biệt của nghề. Sản phẩm hay ngôn ngữ dạy nghề kiến trúc cũng rất khác biệt với các nghề khác, đó là những ký hiệu mang tính quy ước trên cơ sở tư duy hình tượng là chủ yếu, được thể hiện thông qua sơ đồ bản vẽ và mô hình mang tính ước lệ cao với phương pháp thể hiện rất đa dạng. Dạy nghề kiến trúc là quá trình hiện thức hóa tư duy sáng tạo từ người thầy sang sinh viên, quá trình này chuyển hóa rất đặc biệt, rất riêng biệt và rất tinh tế. Ví dụ một không gian kiến trúc có “hồn”, một đồ án quy hoạch mang tính “nhân văn”, một giải pháp kết cấu “ấn tượng”, cũng như một món đồ chơi cho em bé “dễ thương”, làm sao để sinh viên cảm nhận được cái gọi là “hồn-ấn tượng-nhân văn-dễ thương” ấy. Bắt đầu từ tư duy, xác định ý tưởng, hình tượng hóa ý tưởng để tạo ra không gian kiến trúc, hình ảnh kiến trúc: đẹp, đơn giản, hàm xúc, dễ hiểu, gọi là Nghệ thuật tổ chức không gian chứ không phải chỉ tổ chức không gian. Đó chính là quá trình tư duy sáng tạo!
 
Hội nghị giao ban trường đầu năm học
 5.      Hoạt động đào tạo gắn kết Hội Kiến trúc sư với Trường Kiến Trúc TP.Hồ Chí Minh
Trong nhiều năm vừa qua, Hội Kiến trúc sư TP. HCM rất quan tâm đến công tác đào tạo kiến trúc. Hội coi đào tạo kiến trúc sư là một phần nhiệm vụ của Hội. Do đó, Hội có chủ trương động viên và đề xuất các hội viên đủ điều kiện tham gia công tác giảng dạy đào tạo kiến trúc sư ở trường đại học Kiến Trúc TP. Hồ Chí Minh. Nhiều hội viên của Hội Kiến Trúc Sư TP. HCM có kinh nghiệm từ thực tế tham gia công tác giảng dạy tại trường không những giúp cho sinh viên có cách tiếp cận, cách giải quyết một đồ án mang tính thực tiễn cao mà còn tạo sự hấp dẫn trong quá trình dạy và học. Điều này hết sức quan trọng vì sự nhàm chán của lý thuyết suông trong lĩnh vực giảng dạy kiến trúc nói riêng và giảng dạy các ngành khác nói chung đã ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần học tập của nhiều thế hệ. Bên cạnh đó, các kiến trúc sư là hội viên còn hướng dẫn sinh viên trong quá trình thực tập và truyền đạt những kinh nghiệm nghề nghiệp. Chính vì vậy, sự kết hợp giữa Hội và trường là một thế mạnh đối với trường Đại học Kiến Trúc TP. HCM để chuyển hướng phương pháp đào tạo sang thực hành nhiều hơn.
Đặc biệt, yêu cầu về đổi mới giáo dục đại học đặt sinh viên vào vai trò trọng tâm, được đề cao tính độc lập trong tư duy, suy nghĩ, phân tích và nghiên cứu thì vai trò tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn liên quan đến các yếu tố thực tiễn là một đòi hỏi tất yếu đối với giảng viên. Đòi hỏi này phù hợp với phẩm chất vốn có của kiến trúc sư đang hành nghề bên ngoài xã hội. Một hiện tượng khá phổ biến ở trường hiện nay là sinh viên thích giảng viên giảng càng ít lý thuyết càng tốt, sinh viên mong muốn giảng viên nhấn mạnh đến các hoạt động chuyên môn ở ngoài thực tế. Chính vì vậy, các kiến trúc sư là hội viên, là chuyên gia thuộc các lĩnh vực của kiến trúc tham gia công tác giảng dạy rất thuận lợi và có ý nghĩa mang tính đột phá trong đào tạo kiến trúc.
Hội Kiến trúc sư TP. Hồ Chí Minh đồng hành với trường Đại học Kiến Trúc TP. HCM trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học và các hoạt động ứng dụng thực nghiệm khác, đã giúp cho công tác đào tạo đội ngũ kiến trúc sư của nhà trường đạt kết quả tốt hơn. Ngược lại, nhà trường cung cấp “miễn phí” hội viên cho Hội Kiến trúc sư TP. HCM, cung cấp đội ngũ tân kiến trúc sư ngày càng có chất lượng hơn cho các văn phòng hành nghề của hội viên.
Nhân dịp này, trường Đại học Kiến Trúc TP. HCM trân trọng và cám ơn sự đóng góp cho hoạt động đào tạo kiến trúc của Hội viên và tập thể Hội Kiến trúc sư TP. Hồ Chí Minh.
NGƯT.PGS.TS.KTS. Phạm Tứ - Hiệu trưởng nhà trường báo cáo với Đ/c Trương Tấn Sang - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư về dự án Quy hoạch Khu tưởng niệmcác anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại Trại giam tù binh Phú Quốc nhân dịp đồng chíđến thăm và làm việc tại trường ngày 03/05/2010
Lời kết:
Với 35 năm hình thành và phát triển, tiếp nối truyền thống 85 năm đào tạo kiến trúc sư, trường Đại học Kiến Trúc TP. Hồ Chí Minh hôm nay đa ngành trong lĩnh vực kiến trúc xây dựng, sẵn sàng cho phát triển và hội nhập như lời tuyên bố về sứ mạng của mình: “Trường Đại học Kiến Trúc TP. Hồ Chí Minh hôm nay là trung tâm đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao theo chuẩn mực quốc gia và khu vực đối với các ngành đào tạo: kiến trúc, quy hoạch, xây dựng, kỹ thuật đô thị, thiết kế công nghiệp, thiết kế nội thất, thiết kế thời trang, thiết kế đồ hoạ để đáp ứng nhu cầu xã hội và phát triển nền kinh tế đất nước”.
Trân trọng quá khứ và tự hào về hiện tại và chúng ta có quyền mơ ước về tương lai tươi sáng của ngôi trường thân yêu - Đại học Kiến Trúc TP. HCM.

                                                                                            PGS.TS. KTS.NGƯT Phạm Tứ
                                                                                 Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến Trúc TP. Hồ Chí Minh

Nhận xét