Thờ cúng Ông Bà, Cha Mẹ thế nào mới đúng phong tục Việt?



               Về thờ cúng thì chỉ con trai, con trưởng mới thờ chính tổ tiên, ông bà, cha mẹ.

Hầu hết người Việt Nam từ xa xưa đã có phong tục con cháu thờ cúng ông bà, cha mẹ, đó là việc hiếu nghĩa. Để thực hiện việc này, tùy điều kiện gia đình, gia chủ sẽ có không gian tưởng nhớ riêng hay chỉ là ban thờ đơn sơ, có ảnh thờ hay không nhưng đến ngày giỗ, con cháu lại tề tựu thắp hương tưởng nhớ. Nhà có điều kiện thì làm mâm cỗ giỗ. Nhà nghèo cũng cố tiết kiệm chi tiêu để có chén cơm, canh và một ít thịt, cá, trứng hay chỉ là đĩa trái cây hái trong vườn, thậm chí chỉ là nén nhang, chén nước. Vợ có thể xin phép rước vong linh bố mẹ mình về thờ trong nhà chồng, nhưng bài vị phải đặt đúng vị trí "nam tả, nữ hữu", nghĩa là nội bên trái, ngoại bên phải theo hướng nhìn vào bàn thờ.


                            
                          Nơi thờ Phật và Tổ Tiên Ông Bà, Cha Mẹ tại nhà Ông Lê Lương,Vũng Tàu

Không đòi hỏi cao sang nhưng nghi lễ này là để con cháu dù có cơ hội gặp mặt, đối với gia đình nghèo là bữa cỗ để cải thiện sức khỏe và quan trọng là con cháu có một bữa ăn tươi khi mà hầu hết ngày nào cũng chỉ có rau mắm và cơm độn vì kinh tế khó khăn. Nhưng "tưởng nhớ và ghi ơn" tổ tiên, ông bà, cha mẹ mới là mục đích chính. Ngày nay có phần biến tướng, cúng giỗ linh đình không cần thiết, thậm chí mệt mỏi do điều kiện vật chất đầy đủ nên việc bày biện mâm cao, cỗ đầy đôi khi lãng phí và khiến con cháu mệt mỏi, mất thời gian.
  


Về già Ông Lê Lương và Bà Hồ Thị Thường luôn đi chùa niệm Phật, làm việc thiện,
 cầu mong Đức Phật, Ông Bà phù hộ sức khoẻ may mắn cho con cháu

Về thờ cúng thì chỉ con trai, con trưởng mới thờ chính tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Con thứ, con gái chỉ thờ vọng ông bà, cha mẹ nếu có con trưởng; thờ chính nếu chỉ có con gái. Khi cha mẹ còn sống, con cháu sống chung trong gia đình thì không thờ tổ tiên của con dâu trong nhà bởi "một nhà không được thờ 2 họ". Tuy nhiên nếu là nhà riêng thì việc tờ cúng là bình thường bởi vợ chồng đều được phép rước vong linh cha mẹ ruột mình để thờ chính hay thờ vọng, đó là việc làm hiếu nghĩa và không thể ngăn cấm. Con cháu không thờ ông bà cha mẹ thì ai thờ? Sao một vài người lại không hiểu điều đó.

Tuy nhiên, cần chú ý về cúng giỗ: Nếu thờ chính (là con trưởng hay con gái duy nhất) mới nên thắp hương, cúng giỗ chính kỵ (đúng ngày mất). Theo lệ ngày xưa, trước đó 1 ngày, con cháu sẽ viếng mộ nếu có điều kiện, làm mâm cơm gọi là "lễ thường" và mời người đã khuất về "vui vầy cùng con cháu để ngày mai "chính kỵ". Con cháu nếu ở xa không về được (chỉ được thờ vọng) thì chỉ được cúng, giỗ trước ngày chính kỵ để "xin phép" và "báo cáo" lý do ngày nọ, ngày kia là chính giỗ nhưng vì lý
 do này nọ nên không về dự lễ.
 Vọng thờ Lê Tộc tại Vũng Tàu
Dù về hay không con cháu ở xa đều "góp giỗ" bằng vật chất hay tiền để người thờ phụng chính mua sắm lễ vật, chuẩn bị cỗ cho ngày chính kỵ. Tại sao thờ chính và thờ vọng? Người xưa quan niệm rằng nếu con cháu đều cúng giỗ đúng ngày chính kỵ thì tổ tiên, ông bà, cha mẹ không biết dự nhà ai vì trùng ngày giờ; dự nhà người này thì mất lòng người kia nên đành "ở nhà nhịn đói".

Không ít gia đình do con cháu bất hòa hay do ở xa, cứ nhằm ngày chính kỵ làm giỗ. Người xưa nói: nhà có nhiều con, cứ ngày đó là chúng đua nhau làm cỗ, mời cha mẹ, nhưng vì đi đứa nọ mất lòng đứa kia, gây mất đoàn kết vì con cháu so bì, bác chú cũng khó đến chứ nói gì đến cha mẹ nên đành kiếm cớ ở nhà ăn cơm đạm bạc. Người sống còn vậy, người đã khuất càng không muốn con cháu chia lìa chỉ vì mâm cỗ.



Con cháu Ông Lê Lương chụp ảnh tại nhà thờ Phật và Tổ Tiên Ông Bà, Cha Mẹ
vào mùng 1 Tết hằng năm

Phong tục, tập quán ngàn đời là như vậy, do đó nếu vợ chồng có nhà riêng thì việc thờ cúng ông bà, cha mẹ (thờ chính nếu là con trai hay chỉ có con gái) và thờ vọng (nếu đã có người khác thờ chính) là bình thường và hợp đạo lý. Ngay cả khi nhà đó là hương hỏa của chồng, khi cha mẹ chồng mất, vợ vẫn có thể xin phép tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã khuất "rước" vong linh ông bà cha mẹ về thờ bình thường, chỉ có điều nên để ý là bài vị phải đặt đúng vị trí "nam tả, nữ hữu" có nghĩa là nội bên trái, ngoại bên phải theo hướng nhìn vào bàn thờ. Dĩ nhiên bàn thờ nên có ít nhất 2 cấp: trên thờ tổ tiên ông bà, dưới thờ cha mẹ. Nếu có thờ thần linh thì để riêng hoặc phía trên cao hơn bàn thờ tổ tiên. Không có quy định nào "cấm" con cháu ở nhà riêng không được thờ ông bà, cha mẹ mình tại nhà... Thậm chí cha mẹ nuôi đã mất cũng được rước về để thờ nếu có hiếu và biết ơn và cũng được "cúng giỗ" chính kỵ hay không tùy theo hoàn cảnh.

"CÂY CÓ CỘI, SUỐI CÓ NGUỒN
     CON CHÁU CÓ ÔNG BÀ TỔ TIÊN"

Nhận xét

Đăng nhận xét