Đá Chữ Thập là một rạn san hô thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa. Đá này nằm ở vị trí cách biệt với các thực thể khác của quần đảo, nằm về phía tây nam của bãi san hô Tizard (Tizard Bank) thuộc cụm Nam Yết và về phía đông bắc của cụm Trường Sa.
Đá Chữ Thập là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Đài Loan, Philippines và Trung Quốc. Trung Quốc kiểm soát đá này từ năm 1988[1] đến nay.
- Tên gọi: đá Chữ Thập; tiếng Anh: Fiery Cross Reef hoặc North West Investigator Reef; tiếng Filipino: Kagitingan; Trung văn giản thể: 永暑礁; bính âm: Yǒngshǔ jiāo, Hán-Việt: Vĩnh Thử tiêu
- Đặc điểm: có chiều dài tính theo trục đông bắc-tây nam là 14 hải lí (25,93 km) và chiều rộng là 4 hải lí (7,4 km); tổng diện tích đạt 110 km².[2] Trừ một tảng đá cao 1 m nổi lên ở phần đuôi phía tây nam thì nhìn chung đá này chìm dưới nước khi thuỷ triều lên.[3]
Theo nguồn tin của Trung Quốc, Uỷ ban Hải dương học Liên chính phủ thuộc UNESCO ủng hộ về mặt ngoại giao và giao phó cho Trung Quốc xây dựng trạm quan sát trên biển tại quần đảo Trường Sa vào tháng 3 năm 1987. Nắm lấy thời cơ này, Trung Quốc bắt đầu khảo sát quần đảo Trường Sa ngay trong tháng 4 năm 1987 và quyết định chọn đá Chữ Thập làm nơi đóng quân vì đá này không những đủ lớn mà còn nằm xa các căn cứ đồn trú của các nước khác. Trong thời gian sau đó, Trung Quốc còn liên tục viếng thăm và tiến hành khảo sát nhiều thực thể địa lí hoang vu khác.[4].
Ngày 31 tháng 1 năm 1988, hải quân Việt Nam cử hai tàu chở vật liệu từ đá Tây[5] đến xây dựng công trình tại đá Chữ Thập nhưng bị hải quân Trung Quốc chặn lại.[6] Từ cuối tháng 2, Trung Quốc bắt đầu xây dựng căn cứ tại đây[4] và hoàn tất việc tạo lập căn cứ vào tháng 7 cùng năm.[7]
Nhận xét
Đăng nhận xét