CHỦ NGHĨA LÀ GÌ?

CHỦ NGHĨA LÀ GÌ?
PHẠM QUỲNH (1892-1945)

Kỳ trước đã có bài bàn về Phương pháp, kỳ này lại có bài bàn về Chủ nghĩa. Lời bàn đây không phải là lời phiếm luận. Chính là nhân nghiên cứu về các phương kế phải làm thế nào để cải cách cho dân tộc ta về đường trí thức tinh thần mà tự nhiên nghĩ ngợi ra vậy. Câu chuyện đây là thuộc về thuyết lý, nó cũng hơi khó khăn trúc trắc một chút, nhưng không phải là không trực tiếp quan hệ với các vấn đề hiện thời. Làm sao cho nước Nam thích hợp được với cách sinh hoạt đời nay, thâu thái được cái văn minh mới của Thái Tây, muốn được thế thời trước phải sửa đổi cả cái tâm lý người An Nam thời trước, phải biết cơ quan tâm lý ấy thế nào, phải biết những cái hay cái dở của người Nam thế nào.
Nay xét ra tâm lý người An Nam không những không biết trọng Phương pháp, lại cũng không biết hiểu Chủ nghĩa là gì nữa. Người mình có cái tính mềm mại uyển chuyển, có lẽ cũng là một tính hay, nhưng phải cái dở là vì đó mà không biết cái sức mạnh của tư tưởng, không biết rằng tư tưởng là động lực, theo như cái thuyết “ý-lực” (idées-forces) của nhà triết học Fouillée đã xướng ra, nghĩa là ý tưởng có sức mạnh chuyển di chi phối được thế giới vậy. Người mình không biết tổ chức tư tưởng, không biết chủ trương cho nó có kỷ luật, thành ra vụng về không biết đối phó với tư tưởng và không biết lợi dụng sức mạnh của tư tưởng, mỗi khi nó mãnh tiến mà bộc phát ra thời bị nó tràn ngập mà lôi cuốn đi vậy.
Biết cái mãnh lực của tư tưởng, tìm cách tổ chức cho có mành mối[1], chủ trương cho có kỷ luật, để lợi dụng mà hành động cho có phương pháp, ấy phần cốt yếu của chủ nghĩa là ở đó, và chính cái đó là cái ta còn khuyết nhiều vậy.
Cái óc người nước Nam là thuần tiêm nhiễm bằng đạo Khổng. Nay đạo Khổng là gì? Chính là một đạo rất tôn sùng cái thói cũ đặt thành lề lối vậy. Chúng ta chịu ảnh hưởng đạo ấy sâu xa quá, nên phàm điều gì không có lề lối của tiền nhân để làm chuẩn đích, thì hình như bơ vơ ngơ ngác, không biết xử trí ra làm sao, không biết tự mình lập lấy chủ nghĩa cho mình, để vừa uyển chuyển thích hợp với thực tế là cõi sinh hoạt biến cải luôn luôn, vừa biết đem cái kỷ luật nghiêm của lẽ phải cùng lý luận để chủ trương chi phối vậy. Vì chủ nghĩa cũng như phương pháp, là một vật có hoạt động; phải in theo với sự sinh hoạt, chứ không thể cách biệt cõi sinh hoạt, như một cái phép tắc cứng cỏi, đã đặt ra rồi thì không thay đổi nữa, chỉ ỷ vào cái sức mạnh của thời giờ mà bắt người ta phải tuân theo đâu. Chủ nghĩa phải tạo thành luôn, phải tùy theo sự tiến hóa của sự vật mà thay đổi. Chủ nghĩa là phần lý thuyết, phải đi liền với phần thực hành, theo liền từng bước mà hướng đạo cho sự thực hành. Chủ nghĩa là phần tri thức phải soi sáng cho sự hành động, khiến cho có ý nghĩa, có giá trị về nghĩa lý, chứ không thành sự xuẩn động vô nghĩa lý.
Cái tư tưởng đó trong đạo Khổng không phải là tuyệt nhiên không có. Có hẳn một phái là Vương Dương Minh (thế kỷ 15), xướng lên một cái thuyết thật là giống với thuyết “ý-lực” của Fouillée, cho rằng tri thức là tạo ra hành động, và hành động không thể dời với tri thức được. Nhưng phái này vẫn bị phái chính truyền (là phái Tống nho, phái Chu Hi), bài xích cho là dị đoan. Cái thuyết của Vương Dương Minh tóm lại một câu: tri hành hợp nhất, biết với làm là một. Phàm điều gì đã biết một cách đích xác, biết đến bậc thâm thiết trứ minh, thời tự nhiên có sức mạnh diễn được thành cái ý tưởng bao hàm ở trong thành sự thực, tự nhiên thành ra hành động vậy. Vậy thời hành động muốn cho có hiệu lực, phải căn cứ ở một cái lý tưởng phân minh, do sự tri thức thâm thiết trứ minh mà quan niệm ra. Biết cho đến nơi đến chốn, tổ chức sự tri thức của mình cho có thống hệ, rồi suy nghĩa cho kỹ càng, như ôm ấp để cho chịu cái khí nóng của tâm hồn, đó là cái phương kế diệu nhất để dự bị mà ra hành động một cách thực có ích lợi, thực có hiệu quả.
Biết với làm, không phải là hai việc dời nhau, lại quyết không phải là hai việc trái nhau nữa. Biết cho thâm trầm, cho đích xác, thế đã là làm rồi đó; làm cho có ý thức, có hiệu quả, thế đã là biết rồi đó. Như vậy thời làm và biết, mà biết là làm. Kẻ học giả, nếu sự học biết của mình là đích thực, thời tức là có tư cách nhà hành động; kẻ hành động, nếu việc làm của mình là có ý thức, thời tức là có tư cách nhà học giả. Cứ bề ngoài mà xét thời ở đời nên trọng việc làm hơn; nhưng làm phải có biết mới làm được, rồi rút lại tư tưởng vẫn là nguồn gốc của hành vi. Giữ gìn tư tưởng cho chánh đáng, đó mới là việc cần hơn nữa; vì nếu nguồn đã vẩn đục thì nước ở đó chảy ra cũng không thể trong sạch được. Nếu tư tưởng sai lầm bác tạp, thời việc làm do đó mà sinh ra tất cũng hỗn độn và vô bổ.
Cái thuyết tri hành hợp nhất, cho tư tưởng với hành vi là liền với nhau, trong tư tưởng là hàm có hành vi, trong hành vi là hàm có tư tưởng, chính là gốc của học thuyết Vương Dương Minh, đạo Khổng ở Tàu vẫn công nhiên không chịu nhận. Trái lại, thời ở Nhật bản phái Vương học lại thịnh hành lắm (người Nhật gọi Vương Dương Minh là Oyomei), kẻ thượng lưu học thức trong nước sùng trọng phái này mà không phục phái chính truyền là phái Chu Hi (thế kỷ thứ 11). Vương học lại tiêm nhiễm sâu cả xã hội cùng phong tục Nhật bản. Nói cái phong võ sĩ đạo của nước Nhật là phần nhiều sở đắc ở Vương học, cũng không phải là nói ngoa. Vương học cho tư tưởng là sức mạnh, võ sĩ đạo tuyên bố cái lý tưởng về danh dự, khéo lợi dụng cái mãnh lực của lý tưởng đó mà làm cách giáo dục cho cả một dân tộc về đường tinh thần, chính là nhờ ở Vương học vậy.
Nhân đây ta cũng nên tiếc rằng học thuyết của Vương Dương Minh không có ảnh hưởng gì ở nước Nam, và cả ngay ở nước Tàu cũng vậy; đạo Khổng từ trước đến giờ chỉ có một phái Chu Hi làm tiêu biểu mà thôi, phái này thì tạo ra các nho sĩ, các quan lại nhiều hơn là tài tử cùng võ sĩ vậy.
Nay lại nói tiếp theo về cái vấn đề làm chủ đích cho bài này, là nói về chủ nghĩa ích lợi và quan trọng thế nào, dù về đường thực tế cũng vậy, và bất cứ việc gì cần phải có tư tưởng chánh đáng thời hành vi mới có hiệu quả được.
Đã biết rằng tâm lý người An Nam tự nhiên không có khuynh hướng theo Phương pháp; lại cũng tự nhiên không biết chú trọng về Chủ nghĩa. Đó là một khuyết điểm của người mình, vì không những không được hưởng cái sức mạnh của tư tưởng, khi tư tưởng đã đến nơi đến chốn, đã đích xác vững vàng, mà lại không có căn cứ ở những lý tưởng phân minh sáng sủa dựng thành thống hệ hẳn hoi, thành ra bị các ngoại lực nó sai khiến, bị những lý thuyết sai lầm giả dối nó cám dỗ củng lôi cuốn đi dễ lắm.
Vậy thời phải luyện làm sao cho cái óc người Nam ta vừa biết trọng phương pháp, vừa biết tôn chủ nghĩa. Chủ nghĩa ta nói đây, không phải là cái học thuyết nọ hay cái học thuyết kia về triết lý, về tôn giáo, về luân lý hay về chính trị, muốn mượn cái danh nghĩa hay cái oai quyền gì mà bắt cho người ta phải theo đâu. Chủ nghĩa đấy là sự cần phải biết chủ trương tư tưởng mình, biết sắp đặt cho có thứ tự, biết phẩm bình cho được đích xác, biết đem ra đối chiếu với sự thực, biết tổ chức thành thống hệ, đủ có lẽ phải và đủ được uyển chuyển để in theo với sự kinh nghiệm cùng sự tiến hóa tự nhiên, mà lại có đủ sức mạnh vững vàng để chống được với những sự xô đẩy cùng sự cám dỗ ở bên ngoài.
Người ta, trừ cam tâm làm như cái chong chóng phất phơ ở giữa các phong trào trái nhau, để cho cơ hội nó sai khiến thì không kể, còn ai đã làm người cũng phải có mấy cái phép tắc nhất định, để làm căn bản cho sự sinh hoạt, sự cư xử của mình. Phép tắc ấy dựng thành thống hệ, có đầu đuôi, có mành mối, thế gọi là chủ nghĩa. Đến kẻ hoài nghi không tin gì cả, hết thảy đều ngờ hết, cũng có chủ nghĩa, chủ nghĩa họ là chủ nghĩa hoài nghi. Duy những người không có tôn chỉ gì, chỉ phất phơ theo chiều gió mà thôi, là không cần phải chủ trương tư tưởng của mình, không cần phải tổ chức cho thành thống hệ, chi phối cho có kỷ luật, vì tư tưởng của họ không có căn cốt gì; những người ấy thì không thấy cần phải có chủ nghĩa vậy.
Mục đích của phương pháp là để sử tinh[2] tư tưởng cho phải đường; mục đích của chủ nghĩa là để tổ chức tư tưởng cho có thống hệ. Phương pháp với chủ nghĩa rút lại là để định cách thông nhiếp tư tưởng, quản đốc cho có kỷ luật, xem xét luôn luôn về phần lý tưởng là nguồn gốc của hành vi vậy.
Vì chính lý tưởng là mẹ đẻ của việc làm; lý tưởng là sức mạnh, và làm với biết là hai việc không thể dời nhau được, như trên kia đã nói. Thế là ta lại nghiệm biết rằng hai cái học thuyết của Vương Dương Minh và của Fouillée là đúng. Nay thử nhân đó mà suy diễn ra mấy điều về phương diện thực tế.
Ta đã nói rằng tâm lý người An Nam không biết trọng phương pháp, không biết trọng chủ nghĩa. Nghĩa là không hiểu rõ rằng lý tưởng quan trọng và mãnh liệt là dường nào, không biết rằng lý tưởng là sản sinh ra hành vi. Tuy vậy mà vẫn phải chịu cái mãnh lực của lý tưởng, khi nó xuất hiện ra thì nó có thể lôi cuốn mình đi được. Thành ra chỉ biết chịu cái sức mạnh đó một cách tiêu cực, không tìm cách mà ảnh hưởng đến lý tưởng ngay từ khi nó mới phôi thai nảy nở ra vậy.
Từ trước đến giờ người mình không biết sự đó là cần, vì có biết tự mình tư tưởng bao giờ đâu, trong mấy mươi thế kỷ chỉ sống bằng một cái gốc lý tưởng tự đời xưa lưu truyền lại, đã kinh qua lâu đời lắm, tưởng thiên niên bất dịch, không bao giờ thay đổi nữa. Nhưng cái gốc ấy nay nó đã bắt đầu mòn mõi đi rồi, cái lâu đài lý tưởng làm thành quách cho tâm hồn thần trí người Việt Nam, hiện đã đổ sập rồi. Đột nhiên thấy quanh mình hư không cả. Thần trí đã không có cái thói quen tự mình tư tưởng, không thể tự mình bổ lấy sự hư khuyết đó được. Những tư tưởng ở ngoài tràn vào, những tư tưởng tự mình phát sinh ra vì tiếp xúc sự kích thích ở ngoài, đều tự mình vô lực không chủ trương kiểm điểm được. Không có gì làm chuẩn đích để mà phán đoán các tư tưởng đó, thành ra nó tràn ngập vào mình mà không đủ sức chống lại được. Kết quả đến thần trí rối loạn, hại cho cái sức khỏe tinh thần của nòi giống.
Nay cần phải xử trí thế nào để vãn hồi cho được. Phải xử trí làm sao? Không thể trong mấy câu mà nói cho hết được.
Nhưng thiết tưởng kẻ thượng lưu nước Nam ngày nay phải nên đem cái vấn đề Chủ nghĩa này mà nghiền ngẫm cho kỹ, phải nên đem những tư tưởng của mình phát sinh ra hay tiếp nhận được của ngoài mà kiểm điểm sát hạch cho kỹ, phê bình phán đoán cho tinh, bao giờ cũng phải nhớ rằng lý tưởng là sức mạnh, và sức mạnh ấy tùy lý tưởng sai hay đúng, phải hay quấy mà có thể rất bổ ích hay rất tai hại cũng được. Trong khi tập phê bình kiểm điểm như vậy, có lẽ rồi tự mình cấu tạo được một cái chủ nghĩa chánh đáng, vừa bằng những tài liệu của các học thuyết đời xưa còn di truyền lại, vừa bằng những tư tưởng mới ở ngoài thâu thái vào, ngõ hầu có thể đối phó với sự cần dùng hiện nay vậy.
Dù thế nào mặc lòng, chúng ta ngày nay đương qua một buổi khủng hoảng về thần trí, có lẽ còn nguy cấp hơn sự khủng hoảng về tài chính kinh tế trong thế giới bây giờ, vậy không những cần phải xuất hết tinh lực mà đối phó, lại cần phải đem hết Chủ nghĩa mà phù trợ nữa.

[1] Nguyên văn: “mành-mối” [triethoc.edu.vn]
[2] Nguyên văn “sử-tinh” [triethoc.edu.vn].

Nhận xét