Theo cuốn “Khởi nghĩa Bãi Sậy” của Vũ Thanh Sơn, nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, xuất bản năm 2009, viết về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy chống quân Pháp xâm lược và triều đình nhà Nguyễn hèn nhát, diễn ra trên quy mô lớn, rộng khắp, kéo dài trong 10 năm, từ năm 1883 đến năm 1892.
Tác giả Vũ Thanh Sơn, người con của vùng Bãi Sậy - Hưng Yên, đã cất công điền giã, sưu tầm tư liệu lịch sử và các tài liệu lưu trữ của Pháp để viết về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy. Cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy được phân làm 3 gia đoạn: Giai đoạn đầu từ tháng 4 năm 1883 đến tháng 8 năm 1885 do Đổng Quân vụ ĐINH GIA QUẾ khởi xướng và lãnh đạo. Giai đoạn 2 từ tháng 9 năm 1885 đến tháng 10 năm 1890 do Bắc Kỳ Hiệp thống Quân vụ Đại thần Nguyễn Thiện Thuật lãnh đạo. Gai đoạn 3 từ tháng 10 năm 1890 đến tháng 4 năm 1892 do Nguyễn Thiện Kế lãnh đạo.
Ông Đinh Gia Quế sinh ngày 1 tháng 11 năm Đinh Dậu (1/2/1825) con cụ Đinh Quý Công, hiệu Gia Phúc và cụ bà Nguyễn Thị Bách; tương truyền quê ông ở xã Nghiêm Xá, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Đinh Gia Quế học đến khóa sinh thì chuyển đến làng Thọ Bình, tổng Bình Dân, huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu dậy học (nay là thôn Thọ Bình, xã Tân Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên), sau làm Chánh tổng rồi thăng chức Chánh tuần huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu.
Đinh Gia Quế có ba bà vợ, chính thất là bà Nguyễn Thị Duyên, hai bà kế là Nguyễn Thị Hường và Nguyễn Thị Thao; các bà sinh được một người trai là Đinh Văn Vĩnh, hai người gái là Đinh Thị Duyên và Đinh Thị Hằng.
Trong mấy chục năm dưới triều đình nhà Nguyễn, nhân dân đồng bằng Sông Hồng năm nào cũng gặp tai họa lụt lội hạn hán, sâu bệnh dịch tễ, lại khốn khổ về thuế khóa, phu phen và sự bóc lột hà khắc của cường hào ác bá, nhân dân vô cùng cực khổ, nên vùng Khoái Châu, Hưng Yên có câu thành ngữ “Oai oái như Phủ Khoái xin lương” để nói nên cảnh thống khổ ấy.
Trong khi đó, năm 1867 quân Pháp đã đánh chiếm được các tỉnh Miền Tây, chúng đơn phương tuyên bố: “Lục tỉnh Nam Kỳ là lãnh địa của Pháp”. Chúng chuẩn bị cho việc đánh chiếm Bắc Kỳ. Năm 1872, Soái phủ Sài Gòn phái tàu buôn chở hàng hóa cùng tàu chiến có binh lính bảo vệ xâm nhập vịnh Bắc Kỳ, rồi theo đường sông Hồng đến Vân Nam để do thám, dù chưa được phép của triều đình Huế. Chúng lại tiếp tục dùng tàu thuyền do thám các cửa sông vào châu thổ Sông Hồng mà không gặp sự kháng cự nào.
Ngày 20/11/1873, Thiếu tá Hải quân Pháp là Phrăngxi Giocnhiê (Francis Garnier) hạ thành Hà Nội. Ngày 26/11/1873 quân Pháp chiếm Phủ Lý, Gia Lâm, Hoài Đức. Ngày 27/3/1883, quân Pháp do trung tá Hải quân Henri Rivière chỉ huy từ Hà Nội theo sông Hồng hạ thành Nam Định. Ngày 28/3/1883, Henri Rivière cho viên thiếu úy hải quân De Trentinia đưa toán bộ binh đi một chiếc tàu nhẹ tới đánh thành Hưng Yên; Tuần phủ Nguyễn Đức Đạt, Án sát Tôn Thất Phiên sợ hãi bỏ thành chạy, quân Pháp hạ thành Hưng Yên không tốn một viên đạn.
Căm thù giặc Pháp cướp nước cùng triều đình vua quan nhà Nguyễn hèn nhát đầu hàng giặc, khiến Chánh tuần huyện Đông Yên Đinh Gia Quế phẫn nộ; Ông từ quan về quê chiêu mộ quân sỹ, phất cờ khởi nghĩa đánh Pháp xâm lược.
Dựng cờ khởi nghĩa, tập hợp nghĩa binh, xây dựng căn cứ Bãi Sậy
Văn chỉ Bình Dân, xã Tân Dân huyện Khoái Châu, Đại bản doanh của nghĩa quân Bãi Sậy, di tích lịch sử - văn hóa được Bộ Văn hóa xếp hạng năm 1962
Đặc điểm của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy là các thủ lĩnh chỉ xây dựng hai căn cứ ở Bãi Sậy và Trại Sơn, thực hiện khẩu hiệu toàn dân đánh giặc, mỗi người dân là một người lính, mỗi làng xã là một pháo đài, làm cho quân giặc bị động, sa lầy, tổn thất nặng nề, không áp đặt được chính quyền ở làng xã vùng Bãi Sậy. Ngoài việc chiến đấu trên chiến trường, nghĩa quân còn coi trọng việc tuyên truyền vận động nhân dân, địch vận, vạch rõ tội ác của giặc; nghĩa quân còn lập nhiều trang trại cấy lúa, trồng rau tự túc một phần lương thực.
Nguyễn Đình Mai là người đầu tiên được Đinh Gia Quế bàn về chủ trương khởi nghĩa chống Pháp, Nguyễn Đình Mai đồng tình ứng nghĩa và có nhiều ý kiến xác đáng về tổ chức lực lượng, xây dựng căn cứ và phương châm tác chiến của nghĩa quân; Ông cũng là người đề xuất không thể lấy danh nghĩa “Chánh tuần huyện Đông Yên” để chiêu mộ quân sỹ mà phải có chức tước của một vị võ quan; hai ông lựa chọn lấy chức “Đổng Quân vụ”, gọi tắt là Đổng Quế. Hai ông quyết định lấy màu cờ đỏ của Vua Quang Trung khi xưa ra Thăng Long tiêu diệt quân Thanh làm màu cờ của nghĩa quân, trên nền cờ thiêu tám chữ “NAM ĐẠO CẦN VƯƠNG - BÌNH TÂY PHẠT TỘI” tức là đạo quân nước Nam giúp Vua đánh đuổi giặc Pháp.
Trong khi Đinh Gia Quế tự xưng chức Đổng Quân Vụ, giương cao cờ khởi nghĩa, phát lệnh “Đánh cả Triều lẫn Tây” thì ở nhiều làng xã trong phủ Khoái Châu cũng có các thủ lĩnh khác nổi trống, chiêu quân.
Làng An Vỹ, tổng An Cánh, huyện Đông Yên có Chánh tổng Nguyễn Đình Học, mấy đời làm Tổng lý, nhà giàu nổi tiếng phủ Khoái Châu, có trên 60 mẫu tư điền, thổ cư 3 mẫu. Ông có ba con trai là Nguyễn Đình Đề, Nguyễn Đình Tính và con thứ ba là Ba Sành, cháu họ là Nguyễn Đình Xuyên; tuy là Tổng lý, nhà giàu có thế lực, nhưng cha con ông là những người yêu nước, thương dân. Thuở đó ở xung quanh phủ lỵ Khoái Châu, làng xã thưa thớt, xung quanh đều là bãi sậy um tùm, là sào huyệt của nhiều đám cướp; để bảo vệ dân làng cả ba thôn Thượng, Trung, Hạ, xã An Vỹ được đắp lũy, đào hào, trồng tre gai; mỗi thôn chỉ có hai cổng chính ra vào, cánh cổng bằng gỗ lim dầy, có bánh xe di chuyển; trai tráng được vũ trang để chống giặc cướp.
Cụ Tổng Học thành lập đội chống cướp của xã An Vỹ trên 30 người do Ba Sành chỉ huy. Ông Tổng mời thầy về dạy võ cho con cháu và trai tráng trong xã. Đội quân chống cướp của xã An Vỹ không những bảo vệ mình, mà còn hỗ trợ cho các xã lân cận đánh đuổi giặc Tàu Ô, giặc biển theo sông Hồng tràn vào.
Ngay sau khi quân Pháp hạ thành Hưng Yên được vài ngày, Nguyễn Đình Tính bàn bạc với anh em khởi binh đánh Pháp; các ông Đề, ông Ba Sành, ông Xuyên lập tức hưởng ứng. Được cụ Tổng Học khuyến khích, khuyên các con nên gấp rút chuẩn bị lễ ra quân rồi gia nhập cuộc khởi nghĩa do quan Tuần huyện Đinh Gia Quế phát động. Theo ông muốn đánh thắng quân Pha Lang phải có nhiều người đồng tâm, hợp lực.
Vào một ngày đầu tháng 3 âm lịch, bốn anh em ông cùng đội nghĩa binh gần 100 người, nòng cốt là đội chống cướp của xã An Vỹ tề tựu trước sân đình. Làm lễ gia nhập đội nghĩa binh Bãi Sậy do Đổng Quân vụ Đinh Gia Quế đứng đầu.
Xã Đa Hòa, tổng Mễ Sở, nay là thôn Đa Hòa, xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, Hưng Yên. có vợ chồng ông Nguyễn Túc là người giỏi võ nghệ, nhà bên sông Hồng. Bà Túc tên là Nguyễn Thị Biên quê ở làng Giồng Gầu, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Bắc Ninh; Bà người xinh đẹp, lại có võ nghệ, có tài cưỡi ngựa, múa gươm. Cả hai ông bà đều có khí phách giang hồ, giao du rộng, bạn bè nhiều, có chung một chí hướng trừng trị bọn địa chủ ác bá, bênh vực người nghèo. Vợ chồng Quyền Túc đem 40 thủ hạ theo quan Tuần huyện Đông Yên Đinh Gia Quế giương cao cờ nghĩa.
Xã Bằng Nha, tổng Mễ Sở, nay thuộc xã Bình Minh, Khoái Châu, có Lý trưởng Phạm Văn Ban đã cung cấp nhiều lương thực, tiền bạc cho nghĩa quân; Ông có 120 tuần đinh nhưng không làm việc cho Pháp mà ngày đêm bảo vệ các thủ lĩnh nghĩa quân hoạt động ở Bằng Nha và các xã lân cận.
Xã Yên Vinh nơi có đền Hóa - Dạ Trạch thờ Chử Đồng Tử - Tiên Dung - Tây Cung tiên nữ và Dạ Trạch vương Triệu Quang Phục. Đền cách thành Thọ Bình khoảng 2 dặm; đây là trung tâm cuộc khởi nghĩa, nơi làm việc Đổng Quế, nơi họp bàn việc quân cơ với các tướng lĩnh. Từ đền Dạ Trạch tới thành Thọ Bình, khi yên thì đi trên mặt đất, khi có biến đi theo đường hầm.
Hầu hết dân Yên Vĩnh đều theo nghĩa quân Đổng Quế, trong đó có những người xuất sắc như Đốc Gừng, Đốc Lành, Chánh Sanh, Thọ Nghị, Cai Thêm, Quản Năm, Điển Hức. Ông Đội Bổng làm rể xã Yên Vĩnh cũng gia nhập nghĩa quân tại quê vợ và chỉ huy một đội quân.
Xã Đức Nhuận nằm sát xã Yên Vĩnh, tổng Yên Vĩnh, nay đều thuộc xã Dạ Trạch, cả làng tham gia nghĩa quân; trong đó có ông Ngô Gia Long là bạn thân của Đổng Quế, Đội Phụng, Bếp Trung. Xã Hàm Tử có Chánh Văn, chỉ huy hơn 100 quân, phòng thủ ở đê sông Hồng sẵn sàng đánh tàu chiến Pháp đổ bộ.
Xã Xuân Đình có Bang Nho nổi tiếng vì cung cấp nhiều lương thực, thực phẩm nuôi quân; Ông chỉ huy trận đánh giết hai tên quan của triều đình làm tay sai cho giặc là Bang Trực và Đề Lâu. Xã Thái Hòa có Nguyễn Văn Tề, chí khí hào hiệp, bán 3 mẫu ruộng lấy tiền nuôi quân.
Xã Thuần Lễ có ông Sắc Chỉ có 20 quân, thường mai phục chặn đánh bọn lính đi tuần và chặn xe lương quân Pháp. Xã Vạn Phúc có Tổng Hội, Đốc Dụng, thường đem quân đi mật phục, bắn tỉa bọn lính gác, bọn ra kéo cờ.
Xã Tiểu Quan rất nhiều người tham gia nghĩa quân, xuất hiện nhiều vị chỉ huy xuất sắc như Lãnh binh Bùi Quang Cơ, Lãnh binh Đỗ Đình Tạo, Lãnh binh Bùi Quang Tích và các Hiệp quản Bùi Quang Đẩu, Bùi Quang Hiển, Tạ Văn Bản. Các ông Tú tài Lê Công Đôn, Lê Công Bẩm cũng bỏ bút nghiên cầm súng đánh giặc. Đông đảo hào lý cũng tham gia nghĩa quân như Chánh tổng Vũ Văn Chính báo tin của quân Pháp và tri phủ, tiếp tế rất nhiều lương thực cho nghĩa quân; người già, phụ nữ tự nguyện đào hào đắp lũy, xay giã thóc gạo, cứu chữa thương binh.
Xã Kim Quan có ông Lê Văn Thiều. Xã Ngọc Nha Thượng có các ông Đinh Văn Thâm, Nguyễn Văn Ngân. Xã Ngọc Nha Hạ có các ông Trần Văn Đảng, Nguyễn Văn Kều tập hợp đinh tráng lập đội nghĩa binh bảo vệ làng; các ông đánh thắng nhiều trận càn quét của giặc, có trận đuổi chúng đến tận Bô Thời.
Thôn Đường, xã Tứ Dân có nhiều người tham gia nghĩa quân, xuất hiện nhiều chỉ huy dũng cảm như Cai Gia, Cai Tư, Bếp Dật, Bếp Công, Bếp Nhuệ. Vườn chuối xã Tây Trù, tổng Ninh Tập có hầm chứa vũ khí của Lãnh Điển. Xã Kinh Kiều tổng Yên Cảnh, huyện Đông Yên có rất nhiều người theo Đổng Quế. Ông Phan Văn Cù thường đứng dưới gốc cây lộc vừng dịch loa chiêu mộ nghĩa quân cho Đổng Quế. Ông Đội Thường nhiều lần đem nghĩa quân đi đánh úp quân dã chiến của địch. Xã Đông Kết có Tổng Đông giỏi võ nghệ xây dựng đồn lũy ở làng. Xã Lạc Thủy có Quản Dây lo việc binh lương, Đội Chúc lo việc tác chiến. Bà Đỗ Thị Từ bán hàng xén ở chợ Bài Khê đảm nhiệm việc trinh sát nắm tin tức của quân Pháp báo cho nghĩa quân.
Xã Ông Đình, tổng Yên Cảnh có Đốc binh Vũ Đức Thàng giỏi võ nghệ; dưới quyền ông còn có các Đốc binh Vũ Đăng Vận, Đốc binh Thường, Đốc binh Nguyễn Văn Đá, Tổng Duyệt (Nguyễn Trọng Duyệt). Các ông tập hợp trai tráng trong xã Ông Đình và các xã trong vùng vào nghĩa quân. Đốc Thàng là người hành động kiên quyết, ông cho quân phá kho thóc nhà mẹ vợ, ủng hộ nghĩa quân và chia cho người nghèo. Xã Ninh Tập, tổng Ninh Tập có Đội Xuân. Xã An Cảnh có các ông Giới, Sào, Cài chỉ huy nghĩa quân.
Tại huyện Kim Động, xã An Xá, tổng An Xá, tiếp giáp với phía Nam phủ Khoái Châu. Xã An Xá cách Thọ Bình khoảng 10 km về phía Đông nam, có Phó lý Vũ Văn Cợp cùng em là Hai Cống đứng lên chiêu mộ trên 200 nghĩa binh, trang bị nhiều súng bắn nhanh, súng kíp, đánh Pháp. Dòng họ của ông có nhiều người gia nhập nghĩa quân, cung cấp nhiều thóc gạo, trâu bò, tiền bạc để nuôi quân và vận động những người hàng xã, hàng tổng tham gia; quân Pháp sợ ông như sợ cọp, nên gọi ông là Đốc Cọp.
Xã Yên Lã có Đề Tập tên thật là Võ Văn Tập, chỉ huy đội quân trên 200 người hoạt động ở Kim Động, Khoái Châu, Tiên Lữ. Ông đánh nhiều trận lớn trên đường 39 và đê sông Hồng, gây kinh hoàng cho quân Pháp.
Ở Bãi Giữa, tổng Đức Triêm có Tắc Nho, Ông có vài chục nghĩa quân, hoạt động chủ yếu trên sông Hồng. Từ tổng Đức Triêm, Kim Động đến tổng Mễ Sở.
Tại huyện Ân Thi, xã Mễ Xá, tổng Nhân Vũ có Cử nhân Nguyễn Hữu Đức, ông không ra làm quan, ở nhà dạy học; Ông liên lạc với Tán tương Quân vụ Nguyễn Thiện Thuật làm Tổng đốc Hải Yên, để bàn kế cứu nước; khi Đinh Gia Quế phất cờ “Nam Đạo Cần Vương - Bình Tây phạt tội”, ông ứng nghĩa, thường cùng Đinh Gia Quế bàn việc quân cơ. Con trai ông là Nguyễn Hữu Hạnh cũng tham gia cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, trở thanh người liên lạc tin cẩn giữa Đổng quân vụ Đinh Gia Quế với Tán tương quân vụ Nguyễn Thiện Thuật.
Xã Mễ Xá còn có ông Cù Văn Hiên là Đốc vận quân lương, Quản Lâu, Quản Nhân, Trần Văn Vừng. Toàn dân Mễ Xá theo Cử Đức chống quân Pháp. Mễ Xá cùng các xã Nhân Lý, Nhân Vũ, ấp Nhân Lý, Mão Xuyên giữ vững được 4 năm quân Pháp không tới được, chúng không thành lập được chính quyền, không thu được thuế, không bắt được lính và phu.
Xã Nhân Vũ, tổng Nhân Vũ có nhiều người tham gia khởi nghĩa Bãi Sậy do Đinh Gia Quế lãnh đạo như Phạm Duy, Phạm Đích, Phạm Hải, Phạm Tích, Nguyễn Long, Nguyễn Xuân, Nguyễn Thố, Nguyễn San, Đỗ Cao, Cù Duệ… Xã Nhân Lý, tổng Nhân Vũ có hai chị em bà Bùi Thị Huân và Bùi Thị Hòe cùng tham gia nghĩa quân; Bùi Thị Huân tiếp nhận và điều phối quân lương, được Đổng Quế phong là “Đốc vận quân lương”. Xã Mão Xuyên có ông Lê Văn Đoàn chiến đấu dũng cảm, được phong là Đốc binh, Phạm Văn Do giữ chức Quản quân. Lê Văn Tài, chiến đấu xuất sắc được phong là Lãnh binh. Họ Lê có nhiều người tham gia như Lê Văn Hội, Lê Văn Hào, Lê Văn Giáo, Lê Văn Lại, Lê Văn Thiện.
Xã Mão Cầu, tổng Yên Cảnh có Nguyễn Đình Tiêm tính khẳng khái, giỏi võ nghệ, làm Mục tuần rồi Chánh tổng. Khi Đổng Quế khởi binh, ông cùng Lê Văn Trứ ở xã Gạo Bắc chiêu mộ được 1000 quân, gia nhập nghĩa quân, rồi đem quân đóng ở Chợ Thi, Cống Tráng; Đổng Quế phong cho Nguyễn Đình Tiêm làm Hành tá Tướng quân, gọi là Lãnh binh; Lê Công Trứ được phong là Phó lãnh binh.
Trong hàng ngũ nghĩa quân có nhiều người xuất sắc, được Lãnh Tiêm giao cho chỉ huy một cánh quân, một đồn hay một trận tập kích, phục kích như Tư Bập, Phó Ruộm, Phạm Văn Cửa, Nguyễn Quang Bùng, Phạm Văn Trực, Nhữ Nguyên, Nguyễn Văn Lợi, Nguyễn Văn Thi là người thôn Mão Cầu. Lê Công Trứ lo việc hậu cần, ông được mẹ mua cho 50 cái chum to muối cá và nhiều ngày xúc gạo nhà, nấu hàng trăm nắm cơm tiếp tế cho nghĩa quân.
Xã Bối Khê có Phó lý Phạm Văn Ban, Tú tài Thương Bằng bạn thân quan Tổng đốc Nguyễn Thiện Thuật với ông Xã Thấu ở Bối Khê, trực tiếp chỉ huy đội đánh cướp. Hai con trai ông Ban là Quản Cầu, Phó Cận trợ thủ đắc lực trong việc phát triển lực lượng.
Ba tổng Huệ Lai, Đỗ Xá, Phù Vệ ở Bắc Ân Thi gia nhập đội quân thường trực và chiến đấu tại thôn xã, giống như lực lượng Dân binh do Tướng quân Phạm Ngũ Lão xây dựng thời Trần chống quân Nguyên Mông.
Trong số chỉ huy nghĩa quân ở ba tổng trên, có nhiều người trở thành chỉ huy xuất sắc như ở làng Huệ Lai có ông Thương Bằng và ba con trai là cả San, Quản Vân, Quản Vát. Ở La Mát có Nguyễn Đình Tuyển sau trở thành Chánh đề đốc, Đề đốc Nguyễn Văn Thiệp, Đốc Quanh, Đốc Sàng, Quản Khán, Quản Pháp, Cai Mai, ông Điếu; ở Sa Lung có Đốc binh Phạm Văn Tư; ở Kim Lũ có Lê Huy Triệu.
Đề Ban đóng đại bản doanh ở đền Phủ Ủng, nơi thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão; có vị trí thuận lợi cho nghĩa quân xuất kích đi đánh ở Sặt, Bình Giang, Mỹ Hào, Thanh Miện, Cẩm Giàng, Lang Tài, Gia Bình. Ở Phần Hà có Quản Hạnh; ở Chú Xá có Lãnh Thu, Đốc Thúc, Đỗ Văn Chàng, Thư Hồ; ở Linh Đạo có Đốc Kiều, Quản Năng; ở Cao Trai có Quản Kiểm, Hình, Đích; ở An Xá có Tổng Hậu, Cai bạ Trần Đình Nô, Cai bạ Nguyễn Văn Hộ, Lý đội Trần Văn Cách; ở Ngọc Nhuế, có Độ Cận, Quản Cừ, Quản Biểu, Quản Huống, Quản Trí; ở Đào Xá có Lãnh Tảo, Đốc Nhỡ. Xã Tiên Kiều có Tả quân Trần Triệu Quát, Hữu quân Chánh Đề đốc Trần Thiện Tuyển (Lãnh Ba), ông Đốc Khuy, con gái là Đốc Huệ, cùng con rể; ở An Khải có ông Mãnh.
Ở An Đạm có Phí Văn Thoá, Phí Văn Thoả; ở Cựu Thuỵ có Đốc Thanh; ở Đặng Xá có Cai Con, Ông Tên thật là Đặng Phúc Hoa. Để phân biệt, dân làng gọi cụ Cai Huy là Cai Già hay Cai Cựu, còn Đặng Phúc Hoa là Cai Con; hai cha con ông cùng tham gia nghĩa quân và ủng hộ nhiều lương thực, thực phẩm và tiền bạc.
Trong nghĩa quân có nhiều người chuyên lo công việc vũ khí, quân lương như bà Vũ Thị Hội ở xã Phù Ủng, được phong là Đốc vận quân lương; Đề Ban chuyên lo vũ khí, ngoài vũ khí tự tạo như dao, kiếm, đoản đao, súng kíp…
Phạm Văn Ban còn đánh nhiều trận táo bạo vào đồn địch lấy súng đạn của giặc. Ông tập trung thợ rèn giỏi nghiên cứu chế tạo súng theo mẫu súng 1874, súng remington, súng lục của quân Pháp; “như lò rèn của nghĩa quân Đề Ban ở làng Nhân Đồng tổng Huệ Lai, Ân Thi. Đề Ban lại có một nghĩa quân rất giỏi nghề đẽo báng súng bằng gỗ quê ở làng Bối Khê (tổng Huệ Lai) chuyên việc chữa các báng súng trường, được mệnh danh là “Cai binh”.
Xã Trúc Thuỷ xưa gồm có ba thôn là Trúc Đình, Trúc Nội, Trúc Lẻ; có hai anh em Nguyễn Chủ, Nguyễn Điếc và Cai Hàn là con trai Nguyễn Điếc cùng chiêu mộ quân, lập căn cứ tại ba làng Trúc. Hai ông chiến đấu dũng cảm, đánh thắng nhiều trận, đều được Đổng quân vụ Đinh Gia Quế phong là Lãnh binh.
Lãnh Điếc nhận lệnh giết tên Trực ở Bình Hồ tổng Lưu Xá, nay xã Quảng Lăng, huyện Ân Thi; Lãnh Điếc rất gan dạ, có lần đuổi quân Pháp đến tận Quán Cào, xã Thổ Hoàng (nay là khu vực nhà bưu điện, thị trấn Ân Thi). Gia nhập nghĩa quân do Lãnh Chủ, Lãnh Điếc chỉ huy còn có thủ lĩnh ở nhiều làng xã thuộc vùng giữa huyện Ân Thi. Mỗi người có từ 100 đến 200 quân, đào hào, đắp lũy, biến làng mình thành làng chiến đấu.
Xã Xuân Nguyên có Cai Tiêm; ở xã Cù Tu có Tổng Khang; ở xã Trà Khương có Đội Bản, Đội Khao, Quản Báu, Quản Vòi; xã Đan Tràng có Quản Giáp Dương Văn Vũ. Xã Ninh Thôn có Quản Huân, Dương Văn Chiêu, Bát Nghiễm, Trần Văn Địch. Xã Bích Tràng, tổng Văn Nhuệ có Vũ Văn Tuy, Nguyễn Văn Dung; xã Tồng Củ có Đốc Gạch.
Huyện Yên Mỹ, Làng Dịch Trì, tổng Liêu Xá có Đề đốc Nguyễn Văn Sung cùng em là Lãnh binh Nguyễn Văn Trạch. Làng Liêu Trung, tổng Liêu Xá có Lãnh binh Lưu Ngọc Thấu, các ông rào làng chiến đấu, đánh thắng quân Pháp nhiều trận lớn. Xã Cảnh Lãm có Đốc… ở làng Nguyên Xá có Lãnh Mậu; ở làng Tam Trạch Đốc binh Vũ Văn Đồng. Đây là vị trí quan trong nằm ở ranh giới ba huyện Yên Mỹ - Mỹ Hào - Ân Thi, nên quân Pháp tấn công nhiều lần song chúng đều bị thất bại. Xã Phạm Xá có Phạm Văn Thiệp vận động nhân dân rào làng chiến đấu, uy hiếp bốt Thuỵ Lân trên bờ sông Thiết Trụ, cách làng chưa đầy 2 km.
Huyện Văn Giang, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh tiếp giáp với huyện Đông Yên; phong trào rào làng kháng chiến, gia nhập nghĩa quân chống Pháp, rộng khắp quyết liệt. Văn Giang có vị trí chiến lược là vùng căn cứ của nhiều cuộc khởi nghĩa chống ngoại xâm, như khởi nghĩa Hai Bà Trưng, khởi nghĩa Lý Nam Đế - Triệu Quang Phục, cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Vì vậy khi quân Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ hai (1882), Văn Giang có nhiều người nổi dậy chống Pháp; tiêu biểu là Tuần Vân, hàng trăm người nông dân và nho sĩ theo ông, có những người xuất sắc như ở làng Dịch Trí, tổng Liêu Xá có Nguyễn Văn Sung; ở làng xã Xuân Quan có Chánh Bẩy, Đồ Hỗ, Lãnh Sinh. Xã Công Luận, thôn Nhạc Lộc có Lãnh Dâu; xã Như Phượng có Cai tổng Tín; các ông chiêu mộ quân theo Đổng quân vụ Đinh Gia Quế.
Nghĩa quân tấn công quân giặc, đẩy lui các trận càn của quân Pháp và quân Nam triều,
bảo vệ vững chắc căn cứ Bãi Sậy
Ngay sau lễ Tế cờ, Đổng quân vụ Đinh Gia Quế giao nhiệm vụ cho các tướng lĩnh cùng hơn 500 quân vượt sông Hồng đánh quân Pháp ở các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên; sai Lãnh Điển đi dẹp dân Thiên chúa giáo quá khích ở thôn Sài Quất, tổng Đại Quan thường đi do thám hoạt động của nghĩa quân để báo cho giặc Pháp.
Piglowski Historie de la Garde Indigène du Tonkin viết về trận đánh ở Đức Nhuận do Lãnh Sậy chỉ huy như sau: “Trong một trận đánh ở làng Đức Nhuận, cạnh xã Yên Vịnh gần đền Hoá Dạ Trạch, nghĩa quân mặc quần áo như nông dân, quân Pháp chỉ nhận ra người chỉ huy là Lãnh Sậy, vì ông chít khăn xanh và thắt lưng đỏ”.
Sau lễ Tế cờ, Tạ Hiện với tư cách là Đề đốc Định - An đã cử Nguyễn Thành Thà, ông quê ở tổng Y Đún, huyện Thần Khê, phủ Tiên Hưng, từng giữ chức Chánh quản Hưng Yên, chuyên lo việc xây dựng lực lượng quân sự, về căn cứ Bãi Sậy giúp Đổng quân vụ Đinh Quế xây dựng huấn luyện lực lượng nghĩa quân, ông Nguyễn Thành Thà có bốn con trai và một cháu nội đều theo ông chống Pháp; hai con ông là người thiết kế, chỉ đạo xây dựng tòa thành ở ấp Thọ Bình; thành cách đền Hoá - Dạ Trạch thôn Yên Vĩnh khoảng 2 dặm.
Thành Thọ Bình xây dựng thô sơ bằng gạch, rộng 5 mẫu Bắc Bộ. Trong thành có bản doanh của Đinh Gia Quế và bộ Tham mưu, có doanh trại, nhà kho, trường tập bắn, bãi luyện võ, bãi tập bắn súng. Các công trình trên mặt đất xây dựng sơ sài, nhưng trong lòng đất có nhiều địa đạo, nhiều đoạn được xây bằng gạch thông từ trong thành ra đền Hoá Dạ Trạch, thành lại có đường ra đê sông Hồng và tỏa ra bãi sậy xung quanh; đường hầm rộng, chia đi các ngả, hai người tránh nhau dễ dàng. Trong địa đạo có kho lương, kho vũ khí, nơi làm việc của Bộ chỉ huy, nơi ăn ở của chiến sĩ; cửa hầm và lỗ thông hơi bí mật có dấu hiệu riêng, chỉ những người chỉ huy và đội viên bảo vệ biết. Vào thành gặp nhiều khó khăn, nhiều “chướng ngại vật”, lau sậy mọc lớp lớp kên dầy, vươn cao tới 3 - 4 mét; nghĩa quân tạo thành những con đường bí mật ở dưới; quanh thành có nhiều vọng gác, ổ mai phục, người lạ không thể vào được.
Đặc điểm của nghĩa quân Bãi Sậy ngoài các đội quân cơ động ở tập trung, còn lại phần lớn quân ở trong làng xã, biên chế cơ, đội theo từng xóm, làng, xã, chỉ huy là người địa phương. Thông thường, mỗi thủ lĩnh nghĩa quân có một đội cơ động từ 100 đến 200 quân; số còn lại được gọi là Hương binh hay Dân binh, khi có trận đánh lớn, huy động Hương binh đi chiến đấu; kết thúc chiến dịch, nghĩa binh lại trở về làng xã.
Tại Hưng Yên số người tham gia nghĩa quân rất đông, như lời thú nhận của A de Miribel, công sứ Hưng yên:“Tất cả những nông dân vùng Bãy Sậy đều đi theo Đinh Gia Quế chống lại quân Pháp”. Ở huyện Ân Thi: Các xã Mễ Xá, Thuý Trúc, Mão Cầu… ba tổng Phù Vệ, Đỗ Xá, Huệ Lai đều là căn cứ; trung tâm là Bối Khê do Đề đốc Phạm Văn Ban chỉ huy; vì vậy, giặc Pháp gọi là “Tam tổng chi nhân dô thị tặc!” nghĩa là dân của ba tổng đều làm giặc.
Đền Chử Đồng Tử, Tiên Dung Công chúa, Di Tích Lịch sử Quốc gia, bên sông Hồng là Đại bản doanh của Thủ lĩnh Bãi Sậy (ảnh mạng).
Trước sự phát triển lớn mạnh của nghĩa quân Bãi Sậy, Chỉ huy quân Pháp ở Trung - Bắc Kỳ quyết định thành lập một binh đoàn mạnh, do Đại tá Donnier thuộc Lữ đoàn Négrier chỉ huy, tiến từ Hải Phòng lên đánh nghĩa quân Đinh Gia Quế, để bật ra Sông Hồng, tiêu diệt. Đại tá Donnier với đội quân hùng hậu, trang bị hiện đại tấn công vào Bãi Sậy đã bị thiệt hại nặng nề, phải rút lui, cay đắng thú nhận rằng: “Vì những lý do tôi nói ở trên, cuộc hành quân này không đạt được kết quả mà chỉ làm cho dân chúng nghèo đói thêm”.
Trước thất bại của quân Pháp, Bộ tư lệnh quân đội Pháp ở Trung - Bắc Kỳ giao cho Hoàng Cao Khải, đang làm Án sát Hưng Yên, phối hợp với quân Pháp đánh Đổng Quế. Khải được quân Pháp yểm trợ, pháo binh, công binh, tàu chiến trang bị đại bác, diễu võ giương oai dưới Sông Hồng; Khải hung hăng ra trận với mưu đồ chỉ trong một trận dồn nghĩa quân vào chỗ chết; ra lệnh cho quân phải vượt bãi sậy mà tiến vào. Chúng hoảng sợ thấy nhiều hầm hào luồn dưới lớp lớp lau sậy, nhiều tên bị rắn độc cắn chết; Đại tá Noninié cho một toán quân liều chết thọc sâu căn cứ, cả toán bị diệt không hề có tiếng súng nổ. Cay cú, Hoàng Cao Khải cho lính dàn hàng ngang tiến vào; bọn lính phải vượt qua những đám sậy cao tới 3 mét cùng gai mỏ quạ, cà gai, dứa dại và những cây lá han, đụng vào sưng tấy nhức buốt đến tận xương, đỉa đói ở đầm lầy bám lấy hút máu. Quân giặc dò dẫm như đi vào ma trận, chưa kịp định hướng đi thì cờ đỏ phất lên, nghĩa quân nấp trong hầm hào, địa đạo bí mật nổ súng; hơn ba chục tên chết trong vũng máu; bọn sống sót nằm dán mình xuống đầm lầy tránh đạn thì bị nghĩa quân xông ra đánh giáp lá cà. Trong trận hỗn chiến, hàng chục tên giặc bị diệt bằng gươm, giáo, mã tấu, vũ khí thô sơ... Chúng chạy về hướng trống trải lại bị sa vàohố chông cạm bẫy; bị thiệt hại nặng, Hoàng Cao Khải điên khùng cho đốt bãi sậy, lửa lại bủa vây chúng, khiến không có đường ra.
Bọn giặc khiếp đảm tháo chạy không chờ lệnh chỉ huy, tổn thất tới bảy, tám phần quân số; nhưng thất bại lớn hơn là quân giặc khiếp sợ nghĩa quân, bị bắt đi đánh nhiều tên bỏ trốn; quân Pháp rút về đóng ở phủ lỵ Khoái Châu nhưng vẫn bị phục kích, tập kích, nhiều lần xua quân đi đánh Bãi Sậy nhưng không dám tiến vào sâu …
Nghĩa quân Bãi Sậy do Đổng quân vụ Đinh Gia Quế chỉ huy, bị quân Pháp tấn công liên tục nhưng nghĩa quân ngày càng phát triển, được trang bị thêm nhiều súng bắn nhanh thu được của giặc, kinh nghiệm chiến đấu dày dạn. Ban ngày nghĩa quân núp trong căn cứ, ban đêm đi tập kích các đồn địch. Nhân dân tự giác làm trinh sát, phát hiện các cuộc càn quét, để kịp thời đón đánh chúng. Nghĩa quân liên tiếp tấn công các đồn binh Bình Phú, Lực Điền, Thuỵ Lân (Yên Mỹ), đồn Bần, đồn Thúa (Mỹ Hào), đồn Phủ Ân Thi, đồn Ứng Lôi (Phù Cừ), các đồn ở huyện Văn Giang và phục kích quân Pháp trên đường số 5, đường 39.
Bọn cầm đầu quân sự Pháp ở Trung - Bắc Kỳ phải thú nhận: “Nghĩa quân vẫn thật sự cai trị các làng, còn bọn quan cai trị Pháp đặt ở các phủ huyện thì tỏ ra bất lực và hoảng sợ trước sự phát triển của nghĩa quân, chúng bỏ trốn vào các tỉnh lỵ; phần đông các tổng lý lại có cảm tình hoặc ủng hộ quân khởi nghĩa”.
Chính Dulleman cũng phải thú nhận: “Khu vực Bãi Sậy mà bọn phản nghịch đương đầu với lực lượng của chúng ta và né tránh được các cuộc truy lùng. Tướng De Courcy đích thân đi tuần tiễu thành công một phần”.
Cuối năm 1883, đầu năm 1884 trên toàn mặt trận, thế lực của Đổng Quế ngày càng lớn mạnh. “ Khi quân Pháp đưa quân từ Hải Dương, Hải Phòng đến uy hiếp căn cứ Bãi Sậy thì Nguyễn Thiện Thuật đưa quân về huyện Mỹ Hào để chi viện cho Đổng Quế, quân Pháp e ngại không dám tấn công Bãi Sậy vì sợ Nguyễn Thiện Thuật đánh tập hậu”.
Tháng 11 năm 1884, Pháp đưa thêm 6000 quân tiếp viện chiến trường Bắc Kỳ, chiến sự ở Phủ Lạng Thương, Lạng Sơn, Tuyên Quang có nhiều biến động; Nguyễn Thiện Thuật phải đưa quân lên phối hợp với các tướng Cai Kinh, Tổng Bưởi, Lưu Kỳ và quân Cờ Đen đánh Pháp. Thừa dịp đó quân Pháp huy động quân tấn công căn cứ Bãi Sậy, nhưng Đổng Quế và các tướng lĩnh vẫn bảo vệ vững căn cứ.
Với phương thức chiến tranh nhân dân, tác chiến du kích “biến vi binh, bất biến vi dân” ở thôn, xã giáp phủ Khoái Châu như An Vỹ, Ông Đình, Thọ Bình, các xã nằm trên trục đường 39 và các xã sát các đồn bốt địch, nên vùng nào, làng nào cũng có nghĩa quân.
Nhiều trận đánh đã diễn ra, có trận nghĩa quân nấp trong bãi sậy, quân Pháp bao vây, nghĩa quân đốt lửa nghi binh; quân giặc tưởng nghĩa quân đông không dám tấn công, vội vàng rút lui. Nghĩa quân do Đề Tính chỉ huy kéo đến xã Trung Châu (Khoái Châu) thì bị quân Pháp bao vây. Nghĩa quân đánh trả từ sáng đến trưa, giết chết một số lính, cướp 1 súng bắn nhanh rồi rút lui an toàn; hôm sau quân Pháp trả thù kéo đến Trung Châu giết chết 2 người dân.
Đốc binh Vũ Đức Thàng chỉ huy trên 100 quân, ông gan dạ mưu trí; có lần vì cần súng trường nhãn 1874 để làm mẫu cho “xưởng quân giới” của mình, ông tự chui vào cũi, cho hai nghĩa quân làm tuần đinh khiêng ông vào nộp cho đồn Pháp, còn nghĩa quân khác bí mật bao vây bên ngoài. Thấy bắt được “tướng giặc” bọn lính xúm lại xem, bất ngờ ông đạp cũi nhẩy ra giết lính, nghĩa quân ở ngoài ập vào, quân Pháp không kịp trở tay. Ông cướp súng đạn rồi rút lui. Lần khác, quân Pháp càn vào làng Ông Đình, ông ẩn mình dưới hầm bí mật, phủ sậy lên trên. Đợi cho quân Pháp đi qua, ông bật dậy xông lên giết ba tên lính đi sau, cướp súng. Khi bọn Pháp đi trước phát hiện quay lại, ông đã đem ba khẩu súng biến vào bãi sậy.Nhờ có súng mẫu , ông đón thợ rèn Hoàng Vân về chế tạo súng cải tiến.
Trong số tướng lĩnh của Đổng quân vụ Đinh Gia Quế ở Khoái Châu có hai vợ chồng ông Quyền Túc, tên thật là Nguyễn Túc, vợ là Nguyễn Thị Biên, bà Biên đã hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cứu nước, nên đã hỏi cô Bùi Thị Lệnh làm vợ bé để sinh con cho chồng. Hai ông bà đều dũng cảm, gan dạ, đa mưu túc kế, vào giai đoạn đầu cuộc khởi nghĩa, ông được phong chức đội nên gọi là Quyền Túc; từ đó gọi ông là “Ông Quyền Túc”, “Bà Quyền Túc”. Ông bà Quyền Túc được giao nhiệm vụ kiểm soát đoạn đường từ Dốc Thiết qua bến đồ ngang Sông Hồng sang Vân La, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông và đoạn Sông Hồng chảy qua Đa Hoà - Nhạn Tháp - Mễ Sở. Ông bà Quyền Túc chiêu mộ thêm quân, trai tráng tổng Mễ Sở, người Vân La, Tự Nhiên, Thư Phú theo rất đông.
Quân Pháp đóng đồn Nhạn Tháp trên bờ sông giáp với Đa Hòa và đồn Vân La bên kia Sông Hồng, gây khó khăn cho các hoạt động của nghĩa quân hai bờ tả hữu sông Hồng, nên Đinh Gia Quế giao cho hai ông bà điều tra để nhổ bỏ hai đồn này.
Tên mật thám Pháp đóng vai Tây buôn, thường qua lại giữa các đồn Đào Viên, nay thuộc xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu; Bình Phú nay thuộc xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ; Nhạn Tháp nay thuộc xã Bình Minh, Khoái Châu và đồn Vân La ở bên kia sông thuộc huyện Thường Tín, để thu thập tin tức từ bọn chỉ điểm về các hoạt động của nghĩa quân Bãi Sậy và các làng xã ủng hộ nghĩa quân, rồi đem quân đi càn. Đổng Quế giao cho vợ chồng ông Quyền Túc thực hiện giết tên chỉ huy mật vụ Pháp, Ông bà dùng “mĩ nhân kế” để giết hắn; theo kế của Quyền Túc, bà Biên chở đò ngang qua sông, cổ tình cợt nhả với tên Pháp. Mấy ngày đầu hắn còn dè dặt, nhưng sắc đẹp, nụ cười, ánh mắt của cô gái đã chinh phục trái tim mê gái của hắn. Từ đó hẳn không cho lính đi hộ vệ, chỉ chờ đò của bà mới qua sông để được tự do tán tỉnh.
Thời cơ đến, ông Quyền Túc phối hợp với nghĩa quân xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín do ông Lãnh Be (Nguyễn Văn Ve) chỉ huy, bí mật bao vây đồn Văn La. Chiều đó tên mật thám Pháp xuống thuyền, ra xa bờ, bà Quyền Túc cố tình làm cho thuyền chao lắc mạnh, tên Pháp hốt hoảng, hai tay giữ chặt mạn thuyền. Lập tức bà Biên chộp dao sắc dấu sẵn dưới thuyền chém tới tấp tên Pháp, rồi cắt đầu chở thuyền sang Mễ Sở. Nghĩa quân đánh đồn Vân La, giặc mất chỉ huy như rắn mất đầu, chống cự yếu ớt rồi bỏ chạy. Dân Văn La, Tự Nhiên, Đa Hoà chèo đò sang cướp chiến lợi phẩm rồi nổi lửa đốt đồn; bà Biên xách đầu tên Pháp bêu giữ phố chợ Mễ Sở, cảnh cáo bọn giặc.
Trận đánh táo bạo này khiến quân Pháp khiếp sợ, hai ngày sau mới dám vượt sông sang lấy đầu tên mật thám, chúng càn vào làng Đa Hoà và các làng xung quanh khủng bố nhân dân; gia đình nghĩa quân bị tàn phá, phải chạy trốn.
Sau trận này vợ chồng Quyền Túc còn đánh một số trận, lập được nhiều chiến công; Đổng Quế phong chức Lãnh binh cho cả hai vợ chồng Quyền Túc, Ông còn tặng đôi câu đối:
“Hạ phu thê lương đồng thị lâu dịch châu nghĩa quân liên:
Nộ đảo sơn hà tam xích kiếm
Công thành phu phụ nhất gia binh”
Dịch:
Câu đối mừng vợ chồng cùng là nghĩa quân Bãi Sậy:
“Núi sông rạp đổ gươm ba thước,
Vợ chồng xông pha lính một nhà”.
Diệt xong đồn Vân La, bắt hết bọn chỉ điểm ngầm trong vùng, Đổng Quân vụ Đinh Gia Quế giao cho vợ chồng Lãnh binh Nguyễn Túc đánh đồn Nhạn Tháp để thông đường hai bờ Tả - Hữu ngạn Sông Hồng ở Mễ Sở - Vân La.
Xã Nhạn Tháp giáp ranh với xã Đa Hoà ở ngoài đê Sông Hồng. Đồn tuy nhỏ, ít quân nhưng nằm bên bến đò Tả ngạn Sông Hồng, kiểm soát đoạn đường 199 đầu mối giao thông của nghĩa quân ở căn cứ Bãi Sậy với nghĩa quân ở các huyện Thường Tín, Thanh Trì, Phú Xuyên… tỉnh Hà Đông. Đồn có 25 tên lính Nam do tên cai người Pháp chỉ huy, gây khó khăn cho nghĩa quân, cướp bóc, hà hiếp nhân dân.
Nhận lệnh, Lãnh binh Nguyễn Thị Biên điều tra vẽ bàn đồ, cải trang làm người cắt cỏ vào sát hàng rào địch để kiểm tra. Sau khi nắm chắc địch, bà chọn ngày chủ nhật có nhiều lính đi chơi, cho 30 nghĩa quân giả khách qua sông; khi ngang qua cổng đồn, bà rút đoản đao giết lính gác, chỉ huy nghĩa quân xông vào giết giặc, cướp 11 khẩu súng rồi rút lui an toàn.
Ngay khi Đinh Gia Quế phát động cuộc khởi nghĩa thì ở vùng phía Nam có các thủ lĩnh Nguyễn Hữu Đức ở Mễ Xá, Lãnh binh Nguyễn Đình Tiêm ở Mão Cầu; vùng giữa có Lãnh Chủ, Lãnh Điếc ở Xuân Trúc, vùng phía Bắc là đất của ba tổng Huệ Lai, Phù Vệ, Đỗ Xá là căn cứ địa của Đề đốc Phạm Văn Ban cùng hàng chục ông bà Lãnh binh, Đốc binh, Cai quản; nghĩa quân hoạt động mạnh gây khiếp đảm cho quân giặc.
Trận đánh phủ đường Ân Thi và đồn Cao Từa đầu năm 1884, Đổng quân vụ Đinh Gia Quế giao cho Hành tả tướng quân Nguyễn Đình Tiêm điều tra hoạt động của quân Pháp và tên Tri phủ Ân Thi để tiêu diệt chúng.
Gặp dịp may, Tri phủ Ân Thi sắp làm lễ thượng thọ cho mẹ, bọn lý dịch đua nhau đem gà, gạo, bạc trắng đến mừng; Lãnh Tiêm đợi đến giữa trưa trong phủ vắng vẻ mới đem lễ vàomừng; Ông nằn nì với lính gác cho mình vào trước sảnh đường để chờ đợi, nhờ đó Lãnh Tiêm quan sát rõ nơi ở, phòng làm việc cũng như bố phòng trong phủ. Khi đều tra đồn Cao Từa, ông giả người đi bắt rắn đến các gò, đống, bờ ruộng quanh đồn quan sát. Ông cử Lê Công Trứ đem theo ba nghĩa quân giả làm người đi đường ngang qua đồn. Khi đó đồn Cao Từa đang cần nhiều phu để đào hào, đắp luỹ; quả nhiên Lê Công Trứ và 3 nghĩa quân bị bọn lính “bắt phu ngang”; lọt được vào trong đồn, các nghĩa quân chia nhau đi quan sát các vị trí nhà chỉ huy, nhà lính, kho vũ khí, kho lương.
Điều tra bố phòng của phủ đường Ân Thi và đồn Cao Từa xong, Lãnh Tiêm cho người về Bãi Sậy đón Đổng Quế tới thôn Mao Cầu họp bàn kế hoạch đánh phủ đường Ân Thi và đồn Cao Từa. Tham gia trận đánh lớn này có nghĩa quân do các tướng Nguyễn Hữu Đức, Lãnh Tiêm, Đề đốc Phạm Văn Ban, Lãnh Chủ, Lãnh Điếc, Lê Công Trứ.
Trong trận đánh phủ đường Ân Thi, Đốc Ngư sử dụng cây trường giết được tên chỉ huy Pháp; ông Đoàn Việt cắm lá cờ “Nam Đạo Cần vương - bình Tây phạt tội” lên nóc phủ đường; nghĩa quân làm chủ, đốt phá phủ đường, phá ngục thả những người yêu nước bị giam giữ, trừng trị bọn quan lại, hào lý ức hiếp dân.
Lãnh binh Lê Công Trứ chỉ huy đánh đồn Cao Từa cũng tiêu diệt đồn này, giết hết bọn lính Pháp, lính Nam từng gây tội ác với nhân dân.
Sau giặc Pháp đưa quân từ thị xã Hưng Yên, Hải Dương đến giải vây; trước thế mạnh của giặc, nghĩa quân đã đạt được mục tiêu nên Đổng Quế quyết định rút quân theo đường chùa Một Cột ở Lê Xá, Nhân La sang xã Xuân Trúc giữa cánh đồng Tam Thiên Mão, căn cứ của Lãnh Chủ - Lãnh Điếc. Sau trận thắng lớn ở phủ đường Ân Thi và đồn Cao Từa, thanh thế của nghĩa quân Lãnh Tiêm ngày càng lừng lẫy, Ông đưa quân đi đánh đâu thắng đấy.
Lãnh Chủ, Lãnh Điếc chỉ huy nghĩa quân ở nhiều xã như Cù Tu, Trúc Đình, Trúc Lẻ, Trúc Nội, Xuân Nguyên, Yến Đô, Hoan Ái, Đông Mỹ, Cảnh Lâm, Du Mỹ, Cao Trai; đặt sở chỉ huy ở Trúc Đình, đóng quân ở các gò đống giữa bãi sậy, làm lán ở lợp sậy, đào hầm hố, đắp tường để phòng thủ. Đến nay vẫn còn dấu tích các trại quân như gò Đống Cao, Gò Nồi, thuộc xã Thuý Trúc, huyện Ân Thi; gò Đống Tanh thuộc xã Thường Kiệt, huyện Yên Mỹ. Khi cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy thất bại, nhân dân dựng trên gò một ngôi chùa gọi là Chùa Nổi để thờ phật và các tướng lĩnh, nghĩa quân, nhân dân hi sinh; sau sợ lộ, gọi chệch là Chùa Ổi; chùa bị phá vào năm 1964, nhưng gò đống vẫn còn, không ai dám cuốc phá.
Nghĩa quân hoạt động ở khắp nơi, kiểm soát đường 39, đường 5, đường đê Sông Hồng. Chính Miribel từng làm công sứ Hưng Yên đã phải cay đắng thú nhận: “Tất cả những người nông dân ở vùng Bãi Sậy đều đi theo Đinh Gia Quế chống lại quân Pháp”.
Nhận xét về cuộc khởi nghĩa của Đinh Gia Quế, một quan chức Pháp viết trong quyển “La Province de Hưng Yên” viết xong tháng 1/1933 bằng tiếng Pháp, có đoạn như sau: “Từ năm 1883 - 1885 giặc cướp nổi lên khắp nơi dưới sự chỉ huy Đổng Quế. Lau sậy giúp họ có chỗ ẩn nấp, lính tráng không vào được. Từ ngoài nhìn vào không thấy, họ như đàn hổ nấp trong bụi rậm. Bất thình lình nhẩy ra vồ mồi. Điều đó giải thích tại sao các cuộc đánh dẹp, quân giặc vẫn thắng và đại nhân Hoàng Cao Khải lại thua”.
Không tiêu diệt được nghĩa quân, quân Pháp khủng bố nhân dân quanh vùng để li tán quân - dân; chúng đốt cháy nhiều vùng Bãi Sậy rộng lớn, nhưng vẫn không ngăn cản được nghĩa quân; quân Pháp đóng thêm nhiều đồn bốt mới, tăng cường lính cho các đồn cũ. Ở phía nam tỉnh Hưng Yên, chúng đóng thêm đồn Cái Nênh và đồn Duyên Hà, đồn Ứng Lôi, đồn Đình Cao, đồn Cát Dương thuộc huyện Phù Cừ. Ở phía bắc chúng đóng thêm các đồn Kim Động, đồn Phó Nham (tổng Phú Khê, huyện Khoái Châu), đồn Bình Phú (tổng Khoá Nhu, huyện Yên Mỹ), đồn Lực Điền (tổng Tứ Dương, Yên Mỹ), đồn Thuỵ Lân (Huyện Yên Mỹ).
Đổng Quế và các tướng lĩnh biết rõ các đồn phía Nam lực lượng quân địch yếu hơn phía Bắc, nên ông thường xuyên đưa quân đến tấn công để tiêu diệt sinh lực địch, cướp vũ khí, lương thực.Trận đánh đồn Ứng Lôi thuộc tổng Cát Dương huyện Phù Cừ trên bờ sông Luộc do tên đội De Laforge chỉ huy, hắn ngoan cố thúc lính chống cự đến cùng, nghĩa quân phải rút lui; sau trận này, tên đội De Laforge được thăng thiếu úy. Các đồn phía Bắc như Bình Phú, Ân Thi, Lực Điền cũng đều bị nghĩa quân tân công, nhưng nghĩa quân không gây được nhiều thiệt hại cho địch.
Quân Pháp tấn công vào làng Mão Cầu, tổng Yên Cảnh, huyện Ân Thi là quê hương và căn cứ của Lãnh binh Nguyễn Đình Tiêm; nghĩa quân chiến đấu quyết liệt, tiêu diệt nhiều sinh lực địch buộc chúng phải rút lui.
Tại huyện Mỹ Hào, tỉnh Hải Dương, quân Pháp đóng đồn Bần Yên Nhân có 50 lính khố xanh, do tên chỉ huy Pháp, bảo vệ huyện, đường 5 và khống chế cả một vùng rộng lớn thuộc các tỉnh Hải Dương - Bắc Ninh - Hưng Yên.
Trận đánh đồn Bình Phú quân Pháp có 12 lính do tên Cai người Pháp cai quản. Ta có nội công, chỉ huy nghĩa quân tên là Bé Con đóng giả gái, một số nghĩa quân giả làm phu đào hào, một số giả người đánh giậm ở xung quanh; một số lính làm nội ứng ra chợ mua hàng rồi giả gây sự đánh nhau, lính ở trong đồn kéo ra, nghĩa quân xô tới bắt trói ở giữa chợ. Những người đánh giậm, đi chợ xông vào đốt đồn, tên cai người Pháp chết cháy. Nghĩa quân thu súng, thả tù binh cho về quê.
Trận đánh trên đường 39, quân ta giả lính khố xanh, khố đỏ đánh nhau với quân do Hoàng Cao Khải chỉ huy; đợi giặc đến gần quân ta phục kích mới nổ súng, giặc Pháp thua to bỏ chạy tán loạn; Hoàng Cao Khải bỏ cả voi chạy trốn vào một làng, được tên lý dịch cõng xuống thuyền vượt sông Hồng về Hà Nội.
Trận Đồn Sài, nghĩa quân mỗi người ẩn trong một bó sậy, do nghĩa quân khỏe gánh vào khỏi cổng đồn, rồi xông ra diệt lính cướp đồn.
Sau đợt đánh phá nhiều đồn địch phía Nam, nghĩa quân tiến đánh các đồn phía Bắc tỉnh; đồn Bần là một đồn lớn ở huyện Mỹ Hào, Hải Dương. Nghĩa quân đóng giả lính khố xanh, vào đưa giấy cho lính gác rồi đâm chết hắn, ập vào đồn giết 30 - 40 lính, thu được 20 súng bắn nhanh.
Ngoài các trận tập kích vào đồn, nghĩa quân còn tổ chức nhiều trận mai phục, phục kích có trận nghĩa quân đánh độn thổ; những người cao tuổi ở huyện Khoái Châu còn nhớ: Lãnh Điển chỉ huy trận phục kích ở Cống Kênh, nghĩa quân nấp dưới cống, tên chỉ huy Pháp và bọn lính đi tuần qua, nghĩa quân xông lên giết cả bọn, cướp súng rồi rút lui an toàn.
Đầu năm 1885, nghĩa quân Bãi Sậy chiến đấu quyết liệt, phối hợp nhịp nhàng với nghĩa quân Nam Định do Tạ Hiện chỉ huy đã gây tổn thất nặng nề cho quân Pháp. Saboron (Chabrol) viết: “Hồi tháng 6 năm 1885 cuộc khởi nghĩa dân chúng đồng bằng là đều khắp mọi nơi”.
Phong trào kháng chiến chống Pháp còn được phản ánh qua tờ trình của thân sĩ Bắc Kỳ gửi Tổng đốc Vân Nam - Quý Châu tháng 6/1885, nhằm xin viện trợ vũ khí: “Hiện nay dân cư các tỉnh chúng tôi như Bắc Ninh, Sơn Tây, Hải Dương, Nam Định, Hưng Yên đều hưởng ứng không chịu cung ứng binh lương phục dịch cho chúng, dân cư các phủ, huyện và ty thuộc cho chúng đều đã bỏ về”.
Cuối tháng 6 năm 1885, Hoàng Cao Khải đem quân càn quét căn cứ Bãi Sậy, Đinh Gia Quế chỉ huy nghĩa quân đánh bại trận càn. Hoàng Cao Khải vội vàng rút quân qua sông Hồng chạy tháo thân sang huyện Thường Tín, Hà Đông. Thừa thắng, Đổng Quế giao cho Chánh Tính giữ Bãi Sậy, còn mình cùng Lãnh binh Nguyễn Đình Mai (Lãnh Sậy) vượt sông Hồng đuổi theo Hoàng Cao Khai; các ông đuổi hắn đến tận làng Thanh Trì, huyện Thanh Trì; nghĩa quân sắp bắt được hắn thì được người đàn bà đem giấu Khải trong đống cỏ ở chuồng trâu. Không bắt được tên đại Việt gian, nghĩa quân đuổi theo giết gần hết số lính rồi rút quân về. Song Đổng Quế chủ quan, không biết rằng khi ông dẫn quân đuổi theo Hoàng Cao Khải thì bọn chỉ huy Pháp điều động quân ở hai huyện Thường Tín và Thanh Trì mai phục ở bến đồ Vạn Phúc ở Thanh Trì, Hà Nội, để chặn đường về của nghĩa quân. Đổng Quế và Lãnh Sậy dẫn đội quân về, mệt mỏi sau chặng đường dài hành quân, bị rơi vào trận phục kích; Đổng Quế được một số nghĩa quân hộ tống nên chạy thoát; Ông bị quân Pháp truy kích phải chạy lên tận bến đò Hồ, nay thuộc huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Khoảng nửa tháng sau ông cùng một bé trai đóng vai hai ông cháu để trở về Bãi Sậy; Lãnh binh Nguyễn Đình Mai chạy thoát khỏi bến đò Vạn Phúc.
Sau trận đánh tan cánh quân do Đổng Quế và Lãnh Sậy chỉ huy ở bến đò Vạn Phúc, Quân giặc do Hoàng Cao Khải chỉ huy bao vây, uy hiếp căn cứ Bãi Sậy. Lãnh Sậy không trở về được, Ông cải trang làm nhà sư để đi tìm Đổng Quế và số nghĩa quân bị thất bại, Ông giả làm người hành khất trở về Hoàng Vân gặp bà Thuận và nghĩa quân; đang trên đường về, ông phát hiện thấy bọn lính đang vây làng, nên phải quay trở lại, Ông cải trang làm nhà sư về chùa Lộ thì bị bọn chỉ điểm cho quân Pháp bắt; chúng tra tấn bắt ông khai nơi trú ẩn của Đổng Quế và các tướng lĩnh khác; song Lãnh Sậy kiên cường bất khuất không khai báo; giặc Pháp đưa ông ra gốc gạo trước cửa đền Lộ chặt đầu đưa về đem bêu ở Hưng Yên, nhân dân lập miếu thờ ở gốc gạo nơi quân Pháp hành hình ông.
Sau khi Đinh Gia Quế và Lãnh Sậy hy sinh, quân giặc do Hoàng Cao Khải chỉ huy ráo riết đánh phá căn cứ Bãi Sậy hòng tiêu diệt hoàn toàn nghĩa quân. Chúng không ngờ sau khi thất bại ở bến đò Vạn Phúc, nghĩa quân Bãi Sậy do Chánh Lãnh binh Nguyễn Đình Tính và các tướng như Lãnh Điển, Đốc Cợp, Đề Ban, Lãnh Tiên, Đốc Thàng, Đề Tập, Lãnh Khuy, bà Đốc Huệ chỉ huy … vẫn kiên cường chiến đấu, đánh bật các đợt tấn công do tên thiếu tướng Négrier và Hoàng Cao Khải chỉ huy, nhưng chỉ giữ được căn cứ chính Bãi Sậy.
Không đánh bại được nghĩa binh, giặc Pháp khủng bố nhân dân; làng Đa Hoà, quê hương của vợ chồng ông Lãnh Túc, Lãnh binh Nguyễn Thị Biên bị quân Pháp phá; dân làng giúp bà Bùi Thị Lệnh (vợ hai ông Quyền Túc) đưa hai con trai là Vốn và Giá đi trốn.
Giai đoạn 2 cuộc Khởi nghĩa Bãi Sậy:
Bắc kỳ Hiệp thống Quân vụ Đại thần Nguyễn Thiện Thuật phát động phong trào Cần Vương, tiếp tục lãnh đạo nghĩa quân Bãi Sậy
Nguyễn Thiện Thuật
Tháng 7 năm 1885, Vua Hàm Nghi ban chiếu Cần vương, công bố khắp các tỉnh Trung và Bắc kỳ, được đông đảo các sĩ phu và nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng, nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổ ra ở khắp các tỉnh.
Nguyễn Thiện Thuật đang ở Long Châu, Trung Quốc, được Đề Vinh sang báo tin Vua Hàm Nghi đã ra Sơn Phòng, Quảng Trị hạ chiếu Cần vương, ông lập tức về nước. Đề Vinh đưa ông vượt qua biên giới Việt - Trung, khi đó thiếu tướng Négrier đánh thành Lạng Sơn bị trọng thương, quân Pháp rút về tỉnh lỵ nên ông Thuật về nước dễ dàng. Đề Vinh đưa Nguyễn Thiện Thuật đến căn cứ Tiên Động gặp Nguyễn Quang Bích mới được Vua sai ra Hưng Hóa phong làm Hiệp thống Bắc Kỳ quân vụ đại thần, Thuần trung Tướng quân, Lễ bộ Thượng thư đại diện nhà Vua chủ trương phong trào chống Pháp ở Bắc Kỳ.
Nguyễn Quang Bích báo cho Nguyễn Thiện Thuật biết tin, sau trận bị quân Pháp phục kích ở bến đó Vạn Phúc. Lực lượng nghĩa quân do Lãnh Sậy chỉ huy đã tổn thất nặng nề; Đổng quân vụ Đinh Gia Quế bị ốm không thể chỉ huy chiến đấu. Căn cứ Bãi Sậy bị quân Pháp uy hiếp nghiêm trọng, nên phái Nguyễn Thiện Thuật về trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, đồng thời giao cho ông thống nhất các lực lượng kháng chiến ở châu thổ sông Hồng và vùng ven biển Bắc Kỳ dưới ngọn cờ Cần vương, Nguyễn Thiện Thuật đã nhận sự ủy thác đó; Vua Hàm Nghi phong cho Nguyễn Thiện Thuật chức "Bắc Kỳ Hiệp thống Quân vụ Đại Thần".
Tháng 8 năm 1885, Đề Vinh đưa Nguyễn Thiện Thuật về căn cứ của Hai Kế ở vùng giáp ranh Bắc Ninh - Hưng Yên - Hải Dương. Ông nhận được thông tin chính xác về các hoạt động của nghĩa quân Bãi Sậy, biết rõ sau trận bị quân Pháp phục kích ở bến đò Vạn Phúc, Lãnh Sậy bị giặc bắt và diết hại. Đinh Gia Quế phải chạy lên vùng bến đò Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, hơn một tháng sau mới trở về; Ông bị ốm nặng, phải nằm dưỡng bệnh ở ấp Dương Trạch thuộc căn cứ Bãi Sậy, và giao quyền tổng chỉ huy nghĩa quân cho Chánh đề đốc Nguyễn Đình Tính. Chánh Tính là tướng giỏi, có uy tín; trước sức tấn công của quân Pháp và quân Hoàng Cao Khải với quân số đông, vũ khí hiện đại, ông cố gắng bảo tồn lực lượng, bảo vệ các mục tiêu chính trong căn cứ.
Trước tình hình cấp bách đó, Nguyễn Thiện Thuật đã mời Cử nhân Ngô Quang Huy, người xã An Lạc, tổng Thái Lạc, huyện Văn Giang và Cử nhân Nguyễn Hữu Đức người xã Mễ Xá, tổng Nhân Vũ, huyện Ân Thi, tham gia cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy từ đầu, được phong là Tán tương quân vụ để bàn việc phục hồi lực lượng nghĩa quân Bãi Sậy và thống nhất các lực lượng khởi nghĩa khác ở châu thổ Sông Hồng. Nguyễn Thiện Thuật giao cho Nguyễn Hữu Đức về Bãi Sậy gặp Đổng Quế.
Nguyễn Hữu Đức về làng Dương Trạch gặp Đổng Quân vụ Đinh Gia Quế và Chánh lãnh binh Nguyễn Đình Tính; Nguyễn Hữu Đức báo cáo với hai ông, về Tán tương Quân vụ Nguyễn Thiện Thuật được Vua Hàm Nghi phong chức “Bắc Kỳ Hiệp thống Quân vụ Đại thần”, giao trọng trách phát động phong trào Cần vương ở các tỉnh đồng bằng Bắc Kỳ, sẽ đến Bãi Sậy bàn việc với các thủ lĩnh. Đinh Gia Quế đã 60 tuổi, sức yếu, bệnh tình trầm trọng, căn dặn các tướng phải thực hiện nghiêm mệnh lệnh của Bắc Kỳ Hiệp thống Quân vụ Đại thần Nguyễn Thiện Thuật.
Sau đó Chánh Tính và Cử Đức đến truyền đạt Di chúc của Đổng quân vụ Đinh Gia Quế cho cá tướng lĩnh như Lãnh binh Dương Văn Điển, xã Phù Sa, lãnh binh Nguyễn Túc, Lãnh binh Nguyễn Thị Biên xã Đa Hoà, Lãnh binh Bùi Quang Cơ, xã Tiểu Quan (huyện Đông Yên); Tuần Vân, Lãnh binh xã Xuân Quan (Văn Giang); Lãnh binh Nguyễn Văn Sung xã Dịch Trì, Lãnh binh Phạm Văn Điệp xã Phạm Xá, Lãnh binh Lưu Ngọc Tháu xã Liêu Trung (Yên Mỹ), Lãnh binh Phạm Văn Ban xã Bối Khê (Ân Thi); gặp các Lãnh binh Nguyễn Văn Sở, Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Văn Tồn, Nguyễn Văn Đầm cùng các Hiệp quản, Suất đội ở huyện Tiên Lữ; truyền đạt nội dung chiếu Cần vương của Vua Hàm Nghi và việc Thủ lĩnh Nguyễn Thiện Thuật về thay thế Đổng Quế bị ốm nặng.
Hai vị phái viên của Nguyễn Thiện Thuật và Đinh Gia Quế tới làng Trà Bồng gặp Phó Hữu Dực, Nguyễn Công Khuyến, một dũng tướng ở miền nam Hưng Yên đã nhiền lần tấn công đồn Ứng Lôi (Phù Cừ), phối hợp với các lực lượng nghĩa quân khác tấn công các đồn Thuỵ Lôi (Tiên Lữ), phủ thành Ân Thi, cắm lá cờ lên nóc phủ đường, các trận Bói, vệ ở Ninh Giang, Hải Dương.
Chánh Tính cùng Cử Đức từ Phù Cừ vượt sông Luộc sang làng Phan Bổng, tổng Ỷ Đốn, huyện Thần Khê (nay là xã Hòa Bình, Hưng Hà, Thái Bình) gặp Nguyễn Sung là con trai thứ hai của Chánh quản Nguyễn Thành Thà đang chỉ huy căn cứ Đống Lau ở ngay làng Phan Bổng quê ông, chặn đường 39 huyết mạch từ tỉnh Hưng Yên sang phủ Thái Bình, tỉnh Nam Định. Căn cứ Đống Lau còn bảo vệ căn cứ Bãi Sậy từ xa. Tại đây, hai phái viên gặp Chánh quản Nguyễn Thành Thà đã già yếu, khi ông nhận được tin Nguyễn Thiện Thuật được Vua Hàm Nghi phong là Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần, lãnh đạo phong trào Cần vương ở đồng bằng sông Hồng và trực tiếp chỉ huy cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy thì rất tin tưởng, liền cho con trai thứ ba là Nguyễn Giới, con trai thứ tư là Nguyễn Mịch và cháu nội sang chiến đấu ở căn cứ Bãi Sậy.
Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Khoái châu, Hưng Yên - Tượng trưng hình có sậy (ảnh mạng)
Đổng Quân vụ Đinh Gia Quế cùng các Thủ lĩnh và Nghĩa quân Bãi Sậy
sống mãi cùng Non Sông Đất Nước
Năm 1885 Đổng quân vụ Đinh Gia Quế đã 60 tuổi, bị ốm nặng, không thể chỉ huy Nghĩa quân, ông giao binh quyền cho Chánh đề đốc Nguyễn Đình Tính, rồi nghỉ dưỡng bệnh ở ấp Dương Trạch trong căn cứ Bãi Sậy; sau lại giao binh quyền cho Bắc Kỳ Hiệp thống Quân vụ Đại thần Nguyễn Thiện Thuật lãnh đạo, kết thúc giai đoạn đầu của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy.
A De miribel nguyên công sứ Hưng Yên viết: “Thủy tai làm cho dân gian bị khốc hại, hết đường sinh kế. Muốn sang các tỉnh lân bang tìm việc làm, nhưng đương thời kì loạn lạc, khó kiếm ăn. Trong khi cùng quẫn, họ được người giúp đỡ thì theo ngay. Họ họp đảng với một người kỳ hào ở xã Thọ Bình tên là Đổng Quế. Đổng Quế lấy danh nghĩa là kháng chiến chống ngoại xâm và những người theo ông ta lập thành nhiều toán đi kiểm soát và các xã lân cận. Khi quan quân đến, Đổng Quế cùng các đảng viên lại trốn vào Bãi Sậy là nơi Pháp không biết lối vào. Các viên đồn không am hiểu đường lối và các xã thì sợ thù hằn không ai dám chỉ dẫn, nên quân giặc càng ngày càng đông mà binh Pháp không sao dẹp được.
Binh gia bèn cho một toán hùng binh từ Hải Dương lên đánh quân nghịch, có quan đại tá Donnier đốc xuất. Cuộc chiến sự ấy cũng vô hiệu… Sau quan binh Pháp giao cho Hoàng Cao Khải Án sát Hưng Yên cầm quân đi đánh Đổng Quế.Quan Hoàng Cao Khải đem theo gia nhân và có lính Tây hộ vệ vào Bãi Sậy dẹp giặc. Sậy mọc cao hơn 3 thước tây, quan lại phải lần đường cứ quanh quẩn trên các hầm của Đổng Quế. Xung quanh lửa cháy mà cũng không trông thấy quân nghịch, quan quân phải vừa đánh vừa lui về Khoái Châu…”.
Đổng quân vụ Đinh Gia Quế mất khoảng cuối tháng 12 năm 1885, con cháu và Nghĩa quân chờ đến đêm mới an táng ông; con cháu cúng giỗ vào ngày 21 tháng 11 năm Ất Dậu. Khoảng năm 1915 - 1920 con cháu mới đưa ông về an táng ở trong xã nhưng không dựng bia. Năm 1975, mới xây lăng, lập bia mộ. Sau khi cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy tan rã con cháu phải đổi sang họ Nguyễn để trách sự truy sát của giặc.
Tác giả Vũ Thanh Sơn viết: "… Là người dân sống trong vùng căn cứ Bãi Sậy, mặc dù trình độ, năng lực, cơ sở vật chất có hạn, với tấm lòng kính trọng các bậc anh hùng hào kiệt, chúng tôi vẫn kiên trì vượt qua mọi trở ngại để sưu tầm tư liệu viết nên những trang sách nhỏ này cùng với cuốn “Các thủ lĩnh nghĩa quân Bãi Sậy”và trước đó đã xuất bản cuốn “Tướng lĩnh Bãi Sậy” để tưởng niệm đến một số Anh hùng bị người đời lãng quên”.
Đổng quân vụ Đinh Gia Quế, Người khởi xướng và là Thủ lĩnh đầu tiên của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, cùng các thủ lĩnh họ Đinh khác trong các cuộc khởi nghĩa chống Pháp, như Đinh Công Tráng, Đinh Khắc Nhưỡng (Đốc Nhưỡng) … đã viết lên trang sử bi hùng của dân tộc, ở giai đoạn đầu chống Thực dân Pháp xâm lược Nước ta. Đinh Gia Quế cùng các Thủ lĩnh và Nghĩa quân Bãi Sậy sống mãi cùng Non Sông Đất Nước.
Ghi chú: Các ông Nguyễn Sơn Hà, Nguyễn Quốc Hùng, cháu bốn đời và anh Nguyễn Văn Ứng cháu năm đời của cụ Đinh Gia Quế cung cấp theo gia phả con cháu cụ đổi sang họ Nguyễn từ khi cuộc khởi nghĩa tan rã. Tháng 5/2008, chúng tôi (Tác giả Vũ Thanh Sơn) cùng ông Nguyễn Quốc Hùng chắt của ông Đinh Gia Quế về Nghiêm Xá, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội để tìm hiểu về dòng họ Đinh ở đây. Ông Chủ tịch xã và các bô lão cho biết ở Nghiêm Xá xưa có họ Đinh, nhưng đã thất tán trên 100 năm nay.
Nhận xét
Đăng nhận xét