Có tuổi đời 2 thế kỷ, ngôi đình cổ làng An Hải là một công trình kiến trúc cổ nổi độc đáo của đảo Lý Sơn. Tọa lạc tại thôn Đông, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi, ngôi đình cổ làng An Hải là một trong những công trình kiến trúc cổ nổi tiếng nhất của hòn đảo tiền tiêu miền Trung. Đình làng được xây dựng lần đầu vào năm 1815 bằng nguyên liệu tre, tranh, gỗ tại địa phương. Đến năm 1820, đình An Hải được xây dựng quy mô, bề thế. Từ năm 1820 đến nay, đình làng An Hải trải qua nhiều đợt tu bổ. Về cơ bản, kiến trúc hiện nay của đình định hình trong lần trùng tu năm 1943. Về tổng thể, đình có kết cấu hình chữ tam (三) gồm tiền đường, chính điện và hậu tẩm (đình hạ, đình trung và đình thượng) bố trí trên trục Đông Nam – Tây Bắc, quay mặt ra biển, sau lưng là ngọn núi Thới Lới. Mặt tiền ngôi đình có 6 hàng cột đối xứng xây bằng gạch. Bốn cột trong hình trụ tròn, hai cột chái hiên hình trụ vuông. Hai cột giữa đắp rồng cuốn; hai cột đối xứng tiếp theo đắp nổi hai câu đối chữ Hán. Dưới chân hai cột đầu chái có đôi con nghê đắp bằng tam hợp chất, lõi gạch, ngoài ghép mảnh sứ, quay đầu vào nhau, tai vểnh, mắt lồi, lông bờm dựng đứng. Bộ khung của đình gồm hàng chục cây cột đỡ bộ kèo. Trính và xuyên tạo thành hệ thống liên kết khung nhà theo hai chiều ngang dọc, sử dụng kỹ thuật đâm mộng qua đầu cột có khóa chốt. Mái đình lợp ngói âm dương, trung điểm là mặt trời - cầu lửa. Các hình tượng trang trí khác trên mái có: Bờ nóc mái trang trí “lưỡng long hồi đầu", đầu hồi đắp nổi long phù, bờ quyết trang trí “hạ long, thượng phụng”, đầu bờ quyết trang trí “lý ngư hóa long”. Trong đình có các bàn thờ cô hồn, kiệu rước thần chủ, chiêng, trống, hương án ở tiền đường, bàn thờ Tam hoàng Ngũ đế, Ngũ vị tiên nương, Chúa Ngung man nương, tiền hiền, hậu hiền ở chính điện, bàn thờ Thiên Y A Na ở hậu tẩm. Bên tả và bên hữu của đình An Hải Lý Sơn còn có nhiều công trình thờ tự khác như miếu Thành Hoàng, đền thờ Tiên công, miếu Quỷ, lăng thờ Cá Ông...
Nhận xét
Đăng nhận xét