Nếu còn thành cũ, Gia Định không dễ thất thủ ngày 17-2-1859


 "Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây - Một bàn cờ thế phút sa tay" - nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã đau đớn thốt lên như vậy trong bài thơ Chạy giặc khi thành Gia Định thất thủ trước liên quân Pháp - Tây Ban Nha - Philippines ngày 17-2-1859.




Liên quân Pháp - Tây Ban Nha tấn công thành Gia Định ngày 17-2-1859 - Tranh vẽ của người Pháp về trận đánh này. Hình vẽ theo hướng tấn công cổng thành chính, mặt ngang thành hiện là đường Lê Duẩn - Ảnh tư liệu
Nỗi đau đó có lẽ từ nỗi đau thất thủ nhanh chóng.
Trước đó, sau khi bị cầm chân ở Đà Nẵng, ngày 29-1-1859, viên tướng chỉ huy liên quân là Charles Rigault de Genouilly gửi thư về Bộ Hải quân Pháp ở Paris đề xuất đánh thành Gia Định với nhiều lý do: đánh Sài Gòn (từ Sài Gòn do tướng Genouilly viết trong thư) không phải hành quân bộ; Sài Gòn là vựa thóc nuôi Huế; thương gia Hong Kong thúc giục nhà cầm quyền Anh đánh Sài Gòn...
"Một bàn cờ thế phút sa tay"
Bốn ngày sau, ngày 2-2, 2/3 lực lượng liên quân và tàu chiến rời Đà Nẵng tiến về biển Vũng Tàu. Tám ngày sau, liên quân tấn công Vũng Tàu.
Ngày 11-2, 2.000 liên quân Pháp - Tây Ban Nha (trong đó có 450 quân Philippines) và 8 tàu chiến vất vả tiến vô sông Cần Giờ do hàng chục đồn trại của quân dân Việt trên sông Cần Giờ phản kháng dữ dội - dù mỗi đồn chỉ vài chục đến 100 quân. Cuộc tiến quân của liên quân đi chặng đường này mất gần 5 ngày.
Chiều tối 15-2, hai pháo đài cửa ngõ vô thành Gia Định là Vàm Cỏ và Cá Trê (hiện nay là hai bên khu vực hầm Thủ Thiêm - theo Địa chí văn hóa TP.HCM thì đồn Vàm Cỏ - tên chữ là ụ Hữu Bình nằm ở góc sông Sài Gòn - cầu Tân Thuận, nhưng theo bản đồ của Trần Văn Học vẽ năm 1815 thì có lẽ nằm ở hai bên hầm Thủ Thiêm) không chỉ đấu pháo dữ dội mà còn dự tính đánh hỏa công bằng thuyền gỗ chở thuốc súng và rơm (nhưng bị liên quân phát hiện đốt trước khi thuyền hỏa công đến gần tàu chiến Pháp) suốt đêm với liên quân cho đến tận trưa hôm sau, 16-2 sau mới thất thủ.
Bản đồ khu vực Sài Gòn- Gia Định - Chợ Lớn năm 1815 do Trần Văn Học vẽ. Hai đồn Vàm Cỏ (tên chữ là Hữu Bình) và Cá Trê (Tả Định - bên rạch Cá Trê ở Thủ Thiêm hiện nay, hiện cá nơi đây người dân câu được vẫn chủ yếu là cá trê. Nhiều cầu nơi đây vẫn đang mang tên Cá Trê 1, 2, 3, 4, Cá Trê Lớn, Cá Trê Nhỏ). Lưu ý hướng trên của hình vẽ là hướng tây bắc chứ không theo hướng bắc như bản đồ hiện nay  - Ảnh tư liệu
Chỉnh đốn lực lượng, rạng sáng 17-2, toàn bộ lực lượng liên quân dừng quân trên sông Sài Gòn, trực diện cổng thành Gia Định (hiện nay ở khu vực đường ngã tư Lê Duẩn - Đinh Tiên Hoàng tấn công thành từ loạt pháo của các tàu chiến trên sông Sài Gòn, phía ngoài cảng Ba Son hiện nay, chỉ cách cổng chính hướng đông của thành khoảng 500m.
Hướng tấn công của Pháp vào thành Gia Định so với vị trí hiện nay (2016)
Hướng tiến quân của Pháp vào thành Gia Định so với vị trí hiện nay (2016) - Đồ họa: TRỊ THIÊN
Vị trí thành Gia Định xưa so với hiện nay (2016)
Vị trí thành Gia Định xưa so với hiện nay (2016) - Đồ họa: TRỊ THIÊN
Con đường liên quân Pháp - Tây Ban Nha từ sông Sài Gòn tiến vô tấn công thành Gia Định, thời đầu thuộc Pháp mang tên Boulevard Citadel (đại lộ Thành),  nay là đường Tôn Đức Thắng - Ảnh: M.C.
Khu vực cổng chính hướng đông nam thành Gia Định bị tấn công, hiện nay là ngã tư Lê Duẩn - Đinh Tiên Hoàng - Ảnh: M.C.
Trong thành lúc ấy khoảng 2.000 quân (theo giáo sư Trần Văn Giàu thì chỉ 1.000 quân).
200 khẩu pháo trong thành đáp trả mãnh liệt, ít nhiều gây tổn thất cho lực lượng liên quân mà trong báo cáo sau đó của liên quân gửi về Pháp, được Địa chí văn hóa TP.HCM trích lại: "Người Việt Nam tự vệ mạnh mẽ, đường đạn của họ không phải là không chính xác, tàu La Dragonne bị trúng ba phát đạn, tàu Avalanche bị 7 phát...".
Hướng tấn công của liên quân chủ yếu ở cổng thành chính nằm hướng đông nam (đường Lê Duẩn hiện nay).
Góc thành Gia Định phía đông với pháo đài, hiện nay là góc Lê Duẩn - Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: M.C.
Góc thành Gia Định hướng nam với pháo đài, hiện nay là góc Lê Duẩn - Mạc Đĩnh Chi (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: M.C.
Sau đó liên quân bắc thang leo vô thành khá dễ khi thành chỉ cao 4,7m.
Quân Việt trong thành lao vô giặc đánh cận chiến bằng tất cả gươm, súng mình có trong tay.
Cổng thành phía đông (ngã tư Lê Duẩn - Đinh Hoàng, Q.1, TP.HCM hiện nay) vỡ. Liên quân tràn vô, không chỉ xáp lá cà mà còn dùng súng bắn liên tục vô quân Việt vốn dùng súng hỏa mai, nạp đạn rất chậm...
... Đến trưa 17-2, thành Gia Định thất thủ.
Hộ đốc Vũ Duy Ninh (hiện một con đường ở Bình Thạnh, một con đường ở Đà Nẵng mang tên ông) bị trọng thương, lui quân về thôn Phước Lý (tổng Phước Lộc, huyện Tân Bình xưa) thì rút gươm tự sát. Bộ tướng của ông là án sát Lê Từ cũng tự vẫn.
Trước đó, khi biết quân Pháp - Tây Ban Nha tiến vô cửa Cần Giờ, tướng Vũ Duy Ninh (mới nhậm chức tổng đốc hai tỉnh Gia Định và Biên Hòa hai ngày) đã "sức" (thông báo) cấp báo năm tỉnh Nam kỳ để có thể phối hợp.
Nhưng thành Gia Định thất thủ nhanh, khiến ngay quân thành Biên Hòa (thuộc quyền của tổng đốc Vũ Duy Ninh) cũng không kịp kéo về tiếp ứng.
Tổng đốc Long Tường (Vĩnh Long, Định Tường) Trương Văn Uyển ngay lập tức vừa gửi sớ về triều đình báo tin thất thủ Gia Định, vừa triệu tập các trấn thủ An Giang, Định Tường, Hà Tiên hợp sức lại, rồi trực tiếp kéo quân tới đồn Lão Sầm, gần chùa Mai Sơn (tức chùa Cây Mai, hiện ở quận 11).
Nhưng ngay sau khi chiếm thành Gia Định nhanh chóng, quân Pháp kịp tổ chức bao vây, tấn công khu vực này. Quân tổng đốc Long Tường phải lui về Vĩnh Long. 
Nếu còn thành cũ, Gia Định có thất thủ nhanh chóng?
Nguyên nhân thành Gia Định thất thủ nhanh chóng đã được nhiều sử gia phân tích. 
Theo sử gia Trần Trọng Kim (Việt Nam sử lược), "ở Gia Định bấy giờ tuy có nhiều binh khí nhưng quân lính không luyện tập, việc võ bị bỏ trễ nải, cho nên khi quân Pháp ở cửa Cần Giờ tiến lên, quan hộ đốc là Vũ Duy Ninh vội vàng tư đi các tỉnh lấy binh về cứu viện" nhưng không kịp.
Theo GS Trần Văn Giàu, "Lúc Pháp đến đánh, trong thành Gia Định chỉ có hơn 1.000 quân thủ thành, trong thành có đủ khí giới, lương thực cho 10.000 quân đóng giữ trong một năm. Điều đó chứng tỏ triều đình thờ ơ với sự phòng vệ, mặc dầu năm sáu tháng nay Pháp đánh Đà Nẵng, và từ hơn tuần nay đối phương vào Cần Giờ liên tiếp..." (tổng tập).
Cũng không thể bỏ qua yếu tố vũ khí hiện đại, chính xác hơn quân Việt của liên quân Pháp - Tây Ban Nha. 
Khi Lê Văn Khôi, con nuôi Lê Văn Duyệt, gây "sự biến" chiếm thành năm 1833, triều đình nhà Nguyễn huy động hàng vạn quân đánh ròng rã hai năm mới hạ được thành (do đường đạn trong thành đi xéo nên quân nhà Nguyễn phải đào hào ngoằn ngoèo để tránh đạn (đằng xà) mới hạ được thành.
Trước năm 1790, nhiều lần quân Tây Sơn vô tận Gia Định khiến Nguyễn Ánh (vua Gia Long sau này) phải "tẩu quốc". Nhưng sau khi thành Bát Quái xây xong, không rõ có kiêng dè ngôi thành này mà quân Tây Sơn không tấn công Gia Định thêm lần nào nữa.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn tiếc nuối cho rằng nếu còn thành cũ (tên là Phiên An - thường gọi là thành Quy) xây năm 1790 thì có lẽ trận chiến không dễ kết thúc nhanh như vậy.
Đó là ngôi thành được nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu khẳng định là kiên cố, lớn nhất của triều Nguyễn; xây năm 1790, khi Nguyễn Ánh chọn đất Sài Gòn làm kinh đô với tên Gia Định kinh.
Thành do hai sĩ quan công binh Pháp là Olivier de Puymanel và Le Brun thiết kế, đốc công 30.000 dân phu 4/6 tỉnh Nam kỳ lúc ấy là Gia Định, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long xây dựng.
Thành theo kiến trúc Vauban hiện đại nhất của Pháp lúc ấy nhưng mang hình bát quái, theo phong cách Đông Á, Việt Nam; tường thành chính cao 4,8m bằng đá Biên Hòa, chịu đựng tốt với súng, đạn pháo hiện đại nhất thời đó.
Sau này tổng trấn Lê Văn Duyệt dùng đá ong xây cao thêm 1,5m nữa, tức khoảng 6,3m (thành Gia Định bị tấn công chỉ cao 4,7m), chân tường thành dày 36,5m, hào rộng 76m (52m), sâu 6,8m (3m)...
Thành Phiên An rất phức tạp với thành trong thành, hào trong hào để nếu đoạn thành nào thất thủ, quân thủ thành có thể lùi sang đoạn thành khác, lùi vô thành trong vẫn tiếp tục kháng cự bình thường với thành, hào mới kiên cố hơn (thành ngoài bằng đất, thành trong bằng đá).
Mỗi cạnh thành có 8 cửa, 8 pháo đài, súng hay pháo bắn xen kẽ qua lại rất lợi hại.
Thành bát quái xây năm 1790 (tên Phiên An - lấy một trong hai tên cửa chính hướng đông nam có lẽ trong bản đồ ghi nhầm là Phan Yên) do Trương Vĩnh Ký vẽ; chú thích, chú giải tên đường tiếng Việt của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu). Lưu ý hướng trên của hình vẽ là hướng tây bắc chứ không theo hướng bắc như bản đồ hiện nay. Hiện nay thành này nằm gọn trong bốn con đường: Nguyễn Đình Chiểu - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Thánh Tôn - Đinh Tiên Hoàng -  Ảnh tư liệu
Năm 1835, sau khi dẹp loạn Lê Văn Khôi, vua Minh Mạng hạ lệnh phá hủy toàn bộ thành Phiên An và năm sau, 1836, cho xây một thành khác nhỏ hơn phía đông bắc thành cũ, gọi là "thành Phụng", tức thành Gia Định bị tấn công ngày 17-2-1859.
Thành Gia Định (thành Phụng) ở góc phải phía trên thành cũ và các con đường quanh thành hiện nay. Lưu ý hướng trên của hình vẽ là hướng tây bắc chứ không theo hướng bắc như bản đồ hiện nay  - Ảnh tư liệu
Theo Đại Nam nhất thống chí, thành Gia Định mới chu vi khoảng 1.960m (thành cũ 4.000m), diện tích so với thành cũ chỉ bằng 1/4, cũng được xây bằng đá ong Biên Hòa và theo mẫu kiến trúc Vauban nhưng nhỏ, dễ bị bắn phá hơn vì chỉ có 4 pháo đài. 
Thành nhỏ, đơn giản nên chỉ cần 10.000 dân phu xây trong hai tháng đã xong.

Nhiều người cho rằng nếu còn thành Gia Định cũ, quân dân Gia Định có thể thủ thành thêm ít nhất vài ngày nữa. Và khi ấy, ít nhất hơn 5.000 quân năm tỉnh Nam kỳ còn lại kịp tiến lên tiếp viện với đầy đủ vũ khí và tinh thần chống xâm lược vốn có của dân tộc Việt...


Nhận xét