Đình Phước Thạnh (Diên Khánh, Khánh Hoà)


Dấu ấn văn hóa và cách mạng
Cập nhật lúc 08:05, Thứ Ba, 12/08/2008 (GMT+7)
Đình Phước Thạnh - Thị trấn Diên Khánh.
Ai một lần đến chợ Thành (thị trấn Diên Khánh) hẳn sẽ thấy một ngôi đền khang trang nằm đối diện với chợ. Đó là đình Phước Thạnh. Đình được thành lập từ lâu, nhưng ít ai biết ngôi đình còn là nơi ghi đậm dấu ấn oanh liệt của nhân dân Diên Khánh trong những ngày đầu cách mạng.
Ông Phan Tấn Kỳ, Phó Ban Quản lý đình Phước Thạnh cho biết: “Đình Phước Thạnh ngày xưa thuộc làng Phước Thạnh, tổng Ninh Phước, nay thuộc tổ dân phố số 5, khóm Dinh Thành, thị trấn Diên Khánh. Tuy chưa xác định chính xác đình Phước Thạnh ra đời năm nào, nhưng theo nhiều cụ cao tuổi cho biết đình có từ thời chúa Nguyễn Phúc Thuần, khoảng giữa thế kỷ XVIII”.
Đình là nơi thờ bà Thiên Y Diễn Ngọc Phi (tức bà Thiên Y Ana), Quan Thánh, Thành hoàng, cụ Kiều Khắc Hài (người đầu tiên của Khánh Hòa đỗ cử nhân dưới triều vua Minh Mạng) và các vị tiền bối. Đình hiện có 13 đạo sắc phong của các vua triều Nguyễn, trong đó ban cho Bà Thiên Y 5 sắc, Thành hoàng 5 sắc, Quan Thánh 2 sắc, cụ Kiều 1 sắc. Ngoài ra còn có 5 chiếu chỉ của vua Tự Đức ban cho cụ Kiều (hàm chánh tứ phẩm) và cha mẹ của cụ (hàm ngũ phẩm).
Lúc đầu đình được làm bằng tranh tre đơn giản. Năm 1852, người dân góp công, của xây dựng lại bằng gỗ, mái ngói âm dương, sau đó xây thêm nơi thờ Tiền Hiền, Hậu Hiền. Năm 1973 - 1974, đình được trùng tu quy mô, có cấu trúc vừa cổ kính vừa hiện đại. Mái đình có hình tượng lưỡng long tranh châu. Các trụ làm bằng bê tông có hình rồng cưỡi mây. Các câu đối, liễn thờ được khảm xà cừ. Cổng đình mới tu sửa lại gọi là Nghi quan. Đình gồm hai ngôi nhà kề nhau. Ngôi nhà bên phải là chánh điện, ở giữa thờ Chánh thần Thiên Y Diễn Ngọc Phi, bên phải thờ Quan Thánh Đế Quân, bên trái thờ Bổn cảnh Thành hoàng. Ngoài ra còn có bàn thờ cụ Kiều Khắc Hài, thân phụ và thân mẫu của cụ và các vị tiền bối đã có công với làng. Ngôi nhà bên cạnh thờ Tiền Hiền, Hậu Hiền và bà Ngũ Hành.
Sẽ thiếu sót khi nói về đình Phước Thạnh mà không nhắc đến tiểu sử cụ Kiều Khắc Hài. Theo một số tài liệu còn lại, cụ Kiều người làng Phước Thạnh, sinh vào thập niên đầu tiên của thế kỷ XIX, là con của cụ ông Kiều Văn Mão và cụ bà Nguyễn Thị Xử. Cụ Kiều đỗ cử nhân tại trường thi Gia Định khoa thi 1840. Năm đó, trong 5 trường thi toàn quốc, đỗ 81 cử nhân, trong đó có cụ Kiều. Cụ Kiều xuất chính với lòng tận tụy vì dân, vì nước. Năm Tự Đức thứ 6 (1854) vua thăng cụ từ Hàn lâm viện trước tác hoàng thân giảng tập lên làm Tri phủ Kiến Tường (Mỹ Tho ngày nay). 3 năm sau, cụ làm Giám sát ngự sử đạo Lạng Bình (hàm ngũ phẩm). 4 năm sau, vua thăng cụ lên chức Phủ thừa phủ Thừa Thiên (cũng năm này vua truy tặng thân phụ, thân mẫu cụ hàm ngũ phẩm). Sau 20 năm công vụ vắt kiệt sức, cụ ngã bệnh, theo sớ tấu của toàn thể quan chức phủ viện, cụ được vua thụ chức Phủ thừa (chánh tứ phẩm). Sau khi cụ mất, thi hài được đưa về an táng tại quê nhà.
Đình Phước Thạnh còn là nơi ghi dấu ấn lịch sử những ngày đầu khởi nghĩa của quân và dân huyện Diên Khánh. Đúng giờ G ngày 19-8-1945, khi lệnh khởi nghĩa phát ra, 3 cánh quân, hơn 5.000 người lập tức xuất phát, trong đó cánh quân ở Thành tập trung tại đình Phước Thạnh hiệp đồng tác chiến cùng các cánh quân khác với khí thế hừng hực kéo đánh tỉnh đường - đầu não của bộ máy công quyền Nam triều ở Khánh Hòa. Các đoàn khởi nghĩa đã nhanh chóng chiếm lĩnh toàn bộ Thành Diên Khánh trong nỗi khiếp sợ của lực lượng bù nhìn. Cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám giành chính quyền ở Diên Khánh thành công nhanh chóng.
Đình Phước Thạnh còn là nơi chứng kiến sự kiện lịch sử trọng đại, có ý nghĩa chính trị to lớn, đó là ngày bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của nhân dân Diên Khánh. Ngày 6-1-1946, trên 90% cử tri Diên Khánh đã hăng hái đi bầu. Nhân dân đã bầu 3 đồng chí là Nguyễn Văn Chi, Tôn Thất Vỹ và Đào Thiện Thi làm đại biểu Quốc hội khóa I. Dưới làn đạn ác liệt của kẻ thù, bộ đội, nhân dân vẫn hăng hái làm nghĩa vụ công dân. Ban vận động bầu cử đã đưa thùng phiếu lưu động đến tận chiến hào, đến từng cán bộ, chiến sĩ nơi mặt trận. Trong ngày này, một số đồng bào, đồng chí làm nhiệm vụ bầu cử đã hy sinh anh dũng.
Với những dấu ấn văn hóa và cách mạng, năm 2006 đình Phước Thạnh được công nhận là Di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh.

Nhận xét