Tòa nhà Ủy ban nhân dân thành phố

Trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là một tòa nhà được xây dựng từ năm 1898 đến 1909 do kiến trúc sư Gardès thiết kế mô phỏng theo kiểu những lầu chuông ở miền Bắc nước Pháp. Thời Pháp thuộc, tòa nhà này có tên là Dinh Xã Tây, trước năm 1975 gọi là Tòa Đô chánh, hiện nay nó là nơi làm việc của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, nằm ngay ở đầu đại lộ Nguyễn Huệ, Quận 1. Đây có thể coi là một trong những công trình kiến trúc đẹp nhất của thành phố này.
Còn gọi là dinh Xã Tây, dinh Ðốc Lý và sau này là tòa Ðô Chính (tòa Ðô Sảnh) là một trong những kiến trúc to lớn và cổ của thành phố Sài Gòn. Năm 1862 sau khi chiếm được một số tỉnh của Nam Kỳ, người Pháp tổ chức một hội đồng thị xã để cai trị (Conseil minicipal). Nhưng hội đồng này chưa có trụ sở chính thức, phải thuê nhà của một người khách trú tên là Ðoàn Tại để làm trụ sở tạm thời (1868) ở Rue.aux fleurs hiện giờ ở sau trụ sở hải quan thành phố) nằm giữa đại lộ Nguyễn Huệ (Charner) và Hàm Nghi (De la Some). Ngôi nhà này đồng thời còn dùng làm phòng Thương mại và Chứng khoán. Mãi đến năm 1871, chính quyến Pháp mới bắt đầu nghĩ đến việc xây dựng một nhà làm việc chính thức cho Hội đồng thị xã. Khu kinh lấp (tức đường Nguyễn Huệ hiện nay) đã được lưu ý đầu tiên, nhưng vẫn còn e ngại về vấn đề đổ móng xây nền vì nơi đây là vùng đất bùn. Dự án xây cất được đặt thành một cuộc thi vẽ họa đồ và người được giải là kiến trúc sư Codry. Nhưng vào năm sau bản đồ án này bị thay đổi không rõ lý do và một kiến trúc sư khác được mời đến thiết kế. Ðó là kiến trúc sư Métayer.
Năm 1874 vấn đề xây cất không được nhắc lại. Mãi đến năm năm sau, việc xây cất được đề cập đến, nhưhg chỉ là nhắc nhở mà không thực hiện. Ðến năm 1880 viên thị trưởng Balancsubé cố gắng phục hồi lại dự án cũ, nhưng vẫn không thành công. Bước sang năm 1888 bản đồ án kiến trúc ban đầu bị sửa đổi hoàn toàn. Năm 1893 vấn đề xây cất lại được nêu ra tại Hội đồng thị xã Sài Gòn lại bắt đầu họp bàn về địa điểm. Cuối cùng năm 1896 một cuộc bàn cãi về địa điểm được triệu tập một lần nữa và một cuộc thi vẽ họa đồ thứ hai được tổ chức. Nguyên nhân cản trở việc xây cất tiến hành trong các năm trước đó chính là vấn đề địa điểm. Tuy nhiên, trong thời gian từ 1898 đến 1899 tòa thị sảnh được khởi công xây cất ngay trên vùng đất đã chọn trước đó. Kiến trúc sư Gardès chịu trách nhiệm xây dựng đồ án và họa sĩ Ruffier chịu trách nhiệm trang trí. Nhưng do nhiều lý do không thuận lợi, do sự bất đồng ý kiến giữa họa sĩ Ruffier và các nghị viện Việt Nam trong hội đồng thị xã.
Trước sự bất đồng giữa các nghị viện và họa sĩ Ruffier, thị trưởng Cuniac có ý hòa giải bằng cách gửi một tấm ảnh về cái trung đoạn kỳ dị của tòa nhà về Pháp cho Ruffier và đề nghị nếu có thể tìm đề tài khác thay thế. Nhưng vì thay đổi quá tốn kém, nên viên Thống đốc Rodier từ chối những chi phí mới. Sự bàn cãi giằng co kéo dài mãi đến năm 1907, sau đó hợp đồng của Fuffier bị bãi bỏ và một họa sĩ khác là Bonnet nhận lãnh hoàn toàn mọi công việc trang trí. Ðến năm 1908 tòa Ðô sảnh được hoàn thành và vụ Ruffier được đưa ra trước Tham chính viện vì Ruffier đã nhận trước môt khoản kinh phí là 2/3 trong tổng số kinh phí để thực hiện công việc. Mãi đến năm 1914 vụ kiện này mới được giải quyết, Ruffier buộc phải hoàn lại toàn bộ số tiền đã lĩnh. Tòa nhà được khánh thành vào năm 1909 với sự tham dự của viên toàn quyền Ðông Dương nhân kỷ niệm 50 năm duy trì chánh quyền thực dân Pháp tại Sài Gòn (1859-1909).
Với một vóc dáng nhại theo kiểu lầu chuông đúc cao có nóc nhọn thường lấy ở vùng miền Bắc nước Pháp, về sau xây thêm lầu chuông ở hai bên, cách kiến trúc kỳ dị này đã có một thời là đề tài cho các ký giả ngoại quốc chê cưới là rườm rà, là ăn cắp kiểu thời kỳ Phục Hưng ở Ý, lai căng Pháp. Chính giữa mặt tiền là một kiểu trang trí đắp nổi có hình dáng một người phụ nữ mạnh khỏe tiêu biểu cho nước Pháp, một hình đứa bé đang chế ngự thú dữ, hai bức đắp nổi hai bên tiêu biểu cho nước Pháp cầm gương đi chinh phục thuộc địa. Phía trước dinh là một bãi cỏ rộng có ghế đá và bồn kèn-nơi ban nhạc của hải quân Pháp trình diễn cho công chúng xem. Pháp xem Nam Kỳ là thuộc địa của mình, và Sài Gòn là khu vực của người Pháp theo quy chế một xã ở bên Pháp với một viên xã trưởng. Ủy ban thị xã (đô thành) do một xã trưởng Tây đứng đầu, nên khi xây dinh này xong, người Sài Gòn gọi là dinh Xã Tây. Thời kỳ thuộc chính quyền Sài Gòn, một chức Ðô trưởng được đặt ra để trông coi thành phố Sài Gòn-chợ Lớn mà trụ sở đặt tại đây, nên dinh này được đổi tên là tòa Ðô Chính. Sau ngày giải phóng 30-4-1975 tòa nhà này được dùng làm trụ sở Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh,
Là một trong những trụ sở của chính quyền, tòa nhà này đã chứng kiến nhiều sự kiện, biến cố lịch sử. Trong cao trào đấu tranh của mặt trận Dân chủ 1936-1939, ngày 14-6-1937 đồng bào thất nghiệp ở Sài Gòn biểu tình trước dinh Xã Tây đòi công ăn việc làm. Năm 1942 phong trào sinh viên đã có tổ chức một cuộc triển lãm lịch sử dân tộc tại tòa Xã Tây để cổ súy lòng yêu nước của thanh niên thành phố.
Trong những ngày tổng khởi nghĩa và Cách mạng tháng Tám, không khí trước dinh Xã Tây cũng hết sức sôi động. Chập tối ngày 24-8-1945 tại bùng binh trước dinh Xã Tây, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã chỉ đạo một toán lính theo cách mạng dựng lên môt kỳ đài sơn đỏ cao 10m mang danh sách các vị trong Ủy ban Hành chính Lâm thời Nam Bộ. Sáng 25-8-1945 lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh tung bay trên dinh Xã Tây, đẩy lùi cả một thế kỷ nô lệ vào dĩ vãng. Quảng trường trước dinh cũng như đường Bonard (nay là đường Lê Lợi) thẳng đến chợ Bến Thành tràn ngập một rừng người, cờ hoa và biểu ngữ hoan hô ủy ban kháng chiến ra mắt đồng bào.
Nhưng không lâu, các khó khăn nghiêm trọng đã bắt đầu đe dọa chính quyền cách mạng còn non trẻ. Ngày 10-9-1945, Ủy ban đồng minh sung công dinh hành chánh của Ủy ban kháng chiến (Viện bảo tàng Cách Mạng ngày nay) và buộc Ủy ban Nam Bộ phải dời về dinh Ðốc Lý. Mặc dù Ủy ban kêu gọi đồng bào bình tĩnh, ngày nào đồng bào thành phố cũng kéo đến đông đảo tại bùng binh trước dinh Ðốc Lý theo dõi tình hình. Chỉ vài ngày sau, lệnh tản cư khỏi thành phố được ban hành. Thế rồi cuộc Nam Bộ kháng chiến xảy ra đêm 22 rạng 23-9-1945, dinh Ðốc Lý bị thực dân chiếm đóng. Nhiều cán bộ và đồng bào yêu nước bị Pháp bắt đem về đây tra tấn dã man.
Trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, dinh Ðốc Lý là một trong những địa điểm bị quân và dân Việt Nam tấn công. Ðặc biệt giữa lúc thực dân Pháp ráo riết cho một số người Việt mất gốc đưa ra thuyết phân kỳ đòi lập Nam Kỳ quốc, lúc 16 giờ 20 ngày 25-2-1946 một nhóm 70 người Pháp tiến bộ (thuộc Ðảng Xã hội Pháp và nhóm nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Sài Gòn) đã họp tại dinh Ðốc Lý, ra một quyết nghị đòi chính phủ Pháp phải thừa nhận nền độc lập của nước Việt Nam, thừa nhận chính phủ hiện thời của cụ Hồ Chí Minh do cuộc tổng tuyển cử bầu lên và đòi ngưng chiến tức khắc.
Năm 1950, khu vực trước dinh Xã Tây lại sôi động với nhiều cuộc đấu tranh mạnh mẽ của đồng bào thành phố: cuộc đấu tranh lịch sử ngày 9-1 rồi cuộc tổng bãi công bãi thị, tuần hành của nhân dân thành phố ngày 14-1-1950 trên các đường phố chính dẫn đến Bạch Ðằng rồi dồn lại trước dinh Xã Tây.
Trong những ngày toàn quốc chống Mỹ, ngày 19-3-1950, sau cuộc mít tinh lên án can thiệp Mỹ ở trường Tôn Thọ Tường, nửa triệu nhân dân thành phố đã tỏa đi chiếm lĩnh cả khu vực trung tâm thành phố từ chợ Bến Thành, dinh Ðốc Lý đến Bến Bạch Ðằng. Trước dinh Ðốc Lý, tên thiếu tá Perier hỗn xược từ trong xe thò tay ra giật cờ đỏ sao vàng của đoàn biểu tình, liền bị đồng bào chặn xe lại, đốt cháy và kết liễu đời hắn bằng những nhát giao găm phẫn nộ. Cũng trong năm này, nhiều cuộc biểu tình nhân ngày 1-5 được tổ chức trước dinh Ðốc Lý.
Trong thời gian chống Mỹ, nhiều cuộc đấu tranh của đồng bào các giới không ngừng nổ ra trước khu vực này. Liên tiếp trong những năm 1956, 1957, 1958 sau những cuộc họp liên tiếp ở từng chợ trong thành phố, hàng trăm đại biểu của chị em tiểu thương ở 50 chợ Sài Gòn-Gia Ðịnh đã họp đại hội rồi kéo đến tòa Ðô Chính đưa nhiều yêu sách dân sinh, dân chủ, chống thuế, đòi bỏ phạt, giải quyết vệ sinh ở các chợ. Ðầu năm 1963, Mỹ và chính quyền Sài Gòn gây ra những vụ đốt nhà để buộc đồng bào các khu Khánh Hội, Vĩnh Hội, Phú Thọ… vào những khu, khóm chiến lược. Hàng trăm chị em đã bồng bế con ra giữa đường vạch trần tội ác và cùng với hàng ngàn đồng bào kéo đi biểu tình, vượt qua hàng rào cảnh sát, tìm vào tòa Ðô Chính hô vang những khẩu hiệu đòi tống cổ đế quốc Mỹ về nước.

Nhận xét