Lạy Phật từ bi
Khi con dâng lời cầu xin cứu rỗi
Là đã biết mình nghìn lần có tội
Đem những cỏn con làm vướng bận dưới chân Người...
Hôm qua sau chầu cafe, mình xướng lên ý định đi chùa. Mọi người đồng ý, vậy là nhắm hướng Từ Hiếu trực chỉ!
Tuy chẳng xa xôi gì, đó cũng là con đường thường đi qua mỗi khi lên lăng
Tự Đức hay đồi Vọng Cảnh, và mình cũng không phải là người không thích
cảnh chùa chiền, vậy mà có đến mấy chục năm ròng rã mình mới lại ghé
thăm ngôi chùa nổi tiếng này: tổ đình Từ Hiếu.
Nguyên nhân thì có nhiều nhưng không tiện nói, chỉ biết là sau mấy chục
năm mới trở lại, kể từ hồi còn là cô bé học trung học đệ nhất cấp - tóc
dài - áo trắng, cùng bạn bè nhân giờ nghỉ đột xuất đã rủ nhau đi lang
thang bằng xe đạp, ghé Từ Hiếu, chụp ảnh lưu niệm... Tấm ảnh đó, cùng
với những tấm ảnh bạn bè chụp cho nhau ở chùa Thiên Mụ xa xưa, áo dài
trắng học trò, đứng chơ vơ trên tảng đá trước bến Thiên Mụ, tuy đã mất
từ lâu - trong chiếc cặp học trò được mình ôm khư khư - những kỷ vật của
một thời chớm mộng mơ - qua những chuyến di tản, trên một con tàu vượt
biển nào đó hồi 1975... Không hiểu sao mà vẫn khắc họa thật sâu trong
trí nhớ của mình hình ảnh chính mình được ghi lại trong tấm ảnh hồi đó:
tóc dài, vén qua một bên, tay níu giữ tà áo dài trắng đang vờn bay trong
ngọn gió nồm ngược nguồn sông Hương, ngang qua Thiên Mụ... Thầm tiếc:
giá như bây giờ vẫn còn giữ lại được, sẽ hạnh phúc biết bao nhiêu!
Cảnh cũ đã thay đổi nhiều - hay mình đã quên đi nhiều nét cũ nhỉ? Chỉ
chắc chắn một điều là ngôi chùa đã được trùng tu qua nhiều lần và xây
dựng mới khá nhiều trong một khuôn viên thật rộng của chùa nhưng vẫn giữ
được dáng dấp của một ngôi chùa cổ: nhiều bóng cây cổ thụ sum suê, sau
cổng Tam quan rêu phong cổ kính là mặt hồ bán nguyệt phản chiếu ánh mặt
trời ngày Hạ...
Từ bên ngoài nhìn vào:
Từ bên trong cửa tam quan:
Chiếc hồ bán nguyệt rộng án ngữ sau cổng tam quan, trước lối vào chùa - một "quy tắc" phong thủy cổ truyền của nhà vườn, chùa xứ Huế. Không thấy sen đâu nữa, chỉ toàn cá là cá, những chú cá tràu (cá lóc), cá trê, cá rophi to tướng, hiếm thấy ở ngoài...chợ!
Lối vào chùa nhỏ hẹp, hai bên là những tán cây cao. Một cây sứ cổ thế ngã soài được chống đỡ, giữ lại. Hoa sứ cũng có thể được xem là loài hoa hoài cổ được trồng khá phổ biến ở Hoàng thành, lăng tẩm các vua chúa, đền chùa của Huế...
Ngôi tổ đình đẹp trong nét kiến trúc cổ kính: mái chùa được trang trí hình "lưỡng long chầu nguyệt" vừa mềm mại, uốn lượn vừa mang dáng thâm nghiêm...
Sau buổi cầu nguyện, tụng niệm của các sư cho một số khách viếng chùa,
gian chính điện chỉ còn mấy vị khách tham quan đến từ phương Tây ngồi
trong một góc bên thì thầm chuyện trò, mình đã quỳ xuống trước tượng
Phật Thích ca, âm thầm khấn nguyện với trọn lòng thành... Vẫn như mấy
lâu nay: xin được tĩnh tâm, an lạc, cầu mong những con sóng dữ đừng lại
cuộn lên trong một góc hoang sơ rất riêng, tăm tối...
Lang thang trong vườn chùa, bước đến Thư pháp hiên... Ở đây, một vị sư
trẻ phụ trách việc bán hàng lưu niệm cho khách thăm chùa có nhu cầu:
những bức thư pháp, thơ thiền mang bút tích của sư ông Làng mai - kiêm
giải thích cho khách những câu thư pháp bằng tiếng ngoại quốc... Có lẽ
đây cũng là nét mới của chùa Từ Hiếu hồi sau này...
Khách tham quan ai cũng ghé vào đây, vài câu chuyện trò với vị sư trẻ
niềm nở, thân thiện và mua một vài món làm quà lưu niệm, mình cũng mua
hai chiếc vòng kết bằng các hạt đá , một mang màu xanh lục nhạt , một
màu trắng pha nâu thật nhạt... đươc mài sáng bóng và tất cả những viên
đá này đều xuất xứ từ Non Nước - Ngũ Hành Sơn - Quảng Nam.
Lang thang tiếp từ ngõ trước ra vườn sau, ngắm vườn chùa, cây cỏ, hoa lá...
Thêm vào mấy câu thư pháp cảm thấy hay hay trong số các câu thư pháp treo ở Thư pháp hiên:
Biết vậy, mong như vậy nhưng chưa chắc đã có mấy ai đạt được? Kể cả
mình... Nhiều lúc tâm muốn an mà lòng không tịnh, muốn từ bi hỉ xả mà cứ
thắt chặt, găm sâu; muốn nhìn vào niềm vui thì đầu cứ ngoảnh lại góc
buồn... Có lẽ vì thế gian muôn đời không thể không là bể khổ, thế nhân
cứ hết lặn lại ngụp trong bể sân si nên cảnh chùa muôn đời không thể
thiếu? Người ta mỗi lần bước đến chùa sẽ cảm nhận được từng chút một, kể
cũng đã là quý hóa lắm rồi?!
Nhận xét
Đăng nhận xét