Tỷ kheo nghĩa là gì ?

Tỳ kheo, còn được gọi là: Tỳ khâu, Tỳ khưu, Tỳ khiêu, tiếng Phạn là: Bhiksu, được phiên âm là: Bật sô, Bức sô, nghĩa là Khất sĩ.

Người xuất gia theo đạo Phật, thọ giới Cụ túc, nam thì gọi là Tỳ kheo, nữ thì gọi là Tỳ kheo ni.

Tỳ kheo, nghĩa là Khất sĩ, trên thì khất pháp (xin pháp) từ Đức Phật để luyện thân, dưới thì tới chỗ người thế tục để khất thực (xin ăn) để nuôi thân. Người hành khất ở thế gian chỉ xin cơm áo chớ chẳng xin pháp, nên chẳng gọi là Tỳ kheo.

Khi Đức Phật Thích Ca còn tại thế, tăng ni Phật giáo đều sống bằng khất thực hằng ngày.

Chế độ Khất sĩ hiện nay được duy trì ở các nước Phật giáo Nam Tông như: Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Miên, Việt Nam,... Mục đích của việc khất thực là tạo ra mối liên hệ thân thiết giữa tăng sĩ và dân chúng, tạo cơ hội cho tăng sĩ hướng dẫn dân chúng về mặt đạo đức và tâm linh, còn dân chúng thì có cơ hội cúng dường tăng sĩ, tạo được phước đức cho bản thân mình, hay kết duyên lành với việc tu hành.

"Y theo pháp, Tỳ kheo phải bỏ nhà cửa gia sản, đi du hóa trong nhơn gian, xin ăn nuôi thân, tùy nơi mà giáo hóa, độ kẻ có duyên phúc và độ người chưa tin, phải tin việc Phật Thánh và nhân quả. Đó là xin ăn để nuôi thân xác và luôn dịp độ người. Còn xin pháp để nuôi huệ mạng, nghĩa là cầu xin pháp Phật, nối liền cái trí huệ công đức thành tựu của Phật với tâm mình. Ấy là độ mình. Đủ hai điều kiện ấy gọi là Tỳ kheo.

Tỳ kheo phải trên 20 tuổi, trước phải làm Sa di. Hồi còn làm Sa di thì giữ Thập giới với oai nghi Sa di. Chừng thọ chức Tỳ kheo thì phải giữ đủ 250 giới.

Nhưng muốn làm Tỳ kheo phải có đủ những điều kiện nầy: Chẳng tật bịnh như: cùi, ung thư, ghẻ độc, suyển, điên. Phải là người thiệt, chớ chẳng phải yêu ma, thần, quỉ, hóa ra người. Phải có đủ tướng nam nhơn. Phải là người vô sự, không mắc nợ, không đương làm quan làm tướng, phải có cha mẹ thuận cho xuất gia, phải có bát và áo cà sa. Lại chẳng phải giả danh tu, chẳng còn theo ngoại đạo, chẳng có phạm những tội sát hại cha mẹ, La Hán, Phật, chẳng phạm dâm với Tỳ kheo ni.

Làm Tỳ kheo có thể trụ trì một ngôi chùa, làm chức Thủ tọa. Mỗi năm nên đi dự Trường hương (Nhập hạ), làm một vị trong Ban Thất Chứng (7 vị chứng) để truyền giới cho mấy vị Tỳ kheo mới.

Dự được 5 kỳ Trường hương thì được lên chức Giáo Thọ (thầy dạy đạo), kế Kiết Ma hay Yết Ma (thầy dạy Luật).

Dự được 10 kỳ Trường hương sắp lên thì đến khai Trường Kỳ, được lên chức Hòa Thượng."

"Trong Duy Ma Kinh có chú giải: Tỳ kheo là tiếng thiên trước, gồm đủ bốn nghĩa: 1. Tịnh khất thực. 2. Phá phiền não. 3. Tịnh trì giới. 4. Năng bố ma (có sức làm tà ma sợ sệt)."

Nhận xét