Hoang phế di tích mộ Thượng thư Nguyễn Xuân Thục

Thượng thư Nguyễn Xuân Thục là người có nhiều công trạng đối với vương triều Nguyễn và được các đời vua Gia Long, Minh Mạng tin dùng bởi tài năng, đức độ của ông. Hiện nay, di tích ngôi mộ của ông ở phường Ninh Đa, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.

Đại thần triều Nguyễn

Thượng thư Nguyễn Xuân Thục người làng An Tây, huyện Quảng Phước (nay là tổ dân phố Phước Đa, phường Ninh Đa, thị xã Ninh Hòa). Theo tài liệu của dòng họ còn lưu lại, ông sinh năm 1762 và mất năm 1827. Thông qua 23 bản chiếu chỉ của các đời vua Gia Long, Minh Mạng liên quan đến Thượng thư Nguyễn Xuân Thục mà dòng họ ông còn giữ được, cùng với sự đối chứng qua các tài liệu “Đại Nam liệt truyện”, “Đại Nam nhất thống chí”, có thể hình dung được phần nào công trạng to lớn của ông đối với vương triều Nguyễn trên nhiều phương diện khác nhau.

Dưới triều vua Gia Long, ông từng giữ chức Hữu Tham tri Bộ Hình, chuyên trông coi việc hình danh pháp luật, tra nghĩ dâng tấu, duyệt lại những tội án nặng, án ngờ... Sau đó, ông chuyển qua làm chức Hữu Tham tri Bộ Binh, coi việc thuyên bổ võ quan, giảng duyệt quân lính, sai khiến quân đi thú hoặc đi đánh dẹp, kén chọn binh đinh... Với những đóng góp của mình, ông được vua Gia Long phong tước Thục Thiện hầu. Điều này phần nào cho thấy sự tín nhiệm của triều đình cũng như trọng trách mà ông được giao. Sau khi vua Gia Long qua đời, vua Minh Mạng nối ngôi đã cho triệu ông về kinh thành Huế, giao cho ông làm Phó sứ Sơn Lăng lo việc xây cất lăng Thiên Thọ - nơi chôn cất vua Gia Long. Sự tin tưởng của vua Minh Mạng dành cho ông càng tăng khi giao ông đến thành Gia Định làm Hữu Tham tri Bộ Hộ, kiêm quản lý Bộ Công. Như vậy, từ các công việc đinh điền thuế má, tiền bạc chuyển thông, kho tàng, đến việc làm cung điện, dinh thự, xây thành, đào hào, tu tạo tàu bè... đều do một tay ông đảm nhận lo liệu. Với tài năng, đức độ của mình, ông đã được vua Minh Mạng phong chức Thượng thư Bộ Binh vào ngày 28-4-1825 và sau đó chuyển qua làm Thượng thư Bộ Lễ vào ngày 17-6-1825.

1
Hiện trạng di tích mộ Thượng thư Nguyễn Xuân Thục.

Trong suốt thời gian phụng sự triều Nguyễn, Thượng thư Nguyễn Xuân Thục còn nhiều lần được giao làm Đề điệu Trường thi, đó là các kỳ thi Hương tại Trường thi Gia Định vào năm 1821, kỳ thi Hương tại Trường thi Thừa Thiên năm 1825. Năm 1826, ông được giao làm Chánh chủ khảo kỳ thi Hội và ông đã không phụ sự ủy thác khi tuyển chọn được nhiều nhân tài cho đất nước. Năm 1827, do sức khỏe giảm sút, ông xin về quê và mất tại đây.

Di tích xuống cấp nghiêm trọng

Ông Nguyễn Hổ (70 tuổi), hậu duệ đời thứ 7 của Thượng thư Nguyễn Xuân Thục, đang nhận phần chăm lo hương khói cho mộ cụ Thượng thư. Dẫn chúng tôi đến khu mộ của cụ Thượng thư nằm xen lẫn trong khuôn viên nhà ở của người dân, ông Hổ không giấu nổi sự áy náy của mình: “Mộ của cụ từ lâu đã bị xuống cấp, xói lở và có nguy cơ lún sụt. Chúng tôi không khỏi băn khoăn khi để phần mộ của cụ hoang phế như thế này”.

1
 

Mộ Thượng thư Nguyễn Xuân Thục có diện tích khoảng hơn 50m2, có thiết kế thành bao xung quanh với nhiều nét hoa văn, họa tiết đặc trưng thời Nguyễn, chính giữa có ngôi mộ mang dáng dấp hình con voi quỳ. Năm 2008, di tích mộ cụ Thượng thư Nguyễn Xuân Thục được xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh. Tuy nhiên, hiện di tích này đang bị xuống cấp nghiêm trọng, những bức tường đá bị xói lở, đứt gãy, các hoa văn, họa tiết bong tróc không còn nguyên vẹn, phần chân mộ có dấu hiệu sụt lún... Ngoài di tích ngôi mộ, hiện hậu duệ của Thượng thư Nguyễn Xuân Thục còn giữ được 23 chiếu chỉ, sắc phong của các đời vua Gia Long, Minh Mạng có giá trị lịch sử to lớn.

Theo ông Cao Khánh Toàn - Phó Chủ tịch UBND phường Ninh Đa, địa phương đã nhiều lần làm tờ trình gửi Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề nghị cấp kinh phí để trùng tu, tôn tạo nhưng chưa được giải quyết nên đến nay, địa phương vẫn chưa có kế hoạch gì liên quan đến di tích trên. Về vấn đề trùng tu di tích Thượng thư Nguyễn Xuân Thục, bà Ngô Mỵ Châu - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh cho biết: “Chúng tôi đã vận chuyển các cột mốc để ra cắm mốc di tích cần bảo vệ đối với di tích Thượng thư Nguyễn Xuân Thục. Chúng tôi đang liên hệ với những đơn vị chuyên trùng tu, tôn tạo các lăng, mộ được xây dựng vào thời nhà Nguyễn để tiến hành lập phương án trùng tu tối ưu. Đây là di tích đã được xếp hạng, vì vậy mọi việc liên quan đều phải thực hiện thận trọng, tránh làm ảnh hưởng đến kiến trúc, thiết kế, giá trị thẩm mỹ của di tích”.

Nhận xét