Kiến Trúc Việt - Ao làng, giếng nước, gốc đa...


Quê tôi cũng vậy, như bao miền quê khác ở Miền Bắc nước ta: cả làng dùng chung một cái giếng bên gốc đa cổ thụ xoè bóng mát. Còn cái ao làng vừa to lại vừa trong là nơi sinh hoạt cộng đồng đông đúc: ở đó có những cô thôn nữ giặt giũ, những đứa trẻ nô đùa bên làn nước …và ao làng bao giờ cũng gần giếng. Khung cảnh nhộn nhịp và yên bình ấy có lẽ chẳng ai quyên được. Từ nhỏ mỗi khi mẹ ra giếng gánh nước thế nào tôi cũng tìm đủ mọi cách để được đi theo. Tuy chẳng giúp được mẹ việc gì nhưng chính sự có mặt của tôi lại làm không khí thêm phần náo động…bởi hết tắm ao tôi lại chèo lên cây đa bắt tổ chim. Ao làng tôi nước trong và sâu lắm, thỉnh thoảng người ta hay tát ao bắt cá rồi thay nước chứ không như những cái ao tù khác. Còn giếng làng là loại giếng khơi, thành và nền giếng được lát bằng lớp đá ong rất sạch sẽ…bên giếng nước là cây đa. Qua thời gian cây đa trở thành cây cổ thụ buông bóng mát xuống cả một góc ao và bao chùm lên cái giếng. Ao làng - giếng nước – và gốc đa là ba không gian không thể thiếu đối với làng tôi. Có lẽ nó đã tạo thành một bản sắc tổng thể đặc trưng. Đặc trưng đến nỗi một vài ngày không được ra nơi ấy người làng cảm thấy như thiếu đi một thứ gì đó.

Giếng đá cổ nhất Việt Nam mới được phát hiện




Phạm Duy Trưởng
Trong dịp tết nguyên đán Quý Tỵ vừa rồi tôi về quê ăn tết, khi sang thăm nhà người anh họ làm nghề hát Văn, lúc đó chương trình truyền hình đang nói về những chiếc giếng. Người anh họ liền kể cho tôi nghe về một chiếc giếng đá mà anh đã thấy ở một ngôi chùa khi anh đến hát Văn. Qua lời miêu tả của anh làm tôi rất ấn tượng, tôi liền nhờ anh dẫn đến tận nơi. 
Đây rồi một chiếc giếng đá. Cổ giếng là năm khối đá được bàn tay khéo léo của những người thợ xưa ghép vào nhau, phía dưới phình to ra, phía trên thu nhỏ lại rồi dựng đứng lên thành miệng giếng như hình chiếc chum, đường khính miệng giếng khoảng 0,8m. Phía trong thành giếng được ghép lại bằng nhiều chiếc cối đá thủng, chiều sâu của giếng khoảng 5m. Đặc biệt, căn cứ vào các vết tích người xưa khi dùng dây kéo nước, trên thành miệng giếng hiện còn để lại rất nhiều những rãnh đá mòn lõm sâu, có những rãnh có thể đặt vừa cả bàn tay.

Giếng đá này nằm trong khuôn viên chùa Hồng, thuộc xã Nam Dương, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Khi tôi đến là ngày mồng 7 tháng giêng, mọi người đang chuẩn bị cho lễ hội chùa Hồng vào ngày mồng 10. Theo những người trong ban lễ hội. Chùa Hồng được xây dựng vào thời vua Lê Hoàn, hiện còn 5 bia đá và nhiều tài liệu vẫn lưu giữ được. Theo các tài liệu này, chùa Hồng thờ đức thánh Tu, tên thật là Bùi Huệ Tộ. Từ xưa dân gian trong vùng vẫn lưu truyền câu: "Nhất Bi (chùa Bi - chợ Chùa) nhì Hồng (chùa Hồng) tam Như (chùa Như) tứ Cổ (chùa Cổ Lễ)". Tuy cách thị chấn chợ Chùa – Nam Giang chỉ khoảng trên 3km nhưng đường giao thông lại không thuận tiện, nên ít người biết đến ngôi chùa này. Có lẽ cũng chính vì thế mà ngôi chùa vẫn còn lưu giữ lại được những kiến trúc cổ.

Thời gian vừa qua, giới khảo cổ học đã phát hiện được nhiều giếng nước cổ. Trong Hoàng thành Thăng Long người ta tìm thấy giếng thời Trần và cả giếng nước từ thời Đại La. Trong di tích thành nhà Hồ cũng mới phát hiện được một giếng cổ. Nhưng tất cả những giếng nước đó chỉ là những di tích hoặc không còn nguyên vẹn, không còn được sử dụng nữa.

Trong bộ sách Những kỷ lục Việt Nam do Công ty Cổ phần Sách Niên giám Việt Nam (VIETBOOKS) và NXB Thông Tấn thực hiện đã ghi nhận: Giếng đá cổ nhất Việt Nam hiện nằm trong khuôn viên chùa Phúc Lâm, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội. Giếng đá này đã trên 600 năm tuổi và được các nhà khảo cổ học đánh giá là giếng đá cổ nhất Việt Nam còn nguyên vẹn và vẫn có thể sử dụng được. Ở Việt Nam chúng ta mới biết có hai chiếc giếng đá kiểu này, một chiếc nữa ở chùa Báo Thiên đã được khai quật lên hiện đang đặt trước hang đá bên trong khuôn viên nhà thờ Chính tòa Hà Nội.

Bước đầu so sánh giếng đá chùa Hồng với hai giếng đá cổ trên ta thấy:
- Chùa Hồng được kiến tạo dưới thời vua Lê Hoàn (980-1005), chùa Báo Thiên xây dựng năm 1057, chùa Phúc Lâm xây dựng năm 1224
- Giếng đá chùa Hồng có hình thức đơn giản, thực dụng, được ghép lại từ năm phiến đá. Giếng đá cổ chùa Phúc Lâm được tạo dáng, giếng đá cổ chùa Báo Thiên có các hoa văn tinh xảo. Điều này cho thấy giếng đá chùa Hồng có thể được kiến tạo trước.

Các nhà nghiên cứu dựa vào các vết tích người xưa để lại khi dùng dây kéo nước làm mòn miệng giếng thành những rãnh có thể đặt vừa cả ngón tay để đánh giá giếng đá chùa Phúc Lâm là giếng đá cổ nhất Việt Nam. Nếu theo tiêu chí này, trên thành miệng giếng đá chùa Hồng hiện còn để lại rất nhiều những rãnh đá mòn lõm sâu, có những rãnh có thể đặt vừa cả bàn tay.

Những điều đó đều nói lên giếng đá chùa Hồng là một giếng đá rất cổ, còn cổ hơn cả giếng đá chùa Phúc Lâm hiện đang giữ kỷ lục là chiếc giếng đá cổ nhất Việt Nam hiện nay.

Giếng nước có phổ biến khắp nơi trên thế giới, ở Việt Nam hầu như làng nào cũng có giếng, giếng làng, giếng đình, giếng chùa, giếng gia đình. Trong thời đại của khoa học công nghệ, nước máy đã về khắp mọi làng quê, nơi nào không có nước máy thì cũng có giếng khoan. Vậy nên giếng khơi, nét đẹp của làng quê xưa, không còn được sử dụng phổ biến để lấy nước sinh hoạt như trước nữa. Dù thời thế có đổi thay nhưng cây đa – giếng nước – sân đình, những nét điển hình của làng quê bắc bộ, vẫn được giữ gìn như một biểu tượng về văn hóa, lịch sử truyền thống. Trong quan niệm của người Việt, giếng nước không chỉ đơn thuần là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt. Trong tâm linh giếng được xem như một linh vật có thần bảo hộ, giếng càng lâu đời càng được cho là linh ứng.

Giếng đá chùa Hồng hiện vẫn còn nguyên nét cổ và vẫn đang được sử dụng lấy nước sinh hoạt. Biết bao biến động lịch sử nhưng vẫn tồn tại, thật kỳ diệu! Nó xứng đáng được vinh danh là giếng đá Việt Nam cổ nhất, còn hoàn chỉnh và vẫn đang được sử dụng. Rất mong các cơ quan có thẩm quyền về văn hóa tư tưởng, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật… cùng hợp tác quan tâm. Công nhận đây là một cổ vật thuộc hàng quốc bảo của nước ta cần được bảo tồn.

























Làng Nôm, vẻ đẹp xưa ở Hưng Yên

Cổng làng Ninh Hiệp

Gate of Da Hoi village (Tu Son Town)



Cổng Làng Vạn Phúc mới









































Nhận xét