NÉT ĐẸP CỦA KIẾN TRÚC NHÀ VƯỜN HUẾ LÀ GÌ ?


Huế là một thành phố vườn, cả thành phố là một công trình kiến trúc vĩ đại, ở đâu cũng thấy một màu xanh mát dịu của sông hồ, đồi núi, cây cỏ. Khi xây dựng cố đô Huế vào đầu thế kỷ XIX, các nhà kiến trúc cổ đã dùng núi Ngự Bình làm tấm bình phong để che chắn những gì sâu xa không xâm nhập vào ngôi nhà của mình là Kinh Thành và Đại Nội.
Sông Hương trở thành một cái hồ phẳng lặng để soi bóng các công trình kiến trúc nghệ thuật ở đôi bờ. Thuật phong thủy gọi đó là "minh đường", một bộ phận phải có ở trước mặt các công trình kiến trúc. Trên sông lại nổi lên hai hòn đảo nhỏ, là Cồn Hến và Cồn Dã Viên, được dùng làm "Tả Thanh Long và Hữu Bạch Hổ", chầu về ở giữa đảo để bảo vệ Cố đô. Khu vườn cố đô rộng lớn ấy được quy hoạch và xây dựng với những đường nét đối xứng rõ rệt.

Người Huế rất quan tâm đến sự thưa thoáng của không gian kiến trúc, họ đã chế ngự không gian kiến trúc của thành phố Huế vào trong các khu vườn của mình với một bố cục tương tự. Trải qua bao năm tháng, thời gian vẫn không làm phai mờ vẻ đẹp văn hóa-nghệ thuật, kết tinh thành vẻ đẹp văn hóa kiến trúc đặc trưng trên mỗi di tích nhà vườn. Nhìn chung, hầu hết kiến trúc nhà vườn Huế đều xây dựng theo quy luật “dịch lý” và “phong thủy” bao gồm: Cổng, ngõ, bình phong, hòn non bộ, bể cạn, sân, nhà. Cổng thông thường được xây bằng gạch, lối vào được trồng những hàng râm bụt hoặc chè tàu ngày ngày cắt xén cẩn thận dẫn vào bức bình phong, sau bình phong là bể cạn, hòn non bộ, hồ trồng sen, hoa súng và nuôi cá cảnh…
Trong khu nhà vườn ấy, không thể không nói tới ngôi nhà rường. Nhà rường thường được làm bằng gỗ, chúng được cầu kỳ hóa bằng nhiều nét văn hoa chạm trổ, trong liên kết của kết cấu nhà, thay cho đóng đinh là kỹ thuật mộng tinh xảo. Nhà rường có nhiều dạng: một gian hai chái, ba gian hai chái, năm gian hai chái, nhà rường lầu… rường là cách nói ngắn gọn của rường cột, nhà có hệ thống cột kèo gỗ được dựng lên theo những quy cách nhất định.
Dù lớn đến đâu, nhà rường cũng được kết cấu hoàn toàn bằng chốt, mộng gỗ để có thể lắp ráp và tháo dỡ dễ dàng.
Trong nhà bày sập gụ, tủ chè, treo hoành phi, câu đối, đồ đạc được bài trí hài hòa hợp lý, tạo cho nhà rường cái thần thái riêng biệt.
Khách ghé thăm chơi phải đi qua một cổng ngõ được thiết kế theo ý đồ gia chủ, băng qua một cái sân rộng lát gạch rồi mới đến mái hiên nhà. Xung quanh nhà trồng rất nhiều cây ăn trái quanh năm tươi tốt quả chín bốn mùa. Ngoài ra, những loại cây lâu năm này không thiên hẳn về mục đích kinh tế mà còn cho bóng mát nhằm bảo tồn phong cách sống gần gũi với môi trường thiên nhiên.
Nhìn cảnh quan một nhà vườn Huế, người ta dễ dàng nhận ra được tâm hồn và phong cách sống của chủ nhân. Nhà vườn Huế thể hiện sự hòa hợp giữa đời sống con người và cây cỏ, giữa nếp sống tinh thần và vật chất, tất cả đều bổ sung cho nhau tạo nên sự cân bằng trong cuộc sống.
Do vậy, nhà nghiên cứu Phan Thuận An nhận xétNhà vườn Huế là môi trường thích hợp nhất để bảo tồn thuần phong mỹ tục của dân tộc ta, đặc biệt là đạo lý truyền thống của gia đình. Không gian văn hóa nhà vườn Huế bảo lưu được những giá trị văn hóa vật thể và cả phi vật thể của từng gia đình và cộng đồng.
Lê Tấn Trung (tổng hợp)

Nhận xét