Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương

Sự thành lập trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương tại Hà Nội vào năm 1925 có những ảnh hưởng lớn vào trong đời sống văn hóa Việt Nam vì một số lý do sau. Trước hết trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương là ngôi trường mỹ thuật đầu tiên; nó trở thành nơi mà tài năng có thể được khám phá, đào tạo và nung đúc. Kế tiếp nhà trường này mang lại một cung cách mới dể diễn đạt trong mỹ thuật, nhất là ở một quốc gia mà hội hoạ trước đó không phải là một ngành nghệ thuật phát triển. Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương thành lập ra một truyền thống mới trong mỹ thuật, đó là một nền thẩm mỹ mới. Cuối cùng, không kém phần quan trọng, sự thành lập của trường, cùng với sự phát triển của chữ quốc ngữ, thể hiện sự khao khát canh tân của xã hội.
Vào thập niên 1920, người Pháp đã xây dựng khá hoàn chỉnh nền hành chính của họ trên đất Việt Nam. Những cuộc khởi nghĩa bị thất bại, các phong trào chống thực dân lúc bấy giờ chuyển hướng sang những hoạt động văn hoá, thí dụ như Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục. Những phong trào này đưa người Việt từ chỗ hoàn toàn chống đối và từ bỏ phương Tây, sang một cái nhìn mới: đó là, muốn xoá bỏ sự đô hộ của người Pháp, người Việt Nam phải hiểu nền văn minh phương Tây và phải đối phó được vơi nó. Trong bối cảnh đó, vào thập niên 1920, người Việt Nam đón nhận các trường học của Pháp như là một yếu tố cần thiết cho sự canh tân đất nước.
Victor Tardieu ( 1870-1937), hiệu trưởng đầu tiên của trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương, đã xây dựng chương trình học của trường trên khuôn mẫu của L’Ecole des Beaux Arts tại Paris, và mang theo ảnh hưởng của chủ nghĩa Ấn Tượng Pháp vào Việt Nam với một lòng nhiệt thành đối với nghề nghiệp và với sinh viên. Người đồng sáng lập với Victor Tardieu là hoạ sĩ Nam Sơn, tên thật Nguyễn Văn Thọ (1890-1973), được gửi sang Paris để học mỹ thuật một năm trước khi về lại Việt Nam giảng dạy tại trường. Trong thời gian ở Paris, Nam Sơn chắc đã tận mắt cảm nhận hội hoạ Ấn Tượng Pháp. Năm 2002 có một cuộc tranh luận tại Hà Nội trên báo chí về việc khôi phục vai trò của Nam Sơn trong việc hình thành trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương. Điều chắc chắn là sự hợp tác chặt chẽ giữa một người Pháp và một người bản xứ dựa trên tinh thần yêu chuộng nghệ thuật rất cần thiết cho việc hình thành một ngôi trường mà mục đích xem ra chỉ có lợi cho người bản xứ mà thôi.

Ngoài tác phẩm sơn dầu đầu tiên được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ Thuật Hà Nội do hoạ sĩ Lê Văn Miến (18...-19…), sơn dầu được chính thức giới thiệu vào Việt Nam qua trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương vào 1925. Tô Ngọc Vân (1906-1954) được nhiều sử gia mỹ thuật xem như là bậc thầy trong việc xử lý chất liệu mới này. "Thiếu nữ bên hoa huệ" (1943) trình bày vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam trong thời đại bấy giờ, một phụ nữ thành thị trong chiếc áo dài. Cô ngồi tựa lưng vào ghế, đầu nghiêng nghiêng e lệ, vừa thướt tha, vừa gợi cảm.
Trong giai đoạn 1930-40, văn chương và mỹ thuật có mối liên hệ với nhau. Rất nhiều hoạ sĩ đồng thời cũng là nhà văn, nhà soạn nhạc và nhà thơ. Phong trào thơ mới cổ xuý cho chủ nghĩa Lãng Mạn trong văn chương được tầng lớp thị dân đón tiếp nồng nhiệt đã ảnh hưởng đến mỹ thuật. Những đề tài lãng mạn được thể hiện trong tranh rất nhiều. Nhóm Tự Lực Văn Đoàn và những tác phẩm do nhóm này xuất bản đã có tác động rất lớn trong việc thay đổi tư tưởng và văn hoá của Việt Nam, chẳng hạn như việc giải thoát cá nhân ra khỏi không khí ngột ngạt của những lễ giáo và nghĩa vụ phong kiến. Chính trong bối cảnh xã hội và thẩm mỹ như thế các họa sĩ Việt Nam đã bắt đầu bước vào cuộc chơi.
 Các cựu sinh viên xuất sắc nhất của trường Mỹ Thuật Đông Dương :
 
Nguyễn Gia Trí (1908-1993)

 
Trần Văn Cẩn (1910-1994)

 
Nguyễn Phan Chánh (1892-1984)

 
 Nguyễn Đỗ Cung (1912-1977)

 

 
Nguyễn Tư Nghiêm (1922 - )

 

Ecole Superieure des Beaux-Arts de L'Indochine (1929)
 

Ecole Superieure des Beaux-Arts de L'Indochine (Indocina Fine Arts College), 1929-Ảnh tư liệu của gia đình họa sĩ Bùi Xuân Phái














Nhận xét