10 thắng cảnh lịch sử – tôn giáo nổi tiếng nhất thế giới

1 – Nhà thờ Hồi giáo Mezquita, Cordoba, Tây Ban Nha
Đây là một trong ba nhà thờ Hồi giáo cổ xưa nhất Trái Đất. Được xây vào thế kỷ 8-10, đầu tiên làm nhà thờ Hồi giáo Moorish trên nền một đền thờ La Mã, sau đó trở thành một nhà thờ Visigothic. Đây là nhà thờ Hồi giáo lớn nhất và đẹp nhất châu Âu trước khi được chuyển thành nhà thờ Thiên chúa giáo năm 1236.
Nhà thờ có phong cách của Hồi Giáo Tây Ban Nha – Bồ Đào Nha với những mái vòm cột của thời Hispano-Flemish, đỉnh vòm của thời Phục Hưng, những chi tiết Ba rốc và nét đẹp của thời Cơ đốc giáo thế kỉ 16 – 17. Người ta nói rằng có hơn 1000 cột thạch anh, mã não, cẩm thạch và granit. Những cột đá này làm từ vật liệu của nhà thờ La Mã được xây trước đó cũng như những tòa nhà La Mã bị phá.
Khi vua Carlos V cho phép xây dựng nhà thờ thời Phục Hưng bên cạnh Mezquita mà không phá hủy nó, ông đã nói một câu nói bất hủ: “You have built what you or others might have built anywhere, but you have destroyed something unique in the world”.
Image
2 – Cung điện Taj Mahal, Agra, Ấn Độ
Bắt đầu được khởi công xây dựng từ năm 1632 dưới triều đại của Shah Jahan và hoàn thành năm 1648.
Shah Jahan là vị vua thứ 5 của vương triều Mughal, một vương triều Hồi giáo gốc Thổ, được thiết lập ở Ấn Độ từ năm 1526. Vua Shah Janhan có ba vợ. Hai vợ đầu không có con và người vợ thứ ba Mumtaz Mahal được ông yêu thương nhất. Hai người chung sống với nhau 19 năm có tới 14 người con. Không chỉ có sắc đẹp khuynh thành, bà còn là người cố vấn cho đức vua những chuyện quan trọng của triều đình. Họ không rời nhau nửa bước, khi bụng mang dạ chửa, bà vẫn cùng chồng đi chinh chiến. Năm 1631, mới 39 tuổi, sau khi sinh hạ được cô công chúa, bà mất vì kiệt sức. Quá xót thương người vợ yêu bạc mệnh, đức vua đã cho xây dựng ngôi đền Taj Mahal – có nghĩa là Cung điện Vương miện để tưởng nhớ nàng.
Taj Mahal được xây dựng trên một khu đất rộng hình chữ nhật (dài 580m, rộng 304m). Kiến trúc chính của khu lăng là một tòa lâu đài hình bát giác, xây dựng trên nền cao, bằng đá cẩm thạch trắng và sa thạch đỏ. Mái nền là một vòm tròn bằng cẩm thạch trắng muốt, sừng sững, đồ sợ giữa vòm trời xanh nhưng vẫn phơi ra những đường nét thanh thoát ngoạn mục tràn vào trong tâm hồn người xem một cảm giác hư ảo như đang đứng trước một quả đào khổng lồ mà con người dâng tặng cho trời. Tất cả cao chỉ khoảng 75m, vậy mà hơn 20.000 người phải làm việc cật lực trong suốt 22 năm.
Image
3 – Quảng trường Rynek Glowny, Krakow, Ba Lan
Đây là quảng trường rộng nhất thời trung cổ ở châu Âu với diện tích 200 x 200m, được mở ra vào năm 1257.
Giữa quảng trường là tòa nhà Cloth Hall (sảnh quần áo và vải vóc) đồ sộ dài 108m, được xây vào thế kỷ thứ 13, một thời gian ngắn sau khi quảng trường được mở. Thuở xưa đây là nơi buôn bán vải vóc quần áo và các mặt hàng thiết yếu, hiện nay vẫn là nơi buôn bán sầm uất, có khác với xưa là mặt hàng bây giờ đa phần phục vụ khách du lịch. Tầng hai của tòa nhà này hiện được sử dụng làm nơi trưng bày triển lãm.
Xung quanh quảng trường là hai nhà thờ Mary và St.Adalbert, được xây dựng từ trước khi có quảng trường này. Tòa thị chính và hàng loạt các ngôi nhà màu sắc thật tươi tắn đều có tuổi đời 5, 6 trăm năm.
Nhà thờ Mary bên ngoài mang kiến trúc gothic hoành tráng với tháp đôi cao hơn 80m. Đặc sắc nhất trong nhà thờ này có lẽ là bàn thờ chính được tạo nên bởi bàn tay tài hoa của Veit Stoß (Wit Stwosz), một người Đức đến từ thành phố Nürnberg. Bàn thờ rộng 11m, cao 13m được làm từ gỗ bồ đề là bàn thờ lớn nhất châu Âu thời trung cổ, được Veit Stoß kỳ công gọt đẽo trong suốt 12 năm với tất cả gần 200 nhân vật lớn nhỏ (từ 3cm đến 2,7m). Phần chính của bàn thờ này mô tả Đức mẹ Maria lên trời, hai bên cánh mô tả lại những cảnh tượng trong kinh Tân ước.
Image
4 – Angkor Wat, Siem Reap, Cambodia
Angkor Wat còn có tên cổ tiếng Việt là đền Đế Thiên. Theo tiếng Khmer “Angkor” có nghĩa là kinh đô, “Wat” có nghĩa là đền thờ hay chùa.
Nằm cách thủ đô Phnompenh 320 km về phía Bắc, được xây dựng dưới thời vua Suryavarman II vào thế kỷ 12, Angkor Wat mới đầu để thờ thần Visnu, một trong ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo. Về sau, khi vương triều Khmer theo Phật giáo, Angkor Wat trở thành đền thờ Phật. Sau khi kinh đô của đế quốc Khmer bị người Xiêm phá hủy và các nhà vua Khmer bỏ về Phnom Penh trong thế kỉ 15, Angkor Wat rơi vào quên lãng, bị rừng già vây phủ và được khám phá lại vào năm 1860 bởi Herri Mouhot.
Công trình được xây dựng hoàn toàn bằng đá sa thạch và đá ong, không một chất kết dính, không bê tông cốt sắt. Tổng thể công trình cao 65 m, được chia thành 3 tầng mà theo quan niệm của người xưa, tượng trưng cho địa ngục, trần gian và thiên đàng.
Image
5 – Di sản thế giới Petra, Wadi Musa, Jordan
“Thành phố hoa hồng” Petra là một địa điểm nổi tiếng với giới khảo cổ học và kiến trúc điêu khắc. Ở phía Tây Nam Jordan, nằm trên sườn núi Hor, trong một lòng chảo nằm giữa những ngọn núi tạo nên sườn phía Đông của Arabah (Wadi Araba), một thung lũng lớn chạy từ Biển Chết đến Vịnh Aqaba.
Thế kỷ 6 trước công nguyên, bộ lạc du mục Nabateans khống chế khu vực kéo dài giữa Aqabah và Biển Chết, ở miền đông sông Arabegan. Do khống chế đường thông mậu dịch quan trọng, người Nabateans trở nên lớn mạnh, giàu có, trong đó Petra là di sản của họ. Quần thể bia mộ ở đây từng được người dân coi là nhà cửa, nhưng giờ thì họ đã nhận thức được là những phần mộ. Những ngôi mộ này được đục trong nham thạch, cao hơn mặt nước biển gần 1.000 m.
Petra được phát hiện vào năm 1812 bởi một khách du lịch Thụy Sĩ, Johann Ludwig Burckhardt, và được tuyên bố là Di sản thế giới vào năm 1985. Trong tiếng Hy Lạp, “Petra” có nghĩa là “nham thạch” (đá núi).
Thành cổ Petra nằm cách ly hẳn với thế giới bên ngoài; được khoét sâu vào đá, xung quanh là các vách đá cheo leo bao bọc. Trong đó có một nhà hát lộ thiên kiểu La Mã có thể chứa hơn 2 nghìn người xem. Con đường đến nhà hát rất thú vị, dẫn qua khe núi Siq hẹp, có chỗ chỉ rộng 2 m. Hai vách núi dựng đứng cao từ 80 – 100 m, do đó bầu trời phía trên nhiều lúc chỉ còn là một dải hẹp màu xanh. Đặc biệt, công trình có giá trị nhất ở Petra là Al Khazneh (có nghĩa là “kho báu”), tạc dựng ngay vào sườn núi. Công trình này vẫn còn khá bí ẩn. Tên của nó bắt nguồn từ niềm tin của hải tặc thời bấy giờ về việc giấu kho báu cổ xưa trong những tholos – những chum đá lớn.
Image
6 – Thánh đường Hồi giáo Sheikh Zayed, Abu Dhabi, UAE
Thánh đường Hồi giáo Sheikh Zayed Grand ở Abu Dhabi là một trong những nhà thờ hiện đại đẹp nhất Trung Đông. Ý tưởng cho việc xây dựng thánh đường này đến từ ông Sheikh Zayed bin Sultan Al Nahyan – cố tổng thống Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất – với mong muốn sẽ đoàn kết cả đất nước và thế giới Hồi giáo.
Ngoài đá cẩm thạch từ 28 quốc gia, thánh đường được xây chủ yếu từ vàng, các loại đá quý và gốm sứ, được bao quanh bởi hồ bơi tuyệt đẹp. Thánh đường có thể chứa tới 40.000 người cầu nguyện cùng lúc. Người ta đã phải dùng 3,000 thợ thuộc 38 nhà thầu danh tiếng để xây cất Thánh đường này. Dưới chân là tấm thảm lớn nhất thế giới, do 1.200 thợ dệt lão luyện nhất Ba Tư thực hiện. Trên đầu là chiếc đèn chùm pha lê 7 ngọn lấp lánh của hãng Swarowski.
Kiến trúc của Thánh đường Hồi giáo Sheikh Zayed Grand Mosque là sự phối hợp hài hòa giữa 3 khuynh hướng Hồi Giáo Ả Rập, Morocco, và Pakistan. Cách sắp xếp các mái vòm  và phòng ốc bên trong chịu ảnh hưởng của Thánh đường Badshahi ở Pakistan. Các lối đi có mái vòm rất giống Thánh đường Hassan II ở Morocco. Các tháp Minaret ở đây giống các tháp ở các Thánh đường Hồi giáo Ả Rập.
Image
7 – Vạn Lý Trường Thành, Bắc Kinh, Trung Quốc
Năm 221 TCN, Tần Thủy Hoàng, sau khi thống nhất Trung Quốc, đã cho nối liền và đắp lại ba đoạn thành cũ của các nước Tần, Triệu, Yên, hình thành một tấm lá chắn dài hơn 5000 km ở biên giới phía bắc, trở thành tuyến phòng ngự tiền tiêu, chống lại những cuộc tập kích bất ngờ của những đoàn kỵ binh du mục đến từ thảo nguyên Mông Cổ. Bức tường thành được làm bằng đất nện với những tháp canh được xây ở khoảng cách đều nhau.
Vạn Lý Trường Thành hiện nay là kết quả của quá trình xây dựng dưới triều Minh, phía đông bắt đầu từ Áp Lục Giang, phía tây đến Gia Dụ Quan, chạy qua 8 tỉnh, thành phố và khu tự trị là Hà Bắc, Thiên Tân, Bắc Kinh, Nội Mông Cổ, Sơn Tây, Thiểm Tây, Ninh Hạ, Cam Túc, với độ dài hơn 7.300 km. Bức thành này được xây dựng trong quãng thời gian hơn 200 năm, với tầm vóc to lớn hơn và bằng vật liệu kiên cố hơn các thời kỳ trước.
Vạn Lý Trường Thành dài 21.196 km. Chiều cao trung bình tường thành là 7m so với mặt đất, mặt trên của trường thành rộng trung bình 5-6m.
Điểm nhấn trên hàng ngàn dặm của Trường Thành chính là các cửa ải. Đó là những nơi tập trung đông quân canh gác vì là cửa ngõ để ra vào vùng đất được bảo vệ. 3 cửa ải quen thuộc nhất là:
Sơn Hải Quan là cửa ải đầu tiên ở phía đông, vẫn còn trong tình trạng tốt. Nơi đây gắn với sự kiện người Mãn Châu vượt Trường Thành vào Trung Quốc, đánh dấu sự sụp đổ của nhà Minh cũng như vai trò quân sự của Vạn Lý Trường Thành. Tường thành tại pháo đài Sơn Hải Quan cao 14m và dày 7m.
Nhạn Môn Quan là cửa ải rất nổi tiếng trong truyện kiếm hiệp vì thường được xem là nơi phân chia ranh giới giữa Trung Quốc và đại mạc Mông Cổ. Nhân vật Kiều Phong trong truyện “Thiên Long bát bộ” của Kim Dung đã tự sát tại đây và được xem là biểu tượng của sự bi tráng. Cái tên Nhạn Môn Quan xuất phát từ địa thế hiểm yếu khiến ngay cả bầy chim nhạn cũng phải bay men theo vách núi mới qua được ải.
Gia Dụ Quan nằm ở điểm cực Tây của Vạn Lý Trường Thành ngày nay và cũng đánh dấu nơi bắt đầu của Con đường tơ lụa danh tiếng.
Image
8 – Machu Picchu, Peru
Nằm trên một sườn núi trong thung lũng Urubamba ở Peru, cách thành phố Cusco khoảng 80 km về phía Tây Bắc, Machu Picchu được xây dựng theo lệnh của hoàng đế Inca Pachacuti (1438-1472) để ăn mừng chiến thắng sau khi thu phục được bộ tộc Chancas. Nơi đây thường được gọi là “Thành phố bị mất của người Inca” vì nó chỉ được phát hiện vào năm 1911 bởi sử gia người Mỹ Hiram Bingham.
Người Inca bắt đầu xây dựng thành phố vào khoảng năm 1400, gồm một số đền thờ, cung điện và ruộng bậc thang với hàng trăm bậc thang đá dốc. Ba khu vực chính trong Machu Picchu là khu vực linh thiêng, khu vực dân chúng ở phía Nam và khu vực của các thầy tu cùng với tầng lớp quý tộc. Nhưng địa điểm thiêng liêng nhất trong Machu Picchu là ngôi đền mặt trời nằm ở điểm cao nhất trong thành phố. Ngôi đền này trong giống như một ngọn đuốc được thắp sáng cả ngày lẫn đêm, khi mặt trời chiếu sáng xuyên qua những ô cửa và bức tường mỗi năm một lần. Ở một góc độ chuẩn xác thì đó cũng là thời điểm mà mặt trời ở xa trái đất nhất.
Machu Picchu được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1983, và năm 2007 được cộng đồng thế giới bình chọn là một trong 7 kì quan thế giới thông qua mạng xã hội.
Image
9 – Tượng chúa Jesus, Rio de Janeiro, Brazil
Bức tượng có tên là “Cristo Redentor”, trong tiếng Bồ Đào Nha có nghĩa là “Chúa Kitô Cứu Thế”. Tượng được dựng năm 1931, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày Brazil độc lập. Nằm trên đỉnh núi hoa cương cao 710m, tượng cao 30 m đứng trên bệ 7 m; đầu tượng nặng 35.6 tấn, cao 3.7 m. Ngọn núi nơi tượng đứng có tên Corcovado, trong tiếng Bồ Đào Nha có nghĩa là “lưng gù”, tại thành phố Rio de Janeiro của Brasil. Tượng được làm theo thiết kế của Heitor da Silva Costa, nhà điêu khắc là Carlos Oswald và Paul Landowski. Kỹ sư Guglielmo Marconi là người thiết kế đèn chiếu sáng xung quanh tượng.
Image
10 – Đại Giáo Đường St. Peter, Vatican
Đại giáo đường St. Peter, hay Vương cung Thánh đường Thánh Peter, hay St. Peter’s Basilica được xây dựng vào năm 1506 và hoàn thành vào năm 1626. Hơn 100 năm xây dựng, công trình nhà thờ St. Peter là viên ngọc trên chiếc vương miện Vatican. Những người trông nom nơi này được gọi là sampietrini, có nghĩa là người của Thánh Peter. Họ trông coi 44 án thờ, 27 nhà thờ nhỏ, 800 chúc đài treo, 390 bức tượng, 135 bức khảm, và hơn 15.000 m2 nền nhà làm bằng đá hoa cương. Một năm 2 lần, các sampietrini lại lau rửa công trình baldachino của Bernini, một mái vòm bằng đồng cao 29 m ở phía trên án thờ của giáo hoàng.
Công trình Nhà thờ Thánh Peter kỷ niệm việc Thánh Peter được Chúa Jesus phong làm tông đồ chính. Vì Rome là thủ đô của đế chế La Mã, hai tông đồ Peter và Paul đã tới thành phố này để truyền đạo trong thiên niên kỷ đầu tiên.
Tuy nhiên, khi những người Thiên chúa giáo bị hành hình vì đức tin của họ, năm 64 sau công lịch, tông đồ Peter bị bắt và đưa tới đấu trường La Mã rồi hành hình trên cây thánh giá. Thi hài của ngài được đưa ra ngoài tường của trường đấu và ngài được chôn cất trong một ngôi mộ nhỏ có mái che ở sườn đồi Vatican.
Gần 300 năm sau, Constantine, vị đế vương theo đạo Thiên chúa đầu tiên của thành Rome tuyên bố rằng một nhà thờ sẽ được xây lên tại nơi đặt mộ của Thánh Peter. 1300 năm sau thì những chi tiết về ngôi mộ này đã bị quên lãng. Từ những năm 1930, Vatican không thể đưa ra được bằng chứng gì là thánh Peter được chôn cất bên dưới nhà thờ. Tới năm 1939, các công nhân tu sửa khu hầm bên dưới nhà thờ St Peter, nơi mai táng truyền thống của các giáo hoàng, đã có một phát hiện đáng kinh ngạc. Ngay bên dưới sàn nhà, họ phát hiện ra một ngôi mộ La Mã cổ. Và đó không chỉ có một ngôi mộ mà cả thế giới của người chết. Sau nhiều tháng đào bới, những người khai quật đã tìm đến một khu vực những ngôi mộ cổ hơn, gần khu vực bên dưới án thờ. Ngay dưới án thờ, người ta tìm thấy một khu vực chôn cất lớn và một bức tường sơn đỏ. Trong một hốc tường là xương của một người đàn ông.
Năm 1968, Giáo hoàng Paul VI tuyên bố đây chính là xương của Thánh Peter.
Image

Nhận xét