ĐÌNH LÀNG 800 NĂM TUỔI THỜ DANH TƯỚNG YẾT KIÊU

Đình Bồng Lai (Vũ Tiến, Vũ Thư, Thái Bình) có từ thế kỷ 13, phải tu bổ nhiều lần do đã bị hư hỏng nặng. - VnExpress Đời sống

Từ khi khai hoang lập ấp vào thời Lý - Trần, dân làng Bồng Lai đã quyên góp xây đình (khoảng thế kỷ thứ 13). Cuối thời Trần, người dân tôn Yết Kiêu làm Thành hoàng làng bởi khúc sông nơi đây gắn với nhiều chiến tích của ông. Ngôi đình khoảng 800 tuổi, từng được tu bổ vào các thời Lê, Nguyễn. Ảnh chụp trước khi đình Bồng Lai được tu sửa vào tháng 4/2014. Ảnh: Ban quản lý Di tích Thái Bình.
 
Đình sau khi được tu sửa ngôi tiền tế. Đình Bồng Lai cùng với chùa Bồng Lai bên cạnh là nơi sinh hoạt văn hóa cũng như tổ chức nhiều công việc quan trọng của dân làng.
 
Yết Kiêu là người giỏi bơi lội, đục thủng thuyền, làm đắm tàu giặc, lập nhiều chiến công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần hai (1285) và lần ba (1288). Ông được vua Trần ban danh hiệu "Trần triều đệ nhất đô soái thủy quân". Cái tên Yết Kiêu được Hưng Đạo Vương đặt theo tên một loại cá kình ở biển Đông, ông tên thật là Phạm Hữu Thế.
 
Đình gồm 4 tòa kết cấu theo kiểu tiền chữ nhất, hậu chữ công. Tiền tế 5 gian, mỗi gian rộng 4 m, chiều dài 7 m.
 
Tiền tế có 6 kèo cao 3,45 m được chạm khắc hoa văn cách điệu. Từng được trùng tu vào thời Nguyễn nhưng đình vẫn giữ được nhiều mảng chạm gỗ mang phong cách nghệ thuật điêu khắc thời Lê.
 
Các cấu kiện đều chạm trổ tinh xảo với chủ đề rồng vờn mây, rồng dâng ngọc...
 
Chất lim qua nhiều thế kỷ vẫn đen bóng. Ở mỗi kẻ hiên lại chạm khắc hoa văn mây lá cách điệu sinh động.
 
Nơi hậu cung còn giữ một tấm bài vị lớn, quanh năm đóng cửa không cho ai vào. Đúng thời khắc giao thừa, các vị trưởng lão thay tấm vải mới, gọi là thay áo. Tấm vải cũ được xé ra, chia cho mỗi nhà một miếng cùng một ít lửa thắp trong đình để ai nấy đều gặp may mắn.
 
Trong đình, các cổ vật, đồ thờ phụng vẫn còn nguyên như 13 sắc phong của vua chúa các triều đại Lê - Nguyễn, kiệu võng chấp kích, câu đối, cuốn thư, chuông, khánh bằng đồng...
 
Những chiếc khánh đồng trải nhiều thế kỷ chỉ hoen mờ chút ít.
 
Qua thời gian, nhiều hạng mục trong đình hư hỏng nặng. Đầu năm 2014, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thái Bình có quyết định đồng ý cho trùng tu ngôi đình theo nguyện vọng của người dân. Tòa tiền tế phục dựng nguyên trạng, chất liệu gỗ lim. Phần nền nâng cao hơn trước để tránh sụt lún. Phần hậu cung đang trong quá trình xây lại. Các bộ chạm khắc tinh xảo, đồ thờ cúng, cổ vật được bảo lưu nguyên trạng.
 
Trước cổng đình Bồng Lai còn có cây gạo hơn trăm tuổi soi bóng cho người dân đi làm đồng nghỉ chân hóng mát.

Nhận xét