Tượng phật, thần và các nhân vật phù trợ


Trên cơ sở những tín ngưỡng cổ sơ của thời Hùng Vương dựng nước, ngay từ những thế kỷ đầu công nguyên Việt Nam đã tiếp nhận cả cưỡng bức và tự nguyện những tôn giáo của các nền Văn hóa lớn từ phương Bắc và phương Tây. Đó là Đạo – Nho – Phật. Đạo giáo Trung Quốc có nhiều nét gần với tín ngưỡng thờ Thần, Tiên của người Việt; và Phật giáo của ấn Độ cũng nhanh chóng giao hoan với hệ thống nữ thần nông nghiệp của văn hóa lúa nước Việt Nam, và rồi hai thứ tôn giáo này quyện vào nhau, đi vào tâm thức người dân, bám rễ khắp các xóm làng, phát triển đều đặn xuyên thời Bắc thuộc sang thời độc lập tự chủ và lan tỏa trong xã hội ngày nay. Nho giáo từ cơ sở nho sĩ qúy tộc thống trị dần thấm vào tầng lớp trên của xã hội người Việt, là cơ sở chính trị cho bộ máy Nhà nước quân chủ vận hành mãi đến đầu thế kỷ XX. Ba tôn giáo ấy từ chỗ song tồn đến hòa quyện vào nhau. Chẳng những nhiều quán Đạo cũng là chùa Phật, lại còn thờ cả Khổng Tử, mà một số chùa chính thức mang tên Tam Giáo hoặc ngoài hệ thống tượng Phật còn có tượng Khổng Tử và Lão Tử. ở nông thôn, bên cạnh đình chùa có văn chỉ. ở trung ương có Văn Miếu với hệ thống tượng Khổng Tử và Tứ Phối. Tình hình trên cho hay những tượng cổ đi vào tâm linh dân tộc chính là Thần, Phật và các nhân vật phù trợ.
Là Tổ của từng tôn giáo, đã trở thành những vị Thần tối linh, nhưng cả Thích Ca, Lão Tử và Khổng Tử đều có lý lịch rõ ràng với nguồn gốc cụ thể, từ hình hài đến tính tình đều rất người. Vì thế tượng Thích Ca từ lúc sơ sinh, đến khi tu khổ hạnh được gọi là Tuyết Sơn, khi giác ngộ thành Đức Phật Thế Tôn và cuối cùng nhập Niết Bàn, dù hình tích gắn với các quý tướng và điềm tốt, song luôn được thể hiện theo cấu trúc người thật việc thật, rất đạo cũng rất đời, luôn luôn gần gũi với mọi người, rất phổ biến khắp các làng quê và thị tứ. Tượng Lão Tử ở trong quán Đạo hay đôi khi ở trong chùa thường được thể hiện như một cụ già Việt Nam quắc thước với bộ râu dài trắng, cũng rất gần với tượng thần Thổ địa mà người dân Việt luôn quan niệm ” đất có Thổ công, sông có Hà bá” nghĩa là có chủ. Gắn với Lão Tử, trong một số quán Đạo còn có cả tượng Thánh Phụ và Thánh Mẫu là cha mẹ của Ngài cũng đều được tạc như những ông già và bà già Việt Nam ở vùng quê, đôn hậu. Còn Nho giáo lấy Tổ là Khổng Tử, một số chùa và quán cũng có tượng Ngài, song tiêu biểu phải là tượng ở Văn Miếu Hà Nội, cao to, uy nghi, đức độ. Phía trước Ngài là bộ tượng Tứ Phối gồm bốn người học trò ngoan và giỏi của Ngài, tất cả được tạo dáng thực theo tư thế các quan văn đầu triều.
Các nhân vật trên là những người thực việc thực gắn với ba tôn giáo lớn quán xuyến suốt lịch sử thành văn Việt Nam. Trong đó, Nho giáo thực chất là một triết thuyết chính trị, không có thần điện riêng, còn Phật giáo và Đạo giáo với tính tôn giáo lớn đã xây dựng được cả một thần điện phong phú với rất nhiều nhân vật tưởng tượng có chức trách và tính cách riêng. Dưới góc độ phân loại tượng cổ theo đề tài, chúng ta có thể hệ thống lại những tượng đã được giới thiệu trong các chương II và III.
Về Thần điện Phật Giáo, tùy chùa lớn hay nhỏ mà số tượng có thể thêm bớt, song nếu tương đối đầy đủ sẽ gồm các loại tượng:
- Về Phật: Tam Thế, A Di Đà, Thế Tôn, Di Lặc. Đôi khi có Phật nhập Niết Bàn. Cũng có thể gộp vào đây các tượng Thích Ca Sơ Sinh, Tuyết Sơn.
- Về Bồ Tát: Quan Âm Nam Hải (với các biến thể: Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, Quan Âm Chuẩn Đề) và các dạng gần gũi là Quan Âm Tọa Sơn, Quan Âm Tống Tử. Bên cạnh đó là bộ Tứ đại Bồ Tát: Quan Thế Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền. Một số chùa còn thêm Tứ Bồ Tát: Sách, Quyền, ái, Ngữ.
- Về Hộ Pháp: Khuyến Thiện, Trừng ác. Một số chùa có tượng Vi Đà thái tử làm nhiệm vụ bảo vệ Phật Pháp thay hai vị trên. Cũng tính chất này phải kể đến tám vị Kim Cương: Thanh Trừ Tai, Tích Độc Thần, Hoàng Tùy Cầu, Bạch Tịnh Thủy, Xích Thanh Hỏa, Định Trừ Tai, Tử Hiền Thần, Đại Thần Lực. Một số chùa còn có các tượng Thiên Lý Nhãn và Thiên Lý Nhĩ cũng thuộc loại thần bảo vệ Phật Pháp.
- Về La Hán: Theo sách Pháp trụ ký thì đức Phật chỉ định 16 vị La Hán sống mãi ở cõi đời này để tế độ chúng sinh. Đó là các vị Tôn Giả: Tân Độ La Bạt La Nọa Xà (tức Tân Đầu Lư Pha La Đọa Thệ), Ca Nhạ Ca Phạt Ta, Ca Nhạ Ca Bạt Ly Noa Xà, Tô Tần Đà, Nhạ Cư La, Bạt Đà La (tức Bạt Đa Bà La), Ca Lý Ca, Phạt Xà La Phất Đà La, Thú Bác Ca, Ban Thác Ca, La Hỗ La (tức La Vân), Nà Già Tê Na, Nhân Yết Đà, Phạt Na Bà Tư, A Thị Đa, Chú Đồ Bán Thác Ca (tức Chu Lợi Bàn Dà Ca). Về sau, có người thêm hai vị Tôn Giả nữa để thành 18, hoặc là Khánh Hữu (tức tác giả sách Pháp trụ ký) và Tân Đầu Lư (lại là tên tắt của vị La Hán đầu tiên), hoặc là Ca Diếp (lại là vị Tổ kế đăng số 1) và Quân Đồ Bát Thán.
- Về Tổ kế đăng: Lấy 20 vị Tổ đầu của Tây thổ nhưng bỏ Tổ 11 và Tổ 15. Đó là các vị Tôn Giả: Ma Ha Ca Diếp, A Nan Đà, Thương Na Hòa Tu, Ưu Ba Cúc Đa, Đề Đa Ca, Di Giá Ca, Bà Tu Mật, Phật Đà Nan Đề, Phục Đà Mật Đa, Hiệp, Mã Minh, Ca Tỳ Ma La, Long Thụ, La Hầu La Đa, Tăng Già Nan Đề, Già Da Xá Đa, Cưu Ma La Đa, Xà Dạ Đa.
- Về Diêm Vương: có 10 vị gọi là “Thập điện Diêm Vương”,đó là: Tần Quảng Vương, Sở Giang Vương, Tống Đế Vương, Ngũ Quan Vương, Diêm La Vương, Biến Thành Vương, Thái Sơn Vương, Bình Đẳng Vương, Đô Thị Vương, Chuyển Luân Vương
- Về phù trợ Thích Ca Sơ Sinh: Phạm Thiên, Đế Thích.
- Về Phù trợ Ngọc Hoàng: Nam Tào, Bắc Đẩu. Bộ tượng này vốn của Đạo giáo nhập vào Phật Giáo.
- Về quản lý cảnh chùa: Giám Trai, Thổ Địa, Đức Ông và Già lam – Chân Tể, Thánh Tăng và Đại Sĩ – Diệm Nhiên.
- Về Hậu Phật: Một số người thực đã mua Hậu.
- Về Tổ chùa: Bồ Đề Đạt Ma (vị Tổ cuối của Tây Thổ và đầu của Đông Độ) và các cao tăng của chùa. Những tượng này đặt ở nhà Tổ
- Về điện Mẫu: vốn thuộc tín ngưỡng dân gian được duy trì trong một nhà riêng, thông thường chỉ gồm có Tam Tòa Thánh Mẫu: Mẫu Thiên (Thiên Phủ), Mẫu Thoải (Thủy Phủ), Mẫu Thượng Ngàn(Nhạc Phủ), lại thêm Mẫu Địa (Địa phủ) tạo thành Tứ Phủ. Nếu rộng có thể thêm các Quan, ông Hoàng, Chầu Bà, Cô và Cậu. Để làm đối trọng với Mẫu có Đức Thánh Cha Trần Hưng Đạo với các công chúa Quế Hoa và Quỳnh Hoa.
Về Thần điện Đạo giáo được thể hiện ở các quán Đạo. Nhưng vì quán Đạo rất sớm kết hợp với chùa Phật, thường được dân địa phương gọi là chùa, vì thế trong quán cũng gặp một số tượng của chùa, thậm chí ở Văn Miếu nữa. Tuy vậy, Thần điện chung của Đạo giáo là:
- Về Tam Thanh: Ngọc Thanh, Thái Thanh, Thượng Thanh tức ba vị Thần tối thượng là Nguyên Thủy Thiên Tôn, Linh Bảo Đạo Quân và Đạo Đức Thiên Tôn.
- Về Lão Tử: Thái Thượng Lão Quân và Thánh Phụ, Thánh Mẫu.
- Về tầng cao: Ngọc Hoàng thượng đế (tức Hoàng Quân giáo chủ) với hai thị giả Kim Đồng – Ngọc Nữ và hai quan giúp việc là Nam Tòa – Bắc Đẩu.
- Về vũ trụ: Cửu Diệu Tinh Quân gồm Mặt Trời, Mặt Trăng, Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, Hổ Phù, Kế Đô.
- Về thế giới: Ngũ Nhạc gồm Đông phương Sóc, Tây Vương Mẫu, Huyền Thiên Trấn Vũ, Cửu Thiên Huyền Nữ.
- Về Tứ trấn: các tượng trấn trị ma quỷ ở bốn phương.
Có nơi còn cả Văn Xương và Đế Quân chủ về các hoạt động văn và võ.
Thần điện của Nho giáo đơn giản hơn cả, về tượng ít nơi có, thường thờ bài vị. Văn Miếu Hà Nội có hệ tượng:
- Tổ Sư: Khổng Tử
- Tứ Phối: Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử.
Thần điện của Đạo Mẫu đã ghép vào Phật điện của chùa, tuy nhiên khi có điều kiện phát triển thì nâng cấp thành đền (đền Sòng, đền Ghềnh, đền Bắc Lệ…), rồi thành phủ (phủ Giầy, phủ Tây Hồ), nhưng hệ thống tượng thờ vẫn thế.

Nhận xét