Sau khi tôi chết, hãy đập bỏ nó đi


Đó là tiết lộ của vị cha già lập quốc Sigapore Lý Quang Diệu khi được báo chí hỏi về ý nguyện cá nhân đối với ngôi nhà riêng số 38 của ông trên đường Oxley Road, cách phố mua sắm Orchard Road chỉ vài phút đi bộ.
Trả lời câu hỏi tại sao, ông cho biết đã từng tham quan nhiều di tích của những người nổi tiếng như cựu thủ tướng Ấn Độ Nerhu, đại văn hào Anh Sharespeare. Ông cho rằng đó cũng chỉ là những chốn hoang tàn và khách tham quan đến đó xem lướt qua. Ông nói: “Vì nhà riêng của tôi mà những ngôi nhà láng giềng khác không được xây cao. Cho nên cứ đập bỏ nhà của tôi rồi điều chỉnh quy hoạch, cho phép xây cao lên, như vậy giá đất trong khu vực này sẽ tăng”.
Thật vậy, nếu nghe theo lời ông Lý, giá trị bất động sản trong khu vực đường Oxley sẽ tăng gấp bội vì sẽ có nhiều tòa nhà cao tầng mọc lên và hệ số sử dụng nhà ở sẽ cao lên. Và một ngày nào đó trong một buổi học trong trường phổ thông Singapore, giáo viên dạy sử sẽ chỉ vào một tấm ảnh của một khu nhà ở cao cấp mà nói với học sinh rằng: “Khu căn hộ này đã được xây trên nền đất ngôi nhà bị đập bỏ của vị cha già lập quốc Lý Quang Diệu. Chúng ta phải làm như vậy vì đó là ước nguyện của ông sau khi qua đời.”
Xét về kiến trúc, ngôi nhà của ông Lý cũng không có gì đặc biệt ngoài yếu tố cổ vì nó được một thương nhân người Do Thái xây cách đây hơn 100 năm. Theo miêu tả của ông Lý, cơ ngơi của ông chỉ là một ngôi nhà lớn và bừa bãi với 5 phòng ngủ còn phía sau là 3 phòng ngủ cho người giúp việc. Tuy nhiên, ông cho rằng ngôi nhà này cũ rồi với những bức tường nứt nẻ và chi phí duy tu, bảo dưỡng sẽ rất tốn kém. Ông thú nhận: “Tôi không nghĩ vợ, con gái, con trai hay tôi sẽ tiếc nuối khi căn nhà này bị đập bỏ. Chúng tôi đã có những hình ảnh lưu giữ lại những kỷ niệm trong quá khứ”.
Có thể nói ngôi nhà số 38 đường Oxley Road là nơi ghi nhận nhiều sự kiện lịch sử của Đảng Hành động Nhân dân (PAP) cách đây hơn nửa thế kỷ. Nơi đây đã diễn ra những cuộc tranh luận sôi nổi của chàng luật sư trẻ Quang Diệu cùng với 20 người bạn trước khi quyết định chính thức đăng ký thành lập PAP ngày 21-11-1954. Đây cũng là nơi chất chứa nhiều kỷ niệm thời thơ ấu của Thủ tướng đương nhiệm Lý Hiển Long, con trai ông Lý.

Nội thất đơn sơ trong phòng khách nhà ông Lý Quang Diệu.

Không rõ rồi đây sau khi ông Lý qua đời, chính phủ Singapore có quyết định đập bỏ ngôi nhà nói trên theo yêu cầu của ông hay không. Nhưng trên thực tế, trong quá trình xây dựng và phát triển của Singapore, đã có nhiều ngôi nhà, trường học và trụ sở có di tích lịch sử bị đập bỏ để  nhường chỗ cho những khu nhà ở hay thương mại phục vụ nhu cầu thiết thực của người dân. Một trong những thí dụ cụ thể là nhà nguyện cho nữ tu công giáo Chijmes nay đã trở thành một tổ hợp nhà hàng và câu lạc bộ giải trí về đêm.
Du khách nước ngoài đến Singapore nếu muốn có thể đến mục kích cảnh quan bên ngoài tư gia ông Lý. Sau khi loanh quanh khu mua sắm Orchard, bạn có thể bắt một chiếc taxi rồi yêu cầu tài xế chạy qua đường Oxley Road. Không cần bảo, bác tài sẽ chạy chậm lại và tự hào bình luận đôi điều về Lý Quang Diệu khi đi ngang ngôi nhà số 38.
Vị cha già lập quốc Singpore họ Lý đã có nhìn nhận về những gì mình sẽ để lại cho hậu thế sau khi trở về với trời đất. Đó là một đảo quốc Sư tử rợp bóng cây xanh, môi trường xã hội lành mạnh, chính phủ trong sạch, không tham nhũng với một chính đảng cầm quyền luôn quyết tâm tự đổi mới vươn lên và công dân Singapore luôn cảm thấy tự hào khi đến bất cứ nơi nào trên thế giới.

Nhận xét