Lá thư mật Nixon và quan hệ Việt - Mỹ



Sau khi hai bên ký kết Hiệp định ngừng bắn ở Paris năm 1973, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã viết một lá thư mật gửi Thủ tướng Bắc Việt Phạm Văn Đồng, hứa với Hà Nội 3.25 tỉ đôla viện trợ tái thiết sau khi chiến tranh kết thúc.
Lá thư này sau đó đã trở thành một trong các trở ngại chính, bên cạnh vấn đề người Mỹ mất tích, khi hai nước có một số động thái tìm cách phục hồi quan hệ sau 1975.
Sự ra đời của lá thư
Tổng thống Johnson là người đầu tiên đề cập khả năng viện trợ sau chiến tranh cho Việt Nam vào tháng Tư 1965, nhưng Hà Nội không trả lời. Năm 1969, trong một diễn văn tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, Nixon cũng nhắc tới vấn đề này. Nhưng vấn đề chỉ trở thành chính thức vào ngày ký Hiệp định Paris tháng Giêng 1973, khi Lê Đức Thọ đòi có cam kết từ phía Mỹ.
Sau ba tiếng tranh cãi, Henry Kissinger đề nghị dùng viện trợ để đổi lấy giải trình của Hà Nội về tù binh Mỹ tại Lào. Kissinger cũng đề xuất dùng cuộc họp sắp diễn ra tại Hà Nội trong tháng Hai để bàn về chi tiết cam kết.
Ngày 1 tháng Hai, Nixon viết lá thư gửi cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Phía Việt Nam đã đòi là không dùng sự thông qua của Quốc hội làm điều kiện cho cam kết viện trợ. Mẹo của Kissinger là không đưa chi tiết này vào phần chính lá thư, nhưng lại đặt nó vào phần phụ lục, theo đó, cam kết “sẽ được thực hiện bởi mỗi bên theo các điều khoản hiến pháp của mỗi nước.” Trong hồi ký của mình, Kissinger kể lại: “Chúng tôi ‘thỏa hiệp’ bằng cách nêu sự cần thiết có sự thông qua của Quốc hội ở một trang riêng, được gửi đồng thời và có cùng sức nặng.”
Khi đến Hà Nội từ 10 đến 13 tháng Hai, Kissinger đã trao cho Phạm Văn Đồng lá thư của Nixon. Mặc dù Kissinger nhấn mạnh đến yếu tố Quốc hội, nhưng như những sự kiện về sau cho thấy, Hà Nội tin rằng Quốc hội chỉ là cái cớ để Mỹ từ chối chi tiền. Những người Cộng sản, hoạt động trong một văn hóa chính trị khác, không thể hiểu nổi làm sao Quốc hội Mỹ lại có thể từ chối cấp vài tỉ đôla trong khi Washington dễ dàng đổ hàng trăm tỉ đôla vào miền Nam Việt Nam trong thời chiến.
Nỗ lực ngoại giao thời hậu chiến
Tháng 12 năm 1975, lần đầu tiên từ khi chiến tranh kết thúc, một phái đoàn dân biểu Mỹ đến Hà Nội, do Dân biểu Gillespie “Sonny” Montgomery dẫn đầu. Khi phía Mỹ đặt câu hỏi về sự tồn tại của những cam kết viện trợ mật từ phía Mỹ, họ đã ngạc nhiên khi Việt Nam tiết lộ lá thư của Nixon gửi Phạm Văn Đồng ngày 1-2-1973, chưa đầy hai tuần sau lễ ký Hiệp định Paris. Trong thư, Nixon hứa sẽ có 4.75 tỉ đôla viện trợ tái thiết, gồm 3.25 tỉ viện trợ kinh tế và 1.5 tỉ viện trợ thực phẩm và hàng hóa.
Hoàn toàn bất ngờ, Montgomery, sau khi quay về Mỹ, có cuộc điện đàm với Nixon ngày 2-2-1976. Sau đó ông báo cáo là “chương trình tái thiết, vốn đã được xem xét từ nhiều năm, phụ thuộc vào phía Việt Nam tuân thủ Hiệp định Hòa bình Paris và vào sự thông qua của quốc hội.” Vì lý do nào đó, chính phủ của Tổng thống Ford không công bố nội dung lá thư cho quốc hội.
Một chuyến thăm Hà Nội của Thượng Nghị sĩ George McGovern, nhằm đánh giá khả năng phục hồi quan hệ, diễn ra từ 15 đến 17 tháng Giêng 1976. Phái đoàn Mỹ một lần nữa được cho biết về lá thư của Nixon. Thủ tướng Đồng nhấn mạnh “khoản tiền cụ thể không được nhắc trong Hiệp định Paris, nhưng đây là vấn đề danh dự, trách nhiệm và lương tâm.”
Trong báo cáo gửi quốc hội sau khi trở về từ Hà Nội, McGovern khuyến nghị dỡ bỏ cấm vận, cho Việt Nam vào Liên Hiệp Quốc và bình thường hóa quan hệ. Mặc dù McGovern không đòi làm rõ câu hỏi về khoản tiền 4.75 tỉ đôla, nhưng ông nói “ban đầu chúng ta nên thể hiện là chúng ta sẵn sàng gia nhập cùng các nước ít nhất là bằng một chương trình viện trợ khiêm tốn.”
Tổng thống Ford vẫn không chịu công bố nội dung lá thư của Nixon cho quốc hội. Ngày 17-4 năm 1976, báo Nhân Dân ở Hà Nội đăng trích đoạn lá thư Nixon trong một phần chiến dịch công kích sự lạnh nhạt của chính quyền Ford. Có điều, truyền thông nước ngoài khi ấy không tường thuật gì về chi tiết này, khiến nó không có chút tiếng vang tại Washington. Tháng Bảy năm đó, trong phiên điều trần trước Ủy ban Montgomery (tên tắt của Ủy ban Quốc hội về người Mất tích ở Đông Nam Á), trợ lý ngoại trưởng về Đông Á – Thái Bình Dương Philip Habib giải thích việc giữ kín lá thư Nixon không phải là để nhánh hành pháp thọc gậy sau lưng Quốc hội mà là điều cần thiết để đạt được nỗ lực hòa bình tại Đông Dương. Sự giải thích này có vẻ làm hài lòng Ủy ban, và phải gần một năm sau, lá thư Nixon mới trở thành tài liệu lớn tác động tiêu cực đến quan hệ tương lai giữa hai nước.
Cuộc tranh cử tổng thống Mỹ cuối năm 1976 mang lại chiến thắng cho Jimmy Carter của đảng Dân chủ, trước Gerald Ford. Trong những tháng đầu sau khi nhậm chức tổng thống, Carter có vẻ sẵn sàng làm hòa với Việt Nam. Tháng Ba năm 1977, một phái bộ Mỹ sang Việt Nam, với trưởng đoàn là Leonard Woodcock, chủ tịch nghiệp đoàn công nhân các hãng xe hơi.
Báo cáo của Woodcock sau khi về từ Hà Nội tạo cho Tổng thống Carter cảm giác (sai lệch) rằng Hà Nội đã bỏ lập trường xem viện trợ kinh tế là điều kiện tiên quyết trước khi nối lại quan hệ. Cuộc đàm phán về bình thường hóa quan hệ được tổ chức tại Paris trong hai ngày 3 và 4 tháng Năm 1977. Dẫn đầu phái đoàn Mỹ là Richard Holbrooke, người bắt đầu sự nghiệp ngoại giao bằng bốn năm ở Việt Nam (1962-66). Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Phan Hiền dẫn đầu.
Washington tỏ ra lạc quan về triển vọng cuộc họp tại Paris. Bình luận về cuộc họp sắp diễn ra, Tổng thống Carter, nói vào tháng Tư, rằng ông sẽ “hăng hái” vận động cho Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc và bình thường hóa quan hệ nếu Việt Nam “hành động có thiện chí.”
Trong ngày đầu cuộc họp tại Paris, Holbrooke hồ hởi nói với Phan Hiền: “Ngài thứ trưởng, ta hãy bỏ qua những vấn đề gây chia rẽ. Ta hãy ra ngoài và cùng tuyên bố với báo giới là chúng ta đã quyết định bình thường hóa quan hệ.” Nhưng ông Hiền từ chối, khẳng định Mỹ trước hết phải cam kết giúp tái thiết Việt Nam như nội dung lá thư của Nixon và hiệp định Paris. Như cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ, có mặt trong cuộc họp với tư cách vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ, tiết lộ trong hồi ký, Bộ Chính trị ở Hà Nội đã chỉ thị phải đòi giải quyết cả ba vấn đề: “ta và Mỹ bình thường hoá quan hệ (bao gồm cả việc bỏ cấm vận và lập quan hệ ngoại giao đầy đủ), ta giúp Mỹ giải quyết vấn đề MIA và Mỹ viện trợ 3.2 tỷ đô-la cho Việt Nam như đã hứa hẹn trước đây.” Nhưng Holbrooke, trước đó đã nhận chỉ thị tìm kiếm sự khôi phục ngoại giao vô điều kiện, bác bỏ yêu cầu của Việt Nam, nói rằng cả Quốc hội và chính phủ Mỹ sẽ không đồng ý vấn đề viện trợ.
Công bố lá thư
Hai bên đồng ý tạm hoãn cuộc họp để Holbrooke quay về xin chỉ thị từ Washington. Nhưng khi phát biểu với báo chí, Phan Hiền lần đầu tiên khẳng định công khai là Hà Nội vẫn kiên quyết đòi hỏi có viện trợ, ngược hẳn tuyên bố của Carter sau chuyến đi của Woodcock rằng Hà Nội đã bỏ vấn đề này.
Tiết lộ của Phan Hiền đưa ra đúng lúc đang có cuộc tranh luận ở Quốc hội Mỹ về dự luật cấp 1.7 tỉ đôla cho viện trợ hải ngoại. Trong cuộc họp của Hạ viện ngày 4 tháng Năm, dân biểu Cộng hòa John Ashbrook đòi có biện pháp cấm Bộ Ngoại giao có thêm nhượng bộ với Việt Nam. Chỉ sau 10 phút tranh luận, Hạ viện Mỹ bỏ phiếu cấm có bất kỳ viện trợ nào cho Việt Nam. Dự luật do Ashbrook bảo trợ (HR 6689) cấm cả việc thương lượng về “bồi thường, viện trợ hay mọi hình thức chi trả khác”.
Hai hôm sau, ngày 6 tháng Năm, báo Nhân Dân cho đăng trích đoạn thư của Nixon và lá thư trả lời của Phạm Văn Đồng. Cũng trong số báo này là bài viết lên án rằng sự từ chối thực hiện lời hứa của Nixon đã “chà đạp” luật pháp quốc tế.
Lần này, việc Hà Nội công bố trích đoạn lá thư gây ra sóng gió ở Đồi Capitol. Lester L. Wolff, tân chủ tịch Phân ban Hạ viện về châu Á – Thái Bình Dương, dọa đưa Nixon ra tòa nếu cựu tổng thống không xuất trình lá thư. Nixon gửi cho Wolff một lá thư đề ngày 14 tháng Năm, nhấn mạnh: “Không có bất kỳ cam kết nào, dù là đạo đức hay pháp lý, để cung cấp bất kỳ viện trợ nào cho chính phủ Hà Nội.”
Ngày 19 tháng Năm, trước sức ép của Wolff, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố toàn văn lá thư mật năm 1973 của Nixon. Đây cũng là ngày phát đi cuộc trò chuyện thứ ba trong loạt phỏng vấn truyền hình giữa nhà báo David Frost và Richard Nixon. Cựu tổng thống đã dùng cơ hội này để biện bạch ông đã cảnh báo Hà Nội vào ngày 12 tháng Hai 1973 là việc cấp viện trợ kinh tế phụ thuộc vào việc Bắc Việt nghiêm túc thực thi hiệp định hòa bình và vào sự thông qua của Quốc hội Mỹ.
Hai ngày sau, Bộ Ngoại giao Việt Nam chính thức công bố trọn vẹn nội dung thư của Nixon, cùng trả lời của Phạm Văn Đồng. Trong cái nhìn của Hà Nội, việc công bố toàn văn, cũng như những lần hé lộ văn bản lá thư trước đó, là cách buộc Hoa Kỳ thực thi trách nhiệm. Tuy nhiên, nó cũng chứng tỏ Hà Nội không hiểu được những đổi thay trong dư luận cũng như chính trường Mỹ sau 1975. Trong những năm chiến tranh, Hà Nội có thể tận dụng cảm tình của phong trào phản chiến quốc tế - trong khi giờ đây, Việt Nam chỉ là một trong vô vàn các nước Thế giới thứ Ba có tiếng nói yếu ớt. Trong những năm chiến tranh, Quốc hội Mỹ là một định chế phóng khoáng đối lập với nhánh hành pháp bảo thủ; nhưng sau cuộc chiến Việt Nam, cán cân giữa hai nhánh lập pháp và hành pháp quay ngược hẳn. Cam kết của một tổng thống đã mất hết uy tín lại càng bị xem như một sai lầm, một cam kết không giá trị.
Ảnh hưởng của Brzezinski
Vòng hai hội đàm Mỹ - Việt diễn ra trong hai ngày 2 và 3 tháng Sáu tại sứ quán Mỹ ở Paris. Không khí giờ đây hoàn toàn đổi khác: Việt Nam bị Mỹ nhìn với con mắt nghi kỵ. Sau vòng hai, Phan Hiền bay về Hà Nội xin cấp trên mềm dẻo hơn, nhưng không được chấp thuận.
Zbigniew Brzezinski, ngày càng gây ảnh hưởng lên Carter ở cương vị cố vấn an ninh quốc gia, lấy ưu tiên là việc làm thân với Bắc Kinh, và xem Việt Nam là lá bài để khuấy động mâu thuẫn Trung – Xô.
Cùng lúc đó, căng thẳng biên giới với Campuchia và sự bất mãn gia tăng của Hà Nội đối với Bắc Kinh đẩy Hà Nội ngả về phía Moscow. Trong tháng Năm và tháng Sáu 1977, Phạm Văn Đồng thăm Liên Xô. Đàm phán thất bại với Mỹ và dấu hiệu làm thân giữa Washington và Bắc Kinh, tiêu biểu là chuyến thăm của Ngoại trưởng Vance đến Bắc Kinh trong tháng Tám, đưa Liên Xô trở thành giải pháp để đối chọi với đe dọa từ Trung Quốc.
Dù bị quốc hội phê phán vì cuộc hội đàm với Việt Nam ở Paris, Tổng thống Carter giữ lời hứa không ngăn chặn tấm vé gia nhập Liên Hiệp Quốc của Hà Nội vào tháng Chín năm 1977. Và chỉ vài ngày sau khi vào LHQ, Việt Nam giao cho phía Mỹ 22 bộ hài cốt quân nhân Mỹ. Tình hình vẫn nhùng nhằng giữa sự thù nghịch và động thái ve vuốt.
Vòng ba hội đàm Mỹ - Việt tại Paris tháng 12-1977 cũng không khá hơn. Holbrooke đề xuất khả năng lập Phòng quyền lợi tại thủ đô hai nước. Điều này tương tự việc Trung Quốc đồng ý cho mở Phòng quyền lợi của Mỹ tại Bắc Kinh năm 1973. Và vào tháng Sáu 1978, Cuba cũng đồng ý với ý tưởng này của Mỹ. Nhưng đoàn Việt Nam bác bỏ, khẳng định Hà Nội “sẽ không bao giờ làm cái việc mà Trung Quốc đã làm.”
Ở đây để lộ ra tâm trạng say men chiến thắng của ban lãnh đạo Hà Nội thời hậu chiến. Đề nghị của Mỹ chứng tỏ Washington đặt Việt Nam cùng hàng ngũ với Cuba, tức những quốc gia vệ tinh cộng sản khá quan trọng với Mỹ về chiến lược. Nhưng Việt Nam lại so sánh mình với Trung Quốc, tin rằng cả hai cùng đáng kể như nhau trong mắt người Mỹ.
Chuyến thăm Trung Quốc tháng Năm 1978 của Brzezinski đánh dấu việc Mỹ chọn con đường bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Nó cũng chứng tỏ cán cân quyền lực về đối ngoại đã chuyển từ Bộ Ngoại giao sang Hội đồng An ninh Quốc gia – dẫn tới sự từ chức của Ngoại trưởng Cyrus Vance tháng Tư năm 1980. Brzezinski đặt xung đột Việt Nam – Campuchia trong xung đột lớn hơn giữa Liên Xô và Trung Quốc. Vì thế, quanh câu hỏi làm thân với Hà Nội, Brzezinski thừa nhận “tôi…liên tục nói với tổng thống là một hành động như thế sẽ bị Trung Quốc diễn giải là động thái ‘thân Xô, chống Trung.”
Quân cờ giữa Mỹ - Xô – Trung
Việt Nam đề nghị có thêm vòng đàm phán khác trong tháng Tám 1978 tại Paris, nhưng giữa lúc đang căng thẳng giữa Hà Nội và Bắc Kinh, Mỹ từ chối đề nghị này và muốn có hình thức họp kín đáo hơn. Đến tháng Chín 1978, các cuộc gặp bí mật giữa Mỹ và Việt Nam diễn ra tại New York bên lề phiên họp của Liên Hiệp Quốc.
Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, lần này chính thức rút bỏ đòi hỏi Mỹ bồi thường – viện trợ 3.25 tỷ đôla. Đoàn Việt Nam hy vọng có thể ký kết thỏa thuận trong tuần đầu của tháng Mười khi Ngoại trưởng Nguyễn Duy Trinh đang ở New York.
Nhưng Holbrooke từ chối đưa ra ngày cụ thể, nói rằng có thể sẽ họp thêm sau bầu cử quốc hội ngày 7-11. Nguyễn Cơ Thạch ở lại Mỹ cho đến ngày 20-10, nhưng cũng ra về mà không nhận được tin từ phía Mỹ. Trần Quang Cơ, người tiếp tục ở lại New York, cho biết vào ngày 30-11, Robert Oakley, trợ lý ngoại trưởng Mỹ, trả lời ông: “Mỹ không thay đổi lập trường bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, nhưng phải chậm lại vì cần làm rõ 3 vấn đề Campuchia, Hiệp ước Việt-Xô và vấn đề người di tản Việt Nam.”
Mỹ và Trung Quốc chính thức phục hồi quan hệ ngoại giao vào ngày đầu tiên của năm 1979. Ngày 7-1, quân đội Việt Nam tiến vào thủ đô Phnom Penh. Một tháng sau đó, nổ ra cuộc chiến biên giới Việt – Trung. Cũng từ đây, khả năng bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam phụ thuộc vào vấn đề Campuchia, một vấn đề còn tồn đọng cho tới đầu thập niên 1990.
...................................................................................
Tài liệu tham khảo:
Zbigniew Brzezinski, Power and Principle: Memoirs of the National Security Advisor 1977-1981 (1983)
Nayan Chanda, Brother Enemy: The War After the War (1988)
Trần Quang Cơ, Hồi ức và Suy nghĩ (2003)
Henry Kissinger, Years of Upheaval (1982)

Nhận xét