Kiến nghị xây dựng đô thị thông minh

 - Ngày 28/8, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội thảo “Đô thị thông minh: Thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế, triển vọng tại Việt Nam”. Tại hội thảo các đại biểu khẳng định, xây dựng đô thị thông minh là xu thế tất yếu mà Việt Nam cần áp dụng để đem lại môi trường cũng như cuộc sống tốt hơn cho người dân.
Những khu đô thị hiện đại góp phần nâng chất lượng sống của người dân. Ảnh: Như Ý.Những khu đô thị hiện đại góp phần nâng chất lượng sống của người dân. Ảnh: Như Ý.
Chất lượng sống tốt hơn
Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương  MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Việt Nam có khoảng 774 đô thị lớn nhỏ và chỉ tính riêng 5 thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và 2 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai đã đóng góp hơn 46% GDP cả nước. Tuy nhiên, sự phát triển của đô thị cũng đang đặt ra nhiều vấn đề lớn cần phải giải quyết như áp lực về gia tăng dân số, ô nhiễm môi trường, giao thông quá tải... Việc nghiên cứu, tìm ra mô hình quản lý và phát triển các đô thị không chỉ có ý nghĩa cấp bách trước mắt, mà còn có ý nghĩa chiến lược lâu dài cho sự phát triển của các đô thị nói riêng, sự phát triển bền vững của đất nước nói chung.
Ông Nhân khẳng định, xây dựng đô thị thông minh là một lựa chọn tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển. Theo đó, công nghệ thông tin và truyền thông sẽ được ứng dụng một cách hiệu quả để chính quyền cung cấp các dịch vụ, tiện ích tới người dân và doanh nghiệp. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời sử dụng dữ liệu thu thập được từ chính cộng đồng để liên tục hoàn thiện các chính sách, dịch vụ công, đáp ứng tối đa các yêu cầu của đại bộ phận người dân, doanh nghiệp.
Ông Huỳnh Thế Du, đại diện Nhóm nghiên cứu thuộc Sáng kiến Việt Nam cũng khẳng định, hiện có rất nhiều thành phố trên thế giới đã bắt tay vào thực hiện dự án thành phố thông minh. Tư tưởng chủ đạo của thành phố thông minh là dựa trên nền tảng áp dụng công nghệ thông tin trong việc quản trị thành phố. Qua đó người dân sống trong các thành phố thông minh sẽ được hưởng giao thông thuận tiện, giáo dục tốt, nước sạch, không khí trong lành, chi phí sinh hoạt thấp. Đặc biệt, nhờ hệ thống công nghệ thông tin tỷ lệ tội phạm sẽ giảm, mọi tình huống phát sinh trong thành phố nếu có đều được giải quyết nhanh chóng, kịp thời…
Hết cảnh chen chúc xếp hàng...
Bà Đỗ Thị Thu Lan, đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, nếu xây dựng được thành phố thông minh thì những vướng mắc về môi trường, giao thông, quy hoạch đều có thể được giải quyết. “Khi lái xe ô tô đến thành phố thông minh, chỉ thông qua một chiếc điện thoại di động, tôi đã biết ngay được vị trí mình cần đến có còn chỗ đỗ xe không; tuyến đường nào đang bị tắc nghẽn, tuyến đường nào đang thông thoáng. Đi khám bệnh cũng vậy, tôi không phải đến bệnh viện để chen chúc, xếp hàng, mà có thể ở nhà đăng ký qua mạng, rồi tới giờ thì đến khám. Tất cả những tiện ích đó, chúng ta hoàn toàn có thể làm được”, bà Lan lấy ví dụ.
Cũng theo bà Lan, dù hiện nay kinh tế còn khó khăn, thu nhập của người dân chưa cao, nhưng vẫn phải nghĩ đến việc xây dựng thành phố thông minh. Thành phố thông minh là xu thế của thế giới để tiến tới nền kinh tế trí thức. “Chúng ta hiện còn khó khăn, nhưng nếu không tiến tới thực hiện thì đô thị sẽ rất lạc hậu.  Chính phủ cần có đề án thực hiện thí điểm ngay việc xây dựng đô thị thông minh”, bà Lan kiến nghị.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho hay, sau hội thảo này, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và lãnh đạo các cơ quan đồng tổ chức hội thảo sẽ phối hợp kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ những vấn đề có liên quan đến việc xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam.

Nhận xét