VƯƠNG PHỦ – NHÀ VƯỜN XỨ THẦN KINH


PHỦ ĐỆ – NƠI LƯU GIỮ HUẾ XƯA
Du khách đến Huế, dường như ai cũng muốn tham quan những cung điện vàng son một thuở bên trong những vòng tường thành rêu phong cổ kính, hay viếng thăm những lăng tẩm uy nghi của các vị vua triều Nguyễn đang giấu mình dưới bóng cổ tùng nơi vùng đồi núi chập chùng ở phía tây Kinh Thành Huế. Ít ai chú ý đến những phủ đệ của các ông hoàng bà chúa, nằm xen giữa phố thị đông đúc hoặc lẩn khuất nơi thôn dã ở vùng ngoại ô, với những bức tường phủ rêu và những cánh cửa đóng kín quanh năm, như muốn che đậy một thế giới riêng tư của lớp người đã đem đến cho Huế một tính cách không giống ai: tính cách mệ.
Kỳ thực, những phủ đệ ấy từng vang bóng một thời và nay là nơi lưu giữ những ánh hào quang quá vãng của Huế xưa, mà nếu thiếu vắng, thì bức chân dung xứ Huế sẽ trở nên nhạt nhòa vì thiếu những gam màu sâu lắng, cô liêu.
Phủ đệ, chốn ấy là gì?
Phủ đệ, tên gọi chốn ấy, là nơi ở của các vương tôn, hoàng tử và công chúa thời Nguyễn. Phủlà nơi ở của các hoàng thân, hoàng tử sau khi lập gia đình, từ đó mới phái sinh danh xưngphủ thiếp để gọi người vợ của hoàng tử, tức là con dâu của nhà vua. Tùy theo tôn tước của chủ nhân được triều đình tập phong là tước công hay tước vương mà phủ ấy được gọi làcông phủ hay vương phủĐệ là lối gọi tắt của từ đệ trạch, là nơi ở của công chúa sau khi hạ giá, tức là công chúa đã được gả chồng. Về sau, người ta thường dùng chữ phủ đệ để gọi chung cho nơi ở của các ông hoàng, bà chúa đã thành thân. Rồi đến một ngày, những ông hoàng, bà chúa ấy trở thành người thiên cổ, khi ấy, tòa chính đường trong phủ, nơi trú tất của các ông hoàng, bà chúa lúc sinh thời, trở thành nơi thờ tự vong linh của chính họ. Ấy cũng là lúc con cháu của họ thay biển ngạch đề danh trước cổng, đổi chữ phủ (hay chữ đệ) thành chữ từ hay từ đường, mà dân gian vẫn quen gọi là phủ từ, hàm ý đó là nơi thờ tự vị chủ nhân của phủ đệ xưa, nay đã quá cố.
Mỗi phủ đệ đều có tên riêng, dựa theo tôn tước của chủ nhân. Tên của các phủ thường là tên huyện mà vị thân công, hoàng tử ấy được triều đình tập phong như: Tùng Thiện vương phủ, Tuy Lý vương phủ, Thọ Xuân vương phủ, Định Viễn quận vương phủ, Phước Long quận công phủ, Thường Tín quận công phủ… Tên của đệ trạch thường gọi theo danh hiệu của vị công chúa chủ nhân đệ trạch ấy như: An Thường công chúa đệ, Ngọc Sơn công chúa đệ…
Phủ Tuy Lý vương
Phủ Tuy Lý vương
Đầu triều Nguyễn, các phủ đệ đều tọa lạc bên trong Kinh Thành Huế, theo nguyên tắc “nam tả, nữ hữu”, nghĩa là phủ của các thân công, hoàng tử thì ở về phía trái, còn đệ trạch của các công nữ thì ở về phía phải của Kinh Thành. Năm 1846, Tùng Thiện công Miên Thẩm, hoàng tử thứ 10 của vua Minh Mạng rời Kinh Thành tìm về bên dòng sông Lợi Nông, mua một khoảnh đất rộng, lập nên Tiêu viên, sau đổi là Ký Thưởng viên với 16 sở đường lâu các, rồi rước mẹ là bà Thục Tân từ Tử Cấm Thành về ở với ông để tiện bề phụng dưỡng. Đó là vương phủ đầu tiên nằm ngoài Kinh Thành Huế, mở đầu cho lịch sử hình thành phủ đệ của các ông hoàng bà chúa ở kinh đô Huế. Nối gót Tùng Thiện công Miên Thẩm, nhiều hoàng thân, quốc thích cũng tìm đến những vùng đất bên ngoài Kinh Thành để dựng phủ. Cuộc sống quyền quý của các thành viên hoàng gia ở trong cung cấm, theo đó mà thâm nhập vào đời sống dân gian, cho dù ở nơi ở mới, cánh cửa phủ đệ vẫn lặng lẽ đóng kín nhưng khoảng cách giữa thường dân với các bậc quyền quý trong cung đã phần nào được khỏa lấp và văn hóa cung đình cũng theo đó mà lan tỏa khắp chốn kinh kỳ. Những vùng đất trù phú, thanh bình dọc hai bờ sông Lợi Nông, từ Phủ Cam xuôi về An Cựu, ở làng Kim Long, thôn Vỹ Dạ, xóm Gia Hội hay vùng Chợ Cống… là những nơi được nhiều ông hoàng, bà chúa lựa chọn làm nơi dựng phủ, lập đệ. Theo thời gian, những vùng đất này đã trở thành nơi bảo lưu “dấu tích lưu trú” của các ông hoàng, bà chúa thời Nguyễn.
Phủ Tùng Thiện vương
Phủ Tùng Thiện vương
Phủ đệ là cơ nghiệp riêng do các ông hoàng, bà chúa tự lập nên bằng tiền lương và các khoản bổng lộc mà triều đình ban tặng cho họ. Tùy theo chức tước và bổng lộc mà chủ nhân thụ đắc, phủ đệ sẽ to hay nhỏ, đường bệ hay khiêm tốn. Tuy nhiên, do triều Nguyễn là vương triều “nghèo khó” bậc nhất châu Á lúc bấy giờ, nên bổng lộc mà các thân công, hoàng tử, công chúa thụ hưởng cũng chẳng nhiều nhặn gì. Vì thế, nên khi phủ đệ hư hỏng, chủ nhân không có tiền sửa chữa, phải vay mượn tiền bạc của triều đình. Theo sách Đại Nam thực lục do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, thì vào tháng 2 năm Ất Hợi (1875) Vinh Lộc quận công Miên Tri vay nợ ở triều đình 1.000 quan tiền để sửa chữa phủ đệ bị hư hỏng. Theo quy định, mỗi hoàng thân, hoàng tử, công chúa, khi sửa chữa phủ đệ sẽ được vay 1.000 quan và mỗi năm phải trả nợ 300 quan tiền cho triều đình. Miên Tri mới vay tiền được một tháng đã tiêu hết vào việc sửa nhà, nên phải xin triều đình cho lãnh lương trước 2 – 3 năm để trả nợ. Vị hoàng thân đứng đầu Tôn Nhân phủ là Miên Định biết được việc ấy bèn hặc tâu với vua.
Phủ đệ, nơi hình thành, bảo lưu và lan tỏa tính cách Huế
Thật ra, hoàng cung và lăng tẩm của các bậc đế vương không làm nên tính cách Huế. Đó là nơi vương giả, với những quy định nghiêm nhặt và những điều húy kỵ khiến cho chốn ấy trở nên vời xa trong con mắt dân chúng. Phủ đệ mới là nơi trung chuyển lối sống và văn hóa cung đình đến với dân gian xứ Huế, từ đó, góp phần hình thành nên tính cách Huế, như nhận xét của nhà nghiên cứu Trịnh Bách: “Chính các phủ đệ của ông hoàng bà chúa đã tạo ra cái phong cách Huế cho dân đế đô, vì chúng được xây ngoài phạm vi hoàng thành, xen lẫn với phố xá làng mạc. Cư dân chung quanh ngày xưa rất hãnh diện với các vương phủ trong bản hạt của họ. Họ cung cấp mọi dịch vụ cần thiết cho phủ, và cùng lúc đó họ học hỏi phong cách sống cung đình từ người trong phủ”.
Phủ thờ Ngọc Sơn công chúa
Phủ thờ Ngọc Sơn công chúa
Một trong những tính cách đặc trưng của văn hóa ứng xử Huế là tính cách mệ. Tính cách này được hình thành và nuôi dưỡng từ những phủ đệ kín cổng cao tường kia. Nguyên nghĩa,mệ là từ người Huế dùng để gọi phụ nữ ngoài 60 tuổi, cũng là danh xưng mà con cháu gọi người bà của mình, là mệ nội, mệ ngoại hay mệ dì… Song chữ mệ trong tiếng Huế còn dùng để gọi những ông hoàng, bà chúa thuộc dòng dõi Nguyễn Phước tộc, dù họ là nam hay nữ. Những người quyền quý này xưng mệ khi chuyện trò, trao đổi với người ngoài như một cách tỏ bày nguồn gốc cao quý của mình: ta đây thuộc dòng dõi quý tộc, có mối liên hệ máu mủ với đức kim thượng trong Tử Cấm Thành kia; xưng mệ là để tỏ sự phân biệt với các hạng dân khác ở đế đô. Mệ có đời sống riêng ẩn giấu trong vòng tường của phủ đệ và mỗi khi ra khỏi lớp tường rêu phong ấy, mệ có cách hành xử riêng, vừa cao ngạo, vừa khoan dung, sẳn lòng ban ơn cho kẻ dưới, cho dẫu có lúc kẻ dưới ấy là người giàu có của cải, tiền bạc hơn so với mệ. Khi nhà Nguyễn trở thành quá vãng, mệ không còn nguồn chu cấp, trở nên nghèo khó, nhưng ánh hào quang của địa vị xuất thân ở trong mệ vẫn còn le lói chứ không bao giờ tắt hẳn. Mệ vẫn sống lối sống phong lưu như trước, vẫn dùng lối xưng hô như cũ, ra đường vẫn quần là áo lượt, vẫn áo the quần gấm, vẫn ban phát ân sủng khi cần thiết. Vòng tường cao cao và cánh cửa đóng kín của phủ đệ đã che giấu sự khốn khó của mệ trước những con mắt soi mói của các hạng dân thường. Chỉ khi đêm về, khi nhìn thấy tòa chính đường trong phủ đã xập xệ, giột nát, và những món đồ cổ mà “ngài ngự” ban cho lúc trước, nay đã được đổi thành những khoản tiền nhỏ để bù đắp cho những chi phí thường nhật của mệ và con cháu mệ, mệ mới cất tiếng thở dài. Nhưng rồi khi mặt trời mọc, mệ lại đường hoàng bước ra khỏi cổng phủ, gọi chiếc xích lô chở đi ăn sáng. Mệ vẫn là mệ và phủ đệ vẫn biết cách cất giấu những khốn khó của mệ, kể từ lúc nhà Nguyễn thoái trào cho đến tận hôm nay.
Lần theo dấu vết phủ đệ
Thuở hoàng kim, xứ Huế có khoảng 150 phủ đệ ở khắp trong ngoài Kinh Thành. Nhà Nguyễn cáo chung, vật đổi sao đời, phủ đệ cũng theo đó mà suy tàn. Đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Huế còn lưu giữ khoảng 85 phủ đệ, tập trung ở các khu vực: phía đông bắc Thành Nội, An Cựu, Kim Long, Vỹ Dạ và Gia Hội. Còn bây giờ, cho dù kín cổng cao tường thì khuôn viên phủ đệ ngày càng nhỏ hẹp dần do quá trình đô thị hóa, hoặc bị chia năm xẻ bảy bởi nạn nhân mãn. Thế giới trầm lắng, bí ẩn, luôn ẩn khuất đằng sau các cánh cửa gỗ hàng trăm năm tuổi của phủ đệ đang dần mở ra trong lòng xứ Huế đương đại.
Nhưng như thế không có nghĩa là những phủ đệ của Huế xưa đã mất dạng hoặc đang phơi ra dưới ánh mắt soi mói của người đời. Phủ đệ vẫn là nơi chốn mà mỗi lần đến Huế, du khách nên tự mình tìm đến, bước qua bậc tam quan có cánh cửa gỗ dường như luôn đóng kín, để khám phá những gì ẩn giấu bên trong. Du khách có thể làm một chuyến ngao du tìm về những phủ đệ còn sót lại ở Kim Long, Gia Hội, Vỹ Dạ, An Cựu… như tìm về những hoài niệm của Huế xưa.
Ngược lên Kim Long, du khách viếng thăm phủ đệ của các hoàng thân, công chúa triều Nguyễn và các phủ từ của họ ngoại vua Tự Đức như: Ðức quốc công từ, Diên Phước công chúa từ Vĩnh quốc công từ, Khoái Châu quận công từ… Xuôi về Gia Hội ghé thăm phủ Thọ Xuân vương, phủ Thoại Thái vương, phủ Hòa Thạnh vương, phủ Lạc Biên…, rồi tranh thủ ghé thăm xóm Ngự Viên ở đường Mạc Đĩnh Chi, nơi còn dấu tích của dăm bảy vương phủ của các hoàng thân thuộc các triều Minh Mạng và Thiệu Trị, ghé đường Nguyễn Chí Thanh thăm phủ thờ công chúa Ngọc Sơn, con vua Đồng Khánh.
Phủ Vĩnh Quốc công
Phủ Vĩnh Quốc công
Du khách cũng có thể đi dọc đôi bờ sông Lợi Nông, bên bờ đông thì viếng thăm phủ Tùng Thiện vương, từ đường Ngọc Lâm công chúa, phủ Kiên Thái vương, phủ An Hóa công, từ đường Bái Ân công chúa hay cung An Định, vốn là phủ tiềm để của Phụng Hóa công Bửu Đảo, trước ngày ông hoàng này lên ngôi trở thành vua Khải Định; bên bờ tây thì ghé thăm phủ Kiến Hòa, phủ Mỹ Hóa…
Phủ Khải Uy Trung Hưng Hồng Cơ
Phủ Khải Uy Trung Hưng Hồng Cơ
Từ An Cựu ghé sang Chợ Cống thăm phủ Hàm Thuận công và từ đường An Thường công chúa, nơi thờ công chúa Nguyễn Phúc Lương Đức, con thứ 4 của vua Minh Mạng. Rồi xuôi về Vỹ Dạ, vốn là nơi có nhiều phủ đệ bậc nhất thuở trước, nay vẫn còn lưu dấu những vương phủ uy nghi mà du khách nên viếng thăm trong hành trình theo dấu vương phủ của Huế xưa như phủ Tuy Lý vương, phủ Diên Khánh vương, phủ Phong Quốc công, phủ Ðịnh Viễn quận vương…
Phủ Phong Quốc công
Phủ Phong Quốc công
Phủ ông Nghè Đường ở Long Thọ
Phủ ông Nghè Đường ở Long Thọ
Lúc ấy, du khách mới thấy Huế vẫn còn biết bao kỳ bí cần phải khám phá: cả những kỳ bí giấu sau cánh cửa phủ đệ, lẫn những kỳ bí ẩn dưới tính cách lịch lãm và đài đệ của dân mệ.
VƯƠNG PHỦ CỦA THI ÔNG, THI BÁ
Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán
Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường
Thời tiền Hán (ở Trung Hoa) vốn nổi tiếng về văn từ, nhất là lối văn chép sử, mà Sử ký của Tư Mã Thiên (145 – 86 trước Công nguyên) và Hán thư của Ban Cố (32 – 92 sau Công nguyên) là tuyệt đỉnh; còn thời thịnh Đường thì nổi tiếng với hàng vạn bài Đường thi và hàng trăm tác gia lừng danh, trong đó có Đỗ Phủ (712 – 770) được suy tôn là “thi thánh”, có Lý Bạch (701 – 762) được xưng tụng là “thi tiên”. Thế mà, so với văn của Nguyễn Văn Siêu (1799 – 1872) và Cao Bá Quát (1809 – 1855) thì văn thời tiền Hán cũng vô nghĩa; so với thơ của Tùng Thiện vương Miên Thẩm (1819 – 1870) và Tuy Lý vương Miên Trinh (1820 – 1897), thì thơ thời thịnh Đường cũng không theo kịp.
Trong bốn danh sĩ trên, thì Tùng Thiện vương Miên Thẩm và Tuy Lý vương Miên Trinh là hai vị hoàng tử con vua Minh Mạng (1820 – 1841). Đó cũng là hai ông hoàng của thi ca thời Nguyễn. Hai ông được người đương thời tôn vinh là Thi Ông (Tùng Thiện vương) và Thi Bá(Tuy Lý vương). Vương phủ của hai ông nay vẫn lưu dấu nơi xứ Huế, trở thành những di tích lịch sử văn hóa của cố đô.
1. Theo sách Tùng Thiện vương (Ưng Trình và Bửu Dưỡng biên soạn, xuất bản năm 1970), thì: “Theo lệ, các hoàng tử lên 18 tuổi thì phải xuất phủ, nghĩa là phải ra ngoài Tử Cấm Thành, biệt lập gia đình như Võ Xuân Cẩn đã tâu, xin ơn cho các hoàng thân, hoàng tử. Tùng Thiện vương xuất phủ ở ngang với phủ Tuy Lý vương, tại phường Liêm Năng trong Kinh Thành, phía đông Lục Bộ…”. Phường Liêm Năng ở bên trong Thành Nội. Phủ của hai ông hoàng Miên Thẩm và Miên Trinh tọa lạc ở phía sau Cơ Mật Viện.
Dù đã được triều đình ban đất để dựng vương phủ ở trong Kinh Thành, kế bên Hoàng Thành, nhưng ông hoàng Miên Thẩm vẫn muốn được thoát khỏi vòng cương tỏa của hoàng gia, về sinh sống nơi thôn dã để tiện bề giao lưu thi phú với các tao nhân, mặc khách bên ngoài Kinh Thành. Vì thế, năm 1846, Miên Thẩm, bấy giờ đang thụ tước Tùng Quốc công, đã bỏ tiền riêng mua một khoảnh đất rộng ở bên dòng sông Lợi Nông (sông An Cựu), tự tay kiến thiết, xây dựng, đắp núi đào hồ, lập nên Tiêu viên và rước mẹ là bà Thục tân Nguyễn Thị Bảo từ trong Đại Nội về đây để ông chăm sóc, phụng dưỡng.
Tùng Thiện vương từ môn
Tùng Thiện vương từ môn
Cây hoàng mai gần 140 năm tuổi trong phủ Tùng Thiện vương
Cây hoàng mai gần 140 năm tuổi trong phủ Tùng Thiện vương
Năm 1849, Tiêu viên được đổi tên thành Ký Thưởng viên. Đó là một vương phủ bề thế và quy mô, cả trong lẫn ngoài có đến 16 công trình kiến trúc, như: Thương Hà Bạch Lộ đường(nơi tiếp đãi sĩ phu, cũng là nơi tiếp nhận các bản thảo thi văn của vua Tự Đức do Thị vệ chuyển từ Đại Nội sang để Tùng Quốc công nhuận sắc giúp vua), Mô trường (nơi Tùng Quốc công cùng các huynh đệ, bằng hữu, con cháu, học trò ngâm vịnh thi phú), Bạch Bí(nơi ở của các bà vợ của Tùng Quốc công), Tùng Vân (thư phòng để thơ văn và bút nghiên),Cổ Cầm đình (nơi Tùng Quốc công đàn hát, đánh cờ, chơi mạt chược với gia nhân và bằng hữu), Mặc Vân sào (nơi lưu trữ và tra cứu kinh, sử, tử, truyện của Nho giáo), Xuy Tiêu ủy(nơi Tùng Quốc công thường thổi sáo trúc cùng các nghệ nhân), Sở Tụng đình (vườn trồng cam, quýt, bưởi, phật thủ…), Hàn Lục hiên (vườn trồng hoa), Vô Phi tân tạ (nhà tắm nằm bên cạnh hồ nước có dựng giả sơn), Nhất Quyên thạch (cầu đá được bắc qua hồ nước để ngắm cảnh), Không Minh bộ (đường đi dạo quanh Ký Thưởng viên), Thanh Tịnh thối (cửa đi vào phủ, về sau đổi gọi là Tùng Thiện vương từ môn), Bến phủ (bến nước trước phủ, dân gian vẫn gọi là “bến phủ Tùng”, nơi có chiếc thuyền buồm nhỏ để Tùng Quốc công dạo chơi trên sông Lợi Nông và sông Hương)…
Phủ thờ bà Thục tân Nguyễn Thị Bảo, thân mẫu Tùng Thiện vương, trong khuôn viên của phủ
Phủ thờ bà Thục tân Nguyễn Thị Bảo, thân mẫu Tùng Thiện vương, trong khuôn viên của phủ
Ký Thưởng viên không phải là một vương phủ kín cổng cao tường như các phủ đệ khác. Đây là chốn tụ hội của giới văn nghệ sĩ xứ Huế đương thời, nơi gặp gỡ của tao nhân mặc khách: “Không ngày nào số văn nhân hội họp không dưới nửa trăm người. Tùng Thiện vương cũng như một vị Mạnh Thường Quân nho nhỏ”. Chính tại Ký Thưởng viên, Tùng Quốc công đã lập nên Tùng Vân thi xã, về sau đổi thành Mặc Vân thi xã, quy tụ các văn nhân tên tuổi ở Huế đô, cùng nhau sáng tác và ngâm vịnh thi phú.
Án thờ vua Minh Mạng bên trong phủ thờ bà Thục tân Nguyễn Thị Bảo
Án thờ vua Minh Mạng bên trong phủ thờ bà Thục tân Nguyễn Thị Bảo
Nội thất phủ thờ bà Thục tần Nguyễn Thị Bảo
Nội thất phủ thờ bà Thục tần Nguyễn Thị Bảo
Năm 1849, Án sát tỉnh Quảng Tây là Lao Sùng Quang được nhà Thanh cử làm Khâm sứ, dẫn đầu sứ bộ của Thanh triều đến kinh đô Huế để tuyên phong cho vua Tự Đức (1848 – 1883). Đây là lần đầu tiên một sứ bộ của nhà Thanh trực tiếp đến Huế để tuyên phong cho một vị vua triều Nguyễn, thay vì vua Nguyễn phải ra Hà Nội để thụ phong như trước đây. Lao Sùng Quang là tiến sĩ đệ nhị giáp của Trung Hoa, có tiếng là người “văn hay chữ tốt”. Vì thế, trước ngày Lao Sùng Quang đến Huế, vua Tự Đức và triều thần đã sai Nội các và Hàn Lâm viện tuyển chọn những kiệt tác văn chương của các danh sĩ triều Nguyễn như: vua Tự Đức, Miên Thẩm, Miên Trinh, Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu, Phan Thanh Giản, Hà Tôn Quyền… in thành tập Phong nhã thống biên, vừa làm “quà” nghênh tiếp Lao Sùng Quang, vừa “ngầm khoe” văn tài của học giới nước Việt bấy giờ.
Phủ thờ Tùng Thiện vương
Phủ thờ Tùng Thiện vương
Lao Sùng Quang đến Huế, sau khi đọc tặng phẩm Phong nhã thống biên, thì lấy làm nể phục các văn nhân, danh sĩ của triều Nguyễn, đặc biệt là với Tùng Quốc công Miên Thẩm, người có nhiều thơ văn được tuyển in trong Phong nhã thống biên. Vì thế, ở Huế chưa được mấy hôm, Lao Sùng Quang đã thân hành tìm đến Ký Thưởng viên để đàm đạo văn chương thế sự với Tùng Quốc công. Cuộc bút đàm giữa Thi Ông nước Đại Nam với vị tiến sĩ nước Đại Thanh ở Ký Thưởng viên là một sự kiện trọng đại đối với vương phủ này. Chính ở nơi này, Lao Sùng Quang đã viết hai câu thơ ngợi khen văn tài của Thi Ông: “Độc đáo bạch âu hoàng diệp cú. Mãn hoài tiêu sắt đái thu hàn” (Ưng Trình và Bửu Dưỡng dịch thơ: Đọc đến câu ‘Bạch âu hoàng diệp’. Cả người ớn lạnh với hơi thu). Về sau khi viết lời tựa cho cuốnThương Sơn thi tập của Tùng Thiện vương, Lao Sùng Quang đã viết: Thương Sơn nhất lão, thiên đãi dĩ chi thức thị. Nam bang khởi đắc, cẩn đại thi nhân mục chi da”. (Ưng Trình và Bửu Dưỡng dịch thơ: Trời sinh Thương Sơn để làm gương cho người Việt. Nào ai dám coi ông như một thi hào mà thôi). Thương Sơn là bút hiệu chính của Miên Thẩm.
Án thờ và chân dung Tùng Thiện vương
Án thờ và chân dung Tùng Thiện vương
Năm 1854, Thi Ông Miên Thẩm được phong là Tùng Thiện công. Năm 1868, nhân mừng thọ ông 50 tuổi, vua Tự Đức ban cho ông vàng bạc, gấm lụa, rượu trà, văn phòng tứ bảo và làm bài thơ Hoài công (Nhớ Tùng Thiện công) ban cho ông và ông đã họa lại để cảm từ.
Tùng Thiện công Miên Thẩm qua đời 30.4.1870, hưởng thọ 52 tuổi, có 20 con trai và 12 con gái. Năm 1878, vua Tự Đức truy tặng ông là Tùng Thiện quận vương. Năm 1924, vua Khải Định truy tặng ông là Tùng Thiện Vương.
Nội thất phủ thờ Tùng Thiện vương
Nội thất phủ thờ Tùng Thiện vương
Sau ngày Thi Ông qua đời, Ký Thưởng viên trở thành Tùng Thiện vương từ, thường được gọi là phủ Tùng Thiện vương. Đây là nơi thờ phụng Thi Ông và thân quyến của ông. Những lầu tạ, đình các, thư hiên… trong Ký Thưởng viên xưa không còn nữa, thay vào đó là hai tòa phủ thờ: tòa phía trước thờ bà Thục tân Nguyễn Thị Bảo, thân mẫu của Tùng Thiện vương; tòa phía sau thờ Thi Ông và các thành viên trong gia quyến.
Phủ Tùng Thiện vương nay tọa lạc ở số 91, đường Phan Đình Phùng, thành phố Huế. Bên trong những cánh cửa gỗ màu đỏ luôn luôn khép kín của từ môn và vòng tường thành rêu phong phủ kín là một cõi riêng tôn kính và hoài niệm về Thi Ông. Sau bình phong “lưỡng long triều phúc” án ngữ ở đằng trước là hai tòa phủ thờ uy nghi. Đây cũng là nơi lưu giữ những kỷ vật liên quan đến cuộc đời và văn nghiệp của ông. Trước tác của Tùng Thiện vương rất đồ sộ, với các tác phẩm nổi tiếng như: Thương Sơn thi tập, Thương Sơn từ tập,Thương Sơn thi thoại, Thương Sơn ngoại tập, Thương Sơn văn di, Tĩnh y ký, Thức Cốc biên, Lão sinh thường đàm, Lịch đại đế vương thống hệ… Những trước tác của ông đều được khắc in bằng mộc bản. Hiện nay, tại phủ thờ Tùng Thiện vương còn lưu giữ gần 1.000 mộc bản khắc in các tác phẩm của Thi Ông, được hậu duệ của ông xem là vật gia bảo, giữ gìn rất cẩn trọng.
2. Sau khi Tùng Quốc công Miên Thẩm rời Kinh Thành ra ngoài, lập phủ riêng ở bên bờ sông Lợi Nông, thì các ông hoàng khác của triều Nguyễn cũng nối bước Tùng Quốc công tìm về dựng phủ ở các vùng quê như: An Cựu, Kim Long, Vỹ Dạ… Trong số đó có Tuy Quốc công Miên Trinh, hoàng tử thứ 11 của vua Minh Mạng, em khác mẹ của Tùng Quốc công Miên Thẩm.
Bình phong trong phủ Tuy Lý vương
Bình phong trong phủ Tuy Lý vương
Năm 1839, Miên Trinh được phong là Tuy Quốc công, cho lập phủ riêng gọi là Tĩnh Phố, bên cạnh phủ Tùng Thiện công ở phường Liêm Năng trong Kinh Thành Huế. Đến năm 1847, ông lập phủ mới ở thôn Vi Dã (nay là phường Vỹ Dạ, thành phố Huế), rước mẹ là bà Tiệp dư Lê Thị Ái, về phụng dưỡng.
Phủ thờ bà Tiệp dư Lê Thị Ái, thân mẫu Tuy Lý vương, trong khuôn viên của phủ
Phủ thờ bà Tiệp dư Lê Thị Ái, thân mẫu Tuy Lý vương, trong khuôn viên của phủ
Năm 1854, Miên Trinh được tấn phong là Tuy Lý công. Đến năm 1878, nhân Ngũ tuần đại khánh của vua Tự Đức, ông được phong là Tuy Lý quận vương. Năm 1883, vua Tự Đức thăng hà, để lại di chiếu cho ông và Thọ Xuân vương là hai người giúp đỡ tân vương lo việc nước. Tuy nhiên, do nội bộ trong triều bấy giờ có nhiều phe phái. Hai vị Phụ chính đại thần là Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đã thâu tóm quyền bính, dẫn đến loạn “tứ nguyệt tam vương” (bốn tháng, ba vua), nên Tuy Lý quận vương sợ bị hại, phái lánh mình trên chiếc tàu La Vipère của Pháp ở cửa biển Thuận An. Sau đó, người Pháp đưa Tuy Lý quận vương trở về kinh đô Huế. Hai ông Thuyết và Tường quy tội Miên Trinh, giáng xuống làm Tuy Lý huyện công, bắt giam vào binh xá ở phủ Thừa Thiên rồi đưa đi an trí ở Quảng Ngãi. Sau khi vua Đồng Khánh (1885 – 1889) lên ngôi, ông được triệu hồi về Huế và được phục tước Tuy Quốc công. Năm 1889, vua Thành Thái (1889 – 1907) cho phục tước Tuy Lý quận vương cho ông. Do những biến cố trong cuộc đời của ông trước đó nên gia sản của ông mất sạch. Vì thế, vua Thành Thái đã ban cấp 1000 quan tiền để ông dựng lại vương phủ ở thôn Vi Dã. Năm 1894, ông được thăng tước Tuy Lý Vương.
Án thờ Phật bên trong phủ thờ bà Tiệp dư Lê Thị Ái
Án thờ Phật bên trong phủ thờ bà Tiệp dư Lê Thị Ái
Tuy Lý vương Miên Trinh mất ngày 18.11.1897, thọ 79 tuổi, có 77 người con trai và 37 người con gái.
Miên Trinh cũng là một ông hoàng thi sĩ. Ông làm thơ từ năm 13 tuổi và được các danh sĩ đương thời ở kinh đô Huế tôn xưng là Thi Bá. Thơ văn của ông thường đề cập đến vấn đề đạo đức luân lý; diễn tả cảm xúc của ông trước thiên nhiên và tình cảm đối với bằng hữu và quyến thuộc.
Phủ thờ Tuy Lý vương
Phủ thờ Tuy Lý vương
Các trước tác của Thi Bá được tập hợp trong Vi Dã hợp tập, gồm 12 quyển, trong đó có 5 quyển văn, 6 quyển thơ và 1 quyển tự truyện. Tuy Lý vương sáng tác cả chữ Hán lẫn chữ Nôm, với các tác phẩm như Nữ phạm diễn nghĩa từ, Nghinh tường khúc. Tác phẩm chữ Nôm nổi tiếng nhất của ông là Nữ phạm diễn nghĩa từ, biên soạn vào năm 1853, có nội dung đề cao tứ đức (công, dung, ngôn, hạnh) của người phụ nữ theo quan điểm đạo đức của Nho giáo. Ngoài ra, ông cùng với anh trai Miên Thẩm và em trai Miên Bửu, sáng tác chung một bài thơ chữ Nôm dài 64 câu, tựa là Hòa lạc ca, nhân dịp ba anh em cùng đi du thuyền về cửa biển Thuận An, chẳng may gặp sóng gió, suýt bị nạn. Đây là bài thơ rất nổi tiếng ở Huế lúc bấy giờ, thể hiện sự tài hoa và tình cảm gắn bó của ba anh em Miên Thẩm – Miên Trinh – Miên Bửu, ba ông hoàng thi ca, con vua Minh Mạng.
Án thờ và chân dung Tuy Lý vương
Án thờ và chân dung Tuy Lý vương
Ngày nay, phủ Tuy Lý vương tọa lạc ở số 140, đường Nguyễn Sinh Cung, thành phố Huế. Tên chính thức của nơi này Tuy Lý vương từ, được khắc trân bức hoành phi sơn son thếp vàng treo ở phủ thờ chính bên trong khuôn viên của phủ. Tuy nhiên, dân Huế vẫn quen nơi này là phủ Ba Cửa, vì ở từ môn của phủ này có 3 ba cái cửa.
Nội thất phủ thờ Tuy Lý vương
Nội thất phủ thờ Tuy Lý vương
Khuôn viên của phủ Tuy Lý vương rộng khoảng 2000m2. Bên trong phủ hiện còn hai tòa nhà chính. Tòa ở đằng trước là phủ thờ bà Tiệp dư Lê Thị Ái, thân mẫu của Tuy Lý vương, bên trong có treo tấm hoành phi đề dòng chữ Hán Tiền triều Lê tiệp dư từ. Tòa phía sau là phủ thờ Tuy Lý vương, có bức hoành phi sơn son thếp vàng đề dòng chữ  Tuy Lý vương từ. Đây là ngôi nhà rường ba gian hai chái được làm theo kiểu nhà kép, gồm hai bộ mái được nối lại với nhau bằng trần thừa lưu. Cổ diêm và các bờ nóc bờ quyết của tòa phủ này có các đồ án tứ linh (long, lân, quy, phụng) được trang trí bằng sành sứ khảm cẩn. Ở nội thất, ngoài bàn thờ và khám thờ Tuy Lý Vương, còn thiết trí khá nhiều đồ tự khí, các hình ảnh của ông và những hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Thi Bá Miên Trinh. Những hiện vật đáng chú ý nhất ở nơi đây là hơn 150 mộc bản khắc in những tác phẩm thơ văn của ông.
Án thờ vọng, hoành phi, đối liễn trong phủ thờ Tuy Lý vương
Án thờ vọng, hoành phi, đối liễn trong phủ thờ Tuy Lý vương
Ngoài ra, trong khuôn viên của phủ còn có một ngôi nhà xây, là nơi thờ bà phủ thiếp Nguyễn Thị Lựu, người vợ thứ hai của ông.
Cả phủ Tùng Thiện vương và phủ Tuy Lý Vương đều được công nhận là di tích lịch sử văn hóa, và là những nơi mà du khách và những người yêu mến thi tài của hai ông nên viếng thăm mỗi khi có dịp đặt chân đến cố đô Huế.

















Nhận xét