Vương quốc nhà trình tường cổ kính ở tỉnh Lạng Sơn

Người hiếu kỳ đi lên cửa khẩu Chi Ma (tỉnh Lạng Sơn) sẽ thấy ngạc nhiên với dãy phố của những ngôi nhà trình tường cổ kính, kéo dài dọc đường đến 3km. 
Kỳ lạ hơn, với kỹ thuật độc đáo, có nhiều ngôi nhà trình tường hai tầng hoàn toàn bằng đất sét nhưng vững trãi và kiên cố đã hơn 100 năm nay. 
Người xứ Lạng vẫn thường gọi xã Hữu Khánh, huyện Bình Lộc, tỉnh Lạng Sơn bằng những mỹ từ như vương quốc nhà trình tường, phố trình tường hay xứ sở của những ngôi nhà trình tường.  
Mục sở thị mới thấy thán phục sự công phu của những ngôi nhà trình tường đã được xây dựng lâu đời. Đem chuyện hỏi trưởng bản Hà Văn Bôn ở bản Kiểng, ông trả lời rất tự hào: “Chẳng biết nhà trình tường có từ khi nào nhưng khi người Tày đến đây định cư thì đã có nhà trình tường rồi. Bây giờ thì chẳng còn ai xây dựng nhà trình tường nữa nên bí quyết chỉ còn mỗi ông Hà Văn Dẩn còn biết.” 
Đến nhà ông Dẩn thì thấy ngôi nhà ông đang ở quả là vĩ đại. Ba ngôi nhà trình tường hai tầng kề liền nhau có chiều dài hơn 30m như nhà dài của người Êdê, đều có cửa thông nhau. 
Ông Dẩn đã ngoài 80 tuổi nhưng khi hỏi đến câu chuyện nhà trình tường thì ông toát lên vẻ tinh anh bởi lâu lắm rồi không ai trong bản nhắc đến câu chuyện làm nhà trình tường nữa. 
Ông bảo: “Người Tày chúng tôi có hai kỹ thuật dựng nhà trình tường. Loại thứ nhất là trình tường trực tiếp bằng đất. Loại nhà này sau khi chọn đất thì dùng khung để nén đất sét trình tường. Loại thứ hai là dùng khuôn đúc gạnh đất sét rồi xây như kiểu nhà hiện đại nhưng chỉ khác là hồ và vữa để xây cũng chỉ bằng đất sét.”
Ông còn cho biết, cái khó nhất khi làm nhà trình tường là chọn đất để cất nhà. Theo phong thủy của người Tày, cũng giống như cách dựng nhà của người Kinh là nhà ngoảnh về hướng nam và tựa lưng vào núi. 
Ở Hữu Khánh địa hình chủ yếu là đồi núi dốc nên dựng nhà ở triền đồi là thích hợp nhất. Nhưng điều quan trọng nhất, xung quanh mảnh đất ấy phải có nhiều cây, cây cổ thụ thi càng tốt bởi theo kinh nghiệm truyền đời của người Tày, nơi có nhiều cây thì mảnh đất đó không bao giờ bị sạt lở.
Còn những ngôi nhà trình tường hai tầng thì kỹ thuật rất cao. Cái khó nhất để dựng nhà hai tầng là gia cố móng và trình tường các trụ nhà. Móng nhà thì chỉ gia cố duy nhất bằng kỹ thuật xếp đá, đá phải xếp khít để đủ chịu lực và chắc chắn. Bốn trụ nhà bốn góc tường chính là bốn cọc chịu lực cũng phải xếp đá rồi mới trình tường. Ngày xưa công đoạn chọn đất, xếp đá móng và xếp đá trụ phải chính tay ông Dẩn trực tiếp làm. Bởi theo ông bảo, nếu những công đoạn đó làm không chính xác ngôi nhà trình tường có thể sụp đổ bất kỳ lúc nào.
Theo quan niệm của người Tày, một ngôi nhà trình tường tốt thì tường ngôi nhà đó mùa mưa không bị ngấm nước. Để tường đất không bị ngấm nước dù mưa dài ngày thì công đoạn nện đất tường phải công phu và cẩn thận.
Có nhiều ngôi nhà ngày xưa chính tay ông trực tiếp làm thì riêng công đoạn nện đất trình tường phải mất hơn ba tháng mới xong. Nhà trình tường mùa Đông thì ấm, chống gió, còn mùa Hè thì mát, chống nóng. Có một nhược điểm duy nhất của nhà trình tường là vào mùa mưa nhà hay bị ẩm mốc nhưng người Tày đã có sáng kiến làm ngay bếp lửa giữa nhà để chống lạnh và xua ẩm mốc. Chính vì có bếp luôn đỏ lửa trong nhà bám khói nên những ngôi nhà trình tường ở Hữu Khánh càng thêm rêu phong, cổ kính. 
Xã Hữu Khánh hiện có bảy bản vẫn còn giữ được hơn 1.000 ngôi nhà trình tường nguyên vẹn cùng năm tháng. Huyện Bình Lộc đang làm đề án bảo tồn phố trình tường ở Hữu Khánh để phát triển du lịch văn hóa trong tương lai không xa./. 

Nhận xét