Năm 1956 nhân cơ hội Pháp rút khỏi Việt Nam để thực hiện hiệp định Genève, trong bối cảnh chưa đủ khả năng để quản lý các vùng biển đảo của Việt Nam, thì Trung Quốc nhân cơ hội đã đánh chiếm cụm đảo phía Đông của Hoàng Sa. Đến 1974, cùng sự thỏa hiệp của Mỹ, Trung Quốc đã đánh chiếm toàn bộ cụm đảo phía Tây của Hoàng Sa.
Đối với quần đảo Trường Sa, chúng ta khẳng định chúng ta là nước đầu tiên làm chủ nguyên một vùng biển đảo rộng lớn, tuy nhiên, với lực lượng hải quân nhỏ bé, và điều kiện phát triển chưa cao, chúng ta chỉ làm chủ ở một số đảo. Năm 1971 Philippines đã lấn chiếm và làm chủ 5 đảo thuộc phía Đông của quần đảo Trường Sa (gần Philippines), đến 1973, họ lấn chiếm tiếp hai đảo ở phía Bắc.
Với Malayxia, cho đến năm 1979 họ đã lấn chiếm và làm chủ 7 đảo ở phía Nam quần đảo Trường Sa. Năm 1988, nhân cơ hội đất nước đang gặp nhiều khó khăn, phải đương đầu với cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam, Trung Quốc đã tiến hành đánh chiếm 7 bãi đá ngầm của Việt Nam ở Trường Sa. Cho đến 2005 họ đánh chiếm tiếp 2 điểm do Philippines quản lý trên quần đảo Trường Sa.


TÓM TẮT CÁC SỰ KIỆN

Tháng 4/1975, tiếp quản các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa. 

Tháng 2/1978, Philippines đưa quân chiếm đóng đảo Ponata, đảo Dừa.

Ngày 10/3/1978, quân ta đổ bộ lên đảo An Bang.

Ngày 15/3/1978, ta đóng giữ đảo Sinh Tồn Đông.

Ngày 30/3/1978, ta đóng giữ đảo Hòn Sập (Phan Vinh).

Ngày 4/4/1978, quân ta hoàn thành việc đóng giữ đảo Trường Sa Đông.

Tháng 4/1978, đưa quân ra đóng giữ đảo Thuyền Chài, tháng 5/1978 rút về đất liền.

Tháng 12/1986 và tháng 1/1987, Malaysia chiếm đóng bãi Kỳ Vân và bãi Kiệu Ngựa.

Tháng 3/1987, ta trở lại đóng giữ đảo Thuyền Chài.

Tháng 6/1987, Trung Quốc diễn tập quân sự ở nam biển Đông. 

Tháng 10, tháng 11/1987, một số tàu chiến của Trung Quốc đi gần các đảo của Ta.

Ngày 24/10/1987, Tư lệnh Quân chủng Hải quân ra lệnh Vùng IV chuyển trạng thái sẵn sàng cđ.

Ngày 6/11/1987, được lệnh: "ra đóng giữ các bãi đá cạn chưa có người, không chờ chỉ thị cấp trên". 

Ngày 2/12/1987, tàu HQ-604 thuộc Lữ đoàn 125 đưa bộ đội đến đảo Đá Tây.

Ngày 22/1/1988, Trung Quốc đưa 4 tàu đến chiếm đóng đảo Chữ Thập.

Ngày 27/1/1988, ra đóng giữ đảo Chữ Thập.do hỏng máy đành phải quay về Trường Sa Đông.

Ngày 5/2/1988, quân ta đóng giữ đảo Đá Lát.

Ngày 6/2/1988, quân ta đóng giữ đảo Đá Lớn.

Ngày 26/2/1988, Trung Quốc chiếm đóng đảo Ga Ven.

Ngày 26/2/1988, quân ta đóng giữ đảo Tiên Nữ.

Ngày 27/2/1988, ta chốt giữ thêm đảo Tốc Tan.

Ngày 2/3/1988, ta đóng giữ thêm đảo Núi Le.

Ngày 14/3/1988, sự kiện Gạc Ma – Len Đao – Cô Lin  
------------------------------- 

KHI GIẢI PHÓNG TRƯỜNG SA, CÓ RẤT NHIỀU “TÀU LẠ” Ở QUANH CÁC ĐẢO

Thiềm Thừ – Đại tá Nguyễn Văn Dân, sinh năm 1945 tại xã Bình Minh, Tĩnh Gia, Thanh Hoá, nhập ngũ năm 1964. Đại tá Dân có gần 20 năm (1975 – 1994) gắn bó với quần đảo Trường Sa, trước khi phụ trách Hệ đào tạo sau đại học của Học viện Hải quân, rồi nghỉ hưu năm 2000. Ông được coi là một trong những kho tư liệu sống về Trường Sa. Những dòng dưới đây là lời kể của Đại tá Nguyễn Văn Dân về những sự việc đã diễn ra tại Trường Sa, trong thời điểm ông công tác thực tế. Tác giả Thiềm Thừ ghi lại, từ Nha Trang
——————————————————
 
Năm 1975, tôi đang là Trung uý, Trợ lý Tham mưu của Khu vực 2 Sông Mã, Hải quân (Khu vực là cấp tổ chức Hải quân, tương đương Vùng hiện nay), thì được lệnh tham gia Đoàn Công tác tiếp quản căn cứ Cam Ranh.

Đoàn gồm 42 người, do Trung tá Hà Trung Hỷ, Chính uỷ K2 chỉ huy (tháng 9/1975, Lữ đoàn 126 Hải quân đánh bộ được thành lập, ông Hà Trung Hỷ là Chính uỷ Lữ đoàn), Đại uý Ngô Lai làm Tham mưu trưởng.

Đoàn đi tàu đến Đà Nẵng ngày 2/4/1975. Tại đây, chúng tôi được biết chủ trương của trên: Phải bí mật, nhanh chóng giải phóng các đảo ở quần đảo Trường Sa đang do quân Sài Gòn đóng giữ, kiên quyết không để lực lượng nào khác, nhân tình hình lúc đó để chiếm đóng. Rồi tàu chúng tôi đi tiếp, đến Quân cảng Quy Nhơn tối 6/4/1975. Khi đó, ở cảng Quy Nhơn vẫn chưa hết tiếng súng. Từ Quy Nhơn, Đoàn đi ô tô, vào đến Nha Trang ngày 7/4. Ở đây, chúng tôi được lệnh gấp rút ra tổ chức tăng cường cho lực lượng ở Trường Sa. Giữa tháng 4/1975,chúng tôi xuống 2 tàu do Bộ Tư lệnh Hải quân đưa từ Hải Phòng vào, giả dạng tàu cá số hiệu 679 – 680, ra Trường Sa.Ngày 14/4, ta giải phóng đảo Song Tử Tây. Chúng tôi tiếp quản đảo Song Tử Tây từ đơn vị giải phóng đảo, tổ chức lại công tác bảo vệ và nắm thêm tình hình chung.
Sau đó, chúng tôi đến đảo Sơn Ca, một ngày sau khi đảo này được lực lượng ta trên tàu 641 giải phóng (25/4). Tại đây, Đoàn nhận 16 tù binh Sài Gòn để đưa về Cam Ranh trên tàu 641. Anh Hùng người Hà Tây, chỉ huy đơn vị giải phóng đảo Sơn Ca cho biết: Hình như có 1-2 lính Sài Gòn bơi sang đảo Ba Bình bên cạnh, do Đài Loan chiếm đóng. Sau đó, Đoàn tiếp tục đến đảo Nam Yết. Lúc đó ở gần Nam Yết có 1 tàu khu trục của Hải quân Sài Gòn, nhưng tàu này rút đi khi thấy tàu ta tới. Đảo thứ tư Đoàn tới là đảo Sinh Tồn. Chúng tôi dừng tại đây lâu hơn. Khi đó, trên đảo còn ngôi mộ của một Thiếu uý Sài Gòn, bia ghi tên là Tính hay Tích gì đó, lâu rồi tôi không nhớ, ở Chợ Lớn, bị bệnh chết.
Tôi nói với anh em: “Dù ở bên nào, nhưng họ cũng là người Việt Nam, tham gia giữ chủ quyền cho Tổ quốc, nay chết ở đây, mình cũng nên giữ mộ cho họ!”. Sau này ngôi mộ được di dời thế nào, tôi không rõ. Từ đảo Sinh Tồn, chúng tôi đến đảo Trường Sa Lớn, ngày 2/5/1975. Đây là đảo chúng tôi ở lại lâu nhất để củng cố tổ chức, lực lượng, đảm bảo các hoạt động. Nhìn chung, khi đó tổ chức phòng thủ của quân Sài Gòn tại Trường Sa còn sơ sài. Thực phẩm cho lính chỉ có gạo sấy và đồ hộp. Các đảo còn hoang vu, ở Nam Yết cây mọc khá rậm rạp. Nhưng đảo này và đảo Sơn Ca hầu như không có chim, trong khi ở Song Tử Tây, Sinh Tồn và Trường Sa rất nhiều chim.Có những bãi chim, chim bay ào ào trên đầu, còn dưới đất chim con nằm dày đặc, chúng tôi không dám bước chân… Lúc đầu, chúng ta chưa xác định được cơ cấu tổ chức, trang bị, phương tiện, công tác phòng thủ tại các đảo.
Dần dần, các khâu này được hoàn chỉnh, việc bảo đảm đời sống cho anh em trên các đảo đi vào nề nếp. Năm 1978, ta bắt đầu làm sân bay ở Trường Sa… Trong quá trình ra tiếp quản các đảo năm 1975, hầu như chúng tôi không thấy tàu Mỹ. Nhưng có một số tàu của đối phương (nói thế anh hiểu đối phương là ai rồi) ở quanh các đảo. Khi thấy tàu ta đến, họ rút đi. Ở các đảo Thị Tứ, Loại Ta chúng tôi thấy có tàu mang cờ Philippines … Tranh chấp tại đảo An Bang năm 1978, tôi không trực tiếp tham gia. Có bạn thân của tôi là Lê Văn Sợi cùng tàu HQ 617 ra An Bang, đối đầu với lực lượng Malaysia.
Trung tuần tháng 5/1975, tôi về lại Nha Trang, được cử làm Cảng vụ trưởng ở căn cứ Cam Ranh. Khu vực Cam Ranh khi đó còn thường xuyên bị không quân Sài Gòn ném bom, nhiều nhất là ở cầu Trà Long trên Quốc lộ 1A.Chỗ cảng còn rất nhiều tàu, sà lan chở dân tị nạn, cả xác lính Sài Gòn, xác dân. Dân di tản còn ở Cam Ranh khá nhiều. Thậm chí có mấy người lính Sài Gòn vẫn mặc quân phục cũ, đeo băng đạn, xin cách mạng cho bộ đồ Tô Châu để họ mặc, đứng ra giữ gìn trật tự… Lúc đó, nghe tin còn lực lượng địch cố thủ trong căn cứ Cam Ranh, tôi được lệnh đưa một sĩ quan Sài Gòn đi kiểm tra. Đó là Trung uý Tuân ở căn cứ Lam Sơn (Dục Mỹ, Ninh Hoà, Khánh Hoà), nhà ở số 91 Nguyễn Trãi, Nha Trang. Ông Tuân có thời gian làm việc trong Cam Ranh nên ít nhiều biết các khu vực ở đây.
 Các điểm chúng tôi kiểm tra đều mới bị đào bới. Nghe nói, sau khi Mỹ rút khỏi Cam Ranh năm 1973, đã có các nhà thầu được vào đó tìm phế liệu… Tháng 8/1978, tôi làm Hải đội phó Hải đội Cam Ranh. Tháng 10/1978, Vùng 4 duyên hải được thành lập. Năm 1980, tôi là Đại uý Hải đội trưởng, được điều lên làm Trưởng Ban Huấn luyện của Vùng 4, rồi được cử đi học ở Liên Xô. Năm 1983 về nước, tôi làm Phó Tham mưu trưởng Vùng, được giao nhiệm vụ chuyên giúp cho các đảo Trường Sa. ————————————————————————–
* Bài viết có sử dụng hình tư liệu của tác giả Nguyễn Viết Thái để minh họa đời sống bộ đội Trường Sa, năm 1988 và từ 1975-1990
 

CHIẾN DỊCH CQ-88 VÀ TRẬN CHIẾN 14/3/1988 TẠI TRƯỜNG SA

Mai Thanh Hải - Quần đảo Trường Sa nằm ở tọa độ 8°38′ Bắc 111°55′ Đông, với diện tích (đất liền) nhỏ hơn 5 km², gồm khoảng 148 đảo nhỏ, đảo san hô và đảo chìm rải rác trên diện tích gần 410.000 km² ở giữa biển Đông, có đường bờ biển 926 km. Quần đảo hiện đang trực thuộc đơn vị hành chính của huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà. Quần đảo Trường Sa có các nguồn lợi thiên nhiên gồm: Cá, phân chim, tiềm năng dầu mỏ và khí đốt còn chưa được xác định. Do nằm gần khu vực lòng chảo trầm tích chứa nhiều dầu mỏ và khí đốt, quần đảo Trường Sa có tiềm năng lớn về dầu khí. Hiện địa chất vùng biển này vẫn chưa được khảo sát nhiều và chưa có các số liệu đánh giá đáng tin cậy về tiềm năng dầu khí và khoáng sản khác. Quần đảo Trường Sa có vị trí chiến lược nằm gần tuyến đường vận chuyển tàu biển chính trên biển Đông.

Trong những tháng đầu năm 1988, Hải quân Trung Quốc cho quân chiếm đóng một số bãi đá thuộc khu vực quần đảo Trường Sa, chiếm giữ Đá Chữ Thập (31/1), Châu Viên (18/2), Ga Ven (26/2), Huy Gơ (28/2), Xu Bi (23/3). Hải quân Việt Nam đưa vũ khí, khí tài ra đóng giữ tại các đảo Đá Tiên Nữ (26/1), Đá Lát (5/2), Đá Lớn (6/2), Đá Đông (18/2), Tốc Tan (27/2), Núi Le (2/3), bước đầu ngăn chặn được hành động mở rộng phạm vi chiếm đóng của hải quân Trung Quốc ra các đảo lân cận. Phía Việt Nam dự kiến Trung Quốc có thể chiếm thêm một số bãi cạn xung quanh cụm đảo Sinh Tồn, Nam Yết và Đông kinh tuyến 1150. Căn cứ vào tình hình xung quanh khu vực Trường Sa, Hải quân Việt Nam xác định: “Gạc Ma giữ vị trí quan trọng, nếu để hải quân Trung Quốc chiếm giữ thì họ sẽ khống chế đường tiếp tế của Việt Nam cho các căn cứ tại quần đảo Trường Sa”.
Vì vậy, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng hạ quyết tâm đóng giữ các đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao… Thường vụ Đảng ủy Quân chủng giao cho Lữ đoàn Vận tải 125 cử lực lượng thực hiện nhiệm vụ này. Trong khi đó, Hải quân Trung Quốc sau khi đưa quân chiếm đóng các đảo chìm Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Xu Bi, Huy Gơ cũng đang có ý đồ chiếm giữ 3 đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao. Đầu tháng 3/1988, Trung Quốc huy động lực lượng của 2 Hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa, tăng số tàu hoạt động ở đây thường xuyên lên 9-12 tàu chiến gồm: 1 tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu hộ vệ pháo, 2 tàu đổ bộ, 3 tàu vận tải hỗ trợ LSM, tàu đo đạc, tàu kéo và 1 pông tông lớn. Trước tình hình đó, Tư lệnh Hải quân Việt Nam lệnh cho vùng 4, Lữ đoàn 125, Lữ đoàn 146, các Hải đội 131, 132, 134 của Lữ đoàn 172 chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao.
Đồng thời lệnh cho Vùng 1, Vùng 3 và Lữ đoàn 125 ở Hải Phòng chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu tăng cường. Bộ Tư lệnh Hải quân điều động 41 tàu thuyền và phương tiện nổi của Lữ đoàn 125, Cục Kinh tế, Vùng 1,3,5, Trường Sĩ quan Hải quân Việt Nam (nay là Học viện Hải quân Việt Nam), Nhà máy Ba Son… đến phối thuộc khi cần thiết. Lúc 19h ngày 11/3/1988, tàu HQ-604 rời cảng ra đảo Gạc Ma để thực hiện nhiệm vụ trong chiến dịch CQ-88 (“Bảo vệ Chủ quyền 1988″). Ngày 12/3/1988, tàu HQ-605 thuộc Lữ đoàn 125 do thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn chỉ huy, được lệnh từ Đá Đông đến đóng giữ đảo Len Đao trước 6h ngày 14/3. Sau 29 tiếng hành quân, tàu HQ-605 đến Len Đao lúc 5h ngày 14/3 và cắm cờ Việt Nam trên đảo.
Đèn bão sử dụng trên các đảo T.Sa 198
Thực hiện nhiệm vụ đóng giữ các đảo Gạc Ma và Cô Lin, 9h ngày 13/3/1988, tàu HQ-604 của thuyền trưởng Vũ Phi Trừ và tàu HQ-505 của thuyền trưởng Vũ Huy Lễ được lệnh từ đảo Đá Lớn tiến về phía Gạc Ma, Cô Lin. Phối hợp với 2 tàu HQ-505 và 604 có 2 Phân đội Công binh (70 người) thuộc Trung đoàn Công binh 83, cùng 4 Tổ chiến đấu (22 người) thuộc Lữ đoàn 146 do Trần Đức Thông, Lữ đoàn phó chỉ huy và 4 chiến sĩ đo đạc của Đoàn Đo đạc và biên vẽ bản đồ (thuộc Bộ Tổng tham mưu). Sau khi 2 tàu của Việt Nam thả neo được 30 phút, tàu hộ vệ của Hải quân Trung Quốc từ Huy Gơ chạy về phía Gạc Ma, có lúc đôi bên chỉ cách nhau 500 m. 17h ngày 13/3/1988, tàu Trung Quốc áp sát tàu HQ-604 và dùng loa gọi sang. Bị uy hiếp, 2 tàu HQ-604 và 505 kiên trì neo giữ quanh đảo. Còn chiến hạm của Trung Quốc cùng 1 hộ vệ hạm, 2 hải vận hạm thay nhau cơ động, chạy quanh đảo Gạc Ma.Trước tình hình căng thẳng do Hải quân Trung Quốc gây ra, lúc 21h ngày 13/3/1988, Bộ Tư lệnh Hải quân ra lệnh cho các Sĩ quan Trần Đức Thông, Vũ Huy Lễ, Vũ Phi Trừ chỉ huy bộ đội quyết giữ vững các đảo Gạc Ma, Cô Lin.
Trung tá Trần Văn Thông, Lữ phó 146
Tiếp đó Bộ Tư lệnh Hải quân ra lệnh cho lực lượng Công binh khẩn trương dùng xuồng, chuyển vật liệu xây dựng lên đảo ngay trong đêm 13/3/1988. Thực hiện mệnh lệnh, tàu HQ-604 cùng lực lượng Công binh Trung đoàn 83 chuyển vật liệu lên đảo Gạc Ma, tiếp đó lực lượng của Lữ đoàn 146 bí mật đổ bộ, cắm cờ Việt Nam và triển khai 4 Tổ bảo vệ đảo. Lúc này, Trung Quốc điều thêm 2 hộ vệ hạm trang bị pháo 100 mm đến hỗ trợ lực lượng đã đến từ trước, yêu cầu phía Việt Nam rút khỏi đảo Gạc Ma. Ban Chỉ huy tàu HQ-604 họp nhận định: Trung Quốc có thể dùng vũ lực can thiệp và quyết định chỉ huy bộ đội bình tĩnh xử trí, thống nhất thực hiện theo phương án tác chiến đề ra, quyết tâm bảo vệ Gạc Ma… Ngày 14/3/1988, chiến sự diễn ra tại khu vực các đảo Gạc Ma, Cô Lin, và Len Đao. Sáng ngày 14/3, từ tàu HQ-604 đang thả neo tại Gạc Ma, Trung tá Trần Đức Thông, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146, phát hiện thấy 4 chiếc tàu lớn của Trung Quốc đang tiến lại gần. Tổ 3 người gồm Thiếu uý Trần Văn Phương và 2 chiến sĩ Nguyễn Văn Tư, Nguyễn Văn Lanh được cử lên đảo, bảo vệ lá cờ Việt Nam đang cắm trên bãi.
Thiếu úy Trần Văn Phương
Phía Trung Quốc cử 2 xuồng chở 8 lính có vũ khí lao thẳng về phía đảo. Chỉ huy Trần Đức Thông ra lệnh cho các thủy thủ từ tàu HQ-604 tiến về bảo vệ bãi để hình thành tuyến phòng thủ, không cho đối phương tiến lên. 6h sáng, Hải quân Trung Quốc thả 3 thuyền nhôm và 40 quân đổ bộ lên đảo giật cờ Việt Nam. Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh bị lê đâm và bắn bị thương. Thiếu úy Trần Văn Phương bị bắn tử thương, trước khi chết Thiếu úy Phương đã hô: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân”.Do Hải quân Việt Nam không chịu rút khỏi đảo, lúc 7h30, Trung Quốc dùng 2 chiến hạm bắn pháo 100 mm vào tàu HQ-604, làm tàu bị hỏng nặng. Hải quân Trung Quốc cho quân xông về phía tàu Việt Nam. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ chỉ huy bộ đội trên tàu sử dụng các loại súng AK47, RPD, B-40, B-41 đánh trả quyết liệt, buộc đối phương phải nhảy xuống biển bơi trở về tàu. Hải quân Việt Nam vừa chiến đấu, vừa tổ chức băng bó, cứu chữa thương binh và hỗ trợ các chiến sĩ bảo vệ cờ trên đảo Gạc Ma.
Máy bơm nước của HQ-931 dập lửa trên HQ-505
Trung Quốc tiếp tục nã pháo, tàu HQ-604 của Việt Nam bị thủng nhiều lỗ và chìm dần xuống biển. Thuyền trưởng Vũ Phi, Lữ đoàn phó 146 Trần Đức Thông, cùng một số thủy thủ trên tàu đã hy sinh cùng tàu HQ-604 ở khu vực đảo Gạc Ma.
Tại đảo Cô Lin, lúc 6h, tàu HQ-505 của Hải quân Việt Nam đã cắm hai lá cờ trên đảo.
 Khi thấy tàu HQ-604 của Việt Nam bị chìm, thuyền trưởng tàu HQ-505 Vũ Huy Lễ ra lệnh nhổ neo cho tàu ủi bãi. Phát hiện tàu HQ-505 đang lên bãi, 2 tàu của Trung Quốc quay sang tiến công tàu HQ-505. Khi tàu HQ-505 trườn lên được hai phần ba thân tàu lên đảo thì bốc cháy. 8h15, thủy thủ tàu HQ-505 vừa triển khai lực lượng dập lửa cứu tàu, bảo vệ đảo, và đưa xuồng đến cứu thủy thủ tàu HQ-604 bị chìm ở phía bãi Gạc Ma ngay gần đó (Cô Lin cách Gạc Ma khoảng 3.5 hải lý). Thượng uý Nguyễn Văn Chương và Trung uý Nguyễn Sĩ Minh tổ chức đưa thương binh và chiến sĩ về tàu 505 (sau khi bị bắn cháy nằm trên bãi Cô Lin). Thi hài các chiến sĩ Trần Văn Phương, Nguyễn Văn Tư, cùng các thương binh nặng được đặt trên xuồng. Số người còn sức một tay bám thành xuồng một tay làm mái chèo đưa xuồng về đến bãi Cô Lin.
Thương binh – CBCS tham gia trận 14/3 trở về đất liền trên tàu HQ-931
Ở hướng đảo Len Đao, lúc 8h20 ngày 14/3/1988, Hải quân Trung Quốc dùng tất cả các loại súng pháo, điên cuồng tấn công vào tàu HQ-605 của Hải quân Việt Nam. Tàu 605 bị bốc cháy và chìm lúc 6h ngày 15/3/1988, thủy thủ đoàn của tàu bơi về đảo Sinh Tồn. Trong trận chiến ngày 14/3/1988, Hải quân Việt Nam bị thiệt hại 3 tàu (cháy và chìm), 3 người hy sinh, 11 người khác bị thương, 70 người bị mất tích. Sau này Trung Quốc đã trao trả cho phía Việt Nam 9 người bị bắt, 64 người vẫn mất tích và được xem là đã hy sinh. Nhờ hành động dũng cảm của thuyền trưởng Vũ Huy Lễ và tập thể tàu HQ-505, tàu Việt Nam nằm trên đá Cô Lin và giữ được bãi đá ngầm này.
CBCS tàu HQ-671 cứu hộ ngày 14/3/1988 tại T.S
Trung Quốc chiếm đá Gạc Ma từ ngày 16/3/1988 và vẫn giữ cho đến nay. Trong suốt thời gian xảy ra chiến sự, Hải quân Liên Xô đóng ở Cam Ranh đã không can thiệp, mặc dù giữa Việt Nam và Liên Xô có ký riêng một hiệp ước liên minh quân sự (tháng 11/1978). Đặc biệt, khi các tàu của Hải quân Việt Nam bị đánh đắm thì tàu chiến Trung Quốc chặn không cho tàu của Hội Chữ thập đỏ vào khu vực chiến sự để cứu chữa thương binh. Đây là một sự vi phạm những điều luật cơ bản nhất về chiến tranh của Luật pháp Quốc tế…
—————————————————–
* Hình ảnh hiện vật, chụp lại và chân dung 2 Anh hùng – Liệt sĩ Trường Sa, do MTH chụp tại Phòng Truyền thống của Vùng 4, Hải quân (Cam Ranh, Nha Trang, Khánh Hòa). 
*Bài viết cũng sử dụng hình tư liệu của Nhà báo Nguyễn Viết Thái. 

“NẾU NĂM 1988, TRUNG QUỐC ĐỤNG ĐẾN CÁC ĐẢO TA ĐÃ ĐÓNG QUÂN, THÌ SỰ VIỆC KHÔNG DỪNG LẠI NHƯ Ở GẠC MA 14/3/1988″…

Thiềm Thừ – “Đêm 13/3/1988, tôi được lệnh lên HQ-614, chỉ huy lực lượng hành quân lên phía Sinh Tồn!” – Đại tá Nguyễn Văn Dân tiếp tục dòng ký ức về Chiến dịch CQ-88 (P1P2). “Ông chỉ huy cả lực lượng của Anh hùng Liệt sĩ Trần Đức Thông?”. “Không! Anh Thông vừa đi phép vào, đi tàu HQ-604 từ đất liền ra, cùng với tàu HQ-505. Còn tôi từ Đá Đông lên!”.Chúng tôi hành quân ngay trong đêm 13/3, đi ở khoảng giữa Châu Viên và Phan Vinh. Có 2 tàu Trung Quốc đến kèm, theo tôi nhớ là tàu 203 và tàu 205. Tàu chúng tôi bắt đầu bị mất liên lạc với đất liền. Do bị nó chặn đường, nên đến chiều tối ngày 14/3/1988, chúng tôi mới đến được đảo Sinh Tồn. Lúc đó, HQ-604, HQ-605 đã bị bắn chìm, còn HQ-505 đã lao lên Cô Lin.

Đêm 14/3/1988, chúng tôi đưa anh em thương binh lên đảo Sinh Tồn để cứu chữa, và báo cáo tình hình về nhà. Anh Doan, Chính trị viên tàu HQ-605 hy sinh trên tàu, anh em chèo xuồng đưa được về Sinh Tồn và an táng ở đó.Sáng 15/3, chúng tôi ra chỗ tàu HQ-605, HQ-604. Theo vết dầu nổi lên, chúng tôi xác định được vị trí HQ-605 chìm, thả neo đánh dấu. Rồi chạy qua chỗ Gạc Ma. Trung Quốc mới dựng cái chòi nhỏ ở đó. Lúc đó HQ-604 không còn dấu vết gì cả… Hồi đó nêu tên 74 người mất tích, nhưng sau kiểm lại, thực tế có 71 người hy sinh, mất tích và bị bắt. Anh em còn lại đã về Sinh Tồn, về HQ-505. Chúng tôi tiếp tục tìm, đến gần 12 giờ trưa, 2 tàu khu trục Trung Quốc đến ngăn chúng tôi vào khu vực Gạc Ma. Chúng tôi không thể vào được, không xác định được vị trí tàu HQ-604 chìm… Hẻm giữa Cô Lin và Gạc Ma rất sâu, nhưng HQ-505 đã lao lên được Cô Lin. Còn HQ-604, chúng tôi đoán HQ-604 thả neo ở Tây Nam Gạc Ma, khi bị bắn thì chìm rất sâu nên không thấy vết dầu nổi lên…

Chúng tôi cho tàu HQ-614 cập vào chỗ tàu HQ-505 ở Cô Lin, lập Sở Chỉ huy trực tiếp tại đó. Tôi ở cụm Sinh Tồn, Cô Lin, Len Đao cho đến tận tháng 8/1988.
 Tháng 4/1988, tàu cứu hộ Đại Lãnh với bên Chữ Thập Đỏ ra, anh em lặn tìm tàu HQ-605, chìm ở độ sâu 39m. Theo báo cáo, có một đồng chí Báo vụ hy sinh trong tàu, tổ thợ lặn xuống khảo sát, tìm kiếm kỹ trong tàu nhưng không thấy xác… Đó là những ngày rất căng thẳng, nhất là ở khu vực Len Đao, Cô Lin, Gạc Ma. Tôi còn nhớ ngày 12/5/1988, tàu pháo Trung Quốc áp sát tàu HQ-614 đang ở cạnh đảo Len Đao, chỉ cách 30 m. Nhưng chúng tôi vẫn bình tĩnh xử lý, không để xảy ra cái gì cho nó gây sự. Nói thêm, tàu HQ-614 là tàu vận tải loại cũ, nay không còn sử dụng. Tàu HQ-605, HQ-604 là loại 400 tấn, còn tàu HQ-505 trọng tải 200 tấn, chủ yếu chở nước.
Nói chung dịp 1988, các đảo ta chủ định đóng giữ đều đóng giữ được, trừ Huy Ghơ, Gạc Ma, Châu Viên, Chữ Thập, Ga Ven. Chỗ Sinh Tồn là một cụm đảo lớn, Trung Quốc nó đóng 2 điểm, Huy Ghơ và Gạc Ma. Ga Ven gần Nam Yết. Dịp đó, có lần tàu chúng tôi giả dạng tàu cá, đi từ đảo Trường Sa lên Đá Lớn, để đưa một tổ ra làm thêm nhà ở Đá Lớn. Do la bàn sai lên tàu chạy vào gần Chữ Thập lúc 12 giờ trưa, rồi mờ sáng sau chạy vào gần Ga Ven. Ngày đó phương tiện mình thô sơ đến mức như thế. Lúc đó Trung Quốc nó làm nhà ở Ga Ven rồi, nó bắn AK ra… “Tại sao hồi ở Gạc Ma, mình không đánh lại?”. Nói chung, chủ trương của ta hồi đó là không đưa tàu chiến ra. Mình khẳng định chủ quyền là của mình, đưa chủ yếu các phương tiện vận tải, anh em Công binh ra giữ chủ quyền. Nếu có đưa tàu chiến ra Trường Sa, chỉ là để tăng cường hỗ trợ bảo vệ, chứ không phải để đối đầu, gây chiến. Chủ quyền là của mình, mình có trách nhiệm tiếp tục đóng giữ, bảo vệ.

Chủ trương của mình là vậy. Một lý do nữa, tôi chưa nói được…
 Còn Trung Quốc, họ muốn có chủ quyền bằng sức mạnh. Tức là, một cái tàu đưa người định đến đóng đảo nào thì đều có tàu chiến đi cùng, thậm chí là tàu tuần dương. Họ đi đâu đều có phương tiện đủ bộ, sẵn sàng nổ súng. Nói thêm chỗ Gạc Ma, Sinh Tồn. Chỗ đó mình không nổ súng, vì từ Sinh Tồn ra đến Gạc Ma mấy chục cây số, sao mà nổ súng tới?. Hồi đó, mình đã đưa không quân ra Trường Sa? Máy bay mình bay ra, máy bay Trung Quốc cũng bay đến.
Ngày 14-15-16/3/1988, máy bay AN26 của mình có bay ra Cô Lin, Len Đao. Nhưng cũng rất kìm chế. Tôi chỉ có nghĩ thế này: Trung Quốc họ nói thế này thế nọ, nhưng họ hành động bằng vũ lực, chứ không đối thoại. Qua CQ-88, tôi rút ra mấy cái: Một là. Chủ quyền bây giờ ta có được là do đánh giá đúng âm mưu, ý đồ, thái độ của các bên đối phương đối với các điểm đảo Trường Sa, cả đảo nổi và đảo chìm. Cho nên, có quyết tâm kịp thời, khắc phục khó khăn để giữ được các đảo. Cái thứ hai. Mặc dù có khó khăn về phương tiện, nhưng nỗ lực rất lớn. Mỗi người tham gia bảo vệ Trường Sa đều có quyết tâm lớn.
Lúc bấy giờ, có những cái rất căng thẳng, có những thời điểm quá khắc nghiệt. Trên tàu, mấy chục anh em chúng tôi cùng đi với nhau, lúc đầu cũng có hoang mang. Nhưng sau khi chứng kiến sự việc, chúng tôi củng cố, quyết tâm hơn. Ở nhà, lúc đầu tưởng tôi đã hy sinh, vì tàu bị mất liên mạc, tưởng Trung Quốc bắn rồi. Danh sách hy sinh không ghi tên tôi, nhưng ở quê cứ đồn tôi hy sinh rồi…Vợ tôi ốm là vì thế. Sau có tàu Đại Lãnh về đất liền, tôi nhờ cái ông đó điện về nhà, mới hồi dần. Có lúc tàu chúng tôi hết cả cái ăn, nước uống, quần đùi may ô suốt, may có Mỹ Á ra tiếp tế… Cái lòng bền bỉ, sự kiên quyết của anh em rất là lớn.
Cái thứ ba. Trước các tình huống khi đó, chỉ huy trực tiếp – gián tiếp đều rất linh hoạt, kịp thời. Hồi đó, phương tiện thiếu thốn, nhưng lên chỗ nào để tìm địa điểm làm nhà, đưa quân đóng giữ, thấy có điều kiện là làm ngay.Đồng thời, đối sách hết sức khéo léo, không để dẫn đến nổ súng, ví dụ như tình hình ở Len Đao, tôi đã kể. Hoặc tình hình căng thẳng hồi tháng 4/1988, khi tàu cứu hộ Mỹ Á ra thay cho tàu Đại Lãnh, phía Trung Quốc cho 5 tàu chiến vây ép 2 tàu này và HQ-614. Đối phương cho rằng mình lợi dụng cứu hộ để mang tên lửa ra, nó gây căng thẳng lắm. Mình vẫn bình tĩnh xử lý được. Thái độ họ hung hăng, nhưng mình bình tĩnh, việc ai người ấy làm, chủ quyền mình mình giữ. Năm 1988, ta đã để cho Trung Quốc chiếm đảo? Ai cho rằng Việt Nam để cho Trung Quốc chiếm các đảo chìm, bãi chìm, không đúng.
Quần đảo Trường Sa quá rộng, các điểm đảo cách nhau rất xa, mình hết sức cố gắng đóng giữ với khả năng của mình. Nhưng có những điểm, khi mình đưa lực lượng đến đóng giữ thì Trung Quốc gây sự. Không phải là vì chỗ này chỗ kia, Việt Nam không đóng nên Trung Quốc đóng đâu. Mà Trung Quốc cố tình đưa phương tiện, lực lượng vũ trang hiện đại đến, dùng sức mạnh áp đảo để chiếm đóng. Tôi nói điển hình như vụ Gạc Ma. Chủ quyền của mình rồi, mình mới đưa anh em lên giữ đảo, để thể hiện chủ quyền của mình thôi. Nếu Trung Quốc có thiện chí, họ sẽ thể hiện thái độ bằng con đường này con đường khác.
Nhưng khi bộ đội Việt Nam tay không lên đảo, họ dùng hoả lực tàu chiến, dùng pháo bắn tới tấp lên tàu, bắn lên anh em tay không trên đảo. Tàu 604, anh em đi trên 100 người… Vụ đó, nếu Trung Quốc nói rằng họ đã cắm cờ ở Gạc Ma, rồi mình lên nhổ cờ của họ nên họ mới bắn, là hoàn toàn sai. Vì Sinh Tồn gồm Sinh Tồn Lớn, Sinh Tồn Đông, rồi một vòng chìm xuống là Đá Hốc, Cô Lin, Len Đao… là một cụm gắn với nhau. Cả một vòng gắn với nhau, mình đã đóng mà Trung Quốc ngang nhiên lên đó. Họ nói thế, là chính họ thừa nhận họ làm sai. Về chủ quyền biển đảo, các thế hệ của mình đã có mặt ở Trường Sa từ xưa đến giờ.

Không những sau khi đất nước Việt Nam hoàn toàn giải phóng, mà từ trước đó, chế độ Sài Gòn, họ vì con người Việt Nam, đã đưa người Việt Nam ra giữ biển đảo của mình, chủ quyền của mình. Đó là cái ý nghĩa cơ bản, lâu dài của việc giữ chủ quyền.
 Năm 1988, chỉ là một thời điểm trong cả quá trình. Nếu ta có điều kiện, có tiềm lực, đã đóng giữ hết từ trước. Nhưng mình làm từng bước một, khả năng có đến đâu làm đến đấy. Củng cố những nơi có điều kiện cho bộ đội ở ổn định, rồi tiếp tục làm những chỗ khác. Các nước tổ chức lực lượng, dùng sức mạnh của họ ra chiếm đóng là hành động trái phép. Nó tạo nên căng thẳng ở biển Đông.
Năm 1988, xác định được đối phương như thế nên mình đã phản ứng nhanh chóng, chính xác. Từ nhận định cho đến xử tình huống là kịp thời, không gây quá nhiều tổn thất đối với lực lượng mình, cho anh em, nhưng thể hiện quyết tâm giữ chủ quyền. Dù là đảo nổi, đảo chìm đều là vùng biển, hải đảo mà mình có trách nhiệm quản lý và sử dụng. Nếu năm 1988 hoặc năm nào đó, các lực lượng đối phương đụng đến các đảo ta đã đóng quân, như Sơn Ca, như Song Tử, sự việc không dừng lại như ở Gạc Ma, như Hoàng Sa 1974.
Năm 1988, Trung tá Nguyễn Văn Dân và tàu HQ 614 đều được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba. Ông được giao phụ trách quan hệ với Liên Xô ở Vùng 4 Hải quân, từ năm 1994 phụ trách Hệ đào tạo sau đại học của Học viện Hải quân. Ông nghỉ hưu năm 2000. Hiện nay, Đại tá Dân là Chủ tịch Hội Khuyến học phường Vĩnh Nguyên, Nha Trang. 
————————————————————-
* Hình ảnh minh họa của Nhà báo Nguyễn Viết Thái (Nha Trang, Khánh Hòa) 
 


GIỮ LEN ĐAO: "MÌNH HY SINH THÌ NÓ CŨNG PHẢI CHẾT BAO NHIÊU ĐỨA!".

Thiềm Thừ Phải mất hơn nửa năm trời, việc đóng giữ đảo Len Đao mới hoàn thành, trước họng pháo của tàu Trung Quốc.

Trong entry "Chuyện Trường Sa của người Trường Sa: IV – Đóng giữ đảo Đá Đông" ( đọc ở đây), Đại tá Nguyễn Văn Dân (nguyên Phó Tham mưu trưởng, Vùng 4 Hải quân) kể chuyện chạy đua và đấu trí với tàu Trung Quốc để đóng giữ đảo Đá Đông, ngày 19/2/1988.

Trong khi đang chỉ huy củng cố phòng thủ Đá Đông, đêm 13/3, Đại tá (lúc đó là Trung tá) Dân được lệnh lên tàu HQ - 614, chỉ huy lực lượng hành quân ngay lên phía đảo Sinh Tồn. Trung Quốc đang lăm le chiếm đóng các bãi cạn Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin ở Tây Nam cụm đảo Sinh Tồn.

Tàu HQ-614 hành quân ngay trong đêm 13/3, đi ở khoảng giữa đảo Châu Viên và đảo Phan Vinh. Có hai tàu Trung Quốc đến kèm, phá sóng liên lạc, theo Đại tá Dân nhớ là tàu 203 và tàu 205. 



Tàu HQ 614 bị mất liên lạc với đất liền và bị chặn đường, nên đến trưa ngày 14/3/1988 mới đến được đảo Sinh Tồn. Lúc đó, các tàu HQ-604, HQ-605 đã bị bắn chìm, tàu HQ-505 đã lao lên Cô Lin.
-------------------------------------------

Chiều và đêm 14/3, tàu HQ-614 đưa anh em thương binh từ các đảo Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin lên đảo Sinh Tồn để cứu chữa, và báo cáo tình hình về nhà.

Sáng 15/3, tàu HQ-614 ra chỗ tàu HQ-605, HQ-604 bị bắn chìm.

Theo vết dầu nổi lên, xác định được vị trí tàu HQ-605 chìm ở cạnh đảo Len Đao, thả neo đánh dấu.

Trước đó, lực lượng trên tàu HQ-605 đã lên đảo Len Đao củng cố, rồi dùng xuồng và vật nổi bơi về Sinh Tồn.

Trong số người đã hy sinh, thi thể Trung úy Phan Hữu Doan (quê Chí Tiên, Thanh Hòa, Phú Thọ, Thuyền phó chính trị tàu HQ-605) được đưa về đảo Sinh Tồn. 



Anh em nói, trong tàu còn thi thể Trung sĩ Bùi Duy Hiển (quê thị trấn Diêm Diền, Thái Thụy, Thái Bình, nhân viên báo vụ), nhưng anh em chưa đưa thi hài đi được.

Ít ngày sau, tàu Đại Lãnh ra cứu hộ, thợ lặn tích cực tìm kiếm trong tàu HQ-605 ở độ sâu 40 mét, nhưng không thấy thi thể anh Hiển.

Trưa 15/3, tàu HQ-614 vào khu vực Gạc Ma để tìm dấu vết tàu HQ-604, nhưng bị hai tàu khu trục của Trung Quốc ngăn cản…

Tàu HQ-614 neo gần chỗ tàu HQ-505 ở đảo Cô Lin, lập sở chỉ huy cụm 2 (Sinh Tồn) ngay tại đó. Tình hình ở cụm Sinh Tồn, Cô Lin, Len Đao căng thẳng cho đến tận cuối năm 1988.

Tại đảo Len Đao, khoảng 10 ngày sau ngày 14/3, quốc kỳ Việt Nam cắm sáng 14/3 bị sóng lớn làm trôi, ta tổ chức cắm lại. “Lá cờ bị sóng cuốn trôi, nhưng không biết nguyên nhân tại sao, lại trôi về tàu HQ-614 của tôi, lúc buổi trưa. Chúng tôi đưa cờ lên đảo để cắm lại, Trung Quốc đưa tàu đến sát, đe dọa nổ súng!” - Đại tá Dân kể.

Ông nghe Chuẩn Đô đốc Võ Nhân Huân, Phó Tư lệnh Hải quân nói: ở Bảo tàng Quân đội vẫn còn tấm ảnh ông mặc áo ba lỗ có sọc của hải quân, đang cầm cờ để cắm lại ở Len Đao.  



Lúc đó, ta chưa xây dựng được nhà ở Cô Lin và Len Đao, giữ chủ quyền Cô Lin bằng tàu HQ-505, giữ Len Đao bằng cờ cắm trên đó và bằng tàu HQ

614. Thời gian đầu, ở Len Đao chỉ có HQ-614, hai tháng sau có thêm hai tàu cá, dạng tàu cá Hồng Kông. HQ-614 có thuyền trưởng là Đại úy Thành, thuyền phó Lợi và khoảng trên 20 người.

Ở cụm Sinh Tồn, Trung Quốc chiếm hai đảo chìm là Huy Ghơ và Gạc Ma, duy trì lực lượng quân sự rất đông. Hai tàu quân sự Trung Quốc luôn áp sát đảo của ta để gây sự, làm cho ta không dựng nhà được. Đồng thời, một tàu pháo của Trung Quốc chạy liên tục giữa Huy Ghơ và Gạc Ma.

Buổi trưa 12/5/1988, tàu Trung Quốc áp sát tàu HQ-614 và hai tàu cá vừa được tăng cường đang ở cạnh đảo Len Đao, khi quân ta chuẩn bị ăn cơm. 



HQ-614 là tàu vận tải loại 200 tấn, vũ khí chỉ có AK với B40, một khẩu 12 ly 7.

Tàu Trung Quốc cũng khoảng 200 tấn, nhưng có pháo 37 ly, súng 14,5 ly, nòng chĩa thẳng vào tàu ta. Binh lính Trung Quốc rất ngạo mạn, đứng hút thuốc, búng tàn thuốc về phía ta, tỏ vẻ khiêu khích.

Lúc đó, tàu ta chưa có tăng cường người biết tiếng Trung Quốc, còn tàu nó có người nói tiếng Việt rất sõi. Quân ta hết sức bình tĩnh, mặc cho đối phương khiêu khích.

Anh Liên, lính đặc công người Quảng Bình được phân công ôm khẩu B40 nằm trong xuồng, anh em khác mỗi người một khẩu AK, ngồi giả vờ câu cá. “Nếu nó nhảy sang, B40 sẽ bắn vào đài chỉ huy của tàu nó, còn AK cũng bắn mạnh luôn, mình có hy sinh thì nó cũng phải chết bao nhiêu đứa…” - Đại tá Dân kể lại, giọng đầy hào sảng. 



Tháng 9/1988, tàu HQ-614 về đất liền. Cả thuyền thưởng, máy trưởng, ông Dân và tập thể tàu được tuyên dương ngay, tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Khi về đất liền, Đại tá Dân được Đô đốc Giáp Văn Cương hỏi ý kiến về cách tổ chức xây dựng đảo Len Đao.

Ở Len Đao có doi cát di chuyển theo mùa, khi thủy triều lên cao nhất là doi cát gần ngập.

Đại tá Dân đề nghị: Nên dùng tàu kéo một tàu LTM8 (tàu há mồm nhỏ) ra, trên đó có sẵn nhà cao chân và các phương tiện lắp ghép. Buổi tối mình tập kết cạnh đảo, lúc thủy triều lên cao nhất thì mình đổ bộ, triển khai làm nhà luôn. Tàu Trung Quốc ở ngay đó, nhưng sẽ không kịp phản ứng, không có cớ để đánh mình.

Khoảng tháng 10, tháng 11/1988, lúc đó triều cường, việc xây dựng đảo Len Đao được thực hiện thành công… 





TÓM TẮT CÁC SỰ KIỆN TRONG VIỆC BẢO VỆ, GIỮ GÌN QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA

Tháng 4/1975, Hải quân Nhân dân Việt Nam giải phóng và tiếp quản các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa từ Hải quân Việt Nam Cộng hoà.

Tháng 2/1978, Philippines đưa quân chiếm đóng đảo Ponata, đảo Dừa.

Ngày 10/3/1978, quân ta đổ bộ lên đảo An Bang.

Ngày 15/3/1978, ta đóng giữ đảo Sinh Tồn Đông.

Ngày 30/3/1978, ta đóng giữ đảo Hòn Sập (Phan Vinh).

Ngày 4/4/1978, quân ta hoàn thành việc đóng giữ đảo Trường Sa Đông. 



Cũng trong tháng 4/1978, một phân đội được đưa ra đóng giữ đảo Thuyền Chài, nhưng do điều kiện vật chất chưa bảo đảm nên tháng 5/1978 phân đội được rút về đất liền.

Tháng 12/1986 và tháng 1/1987, Malaysia chiếm đóng bãi Kỳ Vân và bãi Kiệu Ngựa.

Tháng 3/1987, ta trở lại đóng giữ đảo Thuyền Chài.

Tháng 6/1987, Trung Quốc diễn tập quân sự ở nam biển Đông. Tháng 10, tháng 11/1987, một số tàu chiến của Trung Quốc đi gần các đảo An Bang, Thuyền Chài, Trường Sa Đông, Trường Sa, Song Tử Tây.

Ngày 24/10/1987, Tư lệnh Quân chủng Hải quân ra lệnh Vùng IV chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu từ thường xuyên lên tăng cường.

Ngày 6/11/1987, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra "Mệnh lệnh bảo vệ quần đảo Trường Sa", giao cho Quân chủng Hải quân "Đưa lực lượng ra đóng giữ các bãi đá cạn chưa có người, không chờ chỉ thị cấp trên". 



Ngày 2/12/1987, tàu HQ-604 thuộc Lữ đoàn 125 đưa bộ đội đến đảo Đá Tây.

Ngày 22/1/1988, Trung Quốc đưa 4 tàu hộ vệ tên lửa, tuần dương, tàu dầu, tàu đổ bộ và một số tàu khác đến chiếm đóng đảo Chữ Thập.

Ngày 27/1/1988, Đại tá Phạm Công Phán, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 chỉ huy 1 đại đội công binh mang 2 khung nhà ra đóng giữ đảo Chữ Thập. Do hỏng máy, sáng 30/1 tàu mới đến gần Chữ Thập, bị 4 tàu chiến Trung Quốc ngăn cản. Tàu ta đành phải quay về Trường Sa Đông, không thực hiện được việc đóng giữ đảo Chữ Thập.

Đảng ủy Quân chủng Hải quân xác định: "Lúc này, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển và quần đảo Trường Sa là nhiệm vụ quan trọng nhất, khẩn trương nhất và vinh quang nhất của Quân chủng Hải quân".

Ngày 5/2/1988, quân ta đóng giữ đảo Đá Lát.

Ngày 6/2/1988, quân ta đóng giữ đảo Đá Lớn. 


Ngày 26/2/1988, Trung Quốc chiếm đóng đảo Ga Ven.

Ngày 26/2/1988, quân ta đóng giữ đảo Tiên Nữ.

Ngày 27/2/1988, ta chốt giữ thêm đảo Tốc Tan.

Ngày 2/3/1988, ta đóng giữ thêm đảo Núi Le.

Ngày 14/3/1988, sự kiện Gạc Ma – Len Đao – Cô Lin

(Theo Lịch sử Hải quân Nhân dân Việt Nam và một số tư liệu khác). 
--------------------------------------
* Hình ảnh đen trắng về cuộc sống, chiến đấu của bộ đội Trường Sa, tháng 5/1988 của tác giả Nguyễn Viết Thái, ghi lại trong chuyến công tác ra đảo, ngay sau sự kiện 14/3/1988.
* Hình ảnh Len Đao được ghi lại tháng 4 và 5/2012.

Nguồn: Maithanhhaivietnam 

NHÌN LẠI CUỘC CHIẾN TRƯỜNG SA 1988

alt
Trận đánh bảo vệ Trường Sa của những người lính hải quân Việt Nam ngày 14 tháng 3 năm 1988 là một sự kiện quan trọng trong chuỗi mắt xích các diễn biến tranh chấp phức tạp ở biển Đông. Nhìn nhận lại sự kiện này trong bối cảnh tình hình hiện nay sẽ không chỉ làm cho dư luận khu vực và thế giới hiểu rõ hơn bản chất của sự việc, mà còn giúp người ta rút ra được những bài học và kinh nghiệm quý báu cho việc giữ gìn hoà bình, ổn định trong khu vực biển này.
Cuộc chiến Trường Sa
Trong những tháng đầu năm 1988, Hải quân Trung Quốc cho quân chiếm đóng một số bãi đá thuộc khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam, chiếm giữ Đá Chữ Thập ngày 31 tháng 1, Châu Viên ngày 18 tháng 2, Ga Ven ngày 26 tháng 2, Huy Gơ ngày 28 tháng 2 và Xu Bi ngày 23 tháng 3.[1]
Hải quân Việt Nam đưa vũ khí, khí tài ra đóng giữ tại các đảo Đá Tiên Nữ ngày 26 tháng 1, Đá Lát ngày 5 tháng 2, Đá Lớn ngày 6 tháng 2, Đá Đông ngày 18 tháng 2, Tốc Tan ngày 27 tháng 2 và Núi Le ngày 2 tháng 3, bước đầu ngăn chặn được hành động mở rộng phạm vi chiếm đóng của hải quân Trung Quốc ra các đảo lân cận.
Sau khi đưa quân chiếm đóng các đảo chìm Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Xu Bi, Huy Gơ, hải quân Trung Quốc cũng đang có ý đồ chiếm giữ ba đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao.
Đầu tháng 3 năm 1988, Trung Quốc huy động lực lượng của hai hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa, tăng số tàu hoạt động ở đây thường xuyên lên 9 đến 12 tàu chiến gồm: 1 tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu hộ vệ pháo, 2 tàu đổ bộ, 3 tàu vận tải hỗ trợ LSM, tàu đo đạc, tàu kéo và 1 pông - tông lớn.
Ngày 14 tháng 3, chiến sự diễn ra ác liệt tại khu vực các đảo Gạc Ma, Cô Lin, và Len Đao. Lực lượng tham chiến trực tiếp của phía Việt Nam trong trận đánh này bao gồm tàu HQ-604, tàu HQ-605 và tàu HQ-505, hai phân đội công binh 70 người và bốn tổ chiến đấu.
Mặc dù so sánh lực lượng chênh lệch, phương tiện, vũ khí hạn chế, những người lính hải quân Việt Nam đã chiến đấu dũng cảm, bảo vệ được chủ quyền của Việt Nam tại các đảo Cô Lin và Len Đao. Trung Quốc chiếm đảo Gạc Ma từ ngày 16 tháng 3 năm 1988 và vẫn giữ cho đến nay.
Trong trận chiến ngày 14 tháng 3 năm 1988, Việt Nam bị thiệt hại 3 tàu, 3 người hy sinh, 11 người khác bị thương, 70 người bị mất tích. Sau này, Trung Quốc đã trao trả cho phía Việt Nam 9 người bị bắt, 61 người vẫn mất tích và được coi là đã hy sinh.
Nguyên nhân cuộc chiến
Theo phía Trung Quốc thì trong khi các tàu của họ đang bỏ neo để yểm trợ cho một nhóm nghiên cứu thăm dò mỏ dầu ở đây thì Hải quân Việt Nam nổ súng tấn công, vì thế hải quân Trung Quốc bắt buộc phải tự vệ. Khi hạm đội Trung Quốc di chuyển tới Trường Sa, Trung Quốc lấy danh nghĩa đưa phái đoàn khoa học Liên hợp quốc đi khảo sát. Sau này Chính phủ Trung Quốc tuyên bố rất tiếc về diễn biến đã xảy ra. Tổ chức Liên Hợp Quốc thì khẳng định tổ chức này không có đoàn khảo sát nào ở Trường Sa trong thời gian đó.[2]
Tuy vậy, nguyên nhân thực sự của những diễn biến quân sự năm 1988 là quyết tâm của Trung Quốc sử dụng vũ lực để tiến xuống quần đảo Trường Sa, chiếm giữ bất hợp pháp một số đảo đá, nhằm đặt chân lên quần đảo này.
Nhìn nhận cuộc chiến Trường Sa dưới ánh sáng của luật pháp quốc tế
Những hành động đánh chiếm các đảo đá ở quần đảo Trường Sa trên biển Đông bằng vũ lực của Trung Quốc vào đầu năm 1988 là một sự vi phạm nghiêm trọng những nguyên tắc cơ bản nhất của luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực và đe doạ sử dụng vũ lực để xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác, đã được ghi nhận trong điều 2 khoản 4 của Hiến chương Liên hợp quốc.
Hành động trên của Trung Quốc thực chất là một hành động xâm lược lãnh thổ của Việt Nam. Bởi vì, cho đến ngày bị Pháp đô hộ, triều đại phong kiến Việt Nam đã liên tục thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa một cách hòa bình, không có nước láng giềng nào cạnh tranh hoặc phản đối. Trước khi rút khỏi Việt Nam, Chính phủ Pháp chính thức chuyển giao cho chính quyền miền Nam Việt Nam quyền quản lý các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Chính quyền Sài Gòn, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền nam Việt Nam, và sau năm 1975, là nước Việt Nam thống nhất đều thực hiện chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Hệ quả pháp lý
Theo luật pháp quốc tế, việc Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm các đảo, đá ở quần đảo Trường Sa không giúp Trung Quốc tạo ra được chứng cứ  hợp pháp để khẳng định chủ quyền của mình đối với các đảo, đá này. Như Nghị quyết 2625 ngày 24 tháng 10 năm 1970 của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã nêu rõ : “Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một cuộc chiếm đóng quân sự do sử dụng vũ lực trái với các quy định của Hiến chương Liên hợp quốc. Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm hữu của một quốc gia khác sau khi dùng vũ lực hay đe doạ sử dụng vũ lực. Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào đạt được bằng đe doạ hay sử dụng vũ lực sẽ không được thừa nhận là hợp pháp”. 
Ý nghĩa của cuộc chiến bảo vệ Trường Sa
Cuộc chiến bảo vệ ba đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao ở Trường Sa của những người lính Việt Nam vào ngày 14 tháng 3 năm 1988 có một ý nghĩa lịch sử to lớn mang tầm vóc quốc gia và khu vực.
Một là, qua cuộc chiến này những người lính Việt Nam đã chứng minh rằng Việt Nam có đủ sức mạnh vật chất và tinh thần để bảo vệ chủ quyền của tổ quốc mình ở quần đảo Trường Sa. Chỉ với các phương tiện quân sự cũ kỹ và lạc hậu, nhưng với lòng quả cảm vô biên, những người lính hải quân của Việt Nam đã bảo vệ được chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam trên hai đảo Cô Lin và đảo Len Đao; chỉ chịu mất đảo Gạc Ma sau khi người lính cuối cùng ngã xuống trên đảo này.
Hai là, chiến công của những người lính Việt Nam trong trận đánh ngày 14 tháng 3 năm 1988 đã đóng góp quan trọng cho việc ngăn chặn bước tiến bành trướng của Trung Quốc ở biển Đông, bước đầu làm nhụt đi ý chí dùng vũ lực để độc chiếm biển Đông của Trung Quốc, góp phần giữ được cục diện trên khu vực biển này như ngày nay.
Như vậy, sự hy sinh của những người lính Việt Nam trong cuộc chiến bảo vệ Trường Sa không phải là vô ích. Họ không chỉ lập nên một kỳ tích quân sự hiển hách. Họ đã dùng máu của mình để viết nên một trang chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Họ không chỉ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc mình trên biển, mà còn góp phần giữ gìn sự bình yên cho cả khu vực biển Đông. Họ là những người anh hùng, sống mãi trong lòng nhân dân./.
Thành Nam
Biendong.net 

[1] Lịch sử cục tác chiến, NXB Quân đội nhân dân, 2005. Chương III – Giai đoạn 3 (từ 3 năm 1979 đến 1989).
[2] "South China Sea Treacherous Shoals", tạp chí Far Eastern Economic Review, 13 Aug 92: 14-17.

Nhận xét