Kỷ lục những bảo tháp “độc - lạ” nhất Việt Nam

 – Trong đạo Phật, bảo tháp là nơi chứa đựng tâm giác ngộ của chư Phật, nếu được xây dựng và yểm đúng pháp sẽ trở thành viên ngọc như ý. 

Dưới đây là những bảo tháp được xây dựng kỳ công, thiết kế độc đáo nhất được công nhận bởi Tổ chức kỷ lục Việt Nam.

Ngôi tháp của hệ phái Khất sĩ cao nhất 
Tịnh xá Trung Tâm tọa lạc tại 21 đường Nguyễn Trung Trực, phường 5, quận Bình Thạnh, Tp.Hồ Chí Minh thuộc hệ phái Tăng già Khất sĩ do Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập.  Tịnh xá xây dựng vào năm 1965, hiện sở hữ kỷ lục Ngôi tháp của hệ phái Khất sĩ cao nhất.

Bảo tháp Ngọc Phật cao 37m, đường kính chân tháp 7m, kể cả lan can là 9,8m. Cầu thang đi lên 9 tầng tháp được thiết kế bên ngoài. Bảo tháp Ngọc Phật khánh thành vào ngày 9 và 10/10/1999 (tức ngày 1 và 2/9 năm Kỷ Mão). Đây là ngôi tháp đẹp, cao, thanh thoát với ngọn đuốc Chân Lý tỏa sáng huyền diệu thiên thu.

 Bảo tháp Ngọc Phật.
Tháp bát giác cổ cao nhất
Chùa Thiên Mụ thuộc đồi Hà Khê, đường Nguyễn Phúc Nguyên, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, sở hữu kỷ lục: Tháp bát giác cổ cao nhất.
Tháp Phước Duyên là một biểu tượng nổi tiếng gắn liền với chùa Thiên Mụ. Tháp bảy tầng, hình bát giác, cao 21m, xây dựng ở phía trước chùa. Mỗi tầng tháp đều có thờ tượng Phật. Bên trong có cầu thang hình xoắn ốc dẫn lên tầng trên cùng.

 Chùa Thiên Mụ.
Chùa Thiên Mụ và tháp bát giác là một trong 16 công trình nằm trong danh mục "Di sản văn hóa thế giới” (1993) của quần thể di tích Huế. 

Tháp Quan Âm cao nhất

Chùa Vạn Linh tọa lạc ở độ cao 550m trên núi Cấm. Chùa Vạn Linh thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, sở hữu kỷ lục: "Bảo cát Quan Âm” - Tháp Quan Âm cao nhất.

Tượng Bồ tát Quán Thế Âm bằng đá ở tầng trệt được tạc rất đẹp, thể hiện tính từ bi cứu độ của Ngài, là nơi tập trung lễ bái và lưu ảnh kỷ niệm của nhiều du khách, phật tử. Tượng nặng nhất là Bồ tát Di Lặc 2,6 tấn, tượng nhẹ nhất là Bồ tát Văn Thù 1,6 tấn.

 Tượng Bồ tát Quán Thế Âm bằng đá.
Ngôi tháp Bảo Tích cao nhất 

Chùa Từ Vân là một trong những ngôi chùa nổi tiếng, là điểm du lịch văn hóa trong tỉnh Khánh Hòa. Một trong những điểm độc đáo của chùa Từ Vân thu hút khách thập phương là kiến trúc tòa tháp, vườn hoa, được xây dựng từ những viên đá san hô và vỏ sò, vỏ ốc.

 Tháp Bảo Tích.
Ấn tượng nhất của chùa Từ Vân là tháp Bảo Tích. Tháp được xây dựng từ năm 1995, cao 39m, gồm 2 tầng, hoàn toàn bằng thủ công với chất liệu chính là đá san hô và được trang trí hoa văn từ vỏ sò, vỏ ốc. Tháp có 8 cửa gọi là cửa Bát Chánh đạo, xung quanh tháp lớn có 49 tháp nhỏ.

Chùa Từ Vân tọa lạc trên đường 3 tháng 4, phường Cam Linh, thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, sở hữu kỷ lục: Ngôi tháp bảo tích cao nhất.

Tháp đá cao và công phu nhất

Chùa Vĩnh Nghiêm tọa lạc tại 339 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, quận 3, TP.HCM sở hữu kỷ lục: Tháp đá cao và công phu nhất.

Ngôi tháp đá 7 tầng, cao 14m, trọng lượng khoảng 180 tấn, được đặt tên Vĩnh Nghiêm tháp, toạ lạc trong khuôn viên chùa Vĩnh Nghiêm được khánh thành ngày 27/12/2003, thờ cố Hòa thượng Thích Thanh Kiểm.

 Tháp Vĩnh Nghiêm.
Tòa thạch tháp được phủ kín hoa văn, họa tiết, điêu khắc một cặp rồng lớn, 27 cặp rồng nhỏ, những cánh phượng uốn mình, lá sen, hoa sen, lá đề, câu đối, sóng nước, câu chú… Bao quanh tháp là dãy lan can hình vuông với nhiều mẫu hoa văn: chữ Thọ, hình rồng và khánh tượng trưng cho sự trường tồn, linh nghiêm và tỉnh giác trong đạo Phật.

Ngôi tháp tôn trí nhiều tượng Phật bằng đồng nhất
Chùa Linh Tiên ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội với kỷ lục: Chùa có ngôi tháp tôn trí tượng Phật bằng đồng nhiều nhất.
Chùa Linh Tiên thường được gọi là chùa Bằng. Từ năm 2005 đến cuối năm 2007, chùa xây dựng tháp Báo Ân cao 54m bên trong tôn trí 104 tượng Bổn sư Thích Ca bằng đồng ngồi trên bệ đá, được tạo theo 3 dạng kích thước khác nhau, gồm: 40 tượng Phật: cao 1,55m, nặng 300kg; 32 tượng Phật: cao 1,15m, nặng 200kg và 32 tượng Phật: cao 0,67m, nặng 100kg.

 Tháp tôn trí tượng Phật bằng đồng chùa Linh Tiên.
Ngôi tháp cao nhất của Phật giáo Nam tông

Chùa Phổ Minh tọa lạc tại số 2 Thiên Hộ Dương, phường 1, quận Gò Vấp, TP.HCM, sở hữu kỷ lục: Ngôi tháp cao nhất của Phật giáo Nam tông Việt Nam.

Trong khuôn viên chùa Phổ Minh từ năm 2002 đến năm 2006 xây dựng một ngôi tháp 10 tầng, cao 40m. Bên trong tháp thờ Đức Phật Thích Ca theo cách thức của các nước Phật giáo Nam truyền như: Thái Lan, Lào, Miến Điện, Sri Lanka… Tầng cao nhất thờ Xá lợi Đức Phật Thích Ca.

 Tháp ở chùa Phổ Minh.


Tháp chuông cao nhất

Chùa Xá Lợi tọa lạc tại 89B Bà Huyện Thanh Quan, phường 7, quận 3, TP.HCM, sở hữu kỷ lục: Ngôi chùa có tháp chuông cao nhất.

Tháp chuông của chùa Xá Lợi có 7 tầng, cao 32m, tầng cao nhất là một cổ lầu, bên trong treo một Đại hồng chung nặng 2 tấn, đường kính 1,2m, cao 1,6m. Tháp chuông của chùa Xá Lợi khánh thành ngày 23/12/1961 (tức 16/11 năm Tân Sửu) sau hơn 11 tháng thi công. 

 Tháp chuông chùa Xá Lợi.
Tháp bằng gốm cao nhất

Chùa Viên Giác tọa lạc tại 193 Bùi Thị Xuân, phường 1, quận Tân Bình, TP. HCM, sở hữu kỷ lục: Ngôi chùa có tháp bằng gốm cao nhất.


Chùa Viên Giác do Hòa thượng Thích Hồng Tịnh khai sáng năm 1955. Năm 1996, chùa khởi công xây dựng tháp Đẳng Quan, khánh thành tháng 4/1999. Tháp hình bát giác, cao 22m, 3 tầng 7 mái. Đỉnh tháp là 3 tầng mái có hình bát úp trên hoa sen phía trên là 7 tầng nhỏ tượng trưng 7 cõi trời. 

 Tháp gốm Đẳng Quan.
Nét độc đáo và đặc biệt của ngôi tháp này là sử dụng hoàn toàn bằng gốm sứ Việt Nam do các cơ sở trong hệ thống gốm sứ Minh Long và Bát Tràng sản xuất. 

Tháp cổ bằng gạch cao nhất

Chùa Phổ Minh thường được gọi là chùa Tháp được vua Trần Thánh Tông cho dựng vào năm 1262. Các bản văn khắc trên bia cho biết chùa có từ thời Lý, được mở rộng với quy mô lớn vào thời Trần. Chùa Phổ Minh mở đầu kiên trúc Phật giáo thời Trần.

Chùa tọa lạc tại xã Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định, sở hữu kỷ lục: Ngôi chùa có tháp cổ bằng gạch cao nhất.

 Tháp Phổ Minh.
Các công trình kiến trúc và chạm khắc ở đây còn giữ được dấu ân thời Trần, thời Mạc. Đặc biệt, tháp Phổ Minh được xây vào năm 1305. Tháp cao 21,2m, gồm 14 tầng, nặng 700 tấn. Nền tháp và tầng thứ nhất xây bằng đá, những tầng còn lại phía trên xây bằng gạch. Tầng nào cũng trổ bốn cửa vòm cuốn, giữa các tầng là gờ mái… 




Nhận xét