Dấu xưa thành cổ

Phố Châu Xuyên, thành Dền xưa thuộc xã Thọ Châu, tổng Thọ Xương, phủ Lạng Giang, trấn Kinh Bắc, nay thuộc phường Lê Lợi, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.
Cổng chùa Dền
Xưa kia, thành Dền được xây dựng để ngăn chặn quân giặc xâm lược từ biên giới tràn qua vùng núi rừng Châu Lạng hoặc theo đường thủy và sông Thương để về  kinh thành Thăng Long. Thành Dền có một mặt trọng yếu tiếp giáp với bờ bắc dòng sông Thương. Xung quanh thành có hào rộng chạy bao quanh vòng thành, chân thành được kè bằng những vại sành rất lớn, trong đó được đổ đầy đất để giữ nền móng thành đỡ bị sụt lở xuống hào, chiếc nọ chồng lên chiếc kia chắc chắn (đầu những năm 2000, nhân dân địa phương đào móng làm nhà cũng đã phát hiện rất nhiều hiện vật này). Thành Dền có hai cổng: Cổng Tiền và cổng Tả. 
Cổng Tiền nhìn ra sông Thương, cổng tả mở ra cánh đồng chiêm gần thành. Năm 1817, thành Dền được quy tập lại trên mảnh đất hình vuông, mỗi chiều dài 248m. Tường thành cao 4m, mặt tường rộng, quân lính thường cưỡi ngựa phi trên mặt thành để tuần tiễu, canh phòng. Ở bốn góc thành có dựng 4 chòi gác, chòi quan sát. Các đường hào chạy quanh thành rộng tới 10m, dưới hào có các cọc nhọn được đóng chìm để phòng vệ.
Năm 1896, sau khi quân Pháp chiếm được thành đã phá bỏ toàn bộ thành để xây dựng trung tâm tỉnh lỵ. Gần khu vực thành Dền, phố Châu Xuyên xưa kia còn có chợ Phủ (nay có lẽ nay là chợ Tiền Môn) một năm chỉ họp có 4 phiên vào giáp tết, người đến chợ đông vui để mua sắm vật phẩm cho tết 23 tháng Chạp, tết Ông Công, Ông Táo và tết Nguyên đán. Người chạy chợ không chỉ là người trong phủ Lạng Thương mà còn có dân trong tổng Thọ Xương, Mỹ Cầu, Đa Mai, Dĩnh Kế, Phấn Sơn…đến trao đổi hàng hóa. Chợ Phủ Châu Xuyên xưa nổi tiếng với ẩm thực bánh giò và đặc biệt là món bánh cháo dương, món ăn đặc sản nổi tiếng gần xa. Cháo dương được nấu trong một chiếc nồi lớn tại chợ, cháo được nấu bằng bột gạo và thịt lợn nạc băm nhỏ. Khi ăn người dân dùng bánh đa Kế múc cháo ăn cùng tạo, nên độ bùi của bánh đa, độ ngọt của thịt lợn, độ thơm của gạo rất ngon.
Quanh thành Dền gắn liền với thành Dền có một số di tích khác đáng quan tâm, một trong năm tòa nơi có phố Phủ, hay còn gọi là phố Cửa Tiền, một khu phố cổ nhất của Phủ Lạng Thương, sau đổi thành phố Tiền Môn, đình Tiền Môn là địa điểm chứng kiến trận Pháp tấn công vào Bắc Giang ngày 15 tháng 3 năm 1894 và cũng là nơi chứng kiến sự ra đời của trung tâm Phủ Lạng Thương, vì năm 1895, thực dân Pháp chiếm đóng Bắc Giang thì phải ở đây trước rồi mới quy hoạch làng Thương thành thị xã. 
Tiếc rằng, trong chiến tranh các dấu tích cổ xưa đã bị phá bỏ. Các di tích của phố Châu Xuyên xưa gồm: Đình Tiền Môn, đình Dền, đình Bè, đình Làng Thương, đình Châu Xuyên là những ngôi đình cổ, có quy mô rộng lớn nhất vùng phủ Lạng Thương trước đây. Đình Tả Môn và đình Tiền Môn là hai ngôi đình nằm ở hai cổng của thành Dền, đình Tả Môn có quy mô nhỏ hơn, nằm ở vị trí cuối đường Huyền Quang ngày nay. Ngôi đình đã bị phá hủy từ lâu nên không còn dấu vết gì hiện hữu trên mặt đất. Ngoài ra cụm di tích này còn có các điểm như: chùa Dền, đền Phủ… 
Chùa Dền là một địa điểm ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử của phủ Lạng thương. Đây cũng là địa điểm quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nơi nuôi dưỡng thương, bệnh binh. Ngôi chùa hiện nay vẫn còn bảo lưu được nhiều giá trị và trở thành trung tâm của Giáo hội Phật giáo thành phố Bắc Giang. Đền Phủ là nơi thờ Bà Lý Thị  Châu (Châu Nương), là người có công trong việc lo cấp lương thực, chuẩn bị hậu cần cho các nghĩa binh trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phương Bắc.
Các cụm tín ngưỡng ở phố Châu Xuyên xưa cùng thờ thành hoàng làng là đức Cao Sơn, Quý Minh đại vương, hai danh tướng thời Vua Hùng thứ 18, và phối thờ thần hoàng bản tự Hoàng Quốc Thanh, người có nhiều công lao lớn trong việc xây dựng thành Dền. Hội lệ được tổ chức vào ngày 15 tháng 2 và ngày 15 tháng 8 âm lịch hàng năm. Vào những ngày tiết lệ này, xưa kia nhân dân có tổ chức lễ rước từ đình Tiền Môn, đình Dền ra đền Phủ, lên đình làng Thương, rồi rước hoàn cung. Từ khi Pháp xâm lược, các địa điểm này bị phá hủy, nhân dân không tổ chức rước nữa. Ngày nay, các điểm văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng này đang được phục dựng lại. 
Các dấu tích vật chất ở phố Châu Xuyên cũ và thành Dền tọa lạc trên một khu vực tập trung đông dân cư của thành phố Bắc Giang. Ngôi đình là một di tích có giá trị lịch sử tiêu biểu của thành phố Bắc Giang, nơi chứng kiến, diễn ra những sự kiện lịch sử trọng đại của thành phố, là địa điểm gắn với những địa danh lịch sử như thành Dền, phố Phủ… những địa danh quan trọng trong các cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập dân tộc của quân dân thành phố nói riêng và của cả tỉnh Bắc Giang nói chung. 

Nhận xét