TẤM BẢN ĐỒ CỦA VỊ GIÁM MỤC VÀ SỰ HỘI TỤ BẢN ĐỒ HỌC VIỆT NAM VÀ PHƯƠNG TÂY


Tác giả: HAROLD E. MEINHEIT
Mặc dù bản đồ này không phải là không sai sót, nhưng tôi nghĩ rằng nó là, và có thể… tốt nhất và chi tiết nhất mà trước nay chưa hề xuất hiện
– Giám mục Jean-Louis Taberd, Đại diện Tông Tòa Đàng Trong
Anh 01
Một bản đồ hiếm hoi về Việt Nam vào thế kỷ XIX, ít được chú ý ở phương Tây, đang nhận được sự quan tâm đặc biệt ở Việt Nam. Bản đồ này xuất bản năm 1838, là một trong những tư liệu được trích dẫn để ủng hộ cho các tuyên bố về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, ý nghĩa của nó còn vượt xa hơn giá trị chứng lý trong cuộc đấu tranh hiện nay của Việt Nam đối với Trung Quốc về quần đảo Hoàng Sa. Nhìn rộng hơn, bản đồ này là một sự hợp nhất rất đáng chú ý giữa bản đồ hành chính truyền thống của Việt Nam và bản đồ phương Tây. Bản đồ này cũng cung cấp một bản chụp nhanh về Đông Dương trong những thập kỷ đầu thế kỷ XIX, khi triều nhà Nguyễn đang củng cố quyền lực cho một Việt Nam vừa mới thống nhất và trước khi thực dân Pháp xâm chiếm [Việt Nam] cũng trong thế kỷ này.
Tấm bản đồ
Tên của bản đồ là An Nam đại quốc họa đồ (Bản đồ của Đế quốc An Nam)[1] được in bằng ba ngôn ngữ khác nhau: chữ Hán mà học giới Việt Nam từng sử dụng, chữ Latin và chữ Quốc ngữ – một hệ thống Latin hóa [tiếng Việt] được phát triển bởi các nhà truyền giáo phương Tây và được sử dụng phổ biến ở Việt Nam ngày nay. Bản đồ này thể hiện quan điểm mở rộng bờ cõi của vương triều Nguyễn, bao gồm toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, phần phía đông Campuchia, các tiểu quốc của Lào và một khu vực rộng lớn ở phía tây sông Mekong (nay là vùng đông bắc Thái Lan).
Xuất bản tại Calcutta (Ấn Độ) bởi The Oriental Lith. Press, bản đồ có kích thước 84 x 45 cm với rất nhiều chi tiết, gồm nhiều địa danh được in bằng chữ Quốc ngữ của Việt Nam. Trong một mức độ nào đó, đây có lẽ là bản đồ [kiểu] châu Âu đầu tiên được xuất bản với nhiều dữ liệu địa lý tương đối chính xác về Việt Nam và các nước láng giềng (Hình 1).
Figure 1
Hình 1. An Nam đại quốc họa đồ [Bản đồ của Đế quốc An Nam], xuất bản như một phụ bản trong Dictionarium latino-anamiticum bởi Giám mục Jean-Louis Taberd, 1838. 84 x 45 cm. Nguồn: Sưu tập bản đồ của Thư viện Olin, Đại học Cornell) (G8005 1838 .T3)
Đức Giám mục và cuộc đàn áp chống lại Công giáo tại Việt Nam
Người được xem là “cha đẻ” của tấm bản đồ này là Giám mục Jean-Louis Taberd (1794 – 1840). Taberd sinh ra ở Saint-Étienne (Pháp), thụ phong Linh mục năm 1817 và ba năm sau đó thì đến Đàng Trong với tư cách là giáo sĩ thuộc Hội Thừa sai hải ngoại Paris [Société des Missions Étrangères de Paris (MEP)]. [2] Ông đến [Đàng Trong] vào thời kỳ khó khăn, ngay sau khi Gia Long (cầm quyền: 1802 – 1820), vị hoàng đế đầu tiên của triều Nguyễn thăng hà. Người kế vị là Minh Mạng (cầm quyền: 1820 – 1841) đã bắt đầu thời kỳ cai trị lâu dài của mình. Công giáo dưới triều Gia Long phát triển rất mạnh mẽ nhờ vai trò quan trọng của vị Đại diện Tông Tòa người Pháp là Pierre Pigneaux de Béhaine (Giám mục Bá Đa Lộc, 1741 – 1799) trong việc ủng hộ cuộc đấu tranh thống nhất Việt Nam của Gia Long. Tuy nhiên, Minh Mạng lại là người hẹp hòi, và vào giữa những năm 20 của thế kỷ XIX, Taberd bị cáo buộc đã sách nhiễu các giáo sĩ và các giáo dân ở địa phương.[3] Mặc cho hoàn cảnh hiềm khích ngày càng gia tăng, Taberd vẫn phục vụ tại nhiều địa phương khác nhau ở Đàng Trong, trước khi Minh Mạng triệu ông ra Huế vào năm 1827 để làm việc như một người phiên dịch, với một chủ ý rõ ràng nhằm ngăn cản hoạt động truyền giáo. Cũng trong năm này, những nỗ lực truyền giáo trước đó của Taberd đã được ghi nhận khi ông được bổ nhiệm làm Giám mục Isauropolis và là Đại diện Tông Tòa Đàng Trong (bổ nhiệm năm 1830).
Taberd có thể đã đào thoát khỏi triều đình Minh Mạng [ở Huế] vào năm 1828 nhờ sự can thiệp của Lê Văn Duyệt, Phó vương cai quản vùng đất phía nam của Đàng Trong, từng là Tổng trấn Gia Định thành / Sài Gòn. Taberd trải qua những năm tiếp theo ở đây dưới sự che chở của Lê Văn Duyệt. Nhưng ngay sau khi Lê Văn Duyệt qua đời vào năm 1832, thì nơi đây đã nổ ra cuộc nổi dậy chống lại Minh Mạng, và nhà vua nghi ngờ người Công giáo địa phương đã trợ giúp cho cuộc nổi dậy này. Năm 1833 trở thành một năm tồi tệ với tất cả những người theo Công giáo – không chỉ với riêng giáo dân vùng Gia Định / Sài Gòn – khi vua Minh Mạng ban hành một sắc lệnh chống lại tất cả những người theo Công giáo trên toàn quốc. Vì vậy, Giám mục đã khôn ngoan rời khỏi Đại Nam. Sau thời gian tạm trú ngắn ở Xiêm (Thái Lan) và Penang (thuộc Malaysia), Taberd đến sống ở Calcutta (Ấn Độ) – nơi ông được bổ nhiệm làm Đại diện lầm thời Tông Tòa Bengal (Ấn Độ) vào năm 1838. Khi ở Calcutta, Taberd đã xuất bản hai bộ từ điển quan trọng [Nam Việt dương hiệp tự vị và Tự vị Latinh Annam]Ông cũng đã tu chỉnh bộ Từ điển Việt – Latin [Dictionarium Latino Anamiticum (Tự vị Latinh Annam)] do Giám mục Pigneau de Béhaine khởi xướng trước đó, và biên soạn cuốn từ điển đầu tiên của chính mình, xuất bản tại Calcutta vào năm 1838. Tấm bản đồ của ông, An Nam đại quốc họa đồ, đã được đính kèm ở phần sau của quyển từ điển này. Cũng trong thời gian trên, có hai bài báo [của Taberd] được đăng tải trên tạp chí của Hội châu Á ở Bengal, mà Taberd đã khảo về địa lý xứ Đàng Trong và tấm bản đồ của ông.[4] Taberd qua đời ở Calcutta vào năm 1840, ngay sau sinh nhật lần thứ 46 của mình.
Quần đảo Hoàng Sa
Các cuộc xung đột về chủ quyền lãnh thổ hiện nay trên Biển Đông đã mang lại một danh tiếng mới cho bản đồ của Giám mục [Taberd], mà lúc này được coi là bằng chứng củng cố yêu sách chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đã bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1974.[5] Rìa phía đông của tấm bản đồ này đã miêu tả Paracel seu Cát Vàng [Paracel còn gọi là Cát Vàng] nằm phía trên vĩ tuyến 16 (Hình 2). (Cát Vàng hay Golden Sands là một trong những cái tên sớm nhất mà người Việt đặt cho quần đảo Paracel, nay thường gọi là [quần đảo] Hoàng Sa). Bổ sung cho việc gộp những hòn đảo vào bản đồ của mình, Taberd đã viết rằng Gia Long tuyên bố các đảo này thuộc về Việt Nam từ năm 1816. Trớ trêu thay, theo nhìn nhận đương thời về những hòn đảo này, Taberd cho rằng quần đảo Hoàng Sa ít có giá trị và rằng không quốc gia nào muốn tranh chấp chủ quyền với Việt Nam:
Pracel hay Paracels [quần đảo Hoàng Sa] là một mê cung đầy những đảo nhỏ, đá và bãi cát trải trên một khu vực đến 11 độ vĩ Bắc [không chính xác – Meinheit], 107 độ kinh Đông … Tuy quần đảo này không có gì ngoài đá tảng và những cồn lớn, nó hứa hẹn nhiều bất tiện hơn là thuận lợi, vua Gia Long vẫn nghĩ rằng ông sẽ mở rộng thêm lãnh thổ bằng cách chiếm thêm vùng đất đầy buồn chán này. Năm 1816, ông đã long trọng đến cắm cờ và chính thức chiếm hữu những hòn đảo này, mà dường như không một ai sẽ tranh giành với ông”.[6]
Figure 2
Hình 2. [chi tiết] Paracel seu Cát Vàng [Paracel hoặc Cát Vàng]. Quần đảo Hoàng Sa được hiển thị ở phía bên phải, phía trên vĩ tuyến 16. Taberd đã viết rằng Việt Nam đã sở hữu các hòn đảo trong một cuộc thám hiểm năm 1816, nhưng ông coi chúng là một sự mở rộng lãnh thổ buồn chán của Việt Nam mà không quốc gia nào khác muốn tranh chấp.
Trên thực tế, Gia Long không đích thân đến mà cử một đội thám hiểm ra quần đảo Hoàng Sa vào năm 1816. Dường như các thông tin về quần đảo Hoàng Sa mà Taberd có được, có khả năng là từ cuốn hồi ký của Jean-Baptiste Chaigneau (1769 – 1832), một cựu sĩ quan hải quân người Pháp, phục vụ như là một công thần dưới triều Gia Long.[7]
Việc mở rộng bờ cõi của đế chế An Nam
Mặc dù sự miêu tả về quần đảo Hoàng Sa của Taberd trong tấm bản đồ của ông đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm ở Việt Nam hiện nay, nhưng các yếu tố khác của bản đồ này, mà trước đó ít nhận được sự chú ý, cũng càng trở nên đặc biệt quan trọng. Điều trước tiên, là tấm bản đồ này đã cung cấp một bức tranh tổng thể về mối quan hệ của triều Nguyễn ở Việt Nam với các nước láng giềng trong những năm đầu thế kỷ XIX. Sau khi chứng tỏ sức mạnh, Gia Long đã nhanh chóng khẳng định vai trò trung tâm của Việt Nam ở Đông Nam Á lúc bấy giờ, bằng cách sử dụng mô hình triều cống của Trung Hoa. Điều này đã khiến cho Việt Nam và nước Xiêm đang bành trướng bị đặt vào sự xung đột đối với các nước yếu như Campuchia và các tiểu quốc của Lào. Bản đồ của Taberd cho thấy “Đế chế Việt Nam” (An Nam quốc seu Imperium Anamiticum) đã mở rộng vượt ra ngoài biên giới của Việt Nam, bao gồm một nửa Campuchia, các tiểu quốc của Lào và một phần lãnh thổ đáng kể ở phía tây sông Mekong, mà ngày nay là vùng đông bắc Thái Lan (cao nguyên Korat).
Campuchia: Campuchia từ lâu đã mất vùng lãnh thổ ở đồng bằng sông Mekong cho người Việt, nhưng trong những năm đầu thế kỷ XIX, sự cạnh tranh khốc liệt giữa Xiêm và Việt Nam [vẫn] đang diễn ra, khi cả hai quốc gia này đều hậu thuẫn các phe phái ở Campuchia trong việc kế vị. Ngoài việc điều khiển gián tiếp, Việt Nam thực sự đã tìm cách thôn tính Campuchia, hình thành bộ máy hành chính được tổ chức chặt chẽ, do quan lại và tướng lĩnh Việt Nam điều khiển, để thay thế cho hệ thống quyền lực kém hiệu quả hơn ở Campuchia và phần còn lại ở Đông Nam Á. Hệ thống hành chính của Việt Nam đã được thiết lập qua nhiều thời kỳ, với cấu trúc chưa hoàn thiện cho đến năm 1834, sau khi Taberd đã rời Việt Nam. Tuy nhiên, Taberd vẫn tìm hiểu về sự phát triển ở Đàng Trong và Campuchia. Từ Bengal, ông viết rằng vào năm 1835 hoặc đầu năm 1836, Đế chế An Nam tuyên bố Campuchia – Nam Vang – đặt dưới sự bảo hộ của Đế chế và ông cho rằng “[đế chế An Nam] đã biến đổi đất nước [Campuchia] thành các tỉnh” trên bản đồ của mình[8] (Hình 3).
Figure 3
Hình 3. [chi tiết] Campuchia dưới sự cai trị của Việt Nam. Bộ máy hành chính có tính tổ chức cao của Việt Nam (Trấn và Phủ) được thể hiện một phần. Địa danh trước đó của Khmer có tên tiếng Việt mới (Ví dụ. Phnom Penh gọi là Nam Vang thành). Các biên giới được đánh dấu cho thấy sự thống trị của Xiêm phía tây Campuchia. Trong những năm 1840, Việt Nam đã buộc phải từ bỏ tham vọng thôn tính Campuchia.
Như mô tả trên bản đồ của Taberd, một đường ranh giới phân chia giữa Campuchia và Xiêm ở phía tây (Băt Tâm bâng, tức tỉnh Battambang) và ở phía đông, là “vương quốc Campuchia cổ đại” (Antiquum Regnum Cambodiӕ) đã bị chia thành các đơn vị hành chính Việt Nam. Hai đơn vị lãnh thổ ở khu vực phía đông được ghi là bảo hộ hoặc trấn (Nam Vang Trấn và Gò Sặt Trấn), và nhiều tỉnh hoặc phủ được xác định (chẳng hạn: Vịnh Thâm Phủ và Phố Phủ). Một số địa danh được gọi bằng tiếng Khmer và bằng tiếng Việt, như cảng Kompong Som (Com Pong Som hay Vũng Tôm). Cố đô (Udong) cũng được đánh dấu (Vịnh Lung – Locus antiquӕ Regiӕ) và kinh đô mới thiết lập dưới sự bảo hộ của người Việt (Phnom Penh) được ghi tên là Nam Vang thành. Mãi đến những năm 1840, vì những cuộc nổi dậy ở nhiều nơi, khiến Việt Nam phải rút lui, từ bỏ các công trình quân sự / chính trị hành chính mà họ đã thiết lập [ở Campuchia].
Lào / vùng trũng sông Mekong: Vương quốc Lào được xác định trên bản đồ [của Taberd] nằm trong biên giới rộng lớn của Đế chế An Nam, nhưng khác hẳn với Campuchia, Lào duy trì tình trạng của họ là những “vương quốc” tách biệt (Regio Laocensis), kiểu như là thuộc quốc[9] (Hình 4). Tình trạng của Luang Prabang (Mường Luong Pha Ban) và vương quốc Vientiane (Vạn Tượng Quốc) được thể hiện rõ trên bản đồ.[10]
Figure 4
Hình 4. [chi tiết] Các khu vực Lào và vùng trũng sông Mekong. Các tiểu quốc thuộc Lào được mô tả như là một phần của Đế chế vĩ đại Việt Nam (An Nam) (Imperium Anamiticum) nhưng vẫn giữ được tính toàn vẹn của họ như là nước chư hầu (Regio Laocensis). Ba tiểu quốc chính thuộc Lào chính trong những năm đầu thế kỷ XIX là Luang Prabang (Mường Long Pha Ban), Vientiane (Vạn Tượng Quốc) và Champassak hoặc Bassac (Thành Lào ba thác) – được xác định rõ. Đế chế An Nam được thể hiện mở rộng đến vùng đất nay là đông bắc Thái Lan.
Trong miêu tả về Lào, sông Mekong và phần lớn của vùng đông bắc Xiêm của bản đồ, có thể Taberd đã vẽ dựa vào những thông tin thu thập mới nhất về Việt Nam trong cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại quan trọng mà Việt Nam phải đối mặt trong những năm cuối thập niên 1820. Taberd đã tham dự như là một người phiên dịch tại triều đình Huế trong cuộc xung đột vào những năm 1827 – 1828, bị châm ngòi khi Chao Anu, người cai trị ở vương quốc Vientiane [Viên Chăn], đã phát động một cuộc tấn công chống lại người Xiêm. Những cuộc chinh phạt sau đó của Xiêm trên đất Lào khiến Chao Anu phải cầu viện Minh Mạng, mở đường cho người Việt tham chiến. Các họa đồ của Việt Nam thời ấy, mà bản đồ của Taberd đã trích dẫn như là một trong những nguồn tư liệu của ông, rất có thể là một phần trong phản ứng của Việt Nam với cuộc khủng hoảng. Sự ảnh hưởng của bản đồ Việt Nam có thể được nhìn thấy trong nhiều lĩnh vực. Ví dụ, bản đồ của Taberd chính xác hơn các bản đồ trước đó trong việc mô tả kích thước thực tế của Lào. Bản đồ phương Tây trước đây đã cho thấy Lào như là một vùng lãnh thổ khá hẹp, nhưng bản đồ Taberd đã cho thấy nó lớn hơn nhiều.[11] Ngoài ra, một số địa điểm quân sự quan trọng cũng được xác định trên bản đồ. Chúng bao gồm hai địa điểm chiến lược ở Nghệ An Trấn – những đồn ải ở Qui Hợp, có vai trò như là một tiền đồn cho hoạt động quân sự và tình báo của Việt Nam trong cuộc nổi dậy của Chao Anu, còn huyện biên giới Kỳ Sơn thì được tăng cường phòng thủ để chống lại sự xâm nhập của Xiêm[12]  (Hình 5).
Figure 5
Hình 5. [chi tiết] Qui Hợp. Các đồn biên phòng của Việt Nam tại Qui Hợp là căn cứ quân sự và tình báo quan trọng trong cuộc nổi dậy Chao Anu (1827 – 1828) tại Lào. Nó cũng kiểm soát con đường buôn bán lâu dài giữa các vùng trũng sông Mekong, thành phố Vinh, và cảng Hội Thống ở Biển Đông.
Sự hiện hữu của những “họa đồ” Việt Nam ở vùng trũng sông Mekong cũng đóng góp cho một sự thể hiện chính xác hơn về các dòng sông lớn trên bản đồ của Giám mục. Taberd tự hào với các miêu tả của ông về sông Mekong như là một yếu tố quan trọng để phân biệt bản đồ của ông với các bản đồ trước đó về Đông Dương. Ông ghi chú rằng, [các] bản đồ của châu Âu trước đó thể hiện sông Mekong ít nhiều như một đường thẳng cho đến khi nó chảy vào [địa phận] Đàng Trong. Tuy nhiên, Tabert đã miêu tả một bức chân dung thực tế hơn đối với các sông lớn, dựa trên “hai bản đồ mà tôi đã có được vẽ bởi các kỹ sư của đất nước [Việt Nam]… Họ thông hiểu, họ đến đó mỗi ngày và đã đo tất cả các khúc uốn lượn của dòng sông…”.[13] Ngoài ra, một số thị tứ ven sông Mekong vẫn có thể nhận biết, mặc dù cách viết hơi khác nhau. Đó là Mukdahan (Mục đà hản), That Phanom (Tháp ba canon), Bassac (Thành Lào ba thác) và Nakhon Phanom (ghi theo tên cũ là Lạc Khon hoặc Lakhon). [14]  Mặc dù Taberd vẽ sông Mekong có phần chính xác hơn, nhưng phải cần thêm nhiều thập kỷ nữa trước khi dòng sông được điều tra một cách chính xác bởi các cuộc thám hiểm sông Mekong của người Pháp trong những năm 1866 – 1868.
Lãnh thổ Lào trên bản đồ, hiển thị như một phần của Đế chế An Nam, kéo dài đến cao nguyên Khorat [Kò rạt] ở hữu ngạn sông Mekong. Trong lịch sử, khu vực này đã được đặt dưới sự thống trị của vương quốc Lan Sang của nước Lào cổ. Do sự sụp đổ của Lan Sang, khu vực này cùng với dân cư Lào cổ, đã trở thành một vùng đệm giữa Xiêm và ba vương quốc kế tục của Lào là Luang Prabang, Vientiane và Champassak. Từ cuối thế kỷ XVIII trở đi, thế lực của Xiêm ở phía đông bắc mở rộng đáng kể nhờ việc sáp nhập những khu tự trị nhỏ vào sự quản lý của Bangkok. Chịu ảnh hưởng bởi cuộc tranh giành giữa Việt Nam và Xiêm vào cuối những năm 1820, bản đồ của Taberd phản ánh quan điểm của ông dựa trên nguồn [sử liệu] từ Việt Nam (và có thể từ Lào), và chỉ cho thấy một phần nhỏ [ảnh hưởng] của chính quyền Xiêm ở khu vực này. Nghiên cứu sâu hơn là điều cần thiết để xác định phần lớn các địa danh ở trên cao nguyên Khorat. Tuy nhiên, khu vực được tăng cường công sự của vùng đất có tên là Lào Phiên pháo, có thể liên quan đến một căn cứ quân sự của Xiêm trong cuộc nổi dậy Chao Anu.[15] Ngoài ra, Cà Lạ Thiến thanh có lẽ là thị trấn Kalasin, một khu định cư quan trọng của Lào có lịch sử từ lâu đời.[16]
Taberd nói về bản đồ học Việt Nam
Trong tác phẩm của mình, Giám mục Taberd đưa ra một số ý kiến khá thú vị về bản đồ học Việt Nam.[17] Như thể hiện trong bản đồ của ông, Taberd đã sử dụng hiệu quả [thành tựu] bản đồ học truyền thống của Việt Nam và có ghi nhận sự đóng góp của các “kỹ sư và thợ của triều đình”. Tuy nhiên, ông cũng phàn nàn những hạn chế của họ, khi viết rằng người Việt chỉ dựa vào dây thừng và la bàn mà không đo đạc theo vĩ độ và kinh độ của các địa điểm:
Khi bản vẽ bản đồ của mình, họ sử dụng những bản đồ do người châu Âu thực hiện, mà họ hoặc là giảm hoặc mở rộng quy mô; sau đó họ bổ sung thêm các địa điểm khác nhau mà những người châu Âu bỏ qua hoặc chưa biết đến”.
Nhưng Taberd khẳng định những hạn chế của thợ vẽ bản đồ người Việt đều không phải là lỗi của họ, mà là do thái độ hẹp hòi của các hoàng đế Gia Long và Minh Mạng. Taberd so sánh những ngăn trở từ các vị vua này so với hoàng đế Khang Hi ở Trung Quốc – người đã bảo trợ cho các nhà truyền giáo thực hiện những bản đồ rất khoa học về các tỉnh thành của Trung Quốc trong phần tư đầu thế kỷ XVIII. Để chứng minh cho luận điểm của mình, Taberd dẫn một câu chuyện về chuyến thăm của một tàu khu trục Pháp, tàu Le Henri, vào năm 1818 hoặc năm 1819. Con tàu thả neo gần Huế, các thuyền viên trên tàu đã được vua Gia Long tiếp đón. Tuy nhiên, khi họ muốn điều chỉnh máy đo thời gian của họ và lên bờ để chuẩn bị một đường chân trời giả định, vua Gia Long đã nói với đình thần của ông: “Có vẻ thuyền viên của tàu khu trục đang thực hiện một bản đồ nước ta. Lệnh cho họ phải chấm dứt hoạt động này”. Thái độ của Minh Mạng đối với người châu Âu thậm chí còn hẹp hòi hơn so với Gia Long, Taberd than thở: “… làm sao chúng tôi còn có thể thích nghi tốt hơn với nội tình của nước này nếu như mọi thứ vẫn trong tình trạng này”.
Mặc dù có những khó khăn, Taberd tin tưởng nỗ lực của ông trong việc kết hợp bản đồ Việt Nam và phương Tây sẽ cho ra đời “[tấm bản đồ] tốt nhất và chi tiết nhất từ trước đến nay”. Đề cập đến các nguồn tài liệu của mình, Taberd dẫn nguồn là một bản đồ cổ và một bản đồ hiện đại được vẽ bởi “kỹ sư của triều đình”, cũng như kiến thức của ông về Đàng Trong. Đối với vùng bờ biển, ông sử dụng các biểu đồ của Jean-Marie Dayot, một sĩ quan hải quân Pháp đã cùng Giám mục Pigneaux de Béhaine hỗ trợ cho cuộc chinh chiến nhằm thống nhất Việt Nam của nhà Nguyễn.[18] Giữa những năm 1790 và 1795, Dayot đã thực hiện những cuộc khảo sát chính xác nhất về bờ biển của Đàng Trong cho đến thời điểm này. Chúng đã trở thành dữ liệu cho nhiều nhà vẽ bản đồ người Pháp và người Anh khác vào thế kỷ thứ XIX.[19]
Bản đồ hành chính
Bình luận của Taberd về những thợ vẽ bản đồ người Việt Nam chỉ dựa vào dây thừng và la bàn, tưởng như có vẻ chỉ ra những hạn chế của họ, nhưng thực sự lại thừa nhận đó là một trong những điểm mạnh của họ. Việt Nam học hỏi mô hình hành chính Trung Hoa, khoảng từ thế kỷ XV, nên cần những tấm bản đồ cho quản lý nhà nước. Dây thừng và la bàn là kỹ thuật quan trọng của những người vẽ bản đồ Việt Nam, đặc biệt là trong các cuộc điều tra địa chính làng xã và việc xác định ranh giới các tỉnh. Chính quyền mới vào năm 1802 tiếp tục và mở rộng bản đồ truyền thống bao trùm toàn bộ lãnh thổ mới của mình, trải dài từ biên giới Trung Quốc đến bán đảo Cà Mau ở phương nam xa xôi. Gia Long chia đất nước thành 23 trấn và 4 doanh. Các cấp thấp hơn của chính quyền bao gồm các phủ, huyện, châu (huyện miền núi), tổng và xã. Năm 1831, Minh Mạng cải cách bộ máy hành chính, chuyển đổi các trấn và doanh dưới triều Gia Long thành các tỉnh.[20]
Figure 6
Hình 6. [chi tiết] Chi tiết hành chính và dân tộc thiểu số. Hoàng đế nhà Nguyễn đầu tiên, Gia Long, chia đất nước mới thống nhất thành Trấn. Hai trấn được hiển thị ở đây là Bình Hòa (hoặc Nha Trang) và Bình Thuận. Thủ đô (dinh hoặc thành) được xác định như là các bưu trạm hoặc dịch trạm dọc theo tuyến đường chính Bắc – Nam. Đảo và các thực thể ven biển được ghi nhận, trong đó có vịnh Cam Ranh nổi tiếng. Một ký hiệu nhắc nhở người xem rằng lãnh thổ này đã từng là một phần của vương quốc Champa (Olim Ciampa), và một biểu tượng tháp Chàm ở phía nam của vịnh Cam Ranh. Một số nhóm dân tộc thiểu số Tây Nguyên (Mọi bồ nông, Mọi bồ vun, và Mọi Vị) ở về phía tây của dãy núi An Nam.
Bản đồ của Taberd sử dụng định danh hành chính của triều Gia Long trước đó, phân chia đất nước thành [các] trấn[21] (Hình 6). Một số đơn vị hành chính cấp thấp hơn cũng được định danh [trên bản đồ] được mô tả, và các thực thể như: cảng, bến cảng, lỵ sở hành chính hoặc các dịch trạm dọc theo tuyến đường chính Bắc – Nam cũng được thể hiện (Hình 7). Một yếu tố mà Taberd mượn từ bản đồ Việt Nam là việc ghi tên nhiều con sông và cửa biển dọc theo bờ biển dài của Việt Nam.[22] Các tuyến đường giao thông hoặc thương mại cũng được thể hiện từ Việt Nam đi qua Campuchia và Lào. Ví dụ, các quan ải chiến lược tại Qui Hợp như đã đề cập ở trên, được thể hiện trên các tuyến đường thương mại lịch sử nối thung lũng sông Mekong với Vinh và cảng Hội Thống nhộn nhịp trên Biển Đông[23]  (Hình 5). [Bản đồ] cũng mô tả những con đường xuyên qua núi như đèo Cù Mông và đèo Cả nối liền vùng bờ biển với Tây Nguyên.
Figure 7
Hình 7. [chi tiết] Chú dẫn. Chú dẫn cung cấp sự tiện ích cho bản đồ, liệt kê các ký hiệu sử dụng và cách dịch các thuật ngữ tiếng Việt sang tiếng Latin, tiếng Pháp và tiếng Anh.
Sự quan tâm của Taberd đến lịch sử của Việt Nam được thể hiện rõ ràng trên bản đồ của ông. Điều này xuất hiện trong những chỉ dẫn về thời kỳ dài phân cách do cuộc nội chiến giữa các chúa Nguyễn ở phương Nam với các chúa Trịnh ở phương Bắc, mà cả hai đều tự xưng là đại diện cho vua Lê bù nhìn. Bức tường chia cách chúa Nguyễn Đàng Trong và chúa Trịnh Đàng Ngoài [Lũy Thầy] được hiển thị nổi bật (Lũi Sầy seu Murus magnus separans olim utrumque regnum). [Hình 8] Ngoài ra, việc phân chia mang tính lịch sử được phản ánh trong việc ghi tên chúa Nguyễn Đàng Trong là Annam Đàng Trong (Inner Annam) và Bắc Hà là Đàng Ngoài (Outer Annam). Nơi phát sinh cuộc khởi nghĩa Tây Sơn nắm quyền kiểm soát Việt Nam trong những năm cuối thế kỷ XVIII cũng được ghi nhận (Tây Sơn thượng) ở phía tây của Bình Định Trấn. Xa hơn về phía bắc, Cao Bằng Trấn được ghi nhận là các lãnh địa của tiền triều (olim Regnum). (Những tàn dư của cuộc nổi dậy của họ Mạc xuất phát từ Cao Bằng cho đến khi bị triều Lê – Trịnh đánh bại vào giữa thế kỷ XVII).
Figure 8
Hình 8. [Chi tiết] Lũi Sầy seu Murus magnus separans Olim utrumque Regnum (Lũi Sầy [Lũy Thầy] hoặc các trường thành lớn ngăn cách các vương quốc cũ). Những “bức tường” được xây dựng vào thế kỷ XVII để bảo vệ các chúa Nguyễn ở Đàng Trong khỏi các cuộc tấn công định kỳ của các chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Nó xuất hiện trên nhiều bản đồ đầu châu Âu và chạy từ biển lên núi, ngay phía bắc của khu phi quân sự ngăn cách Bắc và Nam Việt Nam 1954 – 1975.
Dân tộc thiểu số
Có một yếu tố quan trọng khác trên tấm bản đồ của Taberd làm nó trở nên khác biệt so với bản đồ Việt Nam truyền thống. Bản đồ Việt Nam thế kỷ XIX thường thể hiện vùng cao nguyên, vùng có dân tộc thiểu số (thường được gọi là châu) nhưng nhìn chung đều không xác định được các nhóm dân tộc thiểu số theo tên gọi. Chỉ có ngoại lệ duy nhất là Đá Vách (người Hrê) tại tỉnh Quảng Ngãi, nơi mà những bản đồ Việt Nam vào thế kỷ XIX thể hiển một bức tường, do Tướng quân Lê Văn Duyệt cho xây dựng vào năm 1819 để bảo vệ những thôn làng của người Việt khỏi các cuộc tấn công của người thiểu số vùng cao.[24]
Bản đồ của Taberd thể hiện một bước tiến trong các nỗ lực của phương Tây để thiết lập bản đồ các dân tộc cao nguyên ở Việt Nam bằng cách sử dụng các tên cụ thể (Hình 6). Những bản đồ phương Tây trước đó, bắt đầu là những bản đồ của Alexandre de Rhodes, vẽ vào năm 1650 và năm 1653, chỉ đơn giản gọi người dân vùng cao là Kemoy hoặc Rumoi (Mọi là từ tiếng Việt để chỉ “người man rợ”).[25] Nhưng trong thế kỷ XIX, cụm từ này xuất hiện trên nhiều bản đồ phương Tây, chẳng hạn như Bản đồ những vương quốc Xiêm La và Đàng Trong của John Crawfurd vào năm 1828 – một bản đồ được xuất bản bởi Cha Charles-Émile Bouillevaux vào năm 1851, có thể là bản đồ đầu tiên của Pháp hiển thị các tên chuẩn của các bộ tộc ở cao nguyên [của Việt Nam].[26] Tuy nhiên, bản đồ của Taberd là một tiền thân cho bản đồ của Bouillevaux về một nỗ lực xác định các nhóm [thiểu số] vùng cao dựa theo tên gọi, mặc dù những cái tên dường như không khớp với cái tên hiện nay của các nhóm dân tộc thiểu số vùng cao đó.[27]
Figure 9
Hình 9. [chi tiết] Nước Stiêng. Chưa bao giờ là một quốc gia hay một vương quốc riêng biệt, Stiêng là một nhóm bộ lạc sinh sống tại khu vực biên giới Campuchia – Việt Nam ngày nay. Họ là mục tiêu của một nỗ lực truyền giáo không thành công trong những năm cuối thế kỷ XVIII. Bản đồ cho thấy các tuyến đường được thực hiện bởi các nhà truyền giáo đến từ thị tứ ven sông Mekong – “Che Long” (Chhlong hiện đại) – vào lãnh thổ Stiêng. Làng Saat, không được hiển thị, được cho là nơi định cư quan trọng nhất của người Stiêng. Xác định Thành Tĩnh xương vẫn còn là một bí ẩn. Nguồn: Thư viện Quốc hội Mỹ.
Vương quốc bí ẩn của người Stiêng: Một nhóm dân tộc thiểu số được nổi lên bất thường trên bản đồ của Taberd được xác định như là một quốc gia riêng biệt hay một đất nước, Nước Stiêng (Hình 9). (Từ điển định nghĩa từ Nước trong tiếng Việt là một quốc gia, dân tộc, hoặc nhà nước; chú thích trên bản đồ của Taberd định nghĩa nó là một Royaume hay “vương quốc”). Vương quốc Stiêng hiện hữu trên bản đồ [của Taberd] tách khỏi bảy nhóm [người thiểu số] liền kề xâm lấn biên giới Đàng Trong. Ngày nay, Stiêng là một nhóm dân tộc thiểu số vùng cao nhỏ sống dọc biên giới hiện nay giữa Việt Nam và Campuchia. Họ chưa bao giờ được xem là một vương quốc thống nhất. Tuy nhiên, trong phần tư cuối thế kỷ XVIII, nhóm thiểu số này là đặc biệt quan trọng đối với các nhà truyền giáo Pháp, vì người Stiêng trở thành đối tượng cho nỗ lực đầu tiên nhằm truyền bá Kitô giáo cho các nhóm bộ tộc ở Tây Nguyên và vùng đông bắc Campuchia. Các giáo sĩ đã tường thuật đầy phấn khích trong các báo cáo của họ, khi tuyên bố rằng “đã khám phá ra một vương quốc mới có tên Stiêng” và tiếp tục đề cập đến lãnh thổ Stiêng như một vương quốc trong thư tịch của họ.[28] Tuy nhiên, chuyến viếng thăm ngắn ngủi của Cha Julien Faulet tới lãnh thổ Stiêng trong những năm 1775 – 1776, đã giảm thiểu những ý tưởng phóng đại về một vương quốc Stiêng thống nhất. Trong báo cáo của mình, Faulet gọi khu vực này là một vùng “man rợ của đất nước” chứ không phải là một vương quốc và ông nói rằng Stiêng không có vua.[29] Nếu không có đủ nhân sự để theo dõi, nỗ lực truyền giáo bị thất bại và bị chỉ trích mạnh mẽ bởi lãnh đạo của Hội Thừa sai ở Paris.[30] Mặc dù có một linh mục khác từ Sài Gòn đến khu vực này vào năm 1791, nhưng ông ấy đã không lưu lại nơi này, và dường như đã không có thêm cuộc tiếp xúc nào giữa người Stiêng với các nhà truyền giáo Pháp trong hơn nửa thế kỷ.
Tại sao tấm bản đồ năm 1838 của Taberd, tiếp tục làm nổi bật người Stiêng và ghi nhận học như là một quốc gia hay một vương quốc riêng, vẫn còn là một bí ẩn! Tương tự, [địa danh] Thành hay Tĩnh xương trong lãnh địa Stiêng đã không còn xuất hiện trên các bản đồ sau này. Có lẽ, Taberd chỉ đơn giản là bày tỏ sự tôn trọng đối với họ bằng việc thừa nhận những gì đã từng là một dự án lớn của vị Đại diện Tông Tòa Pigneaux de Béhaine [thực hiện trước đây]. Cũng có thể là trong những năm đầu thế kỷ XIX, các nhà truyền giáo đã quan tâm đến việc làm mới những nỗ lực trước đó của họ với với người Stiêng.[31]
Vì sự nhấn mạnh quá mức của Taberd đối với nhóm này, [nên] Stiêng thường được thể hiện trên các bản đồ bằng tiến Pháp vào cuối thế kỷ XIX, mặc dù đây không phải là một quốc gia riêng biệt hoặc một thực thể chính trị.
Tấm bản đồ nhiều mục đích
Bản đồ của Giám mục Taberd, trong khi không công khai tôn giáo, lại có một ứng dụng thực tế ngay lập tức cho các nhà truyền giáo ở Đông Dương và những sứ mệnh phục vụ nơi đó. Nhưng Taberd cũng có một mục đích trí tuệ lớn hơn trong tâm trí – phục vụ “lợi ích của khoa học” – bằng cách làm ra tấm bản đồ chính xác nhất về bán đảo Đông Dương.[32] Sự tiếp cận với một đối tượng rộng hơn và sự chú ý của các nhà làm bản đồ châu Âu sẽ dường như bị hạn chế vì cách xuất bản tấm bản đồ, [do việc bản đồ này được] chèn vào phần sau cuốn Từ điển Latin – Việt lớn của Taberd, vốn là nguồn [tài liệu] không dễ tiếp cận. Tuy nhiên, sự hỗ trợ cho Taberd từ Hội châu Á ở Bengal, đặc biệt là từ James Prinsep, thư ký của Hội, đã giúp cho bản đồ của Taberd được lan truyền đến cộng đồng học thuật rộng lớn hơn. Năm 1848, TS. Karl Gutzlaff, một nhà truyền giáo nổi tiếng người Đức (1803 – 1851), người đã phục vụ [giáo hội] ở Đông Nam Á và Trung Quốc, đã bị cuốn hút mạnh bởi công việc của Taberd, bằng một bài nghiên cứu đọc trước Hội Địa lý hoàng gia London (Anh). Gutzlaff đã mô tả bản đồ của Taberd là “tấm bản đồ cao cấp và chính xác nhất, [giúp] chúng tôi có toàn bộ dữ liệu về Đế chế An Nam…”.[33]
Bản đồ của Taberd đã phục vụ cho một mục đích chính trị rộng lớn hơn trong diễn trình của thế kỷ XIX. Đó là một nguồn [dữ liệu] chính, tương đối chính xác về thông tin hành chính và địa lý ở bán đảo Đông Dương, khi mà áp lực với các thuộc địa của châu Âu ở Đông Nam Á gia tăng, trước khi các quan chức thực dân người Pháp bắt đầu nỗ lực lập bản đồ rộng lớn của họ trong thế kỷ XIX. Một phần tư thế kỷ sau khi được công bố, bản đồ Taberd có vị thế mới. Bản đồ đã được tái bản tại Paris vào năm 1862, cùng năm mà Pháp đã ký một hiệp ước với triều đình Huế [Hiệp ước Nhâm Tuất], mà sau đó là sự hiện diện của thực dân Pháp ở Sài Gòn và đồng bằng sông Mekong, và người Pháp đã chuyển mối quan tâm của họ về hướng Campuchia. Bản đồ của Taberd đã được tái bản theo chỉ thị của Prosper de Chasseloup-Laubat, Bộ trưởng Bộ Hàng hải và Thuộc địa Pháp, người ủng hộ mạnh mẽ nhất hoạt động thực dân ở Đông Dương trong nội các của Napoleon III.
Và trong thế kỷ XXI hiện nay, bản đồ của Giám mục Taberd lại đảm nhiệm một vai trò chính trị trong bối cảnh có những tuyên bố chủ quyền đối lập ở Biển Đông.
H.E.M.
Lời cảm ơn
Một lần nữa, tôi xin cảm ơn Boris Michev, Thư viện Bản đồ & Thông tin không gian địa lý tại Đại học Cornell (Hoa Kỳ), đã cung cấp một sự hỗ trợ vô giá với những tư liệu từ sưu tập bản đồ thuộc Thư viện Olin. Riêng Hình 9 là do Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ cung cấp.
Dịch sang tiếng Việt: Ngô Hoàng Đại Long – Trần Thị Kim Nguyên
Hiệu đính: Trần Đức Anh Sơn
Harold E. Meinhiet là cựu viên chức Bộ Ngoại giao Mỹ, từng làm việc tại các cơ quan ngoại giao của Mỹ ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Ông hiện là thư ký của Hội Bản đồ Washington (Mỹ).
Bản tiếng Anh của bài nghiên cứu này được in trên The Portolan, tạp chí của Hội Bản đồ Washington (Mỹ). Số 97, Mùa Đông 2016. Ban biên tập tạp chí Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng cám ơn tác giả Harold E. Meinheit và tạp chí The Portolan đã đồng ý chúng tôi dịch bài nghiên cứu này sang tiếng Việt để in trên số 88 (Tháng 4.2017) của tạp chí.
** Những chữ in nghiêng trong ngoặc đơn () là chú dẫn hoặc trích nguyên văn của tác giả Harold E. Meinheit. Những chữ trong ngoặc vuông [] là của người hiệu đính.
Chú thích
[1] An Nam là tên mà người châu Âu thường gọi Việt Nam. Tên này xuất xứ từ Trung Quốc hàm ý “phương Nam yên ổn”. Trong suốt thế kỷ XIX, những nhà cầm quyền Việt Nam đều gọi nước mình là Đại Nam (nước Nam vĩ đại).
[2] Đàng Trong là một Hạt đại diện Tông Tòa thuộc thẩm quyền của Giáo phận Ma Cao, được dẫn dắt bởi một vị Đại diện Tông Tòa, thường là một Giám mục danh nghĩa, được bổ nhiệm danh nghĩa. Khi Taberd được bổ nhiệm làm Đại diện Tông Tòa vào năm 1828, ông cũng được phong Giám mục danh nghĩa của Isauropolis. Các hạt đại diện Tông Tòa Đàng Trong bao phủ một khu vực từ tỉnh Quảng Bình (khoảng 17o30 vĩ độ Bắc) ở miền Trung Việt Nam đến đồng bằng sông Mekong ở miền Nam. Nó cũng bao gồm một phần của Campuchia. Tiểu sử của Giám mục Taberd có thể tìm thấy trong văn khố MEP [Hội Thừa sai hải ngoại ở Paris], tại http://archives.mepasie.org/notices/notices-biographiques/taberd.
[3] Jacob Ramsay, “Sự bóp nghẹt và chèn ép trong chiến dịch của nhà Nguyễn chống lại Công giáo vào những năm 1830 – 1840 ở Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, Tập 35, Số 2, Tháng 6.2014 2004, tr. 315.
[4] Jean-Louis Taberd, “Ghi chép về địa lý của Đàng Trong”, Tạp chí của Hội châu Á ở Bengal, Tập  VI, Phần II, Số 69, Tháng 9.1837, tr. 737-745. (http://hdl.handle.net/2027/chi.20428348?urlappend=%3Bseq=251) Bài viết thứ hai của Taberd là: Jean-Louis Taberd, “Ghi chép bổ sung về địa lý Đàng Trong”, Tạp chí của Hội châu Á ở Bengal, Tập VII, Số 76, Tháng 4.1838, tr. 317-324. (http://hdl.handle.net/2027/mdp.39015028150624).
[5] Xem: Nguyễn Đình Đầu, Chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông và Hoàng Sa – Trường SaTP.HCM: Nxb Đại học Quốc gia, 2014, tr. 122-123 và tr. 125; Xem thêm: Trần Đức Anh Sơn (Chủ biên), Tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng SaTP.HCM: Nxb Văn hóa – Văn nghệ, 2014, tr. 433.
[6] Taberd, “Ghi chép về địa lý Đàng Trong”, tr. 745. Taberd viết rằng các đảo “trải rộng lên đến 11 vĩ độ Bắc”. Tuy nhiên bản đồ của ông cho thấy những đảo này nằm ở khoảng vĩ tuyến 16. Hoặc là có một lỗi đánh máy trong bài của Taberd, hay là sự nhầm lẫn về vị trí của quần đảo Hoàng Sa với quần đảo Trường Sa vốn ở nằm xa hơn về phía Nam.
[7] Tôi mượn nhận định này của TS. Trần Đức Anh Sơn, người đã chỉ dẫn tôi tới cuốn Le Memoire sur la Cochinchine (công bố năm 1820) của Chaigneau. Chaigneau đã viết: “C’est seulement en 1816, que l’Empereur actuel a pris possession de cet archipel” (Chỉ đến năm 1816, vị Hoàng đế hiện tại [tức vua Gia Long của Đại Nam] mới sở hữu quần đảo này. “Jean-Baptiste Chaigneau et sa famille” (Jean-Baptiste Chaigneau và gia đình) của A. Salles, Bulletin des Amis du Vieux Hué (Tập san của Hội Đô thành hiếu cổ), Hà Nội, Tập 10, Số 1, 1923, tr. 257.
[8] Taberd, “Ghi chép bổ sung về địa lý Đàng Trong”, tr. 318.
[9] Taberd khẳng định rằng ông coi hầu hết các tiểu quốc nhỏ ở Lào như các thuộc quốc của “đế chế Đại Nam”. Taberd, “Ghi chép bổ sung về địa lý Đàng Trong”, tr. 322-323.
[10] Một sự vắng mặt đáng chú ý là tiểu quốc Xieng Khouang (Xiêng Khoảng) của Lào (tiếng Việt: Trấn Ninh), được liệt kê như là một trong các chư hầu của Việt Nam vào năm 1805, nhưng hiện diện trong cuộc tranh giành quyền lực giữa Xiêm và Việt Nam trong cuộc nổi dậy của Chao Anu.
[11] Mayoury Ngaosrivathana và Pheuiphanh Ngaosrivathana, “Ấn tượng ban đầu của người châu Âu về Lào”, in trong: Mayoury Ngaosrivathana và Kennon Breazeale (Chủ biên), Thuở hồng hoang trong lịch sử Lào: Những nhận định về khoảng thời gian từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX, Chiang Mai: Silkworm Books, 2002, tr. 141.
[12] Những nguồn tư liệu Việt Nam liên quan đến cuộc xung đột năm 1827 giữa triều đình Xiêm La và các công quốc của Lào: tạp chí về các hành động triều đình của Việt Nam về các biến cố liên quan đến Vương quốc Vạn Tượng, Mayoury và Pheuiphanh Ngaosrivathana giới thiệu và chú giải, Tokyo: Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Đông Á của UNESCO, Toyo Bunko, 2001, Tập 1, tr. 112-113.
[13] Taberd, “Ghi chép bổ sung về địa lý Đàng Trong”, tr. 319.
[14] Hơi khó hiểu là vị trí của thành phố Vientiane (Bàn chăn hoặc Viên Chănk) nằm ở hữu ngạn sông Mekong, thuộc vùng hạ lưu của vương quốc Vientiane. Người Xiêm đã phá hủy hoàn toàn thành phố Vientiane (ngoại trừ một số tu viện Phật giáo) vào năm 1828 và chuyển nhiều cư dân [của thành phố này] đến sống trong lãnh thổ của Xiêm. Có lẽ vị trí của thành phố Vientiane trên bản đồ có ý thể hiện sự ép buộc giảm thiểu dân số của thành phố, với việc nhiều người Lào di chuyển đến các khu vực xung quanh thành phố Nong Khai hiện nay. Hoặc có lẽ nó chỉ đơn giản là một sai sót. Trong bản đồ của mình vào năm 1858, Edward Weller (FRGS), dường như đã bị ảnh hưởng bởi sự thể hiện của Taberd về sông Mekong nên cũng định vị Vientiane ở hữu ngạn [sông này]. Xem: Burmah, Siam, Anam & c. (1858?),  http://nla.gov.au/nla.obj-231866668.
[15] Xem: Những nguồn tư liệu Việt Nam liên quan đến cuộc xung đột năm 1827, Tập. 1, tr. 73, chú thích 212. Các vị trí cũng được viết theo nhiều cách khác trong các nguồn tài liệu, ví dụ: Phan-phao, Phien-Bao,…
[16] Charles F. Keyes, Isan: Chủ nghĩa khu vực ở đông bắc Thái Lan, Báo cáo tạm thời Dự án Cornell Thái Lan, Số 10, Chương trình Đông Nam Á, Thư tịch 65, Ithaca: Cornell University, 1967, trang 8.
[17] Taberd, “Ghi chép bổ sung về địa lý Đàng Trong”, tr. 319-320.
[18] Như trên, tr. 319.
[19] Gilles Palsky, “La Cartographie française des Côtes cochinchinoises à la Fin du 18e Siècle: Jean-Marie Dayot et le Pilote de Cochinchine” (Bản đồ của Pháp về bờ biển Đàng Trong vào cuối thế kỷ XVIII: Jean- Marie Dayot và tác phẩm Pilote de Cochinchine), Imago Mundi, Tập 41, Số 1, tháng Giêng, 1989, tr. 59-69.
[20] Alexander Barton Woodside, Việt Nam và khuôn mẫu Trung Hoa: Một nghiên cứu so sánh về chính quyền dân sự giữa nhà Thanh và nhà Nguyễn trong nửa đầu của thế kỷ XIX, Cambridge: Harvard University Press, 1971, tr. 141-143.
[21] Taberd vẫn còn ở Việt Nam khi vua Minh Mạng bắt đầu của cải cách hành chính của mình. Ông đã đề cập đến cuộc cải cách này trong tác phẩm Ghi chép về địa lý Đàng Trong của mình (tr. 744). Tuy nhiên, nhưng bản đồ được dùng trong sách này là của triều Gia Long. Trong tác phẩm Ghi chép về địa lý Đàng Trong của ông được xuất bản bằng tiếng Anh, Taberd đã dùng lối dịch khác nhau cho các đơn vị hành chính của Việt Nam. Chẳng hạn, ông dịch trấn là prefecture, thay vì pretectorate như bản dịch của Woodside và những người khác. (Prefecture thường được dùng để dịch chữ phủ trong tiếng Việt). Có một số khác biệt nhỏ khác giữa chú giải của Taberd và chính tấm bản đồ. Để rõ hơn, tôi đã tham khảo các bản dịch được dùng bởi Woodside và học giả Việt Nam hiện đại.
[22] Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu đã liệt kê tất cả 57 cửa sông và nhiều yếu tố khác dọc theo đường bờ biển dài của Việt Nam trên bản đồ của Taberd. Nguyễn Đình Đầu, Sđd, tr. 123 và tr. 127.
[23] Trần Văn Quý, “Thư tịch Quỳ Hợp: Quan hệ Việt – Lào phản ánh trong tài liệu về các đồn ải, từ 1619 đến 1880”, in trong: Mayoury Ngaosrivathana và Kennon Breazeale (Chủ biên), Sđd, tr. 239-259.
[24] Harold E. Meinheit, “Một góc nhìn về cuộc chiến ở Việt Nam thế kỷ XIX”, The Portolan, Số 73, Mùa đông 2008, tr. 21. Taberd mô tả [Mọi] Đá Vách là “các giống dân man rợ khủng khiếp nhất chiếm toàn bộ dãy núi bao quanh vương quốc”. Taberd, “Ghi chép về địa lý Đàng Trong”, tr. 741.
[25] Harold E. Meinheit, “Khám phá Việt Nam: Bản đồ của Alexandre de Rhodes”, The Portolan, Số 65, Mùa xuân 2006, tr. 28-41.
[26] Henri Maitre, Les Jungles Moi (Rừng người Thượng), Paris: Emile LaRose, 1912, tr. 555.
[27] Các nhóm là: Mọi đá ráchMọi đá váchMọi đá hànMọi bồ nôngMọi bồ vunMọi Vị, và Mọi bà ria. Như đã chú thích, Đá Vách là một nhóm sắc tộc có thể nhận diện. Bồ nông cũng có thể là [tộc người] Phnong hay Mnong.
[28] Thư của Cha Jean Steiner, Procure, Giáo phận Macau, ngày 21.8.1774 (tiếng Pháp). Tường thuật về cái chết u buồn của Cha Juguet ở tuổi 30, Steiner viết: “Ce missionnaire, peu de temps avant sa mort, avait découvert un nouveau royaume, appélé Stiêng…” (Nhà truyền giáo này, ngay trước khi qua đời, đã khám phá ra một vương quốc mới gọi là Stiêng). Pigneaux de Béhaine cũng báo cáo về “vương quốc mới của Stiêng” (“Regnum novum vocatum Stiêng”) trong một lá thư ngày 05.01.1775. Cả hai bức thư này đều được in trong: Adrien Launay, Histoire de la mission de Cochinchine, 1658-1823: documents historiques (Lịch sử công vụ ở Đàng Trong, giai đoạn 1658-1823), Paris: Missions étrangères de Paris: savantes Indes, Tập 3 (1771 – 1823), 2000, tr. 60- 61.
[29]  Thư của M. Faulet gửi M. Steine ngày 24.6.1776. In trong: Launay, Sđd, tr. 64.
[30] Frédéric Mantienne, Pierre Pigneaux: eveque d’Adran et mandarin de Cochinchine (1741 – 1799) (Pierre Pigneaux: Giám mục d’Adran và quan chức Đàng Trong), Paris: Les Indes savantes, 2012, tr. 70-72.
[31] Mối quan tâm truyền giáo được tiếp tục trong tộc người này thể hiện ở việc thành lập một phái bộ [truyền giáo] trong cộng đồng người Stiêng ở Brelam vào thập niên 1850. Tuy nhiên, phái bộ này đã bị hủy hoại trong cuộc nổi dậy Pu Kombo vào năm 1866.
[32] Taberd, “Ghi chép bổ sung về địa lý Đàng Trong”, tr. 319, 320.
[33] Tiến sĩ Karl Gutzlaff, “Địa lý của Đế quốc An Nam”, Tạp chí của Hiệp hội Địa lý Hoàng gia London, Tập 19 (1849), tr. 85-143.

Nhận xét