Lăng mộ gần trăm tuổi của Phan Châu Trinh


TP HCMMộ phần của nhà yêu nước Phan Châu Trinh (quận Tân Bình) được lập năm 1926, do một điền chủ hiến đất xây dựng.


Lăng mộ nhà yêu nước Phan Châu Trinh (1872 - 1926) nằm trên đường Phan Thúc Duyện (quận Tân Bình), trong khu đất rộng khoảng 2.000 m2.

Mộ phần cụ Phan ban đầu là nhỏ, nay được tu bổ theo kiểu một ngôi nhà mồ rộng rãi, có mái ngói che nắng, có hai dãy ghế đá hai bên để khách đến thăm viếng nghỉ ngơi. Sau mộ là tấm bia đá bằng cẩm thạch cao 3,6 m, rộng 3 m, nói về thân thế sự nghiệp của cụ Phan do Huỳnh Thúc Kháng soạn.

Hiệu là Phan Tây Hồ, sinh tại Quảng Nam trong một gia đình võ quan triều Nguyễn, Phan Châu Trinh từng sang Nhật Bản rồi Pháp để học hỏi, tìm con đường thoát khỏi ách cai trị của người Pháp và nhiều lần diễn thuyết về con đường cứu nước, yêu cầu Pháp phải thay đổi chính sách cai trị ở Việt Nam.

Mộ phần của cụ Phan nằm giữa, hình chữ nhật. Mặt trước mộ với văn tự đề “Việt Nam chính trị cách mạng gia. Phan Châu Trinh tiên sinh chi mộ. Quốc dân đồng kính tạo”.

Phần đất khu mộ xưa là nghĩa trang Gò Công tương tế, thuộc làng Tân Sơn Nhứt. Khi Phan Châu Trinh mất, một điền chủ đã hiến đất xây mộ. Sau này, những mộ khác trong nghĩa trang được di dời để làm khu di tích như hiện nay.

Đền thờ Phan Châu Trinh xây dựng năm 1930 tại khu vực phường Đa Kao, quận 1 ngày nay. Năm 1993 đền này được dỡ bỏ và xây mới cạnh mộ phần.

Đền thờ xây dựng mô phỏng theo kiến trúc đền cũ ở Đa Kao với nền hình bát giác, mái ba tầng kiểu cổ điển.

Ngay lối vào đền thờ là bức tượng bán thân bằng đá của Phan Châu Trinh đặt trên hồ nước nhỏ, do UBND TP Đà Nẵng tặng năm 2006.

Đền thờ rộng khoảng 40 m2, ở giữa là bàn thờ Phan Châu Trinh, phía sau có bức đại tự ghi “Cách Mạng Tiền Khu”, nghĩa là người làm cách mạng gian nan đầu tiên. Bên trái bàn thờ là nơi thờ phu nhân và các con của Phan Châu Trinh, bên phải là bia ghi công đức.

Nhà lưu niệm nằm đối diện mộ, là nơi trưng bày những di vật, di bút, hiện vật về cuộc đời hoạt động cách mạng của Phan Châu Trinh.

Những di bút, giấy tờ, thư từ, tác phẩm... của Phan Châu Trinh được lưu giữ trong tủ kính. Phần lớn các bản tài liệu này được sao lưu lại. Nổi bật là các tác phẩm như: "Thư vạch 7 tội của vua Khải Định, Giai nhân kỳ ngộ diễn ca, Tây Hồ thi tập, Tỉnh quốc hồn ca..."

Bộ comple của Phan Châu Trinh thường mặc vẫn còn nguyên vẹn trong tủ kính.

Trên tường ngoài hình ảnh hoạt động cách mạng còn dành một góc riêng trưng bày những ảnh về đám tang Phan Châu Trinh.Linh cữu được đem quàn tại Bá Huê lầu, số 54 đường Pellerin (nay là đường Pasteur, quận 1) để đồng bào điếu phúng trong 8 ngày.

Bất chấp sự ngăn cản của chính quyền thực dân, phong trào làm lễ truy điệu Phan Châu Trinh được tổ chức rộng rãi ở khắp ba kỳ, trở thành một sự kiện chính trị nổi bật lúc bấy giờ.

Bức ảnh lưu lại cảnh hàng nghìn người tiễn đưa linh cữu Phan Châu Trinh an táng tại nghĩa trang Gò Công tương tế ngày 4/4/1926.

Một số tờ liễn đối do các cá nhân, tổ chức gửi đến trong lễ tang Phan Châu Trinh được cất giữ cẩn thận trong nhà lưu niệm.

Khu lưu niệm Phan Châu Trinh công nhận là di tích lịch sử năm 1994. Mỗi năm, vào ngày 24/3, gia đình đều tổ chức lễ giỗ với sự tham gia của thân quyến.

Nhận xét