80 năm nhìn lại một sự khởi đầu

 Năm 1938 là một năm đặc biệt trong lịch sử mỹ thuật nước nhà. Có những sự kiện quan trọng, nhưng dường như đang bị che phủ bởi lớp bụi thời gian hoặc nằm trong điểm mù mà chúng ta không thể nào trông thấy nó. Đó là năm có những quyết định liên quan đến định hướng đào tạo của Trường Mỹ thuật Đông Dương. Đó là năm nhà điêu khắc E. Jonchère chính thức nhậm chức. Và, cũng là năm Trường Mỹ thuật Đông Dương sau một năm tạm dừng tuyển sinh các ngành Hội họa, Kiến trúc, Điêu khắc đã tuyển sinh trở lại.

 

Sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương (Lớp dự bị) chụp năm 1937. Sinh viên Lê Quốc Lộc đứng ngoài cùng bên trái. Tư liệu họa sỹ Lê Huy Văn.


Một sự kiện quan trọng đặc biệt của năm 1938 là “Ngày 25 tháng 4 năm 1938, Toàn quyền Brévié ký ban hành nghị định tái tổ chức Trường Mỹ thuật Đông Dương, theo đó, trường chính thức trở thành Trường Cao đẳng Mỹ thuật và Nghệ thuật ứng dụng (École des Beaux-Arts et des Arts Appliqués) với hai định hướng rõ rệt: một là đào tạo các nghệ sỹ tạo hình thuần tuý, hai là đem lại sự cách tân cho ngành thủ công nghiệp.” Chắc chắn với định hướng này, Trường MTĐD sẽ mở rộng diện tuyển sinh. Có thể gộp cả ngành mỹ thuật tạo hình và mỹ thuật ứng dụng, số sinh viên đến hàng chục người. Việc phân lập hai mảng đào tạo là mỹ thuật thuần túy và mỹ thuật ứng dụng đã có từ đời hiệu trưởng đầu tiên Victor Tardieu với việc thành lập các ban sơn ta, gốm, kim loại, mộc. Ngay từ thời này đã có sự song hành của các nghệ sỹ và nghệ nhân trong Trường. Dù có thay đổi về tên gọi, thì Trường vẫn nằm trong hệ thống Viện Đại học Đông Dương (Université Indochinoise) thành lập vào năm 1907. Đây là hệ thống tự do học thuật theo mô hình của Viện Đại học Bologna. Viện Đại học Đông Dương gồm các ngành học như Y dược, Thú y, Thủy lâm, Sư phạm, Thương mại, Luật khoa hành chính và Mỹ thuật. Mang tinh thần của một Viện Đại học, các sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương được đào tạo để trở thành những nghệ sỹ trí thức. Những phản ứng của một loạt sinh viên và cựu sinh viên với những phát ngôn của tân Giám đốc E. Jonchère mà họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung là đại diện thể hiện rõ tinh thần này.

 

Nguyễn Văn Quế và Lê Quốc Lộc, Hội chùa, 1939, sơn mài. Bảo tàng MTVN


Sự kiện thứ hai, năm 1938, nhà điêu khắc Évariste Jonchère chính thức nhậm chức Giám đốc Trường Mỹ thuật Đông Dương. Trước hết cùng nhìn lại mô hình Ttrường Mỹ thuật Đông Dương thời ngài Hiệu trưởng V.Tardieu trước đó. Cho đến nay, đây vẫn là mô hình trường mỹ thuật tiến bộ nhất thời bấy giờ; và xét về quy mô đào tạo nó vẫn lớn hơn bất cứ trường mỹ thuật nào ở Việt Nam từ trước đến hiện nay. Trường bao gồm ngành học kiến trúc, mỹ thuật và mỹ thuật ứng dụng. Mỹ thuật ứng dụng không phải đến thời E.Jonchères mới có. Nhưng đến thời E.Jonchères là một nghệ sỹ điêu khắc có thiên hướng thực tế và nhậy bén kinh doanh. Ông cho lập các xưởng gia công đồ mỹ nghệ truyền thống rồi xuất đi châu Âu.

 

Họa sỹ Lê Quốc Lộc tại xưởng vẽ


Phải nói rằng, quan điểm phê phán sự phân tách giữa Mỹ thuật thuần túy và Mỹ thuật Ứng dụng khá nặng nề ở Đông Dương thời đó. Phong trào phản đối việc này bài trừ nghệ thuật thủ công, đòi loại thủ công ra khỏi ngôi đền nghệ thuật cao sang được khởi xướng từ nước Anh, tiếp theo là Mỹ, Hà Lan, Pháp, Đức. Những người đầu tiên chống lại việc phân tách giữa nghệ thuật cao cấp và thứ cấp là Wiliam Morris (1834 -1896) và nhóm Bloomsbury (Anh). Chống lại định kiến cho rằng tính chất thực dụng của các sản phẩm thủ công làm cho các tác phẩm không đạt tới tính thuần khiết của cảm xúc, sự thanh cao của mỹ cảm, phong trào Nghệ thuật và Thủ công cổ xúy cho việc đưa nghệ thuật trang trí tiếp nối những giá trị nghệ thuật thủ công.

Ảnh hưởng của phong trào này nhanh chóng lan rộng ở châu Âu, có thể kể đến những ảnh hưởng dây chuyền đến Art Nouveau (Pháp), nhóm De Stijl (Hà Lan), Vienna Secession (Áo) và đặc biệt là trường phái Bauhaus (Đức). Trường Bauhaus được thành lập năm 1919 bởi kiến trúc sư Walter Gropius. Trường Bauhaus đã gắn kết Thủ công mỹ nghệ với Mỹ thuật. Thiết kế hướng đến xã hội là một trong những điểm đột phá trong lĩnh vực đào tạo ở các trường mỹ thuật trên thế giới lúc đó. Rất tiếc là cuộc vận động thẩm mỹ này đã dù đã lan tới Đông Dương nhưng chưa kịp tạo nên những chuyển biến quan trọng hơn về nhận thức về bản chất nghệ thuật.

Sự kiện thứ ba, tuyển sinh năm 1938 khóa XII của Trường MTĐD. Đây là khóa được mở sau một năm gián đoạn. Khóa XII ngành Hội họa có Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Văn An, Tô Văn San. Một số người không theo hết khóa lá Nguyễn Văn Tiếp, Phạm Xuân Thi, Hồ Văn Thư, Đặng Quốc Hùng, Lê Toàn Trung. Đây là số liệu từ sách Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội 1925- 2005. Nhìn vào con số 03 người tốt nghiệp trên tổng số 08 người trúng tuyển cho ta cảm giác sự khó khăn để có tấm bằng danh giá của Trường MTĐD. Nhưng, những con số đó có thật chính xác? Vì sao chỉ có ngành Hội họa mà không có Kiến trúc và Điêu khắc được tuyển sinh, rồi những ngành Mỹ thuật Ứng dụng nữa?

 

Bằng tốt nghiệp Khoa Kiến trúc, Trường Mỹ thuật Đông Dương, năm 1939 của KTS Nguyễn Văn Nghi


Quan tâm đến số học sinh tốt nghiệp và các ngành nghề đào tạo của Trường MTĐD, từ lâu tôi đã rất nghi ngờ về con số “đào tạo được 128 sinh viên (trúng tuyển 149, tốt nghiệp 128 sinh viên)”3. Bởi theo sách của Nguyễn Văn Uẩn: “Từ 1926 đến 1946, Trường Mỹ thuật Đông Dương học được 17 khóa (trong đó có 4 khóa chưa được trọn vẹn) đào tạo được 187 sinh viên tốt nghiệp: 105 hội họa, 12 điêu khắc, 15 sơn, 5 gốm, 5 khắc đồng và bạc, 5 mộc...”4. Con số 128 sinh viên theo sách Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội 1925- 2005 thiếu đi rất nhiều gương mặt tài danh của mỹ thuật nước nhà như các họa sỹ Lê Quốc Lộc, Tạ Tỵ, Phạm Đăng Trí, Nguyễn Văn Y, Nguyễn Trọng Niết, Trần Văn Đức, Ngô Trọng Tuynh… Rồi một loạt các kiến trúc sư tài danh như Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Ngọc Chân, Nguyễn Văn Ninh, Ngô Huy Quỳnh, Nguyễn Văn Nghi… Theo nghiên cứu của KTS Đoàn Đức Thành, tính đến năm 1945, có khoảng hơn 50 người tốt nghiệp ngành kiến trúc của Trường Mỹ thuật Đông Dương, nhưng trong tài liệu chính thống của Trường Mỹ thuật Hà Nội, chỉ có 02 người là Nguyễn Xuân Phương (khoá I 1925 - 1930), Nguyễn Cao Luyện (khoá III 1927 - 1932). 

 

Tạ Tỵ, Thiếu phụ, 1948, bột màu. Bảo tàng MTVN


Năm 2018 đúng tròn 100 năm ngày sinh của danh họa Lê Quốc Lộc, nhân đây xin được trở lại vấn đề vì sao ông không có tên trong danh sách sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương. Cách đây gần 10 năm, tình cờ họa sỹ Lê Huy Văn (con trai cả của cố họa sỹ Lê Quốc Lộc) tình cờ đến Phòng Quản lý khoa học và gửi cho tôi tập tài liệu đã ngả vàng (bằng máy đánh chữ cơ). Đây là bản Tóm tắt tiểu sử hoạt động nghệ thuật của Lê Quốc Lộc. Theo nguồn tư liệu này, chúng ta biết Lê Quốc Lộc đã học bàng thính từ năm 1936, nhưng do năm 1937 Trường MTĐD không tuyển sinh ngành Hội họa nên ông đã thi vào ban Sơn. Quả là có sự gián đoạn ngành Hội họa năm 1937. Theo Vũ Nhâm trong bài viết Việt Nam thế kỷ XX lược khảo về một số trường đào tạo mỹ thuật in trong Kỷ yếu Hội thảo Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ XX thì “Năm 1930 thành lập khoa sơn mài riêng”. Nhưng theo tài liệu của họa sỹ Lê Quốc Lộc, Ban Sơn được mở năm 1936. Theo Nguyễn Văn Uẩn, cho đến năm 1945, Ban Sơn của Trường MTĐD đã đào tạo được 15 người. Như vậy, họa sỹ Lê Quốc Lộc là một trong số 15 người đó. Trong 15 người này, 14 người còn lại là những ai, phải chăng lịch sử đã bỏ quên họ.

 

Nguyễn Văn Tỵ, Hội đình Chèm, 1940, sơn mài. Bảo tàng MTVN


Nối kết ba sự kiện này lại với nhau cho ta một hình dung đầy đủ hơn về bức tranh đào tạo của Trường Mỹ thuật Đông Dương thời đó. Đã 80 năm qua đi, chúng ta giờ đã kịp nhận ra những thành kiến về Mỹ thuật Ứng dụng vẫn còn khá dai dẳng. Nó ăn sâu vào cả lĩnh vực đào tạo và lịch sử nghệ thuật. Cho đến thời điểm này, việc loại bỏ một loại các tên tuổi của các kiến trúc sư, các nghệ sỹ tốt nghiệp từ các chuyên ngành mỹ thuật ứng dụng ra khỏi danh sách các cựu sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương trong các cuốn sách kỷ yếu của Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội mà nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam là một thiếu sót to lớn. Nhưng còn nguy hại hơn là việc cho rằng đào tạo mỹ thuật đỉnh cao thì phải tập trung vào hội họa và điêu khắc. Nhân 100 năm ngày sinh họa sỹ Lê Quốc Lộc, 80 năm Toàn quyền Brévié ký ban hành nghị định tái tổ chức trường Mỹ thuật Đông Dương thành Trường Cao đẳng Mỹ thuật và Nghệ thuật ứng dụng và  E. Jonchère nhậm chức Giám đốc xin được viết đôi dòng về sự kiện này. Tôi xin mượn ý kiến của họa sỹ Phan Bảo để dừng lại bài viết này ở đây: “Ý chí của ngài Jonchère kiên quyết đến mức khiến cho các họa sỹ oán thán cho đến tận ngày nay, cho rằng ông này độc địa và thiển cận, làm hại không kể xiết cho tốc độ phát triển của hội họa Việt Nam. Nhưng xét ra, về mặt phát huy cái bản sắc Đông Dương thì chưa chắc ngài Jonchère đã sai”5. Sự thực là khát vọng đào tạo nên những nghệ sỹ đích thực của ngài V.Tardieu vẫn được tiếp nối với những tên tuổi như Lê Quốc Lộc, Nguyễn Sỹ Ngọc, Huỳnh Văn Thuận, Trần Đình Thọ, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên… Những nghệ sỹ tài danh ấy đã minh chứng rằng mô hình song hành giữa mỹ thuật thuần túy và mỹ thuật ứng dụng không hề phương hại đến nhau.

Nhận xét