NHỮNG CÁCH THẤY

 

Tác phẩm Reclining Bacchante của Trutat ( 1824-1848)




Những cảnh khỏa thân đầu tiên của truyền thống hội họa châu Âu là để mô tả về Adam và Eve. Ở đây, có lẽ ta nên cùng nhau đọc lại câu chuyện về sự khỏa thân như được chép trong kinh Cựu ước .

Theo những cách sử dụng và định niệm cũ, tức những gì rốt cuộc đã bị đưa ra khảo sát, song chưa bao giờ được giải quyết rốt ráo, sự hiện diện xã hội của một phụ nữ không giống với sự hiện diện ấy của nam giới. Sự hiện diện xã hội của một nam giới phụ thuộc vào lời hứa hẹn quyền lực mà anh ta có thể đưa ra. Nếu hứa hẹn này là lớn lao và khả tín, sự hiện diện của anh ta sẽ trở nên nổi bật. Nếu nó nhỏ nhoi và đáng nghi ngờ, sự hiện diện ấy sẽ chìm nghỉm. Quyền lực được hứa hẹn ấy có thể là bất cứ thứ gì, về luân lý, vật lý, tính khí, tài chính, xã hội, hay tình dục- song nó luôn hướng ra phía ngoài. Sự hiện diện của một nam giới sẽ tỏ ra cho thấy rằng anh ta có thể làm những gì đối với bạn và cho bạn. Sự hiện diện ấy có thể có tính ngụy chế, theo nghĩa anh ta giả vờ có khả năng làm được điều gì đó mà thật ra là không thể. Song sự giả vờ này luôn là sự giả vờ về một quyền lực để thực thi lên kẻ khác

Trái lại, sự hiện diện xã hội của một phụ nữ luôn thể hiện thái độ của cô ta với bản thân (có tính nội chiếu), và cho thấy mong muốn của cô ta về việc người khác nên đối xử với cô ta thế nào. Sự hiện diện của phụ nữ thể hiện rõ trong động tác, giọng nói, quan điểm, sự biều lộ, trang phục, các đồ vật cô ta lựa chọn, hay khiếu thẩm mỹ của cô ta. Dù có làm bất cứ điều gì đi nữa, những điều ấy đều đóng góp vào sự hiện diện của cô ta. Sự hiện diện kiểu này của một phụ nữ là không thể tách rời với nhân cách nữ, tức cái nhân cách mà nam giới luôn có xu hướng hình dung về nó như thể một phong vị có thật , một kiểu hơi ( hơi đàn bà), mội mùi (mùi đàn bà) hay một bản chất.

Sinh ra là một phụ nữ, cũng có nghĩa rằng sinh ra trong một không gian được phân khu và giới hạn do nam giới bảo quản. Và rồi sự hiện diện xã hội của phụ nữ đã phát triển thành kết quả là khả năng tinh tế (đón ý) của họ khi sống dưới sự giám hộ của nam giới trong một không gian hạn hẹp như thế. Tuy nhiên, cái giá phải trả cho điều này là việc bản ngã của phụ nữ bị chia làm hai. Một phụ nữ sẽ luôn phải hình dung về bản thân. Cô ta sống mà luôn phải ý thức về hình ảnh của chính mình. Cô ta luôn nhớ đến hình ảnh ấy, thậm chí khi đi ngang qua căn phòng, hay khi khóc lóc trước sự qua đời của người cha. Từ những ngày thơ dại , cô đã được dạy và được thuyết phục rằng mình phải luôn quan sát bản thân

Và như thế, cô tiến đến việc coi kẻ quan sát và kẻ bị quan sát tồn tại trong chính bản thân cô như thể hai yếu tố, tuy luôn trái nghịch về chức năng, song lại cùng nhau cấu thiết nên căn tính phụ nữ của cô.

Cô phải quan sát mọi điều trong đời sống của cô, mọi điều cô làm bởi việc cô xuất hiện ra sao trong mắt người khác, và quan trọng nhất, trong mắt nam giới, là việc tối quan trọng và sẽ có ảnh hưởng tới sự thành công hay thất bại theo cách mọi người thường suy nghĩ, cho cuộc đời của cô. Cảm thức của cô về tồn tại của chính mình được nuôi dưỡng nhờ vào một cảm thức về chính cái tồn tại ấy, song được tạo hình hài trong mắt người khác.

Nam giới quan sát phụ nữ trước khi biết nên đối xử ra sao với họ. Hậu quả là việc một phụ nữ xuất hiện ra sao trước mắt nam giới có thể xác định việc cô ta sẽ được đối xử ra sao. Để phần nào làm chủ được việc mình được đối xử ra sao, phụ nữ sẽ phải chấp nhận và nội hóa quá trình quan sát này. Và như thế, cái bán-ngã quan sát của một phụ nữ sẽ thao tác với cái bán-ngã bị quan sát của họ sao cho người khác có thể thấy được bản ngã tổng thể của cô ta đang mong mỏi được đối xử ra sao. Và sự thao tác tập huấn này giữa bản thân phụ nữ với chính họ đã thiết tạo nên hiện diện của cô ta. Mọi sự hiện diện của phụ nữ đều tuân thủ theo logic của việc điều gì được và không được ‘cho phép”. Mỗi hành động của cô ta- bất kể với mục đích hay động cơ gì – đều được đọc như thể dấu chỉ cho việc cô ta muốn bị đối xử ra sao. Nếu một phụ nữ bực quá tung hê cả một mâm cơm đi, điều này sẽ tự động trở nên ví dụ trong mắt người khác về việc cô ta xử lý với cơn giận giữ của bản thân ra sao, và như thế, của việc mong muốn người khác ứng xử với chính cơn giận dữ ấy của cô ra sao. Nếu một gã nam giới điên tiết đập phá nhà cửa, hành động này sẽ chỉ được coi là sự thể hiện cơn giận dữ của gã mà thôi. Nếu một phụ nữ kể một câu chuyện cười hay ho, điều đó sẽ tự động trở nên ví dụ cho thái độ của cô ta với bản thân, và qua đó, cho việc, trong vai trò một phụ nữ-vui tính, cô muốn mọi người cư xử với mình ra sao. Chỉ nam giới mà thôi, mới có thể kể một câu chuyện cười chỉ để pha trò thuần túy.

Ta có thể diễn nôm điều này qua việc nói rằng: nam giới hành động, còn phụ nữ tỏ ra. Nam giới nhìn vào phụ nữ. Phụ nữ quan sát bản thân mình đang được nhìn vào. Điều này không chỉ xác định hầu hết các mối quan hệ giữa nam giới và phụ nữ, mà còn mối quan hệ giữa phụ nữ với bản thân họ. Cái bán-ngã quan sát tồn tại bên trong một người phụ nữ là giống đực, còn cái bán-ngã được quan sát sẽ là giống cái. Chính vì vậy, phụ nữ biến đổi bản thân thành một đối tượng- một đối tượng cụ thể nhất của thị năng: tức một thị cảnh

Trong khu vực tranh khỏa thân của hội họa sơn dầu châu Âu, đề tài phụ nữ chưa bao giờ ngừng là một đề tài quan trọng nhất. Trong các bức tranh khỏa thân của hội họa châu Âu, chúng ta có thể khám phá một số tiêu chuẩn và quy phạm mà khi bị rơi vào trong đó, phụ nữ luôn bị quy giản để chỉ còn là các thị cảnh.

Những cảnh khỏa thân đầu tiên của truyền thống hội họa châu Âu là để mô tả về Adam và Eve. Ở đây, có lẽ ta nên cùng nhau đọc lại câu chuyện về sự khỏa thân như được chép trong kinh Cựu ước :

Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn. 7 Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân…Ðức Chúa là Thiên Chúa gọi con người và hỏi: “Ngươi ở đâu? ” 10 Con người thưa: “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn…

Với người đàn bà, Chúa phán:”Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con. Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi.”

Điều đáng lưu ý thứ nhất trong đoạn này là việc, sau khi ăn quả táo theo lời dụ dỗ của con rắn, Adam và Eve đã phát hiện ra sự trần truồng của người kia. Như thế, sự trần truồng, ngay từ lúc nguyên khởi, đã được tạo ra trong tâm trí của kẻ nhìn.

Điều đáng lưu ý thứ hai là việc người phụ nữ bị nguyền rủa và nhận hình phạt bị nam giới thống trị. Trong mối quan hệ với phụ nữ, nam giới đã trở nên kẻ đại diện cho Chúa

Trong truyền thống Trung cổ câu chuyện này luôn được minh họa theo một bộ tranh nhiều tấm, tuần tự hết tấm này tới tấm khác.


Tác phẩm Fall and Expulsion from Paradise của Pol De Limbourg. Đầu thế kỷ 15

Trong thời Phục hưng, dạng chuyện kể tuần tự đã biến mất, và khoảnh khắc được chọn vẽ trong cảnh này chính là khoảnh khắc của sự ngượng ngùng. Cặp đôi Adam và Eve luôn xuất hiện với hai chiếc lá vả, hoặc đang lấy tay che đi chỗ kín. Song điều đáng lưu ý ở đây là việc; sự xấu hổ trong các bức tranh Phục hưng, không chỉ là giữa Adam và Eve với nhau, mà còn là giữa họ với người xem tác phẩm.


Tác phẩm Adam and Eve của Mabuse. Đầu thế kỷ 16

Về sau, chính khoảnh khắc này sẽ trở thành một tư thế xuất hiện

Khi truyền thống hội họa trở nên thế tục hóa, các chủ đề khác cũng được tạo ra thêm cho dạng hội họa khỏa thân. Song trong tất cả chủ đề mới này, nhân vật nữ khỏa thân luôn ở trong tình trạng ý thức rằng mình đang được một công chúng nhìn ngắm


Cô ta không trần truồng một cách hồn nhiên Cô trần truồng trước cặp mắt của kẻ nhìn ngắm

Tình trạng ý thức về việc cơ thể trần truồng của mình đang được ngắm nhìn – nhất là trong đề tài được ưa chuộng về Susannah và các trưởng lão (1)- thường xuyên là chủ đề trực tiếp của bức tranh. Người xem dường như đang cùng tham gia với các trưởng lão vào vụ rình trộm nàng Susannah tắm, bởi nàng luôn nhìn thẳng vào người xem chúng ta. Trong một tác phẩm cũng về đề tài này của Tintoretto, Susannah không nhìn vào người xem, mà nhìn vào một tấm gương, và qua đó, bản thân nàng, cùng với chúng ta, đều trở thành kẻ đang nhìn ngắm cơ thể trần truồng của nàng.


Susanah và các trưởng lão, Tintorreto

Tấm gương luôn được sử dụng với vai trò biểu tượng cho sự phù phiếm của phụ nữ. Tuy nhiên, sự lên giọng đạo đức ở đây ( qua việc phán xét sự phù phiếm của phụ nữ) là có tính đạo đức giả [ đề tài về vanity, tức về sự phù phiếm, phù du của cuộc đời là một trong những đề tài quan trọng của hội họa truyền thống châu Âu-ND)

Bạn vẽ một phụ nữ trần truồng bởi bạn thích thú nhìn ngắm cô ta, thế rồi bạn đặt cái gương soi vào tay cô ta và gọi bức tranh của bạn là thuộc dạng hội họa miêu tả các chủ đề phù phiếm, qua đó kết án về mặt đạo đức người phụ nữ ấy, tức người mà thân thể trần truồng của cô ta được bạn miêu tả nhằm phục vụ cho sự thỏa mãn của chính bạn.

Thật ra, chức năng thực của tấm gương ở đây sở hữu một ý nghĩa khác. Nó có mục đích khuyến khích ngầm người nữ coi bản thân, trước hết và đầu tiên, như một thị cảnh

Sự phân xử của Paris (2) là một chủ đề khác có ngầm ý tương tự về việc một người đàn ông, hay nhiều người đàn ông nhìn ngắm cơ thể trần truồng của người nữ


Sự phân xử của Paris

Song ở đây đã có một yếu tố mới được thêm vào. Yếu tố của sự phân xử. Paris sẽ thưởng quả táo vàng cho người phụ nữ nào mà chàng thấy là đẹp nhất. Bởi vậy, Cái đẹp đã trở nên có tính cạnh tranh (Dị bản hiện đại của cuộc phân xử của Paris ngày nay chính là các cuộc thi sắc đẹp) . Người nào không được phán quyết là đẹp thì sẽ không đẹp. Người đẹp sẽ có giải thưởng.

Giải thưởng có được nhờ vào một phán quyết – có thể hiểu là, được nam giới ban ra. Vua Charles đệ nhị đã đặt hànghọa sĩ Lely vẽ một bức tranh bí mật. Đây là một hình ảnh rất tiêu biểu của truyền thống. Về mặt chính danh, tên của nó là Venus and Cupid, song thực chất, đây là chân dung một trong những người tình của nhà vua, NeLL Gwynne. Bức tranh thể hiện nàng đang ngượng ngùng nhìn vào người xem, là kẻ giả định đang ngắm nhìn nàng.


Venus and Cupid, Lely

Sự trần truồng này của người mẫu, tuy thế, không hề biểu lộ về cảm xúc của nàng; đây là một thị cảnh về sự tuân phục của cô gái đối với cảm xúc hay đòi hỏi nơi người sở hữu cô ta (là ông chủ của cả bức tranh lẫn người mẫu). Nhà vua trưng bày bức tranh cho người khác xem để chứng minh về sự tuân phục này, và qua đó, làm cho họ ghen tị.

Đáng lưu ý rằng trong các truyền thống phi Châu Âu – trong nghệ thuật Ấn độ, Ba tư, hay tiền Cô-lum-bia – sự trần truồng không bao giờ được miêu tả theo một kiểu ẻo lả như thế này. Và nếu như, trong các truyền thống này, chủ đề của tác phẩm là sự quyến rũ tình dục, nó dường như thích phô bày ra các hành vi tình dục chủ động giữa hai người, và ở đây, phụ nữ cũng chủ động ngang với nam giới. Cả hài đều miệt mài chú tâm vào nhau (không quan tâm tới người xem) .

Giờ đây, chúng ta sẽ bắt đầu thấy được sự khác biệt giữa sự trần truồng (nakedness) và sự khỏa thân ( Nudity) trong truyền thống nghệ thuật châu Âu. Trong cuốn sách nghiên cứu về khỏa thân, có tên Khỏa thân của mình, Kenneth Clark đã quả quyết rằng, trần truồng chỉ là việc cởi bỏ quần áo, trong khi khỏa thân là một hình thức nghệ thuật. Theo ông, miêu tả sự khỏa thân không phải là mục đích chính của bức tranh. Mục đích chính của nó là làm sao thông qua sự khỏa thân, đạt tới một cách thấy có tính hội họa. Ở một vài góc độ, điều này là đúng – mặc dù cách thấy một sự “khỏa thân” không nhất thiết là cách thấy chỉ thuộc phạm vi nghệ thuật hội họa; bởi còn có cả các bức ảnh khỏa thân, các điệu bộ khỏa thân, các động thái khỏa thân. Thật ra, sự thật ở đây chỉ là việc, sự khỏa thân luôn mang tính quy phạm- và thẩm quyền của những quy phạm ấy được sinh ra từ một truyền thống nghệ thuật nào đó

Ý nghĩa của những quy phạm này là gì? Có nghĩa là, một sự khỏa thân nói lên điều gì? Rất khó có thể trả lời được câu hỏi này nếu chỉ giới hạn sự khỏa thân trong phạm vi một hình thức nghệ thuật, bởi rõ ràng là nó còn có sự liên quan tới tính dục một cách trực tiếp

Trần truồng luôn là hành vi tự thân

Khỏa thân là trần truồng trong mắt người khác, và do đó, không còn là một hành vi tự thân. Một thân thể trần truồng, phải trở nên một đối tượng trong mắt người khác, thì mới được gọi là khỏa thân (Ở đây, sự trần truồng trở nên một thị cảnh, qua đó, trở nên một đối tượng nhìn, và do đó, kích thích người xem thấy sự trần truồng ấy trong vai trò một đối tượng nhìn). Sự trần truồng hướng vào tự thân. Sự khỏa thân luôn có tính trình diễn ra ngoài

Trần truồng là không bị che phủ bất cứ thứ gì

Sự trình diễn ra ngoài (của một cơ thể khỏa thân) luôn như thể một sự ngụy trang, với lớp da người khác, mái tóc người khác, dính liền vào với cơ thể đang khỏa thân. Khỏa thân không bao giờ có thể là trần truồng.

Sự khỏa thân là một hình thức của vận trang phục.

—-

chú thích:

1- Đây là câu chuyện kể về hai trưởng lão thiếu đạo đức đã đe dọa tố cáo Susanna, người vợ xinh đẹp của một người Do Thái gốc Babylon danh vọng, rằng nếu nàng không ưng chịu họ thì họ tố cáo đã thấy nàng trong vòng tay của tình nhân. Khi bị cự tuyệt, họ đã tố cáo nàng tội ngoại tình, và bằng chứng từ miệng hai nhân chứng này, nàng bị kết án tử hình. Tuy nhiên có một thanh niên tên là Đaniên đã cắt ngang vụ án này và đã tra hỏi riêng lẽ hai nhân chứng này. Chàng yêu cầu từng người đến nhận diện gốc cây mà đã bảo là thấy Susanna và người mà họ cho là tình nhân của nàng. Bị phản cung bởi những câu trả lời không nhất quán của mình, hai trưởng lão tội lỗi này bị kết án tử hình, còn Susanna được thoát chết-ND

2-Theo sử thi Illiad, do bất mãn vì không được mời dự hôn lễ của nữ thần biển Thetis-con gái lão thần biển Nere và chàng Peleus – con trai thần Zeus, nữ thần Bất hoà Eris đã lấy một quả táo vàng trong vườn của các nàng Hesperite, ghi lên đó dòng chữ “Tặng vị nữ thần đẹp nhất” rồi ném nó vào bàn tiệc. Cuộc tranh cãi giữa 3 vị nữ thần, Hera – vợ thần Zeus, Athena – nữ thần trí tuệ và Aphrodite – nữ thần tình yêu, để giành quả táo diễn ra quyết liệt. Cuối cùng, họ phải nhờ đến người phân xử là hoàng tử Paris, con vua Priam của thành Troia. Ba vị nữ thần đưa ra điều kiện như sau: Athena sẽ giúp chàng trở thành chiến binh bất khả chiến bại, Hera sẽ giúp chàng có được quyền lực, còn Aphrodite sẽ giúp chàng có được một người vợ xinh đẹp nhất thế gian. Cuối cùng, Paris đã chọn Aphrodite. Thua cuộc, Hera và Athena thề sẽ tiêu diệt thành Troia, nơi cha của Paris đang trị vì. Aphrodite thực hiện lời hứa bằng cách đánh cắp Helen – vợ vua Menelaus xứ Sparta. Và Chiến tranh thành Troi bắt đầu từ đó-ND
(Như Huy dịch từ: Ways of Seeing, John Berger, Peinguin Books published 2008) 

Nhận xét